Mổ tràn dịch khớp gối khi nào? Chi phí và quy trình
Mổ tràn dịch khớp gối được chỉ định các trường hợp từ trung bình đến nặng và không đáp ứng các phương pháp điều trị bảo tồn. Phẫu thuật bao gồm nội soi để điều chỉnh các tổn thương khớp hoặc thay thế toàn bộ khớp gối khi các tổn thương không thể phục hồi.
Mổ tràn dịch khớp gối khi nào?
Tràn dịch khớp gối xảy ra khi chất lỏng tích tụ ở các mô xung quanh hoặc bên trong khớp gối. Điều này có thể dẫn đến đau nhức và gây khó khăn cho các hoạt động hàng ngày. Tình trạng này có thể xảy ra sau chấn thương, nhiễm trùng hoặc liên quan đến một số tình trạng sức khỏe cụ thể.
Trong hầu hết các trường hợp, tràn dịch khớp gối có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người bệnh, chẳng hạn như đi bộ, leo cầu thang, thậm chí là gây khó khăn khi ngồi hoặc nằm. Phẫu thuật thường được chỉ định để giảm đau, sưng và ngăn ngừa các tổn thương khớp nghiêm trọng.
Mổ tràn dịch khớp gối thường được chỉ định cho các triệu chứng từ trung bình đến nghiêm trọng và không đáp ứng các phương pháp điều trị bảo tồn. Trước khi đề nghị phẫu thuật, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp bảo tồn, chẳng hạn như:
- Sử dụng thuốc đường uống: Các loại thuốc không kê đơn chẳng hạn như acetaminophen, thuốc chống viêm không steroid (như ibuprofen và naproxen) có thể chống viêm, giảm sưng và hỗ trợ cải thiện cơn đau do tràn dịch khớp gối.
- Kem hoặc thuốc mỡ bôi trực tiếp lên da: Các loại thuốc này có thể được sử dụng trực tiếp lên da để giảm đau và sưng.
- Dùng thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh đường uống hoặc tiêm vào khớp có thể được chỉ định nếu người bệnh bị nhiễm trùng.
- Chọc hút dịch khớp gối: Phương pháp này có thể giảm áp lực tạm thời lên khớp, hỗ trợ chống viêm và giảm đau. Sau khi chọc hút dịch khớp, bác sĩ có thể chỉ định tiêm corticosteroid vào khớp để cải thiện các triệu chứng.
- Vật lý trị liệu: Các bài tập vật lý trị liệu có thể cải thiện tính linh hoạt và xây dựng sức mạnh ở các cơ xung quanh khớp.
Nếu các triệu chứng không đáp ứng các phương pháp điều trị bảo tồn, bác sĩ có thể đề nghị mổ tràn dịch khớp gối để ngăn ngừa các rủi ro nghiêm trọng. Ngoài ra, nếu khớp gối bị tổn thương không thể phục hồi, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật thay thế khớp gối.
Quy trình mổ tràn dịch khớp gối
Hầu hết các trường hợp tràn dịch khớp gối không cần phẫu thuật và đáp ứng tốt với các phương pháp bảo tồn. Tuy nhiên, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật nếu các triệu chứng nghiêm trọng hoặc khi các tổn thương ở khớp gối không thể phục hồi.
Mổ tràn dịch khớp gối có thể được thực hiện thông qua phương pháp nội soi hoặc thay thế toàn bộ khớp gối. Loại phẫu thuật phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản và tình trạng sức khỏe cụ thể của người bệnh.
1. Quy trình mổ nội soi khớp gối
Mổ nội soi tràn dịch khớp gối là phương pháp được sử dụng điều trị tình trạng tràn dịch khớp gối bên trong khớp. Phẫu thuật nội soi được thực hiện ngoại trú, có nghĩa là người bệnh có thể ra về trong ngày mà không cần nằm viện.
Để tiến hành nội soi tràn dịch khớp gối, bác sĩ sẽ tiến hành gây mê toàn thân (người bệnh sẽ ngủ trong toàn bộ thời gian phẫu thuật) hoặc bác sĩ có thể tiêm thuốc gây tê qua cột sống hoặc gây tê cục bộ ở khu vực phẫu thuật.
Bác sĩ tiến hành rạch một đường nhỏ ở khớp gối, sau đó đưa máy ảnh và dụng cụ chiếu sáng vào bên trong khớp. Điều này giúp bác sĩ quan sát bên trong đầu gối. Để tiến hành phẫu thuật, bác sĩ sẽ thực hiện một đường rạch khác, sau đó chèn công cụ phẫu thuật vào để điều chỉnh các tổn thương ở khớp.
Nếu các tổn thương nghiêm trọng, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật mở truyền thống kết hợp với phương pháp mổ nội soi để khắc phục các vấn đề. Sau khi hoàn tất phẫu thuật, bác sĩ đóng vết thương và băng lại để hỗ trợ quá trình phục hồi.
Sau khi phẫu thuật nội soi khớp gối, người bệnh có thể bị đau đớn và khó chịu. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau, aspirin hoặc các loại thuốc khác để ngăn ngừa các cục máu đông.
2. Phẫu thuật thay thế khớp gối
Phẫu thuật thay thế khớp gối thường không được chỉ định cho trường hợp tràn dịch khớp gối. Tuy nhiên, phẫu thuật sẽ được chỉ định để cải thiện các nguyên nhân gây tổn thương khớp gối nghiêm trọng không thể phục hồi. Ngoài ra, khi các chuyển động nhỏ, chẳng hạn như di chuyển đầu gối, dẫn đến đau đớn, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định thay thế khớp gối.
Có hơn 90% các trường hợp phẫu thuật thay thế khớp gối có thể cải thiện các cơn đau hiệu quả. Có nhiều phương pháp thay thế đầu gối khác nhau, bao gồm:
- Thay thế toàn bộ khớp gối;
- Thay thế một phần đầu gối bị tổn thương;
- Thay thế cả hai bên đầu gối trong trường hợp tổn thương đối xứng.
Trong hầu hết các trường hợp thay thế khớp gối được chỉ định cho trường hợp tràn dịch khớp gối do viêm xương khớp nghiêm trọng.
Phẫu thuật thay thế khớp gối được thực hiện với sự kết hợp của gây mê toàn thân, các khối thần kinh ngoại vi và gây tê tủy sống (gây tê ngoài màng cứng). Người bệnh cũng có thể được tiêm ít nhất một liều kháng sinh để phòng ngừa nhiễm trùng.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ xương và sụn bị tổn thương ở khớp gối. Sau đó, các bộ phận này được thay thế bằng các bộ phận nhân tạo (thường là kim loại). Ở giữ các bề mặt, bác sĩ sẽ chèn một dụng cụ bằng nhựa, để giảm ma sát khi uốn cong và duỗi thẳng đầu gối.
Sau phẫu thuật thay thế khớp gối, người bệnh có thể cần nằm viện 2 – 3 ngày để theo dõi. Bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau và kiểm tra các biến chứng có thể xảy ra. Sau khi các tổn thương bắt đầu lành, người bệnh sẽ được yêu cầu vật lý trị liệu, chẳng hạn như:
- Liệu pháp chịu sức nặng, bao gồm đứng và đi bộ;
- Kết hợp vật lý trị liệu và vận động để người bệnh thích nghi với đầu mới mới.
Ngoài ra, người bệnh có thể được đề nghị tự bước ra khỏi giường, đi bộ hoặc sử dụng phòng tắm. Người bệnh có thể cần sử dụng khung tập đi trong một thời gian ngắn sau khi phẫu thuật để hỗ trợ đầu gối.
Phục hồi sau khi mổ tràn dịch khớp gối
Sau khi mổ tràn dịch khớp gối, người bệnh có thể bị đau đầu gối và sưng tấy. Các triệu chứng này có thể được cải thiện sau khi phẫu thuật vài tuần. Tuy nhiên để hỗ trợ quá trình phục hồi, người bệnh có thể lưu ý một số vấn đề bao gồm:
- Dành thời gian nghỉ ngơi: Sau khi phẫu thuật đầu gối, người bệnh có thể cần nghỉ ngơi trong 3 – 4 ngày đến vài tuần, phụ thuộc vào loại phẫu thuật. Người bệnh nên hạn chế các hoạt động gây ảnh hưởng đến khớp gối, chẳng hạn như đi bộ nhiều, chạy, nhảy hoặc uốn cong đầu gối.
- Chườm lạnh: Chườm lạnh có thể giảm viêm, sưng và ngăn ngừa tình trạng cứng khớp. Người bệnh có thể chườm đá 3 – 4 lần mỗi ngày và 20 phút mỗi lần. Sau phẫu thuật vài tuần, người bệnh có thể chườm nóng vào khớp gối.
- Vật lý trị liệu: Người bệnh có thể thực hiện các bài tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ để phục hồi chức năng đầu gối sau khi các tổn thương đã hồi phục. Các bài tập phục hồi chức năng sau khi mổ tràn dịch khớp gối bao gồm đi dạo ngắn, yoga hoặc Thái cực quyền. Ngoài ra, không thực hiện các bài tập tác động mạnh, chẳng hạn như chạy bộ, nhảy hoặc cử tạ, điều này có thể gây ảnh hưởng đến đầu gối đang hồi phục.
- Sử dụng thuốc giảm đau: Đau đớn sau phẫu thuật là điều bình thường và sẽ giảm dần theo thời gian. Hầu hết các trường hợp, bác sĩ có thể kê các loại thuốc giảm đau trong vài tuần để cải thiện các cơn đau. Các loại thuốc phổ biến bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAID) theo đơn như ibuprofen hoặc naproxen. Nếu cơn đau nghiêm trọng hoặc kéo dài, bác sĩ có thể kê các loại thuốc giảm đau mạnh hơn, chẳng hạn như tramadol và oxycodone.
- Giảm cân: Cân nặng quá mức có thể gây áp lực lên đầu và dẫn đến tổn thương đầu gối sau khi mổ tràn dịch khớp gối. Do đó, người bệnh thừa cân, béo phì cần có kế hoạch giảm cân để tránh các rủi ro liên quan.
- Thay đổi chế độ dinh dưỡng: Thực hiện chế độ dinh dưỡng nhiều rau xanh, trái cây, chất xơ, vitamin và khoáng chất có thể tăng cường sức khỏe khớp gối. Ngoài ra, người bệnh cần tránh các loại thực phẩm có thể gây viêm, chẳng hạn như rượu, đường, thức ăn chế biến sẵn hoặc thực phẩm chứa quá nhiều chất béo.
Ngoài ra, phẫu thuật đầu gối thường rất hiếm dẫn đến các biến chứng và rủi ro không mong muốn. Tuy nhiên, người bệnh nên đến bệnh viện hoặc liên hệ với bác sĩ nếu nhận thấy các dấu hiệu như:
- Sốt;
- Sưng tấy đầu gối;
- Đau đớn dữ dội;
- Tê hoặc ngứa ran;
- Xuất hiện chất lỏng có mùi hoặc màu bất thường từ vị trí phẫu thuật.
Chi phí mổ tràn dịch khớp gối
Chi phí mổ tràn dịch khớp gối phục thuộc vào loại phẫu thuật, mức độ tổn thương, trang thiết bị y tế, tình trạng sức khỏe của người bệnh và một số vấn đề khác. Thông thường, chi phí mổ tràn dịch khớp gối thường dao động khoảng 15 – 35 triệu đồng, phụ thuộc và các trường hợp cụ thể. Ngoài ra, người bệnh có thể cần nằm viện từ 3 – 7 ngày, do đó chi phí có thể tăng lên phụ thuộc vào thời gian nằm viện.
Trong trường hợp tràn dịch khớp gối gây ảnh hưởng đến dây chằng, người bệnh có thể cần nối hoặc điều chỉnh dây chằng. Chi phí có thể vào khoảng 3 – 10 triệu đồng, phụ thuộc vào tình trạng cụ thể.
Trong trường hợp cần thay thế khớp gối, chi phí khoảng 80 triệu đồng. Trong đó 65 triệu là tiền khớp, còn lại là chi phí phẫu thuật, lưu bệnh và các chi phí liên quan khác. Hiện tại, phẫu thuật thay khớp gối được bảo hiểm chi trả, tuy nhiên mức chi tối đa là 40 triệu đồng.
Chi phí mổ tràn dịch khớp gối phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Do đó, để biết thông tin chính xác, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn và tư vấn cụ thể.
Mổ tràn dịch khớp gối ở đâu?
Để đảm bảo quá trình mổ tràn dịch khớp gối đạt hiệu quả cao và an toàn, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín, được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế chuyên môn để tiến hành phẫu thuật. Cụ thể, người bệnh có thể tham khảo một số địa điểm phẫu thuật, chẳng hạn như:
1. Tại Hà Nội
Bệnh viện Bạch Mai:
- Địa chỉ: Số 78 Giải Phóng – Đống Đa – Hà Nội
- Số điện thoại: 028 3843 3137
Bệnh viện Việt Đức:
- Địa chỉ: 16 – 18 Phủ Doãn – quận Hoàn Kiếm – Hà Nội
- Số điện thoại: 038.253.531
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – Phòng khám số 1:
- Địa chỉ: Số 1 Tôn Thất Tùng – Phường Trung Tự – Quận Đống Đa – Hà Nội
- Số điện thoại: 024 3574 7788
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108:
- Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo – Quận Hai Bà Trưng – Hà Nội
- Số điện thoại: 069 555 283 – 069 572 400
2. Tại Thành phố Hồ Chí Minh
Bệnh viện Chợ Rẫy:
- Địa chỉ: Số 201B Nguyễn Chí Thanh – Phường 12 – Quận 5 – Thành phố Hồ Chí Minh
- Số điện thoại: 028 3855 4137
Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh:
- Địa chỉ: Số 215 Hồng Bàng – Phường 11 – Quận 5 – Thành phố Hồ Chí Minh
- Số điện thoại: (028) 3855 4269
Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh:
- Địa chỉ: Số 929 Trần Hưng Đạo – Phường 1 – Quận 5 – Thành phố Hồ Chí Minh
- Số điện thoại: 028 3923 5791 – 028 3923 5821- 028 3923 7007
Bệnh viện Nhân dân 115:
- Địa chỉ: Số 527 Sư Vạn Hạnh – Phường 12 – Quận 10 – Thành phố Hồ Chí Minh
- Số điện thoại: 028 3865 4249
Mổ tràn dịch khớp gối là một phương pháp không phổ biến. Tuy nhiên nếu các tổn thương nghiêm trọng hoặc không thể phục hồi, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để cải thiện chức năng khớp gối. Loại hình phẫu thuật phụ thuộc vào tình trạng cụ thể, độ tuổi của người bệnh và các điều kiện sức khỏe liên quan.
Phẫu thuật thường an toàn và ít rủi ro. Tuy nhiên, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về rủi ro cũng như lợi ích của phẫu thuật để có sự cân nhắc phù hợp.
Tham khảo thêm: Chọc hút dịch khớp gối là gì? Khi nào cần thực hiện?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!