Gai Xương

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Phạm Thị Minh Dương | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Gai xương là một tình trạng phổ biến ở những người trên 50 tuổi, thường gây ảnh hưởng đến đầu gối, xương sống và hông. Hầu hết các trường hợp, gai xương không nghiêm trọng và có thể không cần điều trị.

Gai xương
Gai xương là tình trạng phát triển các mô nhỏ nhô ra ở các đầu xương

Gai xương là gì?

Gai xương là thuật ngữ chỉ các khối u nhỏ, nhẵn, nhô ra được hình thành ở các đầu xương. Tình trạng này thường gây ảnh hưởng đến các khớp, nơi các xương gặp nhau. Tuy nhiên đôi khi gai cũng có thể hình thành trên xương cột sống, được gọi gai cột sống.

Ngoài ra, các gai có thể hình thành trên nhiều bộ phận cơ thể khác nhau, chẳng hạn như:

  • Bàn tay
  • Vai
  • Cổ
  • Xương cột sống
  • Hông
  • Đầu gối
  • Bàn chân, đặc biệt là gót chân

Gai xương là một tình trạng bình thường khi cơ thể lão hóa. Trên thực tế, đôi khi gai cột sống được xem là tình trạng bình thường khi chụp X – quang hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) ở người lớn tuổi.

Hầu hết các gai xương không gây ra triệu chứng và không được phát hiện trong nhiều năm và có thể không cần điều trị. Tuy nhiên đôi khi gai có thể cọ xát với các xương khác hoặc đè lên các dây thần kinh, dẫn đến đau lưng và cứng khớp.

Các biện pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản, vị trí gai, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe và điều kiện cơ bản của người bệnh.

Triệu chứng và dấu hiệu gai xương

Hầu hết các trường hợp gai xương không dẫn đến các dấu hiệu và triệu chứng nhận biết. Người bệnh có thể phát hiện tình trạng bệnh thông quá các xét nghiệm hình ảnh (chụp X – quang hoặc MRI) khi chẩn đoán các bệnh lý khác. Tuy nhiên trong một số trường hợp, gai xương có thể gây đau và mất chuyển động ở khớp.

Các triệu chứng gai xương thường có một số đặc điểm như:

  • Phát triển chậm theo thời gian
  • Trở nên nghiêm trọng hơn khi thực hiện một số hoạt động
  • Được cải thiện khi nghỉ ngơi

Ngoài ra, các triệu chứng phụ thuộc vào vị trí cụ thể của gai xương, chẳng hạn như:

Cột sống cổ:

  • Đau đớn âm ỉ hoặc nhức mỏi cổ và được cải thiện khi nghỉ ngơi
  • Đau ở một bên hoặc cả hai vai
  • Đau, tê hoặc ngứa ran ở một hoặc cả hai cánh tay
  • Yếu các chi trên
  • Nhức đầu bắt đầu từ các cơn đau âm ỉ từ phía sau hoặc một bên cổ và di chuyển đến đầu

Ngoài ra, tê ngứa ran và yếu ở cả vai, cánh tay hoặc bàn tay có thể là dấu hiệu của chứng hẹp ống sống. Tình trạng này thường liên quan đến gai xương ở vai.

Gai cột sống
Gai cột sống có thể gây đau lưng dưới khi đứng hoặc đi bộ

Cột sống thắt lưng:

  • Đau lưng dưới khi đứng hoặc đi bộ
  • Đau, tê hoặc ngứa ran ở mông và mặt sau của một hoặc hai bên đùi
  • Yếu một hoặc cả hai chân
  • Giảm đau khi cúi người về phía trước và uốn cong ở thắt lưng, chẳng hạn như tư thế cúi xuống xe đẩy hàng hoặc chống gậy

Trong một số trường hợp nghiêm trọng, gai cột sống lưng dưới có thể gây hẹp ống sống và dẫn đến đại tiện không tự chủ hoặc mất kiểm soát bàng quang.

Đầu gối:

  • Đau đầu gối khi duỗi thẳng hoặc gập chân

Hông:

  • Đau xương hông khi cử động hông
  • Đau đầu gối
  • Hạn chế phạm vi chuyển động của khớp háng

Các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi tập thể dục hoặc cố gắng di chuyển khớp bị ảnh hưởng. Ngoài ra, đôi khi gai xương có thể bị gãy và kẹt lại ở lớp niêm mạc khớp. Điều này có thể gây khóa khớp và khó cử động.

