Chụp cắt lớp vi tính (CT) là gì? Thông tin cần biết
Chụp cắt lớp vi tính (CT) là một kỹ thuật chẩn đoán có khả năng tạo ra hình ảnh ba chiều, thể hiện chi tiết những bộ phận bên trong cơ thể. Từ đó giúp phát hiện những tổn thương và các vấn đề bất thường. Hình ảnh ba chiều từ kỹ thuật này được tạo ra bằng cách sử dụng tia X và máy CT chạy vòng quanh cơ thể để đo và lấy hình ảnh từ nhiều góc độ khác nhau.
Chụp cắt lớp vi tính (CT) là gì?
Chụp cắt lớp vi tính còn được gọi là chụp CT, CT scan. Đây là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng máy CT kết hợp tia X để đo và tạo ra hình ảnh chi tiết từ nhiều góc độ khác nhau của cơ thể. Máy CT phát sóng X-quang và chạy vòng quanh cơ thể của bệnh nhân. Lúc này tia X được chiếu từ trên xuống, trái – phải và từ nhiều góc độ khác nhau để thể hiện chi tiết hơn về những bộ phận bên trong cơ thể.
Sau khi xử lý, bác sĩ sẽ thu được hình ảnh cắt ngang của cơ thể. Hình ảnh này cho phép kiểm tra các bộ phận bên trong, sớm phát hiện những bất thường mà không cần cắt. Ngoài ra một khối ba chiều sẽ được tạo ra từ một loạt hình ảnh X-quang hai chiều giúp thể hiện bên trong vật thể một cách chi tiết hơn.
Vì sao cần chụp cắt lớp vi tính?
Bệnh nhân được chỉ định CT scan để với mục đích:
- Xác định vị trí khối u và cục đông
- Kiểm tra vị trí và mức độ nhiễm trùng
- Chẩn đoán rối loạn cơ và xương. Điển hình như gãy xương, u xương…
- Xác định hướng điều trị thích hợp. Đồng thời theo dõi hiệu quả chữa trị của các phương pháp
- Hỗ trợ khi thực hiện các phương pháp điều trị phức tạp như phẫu thuật, xạ trị và sinh thiết
- Phát hiện, đánh giá mức độ nghiêm trọng và theo dõi diễn tiến của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Cụ thể như bệnh ung thư, bệnh xương khớp, các bệnh lý về gan, phổi, tim…
- Kiểm tra tình trạng xuất huyết bên trong và đánh giá nội thương.
Chụp cắt lớp vi tính được chỉ định cho những trường hợp nào?
Thông thường CT scan sẽ được chỉ định cho những trường hợp sau:
1. Chụp cắt lớp vi tính đầu mặt cổ
- Xuất hiện dị vật ở đường ăn và đường hô hấp
- U vùng đầu mặt cổ
- Chấn thương vùng đầu mặt cổ
- Chẩn đoán bệnh lý và những vấn đề liên quan đến hốc mũi và các xoang
- Áp xe hoặc viêm mô mềm vùng cổ
- Đánh giá ung thư tuyến giáp
- Chấn thương xương
- Vôi hóa, xuất huyết
- Phù nề và nhồi máu
- Chỉ định CT đầu trong phẫu thuật phóng xạ và phẫu thuật lập thể có hướng dẫn CT để điều trị dị dạng động mạch, khối u nội sọ.
2. Chụp cắt lớp vi tính sọ não
- Chẩn đoán hội chứng tăng áp lực nội sọ
- Chẩn đoán cho những trường hợp có dấu hiệu thần kinh như đau nửa đầu, chóng mặt, co giật, động kinh
- Bệnh cảnh chấn thương, bao gồm chấn thương đầu mặt, chấn thương sọ não và đa chấn thương
- Bệnh cảnh tai biến mạch máu não, bao gồm tai biến mạch máu não có triệu chứng thần kinh khu trú, tai biến mạch máu não thoáng qua
- Sa sút trí tuệ
- Viêm màng não
- Viêm não
- Áp xe não
- Lao não – màng não…
3. Chụp cắt lớp vi tính bụng và khung chậu
- Chẩn đoán và phân giai đoạn ung thư
- Theo dõi sau điều trị ung thư
- Kiểm tra nguyên nhân gây đau bụng cấp tính
- Chẩn đoán bệnh lý ở tử cung, buồng trứng
- Bệnh lý ở tiền liệt tuyến
- Bệnh lý đường tiêu hóa, bao gồm viêm đường tiêu hóa, xoắn ruột, tắc ruột, viêm ruột thừa, u đại tràng, lao…
- Bệnh lý ở thận và đường tiết niệu, bao gồm chấn thương, nhiễm trùng, u và sỏi
- Bệnh lý thượng thận, tụy và lách, bao gồm di căn, u, viêm và chấn thương
- Bệnh lý ở gan và đường mật, bao gồm chấn thương gan, u gan lành và ác tính, sỏi mật, ung thư đường mật, viêm gan, áp xe gan, xơ gan, nhiễm ký sinh trùng…
4. Chụp cắt lớp vi tính phổi và lồng ngực
- Kiểm tra những thay đổi cấp tính và mãn tính trong mô và nhu mô phổi
- Khí phế thũng và xơ hóa
- Bệnh lý phế quản, bao gồm viêm tiểu phế quản cấp, giãn phế quản
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
- Bệnh lý u phổi và khả năng tiến triển của bệnh
- Bệnh lý nhiễm trùng phổi, bao gồm lao phổi, nấm phổi, áp xe phổi, viêm phổi
- Bệnh lý màng phổi, bao gồm tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, u màng phổi, ổ cặn màng phổi
- Bệnh lý mạch máu, bao gồm bất thường mạch máu bẩm sinh, thuyên tắc động mạch phổi, phình bóc tách động mạch
- Bệnh lý trung thất, bao gồm hạch trung thất, kén màng phổi, kén màng tim, huyết áp thòng, u tuyến ức, u trung thất
- Bệnh lý xương thành ngực, gồm đốt sống ngực, xương ức, sụn sườn và xương sườn
- Chấn thương ngực hoặc có nghi ngờ
- Bệnh lý phổi kẽ
- Bất thường bẩm sinh ở phổi
- Bệnh bụi phổi
- Phổi biệt lập
- Ho ra máu kéo dài.
5. Chụp cắt lớp vi tính cột sống
- Bệnh nhân bị chấn thương cột sống hoặc có nghi ngờ
- Đa chấn thương
- Bệnh vôi hóa dây chằng dọc trước và dọc sau
- Bất thường bẩm sinh ở cột sống, bao gồm dính đốt sống, bất sản đốt sống, vẹo cột sống, gù cột sống
- Bệnh lý nhiễm trùng, bao gồm áp xe mô mềm cạnh cột sống, lao cột sống, hội chứng chèn ép tủy
- U xương lành tính
- U xương ác tính
- Ung thư di căn xương.
6. Chụp cắt lớp vi tính xương trục và các chi
- Bất thường bẩm sinh xương
- Chấn thương xương
- Bệnh lý xương, bao gồm ung thư di căn xương, u xương, viêm xương, lao xương
- Vết gãy phức tạp, vết nứt quanh khớp
- Trật khớp, chấn thương dây chằng.
7. Chụp cắt lớp vi tính mạch
- Chụp cắt lớp vi tính mạch (CT cản quang) để kiểm tra động mạch và tĩnh mạch khắp cơ thể, bao gồm động mạch ở não, động mạch đưa máu đến các chi, phổi và thận.
8. Chụp cắt lớp vi tính tim mạch
- Chụp CT mạch vành kiểm tra động mạch vành của tim
- Bệnh mạch vành.
Chống chỉ định CT scan
Không có chống chỉ định tuyệt đối đối với chụp cắt lớp vi tính. Tuy nhiên phụ nữ đang mang thai hoặc có nghi ngờ mang thai không được khuyến cáo. Đặc biệt trong 3 tháng đầu. Bởi CT scan trong thời kỳ mang thai có thể làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi.
Phần lớn các trường hợp chống chỉ định với CT scan thường liên quan đến việc tiêm/ uống thuốc cản quang. Cụ thể:
- Dị ứng thuốc cản quang
- Bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan nặng
- Người bị suy thận nặng
- Sốt cao mất nước nặng.
Chụp cắt lớp vi tính với thuốc cản quang
Đối với những trường chụp cắt lớp vi tính không thuốc cản quang, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy xương và những khối dày đặc khác. Tuy nhiên những khối không dày đặc như mô mềm thường không xuất hiện hoặc mờ nhạt trong hình ảnh CT thông thường. Vì thế bệnh nhân được tiêm thuốc cản quang để giúp mô mềm xuất hiện một cách rõ ràng nhất.
Thuốc cản quang chính là một loại thuốc nhuộm có tác dụng chặn tia X, làm nổi bậc các mạch máu, mô mềm, cơ quan và những cấu trúc khác. Thông thường sau khi tiêm, thuốc cản quang sẽ chạy dọc theo cơ thể và xuất hiện trên bản quét với màu trắng.
Thuốc cản quang thường được bào chế bằng bari sunfat hoặc iốt. Tùy thuộc vào mục đích, cơ quan và vị trí cần chẩn đoán, bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc cản quang bằng một hoặc nhiều cách sau:
- Tiêm thuốc cản quang: Tiêm thuốc cản quang được áp dụng cho phần lớn các trường hợp chụp cắt lớp vi tính. Thuốc này được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch để làm nổi bậc mô mềm, đường tiết niệu, mạch máu, túi mật, gan và một số cơ quan khác trong hình ảnh.
- Uống thuốc cản quang: Uống thuốc cản quang thường được chỉ định cho những bệnh nhân cần kiểm tra đường dẫn thức ăn và hệ tiêu hóa. Lúc này các cơ quan sẽ được thể hiện rõ nét trên hình ảnh quét. Từ đó giúp bác sĩ dễ dàng hơn trong việc kiểm tra và chẩn đoán xác định.
- Đưa thuốc cản quang vào trực tràng: Trong trường hợp quét ruột, bệnh nhân sẽ được đưa chất cản quang vào trực tràng.
Chỉ định và chống chỉ định dùng thuốc cản quang
Thuốc cản quang được chỉ định và chống chỉ định với những trường hợp sau:
1. Chỉ định thuốc cản quang
- Bơm thuốc cản quang cho hầu hết các trường hợp chụp cắt lớp vi tính ở bụng. Trừ trường hợp sỏi niệu quản gây đau quặn thận
- Tiêm thuốc cản quang cho hầu hết những trường hợp có áp xe hoặc viêm. Trừ trường hợp bị viêm phổi đã được chẩn đoán chắc chắn.
- Xuất hiện u hoặc có nghi ngờ u
- Chỉ định cho những bệnh lý mạch máu, bao gồm bóc tách động mạch, phình mạch, giả phình, dị dạng mạch máu…
- Kiểm tra vùng tái tưới máu của tổn thương
- Kiểm tra tình trạng tụ máu dưới màng cứng của giai đoạn bán cấp để xác định mức độ vách hóa
- Xác định nguồn mạch nuôi của phổi biệt lập.
2. Chống chỉ định
Những trường hợp chống chỉ định tương đối và tuyệt đối với thuốc cản quang gồm:
Chống chỉ định tuyệt đối
- Những bệnh nhân bị dị ứng với thuốc cản quang
- Bệnh nhân bị mất nước nặng.
Chống chỉ định tương đối
- Phụ nữ đang mang thai: CT cản quang có thể gây hại cho thai nhi.
- Những người mắc các bệnh mãn tính: Điển như hình như bệnh đái tháo đường, hen suyễn, hồng cầu hình liềm, cường giáp.
- Bệnh nhân bị suy gan, suy tim mất bù: Không được khuyến cáo.
- Đa u tủy: Thuốc cản quang không được khuyến cáo cho những người bị đa u tủy, nhất là bệnh nhân thiểu niệu. Cần truyền dịch cho bệnh nhân nếu việc chụp cắt lớp vi tính có cản quang là cần thiết.
- Bệnh nhân bị suy thận độ III hoặc độ IV: Nếu bơm thuốc cản quang là cần thiết, bệnh nhân cần được chạy thận nhân tạo sau khi sử dụng.
- Người có cơ địa dị ứng: Bệnh nhân cần sử dụng Steroid 13, 5 và 1 giờ đồng hồ trước khi chụp cắt lớp vi tính có thuốc cản quang. Ngoài ra bệnh nhân cần được sử dụng phương tiện hồi sức và thuốc kháng histamine khi cần thiết.
Chụp cắt lớp vi tính được thực hiện như thế nào?
Thông thường sau khi kiểm tra bệnh sử và chẩn đoán lâm sàng, bệnh nhân sẽ được yêu cầu chụp cắt lớp vi tính kết hợp với nhiều kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác. Điều này giúp bác sĩ dễ dàng hơn trong việc chẩn đoán xác định và phát hiện những tổn thương nghiêm trọng.
Ở những trường hợp được chỉ định CT scan, bệnh nhân cần lưu ý những điều sau đây:
1. Trước khi CT scan
- Người bệnh điền một số thông tin quan trọng liên quan đến tiền sử mắc bệnh, tình trạng sức khỏe ở hiện tại, bao gồm có thai hoặc nghi ngờ có thai.
- Đọc kỹ thông tin và ký vào bản cam kết, đặc biệt là khi có sử dụng thuốc cản quang.
- Bệnh nhân cần nhịn ăn trước khi chụp cắt lớp vi tính và tiêm thuốc cản quang từ 4 đến 6 giờ. Tuy nhiên có thể uống nước trước khi chụp 2 giờ.
- Tháo bỏ đồ trang sức hoặc những vật dụng bằng kim loại khác trên cơ thể. Bao gồm cả răng giả, gọng áo ngực, kẹp tóc, chân/ khớp giả, thiết bị trợ thính… Bởi những vật dụng bằng kim loại có thể làm tăng nguy cơ phát sinh rủi ro trong thời gian chụp CT.
- Bệnh nhân mặc áo choàng của bệnh viện khi cần thiết.
2. Trong khi CT scan
- Bệnh nhân di chuyển vào phòng chụp và được hướng dẫn nằm ngửa trên bàn chụp. Bệnh nhân nằm yên và thả lỏng cơ thể để quá trình CT scan diễn ra suôn sẻ. Đối với những trường hợp đặc biệt, người bệnh có thể được hướng dẫn chụp cắt lớp vi tính với nhiều tư thế khác nhau.
- Người bệnh nín thở và nằm yên trong quá trình chụp ngắn. Đặc biệt là khi chụp bụng và ngực.
- Đối với những trường hợp cần tiêm thuốc cản quang, bệnh nhân sẽ được tim thuốc trước khi CT scan. Thuốc cản quang có thể tạo ra cảm giác nóng và khó chịu. Tuy nhiên người bệnh cần nằm yên trong suốt quá trình chẩn đoán.
- Đối với những trường hợp CT scan cho vùng bụng để chẩn đoán những vấn đề về hệ tiêu hóa, bệnh nhân cần uống nhiều nước hoặc sử dụng thuốc cản quang đường uống.
Thông thường quá trình CT scan thường kéo dài từ 3 đến 5 phút hoặc dài hơn tùy theo mục đích và kích thước khu vực được chụp.
3. Sau khi CT scan
Sau khi chụp cắt lớp vi tính, người bệnh cần:
Đối với những trường hợp không tiêm thuốc cản quang
- Ăn uống và hoạt động bình thường.
Đối với những trường hợp có tiêm thuốc cản quang
- Đè tay vào vị trí được tiêm thuốc cản quang từ 5 đến 10 phút. Điều này sẽ giúp phòng ngừa tình trạng chảy máu.
- Bệnh nhân uống nhiều nước và uống liên tục trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiêm thuốc cản quang. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình loại bỏ thuốc cản quang ra khỏi cơ thể của thận.
Đối với trường hợp có bất thường sau khi CT scan
Sau khi chụp cắt lớp vi tính, bệnh nhân cần liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa khi có những bất thường sau:
- Khó thở
- Cơ thể mệt mỏi và suy nhược
- Sốt
- Đỏ da kèm theo cảm giác ngứa ngáy
- Buồn nôn và nôn
- Chóng mặt…
Thông thường bệnh nhân được nhận kết quả trong vòng 30 đến 60 phút kể từ thời điểm kết thúc CT scan. Tuy nhiên ở những trường hợp nghiêm trọng và cần hội chẩn, kết quả sẽ được nghiên cứu và có thời gian trả lâu hơn so với thông thường.
Sau khi có kết quả chụp cắt lớp vi tính, bệnh nhân cần quay lại phòng khám ban đầu đề để được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra, đọc kết quả chẩn đoán và hướng dẫn điều trị.
Ưu điểm và nhược điểm khi chụp cắt lớp vi tính
Chụp cắt lớp vi tính mang đến một số ưu điểm và nhược điểm sau:
1. Ưu điểm
- Nội soi đại tràng ảo của CT ít gây khó chịu và có độ chính xác cao hơn so với nội soi đại tràng truyền thống.
- So với X-quang, chụp cắt lớp vi tính có khả năng phân giải hình ảnh mô mềm quanh khớp tốt hơn.
- Hình ảnh ba chiều thể hiện chi tiết những cấu trúc và các cơ quan bên trong cơ thể. Tùy thuộc vào mục đích chẩn đoán, hình ảnh quét có thể hiển thị theo mặt phẳng dọc, mặt phẳng coronal hoặc phương ngang.
- Hình ảnh rõ nét.
- Loại bỏ sự chồng chất hình ảnh của cơ quan và cấu trúc bên ngoài khu vực quan tâm.
- Thời gian chụp nhanh, phù hợp với những bệnh nhân cần đánh giá chi tiết những bộ phận bên trong cơ thể trong thời gian cấp cứu.
- Có thể dùng cho những bệnh nhân bị chống chỉ định với phương pháp chụp cộng hưởng từ. Điển hình như người có máy trợ thính cố định, khớp giả, đặt máy tạo tim, di vật kim loại, van tim kim loại. Vì CT scan sử dụng tia X để tạo hình ảnh.
- Phù hợp với những bệnh nhân có bệnh lý và vấn đề về xương khớp. Nguyên nhân là do độ phân giải không gian trong CT scan đối với xương tương đối cao.
2. Nhược điểm
- Vì là kỹ thuật dùng tia X nên chụp cắt lớp vi tính có thể gây nhiễm xạ. Tuy nhiên mức độ nhiễm xạ nằm trong giới hạn cho phép ở mỗi lần chụp.
- Độ phân giải hình ảnh của chụp cắt lớp vi tính thấp hơn so với chụp cộng hưởng từ (MRI). Đặc biệt là khi kiểm tra những cấu trúc mô mềm. Chính vì thế CT không phù hợp để chẩn đoán cho những bệnh nhân có tổn thương xuất hiện với kích thước nhỏ.
- Khó chẩn đoán phân biệt những tổn thương và cơ quan có cùng độ đậm trên hình ảnh CT.
- Gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện những tổn thương ở tủy sống, dây chằng và sụn khớp thông qua hình ảnh CT.
- Những tổn thương phần mềm khó được phát hiện trên hình ảnh CT so với chụp cộng hưởng từ. Nguyên nhân là do khả năng đâm xuyên mạnh của tia X.
Chụp CT có nguy hiểm không?
Chụp CT có thể gây ra một số rủi ro không mong muốn, bao gồm:
- Tăng nguy cơ ung thư: Nguyên nhân là do việc sử dụng tia X tạo ra bức xạ ion hóa có khả năng làm hỏng DNA. Nguy cơ bị ung thư ở mỗi lần chụp CT không cao nhưng nguy cơ có thể tăng lên với mỗi lần chụp CT.
- Gây hại cho trẻ em: Bức xạ ion hóa từ CT scan gây hại hơn cho trẻ em vì đang trong giai đoạn phát triển của cơ thể. Cụ thể làm tăng nguy cơ biến dạng xương.
- Gây hại cho thai nhi: Phụ nữ mang thai không được khuyến cáo chụp cắt lớp vi tính. Vì bức xạ từ kỹ thuật này có khả năng tác động xấu đến thai nhi, khiến trẻ bị thương và tăng nguy cơ dị tật. Vì thế thai phụ thường được chỉ định siêu âm hoặc thăm khám với một phương pháp khác không sử dụng bức xạ.
- Phản ứng với chất tương phản: Việc sử dụng thuốc cản quang có thể gây phản ứng dị ứng đối với một số trường hợp. Phần lớn các trường hợp đều nhẹ, thường chỉ gây ngứa, phát ban, buồn nôn và nôn. Tuy nhiên trong một số trường hợp khác, phản ứng dị ứng có thể trở nên nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân. Vì thế bệnh nhân cần liệt kê bệnh sử trước khi tiến hành chụp CT cản quang.
- Vấn đề về thận: Trong một số trường hợp ít gặp, chụp CT cản quang có thể gây áp lực và hình thành một số vấn đề về thận. Để hạn chế tình trạng này, người bệnh cần uống nhiều nước trong 24 giờ sau chụp X-quang giúp hỗ trợ quá trình đào thải.
Chụp cắt lớp vi tính (CT) là một kỹ thuật hiện đại. Kỹ thuật này tạo ra hình ảnh ba chiều giúp chẩn đoán nhiều bệnh lý khác nhau. Vì thế ở những trường hợp bị ung thư, nứt quanh khớp hoặc có nghi ngờ mắc các bệnh lý nguy hiểm khác, người bệnh sẽ được hướng dẫn CT scan để tìm kiếm tổn thương, chẩn đoán và xác định hướng điều trị hiệu quả.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!