Vẹo Cột Sống Ở Trẻ Em

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Phạm Thị Minh Dương | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Vẹo cột sống ở trẻ em là tình trạng thân đốt sống bị xoay (vẹo) khiến cột sống cong sang một bên hoặc cả hai bên. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ em đang trong tuổi dậy thì. Phần lớn trường hợp mắc bệnh không rõ nguyên nhân, số còn lại bắt nguồn từ bệnh lý và thói quen xấu trong sinh hoạt. Nếu không được khắc phục đúng cách, trẻ có thể bị dị tật vĩnh viễn.

Vẹo cột sống ở trẻ em
Tìm hiểu nguyên nhân gây vẹo cột sống ở trẻ em, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Vẹo cột sống ở trẻ em là gì?

Vẹo cột sống ở trẻ em là tình trạng thân đốt sống của trẻ bị xoay (vẹo) khiến cột sống cong sang một bên hoặc cả hai bên. Tình trạng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào. Tuy nhiên phần thắt lưng và phần ngực là những vị trí có thân đốt sống dễ bị vẹo hơn.

Đối với trẻ nhỏ, vẹo cột sống thường vô căn. Những trường hợp khác có thể bắt nguồn từ một số vấn đề bệnh lý hoặc ảnh hưởng từ những tư thế sai của trẻ Tùy theo mức độ ảnh hưởng, tình trạng cong vẹo cột sống của trẻ có thể nhẹ hoặc nặng, điểm nhọn bất thường có thể hướng về bên phải, bên trái hoặc có hai điểm nhọn ở hai bên.

Bệnh xảy ra ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên bệnh phát triển nhanh nhất ở tuổi dậy thì (khoảng từ 12 – 18 tuổi ở trẻ em trai và 10 – 17 tuổi ở trẻ em gái).

Cấp độ vẹo cột sống ở trẻ em

Tương tự như người lớn, vẹo cột sống ở trẻ em có ba cấp độ thể hiện cho mức độ từ nhẹ đến nặng.

  • Cấp độ 1 (nhẹ): Thân đốt sống có dấu hiệu xoay, cột sống vẹo sang một bên nhưng nhẹ, chưa ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan hay bộ phận nào. Ở cấp độ 1, nhìn từ sau không rõ triệu chứng, chỉ các chuyên gia mới có thể phát hiện tình trạng.
  • Cấp độ 2 (trung bình): Có thể thấy cột sống cong vẹo khi nhìn từ phía sau. Đôi khi xuất hiện hiện tượng gù xương sườn do ảnh hưởng từ thân đốt sống xoay. Bệnh làm ảnh hưởng nhẹ đến chức năng hô hấp.
  • Cấp độ 3 (nặng): Thấy cột sống cong vẹo rõ rệt khi nhìn từ phía sau. Ngoài ra có thể thấy xương sườn ngực, khung xương chậu và khớp háng bị biến dạng; thắt lưng và chiều dài tổng thể của lưng ngắn bất thường. Những biến dạng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hô hấp và những cơ quan trong khung xương sườn và ổ bụng; trẻ thường xuyên khó thở, xuất hiện bệnh tim phổi mạn, suy hô hấp mãn tính.

Nguyên nhân gây vẹo cột sống ở trẻ em

Phần lớn các trường hợp vẹo cột sống ở trẻ em không rõ nguyên nhân (chiếm 60 – 70%). Những trường hợp còn bắt nguồn từ bệnh lý và những tư thế xấu trong sinh hoạt của trẻ.

+ Bẩm sinh

Vẹo cột sống bẩm sinh là hiện tượng cột sống ở trẻ sơ sinh bị biến dạng, cong sang một bên hoặc cả hai bên (gặp ở một số trường hợp). Đối với trường hợp này, vẹo cột sống liên quan đến di truyền và một khiếm khuyết có sẵn khi bào thai phát triển. Thường gặp gồm:

  • Xẹp đốt sống bẩm sinh
  • Bệnh thân nửa đốt sống bẩm sinh
  • Cứng đa khớp bẩm sinh

Đối với vẹo cột sống bẩm sinh, các triệu chứng cũng như đường cong bất thường sẽ nặng nề hơn khi trẻ lớn hơn.

Vẹo cột sống bẩm sinh
Vẹo cột sống bẩm sinh liên quan đến di truyền và một khiếm khuyết có sẵn khi bào thai phát triển

+ Bệnh lý

Tình trạng cong vẹo cột sống ở trẻ em có thể bắt nguồn từ một số bệnh lý liên quan đến xương sống, hệ thần kinh và bệnh cơ. Cụ thể:

Biến dạng xương sống

Bệnh ở hệ thần kinh

  • Viêm tủy sống
  • Viêm đa rễ thần kinh
  • Bại não
  • Bại liệt
  • U xơ thần kinh
  • Rỗng tủy sống
  • Bướu đa sợi thần kinh
  • Rỗng tủy sống

Bệnh cơ

  • Nhược cơ
  • Loạn dưỡng cơ Duchene

Một số bệnh lý khác

  • Di chứng sốt bại liệt
  • Thoát vị hạnh nhân tiểu não
  • Hội chứng Marfan

+ Tư thế xấu

Khoảng 5 – 15% trường hợp vẹo cột sống ở trẻ em liên quan đến những tư thế xấu trong sinh hoạt. Trường hợp này xảy ra khi trẻ ngồi học hoặc ngủ sai tư thế trong thời gian dài.

Trong một số trường hợp khác, trẻ bị cong vẹo cột sống do chiều dài hai chân không đều nhau (ngắn một chân) khiến cột sống bị lệch vẹo sang một bên khi đi, đứng.

Dấu hiệu nhận biết vẹo cột sống ở trẻ em

Đối với chứng vẹo cột sống ở trẻ em, những bất thường ở cột sống không rõ ràng trong thời gian đầu. Tuy nhiên khi thăm khám, các chuyên gia có thể nhận thấy và xác định tình trạng.

Sau một thời gian phát triển, những bất thường sẽ rõ ràng hơn. Lúc này ba mẹ sẽ nhận thấy các triệu chứng và dấu hiệu nghiêm trọng sau:

  • Thân đốt sống cong, cột sống vẹo sang một bên (trái hoặc phải) hoặc cả hai bên
  • Thấy có ụ gồ ở lưng khi đứng cúi lưng
  • Xuất hiện một vùng lõm đối diện với bên ụ gồ
  • Cột sống gù ra sau hoặc ưỡn ra trước
  • Khung xương sườn bị biến dạng theo cột sống khiến lồng ngực bị nhô lên một bên
  • Thân người nghiêng sang một bên khi đứng
  • Một bên mỏm vai cao hơn so với bên còn lại
  • Xương bả vai không cân đối, một bên bả vai cao hơn bên còn lại
  • Một bên khớp háng cao hơn khiến hai bên hông không đều nhau, ngấn mông một bên cao hơn
  • Khung chậu bị xoay và bị nghiêng lệch
  • Hai chân không đều, một chân có thể ngắn hơn
  • Khi nằm gập gối thấy khớp gối không cân đối

Tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng, một số triệu chứng nghiêm trọng hơn cũng có thể xuất hiện, bao gồm:

  • Khó thở
  • Thay đổi dáng đi
  • Phạm vi chuyển động bị hạn chế
  • Liệt ở thân mình hoặc một số cơ chi
  • Đau lưng khi trưởng thành kèm theo những dị tật khác
Dấu hiệu nhận biết vẹo cột sống ở trẻ em
Thân đốt sống cong, cột sống vẹo sang một bên hoặc cả hai bên là dấu hiệu nhận biết vẹo cột sống ở trẻ em

Vẹo cột sống ở trẻ em có nguy hiểm không?

Ở những trường hợp nhẹ và phát hiện sớm, tình trạng cong vẹo cột sống ở trẻ em có thể được khắc phục nhanh bằng những phương pháp bảo tồn. Đối với những trường hợp không được điều trị, bệnh sẽ diễn biến nặng và dừng lại ở một độ tuổi trưởng thành. Lúc này trẻ sẽ có nguy cơ đối mặt với những vấn đề sau:

  • Đau lưng
  • Hội chứng suy lồng ngực
  • Tim và phổi bị chèn ép dẫn đến tổn thương và khó thở
  • Vẹo cột sống ở vùng thắt lưng gây ra những vấn đề ở bàng quang
  • Chèn ép rễ thần kinh và tủy sống
  • Cột sống bị dị tật vĩnh viễn

Chẩn đoán vẹo cột sống ở trẻ em

Để chẩn đoán vẹo cột sống ở trẻ em, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng kết hợp chụp X-quang kiểm tra cột sống.

+ Khám lâm sàng

  • Kiểm tra với tư thế cúi người: Trẻ được yêu cầu cúi người về phía trước để kiểm tra đường cong của cột sống. Đồng thời xác định cột sống của trẻ nghiêng về bên trái hay bên phải.
  • Kiểm tra với tư thế đứng thẳng: Khi đứng thẳng, bác sĩ có thể xác định được mức độ chênh lệch của một bên vai, hông, khung chậu, khớp háng… so với bên còn lại. Ngoài ra kỹ thuật này còn giúp xác định bất thường ở khung xương sườn, ụ gồ và vùng lõm.
  • Kiểm tra phản xạ và sức mạnh: Để loại trừ một số vấn đề ở tủy sống và thần kinh, trẻ sẽ được kiểm tra phản xạ và sức mạnh. Trong khi kiểm tra, bác sĩ yêu cầu trẻ nâng cao chân và nâng vật.
  • Kiểm tra dáng đi: Những bất thường ở cột sống làm thay đổi dáng đi, trẻ đi khập khiễng do hai chân không đều nhau.
  • Kiểm tra triệu chứng: Trẻ được yêu cầu mô tả một số triệu chứng đi kèm như đau, khó thở, rối loạn cảm giác, tê bì, yếu chi… Điều này giúp rõ hơn về những bất thường của cột sống gây chèn ép dây thần kinh và các cơ quan.

+ Chụp X-quang

Chụp X-quang kiểm tra đường cong của cột sống giúp xác định mức độ cong vẹo, các góc cong và những khiếm khuyết.

Chẩn đoán vẹo cột sống ở trẻ em
Chẩn đoán vẹo cột sống ở trẻ em bằng cách khám lâm sàng kết hợp chụp X-quang kiểm tra cột sống

Phương pháp điều trị vẹo cột sống ở trẻ em

Có nhiều phương pháp chữa vẹo cột sống ở trẻ em. Dựa vào tình trạng, bác sĩ có thể yêu cầu điều trị bảo tồn hoặc can thiệp phẫu thuật chỉnh sửa thân đốt sống xoay. Đối với những trường hợp khám và điều trị sớm, dị tật ở cột sống sẽ được khắc phục nhanh và dễ dàng hơn.

Nguyên tắc điều trị:

  • Điều trị vẹo cột sống ở trẻ em dựa vào góc vẹo cột sống.
  • Kết hợp nhiều phương pháp điều trị. Cụ thể bệnh nhân được điều trị theo phác đồ của bác sĩ kết hợp nắn chỉnh tư thế đúng và luyện tập mỗi ngày.
  • Điều trị sớm và đúng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
  • Khám lại thường quy kết hợp X-quang cột sống để kiểm tra và đánh giá tiến triển.

Những phương pháp thường được ứng dụng trong điều trị vẹo cột sống ở trẻ em gồm:

1. Quan sát và kiểm tra đánh giá

Không phải tất cả trường hợp bị vẹo cột sống đều cần can thiệp, đặc biệt là những trẻ quá nhỏ và vẹo cột số mức độ nhẹ (góc COBB dưới 20 độ). Trong nhiều trường hợp, cột sống của trẻ sẽ trở lại bình thường và thẳng khi lớn lên.

Thông thường trẻ sẽ được yêu cầu thăm khám thường quy kết hợp chụp X-quang mỗi 6 tháng 1 lần. Điều này giúp theo dõi tình trạng và cân nhắc về việc điều trị. Các phương pháp điều trị sẽ được áp dụng khi đường cong không tự điều chỉnh hoặc cột sống cong vẹo làm giảm không gian phát triển của những cơ quan bên trong.

2. Đeo băng bột

Đối với trẻ sơ sinh và mới biết đi, trẻ có thể được đeo băng bột để điều chỉnh và giữ cho cột sống thẳng trong khi các đốt sống đang phát triển. Khi áp dụng phương pháp này, một miếng thạch cao sẽ được sử dụng để trang bị xung quanh và cố định lưng của trẻ

Miếng thạch cao cần phải được mang liên tục, không thể tháo ra. Khi trẻ lớn hơn, miếng thạch cao sẽ được thay mỗi 2 – 4 tháng 1 lần. Khi đến một độ tuổi nhất định đeo băng bột sẽ được thay thế bằng nẹp lưng.

Đeo băng bột
Đeo băng bột cố định lưng của trẻ để điều chỉnh và giữ cho cột sống thẳng trong khi nó đang phát triển

3. Nẹp lưng

Nẹp lưng được áp dụng cho những trẻ bị vẹo cột số mức trung bình (góc COBB từ 20 đến 45 độ) và trẻ trên 4 tuổi có đường cong cột sống ngày càng xấu đi. Thông thường phương pháp này sẽ được sử dụng kết hợp với các bài tập điều chỉnh tư thế (vận động trị liệu).

Thực tế cho thấy đeo nẹp lưng không thể sửa chữa được đường cong cột sống. Tuy nhiên phương pháp này có thể giúp ngăn chặn đường cong phát triển và trở nên tồi tệ hơn.

Nẹp lưng chỉnh đường cong cột sống thường được làm bằng nhựa cứng (một số trường hợp dùng nhựa dẻo), khó nhìn thấy khi mặc quần áo rộng và có thể tùy chỉnh để phù hợp hơn với cơ thể.

Cách sử dụng nẹp lưng:

  • Đeo nẹp lưng 23 giờ/ ngày.
  • Không nên vận động và chơi thể thao khi đang mang nẹp lưng.
  • Nẹp lưng chỉ được tháo ra khi tắm, chơi những môn thể thao tiếp xúc và bơi lội.
  • Có thể ngừng đeo nẹp khi trẻ bước sang độ tuổi 16 hoặc 17.

4. Vận động trị liệu

Tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ nặng nhẹ, trẻ sẽ được hướng dẫn một số bài tập vận động trị liệu. Phương pháp này có tác dụng điều chỉnh tư thế và đường cong bất thường của cột sống.

+ Bài tập kéo giãn tư thế nằm sắp 

Bài tập kéo giãn tư thế nằm sắp giúp nhóm cơ phía bên lõm của đường cong được kéo giãn.

  • Trẻ nằm sấp trên giường, tay bên vai thấp bám vào mép giường
  • Ba mẹ nâng hông và hai chân của trẻ, từ từ đưa sang bên đối diện với bên lõm của đường cong cột sống
  • Lặp lại động tác 10 lần
  • Tay bên vai thấp bám vào thành giường
  • Nâng người lên, đồng thời dùng tay kia kéo thân người về phía chân
  • Giữ nguyên tư thế trong 10 giây
  • Lặp lại động tác 10 lần.

+ Bài tập tăng tầm vận động tư thế ngồi

Bài tập tăng tầm vận động tư thế ngồi giúp tăng tầm vận động và phạm vi gập của cột sống lưng. Đồng thời kéo giãn nhóm cơ duỗi lưng.

  • Ngồi trên sàn, hai chân duỗi thẳng và áp sát
  • Nâng hai tay và hướng ra phía trước
  • Từ từ đưa hai tay ra phía trước cho đến khi bàn tay chạm các ngón chân, giữ lưng gập
  • Giữ nguyên tư thế trong 10 giây
  • Lặp lại động tác 10 lần.
Bài tập tăng tầm vận động tư thế ngồi
Bài tập tăng tầm vận động tư thế ngồi giúp tăng phạm vi gập của cột sống, kéo giãn nhóm cơ duỗi lưng

+ Bài tập tư thế ngồi chỉnh cong vẹo cột sống

Bài tập tư thế ngồi chỉnh cong vẹo cột sống bằng cách kéo giãn và tác động vào những cơ bên lõm của đường cong. Ngoài ra bài tập này còn có tác dụng cải thiện tính linh hoạt và độ mềm dẻo của cột sống.

Xoay ngang

  • Trẻ ngồi trên ghế, giữ cho lưng thẳng
  • Tay nâng cao và đưa ra trước mặt, hai tay cầm đồ vật
  • Từ từ xoay người sang bên đối diện với phía lõm
  • Giữ trong 5 nhịp đếm
  • Trở lại tư thế ban đầu và lặp lại 10 lần.

Nâng cao

  • Ngồi trên ghế, giữ cho lưng thẳng
  • Tay bên vai thấp giơ cao, hướng lên trần nhà, tay còn lại bám vào mép ghế
  • Giữ trong 10 nhịp đếm
  • Trở lại tư thế ban đầu và lặp lại 10 lần.

+ Bài tập tư thế quỳ bốn điểm chỉnh cong vẹo cột sống

Bài tập tư thế quỳ bốn điểm có tác dụng tăng cường độ mềm dẻo và chỉnh cong vẹo cột sống.

  • Trẻ quỳ 4 điểm
  • Tay bên lõm của đường cong đưa lên phía trước, chân đối diện đưa lên theo nhưng vẫn giữ nguyên vị trí thân mình
  • Giữ nguyên tư thế trong 10 giây
  • Lặp lại động tác 10 lần.

+ Bài tập tư thế đứng chỉnh cong vẹo cột sống

Bài tập tư thế đứng chỉnh cong vẹo cột sống giúp các cơ bên lõm của đường cong được kéo giãn, tăng cường độ mềm dẻo và giúp cột sống linh hoạt hơn.

  • Trẻ đứng thẳng dưới một thanh xà ngang
  • Bám tay bên vai thấp lên xà ngang, dùng lực kéo người lên trong khi vai đối diện hạ thấp xuống
  • Giữ nguyên tư thế trong 10 giây
  • Lặp lại động tác 10 lần.

+ Bài tập thở sâu

Bài tập thở sâu có tác dụng tăng độ giãn nở của lồng ngực.

  • Nằm ở tư thế nửa ngồi nửa nằm, đặt hai tay dưới cơ hoành
  • Từ từ hít sâu vào, sau đó thở ra
  • Lặp lại 10 lần.
Bài tập thở sâu
Bài tập thở sâu giúp tăng độ giãn nở của lồng ngực ở trẻ bị vẹo cột sống

Ngoài những bài tập vận động trị liệu nêu trên, phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ tập thể dục thể thao và bơi lội để cải thiện tình trạng.

5. Phẫu thuật

Đối với trẻ em, mổ vẹo cột sống được cân nhắc và chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Các phương pháp điều trị khác không mang đến hiệu quả, tình trạng vẹo cột sống ở trẻ em vẫn tiếp tục tiến triển nặng.
  • Vẹo cột sống ở mức độ nặng, có góc COBB trên 45 độ.

Thông thường phương pháp phẫu thuật sẽ được chỉ định dựa vào độ tuổi.

+ Phẫu thuật ở trẻ nhỏ (dưới 10 tuổi)

Trẻ dưới 10 tuổi thường được yêu cầu phẫu thuật đặt thanh nẹp. Đây là phương pháp phẫu thuật sử dụng thanh nẹp chèn vào bên trong, dọc theo cột sống. Những thanh nẹp này có tác dụng ngăn chặn đường cong cột sống trở nên tồi tệ hơn trong thời gian cột sống phát triển.

Mỗi 6 – 8 tháng sau khi phẫu thuật lần đầu tiên, trẻ sẽ được thực hiện một thủ thuật nhỏ để điều chỉnh các thanh nẹp. Cụ thể những thanh này sẽ được kéo dài để phù hợp hơn với sự phát triển của trẻ.

Để tăng hiệu quả của phương pháp phẫu thuật và bảo vệ lưng, trẻ nhỏ có thể phải đeo nẹp. Đến khi cột sống ngừng phát triển, trẻ sẽ được phẫu thuật để lấy các thanh nẹp ra ngoài.

+ Phẫu thuật ở thanh thiếu niên và thanh niên

Phẫu thuật hợp nhất đốt sống sẽ được chỉ định cho thanh thiếu niên và thanh niên để điều chỉnh đường cong của cột sống. Khi thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng thanh kim loại, đinh vít, dây hoặc móc và xương tự thân (hay được hiến tặng) để kéo thẳng cột sống.

Thông thường phẫu thuật hợp nhất đốt sống sẽ được thực hiện ở 2 hoặc 3 đốt sống liền kề. Sau khi hợp nhất, những đốt sống này sẽ phát triển cùng nhau giúp đường cong được điều chỉnh. Tuy nhiên ở đoạn cột sống hợp nhất sẽ bị hạn chế phạm vi chuyển động.

Trẻ được đề nghị nằm lại bệnh viện khoảng một tuần và đi học lại sau 4 – 8 tuần kể từ thời điểm phẫu thuật. Sau 4 – 6 tháng có thể chơi thể thao. Một vài trường hợp sẽ được yêu cầu đeo nẹp lưng sau phẫu thuật. Điều này giúp bảo vệ lưng trong khi vết thương lành.

Một số rủi ro có thể xảy ra sau phẫu thuật điều chỉnh vẹo cột sống ở trẻ em. Bao gồm:

  • Chảy máu
  • Nhiễm trùng vết thương
  • Không gắn mảnh xương đúng cách hoặc thanh kim loại di chuyển
  • Tổn thương dây thần kinh cột sống (hiếm gặp)

Cần liên hệ ngay với bác sĩ nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau mổ vẹo cột sống.

Mổ vẹo cột sống cho trẻ
Phẫu thuật chữa vẹo cột sống ở trẻ em khi có đường cong nghiêm trọng, góc COBB trên 45 độ

Vẹo cột sống ở trẻ em không chỉ làm ảnh hưởng đến phạm vi chuyển động của cột sống mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thẩm mỹ, chèn ép các cơ quan trong lồng ngực và khung xương chậu. Từ đó gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Để tránh rủi ro, người bệnh cần sớm đưa trẻ đến bệnh viện, tiến hành khám và chữa trị theo tư vấn của bác sĩ.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan
Bệnh Lupus Ban Đỏ Có Ngứa Không
Ở da, lupus ban đỏ có thể gây phát ban, lở loét, dày hoặc đỏ da. Tuy nhiên bệnh lupus ban đỏ có ngứa không, người bệnh có thể tham khảo một số thông tin trong bài viết và có ...
Xem chi tiết
Lupus Ban Đỏ Sống Được Bao Lâu
Lupus ban đỏ là bệnh lý mãn tính, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng và chưa có biện pháp điều trị dứt điểm. Vậy, bệnh lupus ban đỏ sống được bao lâu và làm thế nào để ...
Xem chi tiết
Bệnh Lupus Ban Đỏ Chữa Ở Đâu
Bệnh lupus ban đỏ chữa ở đâu tốt là thắc mắc chung của nhiều người bệnh. Bởi đây là một bệnh lý hiếm gặp và khó kiểm soát. Ngoài ra nếu không sớm khám chữa bệnh đúng cách, lupus ban ...
Xem chi tiết
Bệnh Lupus Ban Đỏ Có Di Truyền Không
Có rất nhiều thắc mắc xung quanh vấn đề bệnh lupus ban đỏ có di truyền không và làm thế nào để phòng ngừa. Người bệnh có thể tham khảo các thông tin cơ bản trong bài viết để có ...
Xem chi tiết
Bệnh Lupus Ban Đỏ Có Chữa Được Không
Bệnh lupus ban đỏ có chữa được không là thắc mắc của rất nhiều người. Tìm hiểu thông tin từ bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có được câu trả lời. Đồng thời giúp thiết lập kế hoạch chăm ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua