Đau Ở Mông
Cơn đau ở mông bắt đầu từ nhiều nguyên nhân. Phần lớn xảy ra do căng cơ, dây kinh bị chèn ép và bầm tím sau chấn thương, va chạm mạnh. Trong nhiều trường hợp khác, cơn đau có nguồn gốc các bệnh lý nghiêm trọng như thoái hóa đĩa đệm, áp xe quanh trực tràng, u nang lông… Vì thế người bệnh cần thăm khám để xác định đúng nguyên nhân gây đau và điều trị đúng cách.
Đau ở mông là bị gì?
Vùng mông chủ yếu được cấu tạo bởi cơ và các mô mỡ. Khi có chấn thương, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhói hoặc đau âm ỉ tại khu vực này, kèm theo vết bầm do ứ huyết, khó ngồi xuống, di chuyển và đứng lên từ ghế.
Tuy nhiên những bệnh lý, vấn đề từ các cơ quan hay khớp xương bên trong (xương chậu, xương cụt, cột sống thắt lưng…) cũng có thể khiến vùng mông đau nhói kèm theo nhiều biểu hiện khác. Cụ thể đau ở mông do bệnh lý thường có xu hướng lan rộng sang hai bên hông, xuống chi kèm theo tê yếu và khó vận động.
Triệu chứng đau ở mông
Đặc điểm của cơn đau ở mông:
- Đau nhói hoặc âm ỉ kéo dài
- Có cảm giác nặng và khó chịu sâu trong xương và cơ
- Cảm thấy dễ chịu hơn khi nằm sấp hoặc nằm nghiêng
- Cảm thấy khó chịu và đau nhiều hơn khi ngồi, đứng dậy từ ghế, đi lại nhiều và vận động mạnh
- Đau như điện giật khi ấn vào vị trí tổn thương
- Hạn chế khả năng đi lại và vận động
- Đau lan rộng từ mông sang hai bên hông và xuống chi kèm theo tê yếu
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau, người bệnh có thể gặp thêm một số triệu chứng khác, bao gồm:
- Sưng đỏ hoặc có vết bầm tím tại khu vực tổn thương
- Tê buốt
- Giảm cảm giác
- Yếu ở chi
- Có cảm giác châm chích khó chịu
Nguyên nhân gây đau ở mông
Đau ở mông xảy ra do nhiều nguyên nhân. Cơn đau có thể phát sinh từ những nguyên nhân đơn giản như chấn thương, căng cơ hoặc những nguyên nhân phức tạp và nghiêm trọng hơn như nhiễm trùng thoái hóa khớp, viêm khớp…
- Bầm tím
Bầm tím do chấn thương là nguyên nhân gây đau ở mông phổ biến nhất. Khi vấp ngã hoặc va đập mạnh, mạch máu sẽ bị tổn thương dẫn đến xuất huyết dưới da và hình thành nền màu xanh/ tím/ đen của vết bầm.
Lúc này người bệnh sẽ có cảm giác đau nhói khó chịu, đau nhiều hơn khi ấn vào kèm theo sưng, sờ thấy nóng tại vùng da xung quanh. Đau mông và bầm tím do chấn thương thường không nghiêm trọng. Các triệu chứng có thể giảm và tự khỏi sau vài ngày.
- Căng cơ
Căng cơ mông tạo ra cảm giác đau nhói ở mông tương tự như chuột rút. Tình trạng này thường xảy ra do người bệnh đột ngột thay đổi tư thế, không vận động làm nóng cơ thể trước khi tập thể dục, lặp đi lặp lại các động tác làm tăng áp lực lên vùng mông hoặc vận động mạnh.
Đau ở mông do căng cơ thường kèm theo cảm giác căng cứng và khó cử động, sưng tấy. Nếu không được xoa dịu bằng các biện pháp, tình trạng căng thẳng quá mức có thể khiến cơ bị rách.
- Đau thần kinh tọa
Dây thần kinh bắt đầu từ thắt lưng, dọc xuống mông, cẳng chân và bàn chân. Vì thế khi có tổn thương dây thần kinh tọa, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhiều ở vùng thắt lưng và mông, cơn đau chạy dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa và đến chân.
Đau ở mông do đau thần kinh tọa thường đi kèm đi kèm với cảm giác châm chích, tê và yếu ở các chi. Điều này khiến bệnh nhân khó vận động và tăng nguy cơ teo cơ chân. Có nhiều nguyên nhân gây đau thần kinh tọa. Tuy nhiên các nguyên nhân phổ biến gồm thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, chấn thương, thoái hóa cột sống lưng khiến dây thần kinh tọa bị chèn ép và tổn thương.
- Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau ở mông và lan rộng sang nhiều vị trí khác. Bệnh lý này xảy ra khi bao xơ hoặc vòng ngoài của đĩa đệm bị rách/ nứt, nhân nhầy thoát ra ngoài chèn ép và gây tổn thương dây thần kinh. Từ đó tạo ra những cơn đau nhức nghiêm trọng ở mông và lưng kèm theo tê yếu, khó vận động.
Bệnh thường gặp ở những người có đĩa đệm thoái hóa, chấn thương, vận động quá mức hoặc hoạt động thể lực mạnh.
- Hội chứng Piriformis
Cơ Piriformis bắt đầu từ lưng dưới chạy dọc lên đỉnh đùi. Khi lặp đi lặp lại một chuyển động hoặc có chấn thương va đập mạnh, cơ Piriformis sẽ bị viêm và chèn ép lên dây thần kinh tọa. Điều này làm phát sinh những cơn đau nhức ở mông, lan rộng xuống chân kèm theo cảm giác ngứa ran và tê bì.
- U nang lông
U nang là một túi rỗng. Tùy thuộc vào từng trường hợp, chúng có thể chứa dịch hoặc chứa những mảnh da và lông nhỏ. U nang lông xảy ra khi lông mọc ngược và phát triển ở khe giữa mông. Chúng không chỉ gây đau nhức mà còn khiến da ửng đỏ, bên trong có máu hoặc mủ và phát ra mùi hôi thối khó chịu.
- Thoái hóa cột sống lưng
Thoái hóa cột sống lưng xảy ra khi các đĩa đệm cùng sụn khớp ở vùng cột sống thắt lưng bị hao mòn theo thời gian. Lúc này gai xương có xu hướng hình thành trên đốt của cột sống (dựa trên nguyên tắc bù đắp của cơ thể), chèn ép vào dây thần kinh, mạch máu và dây chằng xung quanh.
Thoái hóa khiến bệnh nhân thường xuyên có cảm giác đau nhức ở lưng dưới, mông và đùi trên. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc đau nhói kèm theo tê yếu và ngứa ran ở chân. Tình trạng này khiến bệnh nhân khó thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và đi lại. Đối với những trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể bị mất kiểm soát bàng quang và ruột.
- Áp xe quanh trực tràng
Áp xe quanh trực tràng phát triển do nhiễm trùng lây lan. Bệnh lý này tạo ra những cơn đau, khó chịu ở mông kèm ứ mủ, sưng và nhức nhối. Đối với áp xe quanh trực tràng, người bệnh cần được điều trị sớm để tránh hoại tử và phát sinh ra những vấn đề nghiêm trọng khác.
- Viêm bao hoạt dịch
Mặc dù hiếm gặp nhưng bao hoạt dịch ở mông có thể bị viêm và gây ra những cơn đau nhức khó chịu tại khu vực bị ảnh hưởng. Mức độ đau thường tăng dần theo thời gian, đau nhiều hơn khi ngồi hoặc vận động.
- Viêm khớp xương cùng
Khớp xương cùng là một phần của xương chậu, hình tam giác và nằm dưới đáy cột sống. Khi có chấn thương hoặc nhiễm trùng, khớp này có thể viêm và tạo ra những cơn đau nhức dữ dội ở mông. Đối với những trường hợp nặng, cơn đau có thể lan rộng lên vùng thắt lưng và xuống chân.
- Tắc nghẽn mạch máu
Đau ở mông có thể xảy ra khi mạch máu bị tắc nghẽn khiến khí huyết không thể lưu thông đến mông và hai chi dưới. Cơn đau thường kèm theo cảm giác tê bì và khó chịu. Tuy nhiên các triệu chứng có thể nhanh chóng thuyên giảm khi người bệnh đi lại hoặc vận động nhẹ nhàng giúp khí huyết lưu thông.
- Viêm khớp xương
Tình trạng viêm sưng tại các xương và khớp gần mông (xương cụt, khớp hông, xương chậu) thường tạo ra cảm giác đau nhức và giảm khả năng vận động của người bệnh.
- Đau xương cụt
Đau xương cụt xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chủ yếu do chấn thương, tổn thương khớp, ngồi trên bề mặt cứng, thoái hóa và mang thai. Tình trạng này thường tạo cảm giác căng và đau ở mông kèm theo tê và giảm cảm giác. Để cải thiện, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc tại nhà hoặc dùng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ.
Đau ở mông có nguy hiểm không?
Đau ở mông thường không nguy hiểm do phần lớn các trường hợp đều xảy ra do chấn thương và căng cơ. Cơn đau có thể tự thuyên giảm và mất dần theo thời gian hoặc khi thực hiện các biện pháp giảm đau không dùng thuốc.
Tuy nhiên đau mông do bệnh lý thường khá nghiêm trọng. Cơn đau có xu hướng tái diễn nhiều lần, tăng dần mức độ theo thời gian và kèm theo nhiều biểu hiện nghiêm trọng khác. Để cải thiện, người bệnh cần tiến hành điều trị nguyên nhân kèm theo các biện pháp giảm đau.
Đối với những trường hợp không sớm điều trị, đau ở mông do bệnh lý có thể gây ra một số vấn đề sau:
- Yếu chi
- Teo cơ
- Giảm khả năng vận động
- Mất cảm giác
- Mất khả năng kiểm soát ruột và bàng quang
- Tăng nguy cơ liệt
- Nhiễm trùng lan rộng và hoại tử
- Đau mãn tính
Đau ở mông – Khi nào cần gặp bác sĩ?
Người bệnh cần gặp bác sĩ chuyên khoa khi đau ở mông kèm theo những biểu hiện bất thường, điển hình như:
- Sốt cao
- Rỉ mủ và máu
- Đau nhức tái phát nhiều lần
- Yếu chi
- Giảm khả năng vận động
- Rối loạn cảm giác
- Tê và châm chích ở các chi
- Khó hoặc mất khả năng kiểm soát ruột và bàng quang
- Đau nhức lan rộng từ thắt lưng xuống chân
- Chỉ đau khi đi bộ hoặc vận động
Ngoài ra người bệnh cũng nên thăm khám khi đau mông liên tục ba ngày, đau dữ dội làm ảnh hưởng đến đến khả năng vận động và giấc ngủ. Khi đến bệnh viện, người bệnh sẽ được thăm khám và hướng dẫn điều trị cụ thể.
Chẩn đoán đau ở mông
Thông thường đau ở mông sẽ được chẩn đoán dựa trên những biểu hiện lâm sàng và tổn thương thực thể của xương/ mô mềm thông qua một số kỹ thuật. Cụ thể:
1. Chẩn đoán lâm sàng
- Xác định vị trí đau, khu vực bị sưng hoặc có vết bầm tím
- Kiểm tra mức độ nghiêm trọng của cơn đau và các khu vực bị ảnh hưởng (thắt lưng, hông, đùi và cẳng chân)
- Kiểm tra khả năng di chuyển và vận động của bệnh nhân
- Kiểm tra phạm vi mở rộng của các khớp liên quan (các khớp thuộc khung xương chậu và cột sống)
- Kiểm tra triệu chứng khác như ứ mủ, tê, yếu chi, cảm giác châm chích, giảm khả năng vận động, rối loạn chức năng vùng xương chậu…)
- Kiểm tra các biểu hiện toàn thân (nếu có), gồm: Sốt, cơ thể mệt mỏi, suy nhược, ảnh hưởng đến giấc ngủ…)
Ngoài ra người bệnh sẽ được kiểm tra chấn thương và tiền sử bệnh để xác định nguyên nhân gây đau.
2. Kiểm tra cận lâm sàng
Một số kỹ thuật được chỉ định trong quá trình chẩn đoán nguyên nhân gây đau ở mông:
- Chụp X-quang: X-quang cho phép kỹ thuật viên kiểm tra bất thường ở khung xương chậu, xương cụt và cột sống. Từ đó xác định các vết nứt/ gãy, gai xương, tổn thương đĩa đệm.
- Chụp MRI: Kỹ thuật này giúp kiểm tra sâu hơn về các mô mềm, nhân nhầy thoát vị, đĩa đệm thoái hóa, tình trạng viêm, nhiễm trùng, áp xe và khối u.
- Chụp CT: CT cung cấp hình ảnh đa chiều, giúp tìm kiếm và xác định mức độ nghiêm trọng của những tổn thương sâu và khó tìm thấy hơn.
- Siêu âm: Kiểm tra kích thước của áp xe, khối u, mô mềm tổn thương do viêm nhiễm. Đồng thời xác định hướng điều trị thích hợp.
Điều trị đau ở hông
Để điều trị đúng cách và sớm khắc phục đau ở mông, người bệnh cần xác định chính xác nguyên nhân gây đau. Sau đó tuân thủ các biện pháp điều trị nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Một số biện pháp thường được áp dụng:
1. Biện pháp giảm đau tại nhà
Đối với những trường hợp bầm tím và đau ở mông do chấn thương hoặc căng cơ, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp giảm đau dưới đây:
+ Chườm đá
Chườm đá được dùng cho những trường hợp bị đau và sưng do chấn thương. Biện pháp này có tác dụng gây tê, giảm đau, co mạch và giảm sưng. Ngoài ra chườm đá còn có tác dụng giảm viêm hiệu quả.
Hướng dẫn chườm đá:
- Chườm ngay trong 72 giờ đầu sau chấn thương
- Dùng khăn tắm bọc một vài viên đá lạnh
- Áp lên khu vực bị sưng và đau
- Giữ trong 15 phút
- Lặp lại 3 lần mỗi ngày.
+ Chườm ấm
Nhiệt độ cao từ túi chườm có tác dụng tăng lưu thông khí huyết nhờ khả năng giãn mạch. Điều này giúp cải thiện những tổn thương ở sụn và khớp xương do bệnh lý, chấn thương. Ngoài ra biện pháp chườm ấm còn có tác dụng giảm đau, hỗ trợ giảm viêm, thư giãn cơ, dây chằng và dây thần kinh. Đồng thời tăng phạm vi chuyển động của các khớp, hạn chế co cứng.
Biện pháp chườm ấm phù hợp với những bệnh nhân bị đau vùng mông do căng cơ, chấn thương, đau thần kinh tọa và một số bệnh xương khớp.
Hướng dẫn chườm ấm:
- Rót một ít nước ấm (60 độ C) vào chai thủy tinh hoặc túi chườm
- Chườm lên toàn bộ vùng mông để giảm đau
- Giữ trong 20 phút
- Thực hiện 4 lần mỗi ngày.
+ Massage vùng mông
Massage vùng mông là một trong những biện pháp giảm đau hiệu quả, nên được áp dụng mỗi ngày. Biện pháp này có tác dụng làm dịu cơn đau, giảm áp lực lên dây thần kinh, hạn chế căng cơ và thư giãn các khớp xương.
Ngoài ra massage vùng mông mỗi ngày còn giúp máu huyết lưu thông, đánh tan huyết ứ, hạn chế tê bì, châm chích và cứng khớp. Từ đó tăng khả năng vận động và cải thiện tính linh hoạt giữa các khớp.
+ Nghỉ ngơi hợp lý
Người bệnh không nên mang vác vật nặng, làm việc gắng sức, ngồi lâu hoặc đi lại nhiều trong thời gian điều trị. Thay vào đó bạn cần nghỉ ngơi hợp lý, nên nằm nghiêng nếu cơn đau dai dẳng. Điều này có thể giúp các khớp xương thư giãn và làm dịu cảm giác đau nhức hiệu quả.
+ Vận động nhẹ nhàng
Nếu cơn đau thuyên giảm sau vài giờ nghỉ ngơi, bạn có thể vận động với các bài tập có cường độ thích hợp và đi lại nhẹ nhàng. Biện pháp này sẽ giúp hạn chế tình trạng cứng khớp, giảm nguy tái phát cơn đau và tăng tính linh hoạt của các khớp xương.
Ngoài ra vận động mỗi ngày còn giúp hạn chế tình trạng căng cơ, giảm căng thẳng ở các khớp, duy trì trọng lượng khỏe mạnh, giảm áp lực lên các khớp xương.
+ Ăn uống đủ chất
Người bệnh cần ăn uống đều độ, tăng cường bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để thúc đẩy quá trình phục hồi tổn thương, nâng cao độ bền của các khớp xương, tăng khả năng chống chịu và tính linh hoạt cho các khớp gần mông. Từ đó hạn chế đau xương hệ quả.
Ngoài ra thường xuyên ăn thực phẩm giàu protein, canxi và vitamin không chỉ giúp bạn xây dựng hệ xương khỏe mạnh mà còn tăng cường sức cơ, nâng cao sức khỏe, sức đề kháng và khả năng chống viêm của cơ thể. Điều này giúp hỗ trợ điều trị các bệnh viêm nhiễm và bệnh về xương khớp.
Bên cạnh ăn uống đủ chất, bạn nên uống đủ 2,5 lít nước mỗi ngày để tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, thải độc và thanh nhiệt cơ thể.
2. Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị đau ở mông gồm:
+ Paracetamol
Paracetamol được sử dụng cho những trường hợp có cơn đau từ nhẹ đến trung bình, nguyên nhân gây đau không quá nghiêm trọng. Công dụng chính của thuốc gồm giảm đau và hạ sốt. Việc sử dụng đúng cách có thể mang đến hiệu quả sau liều dùng đầu tiên.
+ Thuốc giảm đau chống viêm không steroid
Ibuprofen, Aspirin, Naproxen… là những thuốc giảm đau chống viêm không steroid thường được dùng trong điều trị đau ở mông do viêm xương khớp. Nhóm thuốc này có tác dụng giảm viêm và giảm đau ở mức trung bình.
+ Thuốc giãn cơ
Nhóm thuốc này được dùng cho những trường hợp căng cơ dẫn đến đau ở mông. Thuốc có tác dụng thư giãn các cơ, giảm đau và cải thiện khả năng vận động cho người bệnh.
+ Thuốc kháng sinh
Nếu đau mông do áp xe quanh trực tràng hoặc nhiễm trùng, người bệnh sẽ được yêu cầu sử dụng thuốc kháng sinh chứa hoạt chất phù hợp. Thuốc này có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và dự phòng tái phát.
+ Corticosteroid
Corticosteroid dạng tiêm hoặc viên uống sẽ được dùng cho trường hợp nặng, không có đáp ứng với những nhóm thuốc giảm đau và kháng viêm nêu trên. Thuốc này có tác dụng chống viêm nhanh và cải thiện cải giác đau nhức cho người bệnh.
Lưu ý: Bác sĩ có thể chỉ định thêm một số loại thuốc khác dựa trên tình trạng và nguyên nhân.
3. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu thường được chỉ định với mục đích giảm đau và phục hồi chức năng. Biện pháp này có tác dụng thư giãn các cơ, hạn chế cứ khớp, tăng phạm vi chuyển động và độ linh hoạt cho người bệnh.
Ngoài ra vật lý trị liệu còn có tác dụng hỗ trợ giải nén dây thần kinh, duy trì khả năng vận động, chống teo cơ. Đồng thời giãn mạch, tăng tuần hoàn khí huyết, hỗ trợ quá trình chữa lành sụn, đĩa đệm và các khớp xương.
Thông thường vật lý trị liệu sẽ được sử dụng để thay thế hoặc kết hợp với thuốc.
4. Phẫu thuật
Thông thường phương pháp phẫu thuật điều trị đau ở mông sẽ được chỉ định cho những trường hợp sau:
- Có gãy xương
- Không thể giải nén dây thần kinh bằng các biện pháp thông thường
- Vỡ đĩa đệm
- Sai khớp
- Ổ áp xe lớn
- Tổn thương không thể phục hồi khiến đau nhức nghiêm trọng và kéo dài trên 12 tuần
- Thất bại khi điều trị với các biện pháp bảo tồn
Tùy thuộc vào tình trạng, người bệnh sẽ được phẫu thuật với các mục đích sau:
- Giải nén dây thần kinh
- Thay đĩa đệm
- Loại bỏ ổ áp xe và phòng ngừa tái phát
- Điều chỉnh xương gãy
- Điều chỉnh khớp xương sai lệch
Nhìn chung đau ở mông xảy ra do nhiều nguyên nhân nhưng hầu hết các trường hợp là do chấn thương bầm tím và căng cơ. Cơn đau có thể tự khỏi sau một thời gian hoặc cải thiện bằng các biện pháp giảm đau tại nhà.
Tuy nhiên nếu cơn đau xảy ra do những nguyên nhân nghiêm trọng hơn hoặc đau dai dẳng kéo dài, người bệnh nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được tiến hành kiểm tra và điều trị với phác đồ thích hợp hơn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!