Thoái Hóa Khớp

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Lương y Phùng Hải Đăng | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Thoái hóa khớp là bệnh viêm khớp mãn tính, xảy ra khi các sụn bảo vệ khớp bị hao mòn theo thời gian. Các triệu chứng bệnh thường có thể được cải thiện bằng cách vận động thường xuyên, chế độ dinh dưỡng hợp lý và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Thoái hóa khớp là gì?

Thoái hóa khớp (hay viêm xương khớp, viêm khớp do thoái hóa) là bệnh viêm khớp phổ biến nhất, chiếm khoảng 10.41% các bệnh xương khớp ở Việt Nam. Bệnh xảy ra khi các sụn khớp và xương bên dưới sụn bị thoái hóa, dẫn đến đau đớn, cứng và biến dạng khớp.

Thoái hóa có thể ảnh hưởng đến bất cứ khớp nào trong cơ thể, tuy nhiên tình trạng này thường ảnh hưởng đến các khớp chịu nhiều trọng lượng trong cơ thể, chẳng hạn như hông (háng), đầu gối và cột sống. Tình trạng này cũng có thể ảnh hưởng đến các khớp ngón tay, ngón cái, cổ và các khớp chân. Ngoài ra, viêm khớp thoái hóa thường không ảnh hưởng đến các khớp khác, trừ khi khớp bị ảnh hưởng bởi chấn thương, lạm dụng hoặc căng thẳng quá mức.

Thoái hóa khớp là tình trạng viêm khớp mãn tính, không có biện pháp điều trị. Tuy nhiên, duy trì cân nặng hợp lý, thường xuyên vận động và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn có thể hỗ trợ giảm đau và cải thiện chức năng khớp.

Thoái hóa có thể ảnh hưởng đến tất cả các khớp trên cơ thể. Tuy nhiên một số khớp có nguy cơ bị tổn thương cao hơn và dẫn đến các loại thoái hóa phổ biến, chẳng hạn như:

  • Thoái hóa khớp gối hay viêm thoái hóa khớp gối: Đây là dạng viêm khớp thoái hóa phổ biến, thường ảnh hưởng đến người trên 45 tuổi. Tình trạng này có thể gây sưng khớp gối, cứng khớp và đau đớn vào buổi sáng hoặc sau một thời gian không vận động.
  • Thoái hóa khớp vai: Nguy cơ viêm khớp thoái hóa vai thường tăng theo tuổi tác và một số chấn thương, chẳng hạn như trật khớp vai. Ở những người trẻ tuổi, thoái hóa khớp vai thường liên quan đến chấn thương, lạm dụng hoặc tai nạn thể thao hoặc tai nạn giao thông.
  • Thoái hóa khớp bàn chân và mắt cá chân: Mỗi bàn chân có 28 xương và hơn 30 khớp. Các khớp này có thể bị thoái hóa, gây đau bàn chân, tê ngứa hoặc châm chích khi di chuyển.
  • Thoái hóa khớp háng hay viêm khớp háng thoái hóa: Đây là tình trạng thoái hóa ảnh hưởng đến khớp háng và có thể gây đau khớp háng, cứng khớp hoặc khó khăn khi đi lại. Tình trạng này có thể khó chẩn đoán chính xác trong giai đoạn đầu.
Thoái hóa thường ảnh hưởng đến các khớp chịu nhiều trọng lượng như khớp gối và khớp háng
Thoái hóa thường ảnh hưởng đến các khớp chịu nhiều trọng lượng như khớp gối và khớp háng
  • Thoái hóa khớp bàn tay: Tình trạng này có thể gây viêm, đai và cứng khớp, thường ảnh hưởng đến phần gốc ngón tay cái, các khớp gần đầu ngón tay và các khớp giữa ngón tay.
  • Thoái hóa cột sống: Thoái hóa cột sống hay viêm cột sống thoái hóa xảy ra khi sụn khớp và đĩa đệm ở các đốt sống bị tổn thương. Tình trạng này có thể gây cứng, đau ở cổ hoặc lưng. Đôi khi người bệnh có thể bị yếu hoặc tê ở tay và chân nếu thoái hóa khớp gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh.
  • Thoái hóa đốt sống cổ: Đây là tình trạng thoái hóa ảnh hưởng đến các xương, đĩa đệm và khớp cổ. Tình trạng này thường xảy ra ở người trên 50 tuổi, khi các đĩa đệm cột sống bị phá vỡ theo thời gian, mất chất lỏng và cứng hơn.

Triệu chứng thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp (osteoarthritis) là một bệnh lý mãn tính gây ra sự thoái hóa và phá hủy phần sụn khớp, thường gặp nhất ở các khớp chịu tải trọng lớn như khớp gối, khớp háng, và cột sống. Dưới đây là các triệu chứng chính của thoái hóa khớp:

Triệu chứng đau nhức ở khớp

Các triệu chứng và dấu hiệu thoái hóa khớp thường phát triển chậm và nghiêm trọng hơn theo thời gian. Triệu chứng thường phụ thuộc loại thoái hóa khớp và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng bao gồm:

  • Đau đớn: Đau là dấu hiệu phổ biến nhất của tình trạng viêm khớp thoái hóa. Cơn đau thường nghiêm trọng hơn khi hoạt động và được cải thiện khi nghỉ ngơi.
  • Cứng khớp: Tình trạng cứng khớp thường xảy ra vào buổi sáng, có thể kéo dài đến 30 phút và có xu hướng được cải thiện khi người bệnh hoạt động, di chuyển. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị cứng khớp khi không hoạt động thể chất trong thời gian dài.
  • Khớp mềm: Thoái hóa có thể khiến khớp có cảm giác mềm khi ấn nhẹ vào khớp hoặc ở vị trí gần khớp.
  • Sưng khớp: Thoái hóa khớp có thể gây viêm các mô mềm xung quanh khớp và gây sưng đỏ ở khớp bị ảnh hưởng.
  • Nóng ran: Người bệnh có thể cảm thấy nóng ran khi sử dụng khớp.
  • Có âm thanh ở khớp: Đây là tình trạng phát ra âm thanh nhỏ như tiếng bẻ khớp khi cử động khớp. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến khớp vai hoặc khớp đầu gối, nhưng cũng có thể xảy ra ở cổ tay, ngón tay, khuỷu tay hoặc mắt cá chân.

Triệu chứng khi thoái hóa khớp ở giai đoạn nặng

  • Dị dạng khớp: Ở giai đoạn nghiêm trọng, viêm khớp thoái hóa có thể dẫn đến dị dạng khớp có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Ở các ngón tay, thoái hóa khớp có thể dẫn đến việc hình thành các khối xương cứng, phình to ở trên hoặc xung quanh khớp.
  • Tràn dịch khớp: Thoái hóa có thể dẫn đến sự tích tụ chất lỏng bất thường ở khớp và dẫn đến tràn dịch khớp. Hiện tượng này thường phổ biến ở những người bị thoái hóa khớp giai đoạn cuối.
  • Teo sợi cơ: Khi bệnh tiến triển, viêm khớp thoái hóa có thể dẫn đến teo sợi cơ (mất cơ), gây ảnh hưởng đến tư thế và dáng đi của người bệnh dẫn đến sự bất ổn về tư thế.
  • Mất tính linh hoạt: Thoái hóa khiến khớp không thể cử động linh hoạt trong phạm vị chuyển động bình thường của khớp.
  • Hình thành gai xương: Thoái hóa có thể dẫn đến việc hình thành các gai xương, có cảm giác như cục cứng ở khớp bị ảnh hưởng. Ngoài ra, việc hình thành gai xương có thể là dấu hiệu cơ thể đang cố gắng tự phục hồi sau tổn thương.

Ở một số người, viêm khớp thoái hóa có thể trở nên nghiêm trọng đến mức đau đớn không ngừng, khiến việc đi hoặc đứng gặp khó khăn.

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp xảy ra khi sụn (là các mô mềm) bảo vệ khớp bị hao mòn theo thời gian. Khi sụn bị phá vỡ hoàn toàn, các xương sẽ cọ xát vào nhau, gây đau đớn và hình thành các gai xương.

Về cơ bản, thoái hóa khớp là bệnh lý do hao mòn tự nhiên khi cơ thể lão hóa. Tuy nhiên một số điều kiện và bệnh lý có thể tăng nguy cơ thoái hóa, chẳng hạn như:

Thoái hóa sự quá trình tự nhiên khi cơ thể lão hóa
Thoái hóa sự quá trình tự nhiên khi cơ thể lão hóa
  • Tuổi cao: Nguy cơ viêm khớp thoái hóa và các bệnh xương khớp khác thường tăng theo tuổi tác và sự lão hóa của cơ thể.
  • Giới tính: Phụ nữ có nhiều nguy cơ mắc các bệnh viêm khớp hơn nam giới, mặc dù không rõ nguyên nhân tại sao.
  • Thừa cân: Trọng lượng cơ thể cao có thể góp phần gây thoái hóa khớp, đặc biệt là các khớp chịu trọng lượng cơ thể, chẳng hạn như hông và đầu gối. Trọng lượng càng cao, nguy cơ viêm khớp thoái hóa càng lớn. Ngoài ra, hàm lượng protein cao trong các mô mỡ có thể gây viêm trong cơ thể và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh xương khớp.
  • Căng thẳng lặp lại ở khớp: Một số người có công việc hoặc chơi các môn thể thao gây áp lực liên tục trên khớp, chẳng hạn như bóng rổ, quần vợt, có thể làm tăng nguy có phát triển thoái hóa khớp.
  • Di truyền: Viêm xương khớp thoái hóa là bệnh lý có tính di truyền.
  • Dị dạng xương: Một số người có thể sinh ra với xương dị dạng bẩm sinh hoặc khiếm khuyết sụn, điều này có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa.
  • Một số bệnh chuyển hóa: Các bệnh lý chẳng hạn như tiểu đường và tình trạng cơ thể quá nhiều sắc (bệnh huyết sắc tố) có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa.
Đau đớn là dấu hiệu viêm khớp phổ biến nhất
Đau đớn là dấu hiệu viêm khớp phổ biến nhất

Biến chứng nguy hiểm do thoái hóa xương khớp

Đau đớn mãn tính, mệt mỏi và suy nhược cơ thể là ảnh hưởng phổ biến nhất của bệnh thoái hóa khớp. Bên cạnh đó, đôi khi bệnh có thể gây ra một số vấn đề chẳng hạn như lo lắng và trầm cảm.

Người lớn tuổi có nguy cơ té ngã cao gấp 2,5 lần khi bị thoái hóa khớp
Người lớn tuổi có nguy cơ té ngã cao gấp 2,5 lần khi bị thoái hóa khớp

Theo thống kê, thoái hóa có thể dẫn đến một số nguy cơ, chẳng hạn như:

  • Người cao tuổi bị thoái hóa khớp có nguy cơ té ngã cao gấp 2.5 lần
  • Thoái hóa khớp ảnh hưởng đến các hoạt động và hiệu suất công việc
  • Ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây khó ngủ hoặc thức giấc vào ban đêm
  • Tăng cân do cơ thể bị hạn chế vận động và đau nhức các khớp xương
  • Biên chứng hoại tử xương, gãy xương, chảy máu hoặc nhiễm trùng khớp
  • Suy thoái gân, dây chằng quanh khớp, chèn ép các dây thần kinh, cột sống

Cách chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp

Việc chẩn đoán thoái hóa khớp được thực hiện thông qua các triệu chứng và bệnh sử của người bệnh. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm hình ảnh hoặc khám sức khỏe tổng quát để xác định các vấn đề liên quan.

Xét nghiệm hình ảnh

Các xét nghiệm hình ảnh có thể được chỉ định để xác định các vấn đề bị ảnh hưởng, chẳng hạn như:

  • Chụp X – quang: Hình chụp X – quang không thể giúp bác sĩ quan sát sụn giữa các khớp. Tuy nhiên bác sĩ có thể xác nhận tình trạng tổn thương sụn hoặc mất sụn thông qua sự thu hẹp khoảng cách giữa các khớp. Hình chụp X – quang cũng có thể giúp bác sĩ xác định các gai xương xung quanh khớp.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Xét nghiệm này sử dụng sóng radio và từ trường mạnh để sản xuất hình ảnh chi tiết của xương và phần mềm chẳng hạn như mô, sụn. MRI có thể không được chỉ định để chẩn đoán thoái hóa khớp nhưng có thể giúp bác sĩ xác định các vấn đề phức tạp hơn.

Xét nghiệm

Bên cạnh kiểm tra hình ảnh, bác sĩ có thể đề nghị phân tích dịch khớp hoặc xét nghiệm máu để hỗ trợ quá trình chẩn đoán.

  • Phân tích dịch khớp: Bác sĩ có thể dùng kim mỏng để chọc hút dịch khớp bị ảnh hưởng. Chất lỏng này sẽ được kiểm tra ở phòng thí nghiệm để xác định viêm và nhiễm trùng. Xét nghiệm này được sử dụng để loại trừ các tình trạng khác có thể gây đau khớp, chẳng hạn như bệnh gout hoặc viêm khớp nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm máu: Mặc dù xét nghiệm máu không thể xác định bệnh viêm xương khớp thoái hóa, tuy nhiên xét nghiệm máu có thể loại trừ các nguyên nhân nghiêm trọng có thể gây đau khớp, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp.

Chẩn đoán phân biệt

Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây đau và cứng khớp. Do đó, khi chẩn đoán thoái hóa khớp cần chú ý phân biệt với một số tình trạng liên quan, chẳng hạn như:

  • Bệnh gút hoặc bệnh giả gout, thường gây ảnh hưởng đến ngón chân cái
  • Thoái hóa cột sống dính khớp, chủ yếu liên quan đến cột sống
  • Viêm khớp tự phát thiếu niên
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Viêm khớp vảy nến
  • Viêm khớp nhiễm trùng (còn được gọi là viêm khớp sinh mủ)

Giải pháp điều trị bệnh thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là bệnh lý mãn tính không thể điều trị dứt điểm. Các biện pháp điều trị thường nhằm mục đích kiểm soát các triệu chứng, phục hồi chức năng khớp và làm chậm sự phát triển của viêm khớp. Trong giai đoạn đầu, bệnh có thể được quản lý bằng cách thay đổi lối sống, vật lý trị liệu và thuốc giảm đau. Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, người bệnh có thể cần điều trị xâm lấn, bao gồm tiêm khớp và phẫu thuật.

Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống thường bao gồm việc duy trì trọng lượng khỏe mạnh và thường xuyên vận động. Điều này có thể góp phần hạn chế các tác động không mong muốn lên khớp, hỗ trợ cải thiện các triệu chứng và tăng cường khả năng vận động của khớp.

Thường xuyên vận cơ thể và giảm cân để hỗ trợ chức năng khớp
Thường xuyên vận cơ thể và giảm cân để hỗ trợ chức năng khớp

Tập thể dục thường xuyên với các bài tập ít tác động và tăng sức bệnh có thể tăng cường sức khỏe khớp và giúp khớp ổn định hơn. Người bệnh có thể cân nhắc đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp hoặc tập thể dục nhịp điệu dưới nước để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.

Nếu cảm thấy đau khi luyện tập, người bệnh nên ngừng tập và nghỉ ngơi. Các dấu hiệu luyện tập quá sức thường bao gồm xuất hiện các cơn đau kéo dài hàng giờ sau khi luyện tập mặc dù không gây ra các tổn thương về mặt thể chất. Do đó, người bệnh nên nghỉ ngơi trong 1 – 2 ngày và luyện tập ở cường độ thấp hơn.

Giảm cân và duy trì trọng lượng khỏe mạnh có thể giảm áp lực lên các khớp, đặc biệt là đầu gối và hông. Điều này có thể hỗ trợ giảm đau và hỗ trợ cải thiện các triệu chứng hiệu quả.

Liệu pháp vật lý trị liệu

Người bệnh có thể trao đổi với chuyên gia vật lý trị liệu để được hướng dẫn và xây dựng kế hoạch trị liệu phù hợp. Các bài tập thường nhằm mục đích tăng cường sức mạnh, cải thiện dáng đi và hỗ trợ giữ thăng bằng để tăng cường chức năng khớp.

Các biện pháp phổ biến bao gồm:

  • Liệu pháp vận động: Các bài tập nhẹ nhàng như yoga và thái cực quyền có thể hỗ trợ kéo giãn khớp, giảm đau và giúp các khớp hoạt động linh hoạt hơn. Trao đổi với huấn luyện viên để được hướng dẫn các động tác phù hợp và tránh các tổn thương liên quan.
  • Chườm nóng và chườm lạnh: Các liệu pháp này có thể hỗ trợ giảm đau và sưng ở khớp. Nhiệt, đặc biệt là nhiệt ẩm có thể hỗ trợ thư giãn và giảm đau. Trong khi đó, chườm lạnh có thể hạn chế tình trạng đau nhức cơ sau khi tập thể dục và hạn chế tình trạng co thắt cơ.
  • Sử dụng thiết bị hỗ trợ: Các thiết bị hỗ trợ, chẳng hạn như miếng lót giày hoặc gậy đi bộ có thể hỗ trợ giảm trọng lượng lên các khớp và giảm đau.

Sử dụng thuốc điều trị

Các loại thuốc được sử dụng ưu tiên khi điều trị thoái hóa khớp là thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Các loại thuốc này có thể hỗ trợ giảm đau nhanh chóng, hiệu quả nhưng cần sử dụng thận trọng để tránh các tác dụng phụ, chẳng hạn như tổn thương gan, thận hoặc viêm loét đường tiêu hóa.

Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các rủi ro không mong muốn
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các rủi ro không mong muốn

Người bệnh cũng có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau dạng thuốc mỡ hoặc kem thoa tại, chẳng hạn các loại thuốc này thường chứa thành phần capsaicin (hóa chất tạo tính cay cho ớt) để cải thiện các triệu chứng. Hiệu quả các thuốc phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và khả năng đáp ứng của người bệnh.

Trong các trường hợp đau đớn nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê toa NSAID theo toa để hỗ trợ giảm đau. Đôi khi bác sĩ cũng có thể kê thuốc giảm đau opioid (thuốc có thể gây nghiện) cho các trường hợp đau đớn nghiêm trọng.

Ngoài ra, một số loại thuốc chống trầm cảm, chẳng hạn như Duloxetine cũng có thể được kê đơn để điều trị các cơn đau mãn tính, bao gồm đau do thoái hóa khớp.

Tiêm khớp

Tiêm khớp hay tiêm nội khớp có thể hỗ trợ giảm viêm, đau và hỗ trợ cải thiện chức năng khớp. Các loại thuốc được sử dụng để tiêm nội khớp bao gồm:

  • Corticosteroid: Thuốc hoạt động bằng cách hạn chế hoạt động của hệ thống miễn dịch, hỗ trợ giảm sưng, viêm và đau. Tác dụng của thuốc có thể kéo dài trong khoảng 3 tháng, tuy nhiên lạm dụng Corticosteroid tiêm khớp có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa sụn khớp và một số tác dụng phụ khác.
  • Axit hyaluronic: Axit hyaluronic là một hóa chất tự nhiên được sản xuất bởi cơ thể. Axit hyaluronic được sử dụng tiêm nội khớp là dung dịch được tổng hợp ở phòng thí nghiệm được sản xuất từ mào của gà trống. Tiêm Axit hyaluronic có hiệu quả tốt nhất ở khớp gối. Các tác dụng phụ có thể bao gồm đau và sưng ở vị trí tiêm.
  • Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP): Biện pháp này có thể hỗ trợ giảm đau, chống viêm và tăng chức năng ở khớp. Huyết tương giàu tiểu cầu có nguồn gốc từ máu của chính người bệnh, do đó các tác dụng phụ và rủi ro thường là tối thiểu. Tác dụng phụ phổ biến bao gồm đau và sưng tại vị trí tiêm.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị được cân nhắc khi các phương pháp điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả hoặc khi cơn đau khớp gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và có nguy cơ tàn tật cao. Phẫu thuật thường được thực hiện thông qua biện pháp nội soi, tuy nhiên đôi khi bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật mở cho các trường hợp cần thiết.

Phẫu thuật được chỉ định cho trường hợp điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả
Phẫu thuật được chỉ định cho trường hợp điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả

Các phẫu thuật phổ biến được chỉ định, bao gồm:

  • Cắt bỏ gai xương thông qua nội soi, được chỉ định để loại bỏ các gai xương và mô thừa để phục hồi cử động khớp.
  • Hợp nhất các xương, được thực hiện nội soi hoặc phẫu thuật mở để liên kết các xương để giảm đau. Phẫu thuật này thường được thực hiện ở cột sống, bàn chân, mắt cá chân hoặc bàn chân.
  • Cắt bỏ xương là phẫu thuật sắp xếp lại xương nếu tổn thương ở một bên xương nghiêm trọng hơn. Trong phẫu thuật này, bác sĩ tiến hành cắt bỏ phần xương thừa, sắp xếp lại xương và thêm vào một sụn nhân tạo để giảm ma sát giữa các khớp.
  • Thay khớp là phẫu thuật được chỉ định khi các tổn thương nghiêm trọng, gây tổn thương khớp không thể phục hồi. Bác sĩ sẽ loại bỏ khớp bị hỏng và thay thế bằng khớp nhựa hoặc kim loại. Rủi ro khi phẫu thuật bao gồm nhiễm trùng, đau đớn và hình thành cục máu đông. Bên cạnh đó, khớp nhân tạo có thể không phù hợp, gây ma sát và cần thay mới trong một số trường hợp.

Lời khuyên của bác sĩ đối với bệnh thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là tổn thương khớp không thể phục hồi. Tuy nhiên người bệnh có thể thực hiện các biện pháp làm chậm tiến triển bệnh, chẳng hạn như thay đổi lối sống và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Tiên lượng cho bệnh thoái hóa khớp thường tốt nếu điều trị kịp lúc, vận động thường xuyên và thay đổi chế độ ăn uống phù hợp. Nếu không được chăm sóc phù hợp, tình trạng cứng khớp có thể trở nên nghiêm trọng và diễn tiến nghiêm trọng. Do đó, điều trị sớm và đúng cách để tránh các rủi ro liên quan đến thoái hóa khớp.

Tập thể dục, ngay cả khi khớp đã suy thoái có thể mang lại hiệu quả tốt. Người bệnh có thể tham khảo các bài tập tác động thấp, chẳng hạn như đi xe đạp, đi bộ ngắn hoặc bơi lội để tránh các tổn thương lên khớp. Nếu kiên trì vận động theo thời gian, các khớp sẽ được cải thiện về sức mạnh, sự ổn định và hỗ trợ giảm đau hiệu quả.

Khi tập thể dục nếu bị cứng khớp, hãy chườm nóng lên khớp khoảng 10 – 15 phút. Hơi nóng sẽ tăng cường lượng máu lưu thông đến khớp và cải thiện tình trạng cứng khớp hiệu quả. Sau khi tập thể dục hay chườm một túi đá lên khớp hoặc bất cứ vị trí nào bị đau để hỗ trợ giảm viêm.

Viêm khớp thoái hóa là tình trạng phổ biến có thể ảnh hưởng đến mọi người, đặc biệt là người cao tuổi. Điều quan trọng là luyện tập thường xuyên để tăng cường chức năng khớp và hạn chế các nguy cơ biến chứng.

Câu hỏi liên quan
Thoái Hóa Khớp Gối Có Nên Đạp Xe
Bệnh thoái hóa khớp gối có nên đạp xe không là một thắc mắc phổ biến đối với hầu hết người bệnh. Tham khảo các chia sẻ của chuyên gia trong bài viết bên dưới để có kế hoạch tập ...
Xem chi tiết
Thoái Hóa Khớp Gối Có Nên Đi Bộ
Việc thường xuyên đi bộ có thể giúp hệ xương khớp khỏe, cải thiện chức năng vận động, tăng cường sự dẻo dai và độ linh hoạt cho các khớp. Bên cạnh đó đi bộ còn giúp duy trì cân ...
Xem chi tiết
Thoái Hóa Khớp Gối Có Chữa Được Không
Thoái hóa khớp gối có chữa được không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như phương pháp điều trị và biện pháp chăm sóc tại nhà. Điều trị càng sớm khả năng thuyên giảm càng cao và ...
Xem chi tiết
Thoái Hóa Khớp Gối Có Nên Chơi Thể Thao
Nếu thắc mắc thoái hóa khớp gối có nên chơi thể thao không, người bệnh có thể tham khảo một số chia sẻ của chuyên gia thông qua bài viết bên dưới. Điều trị kịp lúc và vận động phù ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua