Chuột Rút Khi Mang Thai
Chuột rút khi mang thai thường xảy ra vào ban đêm. Tình trạng này tạo cảm giác đau nhói, căng cứng và tê tái ở bụng, bàn chân hoặc/ và bắp chân. Nguyên nhân là do cơ thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, tăng cân, mất nước, tuần hoàn máu chậm và lười vận động. Chuột rút ở bà bầu thường không nguy hiểm, có thể giảm tần suất bằng các biện pháp đơn giản tại nhà.
Chuột rút khi mang thai là gì?
Chuột rút (vọp bẻ) là một cơn đau mạnh và đột ngột kèm theo hiện tượng thắt chặt ở các cơ, khó cử động. Tình trạng này thường xảy ra ở chân, tần suất cao hơn vào ban đêm, kéo dài từ vài giây đến vài phút tùy theo tình trạng. Chuột rút có thể xảy ra ở bất kỳ nhóm đối tượng nào. Tuy nhiên thường gặp hơn ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là ba tháng cuối thai kỳ.
Chuột rút khi mang thai có thể bắt đầu từ tháng thứ ba của thai kỳ hoặc muộn hơn, có xu hướng tăng dần cường độ và tần suất theo thời gian. Điều này có nghĩa mẹ bầu bị chuột rút bắp chân và bụng thường xuyên hơn khi thai nhi lớn dần.
Chuột rút trong thời kỳ mang thai có thể xuất hiện ở cả ban ngày và ban đêm nhưng thường nghiêm trọng hơn vào ban đêm, trong lúc ngủ. Điều này khiến mẹ bầu khó chịu, thường xuyên tỉnh giấc, tăng nguy cơ mất ngủ, không tỉnh táo vào ban ngày và giảm sức khỏe tổng thể.
Chuột rút ở mẹ bầu thường giảm nhẹ bằng các biện pháp chăm sóc, tự hết khi kết thúc thai kỳ và không để lại hậu quả. Tuy nhiên nếu chuột rút kèm theo nhiều dấu hiệu bất thường khác (tăng thân nhiệt, đau bụng, xuất huyết âm đạo…), thai phụ cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức để kịp thời xử lý.
Các vị trí chuột rút khi mang thai
Chuột rút ở thai phụ xảy ra ở những vị trí sau:
- Chân
- Bắp chân
- Bàn chân
- Bụng
- Mông
Tuy nhiên chân, bắp chân và bàn chân là những vị trí dễ bị chuột rút nhất.
Nguyên nhân gây chuột rút khi mang thai
Chuột rút khi mang thai xảy ra do những nguyên nhân sau:
- Tăng cân: khi mang thai trọng lượng cơ thể có xu hướng tăng độ ngột do tích nước và chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng. Điều này làm tăng áp lực lên các khối cơ (đặc biệt cơ bắp chân) dẫn đến chuột rút.
- Tử cung phát triển: Tử cung phát triển to dần trong thời kỳ mang thai để thích nghi với kích thước thai nhi. Tuy nhiên điều này gây chèn ép các mạch máu và dây thần kinh, cản trở quá trình lưu thông trong cơ thể. Từ đó gây khó chịu, thai phụ thường xuyên đau nhức và chuột rút.
- Thiếu canxi: Do quá trình nuôi dưỡng thai nhi, nhu cầu bổ sung canxi của cơ thể nữ giới tăng cao khi mang thai, đặc biệt là những thái cuối thai kỳ. Tuy nhiên nếu không bổ sung đủ canxi, hàm lượng canxi trong xương sẽ được vận chuyển đến thai nhi để bù đắp dẫn đến thiếu hụt. Điều này góp phần tạo ra các cơn co cứng ở mẹ bầu.
- Thiếu nước: Thiếu nước và rối loạn điện giải làm tăng nguy cơ chuột rút khi mang thai.
- Đau dây chằng tròn: Dây chằng tròn là một cơ quan trọng mang chức năng nâng đỡ tử cung. Sự phát triển của thai nhi khiến cơ này căng ra dẫn đến đau âm ỉ hoặc đau nhói ở bụng dưới kèm theo những cơn co cứng.
- Lười vận động hoặc lạm dụng cơ bắp: Đi nhiều hoặc ngồi lâu, đứng lâu, nằm bất động trên giường khiến các khối cơ chịu nhiều áp lực dẫn đến chuột rút. Điều này thường kèm theo tình trang đau nhức xương khớp khi mang thai.
- Quan hệ tình dục: Co thắt tử cung sau khi hoạt động tình dục (chuột rút cơ bụng) là tình trạng thường gặp do hàm lượng prostaglandin trong tinh dịch kích thích sự co thắt của tử cung.
- Đầy hơi: Tiêu hóa chậm trong thai kỳ thường gây ra tình trạng đầy hơi. Điều này có thể gây co thắt cơ bụng.
Nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân gây chuột rút khi mang thai. Vì thế nếu bị chuột rút liên tục và kéo dài hoặc kèm theo các biểu hiện khác, mẹ bầu nên thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán.
Chuột rút khi mang thai có nguy hiểm không?
Chuột rút khi mang thai thường không nguy hiểm. Tình trạng này chủ yếu xảy ra do những thay đổi tự nhiên của cơ thể khiến các khối cơ chịu nhiều áp lực dẫn đến co thắt. Hầu hết các trường hợp đều tự khỏi sau khi sinh con mà không để lại hậu quả. Ngoài ra trong thai kỳ, mẹ bầu có thể giảm tần suất và cường độ co thắt bằng các biện pháp đơn giản như duỗi thẳng chân, xoa bóp…
Tuy nhiên trong một số trường hợp, chuột rút có thể làm dấu hiệu cảnh báo của các tình trạng nguy hiểm cần được xử lý kịp thời. Điển hình như sinh non, mang thai ngoài tử cung, sảy thai, nhau tiền đạo…
Chính vì thế nếu chuột rút xuất hiện đồng thời với những biểu hiện bất thường khác (đặc biệt là xuất huyết âm đạo) hoặc xuất hiện 6 cơn co thắt trong 1 giờ, mẹ bầu cần nhanh chóng di chuyển đến bệnh viện để được xử lý kịp thời và phòng ngừa rủi ro không mong muốn.
Dấu hiệu chuột rút khi mang thai là bình thường
Để nhận biết tình trạng chuột rút khi mang thai, mẹ bầu có thể dựa vào một số dấu hiệu dưới đây:
- Đau mạnh và đột ngột kèm theo hiện tượng thắt chặt ở các cơ (thường gặp ở bắp chân, bàn chân, đùi và bụng)
- Khó chịu và khó cử động
- Cơn co thắt nghiêm trọng hơn vào ban đêm, thường xảy ra khi bắt đầu giấc ngủ
- Thay đổi tư thế có thể làm dịu cơn co thắt
- Nhìn thấy một khối mô cứng dưới da
- Co thắt tử cung sau khi hoạt động tình dục hoặc khó tiêu hóa.
Chuột rút khi mang thai khi nào là nguy hiểm?
Thai phụ cần được đưa đến bệnh viện nếu chuột rút nhiều lần hoặc kèm theo các biểu hiện khác, cụ thể:
- Xuất hiện liên tục 6 cơn co thắt (hoặc hơn) trong vòng 1 giờ, chảy máu hồng và ồ ạt. Tình trạng này có thể là dấu hiệu sinh non.
- Chuột rút kèm theo xuất huyết âm đạo, chóng mặt, choáng váng. Đây có thể là dấu hiệu của hiện tượng mang thai ngoài tử cung, sảy thai, nhau tiền đạo…
- Co thắt xảy ra liên tục khi mang đa thai
- Đau bụng dữ dội
- Buồn nôn và nôn
- Sốt rất cao
- Thay đổi vị trí đau
- Chuột rút không giảm dần theo thời gian
- Cơn đau không tự phục hồi được và thường xuyên xảy ra
- Ửng đỏ và sưng
- Chuột rút do cơ yếu
- Đau không do luyện tập gắng sức
Cách xử lý nhanh cho mẹ bầu bị chuột rút
Khi bị chuột rút, mẹ bầu có thể thực hiện một số biện pháp đơn giản dưới đây để giảm cơn co thắt:
1. Duỗi chân kết hợp xoa bóp
Nếu bị chuột rút ở chân, bắp chân hoặc/ và bàn chân, thai phụ cần cố gắng duỗi thẳng chân. Sau đó nhẹ nhàng thực hiện động tác xoa bóp. Biện pháp này có tác dụng thư giãn và giảm căng thẳng tại các khối cơ, giảm đau và làm dịu cơn co thắt hiệu quả.
Ngoài ra xoa bóp còn có tác dụng cải thiện tâm trạng, giúp ngủ ngon. Đồng thời thư giãn mạch máu và các dây thần kinh, kích thích tuần hoàn máu. Từ đó phòng ngừa và giảm đau do chuột rút hiệu quả.
2. Chườm nóng
Khi bị chuột rút, thai phụ có thể dùng một chai nước nóng hoặc túi chườm nóng (khoảng 50 – 60 độ C) đặt vào khu vực đang bị đau và co thắt. Biện pháp này có tác dụng thư giãn các mạch máu, dây thần kinh và khối cơ. Đồng thời giảm căng thẳng và giảm đau hiệu quả.
Ngoài ra thực hiện liệu pháp chườm nóng còn giúp thai phụ tăng lưu thông máu, giảm cảm giác tê bì, đau nhức khớp xương khớp, phòng ngừa chuột rút vào ban đêm làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
3. Vận động nhẹ nhàng
Trong khi bị chuột rút, bạn cần cố gắng duỗi thẳng chân. Sau đó nhẹ nhàng đi lại (khoảng một vài bước chân). Điều này giúp thư giãn cơ, đẩy lùi chứng chuột rút.
4. Thực hiện động tác ở chân
Mẹ bầu có thể thực hiện những bước dưới đây để xử lý nhanh tình trạng chuột rút:
- Duỗi thẳng đầu gối
- Cong vểnh bàn chân sau cho bàn chân về phía sau gối, gập lên trên
- Nhẹ nhàng xoay chân cho đến khi chứng chuột rút qua đi.
5. Nâng chân hoặc đặt chân xuống sàn
Để sớm đẩy lùi chứng chuột rút, mẹ bầu nên nằm thẳng lưng trên giường, đặt gối dưới chân hoặc nâng cao chân sao cho gót chân tỳ vào tường. Ngoài ra bạn có thể cố gắng ngồi trên giường và đặt chân xuống đất để cơn đau nhanh chóng qua đi.
Biện pháp phòng ngừa chuột rút khi mang thai
Để giảm nguy cơ chuột rút khi mang thai, mẹ bầu có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản dưới đây:
- Kiểm soát cân nặng: Nên duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, giảm cân khi cần thiết để tránh làm tăng áp lực lên các khối cơ dẫn đến chuột rút.
- Duy trì vận động và tập thể dục: Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc duy trì vận động và tập thể dục 20 – 30 phút mỗi ngày có thể giảm nguy cơ chuột rút khi mang thai. Đồng thời nâng cao sức khỏe tổng thể, tăng độ linh hoạt và cải thiện sức cơ. Không nên nằm bất động trên giường, đứng lâu hoặc ngồi lâu một chỗ. Tuy nhiên bạn cần luyện tập với những bộ môn có cường độ thích hợp, điển hình như bơi lội, yoga, đi bộ quanh nhà… Không nên đi bộ nhiều hoặc vận động quá sức để tránh rơi vào tình trạng lạm dụng cơ dẫn đến chuột rút.
- Ăn uống khoa học và đủ chất: Tăng cường bổ sung những loại thực phẩm tốt cho xương khớp và các khối cơ. Điều này giúp duy trì hệ xương khớp khỏe mạnh và phòng ngừa chuột rút hiệu quả. Thực phẩm nên bổ sung: Chuốt, các loại rau xanh, trái cây, cá, trứng, thực phẩm giàu canxi, vitamin D và magie.
- Uống nhiều nước: Uống đủ 2,5 lít nước mỗi ngày giúp phòng ngừa tình trạng mất nước dẫn đến chuột rút khi mang thai.
- Nghỉ ngơi: Trong thời kỳ mang thai, bạn cần nghỉ ngơi hợp lý, tránh vận động nặng, đi lại nhiều hoặc lao động gắng sức.
- Kiểm soát căng thẳng: Kiểm soát căng thẳng, giữ tâm trạng thoải mái bằng cách ngồi thiền và thư giãn cũng là một cách phòng ngừa đau và co thắt cơ hiệu quả.
- Sử dụng nhiệt: Việc sử dụng dụng nhiệt mang đến nhiều lợi ích. Bao gồm thư giãn tâm trạng, dễ ngủ, kích thích lưu thông máu, giảm căng thẳng lên các khối cơ và khớp xương. Điều này giúp phòng ngừa đau nhức xương khớp và chuột rút hiệu quả. Vì thế thai phụ nên thường xuyên ngâm chân với nước ấm, chườm ấm hoặc tắm nước ấm mỗi ngày. Tuy nhiên cần lưu ý không chườm ấm ở bụng để tránh kích thích tử cung và gây sảy thai.
- Sử dụng thảo dược: Uống trà hoa cúc ấm, ngâm chân với nước gừng, xoa bóp với tinh dầu thảo dược (tinh dầu bạc hà, tinh dầu gừng…) đều là những cách giảm nguy cơ chuột rút, cải thiện tâm trạng.
- Quan hệ tình dục: Bạn có thể phòng ngừa chuột rút khi mang thai bằng cách quan hệ tình dục. Điều này giúp thư giãn các khối cơ, cải thiện tâm trạng, kích thích chất dịch và máu ở xương chậu lưu thông tốt hơn. Tuy nhiên cần hạn chế xuất tinh trong âm đạo vì lượng prostaglandin trong tinh dịch có khả năng kích thích sự co thắt của tử cung dẫn đến chuột rút ở bụng.
Nhìn chung chuột rút khi mang thai là tình trạng thường gặp, phần lớn không gây nguy hiểm và có thể phòng ngừa bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên trong số ít trường hợp, chuột rút có thể là biểu hiện của các tình trạng nghiêm trọng cần được điều trị y tế. Vì thế nếu cơn co cứng xuất hiện nhiều lần trong 1 giờ hoặc kèm theo xuất huyết âm đạo, đau bụng, chóng mặt… thai phụ cần nhanh chóng di chuyển đến bệnh viện để được kiểm tra và kịp thời xử lý.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!