Chuột rút
Chuột rút là các cơn co thắt đột ngột, không chủ ý của một hoặc nhiều cơ trên cơ thể. Tình trạng này thường xảy ra ở chân, có thể kéo dài vài giây đến vài phút. Trong hầu hết các trường hợp, chuột rút không nghiêm trọng nhưng có thể khiến người bệnh tạm thời không sử dụng được bộ phận bị ảnh hưởng.
Chuột rút là gì?
Chuột rút (hay co thắt cơ) là tình trạng xảy ra khi các cơ sinh học co thắt không tự nhiên và không thể thư giãn. Đây là tình trạng phổ biến có thể ảnh hưởng đến một phần hoặc toàn bộ cơ hoặc một số cơ trong một nhóm cơ.
Các cơ thường bị ảnh hưởng bao gồm những cơ ở mặt sau của cẳng chân, mặt sau của đùi và mặt trước của đùi. Ngoài ra, chuột rút cũng có thể xảy ra ở các vị trí khác, chẳng hạn như:
- Vòm bàn chân;
- Bàn tay;
- Cánh tay;
- Bụng;
- Lồng ngực (không phổ biến).
Cơn đau do chuột rút có thể nghiêm trọng khiến người bệnh khó đi lại hoặc sử dụng cơ bị ảnh hưởng. Nếu xuất hiện vào ban đêm, các cơn có thắt có thể khiến người bệnh thức giấc khi đang ngủ.
Cơn đau do co thắt cơ thường xuất hiện đột ngột, dữ dội, kéo dài từ vài giây đến 15 phút. Trong một số trường hợp, khối cơ bị chuột rút có thể bị phồng lên và có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Tập thể dục hoặc lao động thể chất trong thời gian dài có thể dẫn đến chuột rút, đặc biệt là trong thời tiết nóng bức. Tuy nhiên, một số loại thuốc và điều kiện y tế nhất định cũng có thể gây co thắt cơ. Điều quan trọng là người bệnh cần xác định các nguyên nhân để có biện pháp khắc phục phù hợp.
Chuột rút thường không nghiêm trọng nhưng có thể khiến cơ bị ảnh hưởng tạm thời không thể sử dụng được. Trong hầu hết các trường hợp, chuột rút có thể được chăm sóc tại nhà.
Chuột rút cảm giác như thế nào?
Cơn co thắt do chuột rút có thể từ nhẹ đến dữ dội. Cơ bị ảnh hưởng có thể cứng hơn bình thường khi chạm vào hoặc có hình dạng bất thường (chẳng hạn như nhô lên) và có dấu hiệu co giật.
Cơn co thắt có thể kéo dài trong vài giây đến 15 phút hoặc lâu hơn, tùy vào các điều kiện cụ thể. Ngoài ra, cơn đau cũng có thể tái phát nhiều lần với cường độ khác nhau trước khi biến mất hoàn toàn.
Dấu hiệu nhận biết chuột rút
Trong hầu hết các trường hợp, chuột rút cơ bắp xuất hiện ở chân, đặc biệt là bắp chân hoặc đùi. Chuột rút dẫn đến một cơn đau đơn đột ngột, đau nhói hoặc cảm nhận được một mô cơ cứng bên dưới da.
Các loại chuột rút
Có một số loại chuột rút khác nhau, được phân loại dựa trên nguyên nhân, chẳng hạn như:
1. Chuột rút cơ xương
Trong điều kiện bình thường, cơ xương thường có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, khi bị chuột rút, cơ xương có thể dẫn đến đau đớn dữ dội và gây mất khả năng sử dụng cơ bị ảnh hưởng tạm thời.
Cơ xương thường bị ảnh hưởng bởi chuột rút là bắp chân, đùi và vòm bàn chân. Tình trạng này thường liên quan đến các hoạt động thể chất gắng sức, tuy nhiên cũng có thể xảy ra khi người bệnh thư giãn và không hoạt động.
Có khoảng 40% các trường hợp chuột rút cơ xương dẫn đến các cơn đau đớn dữ dội và nhóm cơ bị ảnh hưởng có thể bị khóa tạm thời. Trong các trường hợp nghiêm trọng, nhóm cơ bị ảnh hưởng có thể cần đến một tuần để phục hồi hoàn toàn (không cảm thấy đau). Khả năng và thời gian hồi phục phụ thuộc vào vào mức độ tổn thương, tuổi tác và một số yếu tố khác.
