Tràn Dịch Khớp Khuỷu Tay
Tràn dịch khớp khuỷu tay xảy ra khi có sự gia tăng chất lỏng trong các mô bao quanh khớp, thường liên quan đến nhiễm trùng, chấn thương hoặc viêm khớp. Tràn dịch khớp có thể dẫn đến phù nề, đau đớn, cứng khớp và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường. Do đó, cần xác định nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Tràn dịch khớp khuỷu tay là gì?
Khớp khuỷu tay được hình thành từ ba xương, bao gồm xương cánh tay, xương trụ và xương quay. Ngoài ra, ở khuỷu tay cũng có nhiều mô mềm với nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn như:
- Bao hoạt dịch: Những bao chất lỏng này hoạt động giống như những đệm bảo vệ giữa xương, dây chằng và những bộ phận khác của khớp.
- Sụn: Sụn bao phủ mỗi đầu xương nơi kết nối với các khớp, nhằm giúp cho các xương không cọ xát vào nhau.
- Dây chằng: Các dây chằng hoạt động như một dây đàn hồi kết nối xương và hỗ trợ các khớp.
- Màng hoạt dịch: Các mô này có nhiệm vụ bôi trơn các khớp bằng chất lỏng hoạt dịch.
- Gân: Gân kết nối xương và cơ, kiểm soát cách các khớp di chuyển.
Tất cả các xương và mô làm việc cùng với nhau để giúp các khớp hoạt động, uốn cong, uốn dẻo, duỗi thẳng, xoay hoặc chịu trọng lượng cơ thể. Tràn dịch khớp khuỷu tay xảy ra khi chất lỏng tràn vào một hoạt nhiều mô ở khớp.
Thông thường, tại các khớp thường có một lượng chất lỏng nhất định, bao gồm máu, chất béo, protein và dịch khớp. Tuy nhiên khi chất lỏng này nhiều hơn bình thường, người bệnh sẽ bị tràn dịch khớp, khiến khuỷu tay bị sưng.
Tràn dịch khớp khuỷu tay tương đối phổ biến, bởi vì khuỷu tay là một trong những khớp lớn và hoạt động thường xuyên. Các triệu chứng thường chỉ ảnh hưởng đến một bên khuỷu tay và có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của cánh tay. Nếu không được điều trị phù hợp, các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng và dẫn đến nhiều rủi ro khác. Do đó, điều quan trọng là xác định các triệu chứng và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Dấu hiệu nhận biết tràn dịch khớp khuỷu tay
Các triệu chứng tràn dịch khớp khuỷu tay tương tự như tràn dịch khớp gối hoặc tràn dịch khớp cổ tay, tuy nhiên với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Các triệu chứng phổ biến nhất khi bị tràn dịch khớp bao gồm:
- Sưng, có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng
- Đau đớn từ âm ỉ đến đau buốt và ảnh hưởng đến cử động bình thường
- Cứng khớp, gây hạn chế phạm vi chuyển động của khớp hoặc gây mất khả năng sử dụng khuỷu tay hoàn toàn
- Đỏ và nóng khớp, thường là dấu hiệu viêm khớp hoặc viêm các mô mềm xung quanh khớp
Ngoài ra, tùy thuộc vào nguyên nhân gây tràn dịch khớp, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng khác như:
- Bầm tím và chảy máu trong, thường xảy ra trong chấn thương, va chạm hoặc tai nạn
- Sốt, ớn lạnh, khó chịu hoặc suy nhược cơ thể có thể là dấu hiệu nhiễm trùng
- Mất cơ do viêm khớp mãn tính
Trong các trường hợp nghiêm trọng, tràn dịch khớp khuỷu tay có thể dẫn đến hình thành các nốt chứa đầy chất lỏng, được gọi là u nang Baker hay còn được gọi là u nang hoạt dịch. Nguyên nhân thường là do lượng dịch khớp quá nhiều mà cơ không thể tái hấp thu. Những u nang Baker nhỏ thường không nghiêm trọng, không dẫn đến các triệu chứng, tuy nhiên những u nang lớn thường gây khó cử động, hạn chế hoạt động ở khuỷu tay hoặc gây đau khi cử động.
Các triệu chứng và dấu hiệu tràn dịch khớp phụ thuộc vào nguyên nhân cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh. Do đó, người bệnh nên theo dõi các phản ứng của cơ thể và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Nguyên nhân gây tràn dịch khớp khuỷu tay
Có một số nguyên nhân và yếu tố rủi ro có thể dẫn đến hoặc làm tăng nguy cơ tràn dịch khớp ở khuỷu tay chẳng hạn như:
1. Chấn thương
Chấn thương thể thao hoặc va chạm trong lao động, là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tràn dịch khớp, đặc biệt là ở khuỷu tay và ở khớp gối. Các chấn thương, chẳng hạn như tai nạn giao thông, té ngã hoặc bị tấn công có thể gây tổn thương xương, gân, dây chằng hoặc sụn khớp và dẫn đến tràn dịch.
Căng thẳng do các hoạt động lặp lại thường xuyên cũng có thể dẫn đến tràn dịch khớp. Chấn thương này thường xảy ra trong các môn thể thao, chẳng hạn như cầu lông, tennis, bóng chuyền hoặc bóng chày.
Ở những người bị tràn dịch khớp do chấn thương lặp lại thường xuyên, người bệnh cũng có thể bị viêm bao hoạt dịch khuỷu tay hoặc viêm bao gân. Các triệu chứng thường bao gồm đau, sưng, cứng và khó mở rộng khuỷu tay. Người bệnh cũng có thể khó xoay khớp hoặc mở rộng cánh tay hoàn toàn.
2. Nhiễm trùng
Nhiễm trùng khớp là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tràn dịch khớp. Nhiễm trùng có thể đến từ các vết thương, chẳng hạn như vết cắt vào da hoặc nhiễm trùng trong các thủ thuật y khoa. Bên cạnh đó, nhiễm trùng máu, còn được gọi là nhiễm trùng toàn thân, có thể gây ảnh hưởng đến khớp và dẫn đến tràn dịch khớp.
Tràn dịch khớp khuỷu tay do nhiễm trùng thường gây đau đớn dữ dội, khó cử động khớp. Các triệu chứng thường đến nhanh chóng và nghiêm trọng.
Một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến nhiễm trùng khớp bao gồm:
- Tuổi cao
- Bệnh tiểu đường
- Sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch (IV)
- Phẫu thuật thay khớp
- Viêm khớp
- Hệ thống miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như bệnh nhân HIV, những người đang ghép tạng hoặc bệnh nhân đang hóa trị ung thư
Ngoài ra, nhiễm nấm, virus hoặc ký sinh trùng cũng có thể gây ức chế hệ thống miễn dịch và dẫn đến nhiễm trùng khớp.
3. Viêm khớp
Ở bệnh nhân viêm khớp, tình trạng tích nước và sưng khớp rất phổ biến. Viêm khớp mãn tính có thể dẫn đến các đột viêm đột ngột (cấp tính) dẫn đến phù nề và gây tràn dịch khớp.
Có một số loại viêm khớp phổ biến có thể ảnh hưởng đến khuỷu tay, chẳng hạn như:
- Viêm xương khớp: Viêm xương khớp hay còn gọi là thoái hóa khớp, là tình trạng xảy ra khi cơ thể lão hóa hoặc sau khi chấn thương. Viêm xương khớp có thể gây ảnh hưởng đến khuỷu tay, dẫn đến tràn dịch, sưng tấy và khó chịu trọng lượng ở khớp. Ngoài ra, người bệnh cũng cảm thấy đau đớn và mệt mỏi kéo dài.
- Viêm khớp tự miễn: Bao gồm viêm khớp dạng thấp, bệnh gout, viêm khớp vô căn, viêm khớp vẩy nến, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công trực tiếp hoặc gián tiếp vào các mô khớp, dẫn đến tràn dịch khớp, sưng, viêm và đau đớn.
Tràn dịch khớp khuỷu tay có nguy hiểm không?
Tràn dịch khớp khuỷu tay là bệnh lý phổ biến, thường không nghiêm trọng và có thể điều trị với nhiều phương pháp khác nhau. Trong các giai đoạn đầu, các triệu chứng thường nhẹ và đáp ứng các phương pháp tự chăm sóc cũng như điều trị nội khoa. Tuy nhiên, đối với các trường hợp liên quan đến các nguyên nhân nghiêm trọng hoặc khi các triệu chứng kéo dài không khỏi, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được đánh giá phù hợp.
Người bệnh nên liên hệ với bác sĩ ngay khi tràn dịch khớp kèm theo một số dấu hiệu như:
- Gãy xương hoặc đứt dây chằng
- Tràn dịch khớp kèm sốt
- Không có khả năng cử động khớp hoặc nâng đồ vật bằng cánh tay
- Mất cảm giác
Tràn dịch khuỷu tay đi kèm với sốt có thể là dấu hiệu viêm khớp nhiễm trùng. Điều này có thể làm hỏng khớp và người bệnh có thể cần phẫu thuật để cải thiện các triệu chứng.
Ngoài ra, các bệnh viêm khớp cũng cần có kế hoạch điều trị phù hợp để tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động của khớp.
Tràn dịch khớp khuỷu tay bao lâu thì lành?
Thời gian phục hồi sau khi bị tràn dịch khớp phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu bị gãy xương, có thể cần nhiều tuần hoặc nhiều tháng để phục hồi hoàn toàn.
Nếu tràn dịch khớp liên quan đến viêm xương khớp, người bệnh có thể bị sưng khớp suốt đời. Tuy nhiên có nhiều biện pháp có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cũng như cải thiện khả năng hoạt động của người bệnh. Do đó, điều quan trọng là đến bệnh viện để được hướng dẫn và điều trị phù hợp.
Chẩn đoán tràn dịch khớp khuỷu tay
Các biện pháp chẩn đoán tràn dịch khớp khuỷu tay phụ thuộc vào quá trình khám sức khỏe, xét nghiệm hình ảnh và các xét nghiệm khác. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị kiểm tra tiền sử bệnh lý cũng như các triệu chứng khác để có kế hoạch xử lý phù hợp nhất.
1. Kiểm tra thể chất
Bác sĩ sẽ kiểm tra khuỷu tay của người bệnh bằng cách chạm, uốn cong khuỷu tay để xác định các nguyên nhân có thể gây tràn dịch khớp. Quá trình kiểm tra thể chất có thể xác định:
- Viêm khớp khiến khuỷu tay thường nhũn, nhão.
- Nhiễm trùng khớp có xu hướng phát triển nhanh chóng, gây đau đớn và sưng tấy.
- Sưng cấp tính kèm theo khả năng không thể chịu được trọng lượng có thể là dấu hiệu gãy xương cánh tay hoặc rách dây chằng.
2. Kiểm tra hình ảnh
Sau khi kiểm tra khuỷu tay, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân gây tràn dịch khớp. Các xét nghiệm bao gồm:
- Siêu âm, sử dụng hình ảnh âm thanh để hình dung xương và các mô liên kết, thường được sử dụng trong bệnh viêm khớp, viêm gân hoặc viêm dây chằng.
- Chụp X – quang hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) được sử dụng để kiểm tra tình trạng gãy xương hoặc các bệnh viêm khớp.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) sử dụng sóng vô tuyến và từ trường để xác định cấu trúc mô mềm, sụn và khớp mà các xét nghiệm khác không thể thực hiện được.
3. Phân dịch chất lỏng dịch khớp
Đôi khi bác sĩ có thể hút chất lỏng dịch khớp thông qua thủ tục chọc dò khớp. Điều này sẽ làm giảm tình trạng sưng, áp lực và đau ở khuỷu tay. Chất lỏng này sẽ được kiểm tra ở phòng thí nghiệm để xác định các nguyên nhân gây tràn dịch khớp.
Cách điều trị tràn dịch khớp khuỷu tay
Các biện pháp điều trị tràn dịch khớp khuỷu tay phụ thuộc vào nguyên nhân và bệnh lý cơ bản. Tuy nhiên không phải tất cả các nguyên nhân cơ bản đều có thể điều trị được, do đó đôi khi người bệnh cần kiểm soát các triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, các biện pháp điều trị tràn dịch khớp khuỷu tay bao gồm:
1. Điều trị tại nhà
Nếu các triệu chứng tràn dịch khớp khuỷu tay không nghiêm trọng, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp điều trị tràn dịch khớp tại nhà, chẳng hạn như:
- Chườm nóng, đặc biệt là nhiệt ẩm, chẳng hạn như chườm khăn ấm, có thể giúp chữa tràn dịch khớp và đau khớp. Người bệnh viêm khớp hoặc sưng khớp khuỷu tay hoặc tràn dịch khớp do chấn thương có thể chườm nóng để giảm đau và hỗ trợ thư giãn.
- Chườm lạnh có thể cải thiện tình trạng sưng tấy và hỗ trợ giảm đau.
- Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen hoặc naproxen có thể điều trị sưng khớp và giúp giảm đau.
- Dành thời gian nghỉ ngơi để khuỷu tay có thời gian hồi phục và lành lại. Khi nghỉ ngơi hãy nâng cao khuỷu tay lên để hạn chế lưu lượng máu đến khu vực này và giúp giảm sưng.
2. Thuốc điều trị
Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tràn dịch khớp khuỷu tay, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc như:
- Thuốc chống viêm không steroid thường được sử dụng để điều trị viêm khớp, tràn dịch khớp do chấn thương.
- Thuốc steroid thường được sử dụng trong thời gian ngắn để giảm đau và sưng. Steroid hoạt động bằng cách ngăn chặn việc sản xuất các hóa chất gây viêm trong cơ thể.
- Tiêm thuốc chống viêm như steroid vào khớp khuỷu tay có thể giảm sưng và điều trị nguyên nhân cơ bản gây viêm. Thuốc tiêm có thể giúp giảm sưng và đau tạm thời nhưng thường có tác dụng ngay lập tức.
Đối với các bệnh viêm khớp tự miễn như viêm khớp dạng thấp hoặc viêm khớp vẩy nến, điều trị có thể bao gồm NSAID, thuốc steroid hoặc các thuốc khác nhằm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống miễn dịch. Bệnh gout có thể được điều trị bằng một loại thuốc gọi là colchicine. Thuốc có thể làm dịu các khớp, giúp giảm đau và viêm do các tinh thể lắng đọng trong khớp.
Tràn dịch khớp khuỷu tay do nhiễm trùng được điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên đôi khi người bệnh có thể cần phẫu thuật để ngăn ngừa các rủi ro trở nên nghiêm trọng hơn.
Tràn dịch khớp khuỷu tay có phòng ngừa được không?
Mặc dù không có biện pháp phòng ngừa tất cả các nguyên nhân gây tràn dịch khớp khuỷu tay, tuy nhiên người bệnh có thể giảm nguy cơ với một số lưu ý như:
- Thường xuyên tập thể dục để tăng cường sức khỏe ở khuỷu tay.
- Thực hiện các động tác kéo giãn vai, khuỷu tay và lưng trên để giúp các khớp linh hoạt hơn.
- Sử dụng các dụng cụ bảo vệ hoặc hỗ trợ khuỷu tay khi chơi thể thao để ngăn ngừa các tổn thương có thể xảy ra.
- Không lạm dụng khuỷu tay hoặc thường xuyên thực hiện các động tác lặp lại thường xuyên, đặc biệt là ở người lớn tuổi.
- Theo dõi các phản ứng của cơ thể và đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các dấu hiệu đau đớn hoặc khó chịu ở khuỷu tay.
Tràn dịch khớp khuỷu tay có thể là dấu hiệu của chấn thương, nhiễm trùng, viêm khớp và nhiều tình trạng khác. Nếu nhận thấy các chất lỏng tích tụ ở khuỷu tay, hãy đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp nhất.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!