Đau Dây Thần Kinh
Đau dây thần kinh là tình trạng rất phức tạp và khó chẩn đoán chính xác. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường xảy ra ở nhóm trung niên và người già. Để tránh được những cơn đau làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, cần khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện kịp thời các triệu chứng, giúp cho quá trình điều trị bệnh được hiệu quả.
Đau dây thần kinh là gì?
Đau dây thần kinh là tình trạng xảy ra khi hệ thống dây thần kinh bị tổn thương. Bệnh có thể ảnh hưởng tới các bộ phận của cơ thể (khi kinh ngoại biên, dây kinh hướng tâm, dây thần kinh trụ bị tổn thương) hoặc toàn thân.
Đau dây thần kinh có thể do bệnh khác gây ra hoặc do dây thần kinh bị chèn ép (hội chứng chèn ép khoang), dẫn đến các cơn đau cấp tính hoặc đau mạn tính. Hiện nay, các chuyên gia đã xác định được hơn 100 loại tổn thương thần kinh khác nhau với những dấu hiệu khác nhau và đòi hỏi những biện pháp điều trị chuyên biệt.
Hệ thống dây thần kinh tham gia vào mọi hoạt động của cơ thể, từ việc điều hoà nhịp thở đến kiểm soát cơ bắp, cảm thụ nóng và lạnh. Dây thần kinh trong cơ thể được phân thành 3 loại:
- Dây thần kinh tự chủ: Là những dây thần kinh kiểm soát những hoạt động bị động hoặc chủ động một phần, bao gồm: huyết áp, nhịp tim, tiêu hoá và điều chỉnh nhiệt độ.
- Dây thần kinh vận động: Là những dây thần kinh này kiểm soát các chuyển động và hành động của cơ thể bằng cách truyền thông tin từ não và tuỷ sống tới cơ bắp.
- Dây thần kinh cảm giác: Những dây thần kinh hỗ trợ chuyển thông tin từ da và cơ trở lại não và tủy sống. Những thông tin này được xử lý sẽ truyền đến các bộ phận của cơ thể, tạo nên cảm giác đau hay các cảm giác khác.
Một số bệnh đau dây thần kinh thường gặp:
- Đau dây thần kinh liên sườn: Là hội chứng tổn thương các rễ thần kinh liên sườn, khiến người bệnh cảm thấy đau tức ngưc. Cảm giác đau tức có thể chỉ xảy ra ở một bên (trái hoặc phải), xuất phát từ ngực và lan dọc ra mạn sườn, kéo dài đến phía sau cột sống lưng.
- Đau dây thần kinh chẩm: Các dây thần kinh chẩm bị tổn thương sẽ gây ra những cơn đau đầu có cảm giác như bị đâm xuyên, đau như điện giật hoặc đau nhói ở cổ phía trên hoặc sau tai.
- Đau dây thần kinh số 5: Đây là một dạng cơn đau đặc thù, thường xuất hiện một cách đột ngột và rất nặng ở nửa bên mặt, tuy nhiên cơn đau chỉ kéo dài trong thời gian ngắn (dưới 1 phút). Cơn đau có thể là tự phát hoặc xuất phát từ điểm bị kích thích.
- Đau dây thần kinh hông: Là tình trạng các cơn đau kéo dài dọc theo dây thần kinh vùng hông. Các cơn đau xuất phát từ vùng thắt lưng rồi dần lan rộng xuống hông, mông, mặt ngoài đùi, cẳng chân, mắt cá chân và ngón chân.
- Đau thần kinh tọa: Người bệnh sẽ cảm thấy đau dọc theo dây thần kinh tọa và các nhánh. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc cấp tính và tăng dần khi người bệnh gắng sức, ho, hắt hơi, thay đổi tư thế.
Nguyên nhân đau dây thần kinh
Có nhiều nguyên nhân gây đau dây thần kinh. Mặc dù không phải là danh sách đầy đủ nhưng đây là một số nguyên nhân phổ biến có thể dẫn đến đau dây thần kinh:
- Bệnh tự miễn: Một loạt các loại bệnh tự miễn có thể gây ra các triệu chứng đau dây thần kinh và tổn thương hệ thần kinh, bao gồm: Đa xơ cứng, nhược cơ, lupus, hội chứng Guillain-Barré (một tình trạng hiếm gặp khi hệ thống miễn dịch tấn công các dây thần kinh ngoại biên) và bệnh viêm ruột.
- Ung thư: Ung thư có thể gây đau dây thần kinh theo nhiều cách. Một số khối ung thư có thể đẩy lùi hoặc chèn ép dây thần kinh. Một số lại khiến cơ thể thiếu hụt chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến chức năng của hệ thần kinh. Thêm vào đó, một số phương pháp điều trị như xạ trị và hóa trị cũng gây đau dây thần kinh ở một số người.
- Bệnh tiểu đường: Có đến 70% người mắc tiểu đường bị tổn thương thần kinh và đau dây thần kinh. Những tổn thương này càng dễ gặp phải khi bệnh tiểu đường nặng hơn. Bệnh thần kinh tiểu đường là một biến chứng nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến cả loại tế bào thần kinh. Trong đó, các dây thần kinh cảm giác có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất với các biểu hiện nóng, rát và tê liệt.
- Chèn ép hoặc chấn thương: Bất cứ việc gì dẫn đến chấn thương hoặc chèn ép dây thần kinh đều có thể gây đau dây thần kinh. Trong đó, phổ biến nhất là dây thần kinh bị chèn ép ở cổ, cột sống, chấn thương va đập mạnh và hội chứng ống cổ tay.
- Tác dụng phụ của thuốc và các chất độc hại: Khi đưa các chất khác nhau vào cơ thể có chủ ý hoặc vô ý đều có khả năng gây đau dây thần kinh. Chẳng hạn như: các loại thuốc điều trị bệnh HIV, bệnh ung thư… hoặc các chất độc vô tình ăn phải như thủy ngân, chì, asen.
- Bệnh thần kinh vận động: Bệnh ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động thường là bệnh xơ cứng teo cơ bên (còn được gọi là bệnh Lou Gehrig hoặc ALS).
- Thiếu hụt chất dinh dưỡng: Sự thiếu hụt dưỡng chất, nhất là vitamin B6, vitamin B12 có thể gây ra các triệu chứng đau dây thần kinh. Sự thiếu hụt chất dinh dưỡng gây tổn thương thần kinh cũng có thể do uống quá nhiều rượu bia hoặc sau cuộc phẫu thuật dạ dày.
- Do nhiễm trùng: Đây là nguyên nhân khá phổ biến gây nên tình trạng đau dây thần kinh. Những người nhiễm HIV/AIDS có thể trải qua những cơn đau không giải thích được. Hay những người bị nhiễm trùng giang mai cũng có thể bị đau rát, đau nhói không rõ nguyên nhân. Hay thuỷ đậu, zona có thể gây ra chứng đau dây thần kinh kéo dài.
- Do phẫu thuật: Thường gặp nhất là hội chứng đau chi ma (đau ảo) có thể xảy ra khi tay hoặc chân bị cắt cụt. Mặc dù đã mất chi, nhưng não bộ vẫn nghĩ rằng nó nhận được tín hiệu đau từ bộ phận đã bị loại bỏ. Ngoài ra, các tổn thương thần kinh khi mổ cũng có thể dẫn đến đau mãn tính sau mổ.
Triệu chứng của bệnh đau dây thần kinh
Đau dây thần kinh vận động
- Co giật (còn gọi là rung cơ cục bộ)
- Teo cơ, yếu cơ, suy nhược cơ bắp
- Mất cảm giác cân bằng
- Tê liệt hoặc tê bì tay, chân
- Cơ thể yếu đuối
Đau dây thần kinh tự chủ
- Cơ thể lâng lâng, hoa mắt, chóng mặt
- Không cảm nhận được các cơn đau ngực và nhồi máu cơ tim
- Rối loạn chức năng bàng quang
- Lượng mồ hôi tiết ra bất thường, quá ít hoặc quá nhiều
- Bị táo bón
- Khô miệng, khô mắt
- Rối loạn các chức năng tình dục
Đau dây thần kinh cảm giác
- Đau nhói hoặc đau dữ dội
- Đau, tê liệt hoặc cảm giác châm chích
- Đau tự phát hoặc đau không do sự kích thích
- Cơn đau xuất hiện mà không phải do các nguyên nhân thông thường như sự cọ xát, ở nhiệt độ lạnh hoặc chải tóc.
- Cơ thể nhạy cảm quá mức
- Thường gặp phải những chấn thương vô hình (tự làm mình tổn thương mà không nhận ra)
- Châm chích, ngứa ran hoặc nóng rát
- Mất cảm giác hoặc tê ở các đầu ngón tay
- Các hoạt động như đánh máy, đan lát, buộc dây giày trở nên khó khăn
- Cảm thấy buồn tẻ khi chạm vào đồ vật xung quanh
Mức độ nguy hiểm của bệnh đau dây thần kinh
Dây thần kinh cần thiết cho mọi hoạt động của cơ thể, cho nên làm tổn thương hay đau dây thần kinh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống:
- Đau đớn dữ dội vào ban đêm, nằm xuống cũng đau, ảnh hưởng tới giấc ngủ
- Đau dây thần kinh tự chủ khiến cơ thể mất tự chủ, mất kiểm soát
- Đau dây thần kinh vận động ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng vận động
- Đau dây thần kinh cảm giác gây mất nhận thức về đau đớn và cảm nhận khác
Nếu không được điều trị, các tổn thương thần kinh và tình trạng đau dây thần kinh sẽ có xu hướng xấu đi theo thời gian. Bệnh thường khởi phát ở các dây thần kinh xa nhất từ não và tủy sống, sau đó di chuyển dần đến chân và cánh tay. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát và điều trị được các vấn đề gây tổn thương thần kinh nếu điều chỉnh lối sống và có biện pháp chữa trị hợp lý.
Cách chẩn đoán bệnh đau dây thần kinh
Do có nhiều nguyên nhân gây đau và nhiều căn bệnh có triệu chứng trùng lặp nên gây khó khăn trong việc chẩn đoán chính xác bệnh. Tuy nhiên, việc tìm ra nguyên nhân gây đau dây thần kinh là rất quan trọng vì cách thức điều trị sẽ khác nhau cho từng loại tổn thương.
Phương pháp chẩn đoán bệnh đau dây thần kinh chủ yếu dựa vào tiền sử bệnh lý của người bệnh, các triệu chứng và kết quả khám sức khỏe, thần kinh. Điều này nhằm xác định loại dây thần kinh và vị trí dây thần kinh bị ảnh hưởng.
Để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, các bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh làm thêm một số xét nghiệm hình ảnh:
- Chụp X-quang: Mục đích chính là phát hiện các vấn đề liên quan đến xương khớp như nhiễm trùng, khối u và gai xương.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT): Thu thập hình ảnh chi tiết về xương và mô mềm trên cơ thể. Hình ảnh chụp MRI sẽ cho ra câu trả lời chính xác “Có” hoặc “Không” tình trạng mạch máu chèn ép dây thần kinh và mức độ nghiêm trọng của việc dây thần kinh bị chèn ép bởi mạch máu.
- Đo điện cơ: Đây là xét nghiệm cho phép kiểm tra tốc độ xung điện di chuyển qua dây thần kinh và phản ứng của cơ bắp.
Phương pháp điều trị bệnh đau dây thần kinh
Tình trạng đau dây thần kinh thường được điều trị bằng nhiều phương pháp kết hợp:
- Điều trị bằng thuốc
- Phẫu thuật trong một số trường hợp cần thiết
- Điều trị yếu tố tâm lý
- Phương pháp vật lý, phục hồi chức năng
Dưới đây là một số phương pháp điều trị đau dây thần kinh phổ biến:
Điều trị bằng thuốc
Thuốc giảm đau không kê đơn thường là phương pháp điều trị đầu tiên mà bác sĩ khuyên người bệnh sử dụng nhằm làm giảm các triệu chứng đau do thần kinh bị tổn thương. Chúng bao gồm: các loại thuốc chống viêm không steroid (như ibuprofen) hoặc các loại thuốc giảm đau khác (như acetaminophen). Các lựa chọn điều trị đi kèm có thể gồm kem giảm đau, thuốc mỡ, gel, dầu hoặc thuốc xịt được sử dụng trên da.
Ngoài ra, hiện nay có nhiều loại thuốc theo toa có thể hỗ trợ giảm đau dây thần kinh. Bác sĩ có thể kê đơn cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm hoặc chống động kinh. Điển hình một số loại như: thuốc chống trầm cảm (amitriptylin, clomipramin, imipramin), thuốc chống co giật ( pregabalin, gabapentin), thuốc dùng ngoài như cao dán 5% lidocain có thể điều trị hiệu quả các hội chứng đau ngoại biên. Thuốc giảm đau opioid có thể giúp giảm đau, nhưng ít hiệu quả với tình trạng đau cảm thụ cấp và tác dụng phụ gây cản trở tác dụng giảm đau đầy đủ.
Phẫu thuật
Thủ thuật phẫu thuật thần kinh có thể được bác sĩ chỉ định trong một số trường hợp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố: bản chất của cơn đau, sức khỏe thể chất, sở thích cá nhân; huyết áp và các cuộc phẫu thuật đã thực hiện trước đó cùng một số bệnh lý liên quan.
Các phương pháp điều trị hiệu quả tiềm năng khác
- Kích thích tủy sống bằng điện cực đặt ngoài màng cứng. Phương pháp này áp dụng với một số loại đau thần kinh nhất định, như đau chân mãn tính sau phẫu thuật cột sống.
- Cấy điện cực dọc theo dây hạch và các dây thần kinh ngoại biên hiệu quả với một số bệnh đau dây thần kinh mạn tính.
- Phong bế thần kinh giao cảm thường chỉ có hiệu quả với bệnh nhân có hội chứng đau cục bộ phức tạp.
- Ức chế thần kinh hoặc triệt đốt thần kinh bằng sóng vô tuyến, triệt đốt lạnh hoặc ly giải hóa.
- Kích thích dây thần kinh bằng điện qua da (TENS)
Các cách điều trị đau dây thần kinh bổ sung
- Thực hiện những bài tập thể dục nhẹ nhàng như yoga, liệu pháp hương thơm hoặc ngồi thiền giúp tăng cường sức khỏe.
- Các lựa chọn khác bao gồm châm cứu, vật lý trị liệu, liệu pháp vitamin, liệu pháp dinh dưỡng… hoặc tiêm độc tố botulinum để ngăn cản sự hoạt động của các dây thần kinh cảm giác.
Trong quá trình điều trị đau dây thần kinh, người bệnh cần lưu tâm đến các yếu tố tâm lý từ khi bắt đầu điều trị. Phải điều trị chứng lo âu và trầm cảm một cách thích hợp. Đối với những bệnh nhân có biểu hiện rối loạn chức năng thì cần được thăm khám toàn diện tại cơ sở chuyên khoa về giảm đau, thần kinh.
Tư vấn biện pháp cải thiện đau dây thần kinh tại nhà
Giảm đau dây thần kinh là một trong những mục tiêu xử lý bệnh. Có nhiều phương pháp tự chăm sóc và hỗ trợ điều trị tại nhà mà người bệnh nên tuân thủ và thực hiện thường xuyên:
- Duy trì đường huyết: Người bệnh tiểu đường cần tự kiểm soát lượng đường trong máu để hạn chế tình trạng đau dây thần kinh do tiểu đường.
- Tập thể dục nhẹ nhàng: Hỗ trợ giải phóng thuốc giảm đau tự nhiên, thúc đẩy lưu lượng máu đến các dây thần kinh ở chân và bàn chân, nuôi dưỡng các dây thần kinh bị tổn thương.
- Tắm và ngâm chân nước ấm: Nước ấm có thể làm tăng lưu thông máu đến chân và giảm căng thẳng.
- Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn: Uống nhiều rượu bia có thể gây ngộ độc cho thần kinh và đau dây thần kinh.
- Ngủ đúng giờ: Cơn đau dây thần kinh có thể trở nên nghiêm trọng hơn vào ban đêm, gây khó ngủ. thói quen ngủ đúng giờ sẽ giúp đẩy lùi những cơn đau này.
- Chà sát, xoa bóp: Dùng các loại dầu thực vật (như dầu phong lữ, dầu oải hương) có thể giảm bớt đau dây thần kinh, thư giãn tinh thần.
- Thiền định: Giúp người bệnh thả lỏng thân thể và tâm tình, rất hiệu quả trong hỗ trợ điều trị đau dây thần kinh.
- Điều chỉnh thói quen sinh hoạt một cách lành mạnh như lao động vừa phải phải, tránh thay đổi tư thế đột ngột, giảm bớt các loại thịt đỏ, dầu mỡ, bia rượu trong thực đơn, thay bằng thực phẩm giàu canxi, trái cây và rau củ.
Tuy vậy, để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau dây thần kinh, tình trạng bệnh và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín thăm khám. Mỗi loại đau dây thần kinh sẽ được bác sĩ tư vấn và điều trị hiệu quả theo những phương pháp khác nhau.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!