2. Chuột rút về đêm
Chuột rút về đêm là các cơn co thắt cơ không tự chủ, xảy ra ở bắp chân, lòng bàn chân hoặc các cơ khác trên cơ thể vào ban đêm hoặc khi người bệnh nghỉ ngơi. Tình trạng này có thể kéo dài vài giây đến vài phút và cơn đau cơ vẫn còn sau khi cơn chuột rút qua đi. Những cơn cơ thắt cơ về đêm thường phổ biến hơn ở những người lớn tuổi. Tuy nhiên tình trạng này cũng xảy ra ở thanh thiếu niên tập thể dục vào ban đêm.
Các nguyên nhân dẫn đến chuột rút về đêm không rõ ràng. Tuy nhiên các yếu tố rủi ro có thể bao gồm mất nước, nồng độ khoáng chất thấp (magiê, kali, canxi và natri) và giảm lưu lượng máu đến các cơ quan khi nằm lâu. Bên cạnh đó, chuột rút chân về đêm ở phụ nữ mang thai là một dấu hiệu bình thường.
Kéo giãn nhẹ nhàng, xoa bóp, tắm nước ấm hoặc tạo áp lực nhẹ lên cơ bị ảnh hưởng có thể cải thiện tình trạng chuột rút. Bên cạnh đó, bổ sung magie, thuốc chẹn kênh canxi và vitamin B12 cũng có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.
3. Chuột rút cơ trơn
Co thắt các cơ trơn có thể là dấu hiệu của bệnh lạc nội mạc tử cung hoặc một số vấn đề sức khỏe khác. Ngoài ra, đau bụng kinh cũng là một dạng co thắt cơ bắp xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt.
4. Chuột rút do thuốc
Một số loại thuốc điều trị khác nhau có thể dẫn đến các cơn chuột rút. Cụ thể, các loại thuốc phổ biến bao gồm:
- Thuốc lợi tiểu;
- Đường sacaroza sắt tiêm tĩnh mạch;
- Naproxen;
- Raloxifene;
- Thuốc chủ vận beta adrenergic có tác dụng kéo dài;
Nguyên nhân dẫn đến chuột rút
Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến chuột rút, chẳng hạn như:
1. Nguyên nhân cơ bản
Chuột rút có thể liên quan đến một số nguyên nhân, chẳng hạn như:
- Lạm dụng cơ;
- Mất nước;
- Căng cơ;
- Giữ yên tư thể trong một thời gian.
Mặc dù hầu hết các trường hợp, co thắt cơ bắp thường không nghiêm trọng, tuy nhiên đôi khi tình trạng này có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như:
- Không đủ lượng máu cần thiết: Tình trạng thu hẹp các động mạch cung cấp máu đến chân (còn gọi là xơ cứng động mạch tứ chi) có thể dẫn đến các cơn co thắt cơ khi đang tập thể dục. Các triệu chứng này thường được cải thiện ngay khi người bệnh ngừng tập thể dục.
- Chèn ép dây thần kinh: Tình trạng chèn ép các dây thần kinh bên trong cột sống cũng có thể dẫn đến co thắt cơ bắp. Các triệu chứng thường nghiêm trọng hơn khi người bệnh đi bộ. Ngoài ra, đi bộ ở tư thế gập người có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.
- Suy giảm khoáng chất: Quá ít canxi, magie và canxi trong chế độ ăn uống có thể góp phần dẫn đến co thắt cơ bắp.
2. Các yếu tố rủi ro
Ngoài các nguyên nhân cơ bản, có một số yếu tố rủi ro có thể dẫn đến chuột rút bao gồm:
- Độ tuổi: Người lớn tuổi thường bị mất một khối lượng cơ nhất định. Do đó, phần còn lại của cơ thể có thể bị căng quá mức và dẫn đến chuột rút.
- Mất nước: Vận động viên có thể bị mất nước khi tham gia một số môn thể thao có thể bị cơ thắt cơ, đặc biệt là khi chơi thể thao trong thời tiết nóng.
- Thai kỳ: Chuột rút là vấn đề phổ biến trong thai kỳ, đặc biệt là ở cuối thai kỳ.
- Điều kiện y tế: Một số bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ chuột rút cơ bắp, chẳng hạn như rối loạn thần kinh, bệnh gan, suy thận, chèn ép dây thần kinh cột sống hoặc tuyến giáp.
Chẩn đoán tình trạng chuột rút
Chuột rút thường không nghiêm trọng và không cần điều trị y tế. Tuy nhiên tình trạng co thắt cơ bắp nghiêm trọng, kéo dài, tái phát thường xuyên và không đáp ứng với các biện pháp chăm sóc tại nhà người bệnh nên đến bệnh viện để được chăm sóc sức khỏe phù hợp. Điều này có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý và điều kiện sức khỏe tiềm ẩn.
Để xác định nguyên nhân dẫn đến chuột rút, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng thể và xác định các vấn đề liên quan, chẳng hạn như:
- Thời gian bị chuột rút;
- Các cơ bị ảnh hưởng;
- Các loại thuốc đang sử dụng;
- Thói quen uống rượu và sử dụng các chất kích thích;
- Thói quen tập thể dục;
- Số lượng nước tiêu thụ mỗi ngày.
Người bệnh cũng có thể cần xét nghiệm máu để đo nồng độ kali trong máu cũng như chức năng thận và tuyến giáp. Ngoài ra,đôi khi bác sĩ cũng có thể đề nghị người bệnh thử thai.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh đo điện cơ để đo lường hoạt động của cơ và kiểm tra các bất thường liên quan. Hình ảnh MRI cũng có thể được đề nghị để kiểm tra các vấn đề ở tủy sống. Đôi khi bác sĩ có thể đề nghị chụp tủy đồ hoặc các nghiên cứu hình ảnh khác để hỗ trợ quá trình chẩn đoán.
Điều trị tình trạng chuột rút
Chuột rút là tình trạng phổ biến, không nghiêm trọng và không cần điều trị. Nếu các triệu chứng gây khó chịu, người bệnh có thể tham khảo các biện pháp chăm sóc tại nhà. Các phương pháp cụ thể bao gồm:
- Chườm nóng: Người bệnh có thể chườm nóng hoặc lạnh lên khu vực bị tổn thương để giảm bớt cơn đau do chuột rút.
- Kéo căng cơ bắp: Kéo căng cơ bắp bị ảnh hưởng có thể giảm cơn đau do co thắt cơ bắp. Nếu bắp chân bị co rút, người bệnh có thể dùng tay để kéo căng cơ bắp chân.
- Sử dụng thuốc giảm đau: Nếu cơn đau không được cải thiện, người bệnh có thể sử dụng thuốc chống viêm không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen, để cải thiện các cơn đau. Thuốc cũng có thể kéo căng nhẹ nhàng các cơ bắp bị đau.
Nếu chuột rút thường xuyên xảy ra vào ban đêm và gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc giảm co thắt theo toa. Thuốc này hỗ trợ giãn cơ bắp và làm dịu các cơn co thắt cơ bắp.
Ngoài ra, người bệnh nên đến bệnh viện để xác định các nguyên nhân cơ bản có thể dẫn đến co thắt cơ bắp. Đôi khi bác sĩ có thể đề nghị bổ sung các khoáng chất cần thiết, chẳng hạn như canxi, kali để ngăn ngừa các cơn co thắt cơ bắp.
Chế độ ăn uống dành cho người thường xuyên bị chuột rút
Chuột rút cơ bắp xảy ra khi cơ căng quá mức và người bệnh không thể thả lỏng cơ. Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng này có thể được cải thiện bằng cách tập thể dục, kéo căng cơ và chườm nóng có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.
Bên cạnh đó, tăng cường một số chất dinh dưỡng quan trọng, chẳng hạn như kali, canxi, natri và magie có thể hỗ trợ ngăn ngừa tình trạng chuột rút cơ bắp. Cụ thể, các loại thực phẩm tốt cho người bị chuột rút cơ bao gồm:
- Chuối: Chuối là một nguồn cung cấp kali, magiê và canxi dồi dào. Đây là ba trong số bốn chất dinh dưỡng cần thiết để giảm và ngăn ngừa tình trạng chuột rút. Do đó, những người bị chuột rút nên thường xuyên bổ sung chuối.
- Khoai lang: Tương tự như chuối, khoai lang cung cấp một lượng kali, canxi và magiê dồi dào. Bên cạnh đó, lượng canxi trong khoai lang cao gấp 6 lần so với chuối, do đó người bệnh nên thường xuyên tiêu thụ.
- Bí ngô: Bí ngô cũng là một nguồn cung cấp kali, canxi và magiê dồi dào. Bên cạnh đó, bí cũng có hàm lượng nước tự nhiên cao, do đó tiêu thụ bí ngô có thể giúp cơ thể giữ nước.
- Bơ: Một quả bơ trung bình chứa khoảng 975 mg kali, nhiều hơn gấp đôi so với chuối và khoai lang. Kali là hoạt chất quan trọng đối với sức khỏe cơ bắp và ngăn ngừa nguy cơ chuột rút.
- Các loại đậu: Các loại đậu chứa nhiều magie và chất xơ. Các nghiên cứu cho biết, bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ có thể hỗ trợ giảm đau bụng kinh và kiểm soát các cơn co thắt cơ bắp.
- Dưa hấu: Dưa hấu chứa 99% là nước, do đó tiêu thụ dưa hấu có thể cung cấp một lượng nước vừa đủ và ngăn ngừa nguy cơ mất nước. Ngoài ra dưa cũng chứa một hàm lượng kali cao, có thể hỗ trợ ngăn ngừa các cơn chuột rút cơ bắp.
- Sữa: Sữa là một nguồn tự nhiên các chất điện giải như canxi, kali và natri. Ngoài ra, sữa cũng chứa nhiều protein và có thể hỗ trợ phục hồi các cơ sau khi luyện tập.
- Rau lá màu xanh đậm: Các loại rau lá xanh, chẳng hạn như cải xoăn, rau bina hoặc bông cải xanh, rất giàu canxi, magie và có thể hỗ trợ phòng ngừa chuột rút. Ăn rau xanh cũng có thể giảm đau bụng kinh.
- Nước cam: Một cốc nước cam có thể tăng cường lượng kali trong cơ thể và ngăn ngừa tình trạng mất nước, điều này có thể hỗ trợ cải thiện các cơn chuột rút cơ bắp.
- Cá hồi: Đôi khi các cơn co thắt cơ bắp có thể liên quan đến khả năng lưu thông máu kém. Tiêu thụ nhiêu axit béo omega 3 như cá hồi có thể cải thiện tình trạng này và ngăn ngừa các cơn co thắt cơ bắp. Ngoài ra, cá hồi cũng chứa nhiều kali và natri, có thể giảm co thắt và bảo vệ cơ bắp.
- Uống nhiều nước: Uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày có thể ngăn ngừa các triệu chứng co thắt cơ bắp và tránh mệt mỏi sau khi luyện tập thể dục.
Ngăn ngừa chuột rút
Cách tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng chuột rút là tránh các bài tập cường độ cao và hạn chế các động tác có thể gây căng cơ. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể tham khảo một số biện pháp phòng ngừa như:
- Kéo căng và khởi động trước khi tham gia luyện tập các môn thể dục thể thao. Không khởi động phù hợp có thể dẫn đến căng cơ và chấn thương.
- Không tập thể dục hoặc vận động mạnh sau khi ăn.
- Hạn chế hoặc giảm số lượng thức ăn và đồ uống có chứa caffeine, chẳng hạn như cà phê và chocolate.
- Uống đủ lượng nước hàng ngày để tránh mất nước. Người bệnh có thể cần tiêu thụ nhiều chất lỏng hơn khi đang hoạt động thể chất.
- Tăng lượng canxi và kali tự nhiên bằng cách uống sữa, ăn chuối và uống nước cam.
- Trao đổi với bác sĩ về việc bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cần thiết.
Chuột rút thường xuất hiện đột ngột với các cơn đau đớn dữ dội. Tnh trạng này không nguy hiểm và không cần điều trị. Tuy nhiên nếu các triệu chứng xảy ra thường xuyên hoặc nghiêm trọng, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, tiêu thụ đầy đủ lượng nước cần thiết, căng cơ trước khi tập thể dục và bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết có thể hỗ trợ ngăn ngừa tình trạng này.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!