Đau Lưng

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Lê Hữu Tuấn | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Đau lưng là triệu chứng rất phổ biến liên quan đến nhiều nguyên nhân. Tình trạng này không chỉ gây ra phiền toái mà còn ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe xương khớp. Cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để có giải pháp điều trị phù hợp.

Đau lưng là gì?

Đau lưng (back pain) đề cập đến tình trạng đau nhức xuất hiện ở phía sau của cơ thể. Tùy thuộc vào vị trí đau mà có thể phân thành 4 khu vực chính, bao gồm đau cổ, đau lưng trên, đau thắt lưng và đau vùng xương cụt. Trong đó tình trạng đau ở vùng thắt lưng là diễn ra phổ biến nhất.

Đau lưng được phân thành 2 loại như sau:

  • Đau lưng cấp tính: Thường bắt đầu đột ngột và có thể kéo dài đến 6 tuần.
  • Đau lưng mãn tính: Phát triển trong một thời gian dài hơn. Nó thường kéo dài hơn 3 tháng và gây ra các vấn đề liên tục.

Trường hợp một người thỉnh thoảng bị đau lưng dữ dội hơn hay đau lưng nhẹ tương đối liên tục thì bác sĩ sẽ rất khó xác định họ bị đau lưng cấp tính hay mãn tính.

Các cơn đau lưng có thể là cấp tính, bán cấp tính hay mãn tính tùy thuộc vào thời gian đau. Đặc điểm của cơn đau có thể âm ỉ, nhức nhối, dữ dội hay kèm theo cảm giác nóng rát. Trong một số trường hợp, cơn đau có thể lan tỏa tới các chi, gây tê bì chân tay hay yếu cơ.

Tình trạng đau nhức có thể bắt nguồn từ các , xương khớp, dây thần kinh hay từ các bộ phận khác cấu thành cột sống. Trong nhiều trường hợp, cơn đau là do ảnh hưởng từ cấu trúc khác bên trong cơ thể. Ví dụ như động mạch chủ, tuyến tụy, túi mật hay thận.

Hiện nay, chứng đau lưng đang diễn ra ngày càng phổ biến.

  • Đau lưng có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, bao gồm người lớn tuổi và những người trẻ tuổi. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 80% dân số thế giới gặp tình trạng đau lưng ít nhất một lần trong đời.
  • Tại Việt Nam, có hơn 1/3 các trường hợp đến khám bệnh ở Phòng khám Nội Cơ Xương Khớp tại Bệnh viện Đại học Y dược Tp.HCM vì lý do đau lưng. Nữ giới thường có nguy cơ đau lưng trên cao hơn, chiếm 17%, trong khi nam giới chiếm khoảng 9%.
  • Số liệu thống kê cho thấy, có tới 9/10 người lớn tuổi trải qua tình trạng này tại một vài thời điểm trong đời. Và có 5/10 người bị đau lưng diễn ra hằng năm. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho nhiều người mất khả năng lao động và có thể bị tàn tật.

Nguyên nhân gây đau lưng

Phần lưng của con người có cấu trúc tương đối phức tạp. Bao gồm hệ thống cơ, gân, dây chằng, đĩa và xương. Chúng hoạt động cùng nhau để thực hiện tốt nhiệm vụ nâng đỡ cơ thể. Đồng thời cho phép chúng ta di chuyển.

Các vấn đề liên quan đến bất cứ phần nào trong cấu trúc cũng có thể dẫn tới đau lưng. Tuy nhiên trong một số trường hợp, nguyên nhân gây đau lưng vẫn chưa được xác định rõ ràng. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:

Do thoái hóa và chấn thương

Tình trạng đau lưng có thể liên quan đến một số vấn đề sau:

