Viêm Khớp Ngón Chân: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Cách Trị
Viêm khớp ngón chân là tình trạng phổ biến, tuy nhiên ít được quan tâm và điều trị phù hợp. Dưới đây là một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này, người bệnh có thể tham khảo thêm và có kế hoạch điều trị, chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Dấu hiệu nhận biết viêm khớp ngón chân
Viêm khớp ngón chân là tình trạng viêm mãn tính của các khớp ở bàn chân. Khớp dễ bị ảnh hưởng nhất là khớp đốt bàn chân – ngón chân (Metatarsophalangeal – MTP), nối ngón chân cái với phần còn lại của bàn chân. Các triệu chứng của viêm khớp ngón chân tương tự như viêm đau khớp tại các vị trí khác trong cơ thể, bao gồm đau, cứng khớp, sưng và viêm.
Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng có thể đến rồi đi hoặc dai dẳng và dẫn đến suy nhược cơ thể. Người bệnh có thể thức dậy với cơn đau và sưng ở một hoặc nhiều khớp ngón chân. Ngoài ra, đôi khi cơn đau có thể bắt đầu bằng sự khó chịu nhẹ, ngày càng tăng và gây thay đổi kích thước ngón chân theo thời gian.
Các triệu chứng viêm khớp ngón chân phổ biến nhất có thể bao gồm:
- Đau và nhức ở gốc ngón chân cái: Cơn đau có thể bùng phát khi đứng, đi bộ và giảm dần khi đứng dậy. Cơn đau cũng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi hoạt động thể chất cường độ cao và cần vài giờ hoặc vài ngày để cải thiện.
- Sưng: Viêm khớp có thể dẫn đến tích tụ một lượng nhỏ chất lỏng ở khớp, khiến các ngón chân trở nên đầy đặn, sưng và khó uốn cong.
- Chuyển động bị hạn chế: Phạm vi chuyển động có thể bị hạn chế do sưng tấy, mất sụn giữa các xương và khiến khớp chuyển động kém linh hoạt. Ngoài ra, thời tiết lạnh cũng có thể khiến cơn đau, cứng khớp trở nên nghiêm trọng và gây thu hẹp phạm vi chuyển động của người bệnh.
- Đỏ và nóng: Tình trạng viêm sẽ khiến các mạch máu mở rộng hơn, dẫn đến tăng cường lưu lượng máu đến ngón chân bị tổn thương. Điều này sẽ khiến các khớp ấm khi chạm vào và có màu đỏ.
- Hình thành các dị tật: Chẳng hạn như gai xương, biến dạng ngón chân cái (Bunions), tật ngón chân búa và ngón chân vồ. Các biến dạng này có thể gây ảnh hưởng đến hình dạng bàn chân, dáng đi. Ở một số người, dị tật có thể gây lở loét, hình thành vết chai và mụn nước.
- Tê: Sưng và thay đổi cấu trúc ở bàn chân có thể gây chèn ép lên dây thần kinh, từ đó dẫn đến tê, nóng rát và ngứa ran.
- Có âm thanh lách cách hoặc lộp bộp: Các khớp ngón chân có thể phát ra âm thanh do sụn đệm bị tổn thương, khiến các xương ma sát, hao mòn và phát ra âm thanh khi chuyển động.
Các loại và nguyên nhân viêm khớp ngón chân
Có nhiều loại viêm khớp ngón chân. Do đó, điều quan trọng là xác định đúng loại viêm khớp và có phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là một số loại viêm khớp phổ biến gây ảnh hưởng đến ngón chân:
1. Thoái hóa khớp ngón chân
Thoái hóa khớp xảy ra khi các sụn đệm dần hao mòn theo thời gian. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là tuổi tác cao, tuy nhiên chấn thương, lạm dụng, giày dép chật hoặc tư thế vận động không đúng, cũng có thể gây bệnh. Thoái hóa khớp ngón chân thường ảnh hưởng đến khớp dưới cùng của ngón chân cái, được gọi là khớp đốt bàn chân – ngón chân (Metatarsophalangeal – MTP).
