Viêm Khớp Nhiễm Khuẩn
Viêm khớp nhiễm khuẩn là tình trạng nhiễm trùng ở các khớp dẫn đến các triệu chứng sưng đau. Đây là một dạng viêm khớp nhưng nghiêm trọng hơn và cần được điều trị nhanh chóng để ngăn ngừa các tổn thương khớp vĩnh viễn.
Viêm khớp nhiễm khuẩn là gì?
Viêm khớp nhiễm khuẩn (hay còn gọi là viêm khớp nhiễm trùng, viêm khớp sinh mủ) là một bệnh nhiễm trùng khớp nghiêm trọng, do vi khuẩn ở nơi khác trong cơ thể xâm nhập vào khớp gây đau đớn dữ dội, sưng tấy…
Đây là tình trạng viêm khớp do vi khuẩn sinh mủ không đặc hiệu gây ra (không phải do vi khuẩn lao, phong, nấm, ký sinh trùng hoặc virus). Nhiễm trùng có thể xảy ra khi vi khuẩn di chuyển trong máu từ các bộ phận khác trong cơ thể đến khớp. Nó cũng có thể xuất hiện sau một chấn thương xuyên thấu khiến vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào khớp.
Trong hầu hết các trường hợp, viêm khớp nhiễm trùng ảnh hưởng đến một khớp lớn trong cơ thể, chẳng hạn như khớp đầu gối hoặc khớp hông. Ít khi ảnh hưởng đến nhiều khớp cùng một lúc.
Người cao tuổi và trẻ sơ sinh có nhiều nguy cơ viêm khớp nhiễm khuẩn hơn các đối tượng khác. Nhiễm trùng thường làm hỏng các sụn và xương ở khớp một cách nhanh chóng. Do đó, điều trị kịp lúc và đúng phương pháp là điều rất quan trọng.
Viêm khớp nhiễm khuẩn được điều trị bằng cách dẫn lưu hoặc phẫu thuật. Người bệnh cũng có thể được chỉ định sử dụng kháng sinh cần thiết để điều trị nhiễm trùng.
Nguyên nhân gây viêm khớp nhiễm khuẩn
Viêm khớp nhiễm khuẩn là một loại viêm khớp xảy ra do nhiễm trùng vi khuẩn hoặc các vi sinh vật xâm nhập và các chất lỏng giữa các khớp.
Vi khuẩn có thể lây lan từ máu đến các khu vực khác của cơ thể, bao gồm các khớp và dẫn đến nhiễm trùng. Viêm khớp nhiễm trùng cũng có thể được gây ra bởi nhiễm trùng do vi khuẩn từ vết thương hở hoặc vết thương do phẫu thuật, chẳng hạn như phẫu thuật đầu gối.
Cụ thể, viêm khớp nhiễm trùng được phân làm hai nhóm nguyên nhân chính, chẳng hạn như:
Viêm khớp nhiễm khuẩn do lậu cầu (gonococcal bacterial / suppurative Arthritis):
- Vi khuẩn lậu cầu hay lậu cầu khuẩn (N.gonorrhoeae) chiếm khoảng 70 – 75% các nguyên nhân viêm khớp nhiễm khuẩn ở người trưởng thành dưới 40 tuổi.
Viêm khớp nhiễm khuẩn không do lậu cầu (nongonococcal bacterial / suppurative arthritis):
- Vi khuẩn gram dương, đặc biệt là tụ cầu vàng chiếm khoảng 50 – 70% các nguyên nhân gây bệnh, liên cầu khuẩn chiếm 20 % và phế cầu hoặc các loại vi khuẩn gram dương khác.
- Vi khuẩn gram âm, chẳng hạn như vi khuẩn E.coli, trực khuẩn mủ xanh, thương hàn, Haemophilus influenzae, thường hiếm khi dẫn đến viêm khớp, chiếm tỷ lên khoảng 15 – 20%.
- Vi khuẩn kỵ khí chiếm khoảng 5% các trường hợp viêm khớp nhiễm khuẩn.
- Ngoài ra, khoảng 5 – 10% các trường hợp người bệnh nhiễm đồng thời nhiều loại vi khuẩn, tình trạng này thường xảy ra sau các chấn thương nghiêm trọng.
Các yếu tố rủi ro gây viêm khớp nhiễm khuẩn
Bất cứ ai cũng có thể phát triển các triệu chứng viêm khớp nhiễm khuẩn. Tuy nhiên một số người có thể có nguy cơ cao hơn, chẳng hạn như:
- Mắc các bệnh về khớp: Một số bệnh khớp mãn tính và tình trạng ảnh hưởng đến khớp, chẳng hạn như viêm xương khớp, bệnh gout, viêm khớp dạng thấp hoặc lupus ban đỏ có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Bên cạnh đó, phẫu thuật khớp, thay khớp nhân tạo hoặc chấn thương cũng có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Sử dụng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp: Người sử dụng thuốc điều trị viêm khớp điều trị viêm khớp dạng thấp thường có nguy cơ viêm khớp nhiễm trùng cao hơn những người khác. Cụ thể các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp có thể gây ức chế hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Tình trạng này thường khó chẩn đoán, do viêm khớp dạng thấp và viêm khớp nhiễm khuẩn có dấu hiệu tương tự nhau.
- Da mỏng: Da mỏng và tốc độ lành vết thương chậm có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào da và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn ở các khớp. Người có các bệnh về da như vẩy nến, bệnh chàm hoặc có các vết thương trên da có thể làm tăng nguy cơ viêm khớp nhiễm trùng.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu: Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu có nguy cơ viêm khớp sinh mủ cao hơn những người khác. Các bệnh lý nguy cơ có thể bao gồm bệnh tiểu đường, một số vấn đề về gan, thận hoặc sử dụng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.
- Chấn thương khớp: Các vết thương do động vật cắn, vết thương đâm thủng da hoặc các vết cắn trên khớp có thể làm tăng nguy cơ viêm khớp nhiễm trùng.
Một số người có thể kết hợp các yếu tố nguy cơ và dẫn đến viêm khớp. Trong khi đó, một số người chỉ có một yếu tố nguy cơ nhất định.
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết viêm khớp nhiễm khuẩn
Các triệu chứng viêm khớp nhiễm khuẩn thường diễn ra nhanh chóng và nghiêm trọng. Đau đớn dữ dội, sứng khớp và sốt là dấu hiệu phổ biến nhất.
Ngoài ra các triệu chứng liên quan thường biểu hiện thông qua nguyên nhân dẫn đến nhiễm khuẩn do lậu cầu hoặc không do lậu cầu. Các triệu chứng cụ thể như sau:
Viêm khớp nhiễm khuẩn không do nhiễm khuẩn lậu cầu:
- Các triệu chứng thường chỉ ảnh hưởng đến một khớp đơn độc, chiếm khoảng 90% các trường hợp. Khớp thường bị ảnh hưởng nhất là khớp gối.
- Triệu chứng phổ biến nhất tại khớp bị ảnh hưởng bao gồm đỏ, nóng, sưng và đau đớn dữ dội. Người bệnh có thể bị tràn dịch khớp gối, co cơ và hạn chế các hoạt động bình thường.
- Xuất hiện các triệu chứng của Hội chứng nhiễm trùng như sốt, rét run, môi khô, hơi thở có mùi hôi, lưỡi bẩn.
Viêm khớp nhiễm khuẩn do lậu cầu:
Nhiễm khuẩn do lậu cầu có thể dẫn đến hai vấn đề lâm sàng, bao gồm:
- Hội chứng nhiễm khuẩn lậu cầu phát tán: Tình trạng này gây viêm nhiều khớp nhỏ và có thể gây viêm bao hoạt dịch hoạt viêm gân. Các đặc trưng khác có thể bao gồm phát sốt, rét run, nổi mẩn đỏ kết hợp với các triệu chứng viêm khớp. Ngoài ra có thể dẫn đến các triệu chứng tại bộ phận sinh dục, chẳng hạn như đái buốt, đái ra máu, đái rắt hoạc đái ra mủ.
- Thật sự viêm khớp do lậu cầu: Các tổn thương thường ảnh hưởng đến một khớp đơn độc, chẳng hạn như khớp háng, gối, cổ chân hoặc các triệu chứng như nóng, sưng đỏ hoặc tràn dịch khớp. Các triệu chứng kèm theo có thể bao gồm viêm đường tiết niệu với các đặc trưng như đái buốt, đái ra máu hoặc đái ra mủ.
Viêm khớp nhiễm khuẩn có nguy hiểm không?
Viêm khớp nhiễm trùng cần được điều trị sớm để tránh nguy cơ tổn thương khớp vĩnh viễn ở mô và xương khớp. Tình trạng viêm khớp này cũng có thể gây nhiễm trùng bên trong xương, được gọi là viêm tủy xương.
Nếu không được điều trị, tình trạng viêm khớp này có thể gây nhiễm trùng máu. Trong trường hợp này được gọi là nhiễm trùng huyết và có thể gây tử vong.
Ngoài ra các triệu chứng viêm khớp nhiễm trùng có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, chẳng hạn như hạn chế khả năng di chuyển hoặc đi lại. Trong trường hợp này, người bệnh có thể cần phẫu thuật để ngăn ngừa các rủi ro.
Chẩn đoán viêm khớp nhiễm trùng
Viêm khớp nhiễm trùng được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng. Bác sĩ có thể kiểm tra khớp, các dấu hiệu tổn thương và đề nghị các thủ tục xét nghiệm cần thiết.
Các xét nghiệm thường được đề nghị để chẩn đoán viêm khớp nhiễm khuẩn bao gồm:
- Phân tích dịch khớp: Bác sĩ có thể lây một mẫu chất lỏng ở khớp bị ảnh hưởng bằng kim mỏng, nhỏ. Mẫu chất lỏng này được kiểm tra ở phòng thí nghiệm để xác định các loại vi sinh vật gây nhiễm trùng và có biện pháp điều trị phù hợp.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm tế bào máu ngoại vi có thể xác định số lượng bạch cầu trong máu. Tỷ lệ bạch cầu cao là dấu hiệu nhiễm trùng trong cơ thể.
- Xét nghiệm hình ảnh: Bác sĩ có thể đề nghị chụp X – quang và các xét nghiệm hình ảnh khác để đánh giá tổn thương khớp. Chụp MRI có thể đánh giá sự phát hủy khớp và hỗ trợ quá trình điều trị trong giai đoạn đầu.
Chẩn đoán xác định:
Chẩn đoán xác định viêm khớp nhiễm khuẩn khi có một trong hai tiêu chuẩn:
- Xét nghiệm dịch khớp phát hiện nhiễm trùng, có mủ hoặc tìm thấy vi khuẩn qua soi tươi, nhuộm gram.
- Xét nghiệm dịch khớp dương tính với vi khuẩn
Hoặc kết hợp với ít nhất một trong hai tiêu chuẩn chẩn đoán, chẳng hạn như:
- Có triệu chứng lâm sàng kết hợp với các triệu chứng viêm khớp.
- Hình ảnh X – quang có dấu hiệu viêm khớp.
Điều trị viêm khớp nhiễm khuẩn
Điều trị viêm khớp nhiễm trùng theo các nguyên tắc sau:
- Chẩn đoán sớm và chỉ định sử dụng kháng sinh phù hợp. Trước khi chỉ định kháng sinh cần thực nghiệm xét nghiệm công thức máu, kiểm tra dịch khớp, soi tươi dịch nhuộm gram để tìm loại vi khuẩn gây bệnh và kê đơn thuốc kháng sinh phù hợp.
- Lựa chọn kháng sinh phụ thuộc vào loại vi khuẩn gây bệnh, kết quả xét nghiệm, độ tuổi của người bệnh, nguyên nhân gây viêm khớp nhiễm khuẩn.
- Sử dụng ít nhất một loại kháng sinh đường tĩnh mạch trong ít nhất 4 – 6 tuần.
- Dẫn lưu dịch nhiễm khuẩn, mủ, hạn chế cử động khớp và can thiệp ngoại khoa (phẫu thuật) khi cần thiết.
1. Điều trị kháng sinh
– Trong trường hợp viêm khớp nhiễm trùng không do lậu cầu khuẩn:
+ Trong giai đoạn đầu (nếu chưa có kết quả cấy máu):
- Dùng kháng sinh oxacillin hoặc nafcillin 2 g thông qua đường tĩnh mạch sau mỗi 6 giờ một lần (8 g / ngày).
- Hoặc sử dụng clindamycin 2.4 g thông qua đường truyền tĩnh mạch, chia thành 4 lần mỗi ngày.
+ Trong trường hợp phát hiện cầu khuẩn gram dương:
- Dùng oxacillin hoặc nafcillin 2 g sau mỗi 6 giờ (8 g / ngày). Hoặc dùng clindamycin 2.4 g truyền tĩnh mạch, chia 4 lần mỗi ngày.
- Nếu nghi ngờ nhiễm tụ cầu vàng kháng kháng sinh, dùng vancomycin 2 g / ngày chia 2 lần pha truyền tĩnh mạch. Hoặc dùng daptomycin 4 – 6 mg / kg thông qua đường tĩnh mạch một lần mỗi ngày. Hoặc dùng teicoplanin 6 mg / kg, một lần mỗi ngày trong những ngày đầu, sau đó giảm xuống 3 mg / kg qua đường truyền tĩnh mạch hoặc tiêm bắp.
+ Trường hợp nghi nhiễm khuẩn trực khuẩn mủ xanh:
- Sử dụng phối hợp ceftazidim 2 g / lần, 2 đến 3 lần mỗi ngày, kết hợp với kháng sinh nhóm aminoglycosid (chẳng hạn như gentamycin 3 mg / kg, mỗi ngày sử dụng một lần tiêm bắp vào buổi sáng).
+ Trong trường hợp xét nghiệm xét nghiệm dịch khớp dương tính:
Có thể điều trị tiếp tục bằng kháng sinh nếu đáp ứng tốt.
- Tụ cầu vàng nhạy cảm với kháng sinh: Dùng oxacillin hoặc Nafcillin hoặc clindamycin trong 4 tuần. Tụ cầu vàng kháng methicillin: Dùng teicoplanin hoặc vancomycin hoặc daptomycin trong 4 tuần liên tục.
- Nhiễm trùng phế cầu hoặc liên cầu với vi khuẩn nhạy cảm với penicillin: Dùng penicillin G 2 triệu đơn vị đường tĩnh mạch sau mỗi 4 giờ liên tục trong 2 tuần.
- Nhiễm trùng trực khuẩn mủ xanh: Sử dụng phối hợp kháng sinh thuộc nhóm aminoglycosid kết hợp với ceftazidim 1 g sau mỗi 8 giờ, liên tục trong 2 tuần. Sau đó dùng thuốc thuộc nhóm fluoroquinolon đường uống 2 lần mỗi ngày. Có thể kết hợp với ceftazidim nếu cần thiết.
- Nhiễm khuẩn gram âm đường ruột: Dùng kháng sinh cephalosporin thế hệ 3 hoặc 4 đường truyền tĩnh mạch trong 3 – 4 tuần. Hoặc sử dụng thuốc kháng sinh thuộc nhóm fluoroquinolon, chẳng hạn như levofloxacin 500 mg đường uống hoặc truyền đường tĩnh mạch sau mỗi 24 giờ.
– Trong trường hợp viêm khớp nhiễm khuẩn do lậu cầu khuẩn:
- Lậu cầu kháng (hoặc nghi ngờ) penicilln: Liều khởi đầu sử dụng ceftriaxon 1 g thông qua đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch sau mỗi 24 giờ trong 7 ngày liên tục. Sau đó sử dụng ciprofloxacin đường uống, 500 mg chia thành hai lần mỗi ngày. Hoặc sử dụng spectinomycin 2 g thông qua đường tiêm bắp sau mỗi 12 giờ trong 7 ngày liên tục.
- Lậu cầu nhạy cảm với penicillin: Dùng amoxicillin đường uống 1500 mg / ngày chia thành 3 lần. Hoặc dùng ciprofloxacin đường uống 1000 mg chia hai lần mỗi ngày, trong 7 ngày liên tục.
- Trong trường hợp nghi ngờ bội nhiễm Chlamydia trachomatis: Dùng kháng sinh đường uống doxycyclin 100 mg 2 lần mỗi ngày. Hoặc tetracyclin 500 mg 4 lần mỗi ngày. Hoặc erythromycin 500 mg 4 lần mỗi ngày. Dùng thuốc liên tục trong 7 ngày.
2. Chọc hút dịch khớp
Một số người cần được chọc hút dịch khớp nhiễm trùng để giảm đau, sưng và ngăn ngừa các tổn thương thêm cho khớp. Dẫn lưu thường được thực hiện thông qua nội soi khớp nhưng đôi khi cũng có thể cần phẫu thuật để tránh các rủi ro liên quan.
Với thủ thuật nội soi khớp, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ gần khớp bị ảnh hưởng. Sau đó đưa ống chọc hút có camera vào vết rạch để hút dịch nhiễm trùng khỏi khớp. Thông thường bác sĩ có thể đặt một ống dẫn lưu ở khớp để đảm bảo khớp không bị sưng trở lại. Ống này sẽ được loại bỏ sau vài ngày.
3. Phẫu thuật
Trong trường hợp nghiêm trọng, đề nghị phẫu thuật loại bỏ tổ chức nhiễm trùng và các phần mềm lân cận, chẳng hạn như sụn khớp hoặc xương.
Trong trường hợp nhiễm khuẩn ở khớp nhân tạo, người bệnh cần phải loại bỏ khớp nhân tạo và sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch liên tục trong 4 – 6 tuần. Sau khi điều trị, bác sĩ có thể xem xét có thể làm lại khớp nhân tạo hay không.
Nhiễm khuẩn ở các khớp sâu, chẳng hạn như khớp háng, đặc biệt là nhiễm khuẩn khớp háng ở trẻ em, phẫu thuật là cách tốt nhất để tránh gây tổn thương hoặc hử hỏng chỏm xương đùi.
Phòng ngừa viêm khớp nhiễm khuẩn
Không có biện pháp phòng ngừa tất cả các nguy cơ gây viêm khớp nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, thực hiện vô trùng tuyệt đối khi thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật tại khớp.
Bên cạnh đó, điều trị dứt điểm các nhiễm khuẩn tại các cơ quan khác trên cơ thể, đặc biệt tại da, phần mềm và xương.
Đối với bệnh lậu, phòng ngừa bằng cách thực hiện các hành vi tình dục an toàn và quan hệ tình dục chung thủy.
Viêm khớp nhiễm khuẩn là tình trạng nhiễm khuẩn khớp nghiêm trọng, có thể cải thiện được nếu điều trị sớm và tích cực. Các triệu chứng có thể được cải thiện trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu điều trị. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, tình trạng này có thể gây tổn thương khớp vĩnh viễn hoặc tàn phế. Do đó, người bệnh nên đến gặp bác sĩ nếu đau hoặc sưng khớp.
Tham khảo thêm: Viêm khớp phản ứng là gì? Cách chẩn đoán, điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!