7 Loại Thuốc Trị Viêm Khớp Ngón Tay Được Bác Sĩ Kê Đơn
Thuốc trị viêm khớp ngón tay được chỉ định tùy thuộc vào loại viêm khớp, có tác dụng giảm đau, giảm viêm, làm chậm quá trình mất xương hoặc ngăn ngừa các tổn thương khớp liên quan. Dưới đây là gợi ý một số loại thuốc phổ biến nhất, người bệnh có thể tham khảo và có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Các loại viêm khớp ngón tay thường gặp
Có nhiều dạng viêm đau khớp và tình trạng liên quan đến bàn tay và các ngón tay. Dấu hiệu phổ biến nhất của các tình trạng này là đau đớn, cứng khớp, sưng tấy hoặc tê ở cổ tay, các ngón tay. Trong một số trường hợp, móng tay có thể bị rỗ, loét, dẫn đến khó khăn khi gập ngón tay.
Dưới đây là một số dạng viêm khớp phổ biến có thể ảnh hưởng đến ngón tay:
- Thoái hóa khớp: Đây là dạng viêm khớp phổ biến nhất, xảy ra do sụn đệm giữa các khớp bị hao mòn theo thời gian. Điều này khiến các đầu xương ma sát với nhau, dẫn đến cứng, đau và mất khả năng vận động của khớp. Đối với tình trạng viêm khớp ngón tay, thoái hóa khớp thường ảnh hưởng đến gốc ngón cái, khớp ngón giữa và khớp gần móng tay nhất. Ở các khớp ngón tay, viêm khớp có thể dẫn đến sự hình thành các nốt u sần dưới da.
- Viêm khớp dạng thấp: Đây là một bệnh lý viêm mãn tính xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các khớp và các cơ quan khác trong cơ thể. Dấu hiệu phổ biến nhất của tình trạng này là gây đau khớp, sưng, yếu, mất chức năng. Viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến các ngón tay, thường là ảnh hưởng đến cả hai bên cơ thể.
- Lupus ban đỏ: Lupus ban đỏ là bệnh mãn tính, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể tấn công các mô khỏe mạnh, bao gồm da và khớp. Cổ tay và các khớp nhỏ ở bàn tay là các khớp thường bị ảnh hưởng nhất, gây đau đớn, sưng đỏ cùng với phát ban.
- Viêm khớp vẩy nến: Đây là một dạng viêm khớp gây ảnh hưởng đến các khớp nhỏ, chẳng hạn như ngón tay và ngón chân. Toàn bộ ngón tay có thể bị sưng tấy và đau đớn. Bên cạnh đó, bệnh cũng gây phát ban trên da dưới dạng các mảng màu đỏ hoặc trắng bạc.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến viêm khớp ở ngón tay. Chẩn đoán chính xác là cách tốt nhất để điều trị hiệu quả.
Viêm đau khớp ngón tay uống thuốc gì – Top 7 thuốc được bác sĩ kê đơn
Các loại thuốc trị viêm khớp ngón tay thường mang lại hiệu quả giảm đau, giảm viêm, làm chậm quá trình mất xương, làm chậm tiến triển viêm khớp và ngăn ngừa các tổn thương ảnh hưởng đến khớp. Dưới đây là các loại thuốc điều trị viêm khớp và các tình trạng liên quan đến ngón tay:
1. Thuốc chống viêm không steroid
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là loại thuốc được sử dụng thường xuyên nhất để giảm đau, viêm và cứng khớp do viêm khớp. Hầu hết các loại NSAID đều phổ biến, có chi phí thấp và thường nằm trong số loại thuốc trị viêm khớp ngón tay đầu tiên được chỉ định.
NSAID hoạt động bằng cách ngăn chặn một loại enzyme gọi là cyclooxygenase tạo ra các hóa chất giống như hormone được gọi là prostaglandin, một trong những tác nhân chính dẫn đến viêm trong cơ thể. Thuốc chống viêm không steroid được sử dụng cho tất cả các loại viêm khớp, có sẵn dưới dạng đường uống và thoa ngoài da.
Hai loại NSAID phổ biến nhất bao gồm Ibuprofen và Naproxen, có tác dụng giảm đau, chống viêm nhanh chóng và kéo dài trong vài giờ. Nếu cơn đau nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê các loại NSAID theo toa, chẳng hạn như Celecoxib để nâng cao hiệu quả giảm đau.
Mặc dù mang lại hiệu quả cao và được sử dụng phổ biến trong việc giảm đau, chống viêm khớp, tuy nhiên NSAID tiềm ẩn nhiều rủi ro, chẳng hạn như:
- Các vấn đề về đường tiêu hóa, chẳng hạn như đau dạ dày, ợ chua, buồn nôn, tiêu chảy, loét dạ dày hoặc xuất huyết tiêu hóa. Nguy cơ này thường cao hơn ở người trên 65 tuổi, có tiền sử loét dạ dày hoặc sử dụng thuốc làm loãng máu.
- Đau tim, suy tim và đột quỵ. Nguy cơ này cao hơn đối với người bệnh sử dụng thuốc lâu dài.
- Dị ứng, bao gồm các phản ứng nghiêm trọng như hen suyễn, các vấn đề về xoang hoặc hình thành các khối u nhỏ bên trong mũi.
- Gây rối loạn chức năng thận với các dấu hiệu như nước tiểu đục, tiểu ít hoặc nhiều đột ngột.
Sử dụng thuốc chống viêm không steroid theo chỉ định của bác sĩ. Điều này giúp kiểm soát các triệu chứng viêm khớp an toàn và tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
2. Thuốc Corticoid trị viêm khớp ngón tay
Thuốc Corticoid hay Corticosteroid có tác dụng nhanh trong việc kiểm soát chứng viêm khớp. Nếu tình trạng viêm toàn thân, bác sĩ có thể chỉ định thuốc Corticosteroid đường uống, tuy nhiên nếu tình trạng viêm chỉ ảnh hưởng đến một vài khớp, bác sĩ có thể chỉ định thuốc thoa hoặc tiêm trực tiếp Corticosteroid vào khớp.
Thuốc trị viêm khớp ngón tay Corticosteroid có tác dụng chống viêm mạnh và hiệu quả nhanh chóng. Thuốc hoạt động bằng cách ức chế hệ thống miễn dịch, từ đó ngăn tình viêm và đau khớp. Corticosteroid thường được bác sĩ kê đơn trong thời gian ngắn trong khi chờ thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) hoặc thuốc sinh học phát huy công dụng điều trị viêm khớp.
Một số loại Corticosteroid bao gồm Cortisone, Prednisone và Methylprednisolone. Trong đó, Prednisone là thuốc trị viêm khớp ngón tay phổ biến nhất, thường được chỉ định cho các bệnh lý thấp khớp như viêm khớp dạng thấp hoặc Lupus ban đỏ.
Thuốc Steroid có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ, bao gồm:
- Tăng cân
- Thay đổi khẩu vị
- Yếu cơ
- Mờ mắt
- Dễ bị bầm tím
- Khả năng chống nhiễm trùng thấp
- Kích ứng dạ dày
- Khó ngủ
- Đục thủy tinh thế
- Tích nước và sưng tấy
Steroid thường được sử dụng ngắn hạn với liều lượng thấp nhất có thể. Ngoài ra, người bệnh cần theo dõi phản ứng của cơ thể và có kế hoạch xử lý tác dụng phụ phù hợp. Chỉ sử dụng steroid điều trị viêm khớp ngón tay khi nhận được chỉ định của bác sĩ.
3. Thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau là nhóm thuốc được thiết kế với công dụng chính là giảm đau. Các loại thuốc phổ biến bao gồm Paracetamol, có thể sử dụng dưới dạng không kê toa hoặc kê toa. Ngoài ra, có một số loại thuốc giảm đau khác, chẳng hạn như thuốc giảm đau gây nghiện opioid, chỉ được bán theo toa để kiểm soát các cơn đau nghiêm trọng. Các loại thuốc giảm đau opioid chỉ được sử dụng nếu cơn đau nghiêm trọng, không đáp ứng các loại thuốc điều trị khác và nhận được chỉ định của bác sĩ.
Tương tự như các loại thuốc trị viêm khớp ngón tay khác, thuốc giảm đau có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ, chẳng hạn như:
- Táo bón
- Buồn ngủ
- Buồn nôn
- Ngứa da
- Khô miệng
Lạm dụng các loại thuốc giảm đau có thể dẫn đến tổn thương gan, ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh, gây nghiện và nhiều tác dụng phụ khác, bao gồm tử vong. Do đó người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất và tránh các rủi ro phát sinh.
4. Thuốc thoa tại chỗ
Có nhiều loại thuốc trị đau khớp ngón tay được sử dụng tại chỗ, chẳng hạn như thuốc mỡ, kem thoa, gel, miếng dán, có chứa các hợp chất giảm đau. Các thuốc này mang lại hiệu quả cao đối với tình trạng đau cổ tay, đau các ngón tay hoặc đau mô mềm không qua sâu so với bề mặt da.
Các loại thuốc phổ biến bao gồm:
- Salicylat chứa chất giảm đau tương tự như aspirin và có tác dụng chống viêm nhẹ.
- NSAID dạng thoa chẳng hạn như gel Diclofenac hoặc Voltaren, Ibuprofen và Ketoprofen được sử dụng để điều trị các triệu chứng viêm khớp từ nhẹ đến trung bình. Thuốc được bào chế dưới dạng không kê toa và kê toa, được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
- Lidocain là thuốc gây tê tại chỗ giúp giảm đau bằng cách tạo cảm giác tê. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn các tín hiệu đau ở dây thần kinh trên da, nhưng không có tác dụng giảm viêm.
- Gel Salonpas giúp giảm đau tại chỗ bằng cách tạo ra cảm giác nóng tại chỗ, nhằm đánh lạc hướng cơn đau.
- Capsaicin là chất tạo nên vị cay của ớt. Thuốc bôi Capsaicin giảm đau bằng cách tạo ra cảm giác nóng nhẹ, ngăn các tín hiệu đau đến dây thần kinh, từ đó ngăn ngừa phản ứng đau.
Mặc dù tương đối an toàn, tuy nhiên thuốc cũng có thể dẫn đến một số tác dụng phụ, chẳng hạn như:
- Nổi mẩn đỏ
- Ngứa da
- Kích ứng da
- Phát ban
5. Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm và thuốc sinh học
Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) là thuốc hoạt động để làm chậm tiến triển của các bệnh thấp khớp, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp ở ngón tay, Lupus ban đỏ hoặc viêm khớp vẩy nến. Thuốc hoạt động bằng cách bảo vệ khớp khỏi các tính trạng viêm. Nếu không có DMARD, chứng viêm sẽ dần gây phá hủy các khớp, dẫn đến mất chức năng.
Các loại thuốc DMARD thường được sử dụng để điều trị viêm khớp ngón tay bao gồm:
- Apremilast
- Azathioprine
- Baricitinib
- Cyclosporine
- Methotrexate
- Leflunomide
- Tofacitinib
Tác dụng phụ tiềm ẩn:
- Đau đầu
- Buồn nôn
- Nhiễm trùng
Ngoài ra, DMARD cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, tùy thuộc vào các trường hợp viêm khớp cụ thể. Người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc hoặc kết hợp với các loại thuốc khác mà không hỏi ý kiến của bác sĩ.
Bên cạnh các loại thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm truyền thống, bác sĩ có thể chỉ định thuốc sinh học để thay đổi quá tình bệnh. Thuốc sinh học là các loại thuốc mạnh, có tác dụng làm chậm hoặc chấm dứt tình trạng viêm nhiễm, tổn thương ở khớp. Thuốc sinh học thường được chỉ định khi DMARD truyền thống không mang lại hiệu quả.
Các loại thuốc sinh học phổ biến bao gồm:
- Thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u-α (TNF) như Humira, Cimzia hoặc Enbrel.
- Thuốc ức chế tế bào B chẳng hạn như Benlysta hoặc Rituxan.
- Thuốc ức chế interleukin như Kineret, Tremfya, Skyrizi, Kevzara, Cosentyx hoặc Stelara.
Thuốc sinh học có thể dẫn đến nhiều rủi ro nghiêm trọng, chẳng hạn như tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc thay đổi hoạt động của hệ thống miễn dịch và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe phát sinh. Do đó, chỉ sử dụng thuốc khi nhận được sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ.
6. Thuốc điều trị bệnh gút
Các khớp cổ tay và ngón tay thường bị ảnh hưởng bởi bệnh gút. Do đó, một số loại thuốc điều trị bệnh gút được bào chế như thuốc trị viêm khớp ngón tay, hoạt động bằng cách giảm nồng độ acid uric trong máu, từ đó giảm đau, chống viêm. Các loại thuốc này mang lại hiệu quả cao trong việc giảm đau và kiểm soát viêm cấp tính.
Loại thuốc điều trị bệnh gút phổ biến nhất là Colchicine. Đây là một loại thuốc chống viêm theo toa, giúp giảm đau liên quan đến gút, nhưng có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, nôn. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định thuốc hạ axit uric để phòng ngừa cơn gút tái phát.
Sử dụng thuốc trị viêm khớp ngón tay theo chỉ dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất cũng như tránh các rủi ro phát sinh.
7. Thuốc chống loãng xương
Thuốc điều trị loãng xương được sử dụng để làm chậm quá trình mất xương và hỗ trợ cơ thể tái tạo xương mới. Mặc dù các loại thuốc này không phải là thuốc trị viêm khớp ngón tay phổ biến, tuy nhiên có thể ngăn ngừa nguy cơ gãy xương, cũng như góp phần giúp xương chắc, khỏe, ít đau hơn.
Các loại thuốc phổ biến bao gồm:
- Bisphosphonat
- Thuốc sinh học Denosumab
- Teriparatide
Các loại thuốc trị viêm khớp ngón tay được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, phụ thuộc vào loại viêm khớp và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Không tự ý sử dụng thuốc hoặc thay đổi liều lượng để tránh các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Lưu ý khi sử dụng thuốc trị đau khớp ngón tay
Để các loại thuốc trị viêm khớp ngón tay mang lại hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề như:
- Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý thay đổi liều lượng hoặc kết hợp với các loại thuốc khác mà không hỏi ý kiến của bác sĩ.
- Theo dõi phản ứng của cơ thể, các tác dụng phụ và rủi ro phát sinh. Thông báo với bác sĩ ngay khi nhận thấy các dấu hiệu không mong muốn.
- Tái khám đúng hẹn hoặc đến bệnh viện ngay khi gặp các triệu chứng như sưng khớp, sưng cổ tay hoặc gặp khó khăn khi mở nắp lọ, xoay tay nắm cửa hoặc cầm nắm đồ vật.
- Không hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh để nâng cao hiệu quả chống viêm, kiểm soát các triệu chứng viêm khớp ngón tay.
- Tránh các chấn thương, bảo vệ sụn khớp bằng các thường xuyên thực hiện các bài tập tay và bảo vệ khớp khi chơi thể thao.
- Kiểm soát căng thẳng với các kỹ thuật như thiền, hít thở sâu, thư giãn, góp phần chống viêm, giảm đau nhức xương khớp.
Thuốc trị viêm khớp ngón mang lại hiệu quả cao trong việc giảm đau và chống viêm. Tuy nhiên người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn và tư vấn loại thuốc phù hợp, hiệu quả nhất.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!