Thoái hóa khớp ở các ngón chân có thể gây mất ổn định cho toàn bộ bàn chân, dẫn đến mất thăng bằng, dễ té ngã và nhiều vấn đề vận động khác. Do đó, nếu nhận thấy các cơn đau, cứng khớp, khó vận động, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
2. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh viêm mãn tính, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tự tấn công, gây viêm và đau khớp. Viêm khớp dạng thấp có thể gây ảnh hưởng đến nhiều khớp nhỏ trong cơ thể, bao gồm các khớp ở ngón chân và gây ra viêm khớp ngón chân.
Trong hầu hết các trường hợp, viêm khớp dạng thấp sẽ gây ảnh hưởng đến các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân trước, sau đó có thể ảnh hưởng đến các khớp khác, bao gồm các khớp lớn như hông, đầu gối và cột sống. Tuy nhiên, theo thống kê, có khoảng 90% người bệnh viêm khớp dạng thấp có tổn thương và viêm ở các ngón chân.
Dấu hiệu phổ biến nhất của viêm khớp dạng thấp ở ngón chân là sưng, đau và biến dạng ngón chân cái. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị đau bên dưới lòng bàn chân hoặc cổ chân. Đôi khi viêm khớp dạng thấp có thể gây ra tình trạng hình thành móng vuốt ở bên dưới ngón chân cái, dẫn đến đi đớn dữ dội và ảnh hưởng đến khả năng chuyển động, đi lại.
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý toàn thân, do đó người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, suy nhược và dễ ốm. Điều quan trọng là đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
3. Viêm khớp vẩy nến
Tương tự như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến là một bệnh lý tự miễn, có thể gây ảnh hưởng đến các ngón chân, dẫn đến viêm, sưng tấy và đau đớn. Ngoài ra, người bệnh viêm khớp vẩy nến có thể xuất hiện các tổn thương da đặc trưng, chẳng hạn như hình thành các mảng da đổi màu, bong tróc, ngứa và được bảo phủ với một lớp vảy màu bạc.
Tình trạng viêm khớp vẩy nến ở ngón chân có thể gây biến dạng móng, chẳng hạn như móng chân bị rỗ, tách rời hoặc đổi màu. Các ngón chân cũng có thể bị sưng, cứng, đau, nóng và căng như xúc xích.
Một số nghiên cứu cũng cho biết, viêm khớp vẩy nến có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi nghiêm trọng, suy nhược cơ thể và giảm sức khỏe nói chung. Do đó, nếu nhận thấy các triệu chứng, người bệnh cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả nhất.
4. Bệnh gout
Đối với một số trường hợp, viêm khớp ngón chân cái, đặc biệt là ở khớp nối ngón chân với bàn chân, là triệu chứng ban đầu của bệnh gout. Bệnh gút là một loại viêm khớp xảy ra do nồng độ axit uric trong máu tăng cao tích tụ trong các khớp và làm trầm trọng thêm, gây viêm.
Cơn gút cấp có thể ảnh hưởng đến nhiều khớp, bao gồm ngón chân cái, mắt cá chân, bàn chân, đầu gối và khuỷu tay. Nếu không được điều trị, các acid uric tích tụ trong khớp sẽ dẫn đến hình thành các hạt tophi, có thể nhìn thấy bên dưới da và xung quanh khớp ngón chân, mắt cá chân hoặc các khớp khác.
Các nguyên nhân chính dẫn đến bệnh gút có thể liên quan đến di truyền và rối loạn thận, nhưng chế độ ăn uống, sử dụng rượu và béo phì là những yếu tố nguy cơ góp phần gây bệnh.
Bệnh gout là một tình trạng đau đớn và cần được điều trị phù hợp để tránh các rủi ro phát sinh. Thông thường, bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc chống viêm và làm giảm nồng độ acid uric trong máu. Tuy nhiên việc thực hiện lối sống khoa học và chế độ ăn uống lành mạnh có thể góp phần cải thiện các triệu chứng.
5. Viêm khớp nhiễm khuẩn
Viêm khớp nhiễm khuẩn còn được gọi là viêm khớp nhiễm trùng, thường gây đau đớn và khó khăn khi sử dụng các khớp bị ảnh hưởng. Các triệu chứng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi cử động, hoạt động thể chất. Có thể mất vài giờ hoặc vài ngày để cơn đau thuyên giảm. Ngoài ra, viêm khớp nhiễm khuẩn có thể kèm theo sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, yếu và không thể cử động khớp bị ảnh hưởng.
Tình trạng này có thể xảy ra do vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập vào máu từ nhiều vùng khác nhau trong cơ thể, nhưng thường lưu trú tại các khớp. Viêm khớp nhiễm khuẩn có thể xảy ra do chấn thương, vết thương do phẫu thuật, điều này sẽ đưa vi khuẩn trực tiếp đến khớp.
Viêm khớp nhiễm khuẩn thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc chọc hút dịch khớp. Ngoài ra, người bệnh cần dành thời gian nghỉ ngơi, bảo vệ các khớp ngón chân. Sau khi hết viêm và sưng, người bệnh nên tập thể dục nhẹ nhàng để xây dựng sức mạnh và cải thiện phạm vi chuyển động.
Các yếu tố nguy cơ gây viêm khớp ngón chân khác bao gồm béo phì. Bởi vì cân nặng dư thừa có thể gây căng thẳng cho các khớp chịu trọng lượng, bao gồm các ngón chân. Bên cạnh đó, việc mang giày dép không phù hợp cũng góp phần dẫn đến sưng, đau mãn tính, gây thoái hóa và viêm khớp.
Chẩn đoán viêm khớp ngón chân như thế nào?
Nếu nhận thấy các dấu hiệu viêm khớp ngón chân, người bệnh cần đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác nhất. Quá trình chẩn đoán có thể bao gồm:
- Kiểm tra thể chất: Bác sĩ có thể kiểm tra toàn bộ bàn chân, các khớp ngón chân để xác định mức độ nghiêm trọng của cơn đau, biến dạng và mất chức năng.
- Chụp X-quang để quan sát cấu trúc xương của ngón chân, đánh giá tình trạng mất sụn và hình dung các biến dạng xương. Bác sĩ có thể đề nghị chụp X – quang chân khi đang đứng để xác định trọng lượng ảnh hưởng như thế nào đến các khớp ngón chân.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể được đề nghị, mặc dù các xét nghiệm này hiếm khi được chỉ định.
- Xét nghiệm máu được chỉ định để xác định protein, kháng thể hoặc acid uric, giúp xác định bệnh gút hoặc viêm khớp dạng thấp.
- Chọc hút khớp được chỉ định để loại trừ các tình trạng bệnh lý hoặc các dạng viêm khớp khác. Trong xét nghiệm này, chất lỏng trong khớp sẽ được lấy ra để kiểm tra nhiễm trùng và acid uric.
Biện pháp điều trị viêm khớp ngón chân
Điều trị viêm khớp ngón chân phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Hầu hết các trường hợp, tình trạng này được kiểm soát bằng thuốc và thay đổi lối sống. Phẫu thuật có thể được chỉ định, tuy nhiên hiếm khi cần thiết.
1. Giảm đau tại nhà
Có một số cách giảm đau và góp phần điều trị tình trạng viêm khớp ngón chân tại nhà hiệu quả, an toàn. Người bệnh có thể tham khảo các biện pháp như:
- Chườm lạnh: Liệu pháp lạnh có thể giúp giảm đau ở các khớp bị viêm. Lạnh sẽ làm co mạch máu trong cơ, giảm lưu lượng máu đến vùng khớp giúp giảm sưng và viêm.
- Chườm nóng: Liệu pháp nhiệt sẽ làm ấm da và khớp, khiến các mạch máu giãn da, đồng thời mang oxy giàu các chất dinh dưỡng đến các khớp và cơ, từ đó giảm đau hiệu quả. Ngoài ra, trước khi hoạt động, việc áp dụng liệu pháp nhiệt có thể làm ấm và nới lỏng các cơ ở bàn chân dưới cho phép các ngón chân cử động dễ dàng hơn.
- Giảm cân: Duy trì trọng lượng khỏe mạnh có thể ngăn ngừa và điều trị viêm khớp nói chung, đặc biệt là viêm khớp ngón chân. Trọng lượng quá mức sẽ khiến viêm trở nên nghiêm trọng và khó điều trị hơn.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh và trái cây, có thể góp phần chống viêm và nâng cao sức khỏe xương khớp.
- Duy trì vận động: Thường xuyên tập thể dục, duy trì vận động thể chất nhẹ nhàng, có thể giúp giảm đau, mệt mỏi, cứng khớp, đồng thời phục hồi phạm vi chuyển động.
2. Sử dụng thuốc điều trị
Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Ibuprofen, là loại thuốc đầu tiên được sử dụng để điều trị các triệu chứng viêm khớp ngón chân. Thuốc mang lại hiệu quả cao trong việc giảm đau, sưng và cứng khớp.
Mặc dù mang lại hiệu quả cao và được sử dụng phổ biến, tuy nhiên các loại NSAID có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ, chẳng hạn như gây loét dạ dày, tăng nguy cơ đau tim và các vấn đề thận, đặc biệt là khi sử dụng trọng thời gian dài hoặc với liều lượng lớn.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định các loại gel bôi ngoài ra, chẳng hạn như Salonpas, để điều trị viêm khớp ngón chân. Thuốc bôi thường ít tác dụng phụ và phù hợp với người không thể sử dụng thuốc đường uống.
Nếu người bệnh được chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) như Methotrexate, để giúp giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch, từ đó cải thiện tình trạng viêm, đau. DMARD không được sử dụng cho bệnh thoái hóa khớp ngón chân.
Nếu các loại DMARD truyền thống không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định DMARD sinh học. Thuốc nhắm mục tiêu vào các tế bào nhất định, từ đó điều trị các loại viêm khớp, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vẩy nến.
Đối với bệnh gout, bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống viêm và đau để cải thiện các triệu chứng khi bệnh bùng phát. Các loại thuốc phổ biến bao gồm NSAID, Corticosteroid đường uống hoặc tiêm Steroid. Bên cạnh đó, thuốc điều trị bệnh gút Colchicine cũng thường được chỉ định để kiểm soát bệnh. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định thuốc làm giảm nồng độ acid uric trong máu để ngăn ngừa cơn gút tái phát.
Bên cạnh các loại thuốc, bác sĩ cũng có thể hướng dẫn người bệnh sử dụng các loại thảo mộc chống viêm, như gừng hoặc nghệ, để góp phần cải thiện các triệu chứng. Điều quan trọng là luôn luôn hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào.
3. Đi giày dép phù hợp
Việc đầu tư vào giày dép chất lượng cao có thể hỗ trợ vòm bàn chân, hấp thụ sốc và giúp bảo vệ các ngón chân. Điều này có thể giúp cải thiện và phòng ngừa các triệu chứng viêm khớp trở nên nghiêm trọng hơn. Hãy tìm những loại giày có đế cứng hơn và khu vực ngón chân rộng để ngăn ngừa lực uốn và căng quá mức lên các khớp ngón chân. Ngoài ra, hãy ngừng đi giày cao gót hoặc các loại giày đặt chân ở vị trí không tự nhiên.
Nếu cần thiết, người bệnh có thể sử dụng dụng cụ chỉnh hình và miếng lót giày y tế để định vị lại bàn chân, nhờ đó giảm áp lực lên các ngón chân. Các miếng lót giày hoặc các miếng đệm, gel đệm, có thể giảm bớt sự khó chịu, tạo sự thoải mái và giúp các hoạt động trở nên dễ chịu hơn.
Việc sử dụng giày dép phù hợp có thể điều chỉnh cơ học sinh học tại các khớp trong khi chân vẫn hoạt động bình thường nhất có thể. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định loại đế giày hỗ trợ liệu pháp lạnh và nhiệt để nâng cao hiệu quả điều trị.
4. Tiêm Steroid
Tiêm Steroid là kỹ thuật đưa một loại thuốc chống viêm mạnh trực tiếp vào vị trí bị viêm. Mặc dù đôi khi tiêm Steroid vào khớp ngón chân có thể gây khó chịu, tuy nhiên phương pháp này mang lại hiệu quả cao, nhanh chóng.
Thông thường việc tiêm Steroid chỉ được thực hiện khi các phương pháp khác không mang lại hiệu quả.
5. Phẫu thuật điều trị
Phẫu thuật viêm khớp ngón chân thường không cần thiết. Tuy nhiên, khi các biện pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để tránh các tổn thương nghiêm trọng hơn.
Các biện pháp phẫu thuật bao gồm:
- Loại bỏ gai xương đã hình thành xung quanh các khớp ngón chân, từ đó cải thiện phạm vi chuyển động. Phẫu thuật này thường được thực hiện trên ngón chân cái và ít phổ biến hơn trên các ngón chân nhỏ.
- Hợp nhất các khớp ngón chân bị tổn thương để giảm đau và mang lại sự ổn định, vững chắc. Phẫu thuật này thường được thực hiện trên các ngón chân nhỏ.
- Loại bỏ toàn bộ khớp và để lại khớp linh hoạt nhất để di chuyển dễ dàng hơn mà không bị đau hoặc cứng khớp. Tuy nhiên loại phẫu thuật này ít ổn định và tăng nguy cơ té ngã.
- Loại bỏ toàn bộ bề mặt khớp bị tổn thương và thay thế bằng khớp nhân tạo. Quy trình này được thực hiện ở người lớn tuổi không hoạt động thể chất nhiều.
Phẫu thuật viêm khớp ngón chân thường an toàn và có tỷ lệ thành công cao. Tuy nhiên người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về lợi ích, các rủi ro và kế hoạch chăm sóc sau phẫu thuật để đảm bảo sức khỏe.
Phòng ngừa viêm khớp ngón chân
Các ngón chân đóng vai trò rất quan trọng trong sức khỏe tổng thể, khả năng di chuyển và sự thoải mái của người bệnh. Do đó, nếu được chẩn đoán viêm khớp ngón chân, người bệnh nên có kế hoạch quản lý các triệu chứng và phòng ngừa các biến chứng để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh các phương pháp điều trị, người bệnh có thể lưu ý một số kế hoạch tự chăm sóc và phòng ngừa viêm khớp tái phát, chẳng hạn như:
- Mang giày dép phù hợp, vừa vặn để tránh gây áp lực, ma sát và tổn thương các ngón chân. Giày không phù hợp, bao gồm quá cứng, quá chất hoặc quá rộng, đều có thể khiến các ngón chân bị tổn thương.
- Sử dụng các thiết bị bảo vệ và đi giày chuyên dụng khi chơi thể thao hoặc lao động thể chất. Các loại hỗ trợ có vòm cao, đế chắc chắn, đệm và khu vực ngón chân với kích thước phù hợp để ngăn các ngón chân bị ép vào nhau. Điều này góp phần ngăn ngừa kích ứng da, móng và khớp ngón chân.
- Thay đổi chế độ ăn uống, chẳng hạn như cắt bỏ động vật có vỏ và rượu, nếu được chẩn đoán bệnh gút.
- Thường xuyên vận động ngón chân, chẳng hạn như duỗi, co hoặc sử dụng ngón chân để nhặt các vật nhỏ.
Viêm khớp ngón chân có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau. Hầu hết các nguyên nhân này được điều trị bằng cách thay đổi lối sống và sử dụng thuốc. Tuy nhiên, đôi khi người bệnh có thể cần phẫu thuật để giảm đau cũng như ngăn ngừa các biến chứng phát sinh.
Mang giày hỗ trợ và vừa vặn là các tốt nhất để ngăn ngừa và điều trị nhiều nguyên nhân gây viêm khớp ngón chân. Nếu cơn đau kéo dài, lặp lại hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh cần thông báo với bác sĩ ngay lập tức.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!