  • Căng cơ hay dây chằng: Nâng vật nặng lặp đi lặp lại hay cử động bất ngờ, đột ngột có thể làm căng cơ lưng và dây chằng cột sống. Trường hợp bạn đang ở trong tình trạng thể chất kém thì việc căng thẳng vùng lưng liên tục rất dễ gây ra các cơn đau co thắt lưng.
  • Phồng hoặc vỡ đĩa đệm: Đĩa đệm hoạt động với vai trò làm lớp đệm giữa các đốt sống trong cột sống. Trong một số trường hợp, vật liệu mềm bên trong đĩa đệm có thể bị phồng lên hay vỡ ra. Từ đó gây chèn ép, đè lên các dây thần kinh. Lúc này các cơn đau lưng có thể kích hoạt ở nhiều mức độ khác nhau.
  • Loãng xương: Các đốt sống của cột sống có thể bị gãy gây đau nếu xương trở nên xốp và dễ gãy. Tình trạng này thường diễn ra phổ biến ở những bệnh nhân bị loãng xương.
  • Viêm khớp: Viêm xương khớp là tình trạng có thể gây ảnh hưởng tới vùng lưng dưới. Trong không ít trường hợp, viêm khớp tại cột sống có thể dẫn tới thu hẹp không gian xung quanh tủy sống. Tình trạng này được gọi là hẹp ống sống.
Trong nhiều trường hợp lưng bị đau có thể liên quan tới tình trạng loãng xương
Trong nhiều trường hợp lưng bị đau có thể liên quan tới tình trạng loãng xương

Các yếu tố rủi ro

Tình trạng đau lưng có thể kích hoạt ở bất cứ đối tượng nào, bao gồm cả trẻ em và thanh thiếu niên. Một số yếu tố dưới đây có thể khiến cho nguy cơ bị đau lưng tăng lên:

  • Tuổi tác: Tình trạng đau lưng phổ biến hơn khi bạn già đi. Thường bắt đầu phổ biến sau tuổi 40.
  • Thiếu vận động: Tình trạng thiếu vận động có thể khiến cho các cơ yếu đi do không được sử dụng. Đặc biệt là cơ bụng và cơ lưng yếu có thể kích hoạt tình trạng nhức mỏi.
  • Cân nặng quá mức: Cân nặng quá khổ thường gây thêm nhiều áp lực cho cơ thể. Đặc biệt là khiến cho vùng lưng bị căng thẳng khi vận động, di chuyển nhiều. Đây cũng được cho là một trong những nguyên nhân làm phát sinh cơn đau.
  • Bệnh tật: Cơn đau ở vùng lưng có thể kích hoạt do ảnh hưởng từ một số vấn đề bệnh lý. Chẳng hạn như một số loại viêm khớp, ung thư, bệnh zona, hội chứng Cauda equina, rối loạn giấc ngủ, các bệnh nhiễm trùng…
  • Vấn đề tâm lý: Các chuyên gia cho biết, những người dễ bị trầm cảm và lo lắng thường có nguy cơ bị đau lưng cao hơn so với những người bình thường khác.
  • Hút thuốc: Những người thường xuyên hút thuốc lá có tỷ lệ bị đau lưng cao hơn. Điều này có thể xảy ra do ho nhiều hơn, dẫn tới thoát vị đĩa đệm. Ngoài ra, hút thuốc còn làm giảm lưu lượng máu tới cột sống. Đồng thời làm tăng nguy cơ bị loãng xương.

Các triệu chứng đau lưng thường gặp

Các triệu chứng thường gặp

  • Đau và cứng khớp ở  phần dưới lưng
  • Đau lưng âm ỉ
  • Cơn đau lưng xuất phát từ vùng thắt lưng rồi lan xuống vùng hông, cẳng chân và bàn chân
  • Đôi khi xảy ra tình trạng tê ran và ngứa chân
  • Khó khăn trong việc di chuyển, các cơn đau gia tăng khi đi bộ, chạy bộ hoặc vận động quá sức
  • Gây đau ở một số bộ phận khác trên cơ thể.

Triệu chứng cần điều trị kịp thời

  • Đau lưng kèm sốt và ớn lạnh, buồn nôn
  • Các cơn đau xuất hiện nhiều hơn vào ban đêm hoặc đau lan xuống vùng bụng dưới
  • Cơn đau có xu hướng nặng dần, nhất là đối với những người trên 50 tuổi hoặc nhỏ hơn 20 tuổi hoặc người đã từng bị ung thư
  • Tê và yếu liệt chân, mất cảm giác chi dưới
  • Bí tiểu hoặc tiểu tiện không tự chủ

Đau lưng có nguy hiểm không?

Bệnh đau lưng ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng tới cuộc sống của người bệnh, kể cả đau lưng cấp tính hay mạn tính, âm ỉ hay dữ dội. Bệnh có thể gây ra các biến chứng dưới đây:

  • Gặp nhiều khó khăn trong chuyển động, lao động tay chân
  • Đau thắt lưng vào ban đêm gây khó ngủ
  • Mất tập trung, suy giảm trí nhớ
  • Có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn người bình thường
  • Ảnh hưởng đáng kể tới đời sống tình dục của các cặp đôi
  • Yếu liệt các cơ chi dưới, tê bì, mất cảm giác hai chân, mất khả năng vận động
  • Gây chèn ép hệ thần kinh, rối loạn tiểu tiện

Chẩn đoán nguyên nhân đau lưng

Bác sĩ thường có thể chẩn đoán đau lưng sau khi thăm khám lâm sàng và hỏi về các triệu chứng. Tuy nhiên để xác định rõ mức độ tổn thương và yếu tố nguyên nhân thì các xét nghiệm khác sẽ được chỉ định.

Quét hình ảnh và một số xét nghiệm khác có thể được yêu cầu trong các trường hợp:

  • Đau lưng xuất hiện do chấn thương
  • Cơn đau dai dẳng trong 1 thời gian dài
  • Có thể có các nguyên nhân cơ bản cần điều trị
Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang để xác định nguyên nhân khiến lưng bị đau
Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang để xác định nguyên nhân khiến lưng bị đau

Chụp X-quang, CT hay MRI có thể cung cấp thông tin về trạng thái của các mô mềm ở vùng lưng:

  • Chụp X-quang: Có thể cho thấy được sự liên kết của xương. Đồng thời giúp phát hiện dấu hiệu của gãy xương hay viêm khớp. Tuy nhiên hình ảnh X-quang sẽ không thể tiết lộ các tổn thương ở cơ, dây thần kinh, đĩa đệm hoặc tủy sống.
  • Chụp CT hay MRI: Có thể phát hiện được các vấn đề về mô, gân, mạch máu, dây chằng, dây thần kinh, cơ, xương hay các đĩa đệm bị thoát vị.
  • Chụp quét xương: Giúp phát hiện các khối u xương hay gãy xương nén do loãng xương. Ở xét nghiệm này, chất phóng xạ hay chất đánh dấu sẽ được tiêm vào tĩnh mạch. Chất đánh dấu thu thập trong xương, từ đó giúp bác sĩ phát hiện ra các vấn đề của xương dưới sự hỗ trợ của 1 máy ảnh đặc biệt.
  • Điện cơ hoặc EMG: Có tác dụng đo các xung điện do các dây thần kinh tạo ra để phản ứng với  cơ. Từ đó giúp xác định sự chèn ép dây thần kinh, có thể xảy ra trong trường hợp bị hẹp ống sống hay thoát vị đĩa đệm.

Trong một số trường hợp, nếu tình trạng đau lưng được nghi ngờ có liên quan tới nhiễm trùng thì bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện xét nghiệm máu.

Các phương pháp điều trị đau lưng

Đa phần các cơn đau lưng đều sẽ có xu hướng thuyên giảm trong vòng khoảng 1 tháng điều trị tại nhà. Tuy nhiên, quá trình điều trị ở mỗi người là khác nhau. Và đau lưng được nhận định là tình trạng phức tạp. Với rất nhiều người, cơn đau không biến mất trong vài ba tháng. Nhưng cũng chỉ 1 số ít trường hợp là bị đau dai dẳng và giữ dội.

Thuốc giảm đau không kê toa và tác dụng nhiệt là giải pháp có thể đáp ứng tốt. Người bệnh được khuyên là nên tiếp tục các hoạt động với cường độ phù hợp. Trường hợp điều trị tại nhà sau vài tuần không mang lại kết quả thì bác sĩ có thể đề xuất các loại thuốc mạnh hơn hay các liệu pháp khác.

Dưới đây là một số giải pháp điều trị với các trường hợp bị đau lưng:

Sử dụng thuốc

Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và tính chất của cơn đau mà bác sĩ có thể đề nghị dùng một số loại thuốc sau:

– Thuốc giảm đau không kê đơn (OTC):

Một số loại thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen hay naproxen natri có thể giúp làm giảm cơn đau lưng. Nhưng chỉ nên dùng những loại thuốc này theo chỉ định của bác sĩ. Việc lạm dụng quá mức có thể phát sinh các tác dụng phụ nghiêm trọng. Trường hợp thuốc giảm đau OTC không đáp ứng, bác sĩ có thể chỉ định dùng NSAID theo toa.

– Thuốc giãn cơ:

Trường hợp các cơn đau từ nhẹ đến trung bình không thuyên giảm khi dùng thuốc giảm đau OTC thì bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc giãn cơ. Tuy nhiên thuốc này có thể khiến bạn bị chóng mặt và buồn ngủ.

– Thuốc giảm đau tại chỗ:

Nhóm thuốc này có thể đáp ứng với cơn đau cấp tính. Đặc biệt là tình trạng đau nhức phát sinh do nguyên nhân cơ học. Các thuốc được sử dụng có thể dạng kem, thuốc mỡ hay miếng dán.

– Thuốc có chứa opioid:

Loại được dùng phổ biến nhất là oxycodone hoặc hydrocodone. Các thuốc này thường được chỉ định dùng trong thời gian ngắn trước sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Loại thuốc này không có tác dụng tốt với các cơn đau mãn tính. Chính vì vậy, trong đơn thuốc, các thuốc chứa opioid thường chỉ được cung cấp dưới 1 tuần.

Điều trị bằng thuốc là giải pháp được áp dụng phổ biến với hầu hết các trường hợp bị đau lưng
Điều trị bằng thuốc là giải pháp được áp dụng phổ biến với hầu hết các trường hợp bị đau lưng

– Thuốc chống trầm cảm:

Một số loại thuốc chống trầm cảm đã được chứng minh là có khả năng làm giảm đau lưng mãn tính. Đặc biệt là có tính độc lập với tác dụng của chúng đối với bệnh trầm cảm. Duloxetine và amitriptyline là 2 loại được dùng phổ biến nhất.

Vật lý trị liệu

Các chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn bạn một số bài tập nhằm tăng tính linh hoạt cũng như tăng cường cơ lưng và cơ bụng. Đồng thời cải thiện tư thế của bạn.

Thường xuyên luyện tập các kỹ thuật này có thể giúp ngăn ngừa cơn đau quay trở lại. Ngoài ra, các chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn bạn cách điều chỉnh chuyển động khi lưng bị đau. Điều này giúp tránh làm phát sinh các triệu chứng đau khi mà bạn tiếp tục hoạt động.

Phẫu thuật và một số cách điều trị khác

Các biện pháp khác dùng để điều trị chứng đau lưng có thể bao gồm:

  • Thuốc tiêm cortisone: Nếu biện pháp khác không làm giảm đau hay cơn đau lan tỏa xuống chân thì bác sĩ có thể yêu cầu tiêm cortisone. Đây là một loại thuốc chống viêm, giảm đau mạnh. Cùng với đó là tiêm thuốc tê vào khoang ngoài màng kính. Tiêm cortisone sẽ giúp làm giảm viêm ở quanh rễ thần kinh. Tuy nhiên tác dụng giảm đau thường sẽ chỉ kéo dài khoảng 1 đến 2 tháng.
  • Truyền sóng vô tuyến: Trong quy trình này, bác sĩ sẽ đưa 1 cây kim nhỏ qua da và để đầu kim nằm gần với khu vực bạn bị đau. Sóng vô tuyến sẽ được truyền qua kim để tác động lên các dây thần kinh gần đó. Từ đó gây cản trở cho việc truyền tín hiệu đau tới não.
  • Cấy máy kích thích thần kinh: Các thiết bị này được cấy dưới da nhằm truyền xung điện tới các dây thần kinh nhất định. Mục đích cũng để chặn tín hiệu đau.
  • Phẫu thuật: Trường hợp bị đau không ngừng liên quan tới đau chân lan tỏa hay làm yếu cơ tiến triển do chèn ép dây thần kinh thì bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật. Thủ thuật này thường dành riêng cho các cơn đau có liên quan tới vấn đề cấu trúc. Điển hình nhất là hẹp ống sống hay thoát vị đĩa đệm không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
Trường hợp cơn đau liên quan tới hẹp ống sống thì phẫu thuật có thể được chỉ định
Trường hợp cơn đau liên quan tới hẹp ống sống thì phẫu thuật có thể được chỉ định

Các liệu pháp điều trị bổ sung

Một số liệu pháp điều trị bổ sung có thể sẽ làm giảm các triệu chứng đau lưng. Nên tham khảo bác sĩ về lợi ích và rủi ro trước khi áp dụng một số giải pháp sau:

  • Chăm sóc thần kinh cột sống: Ở giải pháp này, bác sĩ sẽ chỉnh hình nắn chỉnh cột sống của bạn. Từ đó giúp giảm đau và điều chỉnh đường cong sinh lý cho cột sống.
  • Châm cứu: Cần thực hiện bởi những người có chuyên môn. Tiến hành chèn những chiếc kim nhỏ đã được khử trùng vào những điểm cụ thể trên da. Đây là giải pháp rất hữu ích với việc điều trị đau lưng.
  • Kích thích dây thần kinh điện qua da (TENS): Tiến hành đặt 1 thiết bị chạy bằng pin trên da. Say đó truyền các xung điện tới vùng bị đau. Nhiều nghiên cứu gần đây đã chứng minh tính hiệu quả của giải pháp này.
  • Massage: Đây là giải pháp hữu hiệu có thể thực hiện ngay tại nhà. Phù hợp trong điều trị các cơn đau lưng do căng cơ hay làm việc quá sức.
  • Yoga: Có một số bài tập yoga, các tư thế, bài tập thở và các kỹ thuật thư giãn rất hữu ích cho những người bị đau lưng. Yoga là bộ môn giúp kéo căng và tăng cường cơ bắp. Đồng thời hỗ trợ cải thiện tư thế. Tuy nhiên cần tập luyện dưới sự hướng dẫn và theo dõi của huấn luyện viên.

Lời khuyên cho bệnh nhân đau lưng từ bác sĩ

Để phòng ngừa tình trạng đau lưng phát triển, bạn cần giải quyết một số yếu tố nguy cơ. Dưới đây là một số vấn đề cần đặc biệt chú ý:

– Tập thể dục:

Tập thể dục thường xuyên giúp xương khớp chắc khỏe và kiểm soát hoạt động cơ thể. Trước khi bắt đầu một chương trình tập thể dục, bạn nên trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

phòng ngừa chứng đau lưng
Tập thể dục là biện pháp phòng ngừa đau lưng hữu hiệu được khuyên thực hiện mỗi ngày

Có 2 bài tập chính giúp làm giảm nguy cơ đau lưng, bao gồm:

  • Bài tập tăng cường cốt lõi hoạt động của cơ bụng và cơ lưng. Nhờ đó giúp tăng cường các cơ bảo vệ lưng.
  • Bài tập cải thiện tính linh hoạt của cột sống, hông và cẳng chân.

– Chế độ ăn uống:

Cần đảm bảo một chế độ ăn cung cấp đầy đủ canxi và vitamin D cho cơ thể. Bởi đây là những dưỡng chất rất cần thiết cho sức khỏe của xương. Ngoài ra, chế độ ăn lành mạnh còn giúp kiểm soát trọng lượng của cơ thể.

– Tránh hút thuốc:

Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ người hút thuốc bị đau lưng cao hơn rất nhiều so với những người không hút thuốc. So sánh này dựa trên cùng độ tuổi, cân nặng và chiều cao. Vì vậy để phòng ngừa chứng đau lưng thì việc nói không với thuốc lá là rất cần thiết.

– Tư thế:

Để phòng ngừa tình trạng đau lưng thì đảm bảo tư thế đúng khi làm việc và sinh hoạt là rất cần thiết. Ngay cả khi đứng, ngồi hay nằm thì bạn vẫn cần giữ cho cột sống lưng được thẳng để tránh ảnh hưởng tới đường cong sinh lý. Đồng thời chú ý không nên mang vác hay nâng vật nặng ngoài khả năng của cơ thể.

Đau lưng là tình trạng phổ biến liên quan đến rất nhiều yếu tố nguyên nhân. Trường hợp cơn đau kích hoạt ở mức độ dữ dội hay dai dẳng kéo dài thì bạn nên sớm thăm khám. Hãy làm theo chỉ dẫn từ bác sĩ để nhanh chóng khắc phục triệu chứng và giải quyết triệt để các nguyên nhân liên quan.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua