Chuột rút khi ngủ

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Phạm Thị Minh Dương | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Hay bị chuột rút khi ngủ có liên quan đến rất nhiều nguyên nhân. Bao gồm lười vận động, cơ bắp hoạt động quá mức vào ban ngày, ngủ sai tư thế, tác dụng phụ của thuốc hay các vấn đề bệnh lý. Cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để có biện pháp khắc phục và ngăn ngừa tình trạng này.

chuột rút khi ngủ
Chuột rút khi ngủ là tình trạng rất phổ biến nhiều người gặp phải

Tổng quan về tình trạng chuột rút khi ngủ

Chuột rút còn được gọi là co thắt cơ – đề cập đến tình trạng cơ bắp co thắt không tự nhiên và không thể thư giãn. Tình trạng này xảy ra rất phổ biến và có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng. Một người có thể bị chuột rút một hoặc nhiều cơ cùng lúc.

Trên thực tế, tình trạng chuột rút có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy, chuột rút xảy ra rất phổ biến khi ngủ. Trong đó, tình trạng chuột rút bắp chân ban đêm ảnh hưởng đến 60% người lớn và khoảng 7% trẻ em.

Chuột rút khiến cho các cơ bị căng lên gây đau nhẹ hay nghiêm trọng tại vị trí ảnh hưởng. Đặc biệt nếu bị chuột rút khi ngủ thì giấc ngủ của người bệnh sẽ bị gián đoạn. Từ đó gây mệt mỏi, thiếu năng lượng vào ngày hôm sau. Lâu dần còn khiến người bệnh bị mất ngủ trong thời gian dài.

Nguyên nhân hay bị chuột rút khi ngủ

Các chuyên gia cho biết, hay bị chuột rút khi ngủ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Dưới đây là các nguyên nhân thường gặp nhất:

1. Cơ bắp mệt mỏi

Theo một vài nghiên cứu về chứng chuột rút chân khi ngủ thì mỏi cơ được cho là nguyên nhân chính. Tình trạng này thường bắt nguồn từ việc lạm dụng cơ bắp quá mức vào ban ngày.

Hoạt động quá mức, chẳng hạn như tập các cơ với cường độ cao trong thời gian kéo dài có thể khiến cho nhiều người bị chuột rút vào ban đêm. Đặc biệt tình trạng này có thể diễn ra khi ngủ.

Ngoài ra, đứng trong thời gian dài trong ngày cũng có thể gây mỏi cơ. Các cơ mệt mỏi vào ban ngày có nguy cơ cao bị chuột rút nhiều hơn vào ban đêm.

2. Không hoạt động trong ngày

Ngồi trong một thời gian dài, nhất là nhân viên văn phòng hay học sinh, sinh viên có thể khiến các cơ ngắn lại theo thời gian. Hơn nữa, không thường xuyên kéo căng cơ trong thời gian dài còn làm tăng nguy cơ bị chuột rút. Đặc biệt, chứng chuột rút thường xảy ra trên giường vào ban đêm.

Thực tế cũng cho thấy, những người không căng cơ hay tập thể dục thường xuyên rất dễ bị chuột rút chân vào ban đêm. Các cơ ở những người ít hoạt động thể chất có thể ngắn hơn. Điều này làm tăng nguy cơ bị chuột rút hay co thắt.

3. Tâm trạng căng thẳng, lo lắng

Thường xuyên bị áp lực căng thẳng quá độ cũng rất dễ bị chuột rút khi ngủ. Bởi căng thẳng có thể khiến cho các hormone trong cơ thể bị mất cân bằng. Hơn nữa còn làm tăng nhịp tim và huyết áp cao.

4. Thiếu nước và mất cân bằng điện giải

Ngoài ra, tình trạng phơi nắng lâu, hoạt động ngoài trời hay vận động quá mức khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi. Từ đó khiến cho cơ thể bị mất nhiều nước và làm mất cân bằng điện giải. Trường hợp không được bổ sung đầy đủ nước và điện giải sẽ rất dễ bị chuột rút khi ngủ.

vì sao bị chuột rút khi ngủ
Không bổ sung đủ nước trong ngày có thể làm tăng nguy cơ bị chuột rút khi ngủ

Hơn nữa, thói quen uống trà lợi tiểu hay uống cà phê cũng có thể là nguyên nhân khiến cho cơ thể bị thiếu nước và mất cân bằng các chất điện giải. Cơ thể bị thiếu nước, không bổ sung đủ lượng nước cần thiết trong ngày có thể dẫn tới các cơn chuột rút khi ngủ.

5. Rối loạn tuần hoàn máu

Các cơn chuột rút khi ngủ có thể liên quan đến tuần hoàn máu trong cơ thể. Các vấn đề như động mạch dẫn máu tới các cơ bị cản trở do tắc nghẽn, hẹp, xơ vữa… cũng gây nên các cơn chuột rút đột ngột khi ngủ.

Ngoài ra, việc vận động quá nhiều và mạnh cũng có thể cản trở tốc độ tuần hoàn máu. Từ đó dẫn tới hiện tượng chuột rút. Nhất là ở bàn chân và bắp chân.

6. Thiếu hụt các dưỡng chất

Chế độ ăn uống mất cân đối và thiếu khoa học sẽ khiến cho cơ thể bị thiếu hụt dưỡng chất. Đặc biệt là thiếu các khoáng chất như magie, canxi, kali… Tình trạng này dẫn tới mất cân bằng chất điện giải và khiến bạn bị chuột rút khi ngủ.

7. Thai kỳ

Phụ nữ mang thai có nhiều nguy cơ bị chuột rút khi ngủ hơn. Tình trạng này thường do nhu cầu dinh dưỡng tăng lên hay do sự thay đổi của các hormone trong cơ thể trong thai kỳ. Ngoài ra, căng thẳng, lo âu quá mức cũng có thể là vấn đề liên quan.

8. Vấn đề tuổi tác

Khi một người lớn tuổi hơn họ cũng có thể sẽ dễ bị chuột rút vào ban đêm. Theo một đánh giá gần đây từ các nhà nghiên cứu thì có tới khoảng gần 30% người trên 50 tuổi bị chuột rút kinh niên khi ngủ.

9. Tác dụng phụ của thuốc

Nhiều loại thuốc liệt kê tình trạng co thắt cơ như một tác dụng phụ. Một số ít trong số này có liên quan trực tiếp đến chứng chuột rút khi ngủ. Các thuốc được đề cập có thể bao gồm:

  • Naproxen
  • Raloxifene
  • Sắt sucrose tiêm tĩnh mạch
  • Teriparatide
  • Levalbuterol
  • Estrogen kết hợp
  • Pregabalin (Lyrica)
  • Albuterol/ipratropium (Kết hợp)
nguyên nhân gây chuột rút khi ngủ
Chuột rút khi ngủ có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc

10. Một số tình trạng sức khỏe

Các chuyên gia cho biết, một số bệnh mãn tính có thể làm tăng nguy cơ bị chuột rút mãn tính khi ngủ. Các bệnh lý đang được đề cập có thể bao gồm:

  • Bệnh tim mạch
  • Suy thận
  • Suy gan
  • Bệnh tiểu đường
  • Suy giáp
  • Viêm xương khớp
  • Rối loạn thần kinh
  • Tổn thương thần kinh
  • Hẹp ống sống
  • Nghiện rượu mãn tính

Trường hợp nghi ngờ tình trạng chuột rút có liên quan đến các vấn đề sức khỏe này thì bạn nên nhanh chóng tìm gặp bác sĩ. Chẩn đoán và điều trị kịp thời là cách tốt nhất để bảo đảm an toàn cho sức khỏe.

Cách khắc phục tình trạng chuột rút khi ngủ

Điều trị chứng chuột rút ở chân khi ngủ bao gồm các giải pháp tại nhà và sử dụng thuốc. Tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng của triệu chứng để lựa chọn giải pháp phù hợp. Cụ thể như sau:

1. Các giải pháp khắc phục tại nhà

Một số biện pháp khắc phục tại nhà có thể làm giảm đau và giảm mức độ khó chịu của chứng chuột rút khi ngủ bao gồm:

Kéo căng cơ:

Nhẹ nhàng kéo căng vùng cơ bắp bị chuột rút có thể giúp cải thiện và ngăn chặn tình trạng co thắt cơ xảy ra. Tùy thuộc vào vùng cơ bị ảnh hưởng mà có thể lựa chọn động tác kéo giãn phù hợp.

Trường hợp bị chuột rút ở bắp chân thì bạn cần cố gắng duỗi thẳng chân. Giữ cho bàn chân hướng lên trên, các ngón chân hướng về phía mặt.

Massage:

Massage cũng là một cách chữa chuột rút khi ngủ tại nhà rất đơn giản và hiệu quả. Dùng lực vừa đủ từ bàn và các ngón tay sẽ tác động trực tiếp lên vùng bị chuột rút. Ngoài giúp thư giãn gân cơ thì còn giải phóng ứ trệ, chèn ép và thúc đẩy tuần hoàn máu.

cách làm giảm chuột rút khi ngủ
Massage có thể giúp cải thiện triệu chứng chuột rút và tăng tuần hoàn máu

Trường hợp thường xuyên gặp phải tình trạng chuột rút khi ngủ thì nên tiến hành massage trước khi đi ngủ. Mẹo nhỏ này có thể ngăn ngừa chuột rút và giúp giấc ngủ được chăm sóc tốt hơn, tránh bị gián đoạn.

Tác dụng nhiệt:

Chườm ấm cũng là một giải pháp rất đơn giản có khả năng làm giãn cơ bắp đang bị co thắt. Ngoài ra, nhiệt độ ấm còn giúp giảm đau và tăng cường tuần hoàn máu.

Chuẩn bị 1 chai nước ấm hay túi chườm ấm đặt vào vùng bị chuột rút trong khoảng 15 – 20 phút. Tuyệt đối không được sử dụng nhiệt độ quá cao bởi có thể khiến vùng da bên ngoài bị kích ứng.

2. Sử dụng thuốc

Các loại thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen hoặc aspirin sẽ không có tác dụng làm dịu chứng chuột rút. Bởi, về căn bản chuột rút không liên quan tới tình trạng viêm.

Tuy nhiên việc sử dụng thuốc giảm đau và chống viêm không steroid lại giúp người bệnh đối phó với cơn đau do chuột rút. Từ đó mang tới cảm giác dễ chịu hơn.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sẽ phải kê đơn thuốc để điều trị chứng chuột rút khi ngủ mãn tính. Các thuốc được dùng thường bao gồm:

  • Carisoprodol (Soma)
  • Gabipentin
  • Diltiazem
  • Verapamil
  • Orphenadrine

Các thuốc này cần sử dụng đúng theo chỉ định từ bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về dùng hay thay đổi liều lượng và tần suất dùng thuốc. Trường hợp gặp phải các tác dụng ngoại ý, cần thông báo cho bác sĩ được biết để có sự điều chỉnh kịp thời.

Khi nào cần thăm khám bác sĩ?

Chuột rút khi ngủ có thể rất khó chịu và làm gián đoạn giấc ngủ. Nếu gặp phải tình trạng này thường xuyên và các giải pháp tại nhà không đáp ứng thì nên nói chuyên với bác sĩ. Việc tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị là rất cần thiết để khắc phục triệu chứng và ngăn ngừa các vấn đề rủi ro liên quan.

chuột rút khi ngủ khi nào cần khám bác sĩ
Trường hợp thường xuyên bị chuột rút nên chủ động thăm khám bác sĩ

Tương tự như vậy, nếu chuột rút ảnh hưởng đến nhiều cơ hay trở nên nghiêm trọng thì mọi người cũng nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán đầy đủ. Trước hết bác sĩ sẽ loại trừ các rối loạn khác có triệu chứng tương tự. Sau đó một số xét nghiệm có thể được thực hiện để xác định  rõ nguyên nhân.

Ngăn ngừa tình trạng chuột rút khi ngủ

Ngăn ngừa chuột rút khi ngủ là lựa chọn tốt với nhiều người. Mặc dù điều này không phải lúc nào cũng khả thi. Dưới đây là một số biện pháp có thể giúp ích:

Tập thể dục nhẹ:

Thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng vào cuối ngày có thể giúp hạn chế các cơn chuột rút khi ngủ xảy ra. Điều này bao gồm các hoạt động như đi bộ hay dành vài phút trên 1 chiếc xe đạp cố định trước khi ngủ. Ngoài ra, một vài động tác yoga nhẹ nhàng cũng rất hữu ích.

Uống nhiều nước:

Chất lỏng sẽ giúp vận chuyển dưỡng chất đến các cơ. Đồng thời còn giúp đưa chất thải từ các cơ đi ra ngoài. Bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể trong suốt cả ngày sẽ giúp các cơ hoạt động tốt. Hơn nữa còn ngăn ngừa chứng chuột rút vào ban đêm.

Bổ sung dưỡng chất:

Chú ý tăng lượng kali và canxi tự nhiên bằng cách ăn chuối, uống nước cam hoặc uống sữa. Ngoài ra, cần trao đổi với bác sĩ về vấn đề bổ sung các loại vitamin và khoáng chất khi cần thiết.

Ăn uống hợp lý:

Cần duy trì chế độ ăn uống cân bằng để đảm bảo dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Ngoài ra cần hạn chế hoặc giảm số lượng đồ ăn thức uống chứa caffeine. Nhất là cà phê và chocolate.

Việc thỉnh thoảng bị chuột rút khi ngủ là bình thường và không phải là nguyên nhân khiến bạn lo lắng. Tuy nhiên nếu tình trạng này thường xuyên diễn ra trong thời gian dài thì nên sớm tìm gặp bác sĩ. Việc chẩn đoán đầy đủ và điều trị đúng cách là rất cần thiết.

Tham khảo thêm: Chuột rút khi mang thai và cách xử lý nhanh cho mẹ bầu

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua