Vẹo cột sống là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong bất thường, gây đau đớn, yếu cột sống và thay đổi dáng đi của người bệnh. Thường xuyên vận động, tập thể dục và thực hiện kéo giãn cột sống có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.
Vẹo cột sống là gì?
Hình dáng bình thường của cột sống bao gồm một đường cong ở hai đầu vai và một đường cong ở lưng dưới, tạo thành hình chữ “S”. Cong vẹo cột sống xảy ra khi cột sống bị thay đổi độ cong bất thường hoặc thay đổi từ hình chữ “S” sang hình chữ “C”.
Theo thống kê, có khoảng 3% dân số thế giới bị cong cột sống, thường phổ biến ở thanh thiếu niên đang trong tuổi dậy thì. Trong đó, khoảng 80% các trường hợp bệnh không thể xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên một số tình trạng có thể làm tăng nguy cơ cong cột sống bao gồm bệnh bại não, loạn dưỡng cơ hoặc di truyền có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Hầu hết các trường hợp vẹo cột sống thường nhẹ và có thể cải thiện bằng các bài tập hỗ trợ cột sống. Nếu không có biện pháp khắc phục, tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng, gây biến dạng cột sống nghiêm trọng khi trẻ trưởng thành.
Do đó, trẻ em và thanh thiếu niên bị cong cong cột sống cần được theo dõi định kỳ thông qua phim X – quang để kiểm tra tình trạng cong vẹo và có biện pháp xử lý phù hợp.
Trong nhiều trường hợp, vẹo cột sống có thể tự cải thiện sau một thời gian. Một số trẻ có thể được đề nghị mang nẹp để ngăn ngừa tình trạng cong vẹo trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu các triệu chứng có nguy cơ biến chứng cao, trẻ có thể được đề nghị phẫu thuật để cải thiện hình dạng cột sống và điều chỉnh dáng đi.
Các loại vẹo cột sống phổ biến
Có khoảng 80% các trường hợp vẹo cột sống là vô căn (không tìm được nguyên nhân). Ngoài ra có khoảng 20% các trường hợp cong cột sống có liên quan đến một số yếu tố nguy cơ.
Cụ thể các loại cong vẹo cột sống bao gồm:
1. Vẹo cột sống vô căn
Loại vẹo cột sống phổ biến nhất là vẹo cột sống vô căn, là một thuật ngữ chỉ các trường hợp không xác định được nguyên nhân. Tình trạng này thường được phân loại theo độ tuổi:
- Trẻ sơ sinh: Từ 0 đến 3 tuổi
- Vị thành niên: Từ 4 đến 10 tuổi
- Thanh thiếu niên: Từ 11 đến 18 tuổi
- Người trưởng thành: Từ 18 tuổi trở lên
Cong vẹo cột sống ở trẻ vị thành niên là tình trạng phổ biến nhất.
2. Vẹo cột sống bẩm sinh
Chứng cong cột sống bẩm sinh bắt đầu khi lưng của trẻ phát triển trong thai kỳ. Tình trạng này xảy ra khi các xương nhỏ ở lưng, còn được gọi là các đốt sống, phát triển bất thường, không phân chia đúng cách hoặc không đủ các đốt sống cơ bản.
Tình trạng này không phổ biến và bác sĩ có thể được chẩn đoán trước khi trẻ được sinh ra. Tuy nhiên đôi khi các triệu chứng có thể không được xác định cho đến độ tuổi vị thành niên.
3. Vẹo cột sống thần kinh cơ
Tình trạng này xảy ra do các rối loạn như bại não, chấn thương tủy sống hoặc tật nứt đốt sống ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Các tình trạng này đôi khi có thể làm hỏng cơ và khiến cột sống không được hỗ trợ một cách chính xác nhất. Điều này dẫn đến cong vẹo cột sống và khiến lưng bị cong.
4. Vẹo cột sống thoái hóa
Chứng vẹo cột sống thoái hóa ảnh hưởng đến người lớn tuổi.
Tình trạng này thường phát triển ở lưng dưới và xảy ra khi các đốt sống bị mòn theo thời gian. Ngoài ra, tình trạng thoát vị đĩa đệm khi các đĩa đệm bị thoái hóa cũng có thể gây ảnh hưởng đến cột sống.
Cong cẹo cột sống cũng có thể được phân loại là cấu trúc hoặc không cấu trúc. Trong chứng vẹo cột sống cấu trúc, đường cong của cột sống xảy ra do bệnh tật, chấn thương hoặc dị tật bẩm sinh gây ra và tình trạng này là vĩnh viễn không thể điều trị. Chứng vẹo cột sống phi cấu trúc mô tả các tình trạng cong vẹo tạm thời và có thể cải thiện bằng nhiều cách khác nhau.
Dấu hiệu nhận biết chứng cong vẹo cột sống
Một đường cong vẹo cột sống nhẹ có thể không được nhìn thấy bằng mắt thường. Tuy nhiên nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng, các dấu hiệu có thể trở nên rõ ràng hơn.
1. Đặc trưng nhận biết
Chứng cong cột sống có thể dẫn đến một số đặc trưng nhận biết, chẳng hạn như:
- Vai không đều
- Một bên xương bả vai nhô cao hơn bên kia
- Eo không đều nhau
- Một bên hông cao hơn
Nếu tình trạng cong cong cột sống trở nên nghiêm trọng, cột sống có thể bị xoắn từ bên này sang bên kia. Điều này làm cho xương sườn ở một bên cơ thể nhô ra xa hơn so với bên còn lại.
2. Dấu hiệu ban đầu
Nếu nghi ngờ cong vẹo cột sống, người bệnh có thể tự kiểm tra các dấu hiệu ban đầu, chẳng hạn như:
- Quần áo không vừa vặn hoặc đều đều: Cha mẹ có thể nhận thấy áo sơ mi hoặc áo khoác không đều nhau ở hai bên. Điều này có thể là dấu hiệu ban đầu của chứng cong cột sống.
- Nhận thấy độ cong cột sống bất thường khi không mặc quần áo: Lưng của người bị cong cột sống có thể bị nghiêng về phía sau hoặc vẹo sang một bên.
Ngay cả khi các triệu chứng nhẹ, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán sớm và điều trị phù hợp.
3. Triệu chứng trung bình
Có khoảng 10% các trường hợp vẹo cột sống vô căn có thể phát triển các triệu chứng ở mức độ trung bình hoặc cần điều trị y tế. Nếu tình trạng này xảy ra, các triệu chứng có thể rõ ràng hơn và có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Một số triệu chứng phổ biến hơn ở chứng vẹo cột sống trung bình hoặc nặng có thể bao gồm:
- Thay đổi dáng đi: Khi cột sống bị xoắn bất thường hoặc bị uốn cong sang một bên, điều này có thể khiến hông bị lệch, dẫn đến thay đổi dáng đi hoặc cách đi bộ. Người bệnh cũng có thể cảm thấy một tay có thể chạm vào hông trong khi tay còn lại không thể chạm vào hông khi đi bộ. Ngoài ra, việc phân bố trọng lượng không đều khi đi bọ có thể khiến người bệnh bị đau vai, eo, hông, lưng.
- Hạn chế phạm vi chuyển động: Biến dạng do xoắn cột sống có thể làm tăng độ cứng, làm giảm tính linh hoạt khi uốn cong cột sống và làm hạn chế phạm vi chuyển động của người bệnh.
- Khó thở: Nếu cột sống bị xoắn nghiêm trọng, khung xương sườn có thể bị xoắn và thắt chặt không gian của phổi và dẫn đến tình trạng khó thở.
- Các vấn đề tim mạch: Nếu khung xương sườn xoắn nghiêm trọng, không gian của tim cũng có thể bị ảnh hưởng. Điều này gây hạn chế khả năng bơm máu và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
- Đau đớn: Vẹo cột sống nghiêm trọng có thể gây căng và đau cơ lưng, hông, eo, vai. Ngoài ra, cột sống cong bất thường có thể làm tăng viêm cục bộ ở các cơ bị căng và khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.
- Thoát vị đĩa đệm: Cong cột sống có thể gây ảnh hưởng đến các đĩa đệm và khớp mặt do tải trọng cơ thể không đồng đều. Điều này có thể dẫn đến các cơn đau đớn ở khu vực bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, đôi khi vẹo cột sống có thể dẫn đến tử vong, mặc dù tình trạng này rất hiếm.
Nguyên nhân gây vẹo cột sống
Các bác sĩ không rõ nguyên nhân dẫn đến chứng cong cột sống. Tuy nhiên tình trạng này có thể liên quan đến yếu tố di truyền, bệnh lý hoặc một số dị tật bẩm sinh.
Bác sĩ thường chia cong vẹo cột sống thành nhóm cấu trúc và phi cấu trúc.
Trong nhóm vẹo cột sống không cấu trúc, cột sống hoạt động bình thường tuy nhiên hình dáng có thể hơi cong. Điều này xảy ra liên quan một số nguyên nhân, chẳng hạn như hai chân có kích thước không đều nhau, co thắt cơ hoặc do các tình trạng viêm trong cơ thể, chẳng hạn như viêm ruột thừa. Khi các nguyên nhân này được điều trị dứt điểm, chứng cong cột sống có thể được cải thiện.
Trong chứng vẹo cột sống cấu trúc, đường cong của cột sống cứng và không thể điều trị. Các nguyên nhân liên quan bao gồm:
- Bại não
- Dị tật bẩm sinh
- Loạn dưỡng cơ
- Nhiễm trùng
- Khối u
- Các tình trạng di truyền như hội chứng Marfan và hội chứng Down
Đối với tình trạng cong cột sống vô căn, di truyền và tiền sử bệnh lý gia đình đóng vai trò quan trọng trong các nguy cơ hình thành bệnh. Do đó, nếu cha mẹ hoặc người thân khác trong gia đình bị cong vẹo cột sống, hãy đảm bảo là trẻ được kiểm tra thường xuyên.
Một số yếu rủi ro:
- Tuổi tác: Cong cột sống thường bùng phát trong độ tuổi dậy thì và trẻ vị thành niên, khi cơ thể phát triển mạnh mẽ nhất.
- Giới tính: Mặc dù cong cột sống có thể ảnh hưởng đến cả hai giới như nhau, tuy nhiên trẻ em gái có nguy cơ cao hơn trẻ em trai. Ngoài ra, các triệu chứng ở bé gái thường nghiêm trọng hơn và cần được điều trị để tránh các biến chứng liên quan.
- Tiền sử gia đình: Chứng cong cột sống có thể liên quan đến tình trạng di truyền. Tuy nhiên hầu hết trẻ em bị vẹo cột sống thường không liên quan đến yếu tố gia đình.
Vẹo cột sống có nguy hiểm không?
Trong hầu hết các trường hợp cong cột sống là một dạng rối loạn nhẹ và có thể tự cải thiện trong một số trường hợp. Tuy nhiên đôi khi các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng và tăng nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Cụ thể một số biến chứng liên quan đến chứng cong vẹo cột sống bao gồm:
- Gây tổn thương tim và phổi: Trong trường hợp tổn thương cong vẹo cột sống nghiêm trọng, khung xương sườn có thể đè lên phổi và tim. Điều này có thể khiến người bệnh khó thở và khó bơm máu đến tim.
- Đau lưng: Những người bị cong cột sống khi còn nhỏ thường có nguy cơ đau lưng cao hơn khi trưởng thành.
- Ảnh hưởng đến tâm lý: Khi tình trạng cong cột sống trở nên nghiêm trọng, các tổn thương có thể gây sự chú ý, chẳng hạn như hông và vai không đều, xương sườn nổi rõ, thắt lưng lệch hoặc cơ thể lệch hẳn sang một bên. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý, sự tự tin của người bệnh về ngoại hình của mình.
Chẩn đoán chứng cong vẹo cột sống
Chứng cong vẹo cột sống vô căn thường được chẩn đoán thông qua kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc khi cha mẹ hoặc người chăm sóc nhận thấy các dấu hiệu nghiêng bất thường của cột sống. Để xác định các triệu chứng bệnh, bác sĩ có thể đề nghị các kiểm tra như:
1. Thử nghiệm uốn cong về phía trước
Thử nghiệm uốn cong về phía trước là thử nghiệm đầu tiên được áp dụng để chẩn đoán tình trạng cong cột sống.
Trong thử nghiệm này, bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể quan sát người bệnh khi người bệnh uốn cong lưng một góc 90 độ với cánh tay duỗi về phía đầu gối và sàn nhà. Ở vị trí này, hầu hết các dấu hiệu cong cột sống, chẳng hạn như không đối xứng ở hai bên cơ thể có thể được quan sát rõ ràng.
Các vị trí bất thường phổ biến ở người cong vẹo cột sống thường bao gồm:
- Một bên vai hoặc bả vai cao hơn bên còn lại
- Khung xương sườn cao hơn một bên còn lại
- Một bên hông có vẻ cao hơn hoặc nổi rõ hơn
- Vòng eo không đều
- Cơ thể nghiêng sang một bên
- Chiều dài hai chân không bằng nhau
Thử nghiệm uốn cong thường đặc biệt hiệu quả khi kiểm tra tình trạng cong vẹo ở phần trên hoặc ở giữa lưng, vị trí thường xảy ra tình trạng cong vẹo cột sống vô căn. Tuy nhiên, thử nghiệm này không hiệu quả trong việc kiểm tra tình trạng cong cột sống ở lưng thấp, do tình trạng này thường không liên quan đến việc xoay xương sườn.
2. Sử dụng thước đo độ cong cột sống
Thước đo độ vẹo cột sống được thực hiện khi cột sống uốn cong về phía trước. Bác sĩ sẽ sử dụng thước độ độ cong, hay thước đo độ nghiêng đặt lên cột sống để xác định tình trạng vẹo cột sống.
Theo nguyên tắc chung, nếu độ cong từ 5 độ trở lên, người bệnh sẽ được đề nghị chụp X – quang hoặc các kiểm tra hình ảnh khác để chẩn đoán chính xác hơn.
3. Đo góc Cobb
Đường cong của chứng vẹo cột sống được đo bằng góc Cobb.
Bác sĩ sẽ chụp hình ảnh X – quang toàn bộ cột sống. Góc Cobb được tìm thấy bằng cách vẽ một đường vuông góc từ đốt sống nghiêng nhất ở trên và một đường từ đốt sống nghiêng nhất ở dưới. Góc Cobb là góc tạo thành từ hai đường thẳng đó.
Góc Cobb từ 10 độ trở lên được coi là cong vẹo cột sống.
4. Xét nghiệm hình ảnh
Các xét nghiệm hình ảnh được sử dụng để xác định tình trạng cong vẹo cột sống bao gồm:
- Chụp X – quang: X – quang sử dụng một lượng bức xạ nhỏ để tạo ra hình ảnh của cột sống.
- Chụp MRI: Xét nghiệm MRI sử dụng sóng vô tuyến và sóng từ trường để tạo ra hình ảnh chi tiết về các xương và mô xung quanh.
- Chụp CT: Trong xét nghiệm hình ảnh này, tia X được chụp ở nhiều gốc độ khác nhau để tạo ra hình ảnh 3D của cột sống.
- Quét xương: Xét nghiệm này sử dụng một dung dịch phóng xạ để tiêm vào máu. Dung dịch này sẽ tập trung tại khu vực tăng tuần hoàn và làm nổi bật các bất thường ở cột sống.
Điều trị vẹo cột sống
Đối với tình trạng vẹo cột sống nhẹ, người bệnh có thể không cần điều trị. Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh chụp X – quang định kỳ để kiểm tra các triệu chứng và ngăn ngừa tình trạng vẹo cột sống khi trưởng thành.
Các biện pháp điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như:
- Độ tuổi của người bệnh
- Độ cong và kiểu cong
- Loại cong vẹo cột sống
- Khả năng tiếp tục cong vẹo cột sống trong tương lai
1. Đai định hình cột sống
Khoảng 90% các trường hợp vẹo cột sống vô căn thường nhẹ và được kiểm tra định kỳ 4 – 6 tháng một lần, đối với thiếu niên đang trong độ tuổi dậy thì.
Đôi khi bác sĩ có thể đề nghị sử dụng đai định hình cột sống để để cải thiện các triệu chứng. Đai định hình thường được cân nhắc trong trường hợp góc Cobb của đường cong như sau:
- Lớn hơn 25 hoặc 30 độ và xương đang trong quá trình phát triển
- Phát triển thêm 5 độ trong thời gian từ 4 – 6 tháng
Đai định hình cột sống sẽ không thể làm thẳng cột sống nhưng có thể ngăn ngừa tình trạng tăng độ cong ở cột sống. Phương pháp điều trị này hiệu quả đối với các trường hợp phát hiện sớm.
Người bệnh cần phải đeo đai định hình từ 16 đến 23 giờ một ngày. Hiệu quả của đai định hình cũng tăng lên theo số giờ giờ người bệnh mang đai.
Bác sĩ thường khuyên người bệnh mang đai đến hết tuổi vị thành niên, khi cột sống không còn phát triển nữa.
Có hai loại đai định hình cột sống chính:
- Đai qua cánh tay: Đai thường được làm từ nhựa, ôm sát vào cơ thể và hầu như không thể quan sát được thông qua quần áo. Loại đai này thường được sử dụng để điều trị tình trạng cong vẹo cột sống ở phần dưới cơ thể.
- Đai toàn thân: Đai định hình này bắt đầu từ cổ và bao phủ toàn bộ cơ thể, ngoại trừ chân và tay. Đai này được sử dụng để điều trị tình trạng cong vẹo cột sống khi đai dưới cánh tay không mang lại hiệu quả.
2. Phẫu thuật
Nếu tình trạng vẹo cột sống tiếp tục trở nên nghiêm trọng hơn và việc sử dụng đai định hình không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật cải thiện các triệu chứng. Phẫu thuật thường được chỉ định nhằm các mục đích như:
- Ngăn ngừa tình trạng cong vẹo trở nên nghiêm trọng hơn.
- Hạn chế nguy cơ biến dạng cột sống hoặc điều chỉnh đường cong cột sống từ 50 đến 70%. Các điều chỉnh này có thể giúp người bệnh đứng thẳng hơn và hạn chế nguy cơ tái phát.
- Duy trì sự cân bằng của cơ thể và giữ hông và chân cố định.
Ngoài ra, sự điều chỉnh cột sống có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của tủy sống. Do đó, sức khỏe tủy sống cần được theo dõi trong suốt quá trình phẫu thuật điều trị.
Hợp nhất cột sống là phẫu thuật vẹo cột sống tiêu chuẩn. Trong phẫu thuật này, bác sĩ sĩ sẽ hợp nhất các đốt sống lại với nhau bằng cách ghép xương và sử dụng vít. Xương được ghép với nhau bằng các mô xương hoặc các vật liệu tương tự.
Hợp nhất cột sống sẽ giữ cột sống ở vị trí thẳng. Các vật liệu hợp nhất cột sống có thể được điều chỉnh khi trẻ lớn lên.
Phẫu thuật hợp nhất cột sống có thể dẫn đến một số rủi ro, chẳng hạn như:
- Chảy máu quá nhiều
- Không thể điều trị chứng vẹo cột sống
- Nhiễm trùng sau phẫu thuật
- Đau đớn
- Tổn thương các dây thần kinh
3. Điều trị vẹo cột sống ở người lớn
Đau lưng là triệu chứng chính của chứng vẹo cột sống ở người lớn. Do đó, các biện pháp điều trị thường nhằm mục đích giảm đau. Cụ thể một số biện pháp điều trị vẹo cột sống ở người lớn bao gồm:
Thuốc giảm đau:
Các loại thuốc giảm đau chẳng hạn như ibuprofen thường được chỉ định đầu tiên để cải thiện tình trạng đau lưng do vẹo cột sống ở người lớn.
Tuy nhiên ibuprofen có thể không phù hợp với một số người dùng, đặc biệt là người có tiền sử bệnh thận, gan hoặc viêm loét dạ dày.
Tập thể dục thường xuyên:
Các bài tập thể dục có thể hỗ trợ tăng cường sức mạnh và kéo giãn lưng. Điều này có thể hỗ trợ giảm đau hiệu quả. Tập thể dục cũng có thể hỗ trợ duy trì cân nặng hợp lý và giảm căng thẳng lên lưng.
Người bệnh cũng có thể trao đổi với nhà vật lý trị liệu để được hướng dẫn các bài tập lưng để cải thiện cơn đau.
Các phương pháp này không thể điều trị tình trạng cong vẹo cột sống, tuy nhiên có thể hỗ trợ giảm đau và tăng cường khả năng vận động của người bệnh. Trao đổi với bác sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu để được hướng dẫn cụ thể.
Tiêm thuốc vào cột sống:
Vẹo cột sống ở người lớn đôi khi có thể gây kích ứng hoặc áp lực lên các dây thần kinh ở trong và xung quanh cột sống. Điều này có thể gây đau đớn, tê và cảm giác ngứa ran ở lưng lan xuống chân tương tự như các triệu chứng đau thần kinh tọa.
Trong các trường hợp này, bác sĩ có thể đề nghị tiêm steroid hoặc gây tê cục bộ để cải thiện các triệu chứng.
Tuy nhiên hiệu quả của mũi tiêm chỉ kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng. Do đó biện pháp này thường chỉ có tác dụng ngắn hạn và không được khuyến khích sử dụng lâu dài để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Sử dụng đai hỗ trợ lưng:
Đai định hình lưng điều trị cong vẹo cột sống thường không được chỉ định ở người lớn. Tuy nhiên, sử dụng đai cố định có thể hỗ trợ cột sống và giảm đau hiệu quả.
Đai lưng được xem là một biện pháp điều trị thay thế trong trường hợp người bệnh không đủ điều kiện hoặc không thể phẫu thuật.
Phẫu thuật:
Hầu hết người lớn bị cong vẹo cột sống không cần phẫu thuật. Tuy nhiên phẫu thuật có thể được đề nghị nếu:
- Đường cong ở cột sống nghiêm trọng hoặc trở nên nghiêm trọng theo thời gian
- Người bệnh bị đau lưng nghiêm trọng và các biện pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả điều trị
- Các dây thần kinh cột sống bị kích thích hoặc bị chèn ép
Các loại phẫu thuật bao gồm:
- Phẫu thuật loại bỏ một phần trong các xương ở cột sống hoặc đốt sống để loại bỏ áp lực lên dây thần kinh.
- Phẫu thuật cắt bỏ một phần trong các đĩa đệm cột sống để loại bỏ các áp lực lên dây thần kinh.
- Phẫu thuật hợp nhất cột sống để giúp cột sống ổn định hơn, tăng cường chức năng cột sống và giúp cột sống thẳng hơn.
Rủi ro khi phẫu thuật:
- Không mang lại hiệu quả giảm đau
- Nhiễm trùng vết thương
- Hình thành cục máu đông
- Gây tổn thương các dây thần kinh ở cột sống dẫn đén yếu chân hoặc liệt ở một mức độ nào đó, tuy nhiên điều này rất hiếm khi xảy ra
Tiên lượng cho chứng vẹo cột sống
Tiên lượng cho chứng vẹo cột sống phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Đối với các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình, tình trạng này thường không gây ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày và có thể không cần điều trị. Những người bị vẹo cột sống nghiêm trọng có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và cần phẫu thuật để tránh các rủi ro liên quan.
Duy trì vận động, luyện tập thể dục thể thao, vật lý trị liệu và chăm sóc sức khỏe cột sống theo hướng dẫn của bác sĩ có thể hỗ trợ điều trị và phòng ngừa chứng vẹo cột sống.
Tìm hiểu thêm: Đau thắt lưng (đau lưng dưới): Nguyên nhân, cách điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!