Nguyên nhân gây gai xương

Nguyên nhân phổ biến nhất của gai xương là viêm xương khớp, tình trạng này xảy ra khi các khớp bị hao mòn theo thời gian. Viêm xương khớp thường có xu hướng ảnh hưởng đến người lớn tuổi nhưng thường phổ biến ở những người bị chấn thương thể thao, tai nạn hoặc các nguyên nhân khác.

Ở người bệnh viêm khớp, sụn ở cuối xương thường bị mòn (sụn là mô mềm kết nối và đệm xương trong khớp). Trong trường hợp này, cơ thể có thể cố gắng chữa lành các tổn thương bằng cách tạo ra các gai xương.

Gai cột sống thường được hình thành khi các đĩa đệm hao mòn theo thời gian. Ngoài ra, người bệnh thoát vị đĩa đệm có nguy cơ phát triển gai xương cao hơn những người khác.

Gai xương khớp là gì
Thoái hóa xương khớp tự nhiên là nguyên nhân phổ biến có thể gây hình thành gai xương

Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác có thể làm tăng nguy cơ hình thành các gai xương bao gồm:

  • Lạm dụng quá mức, chẳng hạn như chạy nhảy nhiều trong một thời gian dài
  • Gen di truyền
  • Chế độ ăn uống không phù hợp
  • Béo phì
  • Các vấn đề xương khớp bẩm sinh
  • Hẹp ống sống hoặc thu hẹp cột sống

Yếu tố nguy cơ gây viêm cột sống

Lão hóa là yếu tố nguy cơ lớn nhất có thể gây gai xương. Theo thời gian, các khớp đều bị hao mòn theo thời gian, điều này làm tăng nguy cơ hình thành gai.

Nguy cơ phát triển các gai xương cũng cao hơn đối với những người có chứng vẹo cột sống (cột sống cong). Bên cạnh đó, tư thế sai cũng làm tăng nguy cơ hình thành các gai xương.

Chẩn đoán gai xương

Gai xương không gây triệu chứng thường không được chẩn đoán và có thể không cần điều trị. Nếu người bệnh bị đau khớp do gai xương, người bệnh có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy các khối u nhỏ bên dưới da. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp người bệnh không thể xác định được nguyên nhân của cơn đau.

Để chẩn đoán xác định tình trạng gai xương, bác sĩ có thể thực hiện các kiểm tra như:

  • Kiểm tra lâm sàng: Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện các cử động nhất định để kiểm tra phạm vi chuyển động của cột sống và đánh giá chức năng thần kinh.
  • Chụp X – quang: Bác sĩ có thể đề nghị chụp X – quang cột sống để kiểm tra sự hình thành xương và các dấu hiệu thoái hóa cột sống. Chụp X – quang là bước chẩn đoán ban đầu, nếu cần thiết bác sĩ có thể đề nghị chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Đây là xét nghiệm hình ảnh có thể đánh giá chính xác giải phẫu xương, đặc biệt là cột sống đã được phẫu thuật trước đó. Hình ảnh CT scan có thể cung cấp nhiều mặt cắt ngang của cơ thể và hỗ trợ quá trình chẩn đoán gai xương.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Hình ảnh MRI thường được chỉ định để quan sát các mô mềm như đĩa đệm, rễ thần kinh, cơ, dây chằng, gân và sụn.
  • Kiểm tra điện cơ: Bác sĩ có thể đề nghị đo điện cơ để xác nhận vị trí và đánh giá mức độ nghiêm trọng của các chấn thương thần kinh.

Trong một số trường hợp, các gai xương có thể được nhìn thấy trên các xét nghiệm hình ảnh. Tuy nhiên gai xương có thể không phải là nguyên nhân gây đau. Do đó, bác sĩ có thể đề nghị một số chẩn đoán chuyên môn khác và có kế hoạch điều trị phù hợp.

Biện pháp điều trị gai xương

Gai xương không gây đau có thể không cần điều trị. Nếu tình trạng bệnh gây đau hoặc các triệu chứng khác, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp điều trị như:

1. Điều trị không phẫu thuật

Hầu hết các trường hợp gai xương gây chèn ép dây thần kinh ở mức độ nhẹ hoặc trung bình có thể được điều trị mà không cần phẫu thuật. Mục tiêu điều trị không phẫu thuật là giảm viêm và đau. Cụ thể các biện pháp bao gồm:

điều trị gai xương
Hầu hết các trường hợp gai xương được điều trị bằng phương pháp không phẫu thuật
  • Thuốc: Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị gai xương bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và thuốc giãn cơ. Tuy nhiên thuốc có thể dẫn đến một số tác dụng không mong muốn, đặc biệt là đối với người có bệnh dạ dày.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi: Các hoạt động thể chất quá mức có thể khiến các triệu chứng viêm khớp trở nên nghiêm trọng và gây đau đớn. Do đó, dành thời gian nghỉ ngơi có thể ngăn ngừa tình trạng viêm và giảm đau.
  • Vật lý trị liệu: Các bài tập vật lý trị liệu, tập thể dục và các thao tác (được thực hiện bởi bác sĩ chỉnh hình hoặc nhà vật lý trị liệu) có thể hỗ trợ giảm đau liên quan đến các gai xương. Ngoài ra, các liệu pháp phục hồi chức năng này có thể hỗ trợ khôi phục sự linh hoạt và sức mạnh cho cột sống, cải thiện tư thế và giảm chèn ép lên các dây thần kinh.
  • Chỉnh hình cột sống: Nếu cơn đau và tình trạng viêm do gai xương liên quan đến các chuyển động bất thường ở cột sống, bác sĩ có thể đề nghị chỉnh hình cột sống để cải thiện các triệu chứng. Bác sĩ nắn xương hoặc nhà vật lý trị liệu có thể sử dụng tay hoặc các dụng cụ nhỏ để tác động lên các đốt sống để cải thiện các điều kiện cột sống. Mục đích của biện pháp này là tăng phạm vi chuyển động, giảm kích thích thần kinh và cải thiện chức năng.
  • Giảm cân: Giảm trọng lượng dư thừa có thể làm giảm áp lực lên cột sống, giảm ma sát giữa các khớp đốt sống và giảm nguy cơ bị đau. Ngoài ra, duy trì trọng lượng khỏe mạnh có thể giảm áp lực lên lưng dưới và ngăn ngừa các cơn đau lưng.
  • Tiêm thuốc vào cột sống: Tiêm thuốc vào cột sống có thể giảm viêm và giảm đau cột sống hiệu quả. Một mũi tiêm có thể không thể giảm đau hoàn toàn nhưng có thể giúp người bệnh có thời gian phục hồi các tổn thương.

Nếu các phương pháp điều trị không phẫu thuật không mang lại hiệu quả điều trị, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để ngăn ngừa các rủi ro liên quan.

2. Phẫu thuật

Phẫu thuật điều trị gai xương được đề nghị cho trường hợp khi các gai gây chèn ép các dây thần kinh hoặc tủy sống bị chèn ép và gây đau đớn nghiêm trọng. Phẫu thuật thường bao gồm loại bỏ các mô dư thừa để giảm áp lực lên tủy sống hoặc rễ thần kinh.

Việc phẫu thuật thường dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, sức khỏe tổng thể của người bệnh và khả năng phục hồi chức năng sau phẫu thuật. Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ về các rủi ro và hiệu quả sau khi điều trị để được hướng dẫn cụ thể.

Phòng ngừa gai xương

Không có biện pháp phòng ngừa gai xương, đặc biệt là gai xương do thoái hóa tự nhiên và các bệnh viêm khớp. Tuy nhiên người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp phòng ngừa các nguy cơ, chặng hạn như:

  • Đi giày phù hợp, có thể hỗ trợ chân khi di chuyển và sử dụng giày chuyên dụng cho các hoạt động thể thao. Mang tất khi đi giày để không gây cọ xát gót chân.
  • Thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhiều canxi và vitamin D để tăng cường sức khỏe xương khớp.
  • Thường xuyên thực hiện các bài tập tăng cường sức chịu đựng như đi bộ hoặc leo cầu thang để giữ xương luôn chắc khỏe.
  • Giảm cân nếu thừa cân và giữ cân nặng khỏe mạnh.

Đến bệnh viện và trao đổi với bác sĩ chuyên môn nếu có bất cứ vấn đề nào về khớp, chẳng hạn như đau, sưng, viêm hoặc cứng khớp. Phát hiện và điều trị sớm các vấn đề viêm khớp là cách tốt nhất để ngăn ngừa các tổn thương có thể dẫn đến gai xương.

Thông tin thêm: Gai khớp gối: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua