Viêm Khớp Vảy Nến

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Lê Hữu Tuấn | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Viêm khớp vảy nến là một loại viêm khớp ảnh hưởng đến một số người bệnh vẩy nến. Các đặc trưng phổ biến bao gồm gây đau, sưng, viêm hoặc cứng các khớp bị ảnh hưởng.

Hình ảnh viêm khớp vảy nến
Viêm khớp vảy nến là một dạng viêm khớp dẫn đến sưng, đau, viêm các khớp liên quan đến bệnh vảy nến

Viêm khớp vảy nến là gì?

Viêm khớp vảy nến là một dạng viêm khớp dẫn đến sưng, đau các khớp do bệnh vảy nến (bệnh lý tạo ra những mảng da đỏ, có vảy). Đây là một loại viêm khớp tự miễn, mãn tính, diễn tiến theo từng đợt, có thể dẫn đến tổn thương xương khớp vĩnh viễn, tổn thương cấu trúc khớp, phá hủy khớp, gây mất chức năng vận động và tàn phế.

Hiện tại, nguyên nhân cụ thể gây viêm khớp vảy nến chưa được xác định, tuy nhiên tình trạng này xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh trong cơ thể. Theo thống kê, khoảng 10 – 30% người bệnh vảy nến sẽ xuất hiện các triệu chứng viêm khớp. Trong đó 80% các trường hợp người bệnh phát triển các triệu chứng vảy nến trước sau đó phát triển viêm khớp, 15% các triệu chứng xuất hiện cùng nhau và khoảng 10% các triệu chứng viêm khớp xuất hiện trước khi có các tổn thương da.

Tương tự như bệnh vảy nến, viêm khớp vảy nến là một tình trạng lâu dài, mãn tính và có thể trở nên nghiêm trọng theo thời gian. Trong các trường hợp nghiêm trọng, dẫn đến tổn thương khớp hoặc biến dạng khớp, người bệnh có thể cần phẫu thuật để điều trị.

Tuy nhiên nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, quá trình tiến triển bệnh có thể chậm lại và ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tối đa các tổn thương khớp.

Hiện tại không có biện pháp và cách điều trị tình trạng viêm khớp này. Do đó, mục tiêu điều trị thường là kiểm soát các triệu chứng, ngăn ngừa tổn thương khớp và giảm thiểu các rủi ro tàn phế.

Các loại viêm khớp vảy nến

Có năm loại viêm khớp vảy nến, bao gồm:

1. Viêm khớp đối xứng

Dạng viêm khớp này dẫn đến các triệu chứng khớp giống nhau ở hai bên cơ thể. Các vị trị phổ biến, thường là hai bên đầu gối trái – phải. Các triệu chứng này tương đối giống với viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên viêm khớp vảy nến đối xứng thường nhẹ và ít có nguy cơ gây biến dạng khớp hơn khi so vối viêm khớp dạng thấp.

Khoảng 50% các trường hợp viêm khớp vảy nến phát triển dạng viêm khớp đối xứng.

viêm khớp vảy nến là gì
Viêm khớp đối xứng có triệu chứng tương tự như viêm khớp dạng thấp

2. Viêm khớp không đối xứng

Tình trạng viêm khớp này gây ảnh hưởng đến một khớp hoặc các khớp ở một bên của cơ thể. Các đặc trưng phổ biến bao gồm cảm thấy đau đớn và khớp chuyển sang màu đỏ.

Thông thường viêm khớp vảy nến không đối xứng thường nhẹ, ảnh hưởng đến khoảng 35% các trường hợp bệnh.

3. Viêm các khớp liên đốt xa

Viêm các khớp liên đốt xa là một loại viêm khớp ảnh hưởng đến móng tay, có thể ảnh hưởng đến 10% các trường hợp viêm khớp vảy nến.

4. Viêm khớp trục

Viêm khớp trục là tình trạng viêm khớp ảnh hưởng đến cột sống và xương chậu. Toàn bộ cột sống từ đốt sống cổ đến lưng dưới và xương chậu đều có thể bị ảnh hưởng. Tình trạng này khiến bệnh bệnh đau đớn dữ dội khi thực hiện các cử động thông thường.

Bàn tay, bàn chân, cẳng chân, cánh tay và hông là những vị trí dễ bị ảnh hưởng nhất. Tình trạng này chiếm khoảng 10% các trường hợp viêm khớp vảy nến.

5. Viêm khớp ngoại biên biến dạng nặng

Viêm khớp ngoại biên biến dạng nặng gây ảnh hưởng từ 5% các trường hợp viêm khớp vảy nến. Đây là một dạng biến dạng khớp nghiêm trọng, thường ảnh hưởng đến bàn tay và bàn chân. Tuy nhiên, cổ và lưng dưới cũng có thể bị tổn thương và đau đớn.

bệnh viêm khớp vẩy nến là gì
Viêm khớp ngoại biên biến dạng nặng thường gây ảnh hưởng bàn tay và bàn chân

Các giai đoạn của viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến phát triển theo nhiều cách khác nhau ở mỗi đối tượng bệnh. Không rõ nguyên nhân, tuy nhiên một số người có diễn tiến bệnh nhanh chóng và nghiêm trọng hơn những người khác. Tuy nhiên, chẩn đoán và điều trị sớm và cách tốt nhất để làm chậm quá trình tổn thương ở các khớp và ngăn ngừa các biến chứng liên quan.

Các giai đoạn của dạng viêm khớp này thường bao gồm:

  • Giai đoạn đầu: Các triệu chứng trong giai đoạn này thường nhẹ, chẳng hạn như sưng khớp và hạn chế phạm vi chuyển động. Các triệu chứng này có thể xuất hiện cùng các tổn thương do bệnh vảy nến hoặc nhiều năm sau đó.
  • Giai đoạn vừa phải: Trong giai đoạn này, các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng và các điều trị tích cực đến tránh các rủi ro nghiêm trọng.
  • Giai đoạn cuối: Trong giai đoạn này, các mô và xương bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khớp có thể bị biến dạng và mở rộng xương. Các biện pháp điều trị nhằm ngăn ngừa các rủi ro và hạn chế các triệu chứng trở nên nghiêm trọng.

Cơ chế bệnh sinh viêm khớp vảy nến

Hiện tại, cơ chế bệnh sinh bệnh vảy nến chưa được xác định. Tuy nhiên các nghiên cứu cho rằng sự tăng tốc độ chu chuyển da (turn over của da) có thể dẫn đến dày sừng hóa da và móng, các đặc trưng của bệnh vảy nến. Ba yếu tố có liên kết chặt chẽ trong cơ chế sinh bệnh vảy nến bao gồm di truyền, miễn dịch  và yếu tố môi trường.

Viêm khớp vảy nến xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào và mô khỏe mạnh của cơ thể. Các phản ứng miễn dịch bất thường có thể dẫn đến viêm khớp cũng như tăng sản xuất tế bào da.

Các bác sĩ không rõ nguyên nhân dẫn đến rối loạn hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên tình trạng này có thể liên quan đến sự liên quan giữa gen và các yếu tố môi trường. Có khoảng 40% các trường hợp người bệnh có tiền sử gia đình hoặc họ hàng mắc bệnh viêm khớp. Nhiễm trùng virus, căng thẳng kéo dài và các chấn thương có thể tăng nguy cơ mắc bệnh.

Các yếu tố nguy cơ gây viêm khớp vảy nến

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển viêm khớp vảy nến, chẳng hạn như:

nguyên nhân viêm khớp vẩy nến
Người bệnh bị loạn dưỡng móng có nguy cơ viêm khớp vẩy nến cao hơn
  • Loạn dưỡng móng: Loạn dưỡng móng là tình trạng móng tay bị rỗ, biến dạng, thường phổ biến ở người bệnh vảy nến. Loạn dưỡng móng là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm khớp vảy nến.
  • Tiền sử gia đình: Có khoảng 40% những người viêm khớp vảy nến có tiền sử gia đình mắc bệnh về da hoặc khớp.
  • Độ tuổi: Viêm khớp vảy nến có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng thường ảnh hưởng đến người từ 30 – 50 tuổi.

Triệu chứng viêm khớp vảy nến

Các triệu chứng viêm khớp vảy nến khác nhau ở mỗi người bệnh. Triệu chứng có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng, đôi khi các triệu chứng có thể thuyên giảm và cải thiện sau một thời gian. Trong các trường hợp khác, các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, các triệu chứng bệnh cũng phụ thuộc vào loại viêm khớp.

Cụ thể, các dấu hiệu có thể bao gồm:

  • Sưng các ngón tay và ngón chân: Viêm khớp vảy nến có thể dẫn đến tình trạng sưng phù, đau đớn ở các ngón tay và ngón chân. Người bệnh cũng có thể bị biến dạng ở bàn tay, bàn chân trước khi các triệu chứng khớp rõ ràng.
  • Đau chân: Tình trạng viêm khớp này có thể gây đau tại các điểm gân và dây chằng gắn vào xương, đặc biệt là ở phía sau gót chân hoặc ở lòng bàn chân.
  • Đau lưng dưới: Trong một số trường hợp, viêm khớp vảy nến có thể dẫn đến viêm đốt sống. Viêm đốt sống chủ yếu ảnh hưởng đến các đốt sống giữa cột sống và các khớp cột sống xương chậu. Tình trạng này được gọi là viêm xương cùng.
triệu chứng của bệnh viêm khớp vẩy nến
Cứng và đau cột sống là một dấu hiệu viêm khớp phổ biến

Trong một số trường hợp, viêm khớp vảy nến có thể dẫn đến các dấu hiệu như:

  • Cứng và đau ở cột sống
  • Sưng và mềm ở một hoặc ở cả hai bên khớp
  • Cứng khớp vào buổi sáng
  • Ngón tay và ngón chân sưng tấy
  • Đau cơ và gân
  • Xuất hiện các mảng da có vảy, tình trạng này có thể nghiêm trọng hơn khi xuất hiện các cơn đau khớp
  • Bong tróc da đầu
  • Thường xuyên mệt mỏi
  • Móng tay rỗ
  • Móng tay bị tách khỏi phần thịt bên dưới
  • Đỏ mắt

Viêm khớp vảy nến có thể ảnh hưởng đến các khớp chỉ ở một bên hoặc cả hai bên của cơ thể. Các dấu hiệu và triệu chứng thường giống với bệnh viêm khớp dạng thấp. Do đó cần chẩn đoán phân biệt để có kế hoạch điều trị phù hợp.

Viêm khớp vảy nến có nguy hiểm không?

Viêm khớp vảy nến là bệnh lý phức tạp, chủ yếu ảnh hưởng đến khớp, nhưng cũng có thể dẫn đến các biến chứng ở các bộ phận cơ thể khác. Nếu không được điều trị, tình trạng viêm dai dẳng có thể ảnh hưởng đến mắt, xương, tim, gan và làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý, chẳng hạn như tiểu đường và bệnh tim.

bệnh viêm khớp vẩy nến có nguy hiểm không
Viêm màng bồ đào là một biến chứng phổ biến của viêm khớp vảy nến

Cụ thể các biến chứng liên quan có thể bao gồm:

  • Viêm màng bào đào: Khoảng 7% người bệnh viêm khớp vảy nến phát triển tình trạng viêm màng bồ đào. Các triệu chứng thường bao gồm đỏ, sưng, mở mắt hoặc nổi bóng nước ở mắt. Trong một số trường hợp, viêm màng bồ đào có thể gây viêm bờ mi (viêm mí mắt), dẫn đến thay đổi hình dạng mí mắt, khiến lông mi cọ vào nhãn cầu, gây khô và khó chịu ở mắt.
  • Hội chứng chuyển hóa: Đây là một nhóm các tình trạng bao gồm huyết áp cao, lượng đường trong máu cao, mỡ thừa xung quanh eo và nồng độ cholesterol cao bất thường. Viêm khớp vảy nến được cho là có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến hội chứng chuyển hóa.
  • Bệnh tiểu đường tuýp 2: Dạng viêm khớp này có liên quan chặt chẽ đến bệnh tiểu đường loại 2. Theo một số nghiên cứu, tình trạng viêm nhẹ có thể tăng 53% nguy cơ trong khi viêm khớp nặng có thể tăng gấp đôi nguy cơ bệnh tiểu đường.
  • Bệnh tim mạch: Theo các nghiên cứu, viêm khớp vảy nến có thể làm tăng 43% nguy cơ tim mạch, với các đặc trưng như xơ vữa động mạch, đau tim và đột quỵ. Nguy cơ này thường cao hơn ở người trên 70 tuổi.
  • Loãng xương: Tình trạng viêm khớp này có thể dẫn đến loãng xương, đặc biệt là ở phụ nữ đã mãn kinh. Cụ thể, viêm khớp do vảy nến có thể làm tăng tốc độ mất xương và dẫn đến hiện tượng loãng xương. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc corticosteroid điều trị viêm khớp có thể tăng nguy cơ thiếu hụt canxi, vitamin D và loãng xương.
  • Ung thư: Mặc dù các nghiên cứu không rõ ràng, tuy nhiên viêm khớp vảy nến có thể làm tăng sự phát triển của một số bệnh ung thư. Các loại ung thư phổ biến bao gồm ung thư hạch, ung thư vú, ung thư da không hắc tố, ung thư phổi.

Chẩn đoán viêm khớp vảy nến

Không có xét nghiệm đơn lẻ nào có thể xác nhận và chẩn đoán bệnh tình trạng viêm khớp này. Do đó, tình trạng này được chẩn đoán dựa trên việc loại trừ các nguyên nhân gây đau khớp khá, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh gout.

1. Tiêu chuẩn chẩn đoán

Viêm khớp vảy nến được chẩn đoán theo tiêu chuẩn CLASPAR (CLASsification criteria for Psoriatic ARthritis). Tiêu chuẩn này có độ chính nhạy 98.7% và độ đặc hiệu 91.4%. Bệnh được chẩn đoán khi bệnh nhân có bệnh lý viêm khớp hoặc cột sống từ 3 điểm trở lên.

  • Có triệu chứng bệnh vảy nến đang bùng phát (2 đ)
  • Có tiền sử vảy nến (1 đ)
  • Tiền sử gia đình có bệnh nhân vảy nến (1 đ)
  • Viêm ngón tay hoặc ngón chân (1đ)
  • Có tiền sử ngón tay hoặc chân hình khúc dồi (1đ)
  • Tổn thương móng tay dạng rỗ hoặc tổn thương khác (1đ)
  • Hình chụp X – quang phát hiện gai xương quanh khớp (1đ)
  • RF (-) (1đ)

2. Kiểm tra dấu hiệu

Khi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ có thể kiểm tra các dấu hiệu như:

  • Kiểm tra các khớp để xác định tình trạng sưng, viêm hoặc đau
  • Kiểm tra móng tay để xác định các dấu hiệu rỗ, bong tróc hoặc các bất thường khác
  • Ấn vào lòng bàn chân và xung quanh gót chân để xác định các vị trí đau đớn
chẩn đoán và điều trị viêm khớp vẩy nến
Bác sĩ có thể kiểm tra các dấu hiệu liên quan đến chẩn đoán tình trạng bệnh

3. Kiểm tra hình ảnh

Xét nghiệm hình ảnh bao gồm:

  • X – quang: Chụp X – quang thường được sử dụng để xác định các thay đổi ở khớp, thường xảy ra ở bệnh viêm khớp vảy nến nhưng không xảy ra ở các dạng viêm khớp khác.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: MRI sử dụng sóng vô tuyến và từ trường để tạo hình ảnh chi tiết của các mô cứng và mô mềm bên trong cơ thể. Loại xét nghiệm này được sử dụng để kiểm tra các vấn đề về gân, dây chằng ở lưng dưới và chân.

4. Xét nghiệm ở phòng thí nghiệm

Các xét nghiệm thường được chỉ định bao gồm:

  • Yếu tố dạng thấp (RF): RF là một kháng thể được tìm thấy trong máu ở những người viêm khớp dạng thấp và không có trong máu của người bệnh viêm khớp vảy nến. Do đó, xét nghiệm yếu tố dạng thấp có thể giúp bác sĩ phân biệt hai tình trạng này.
  • Kiểm tra dịch khớp: Bác sĩ sẽ sử dụng kim để lấy một mẫu chất lỏng nhở từ khớp bị ảnh hưởng, thường là đầu gối, để kiểm tra ở phòng thí nghiệm. Các tinh thể axit uric trong dịch khớp có thể giúp bác sĩ xác định tình trạng viêm khớp và bệnh gout.

Biện pháp điều trị viêm khớp vảy nến

Hiện tại không có cách điều trị bệnh vảy nến và viêm khớp vảy nến. Do đó, công tác điều trị thường nhằm mục đích kiểm soát các triệu chứng viêm ở các khớp, ngăn ngừa các biến chứng và hạn chế tối đa nguy cơ tàn tật.

Cụ thể bệnh được điều trị theo các phương pháp như:

1. Điều trị vảy nến

Đối với tình trạng vảy nến thể khu trú: Điều trị bằng Retinoids (acitretin, isotretinoin), Calcipotriene và Corticosteroid tại chỗ (thoa trên da).

Vảy nến thể lan tỏa: Điều trị bằng tia UVB và PUVA (psoralen + UVA).

2. Điều trị viêm khớp vảy nến

Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID):

Thuốc kháng viêm không steroid có thể hỗ trợ giảm viêm và giảm đau ở các bệnh viêm khớp hiệu quả. Thuốc được chỉ định khi người bệnh có viêm khớp và cần được sử dụng thận trọng để tránh các rủi ro liên quan.

Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm naproxen, celecoxib, diclofenac, piroxicam,….

Tuy nhiên NSAID có thể gây tổn thương dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng hoặc tổn thương gan và thận. Do đó, sử dụng thuốc thận trọng và chú ý các chống chỉ định để tránh các rủi ro liên quan.

nguyên tắc điều trị viêm khớp vẩy nến
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ

Corticosteroid:

Corticosteroid được sử dụng tại chỗ (tiêm nội khớp hoặc tiêm các điểm bám của gân vào xương). Thuốc được chỉ định cho trường hợp khớp hoặc vị trí bán gân sưng, đau sau khi đã điều trị bằng thuốc kháng viêm không steroid.

Không sử dụng Corticosteroid toàn thân để tránh biến chứng đỏ da toàn thân hoặc bùng phát vảy nến trong khi điều trị viêm khớp hoặc ngày sau khi ngừng thuốc.

Trong trường hợp đặc biệt cần thiết, có thể tiêm corticoid nội khớp. Khi tiêm thuốc cần phải rất thận trọng để tránh nguy cơ nhiễm trùng.

Thuốc chống thấp khớp cải thiện diễn tiến bệnh (DMARDs) cổ điển:

Các loại thuốc này có thể làm chậm sự phát triển của bệnh viêm khớp vảy nến và ngăn ngừa tổn thương khớp, mô vĩnh viễn.

Các loại thuốc phổ biến bao gồm:

  • Methotrexate (7.5 – 25 mg / tuần).
  • Sulfasalazine (1 – 2 g / ngày).
  • Leflunomide liều 100 mg / ngày x 3 ngày đầu, sau đó sử dụng liều 20 mg hàng ngày.
  • Cyclosporine.

Nếu sử dụng một loại DMARDs thất bại, có thể chỉ định kết hợp hai loại DMARDs.

Thuốc ức chế miễn dịch:

Các loại thuốc ức chế miễn dịch có thể hạn chế hoạt động của hệ thống miễn dịch và kiểm soát các triệu chứng viêm khớp.

Các loại thuốc phổ biến bao gồm azathioprine và cyclosporine.

Sử dụng thuốc thận trọng và theo chống chỉ định để tránh các nguy cơ nhiễm trùng.

Thuốc sinh học:

Các loại thuốc sinh học điều trị nhắm mục đích được sử dụng để điều trị các bệnh tự miễn, bao gồm viêm khớp vảy nến. Phương pháp này được sử dụng điều trị dạng viêm khớp này trong 10 năm gần đây. Liệu pháp này được chỉ định khi điều trị với DMARDs thất bại.

Các loại thuốc phổ biến bao gồm:

  • Etanercept 50 m, dùng tiêm dưới da, chia hai lần một tuần hoặc một lần mỗi tuần.
  • Infliximab 5 mg / kg, sử dụng truyền tĩnh mạch mỗi hai tuần trong tháng đầu tiên. Liều thứ ba sau sử dụng sau 1 tháng, sau đó sử dụng một liều sau mỗi 8 tuần.
  • Adalimumab 40 mg, dùng tiêm dưới da mỗi 2 tuần.
  • Golimumab 50 mg, dùng tiêm dưới da, mỗi tháng một lần.

Trước khi chỉ định các loại thuốc sinh học, cần lưu ý một số vấn đề như:

Thực hiện các bilan tầm soát bệnh lao, viêm gan, chức năng gan – thận, đánh giá tính linh hoạt và nguy cơ tàn phế của bệnh.

Đối với viêm khớp thể trục, gây tổn thương cột sống – cùng chậu, cần cân nhắc chỉ định khi sử dụng thuốc sinh học trong thời gian đầu. Theo các nghiên cứu, thuốc thường đáp ứng kém.

Không sử dụng phối hợp các loại thuốc sinh học với nhau.

Phẫu thuật:

Trong trường hợp khớp bị ảnh hưởng nghiêm trọng không thể phục hồi, người bệnh có thể được thay thế khớp nhân tạo từ kim loại và nhựa.

Chăm sóc viêm khớp vảy nến tại nhà

Bên cạnh liệu pháp y tế, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp tự chăm sóc viêm khớp vảy nến tại nhà. Các biện pháp cụ thể bao gồm:

thuốc chữa viêm khớp vẩy nến
Thường xuyên tập thể dục có thể tăng cường tính linh hoạt khớp và ngăn ngừa cứng khớp
  • Tập thể dục mỗi ngày: Vận động cơ thể thường xuyên và tập thể dục hàng ngày có thể giúp khớp di chuyển linh hoạt và giảm bớt độ cứng khớp. Người bệnh nên vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày với các bài tập như đi xe đạp, đi bộ, bơi lội hoặc các bài tập khác. Tránh các bài tập vận động mạnh, chẳng hạn như quần vợt hoặc chạy bộ.
  • Tránh các thói quen xấu: Các thói quen như hút thuốc có thể làm tăng hàm lượng nicotin trong máu và khiến các triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn. Ngoài ra người bệnh cần tránh uống rượu, bởi vì rượu có thể tương tác với thuốc điều trị bệnh.
  • Hạn chế căng thẳng: Căng thẳng quá mức có thể khiến các triệu chứng viêm khớp trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, tham khảo các biện pháp như thiền định, yoga hoặc các kỹ năng giảm căng thẳng khác để làm dịu tâm trí và hạn chế tác động của căng thẳng.
  • Chườm nóng hoặc lạnh: Các liệu pháp này có thể làm dịu cơn đau nhanh chóng, hiệu quả và cải thiện các hoạt động hàng ngày.
  • Thay đổi chế độ ăn uống: Bổ sung axit béo omega 3 có thể hỗ trợ chống viêm và hạn chế tình trạng cứng khớp.

Tiên lượng cho viêm khớp vảy nến

Người bệnh viêm khớp vảy nến cần được điều trị tích cực và theo dõi đáp ứng điều trị hoặc các biến chứng trong suốt quá trình điều trị.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần được xét nghiệm định kỳ tốc độ máu lắng, tế bào máu ngoại vi, Creatinine, SGPT, SGOT sau mỗi 2 tuần trong một tháng đầu, mỗi tháng trong 3 tháng đầu và sau mỗi 3 tháng. Thực hiện các xét nghiệm máu đột xuất hoặc chụp X – quang phổi nếu cần thiết để theo dõi diễn tiến bệnh.

Tiên lượng nặng trong các trường hợp:

  • Tổn thương nghiêm trọng và ảnh hưởng đến nhiều khớp
  • Bệnh nhân trẻ tuổi
  • Xuất hiện các dấu hiệu bên ngoài khớp
  • Sử dụng lạm dụng corticosteroid

Nếu không được điều trị phù hợp và không đúng phác đồ, người bệnh có thể bị viêm cột sống dính khớp hoặc dính khớp ở khớp háng và khớp gối. Điều này có thể dẫn đến tàn phế.

 Thông tin thêm: Viêm khớp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Câu hỏi liên quan
Viêm Khớp Thái Dương Hàm Có Tự Khỏi
Viêm khớp thái dương hàm có tự khỏi không phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, biện pháp điều trị và một số vấn đề liên quan khác. Do đó người bệnh nên tìm hiểu thông ...
Xem chi tiết
Viêm Cột Sống Dính Khớp Có Chữa Khỏi
Viêm cột sống dính khớp là bệnh lý mãn tính và cần điều trị kéo dài. Vậy bệnh viêm cột sống dính khớp có chữa khỏi được không? Người bệnh có thể tìm hiểu thông tin trong bài viết và có ...
Xem chi tiết
Đau Khớp Gối Có Nên Đạp Xe Không
Đau khớp gối có nên đạp xe không phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau, mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Tham khảo bài viết bên dưới để có kế hoạch tập luyện an ...
Xem chi tiết
Gai Đôi Cột Sống Có Phải Đi Nghĩa Vụ Không
Gai đôi cột sống có phải đi nghĩa vụ không? Tham khảo một số chia sẻ trong bài viết bên dưới và có sự chuẩn bị, chăm sóc sức khỏe và phục hồi hiệu quả. [caption id="attachment_33281" align="aligncenter" width="768"] Gai ...
Xem chi tiết
Chữa Viêm Khớp Cùng Chậu Ở Đâu
Nếu đang tìm hiểu thông tin chữa viêm khớp cùng chậu ở đâu tốt, hiệu quả và chi phí phù hợp, người bệnh có thể tham khảo một số gợi ý bên dưới và có sự lựa chọn phù hợp. ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua