Viêm Khớp Gối Ở Trẻ Em: Cách Nhận Biết Và Điều Trị Hiệu Quả
Viêm khớp gối ở trẻ em có thể gây đau đớn, cứng, sưng và ảnh hưởng đến khả năng vận động linh hoạt của trẻ. Nếu không được điều trị thích hợp, tình trạng này có thể gây tổn thương khớp và dẫn đến tăng trưởng bất thường. Do đó, nếu nhận thấy trẻ có dấu hiệu đau đớn, cứng khớp, người bệnh nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị phù hợp.
Trẻ em có thể bị viêm khớp gối không?
Trẻ em đôi khi có thể bị đau khớp gối, di chuyển khó khăn hoặc hạn chế khả năng chuyển động linh hoạt. Có rất nhiều nguyên nhân gây đau khớp gối ở trẻ em, trong đó bao gồm tình trạng viêm khớp.
Viêm khớp gối ở trẻ em tương đối phổ biến nhưng ít được quan tâm, do đó thường không được điều trị kịp lúc. Theo các bác sĩ, loại viêm khớp gối phổ biến nhất ở trẻ em là viêm khớp tự phát ở trẻ vị thành niên, hay còn được gọi là viêm khớp dạng thấp thiếu niên.
Các triệu chứng phổ biến nhất của viêm khớp gối là đau đớn, sưng và cứng khớp. Trẻ có thể bị sưng rõ rệt và cũng có thể bị cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng. Nếu viêm khớp nghiêm trọng, trẻ có thể đi khập khiễng hoặc dễ bị té ngã.
Nếu không được điều trị, viêm khớp có thể gây tổn thương vật lý vĩnh viễn cho khớp. Tổn thương này có thể khiến trẻ gặp khó khăn khi thực hiện các công việc hàng ngày, chẳng hạn như đi lại, mặc quần áo. Ngoài ra, viêm khớp gối cũng làm tăng nguy cơ phát triển khớp bất thường hoặc tàn tật ở trẻ em.
Dấu hiệu viêm khớp gối ở trẻ em
Các triệu chứng viêm khớp gối ở trẻ em có thể xuất hiện và tự cải thiện. Đôi khi, các triệu chứng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn hoặc tốt hơn theo thời gian, tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể.
Những dấu hiệu nhận biết phổ biến nhất của viêm khớp gối ở trẻ em bao gồm:
- Đau khớp vào buổi sáng và được cải thiện vào buổi chiều. Đôi khi trẻ có thể đi khập khiễng vào buổi sáng do đầu gối bị ảnh hưởng.
- Sưng khớp và đau đớn. Đôi khi trẻ cũng cảm thấy mệt mỏi, cáu gắt, hay khóc hoặc không tham gia vào các hoạt động giải trí.
- Khớp gối có thể sưng tấy, cảm thấy ấm hoặc nóng khi chạm vào.
- Đau đớn khiến trẻ không đi lại, chuyển động thường xuyên. Điều này có thể dẫn đến tình trạng suy yếu cơ bắp và các mô mềm xung quanh đầu gối.
- Một số trẻ có thể bị sốt cao hoặc nổi ban màu hồng nhạt khắp cơ thể.
Nguyên nhân nào gây viêm khớp gối ở trẻ em?
Nguyên nhân chính xác dẫn đến viêm khớp gối ở trẻ em vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, có một số yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn như:
- Gen: Các nhà nghiên cứu tin rằng, một số trẻ có thể mang gen làm tăng nguy cơ viêm khớp gối.
- Tác động của môi trường: Việc tiếp xúc với một số yếu tố có sẵn trong môi trường, chẳng hạn như virus hoặc vi khuẩn, có thể gây ra bệnh viêm khớp.
- Hệ thống xương phát triển không đồng đều: Một số trẻ em có hệ thống xương phát triển chậm hơn so với cơ bắp, dẫn đến sự phát triển chênh lệch. Điều này là nguyên nhân gây đau đầu gối, tăng nguy cơ ma sát, thoái hóa và viêm khớp gối.
- Chấn thương: Trẻ em thường hiếu động và rất dễ té ngã. Tuy nhiên một số va chạm có thể nghiêm trọng, dẫn đến chấn thương đầu gối và tăng nguy cơ viêm khớp gối. Ngoài ra, các rủi ro khác, chẳng hạn như tai nạn giao thông, có thể dẫn đến bong gân hoặc đứt dây chằng đầu gối, cũng làm tăng nguy cơ viêm khớp.
Trẻ em bị viêm khớp gối được chẩn đoán như thế nào?
Chẩn đoán và điều trị sớm viêm khớp gối ở trẻ em có thể giúp kiểm soát viêm, giảm đau, ngăn ngừa tổn thương khớp, duy trì khả năng vận động linh hoạt của trẻ. Bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm, kiểm tra thể chất để xác định nguyên nhân gây viêm. Các xét nghiệm hình ảnh khác, chẳng hạn như chụp X – quang, siêu âm và chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể được chỉ định.
Bác sĩ sẽ kiểm tra toàn bộ lịch sử y tế của trẻ, chẳng hạn như thời gian bị đau, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng hoặc các vấn đề sức khỏe khác (nhiễm trùng, ung thư hoặc bệnh tự miễn khác). Bác sĩ cũng có thể đề nghị trẻ chuyển động khớp gối, đi lại, uốn cong đầu gối để xác định tình trạng teo cơ hoặc mất trương lực cơ.
Các xét nghiệm khác bao gồm:
- Chụp X – quang để xác định cấu trúc xương và xác định các bất thường phát triển ở đầu gối.
- Siêu âm được thực hiện để giúp bác sĩ quan sát bên trong khớp và xác định tình trạng viêm nhiễm.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể giúp bác sĩ xác định mức độ viêm khớp và sự thay đổi cấu trúc khớp. Nếu trẻ còn quá nhỏ, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng thuốc an thần để giúp trẻ nằm im trong suốt quá trình chụp MRI.
Biện pháp điều trị viêm khớp gối ở trẻ em hiệu quả
Các kế hoạch điều trị viêm khớp gối ở trẻ em được xây dựng để giảm sưng, duy trì chuyển động linh hoạt của khớp, giảm đau và hỗ trợ sự phát triển bình thường của trẻ. Cụ thể, các phương pháp điều trị bao gồm:
1. Sử dụng thuốc kiểm soát các triệu chứng
Thuốc điều trị viêm khớp gối được sử dụng để giảm đau, chống viêm, từ đó phục hồi chức năng vận động và ngăn ngừa các biến chứng phát sinh. Các loại thuốc thường được chỉ định bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và thuốc giảm đau: Các loại thuốc này không thể làm giảm tổn thương khớp hoặc thay đổi tiến tiến trình của bệnh, những có tác dụng giảm đau hiệu quả. Mức độ viêm khớp ở mỗi trẻ em là khác nhau, do đó, chỉ sử dụng thuốc khi nhận được sự đồng ý, hướng dẫn của bác sĩ.
- Tiêm Corticoid: Các loại thuốc này có tác dụng chống viêm, hiệu quả nhanh chóng, được tiêm trực tiếp vào khớp gối. Thuốc thường được chỉ định khi NSAID và thuốc giảm đau không mang lại hiệu quả.
- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD): Các loại thuốc DMARD truyền thống, chẳng hạn như Methotrexate, Sulfasalazine, và DMARD sinh học có thể giảm các triệu chứng viêm khớp gối ở trẻ em bằng cách ức chế hệ thống miễn dịch. DMARD truyền thống có thể sử dụng ở dạng viêm trong khi DMARD sinh học thường được sử dụng dưới dạng tiêm trực tiếp vào khớp.
2. Vật lý trị liệu và tập thể dục
Vật lý trị liệu có thể giúp cải thiện khả năng vận động, tăng cường chất lượng cuộc sống bằng cách giúp trẻ duy trì hoạt động thể chất đúng cách. Dưới đây là một số phương pháp vật lý trị liệu cho trẻ bị viêm khớp gối:
- Hướng dẫn trẻ thực hiện các bài tập tăng cường sức mạnh và duy trì tính linh hoạt của chuyển động
- Giúp trẻ cải thiện khả năng giữ thăng bằng và khả năng phối hợp tứ chi
- Thực hiện các thao tác đơn giản, chẳng hạn như di chuyển, uốn cong đầu gối
- Chỉ định các dụng cụ hỗ trợ phù hợp, chẳng hạn như nẹp, đai đầu gối, gậy hoặc khung tập đi
Bên cạnh đó, tập thể dục thường xuyên là cách tốt nhất để kiểm soát tình trạng cứng và đau khớp. Các hoạt động ít tác động và thân thiện với khớp gối, chẳng hạn như đi bộ, bơi lội, đạp xe và yoga, có thể giúp kiểm soát các triệu chứng viêm khớp ở trẻ em. Tuy nhiên, điều quan trọng là trao đổi với huấn luyện viên để trẻ được hướng dẫn tập luyện đúng cách.
Trước khi thực hiện các bài tập thể dục hoặc vật lý trị liệu cho trẻ em, cha mẹ cần hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc nhà trị liệu có chuyên môn. Điều quan trọng là cân bằng giữa việc vận động và nghỉ ngơi để bảo vệ khớp và duy trì năng lượng.
3. Phẫu thuật điều trị
Phẫu thuật điều trị viêm khớp gối ở trẻ em ít khi được chỉ định. Tuy nhiên, đôi khi các triệu chứng ở thể trở nên nghiêm trọng, gây biến dạng khớp, do đó bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật điều trị.
Loại phẫu thuật viêm khớp gối phổ biến nhất là thay khớp. Đối với trẻ em, thay khớp thường không được khuyến khích để tránh gây ảnh hưởng đến khả năng phát triển bình thường của khớp. Do đó, cha mẹ cần thận trọng và trao đổi với bác sĩ về lợi ích – rủi ro, trước khi quyết định phẫu thuật cho trẻ.
Phòng ngừa viêm khớp gối ở trẻ em
Có nhiều lựa chọn điều trị viêm khớp gối ở trẻ em. Mục tiêu chính của các phương pháp điều trị là làm thuyên giảm các triệu chứng và phục hồi khả năng chuyện động linh hoạt của trẻ. Việc điều trị cũng tập trung vào việc duy trì chất lượng cuộc sống của bằng cách giúp trẻ tham gia vào các hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí, đến trường và các hoạt động xã hội.
Bên cạnh các biện pháp điều trị, phụ huynh cần tìm hiệu một số cách hỗ trợ cải thiện các triệu chứng cũng như ngăn ngừa tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Cụ thể, để phòng ngừa viêm khớp gối, phụ huynh cần lưu ý:
- Tham gia các môn thể thao không gây căng thẳng, áp lực lên đầu gối, chẳng hạn như bơi lội
- Tạm ngừng hoặc tránh các môn thể thao gây đau đầu gối
- Thường xuyên kéo căng cơ tứ đầu và gân kheo (cơ phần trên của chân) để tăng tính linh hoạt và giảm áp lực lên gân bánh chè
- Cho trẻ đi giày phù hợp, hỗ trợ đầu gối và hấp thụ sốc tốt
- Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp, bổ sung nhiều cá béo, trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, dầu ô liu nguyên chất và tránh một số thực phẩm gây viêm, chẳng hạn như đường, thực phẩm chế biến sẵn
- Hướng dẫn trẻ thực hiện các kỹ thuật thư giãn, chẳng hạn như thiền, hít thở sâu, để chuyển sự chú ý ra khỏi cơn đau
Ngoài ra, trẻ em bị viêm khớp gối thường có khả năng bị trầm cảm cao hơn những trẻ khác. Do đó, cha mẹ cần theo dõi phản ứng của trẻ và hướng dẫn trẻ các biện pháp kiểm soát tâm trạng, tránh căng thẳng. Nếu cần thiết, hãy cho trẻ đến gặp các nhà tâm lý trị liệu để được chăm sóc sức khỏe tinh thần tốt nhất.
Viêm khớp gối ở trẻ em có thể khiến khớp sưng tấy, đỏ, đau đớn hoặc ấm khi chạm vào. Nếu không được điều trị và chăm sóc phù hợp, các triệu chứng viêm khớp có thể dẫn đến khó khăn khi di chuyển hoặc tăng nguy cơ tàn tật. Do đó, nếu trẻ bị đau đớn hoặc đi đứng khập khiễng, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!