Bệnh Tự Miễn

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Phạm Thị Minh Dương | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Bệnh tự miễn là một phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch đối với một phần khỏe mạnh của cơ thể. Điều này khiến các tế bào hoặc cơ quan đang hoạt động bị tổn thương. Bệnh có ít nhất 80 loại khác nhau nhưng hầu hết đều tiến triển ở thể mãn tính, khó kiểm soát, triệu chứng nghiêm trọng và không thể chữa khỏi hoàn toàn.

Bệnh tự miễn
Tìm hiểu bệnh tự miễn là gì? Chữa được không? Các loại thường gặp và triệu chứng

Bệnh tự miễn là gì?

Bệnh tự miễn là một nhóm các bệnh lý phát sinh từ phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch đối với một phần khỏe mạnh của cơ thể. Điều này gây tổn thương và làm ảnh hưởng đến những tế bào hoặc/ và cơ quan đang hoạt động.

Theo kết quả nghiên cứu, có ít nhất 80 loại bệnh tự miễn và gần như bất kỳ bộ phận khỏe mạnh nào của cơ thể cũng có thể bị ảnh hưởng. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương, cơ chế và đặc điểm của từng thể bệnh, người bệnh sẽ có những biểu hiện liên quan đến khớp, da, mạch máu, thần kinh, cơ quan nội tạng.

Ngoài ra cơ thể mệt mỏi, suy nhược và sốt nhẹ cũng là những triệu chứng phổ biến. Những triệu chứng của bệnh thường bùng phát mạnh mẽ và biến mát nhanh sau đó. Tuy nhiên chúng có thể tái phát nhiều lần và gây ra các tổn thương vĩnh viễn.

Hiện tại vẫn chưa rõ nguyên nhân khiến hệ thống miễn dịch bị rối loạn dẫn đến các bệnh tự miễn. Tuy nhiên một số bệnh như lupus, viêm khớp dạng thấp có tính chất gia đình. Một số trường hợp khác xảy ra do nhiễm trùng và do sự tác động của nhiều nguyên nhân khác. Thông thường để điều trị, bác sĩ sẽ dựa vào mức độ nghiêm trọng và phân loại của từng tình trạng.

Các loại bệnh tự miễn thường gặp

Có ít nhất 80 bệnh tự miễn khác nhau. Tuy nhiên dưới đây là những loại thường gặp nhất:

1. Bệnh viêm khớp dạng thấp (RA)

Bệnh viêm khớp dạng thấp (RA) còn được gọi là viêm đa khớp dạng thấp. Đây là một trong những bệnh tự miễn thường gặp nhất. Trong bệnh lý này, hệ thống miễn dịch tấn công vào những tế bào tạo nên sụn và khớp của cơ thể dẫn đến viêm tại chỗ. Từ đó gây sưng, nóng, đỏ, đau khớp và nhiều tổn thương nghiêm trọng khác.

Hơn thế các nghiên cứu cho thấy, bệnh viêm khớp dạng thấp có ý nghĩa với các bệnh ung thư tăng sinh hệ bạch huyết và những bệnh ung thư khu trú khắp cơ thể. Điều này xảy ra là do tình trạng viêm mãn tính, sự kích hoạt và phản ứng quá mức của hệ miễn dịch hình thành môi trường chứa các điều kiện thuận lợi cho những tế bào biến đổi ác tính. Tuy nhiên không loại ung thư nào bị ảnh hưởng trực tiếp bởi viêm khớp.

Để nhận biết bệnh viêm khớp dạng thấp, người bệnh có thể dựa vào những dấu hiệu sau:

  • Dấu hiệu ở khớp: Sưng đỏ khớp, cưng khớp, đau nhức, nóng da.
  • Dấu hiệu ở những cơ quan khác: Có nốt thấp nổi gồ trên bề mặt da, viêm màng phổi, đau ngực, viêm ngoài màng tim, khàn giọng, vấn đề ở mắt (đỏ mắt, đau mắt, khô mắt).
  • Triệu chứng toàn thân: Chán ăn, sụt cân, nhức mỏi cơ toàn thân, cơ thể mệt mỏi, suy nhược, trì trệ.
Bệnh viêm khớp dạng thấp (RA)
Trong bệnh viêm khớp dạng thấp (RA), hệ thống miễn dịch tấn công vào những tế bào tạo nên sụn và khớp của cơ thể

2. Bệnh lupus ban đỏ hệ thống

Trong các bệnh tự miễn, bệnh lupus ban đỏ hệ thống cũng là một bệnh thường gặp, chủ yếu phát sinh do yếu tố gia đình. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công vào các mô khỏe mạnh của cơ thể dẫn đến sưng, viêm và tổn thương. .

Bệnh lupus ban đỏ hệ thống gây tổn thương nhiều hệ thống cơ quan (khớp, da, máu, tim, phổi, thận, não) và được đặc trưng bởi hiện tượng mất khả năng dung nạp miễn dịch cơ thể trên diện rộng.

Hiện tại không có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh lupus. Tuy nhiên người bệnh cần áp dụng các phương pháp kiểm soát triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Điều này giúp hạn chế một số biến chứng nghiêm trọng như ung thư, nhiễm trùng, hoại tử vô mạch, tiền sản giật và sinh non ở phụ nữ mang thai, tăng nguy cơ tử vong…

Những triệu chứng nhận biết bệnh lupus ban đỏ hệ thống gồm:

  • Viêm khớp
  • Sưng khớp
  • Co giật
  • Đau đầu
  • Phát ban ở má và mũi với hình dạng cánh bướm
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi nghiêm trọng
  • Đau ngực khi hít thở sâu
  • Thiếu máu
  • Rụng tóc
  • Nhạy cảm với ánh sáng mặt trời
  • Hội chứng Raynaud
  • Có vấn đề về đông máu

3. Bệnh viêm khớp vảy nến/ bệnh vảy nến

Bệnh viêm khớp vảy nến là một dạng viêm khớp xảy ra sau quá trình chẩn đoán bệnh vảy nến (còn được gọi là biến chứng của bệnh vảy nến). Đây là một loại viêm khớp tự miễn, tiến triển ở thể mãn tính, có triệu chứng bùng phát theo từng đợt. Đối với những trường hợp nặng, người bệnh có thể bị tổn thương cấu trúc khớp/ xương vĩnh viễn dẫn đến tàn phế.

Bệnh tự miễn này được phân thành nhiều loại khác nhau, bao gồm:

  • Viêm khớp đối xứng
  • Viêm khớp không đối xứng
  • Viêm các khớp liên đốt xa
  • Viêm khớp trục
  • Viêm khớp ngoại biên biến dạng nặng

Phụ thuộc vào phân loại, các triệu chứng nhận biết bệnh viêm khớp vảy nến thường bao gồm:

  • Sưng to ở các ngón tay và ngón chân
  • Đau lưng dưới
  • Đau chân
  • Cứng và đau khớp
  • Xuất hiện các mảng da có vảy
  • Bong tróc da đầu
  • Móng tay rỗ
  • Đỏ mắt
  • Móng tay bị tách khỏi phần thịt bên dưới
  • Đau cơ và gân
  • Thường xuyên mệt mỏi
Bệnh viêm khớp vảy nến
Bệnh viêm khớp vảy nến là một loại viêm khớp tự miễn, tiến triển ở thể mãn tính, có triệu chứng bùng phát theo từng đợt

4. Bệnh đa xơ cứng

Bệnh đa xơ cứng (MS) còn được gọi là viêm cơ não lan tỏa – một bệnh tự miễn có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là não. Bệnh thể hiện cho tình trạng lớp vỏ cách điện của những tế bào thần kinh trong tủy sống và trong não bị thoái hóa/ hư hỏng.

Sự hư hỏng khiến khả năng dẫn truyền tín hiệu của một hoặc nhiều bộ phận trong hệ thần kinh bị gián đoạn dẫn đến một loạt tổn thương và triệu chứng. Trong đó có những vấn đề về thể chất, mắt và thần kinh, cụ thể:

  • Rối loạn hoặc mất cảm giác
  • Tê, ngứa ran hoặc cảm giác như kim châm
  • Giảm khả năng phối hợp
  • Mù lòa ở một mắt
  • Nhìn đôi
  • Yếu cơ
  • Co thắt cơ
  • Khó cử động
  • Các vấn đề về nói và nuốt
  • Đau cấp tính hoặc mãn tính
  • Thường xuyên mệt mỏi
  • Rối loạn kiểm soát bàng quang và ruột
  • Tâm trạng không ổn định hoặc trầm cảm

Không rõ nguyên nhân gây bệnh đa xơ cứng. Tuy nhiên các chuyên gia tin rằng bệnh có thể xảy ra do sự kết hợp của yếu tố di truyền và những tác nhân lây nhiễm trong môi trường.

5. Bệnh viêm ruột

Bệnh viêm ruột (IBD) là một bệnh tự miễn thể hiện cho tình trạng viêm của ruột non và ruột kết (ruột già). Bệnh được phân thành nhiều loại khác nhau. Trong đó viêm loét đại tràng và bệnh Crohn là những loại chính của bệnh.

Viêm loét đại tràng chủ yếu làm ảnh hưởng đến trực tràng và ruột kết. Trong khi bệnh Crohn làm ảnh hưởng đến cả ruột kết, ruột non, miệng, dạ dày, thực quản và hậu môn. Bệnh viêm ruột (IBD) xảy ra do di truyền và sự tương tác giữa những yếu tố môi trường dẫn đến các phản ứng miễn dịch, đau và viêm trong ruột.

Những triệu chứng thường gặp gồm:

Bệnh viêm ruột
Bệnh viêm ruột là tình trạng viêm của ruột non và ruột kết, thường gặp gồm viêm loét đại tràng và bệnh Crohn

6. Bệnh Celiac

Đây là một chứng rối loạn miễn dịch lâu dài chủ yếu làm ảnh hưởng đến ruột non. Trong bệnh Celiac, phản ứng tự miễn dịch xảy ra do khả năng dung nạp miễn dịch của cơ thể đối với gluten trong thực phẩm bị mất đi. Bệnh lý này cần được điều trị càng sớm càng tốt vì có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đường tiêu hóa.

Bệnh Celiac gây ra những triệu chứng nghiêm trọng sau:

  • Chướng bụng
  • Kém hấp thu
  • Tiêu chảy mãn tính
  • Chán ăn
  • Trẻ phát triển không bình thường

7. Bệnh xơ cứng bì

Xơ cứng bì là những bệnh tự miễn kéo dài làm tổn thương , mô liên kết, mạch máu, da và những cơ quan nội tạng. Tùy theo mức độ độ nghiêm trọng, tổn thương có thể chỉ khu trú trên da hoặc nhanh chóng lan rộng đến các cơ quan khác.

Bệnh tiến triển ở nhiều dạng khác nhau, bao gồm: Bệnh xơ cứng bì khu trú, xơ cứng bì hệ thống, giả xơ cứng bì, giả xơ cứng bì do hóa chất. Để nhận biết bệnh xơ cứng bì, người bệnh có thể dựa vào những triệu chứng sau:

  • Hội chứng Raynaud
    • Da ở đầu chi đổi màu (nhợt nhạt, xanh tái, tím tái) khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh.
  • Tổn thương cơ xương
    • Đau nhức cơ
    • Tăng men cơ trong huyết thanh
    • Yếu cơ
    • Viêm cơ
    • Tổn thương khớp
    • Hội chứng ống cổ tay
    • Mất hoặc giảm khả năng vận động khớp
    • Giảm đường kính các sợi cơ và số lượng mao mạch
  • Tổn thương da
    • Da căng và cứng
    • Tổn thương da có hình bầu dục, bao phủ toàn bộ thân và chi hoặc dọc theo cơ thể
    • Mất sắc tố da
    • Mất nếp nhăn trên da
    • Lắng đọng calci ở mô mềm dẫn đến loét và ngứa da
    • Loét và hoại tử da do hội chứng Raynaud kéo dài
  • Tổn thương tim
    • Đánh trống ngực
    • Nhịp tim không đều
    • Suy tim sung huyết
    • Ngất xỉu
    • Tăng huyết áp
  • Tổn thương ở phổi
    • Bệnh phổi kẽ tiến triển dẫn đến ho dai dẳng và ho khan
    • Đau ngực do tăng áp động mạch phổi
    • Khó thở
  • Tổn thương ở tiêu hóa
    • Đầy bụng
    • Khó tiêu
    • Chán ăn
    • Trào ngược dạ dày thực quản
    • Chảy máu dạ dày
    • Nhiễm khuẩn ruột
    • Tiêu chảy xen kẽ với táo bón
  • Tổn thương thần kinh
    • Rối loạn tâm thần
    • Tổn thương dây tam thoa (dị cảm, đau đối xứng)
    • Tổn thương hệ thần kinh trung ương
  • Tổn thương ở miệng
  • Tổn thương ở cơ quan sinh dục
  • Tổn thương hệ nội tiết
  • Hội chứng Crest
Bệnh xơ cứng bì
Bệnh xơ cứng bì gây đau nhức cơ, tổn thương khớp, da ở đầu chi đổi màu khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh

8. Thiếu máu bất sản

Đối với những người bị thiếu máu bất sản, cơ thể kém hoạt động và không sản xuất đủ số lượng tế bào máu. Từ đó gây ra tình trạng thiếu hụt tất cả các tế bào máu, bao gồm bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu.

Một số dấu hiệu nhận biết bệnh thiếu máu bất sản gồm:

  • Thiếu máu dẫn đến nhịp tim nhanh, da xanh xao, thường xuyên mệt mỏi.
  • Tiểu cầu thấp làm tăng nguy cơ chảy máu, bầm tím và xuất hiện chấm xuất huyết.
  • Tế bào bạch cầu thấp khiến nguy cơ nhiễm trùng tăng cao.

9. Bệnh tiểu đường tuýp 1

Bệnh tiểu đường tuýp 1 cũng là một trong những bệnh tự miễn thường gặp. Tuyến tụy có nhiệm vụ sản xuất hormone insulin giúp trung hòa và điều chỉnh lượng đường trong máu. Đối với những bệnh nhân bị đái tháo đường tuýp 1, hệ thống miễn dịch sẽ liên tục tấn công và phá hủy những tế bào khỏe mạnh chuyên sản xuất insulin trong tuyến tụy.

Sự phá hủy tế bào sản sinh insulin khiến lượng đường trong máu tăng cao. Điều này gây ra những tổn thương trong các mạch máu và những cơ quan quan trọng như thần kinh, mắt, tim, thận.

10. Các bệnh tự miễn thường gặp khác

Ngoài những bệnh lý nêu trên, một số bệnh tự miễn dưới đây cũng xảy ra khá phổ biến, bao gồm:

  • Thiếu máu ác tính
  • Viêm mạch máu tự miễn
  • Bệnh nhược cơ
  • Viêm tuyến giáp Hashimoto
  • Hội chứng Sjögren (ảnh hưởng đến các tuyến cung cấp chất bôi trơn cho miệng và mắt)
  • Bệnh Graves (ảnh hưởng đến tuyến giáp ở cổ)
  • Bệnh Addison (ảnh hưởng đến tuyến thượng thận)
Các bệnh tự miễn thường gặp khác
Thiếu máu ác tính, viêm mạch máu tự miễn, bệnh nhược cơ, viêm tuyến giáp Hashimoto… là các bệnh tự miễn thường gặp

Triệu chứng và dấu hiệu của bệnh tự miễn

Phụ thuộc vào vị trí và loại phản ứng tự miễn dịch, các triệu chứng và dấu hiệu sẽ khác nhau ở mỗi người. Tuy nhiên những dấu hiệu thường gặp gồm:

  • Sốt nhẹ nhưng kéo dài và thường xuyên tái phát
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Đau cơ
  • Đau khớp
  • Viêm và cứng khớp
  • Phát ban trên nhiều vùng da khác nhau
  • Thường xuyên khó chịu
  • Thay đổi nhu động ruột
  • Sưng cổ họng và các tuyến ở khớp
  • Nổi mề đay, ngứa da

Những khu vực/ cơ quan thường bị ảnh hưởng bởi những bệnh tự miễn gồm:

  • Mạch máu
  • Mô liên kết bên dưới
  • Khớp
  • Tế bào hồng cầu
  • Da
  • Các tuyến nội tiết (cụ thể như tuyến tụy và tuyến giáp)

Nguyên nhân gây bệnh tự miễn

Không rõ nguyên nhân gây bệnh tự miễn. Tuy nhiên sự rối loạn của hệ thống miễn dịch có thể liên quan đến những yếu tố sau:

  • Di truyền học: Ở mỗi bệnh tự miễn, các gen chính xác vẫn chưa được tìm thấy. Tuy nhiên quét liên kết toàn bộ bộ gen và một số phương pháp thử nghiệm khác đã được sử dụng để chỉ ra những biến thể nguy cơ di truyền nhất định có liên quan đến bệnh hoặc không. Yếu tố di truyền cho phép các nhà khoa học hiểu sâu và rõ hơn về căn nguyên của những bệnh tự miễn, điển hình như bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh tiểu đường tuýp 1.
  • Yếu tố môi trường: Các yếu tố môi trường đã được nghiên cứu và công nhận là chất xúc tác hoặc là yếu tố có vai trò trực tiếp trong sự phát triển của những bệnh tự miễn dịch. Cụ thể như:
    • Nhiễm trùng
    • Chế độ ăn uống
    • Hóa chất
    • Rối loạn sinh học đường ruột
Di truyền học
Bất thường trong bộ gen làm tăng nguy cơ rối loạn của hệ thống miễn dịch và gây ra các bệnh tự miễn nguy hiểm

Chẩn đoán bệnh tự miễn

Thông thường bác sĩ chuyên khoa sẽ bắt đầu quá trình chẩn đoán bệnh tự miễn bằng việc xem xét tiền sử gia đình bệnh nhân và triệu chứng. Điều này giúp tìm khuynh hướng di truyền. Ngoài ra xét nghiệm máu kiểm tra các yếu tố khác nhau cũng sẽ được chỉ định kết hợp. Bởi không có xét nghiệm đơn lẻ nào có khả năng xác định được bệnh tự miễn dịch.

Những xét nghiệm cần được thực hiện:

  • Công thức máu hoàn chỉnh: Xét nghiệm này cho phép kiểm tra số lượng, mức độ trưởng thành và kích thước của những tế bào máu. Từ đó xác định số lượng tế bào tăng hoặc giảm và tìm kiếm những bệnh lý tiềm ẩn.
  • Kháng thể kháng nhân: Kiểm tra kháng thể kháng nhân cho phép bác sĩ xác định các protein bất thường. Chúng được tạo ra khi hệ miễn dịch tấn công vào các mô của cơ thể.
  • Bổ thể trong máu: Đây là một xét nghiệm được dùng để đo mức độ ảnh hưởng của một nhóm protein của hệ thống miễn dịch. Thông thường bổ thể trong máu là dấu hiệu của bệnh nếu chúng được tìm thấy ở mức độ thấp.
  • Protein phản ứng C: Protein phản ứng C là một loại protein được sản sinh trong gan. Khi cơ thể bị viêm, protein này sẽ có xu hướng tăng lên và thường cao trong bệnh tự miễn dịch.
  • Tốc độ lắng của tế bào máu: Kiểm tra tốc độ lắng của tế bào máu trong ống nghiệm cho phép bác sĩ đo tốc độ tế bào máu giảm xuống của bệnh nhân. Xét nghiệm này có thể cho thấy tình trạng viêm nếu các chất làm khô nhanh hơn. Đây là một dấu hiệu phổ biến của bệnh miễn dịch.

Bệnh tự miễn có chữa được không?

Hầu hết các bệnh tự miễn là bệnh mãn tính, không có phương pháp điều trị dứt điểm. Tuy nhiên việc điều trị có thể giúp kiểm soát và ngăn tổn thương tiến triển nhanh, giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Phương pháp điều trị bệnh tự miễn

Thông thường quá trình điều trị và các phương pháp được áp dụng sẽ dựa vào mức độ nghiêm trọng và phân loại của tình trạng, mục đích của các phương pháp điều trị. Cụ thể: Giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng đã xuất hiện, điều khiển phản ứng tự miễn dịch của cơ thể trong khi khả năng chống bệnh của bệnh nhân vẫn được duy trì.

Để đạt mục đích điều trị, bác sĩ thường ưu tiên lựa chọn những phương pháp điều trị truyền thống. Điền hình như sử dụng thuốc ức chế miễn dịch nhằm khiến phản ứng miễn dịch tổng thể bị suy yếu, từ đó hạn chế phản ứng viêm trong cơ thể.

Các thuốc thường được sử dụng gồm:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Dùng để giảm viêm, đặc biệt là viêm và sưng khớp.
  • Glucocorticoid: Dùng để giảm viêm và tăng khả năng chữa lành tổn thương.
  • Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs): Thuốc này được sử dụng để giảm bớt những tác động làm tổn thương mô và các cơ quan quan trọng của phản ứng tự miễn dịch viêm.
  • Corticosteroid: Thuốc này có tác dụng ức chế hệ miễn dịch, chống dị ứng, ngăn chặn phát sinh và giảm viêm, hạn chế đau do viêm.

Những phương pháp điều trị tiêu chuẩn khác:

  • Truyền máu: Truyền máu nếu bệnh tự miễn có liên quan đến quan hệ huyết thống.
  • Bổ sung hormone hoặc vitamin: Bệnh nhân được yêu cầu bổ sung hormone hoặc vitamin khi cơ thể bị thiếu hụt do bệnh tự miễn. Điển hình như hormone tuyến giáp, insulin, vitamin B12…
  • Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu được áp dụng nếu các bệnh tự miễn dịch làm ảnh hưởng đến cơ, xương hoặc/ và khớp.

Những phương pháp nêu trên được áp dụng cho hầu hết các bệnh nhân nhờ khả năng kiểm soát tốt bệnh lý. Tuy nhiên việc dùng những loại thuốc ức chế miễn dịch có thể gây ra những tác dụng phụ, điển hình như tăng nguy cơ nhiễm trùng khiến tính mạng bị đe dọa.

Chính vì thế, tùy thuộc vào tình trạng, mục đích chữa bệnh và khả năng đáp ứng của mỗi bệnh nhân, những phương pháp điều trị khác có thể được xem xét, bao gồm:

  • Sử dụng các kháng thể đơn dòng: Phương pháp này được áp dụng để ngăn chặn các cytokine gây viêm.
  • Liệu pháp miễn dịch đặc hiệu với kháng nguyên: Liệu pháp này cho phép những tế bào miễn dịch được ổn định. Đồng thời nhắm vào mục tiêu cụ thể là những tế bào bất thường làm phát sinh bệnh tự miễn.
  • Phong tỏa đồng kích thích hoạt động: Phương pháp này giúp loại bỏ những điều kiện gây ra phản ứng tự miễn dịch.
  • Liệu pháp điều hòa tế bào T: Liệu pháp điều hòa tế bào T là phương pháp sử dụng loại tế bào T đặc biệt để tác động và ngăn chặn phản ứng tự miễn dịch.
Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch
Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch là phương pháp điều trị truyền thống ở những bệnh nhân mắc bệnh tự miễn

Theo dõi diễn tiến và tái khám

Bệnh nhân mắc bệnh miễn dịch được yêu cầu theo dõi diễn tiến bệnh và các triệu chứng trong suốt quá trình điều trị và sau khi điều trị. Ngoài ra người bệnh cần tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát bệnh lý chặt chẽ, đánh giá khả năng điều trị và sớm phát hiện những bất thường. Từ đó có những phương pháp xử lý nhanh và hiệu quả nhất.

Thông thường bệnh nhân sẽ được yêu cầu tái khám định kỳ 1 – 3 tháng/ lần trong 2 năm đầu và 1 – 2 lần/ năm trong những năm tiếp theo.

Phương pháp phòng ngừa bệnh tự miễn

Không có phương pháp ngăn ngừa hoàn toàn bệnh tự miễn. Tuy nhiên những cách dưới đây có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh. bao gồm:

  • Duy trì chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Nên ưu tiên những loại thực phẩm xanh và sạch. Ngoài ra cần tăng cường bổ sung vitamin C để bảo vệ hệ miễn dịch và hạn chế các bệnh tự miễn.
  • Nghỉ ngơi điều độ, ngủ đủ giấc và uống nhiều nước.
  • Hạn chế hút thuốc lá và ăn những loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, chất béo…
  • Tránh thừa cân béo phì.
  • Duy trì vận động và chơi thể thao mỗi ngày để tăng cường miễn dịch, nâng cao sức khỏe tổng thể và độ chắc khỏe của hệ xương khớp. Từ đó hạn chế những tổn thương do bệnh miễn dịch.
  • Chăm sóc vết thương và vệ sinh cơ thể mỗi ngày để phòng ngừa nhiễm trùng.
  • Nếu nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ (yếu tố di truyền, nhiễm trùng…), bạn cần khám sức khỏe định kỳ 1 – 2 lần/ năm. Điều này giúp sớm phát hiện ra những bệnh lý liên quan đến rối loạn hệ thống miễn dịch.
Duy trì chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng
Duy trì chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để duy trì hệ miễn dịch và sức khỏe tổng thể, phòng ngừa bệnh tự miễn

Bệnh tự miễn được phân thành nhiều loại. Tuy nhiên phần lớn các trường hợp hợp đều nghiêm trọng, tiến triển ở thể mãn tính và không thể điều trị dứt điểm. Hơn thế, bệnh gây tổn thương các cơ quan nội tạng và làm tăng nguy cơ tử vong.

Do đó nếu có bất thường hoặc nghi ngờ bản thân mắc bệnh tự miễn, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để được kiểm tra và tư vấn điều trị. Từ đó áp dụng các phương pháp phù hợp, kiểm soát tốt bệnh lý và hạn chế biến chứng.

Câu hỏi liên quan
Bệnh Lupus Ban Đỏ Có Ngứa Không
Ở da, lupus ban đỏ có thể gây phát ban, lở loét, dày hoặc đỏ da. Tuy nhiên bệnh lupus ban đỏ có ngứa không, người bệnh có thể tham khảo một số thông tin trong bài viết và có ...
Xem chi tiết
Bệnh Lupus Ban Đỏ Có Sinh Con Được Không
Bị bệnh lupus ban đỏ có sinh con được không là thắc mắc chung của nhiều bệnh nhân. Bởi lupus ban đỏ là một bệnh lý nghiêm trọng, gây tổn thương đa cơ quan và dễ phát sinh biến chứng. ...
Xem chi tiết
Lupus Ban Đỏ Có Lây Không
Bệnh lupus ban đỏ có lây không là thắc mắc của hầu hết người bệnh trong việc cố gắng điều trị và phòng ngừa các triệu chứng. Do đó, người bệnh có thể tìm hiểu một số thông tin cơ ...
Xem chi tiết
Bệnh Lupus Ban Đỏ Có Di Truyền Không
Có rất nhiều thắc mắc xung quanh vấn đề bệnh lupus ban đỏ có di truyền không và làm thế nào để phòng ngừa. Người bệnh có thể tham khảo các thông tin cơ bản trong bài viết để có ...
Xem chi tiết
Bệnh Lupus Ban Đỏ Có Chữa Được Không
Bệnh lupus ban đỏ có chữa được không là thắc mắc của rất nhiều người. Tìm hiểu thông tin từ bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có được câu trả lời. Đồng thời giúp thiết lập kế hoạch chăm ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua