Bị Tràn Dịch Khớp Gối Nhẹ Nên Làm Gì Nhanh Hết?
Tràn dịch khớp gối nhẹ đến trung bình có thể được chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên người bệnh nên liên hệ với bác sĩ hoặc đến bệnh viện nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc không được cải thiện sau 3 ngày.
Bị tràn dịch khớp gối nhẹ có nguy hiểm không?
Tràn dịch khớp gối là tình trạng tích tụ chất lỏng ở xung quanh hoặc bên trong khớp gối. Tình trạng này có thể dẫn đến đau đớn, sưng đầu gối và một số vấn đề liên quan khác.
Trong hầu hết các trường hợp, tràn dịch khớp gối nhẹ và trung bình không nghiêm trọng. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng này có thể là phản ứng của cơ thể đối với các chấn thương ở đầu gối, chẳng hạn như lạm dụng quá mức hoặc là dấu hiệu của các bệnh lý liên quan. Do đó, nếu người bệnh không rõ nguyên nhân dẫn đến tràn dịch khớp gối, hãy đến bệnh viện để được hướng dẫn và điều trị phù hợp.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên đến bệnh viện nếu xuất hiện các dấu hiệu như:
- Đầu gối bị sưng nghiêm trọng hoặc có các dấu hiệu bất thường khác;
- Đầu gối không thể duỗi thẳng hoặc uốn cong hoàn toàn;
- Đầu gối bị đau nghiêm trọng và không đáp ứng với các phương pháp điều trị tại nhà;
- Người bệnh không thể chịu được sức nặng lên đầu gối;
- Da ở đầu gối trở nên nóng hoặc đỏ;
- Người bệnh sốt từ 38 độ C;
- Sưng đầu gối kéo dài hơn 3 ngày.
Bác sĩ có thể kiểm tra đầu gối của người bệnh và kiểm tra một số câu hỏi nhất định. Bác sĩ cũng có thể tiến hành khám sức khỏe tổng quát và đề nghị các xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như chụp X – quang để xác định các nguyên nhân cụ thể.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên đến bệnh viện nếu tình trạng tràn dịch khớp gối xảy ra đột ngột và đi kèm các triệu chứng như đau chân, đau ngực, khó thở. Đây là thể là dấu hiệu của cục máu đông đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Tràn dịch khớp gối nhẹ nên làm gì nhanh hết?
Trong hầu hết các trường hợp, tràn dịch khớp gối nhẹ đến trùng bình có thể được chăm sóc tại nhà. Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:
1. Dành thời gian nghỉ ngơi
Dành thời gian nghỉ ngơi phù hợp có thể giúp khớp gối có thời gian phục hồi và sửa chữa các tổn thương. Người bên nên ngừng các hoạt động thể thao hoặc các hoạt động tác động đến khớp gối trong vòng 24 giờ để đầu gối phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể nhẹ nhàng duỗi thẳng đầu gối nhiều lần trong ngày. Điều này sẽ giúp đầu gối duy trì phạm vi chuyển động và tránh tình trạng cứng khớp.
2. Chườm lạnh
Chườm lạnh vào khớp gối trong 15 – 20 phút mỗi 2 – 4 giờ trong 2 – 3 ngày đầu tiên sau khi bị tràn dịch khớp gối có thể kiểm soát cơn đau và giảm sưng. Chườm lạnh cũng là một phương pháp điều trị tình trạng tràn dịch khớp gối nhẹ hiệu quả, đơn giản và tiết kiệm chi phí.
Chườm lạnh có thể cải thiện các triệu chứng tràn dịch khớp gối nhẹ bằng cách:
- Làm co thắt các mạch máu lân cận, giảm lưu lượng máu vá tránh viêm nhiễm;
- Làm chậm quá trình sản xuất dịch khớp ở đầu gối, giảm sưng và khó chịu nói chung;
- Ngăn ngừa các tín hiệu đau từ não bộ.
Mỗi lần chườm lạnh lên đầu gối không quá 20 phút và có thể chườm lạnh nhiều lần trong ngày. Không chườm đá trực tiếp lên da và bọc đá lạnh trong một chiếc khăn mỏng để tránh gây tổn thương lên da. Tuy nhiên, liệu pháp chườm lạnh có thể không thích hợp cho người mắc hội chứng Raynaud hoặc tổn thương thần kinh.
3. Băng đầu gối
Người bệnh có thể băng ép đầu gối băng băng đàn hồi để hỗ trợ giảm sưng và cố định khớp. Thông thường, người bệnh có thể sử dụng băng rộng khoảng 8 – 10 cm khi băng để đảm bảo an toàn. Băng có chiều rộng nhỏ hơn có thể làm tăng nguy cơ cắt đứt tuần hoàn máu.
Ngoài ra, người bệnh cũng không nên quấn băng quá chặt. Điều này có thể khiến đầu gối bị sưng tấy cũng như dẫn đến các triệu chứng như tê, ngứa ran và tăng cảm giác đau đớn.
4. Nâng cao đầu gối bị tổn thương
Khi ngồi hoặc nằm, người bệnh nên nâng cao đầu gối bị tổn thương. Điều này có thể giảm lưu lượng máu đến đầu gối bị ảnh hưởng, giảm viêm khớp và tránh các tổn thương thêm. Người bệnh tràn dịch khớp gối nhẹ có thể ngồi với chân kê lên một kế nhỏ hoặc kê gối bên dưới chân khi nằm, để cải thiện các triệu chứng.
5. Chườm nóng
Sau 72 giờ kể từ lúc bị tràn dịch khớp gối nhẹ, người bệnh có thể chườm nóng để tăng cường hiệu quả điều trị. Người bệnh có thể tắm nước ấm hoặc chườm nóng để đầu gối bị tổn thương trong vòng 15 – 20 phút mỗi lần và vài lần mỗi ngày.
Tuy nhiên, nếu tình trạng sưng tấy trở nên nghiêm trọng, người bệnh nên ngừng liệu pháp chườm nóng.
6. Sử dụng thuốc chống viêm
Các triệu chứng tràn dịch khớp gối nhẹ có thể được cải thiện bằng thuốc chống viêm không kê đơn để giảm viêm. Các loại thuốc phổ biến bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), bao gồm ibuprofen và naproxen, có thể làm giảm cả đau và sưng;
- Acetaminophen có thể hỗ trợ giảm đau nhưng không có tác dụng giảm sưng;
- Thuốc salicylat bôi tại chỗ được sử dụng tại đầu gối bị ảnh hưởng để làm giảm đau và sưng.
7. Xoa bóp massage
Xoa bóp đầu gối có thể giúp chất lỏng thoát ra khỏi khớp, hỗ trợ giảm sưng và ngăn ngừa cơn đau liên quan. Người bệnh có thể tự massage hoặc đến cơ sở massage chuyên nghiệp.
Để tự massage tại nhà, người bệnh có thể bôi trơn đầu gối với dầu thầu dầu để tránh ma sát và tổn thương đầu gối. Ngoài ra, dầu thầu dầu cũng có thể giảm viêm và giảm đau hiệu quả.
8. Thực hiện các bài tập tăng cường đầu gối
Khi các triệu chứng tràn dịch khớp gối nhẹ được cải thiện, người bệnh có thể thực hiện các bài tập để tăng cường các cơ hỗ trợ đầu gối. Các cơ khỏe mạnh có thể hỗ trợ khớp gối và tránh các tổn thương liên quan. Ngoài ra, một số bài tập cũng có thể làm giảm chất lỏng tích tụ ở khớp gối.
Một số bài tập phù hợp cho tình trạng tràn dịch khớp gối nhẹ bao gồm:
Căng đầu gối và bắp chân:
- Người tập đứng quay mặt vào tường;
- Đặt tay lên tường và di chuyển một chân về phía sau hết mức có thể, hai bàn chân hướng về phía trước, gót chân thẳng, đầu gối hơi uốn cong;
- Đẩy cơ thể về phía trước trong khi cột sống và chân sau thẳng, lúc này người bệnh sẽ cảm thấy căng ở chân sau;
- Đổi chân và thực hiện lại động tác, lặp lại hai lần cho mỗi chân.
Căng cơ tứ đầu:
- Người tập đứng cạnh tường, hai chân mở rộng bằng vai;
- Gập một đầu gối để bàn chân hướng về phía mông;
- Nắm lấy mắt cá chân và nhẹ nhàng kéo về phía mông;
- Giữ yên trong 30 giây;
- Trở lại vị trí ban đầu và đổi chân;
- Lặp lại hai lần cho mỗi bên.
Bài tập tăng cường bắp chân:
- Người tập đứng, hai chân rộng bằng vai;
- Nhấc cả hai gót chân lên khỏi mặt đất sau đó từ từ hạ xuống vị trí bắt đầu;
- Thực hiện động tác lặp lại 10 lần.
9. Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp
Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp có thể góp phần cải thiện các triệu chứng tràn dịch khớp gối nhẹ, giảm đau chống viêm và hỗ trợ duy trì cân nặng hợp lý. Duy trì cân nặng phù hợp có thể giảm lực lên đầu gối và tránh các tổn thương liên quan.
Một số loại thực phẩm tốt cho người tràn dịch khớp gối bao gồm:
- Omega 3 và cá nhiều dầu, chẳng hạn như cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá thu;
- Chất xơ, bao gồm các loại rau xanh và trái cây;
- Chất chống oxy hóa, chẳng hạn như quả việt quất, dâu tây và mâm xôi;
- Vitamin A, C và K, thường phổ biến ở bông cải xanh và rau bina;
Ngoài ra, người bệnh cần tránh một số loại thực phẩm có thể gây viêm khớp gối, chẳng hạn như:
- Đường;
- Muối;
- Chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa;
- Bột ngọt;
- Axit béo omega 6;
- Rượu và các chất kích thích khác.
Tràn dịch khớp gối nhẹ có thể gây khó chịu hoặc đau đớn nhưng thường không nguy hiểm. Thông thường, tình trạng này có thể được cải thiện bằng các phương pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc nghi ngờ nhiễm trùng, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Phòng ngừa tràn dịch khớp gối
Mặc dù không thể phòng ngừa tất cả các yếu tố nguy cơ dẫn đến tràn dịch khớp gối, tuy nhiên người bệnh có thể giảm thiểu khả năng mắc bệnh với một số lưu ý như:
- Duy trì trọng lượng phù hợp để tránh căng thẳng không cần thiết cho đầu gối;
- Tập thể dục thường xuyên để xây dựng các cơ hỗ trợ xung quanh đầu gối. Người bệnh có thể tham khảo các bài tập có tác động thấp không gây căng thẳng cho đầu gối, chẳng hạn như bơi lội và thể dục nhịp điệu dưới nước;
- Sử dụng đệm đầu gối khi tham gia các môn thể thao tiếp xúc đầu gối hoặc gây tác động đến khớp gối;
- Nếu cảm thấy đau đớn hoặc khó chịu ở đầu gối, người bệnh nên ngừng các hoạt động và dành thời gian nghỉ ngơi phù hợp;
- Nếu nhận thấy các dấu hiệu tổn thương khớp gối, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Tràn dịch khớp gối nhẹ đến tùng bình có thể là dấu hiệu của các chấn thương nhỏ hoặc nhiễm trùng. Với các biện pháp điều trị phù hợp, các triệu chứng có thể được cải thiện trong vài tuần. Nếu các triệu chứng không được cải thiện trong 3 ngày hoặc trở nên nghiêm trọng hơn sau khi áp dụng các biện pháp tại nhà, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ có kế hoạch điều trị lâu dài.
Tham khảo thêm: Bị viêm khớp gối nên ăn gì, kiêng gì hết đau nhanh?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!