Viêm Khớp Thái Dương Hàm Có Tự Khỏi Không? Bao Lâu?
Viêm khớp thái dương hàm có tự khỏi không phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, biện pháp điều trị và một số vấn đề liên quan khác. Do đó người bệnh nên tìm hiểu thông tin về bênh và các phương pháp điều trị, để có kế hoạch xử lý phù hợp.
Viêm khớp thái dương hàm có tự khỏi không?
Khớp thái dương hàm là khớp nằm phía trước mỗi bên tai, nối hàm dưới và hộp sọ. Bạn có thể xác định khớp này bằng cách đặt ngón tay ngay phía trước tai và thực hiện động tác đóng – mở miệng. Viêm khớp thái dương hàm là tình trạng tương đối phổ biến, dẫn đến các cơn đau âm ỉ ở gần tai, bên trong tai, đau đầu, cứng cổ và hàm kêu răng rắc mỗi khi nhai.
Trong một số trường hợp, viêm khớp thái dương hàm có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trên thực tế viêm khớp thái dương hàm rất hiếm khi có thể tự khỏi. Thậm chí có khoảng 10% người bệnh gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn nếu không có biện pháp quản lý phù hợp.
Các cơn đau liên quan đến khớp thái dương hàm có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi căng thẳng, bệnh tật hoặc thậm chí là khi thay đổi thời tiết. Các triệu chứng có thể tái phát, sau đó tự biến mất trong vài tuần hoặc vài ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên các triệu chứng thường quay lại vào một chu kỳ mới, gây đau đớn dữ dội và nghiêm trọng hơn nếu nguyên nhân cơ bản không được điều trị.
Mặc dù đôi khi viêm khớp thái dương hàm có thể tự khỏi, tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu không được chăm sóc phù hợp. Trong các trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh có thể thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà. Đôi khi việc kết hợp đúng phương pháp điều trị thích hợp và thực hiện phong cách sống khoa học có thể làm giảm đến 80% các triệu chứng.
Viêm khớp thái dương hàm kéo dài bao lâu?
Mỗi cá nhân sẽ có các triệu chứng và nguyên nhân gây viêm khớp thái dương hàm khác nhau. Người bệnh có thể chịu đựng các cơn đau liên tục, đau âm ỉ kéo dài hoặc cơn đau xuất hiện khi cười, ăn uống hoặc đóng – mở miệng.
Các cơn đau cấp tính (liên quan đến nghiến răng hoặc căng thẳng) có thể được cải thiện trong vài ngày hoặc vài tuần. Trong khi đó các cơn đau mãn tính, có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm và cần nhiều thời gian hơn để cải thiện.
Điều quan trọng để điều trị viêm khớp thái dương hàm là có một kế hoạch cá nhân phù hợp. Không có biện pháp điều trị phù hợp cho tất cả bệnh nhân. Tuy nhiên, nha sĩ hoặc bác sĩ có thể xác định được nguyên nhân và có kế hoạch điều trị phù hợp nhất.
Điều trị viêm khớp thái dương hàm tại nhà
Có nhiều cách điều trị viêm khớp thái dương hàm có thể thực hiện tại nhà mà không cần có sự chỉ định của chuyên gia y tế, chẳng hạn như:
1. Chườm nhiệt ẩm hoặc chườm lạnh
Chườm nhiệt ẩm là một trong những cách chữa viêm khớp thái dương hàm tại nhà đơn giản và hiệu quả nhất. Người bệnh có thể ngâm một tấm khăn trong nước ấm, vắt ráo nước, dùng chườm lên khớp thái dương hàm để giảm đau tạm thời. Tuy nhiên khi chườm ấm cần lưu ý nhiệt độ để tránh gây tổn thương da mặt.
Bên cạnh chườm ấm, chườm lạnh cũng có thể hỗ trợ giảm viêm và đau. Người bệnh có thể bọc viên đá vào một miếng vải cotton sạch sau đó chườm lên khớp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên không nên chườm đá quá 10 – 15 phút, điều này có thể gây bỏng lạnh.
2. Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp
Trong khi đang bị đau khớp thái dương hàm, người bệnh nên cố gắng ăn thức ăn mềm hoặc súp để giúp hàm thư giãn trong lúc ăn. Tránh ăn thức ăn quá cứng hoặc giòn, bởi vì điều này có thể khiến hàm vận động nhiều, gây đau hàm hoặc khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Người bệnh cũng nên thực hiện chế độ ăn uống chứa nhiều thực phẩm chống viêm, chẳng hạn như ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, cá, đậu và các chất béo lành mạnh. Nghệ và gừng cũng là những thực phẩm có khả năng chống viêm mạnh mẽ và phù hợp với người viêm khớp thái dương hàm.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần tránh một số thực phẩm như:
- Kẹo cao su, kẹo dai hoặc dính;
- Bánh mì tròn, bánh mì giòn hoặc các loại bánh nướng khác;
- Táo, cà rốt, các loại trái cây và rau cứng khác;
- Thịt dai hoặc cứng;
- Các loại hạt cứng;
- Đá (đá có thể giúp giảm viêm, tuy nhiên đừng cắn hoặc nhai viên đá).
3. Sử dụng thuốc không kê đơn
Nếu cơn đau không được cải thiện hoặc vượt quá sức chịu đựng, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc không kê đơn không chứa steroid, chẳng hạn như ibuprofen, để giảm đau tạm thời.
Trong trường hợp cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể cần đến gặp nha sĩ. Nha sĩ có thể kê thuốc giảm đau mạnh hơn, thuốc giãn cơ hoặc các thuốc phù hợp khác.
4. Thay đổi hành vi
Một số hành vi có thể gây kích thích và khiến các triệu chứng viêm khớp thái dương hàm trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, người bệnh nên tránh các hành vi như nghiến răng, nhai đá, nhai kẹo cao su hoặc cắn chặt hai hàm.
Trong trường hợp người bệnh có thói quen nghiến răng, có thể sử dụng nẹp hoặc dụng cụ bảo vệ hàm để cải thiện các triệu chứng.
5. Bài tập khớp thái dương hàm
Theo một số nghiên cứu, việc thực hiện các bài tập khớp hàm có thể hỗ trợ tăng phạm vi mở miệng nhiều hơn so với việc sử dụng dụng cụ bảo vệ miệng. Dưới đây là một số bài tập khớp thái dương hàm phổ biến, người bệnh có thể tham khảo:
– Bài tập thư giãn hàm:
Đặt lưỡi ở đỉnh miệng, ngay phía sau răng cửa trên, sau đó thực hiện động tác đóng – mở để thư giãn cơ hàm.
– Bài tập con cá vàng (mở một phần):
Đặt lưỡi trên vòm miệng và một ngón tay ngay trước tai, tại vị trí khớp thái dương hàm. Đặt một ngón tay giữa hoặc ngón tay trỏ của tay còn lại lên cằm. Hạ hàm dưới xuống một nửa rồi đóng lại.
Ngoài ra, người bệnh có thể đặt một ngón tay lên mỗi khớp thái dương hàm ở hai bên khi hạ hàm xuống và khép lại.
Thực hiện bài tập này sáu lần trong một hiệp và sáu hiệp mỗi ngày.
– Bài tập con cá vàng (mở toàn phần):
Đặt lưỡi trên vòm miệng, đặt một ngón tay lên khớp thái dương hàm và một ngón tay của tay khác lên cằm. Hạ hàm dưới hoàn toàn xuống phía dưới. Thực hiện bài tập này sáu lần mỗi hiệp và sáu hiệp mỗi ngày.
– Bài tập kéo cằm:
Căng hai vai về phía sau và ưỡn ngực, hãy kéo cằm về phía sau để tạo thành cằm đôi (hai cằm). Giữ yên trong ba giây sau đó lặp lại 10 lần.
– Bài tập đóng – mở miệng:
Đặt ngón tay cái dưới cằm, từ từ mở miệng trong khi ngón tay cái đẩy nhẹ cằm để tạo lực kháng cự. Giữa yên trong ba đến sau giây rồi từ từ ngậm miệng lại.
– Bài tập chống đóng miệng:
Dùng các ngón trỏ và ngón cái bóp cằm, với ngón tay cái đặt dưới. Thực hiện động tác mở miệng và dùng tay ấn nhẹ lên cằm khi đóng miệng lại. Động tác này có thể tăng cường cơ bắp khi nhai.
– Chuyển động hàm từ bên này sang bên kia:
Đặt một vật có kích thước ¼ inch, chẳng hạn như các que đè lưỡi xếp chồng lên nhau, giữa các răng và từ từ di chuyển hàm từ bên này sang bên kia. Khi đã quen với bài tập, hãy tăng độ dày của đồ vật ở giữa các răng.
– Chuyển động hàm về phía trước:
Đặt một vật dày ¼ inch vào giữa các răng cửa, di chuyển hàm dưới về phía trước để răng hàm dưới nằm trước răng hàm trên. Khi đã quen thuộc với bài tập, hãy tăng đồ dày của đồ vật giữa răng.
Mẹo tự chăm sóc khi bị viêm khớp thái dương hàm
Nếu bị viêm khớp thái dương hàm, người bệnh có thể rút ngắn thời gian điều trị bằng việc thực hiện các biện pháp vệ sinh răng miệng cơ bản, chẳng hạn như đánh răng đúng cách, dùng chỉ nha khoa và làm sạch răng định kỳ.
Ngoài ra, có một số mẹo có thể giúp giảm đau và đảm bảo răng, nướu cũng như hàm luôn khỏe mạnh, chẳng hạn như:
- Sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm;
- Sử dụng máy tăm nước để làm sạch rạch nếu người bệnh không thể mở rộng hàm để làm sạch;
- Thêm nước súc miệng diệt khuẩn vào chế độ chăm sóc răng miệng hàng ngày;
- Chườm lạnh hoặc chườm nóng ẩm khi cảm thấy đau;
- Lấy cao răng định kỳ;
- Thực hiện chế độ ăn mềm và hạn chế các loại thức ăn cần nhai nhiều;
- Trao đổi với bác sĩ chuyên môn nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong một số trường hợp, viêm khớp thái dương hàm có thể tự biến mất. Tuy nhiên nếu các triệu chứng vẫn còn, người bệnh có thể thực hiện các bài tập khớp hàm hoặc thay đổi phong cách sinh hoạt để giảm đau. Khi thực hiện các bài tập, hãy bắt đầu từ từ. Lúc đầu người bệnh có thể cảm thấy hơi đau nhẹ, tuy nhiên các triệu chứng sẽ được cải thiện dần dần.
Nếu cơn đau nghiêm trọng hoặc kéo dài, hãy trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được chẩn đoán phù hợp.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!