Đau Thắt Lưng

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Lê Hữu Tuấn | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Đau thắt lưng là tình trạng phổ biến gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống thường ngày. Hầu hết các cơn đau liên quan tới chấn thương hay do hoạt động sai tư thế. Một số trường hợp còn liên quan đến các vấn đề bệnh lý cần sớm được điều trị.

đau thắt lưng
Tình trạng đau thắt lưng đang gây ra phiền toái cho cuộc sống của rất nhiều người

Tổng quan về tình trạng đau thắt lưng

Đau thắt lưng hay còn gọi là đau lưng dưới (Low back pain). Đây là hội chứng do đau khu trú trong phạm vi khoảng từ ngang mức L1 tới nếp lằn mông. Tình trạng đau có thể diễn ra tại 1 hoặc cả 2 bên.

Các chuyên gia cho biết, đây là hội chứng xương khớp thường gặp nhất trong thực hành lâm sàng. Số liệu thống kê cho thấy, có khoảng 65 – 80% người trưởng thành trong cộng đồng bị đau cột sống thắt lưng cấp tính hay từng đợt một vài lần trong cuộc đời. Và có khoảng 10% trong số này bị chuyển thành đau cột sống thắt lưng mạn tính.

Theo Viện Quốc gia Hoa Kỳ về Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ (NINDS) thì đau thắt lưng chính là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra khuyết tật liên quan tới công việc. Có khoảng ít nhất 80% người Mỹ sẽ bị đau thắt lưng một vài lần trong đời.

Thông thường, hầu hết các cơn đau lưng dưới là kết quả của 1 chấn thương. Điển hình như bong gân hay căng cơ do chuyển động đột ngột hay do nâng vật nặng không đúng tư thế.

Tuy nhiên, tình trạng đau thắt lưng có thể là hệ quả khi mắc một số bệnh lý, bao gồm:

  • Ung thư tủy sống
  • Đau thần kinh tọa
  • Vỡ hay thoát vị 1 đĩa đệm
  • Viêm khớp
  • Nhiễm trùng cột sống
  • Nhiễm trùng thận

Tình trạng đau thắt lưng cấp tính có thể kéo dài từ vài ngày cho tới vài tuần. Trong khi đó, các cơn đau mãn tính thường kéo dài trong suốt hơn 3 tháng.

Số liệu thống kê ghi nhận, tình trạng đau lưng dưới thường xảy ra phổ biến ở những người trong độ tuổi từ 30 đến 50. Điều này một phần là do ảnh hưởng của những thay đổi xảy ra trong cơ thể do lão hóa. Khi bạn càng già đi thì lượng chất lỏng giữa các đột sống trong cột sống càng bị giảm xuống.

Điều này có nghĩa là các đĩa đệm tại cột sống sẽ dễ bị kích thích hơn. Đồng thời bạn cũng mất đi một số trương lục cơ khiến cho vùng lưng dưới dễ bị chấn thương hơn. Đây là nguyên nhân lý giải vì sao tăng cường cơ lưng và sử dụng lực cơ tốt sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng đau thắt lưng.

Nguyên nhân gây ra tình trạng đau thắt lưng

Như đã đề cập, tình trạng đau thắt lưng liên quan tới rất nhiều yếu tố nguyên nhân. Trong đó có thể là:

1. Hoạt động quá mức và chấn thương

Các cơ và dây chằng ở vùng thắt lưng có thể bị kéo căng, thậm chí là bị rách do hoạt động quá mức. Lúc này, các triệu chứng phát sinh có thể là đau và cứng ở lưng dưới hay có thắt cơ. Việc nghỉ ngơi và áp dụng vật lý trị liệu chính là biện pháp có thể giúp hỗ trợ khắc phục.

nguyên nhân gây đau lưng dưới
Cơn đau lưng vùng thấp có thể kích hoạt do hoạt động quá mức khiến gân cơ bị giãn

Ngoài hoạt động quá mức thì chấn thương cũng có thể là nguyên nhân gây đau thắt lưng. Chấn thương là tình trạng rất khó tránh khỏi khi chơi thể thao, tham gia giao thông hay khi lao động.

Tình trạng chấn thương có thể khiến cho cột sống bị chèn ép quá mức. Hơn nữa còn là nguyên nhân gây ra tình trạng thoát vị đĩa đệm, chèn ép dây thần kinh. Từ đó làm kích hoạt những cơn đau nhức nhối ở vùng lưng dưới.

2. Độ cong bất thường của cột sống

Vẹo cột sống, ưỡn cột sống hay gù cột sống là tất cả những vấn đề gây ra độ cong bất thường của cột sống. Đây là những tình trạng bẩm sinh thường được chẩn đoán đầu tiên ở trẻ sơ sinh hay ở thanh thiếu niên. Độ cong bất thường của cột sống thường khiến tư thế bị sai và gây đau đớn vì nó tạo nhiều áp lực lên dây chằng, đốt sống, gân và cơ bắp.

3. Chấn thương đĩa đệm

Vì nhiều nguyên nhân khác nhau và các đĩa đệm ở cột sống thắt lưng rất dễ bị chấn thương. Nguy cơ này sẽ tăng lên theo từng độ tuổi. Chấn thương mặt ngoài của đĩa đệm có thể gây ra rách hay thoát vị.

Tình trạng thoát vị đĩa đệm sẽ gây ra chèn ép các rễ dây thần kinh. Từ đó làm phát sinh cơn đau tại vùng bị ảnh hưởng. Chấn thương đĩa đệm thường sẽ xảy ra đột ngột sau khi nâng vật nặng hay vặn lưng. Cơn đau do nguyên nhân này có thể kéo dài hơn 72 giờ.

4. Đau thần kinh tọa

Đau dây thần kinh tọa còn được gọi là đau thần kinh hông to. Triệu chứng đặc trưng của tình trạng này là cảm giác đau chạy dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Trong đó phổ biến bắt đầu từ vùng cột sống thắt lưng.

Tình trạng này rất dễ diễn ra khi thoát vị đĩa đệm gây ra sự chèn ép trực tiếp lên dây thần kinh tọa. Cơn đau thường lan tỏa từ vùng lưng dưới cho đến tận bàn chân. Triệu chứng đau còn đi kèm với cảm giác rất khó chịu, như bị kim châm.

vì sao bị đau thắt lưng
Tình trạng đau lưng dưới có thể liên quan tới cơn đau dây thần kinh tọa

5. Hẹp ống sống

Hẹp ống sống đề cập tới tình trạng cột sống bị thu hẹp lại. Từ đó gây ra nhiều áp lực lên tủy sống cùng các dây thần kinh cột sống.

Nguyên nhân gây hẹp ống sống thường gặp nhất là do thoái hóa các đĩa đệm nằm giữa các đốt sống. Điều này gây chèn ép tủy sống hoặc rễ dây thần kinh bởi các gai xương hay các mô mềm.

Áp lực đè nén lên các dây thần kinh có thể làm phát sinh rất nhiều triệu chứng. Điển hình như đau nhức, tê tái, chuột rút… Các triệu chứng này có thể kích hoạt trên phạm vi rộng và thường nặng nề nhất tại vùng thắt lưng.

6. Các bệnh lý khác

Mặc dù hiếm xảy ra những trong một số trường hợp, đau thắt lưng có thể liên quan tới các bệnh lý nghiêm trọng. Lúc này việc chăm sóc và điều trị y tế ngay lập tức là rất cần thiết.

Các nguyên nhân nghiêm trọng có thể bao gồm:

  • Xuất hiện khối u: Đây được cho là một trong những nguyên nhân khá hiếm gặp của tình trạng đau lưng dưới. Đa phần các khối u xuất hiện ở vùng lưng dưới đều là do ung thư di căn từ những nơi khác trong cơ thể.
  • Nhiễm trùng: Đây không phải là nguyên nhân phổ biến của tình trạng đau thắt lưng. Tuy nhiên nhiễm trùng có thể gây đau vùng lưng dưới nếu liên quan tới đốt sống. Có thể gặp khi bị viêm đĩa đệm, viêm tủy xương hay viêm khớp ở giữa cột sống và xương chậu.
  • Phình động mạch chủ bụng: Đề cập tới tình trạng giãn khu trú lòng mạch với đường kính của đoạn giãn lớn hơn 50% so với đường kính đoạn động mạch bình thường lân cận. Đau lưng là dấu hiệu dễ thấy khi tình trạng phình động mạch càng lớn. Lúc này còn tiềm ẩn nguy cơ vỡ rất nguy hiểm.
  • Hội chứng chùm đuôi ngựa: Hội chứng này xảy ra khi các rễ dây thần kinh tại chùm đuôi ngựa bị chèn ép. Điều này sẽ gây ra sự gián đoạn các chức năng vận động. Ngoài đau lưng dưới thì người bệnh còn có cảm giác khó chịu ở chi dưới và bàng quang. Đặc biệt còn có thể dẫn tới tình trạng tiểu không tự chủ hay tê liệt vĩnh viễn.
  • Sỏi thận: Đây cũng là bệnh lý có thể gây ra tình trạng đau nhói ở vùng thắt lưng. Tuy nhiên cơn đau do sỏi thận thường chỉ kích hoạt ở 1 bên.
  • Loãng xương: Bệnh lý này đặc trưng bởi sự suy giảm về mật độ cũng như chất lượng của xương. Ngoài gây đau nhức thì có thể dẫn tới gãy xương.
  • Bệnh viêm khớp: Liên quan tới tình trạng đau thắt lưng có thể là viêm khớp dạng thấp, viêm đốt sống, viêm cột sống…
  • Hội chứng Fibromyalgia: Đây là một tình trạng đau mãn tính ở trong dây chằng, gân, cơ và các tổ chức phần mềm của cơ thể. Đau nhức thường kèm theo các cảm giác mệt mỏi, mất ngủ hay trầm cảm. Tuy nhiên không ghi nhận tổn thương thực thể tại cơ, xương, khớp.
  • Lạc nội mạc tử cung: Là tình trạng gây đau thắt lưng khá thường gặp ở nữ giới. Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi nội mạc không nằm bên trong tử cung mà đi lạc vào trong buồng trứng, khoang bụng, trực tràng hay bàng quang.
nguyên nhân gây đau lưng vùng thấp
Trong một số trường hợp, đau thắt lưng là dấu hiệu cảnh báo bệnh sỏi thận

7. Yếu tố nguy cơ

Ngoài nguyên nhân bệnh lý thì một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ bị đau thắt lưng ở nhiều người. Phải kể đến như:

  • Vấn đề tuổi tác: Tình trạng đau thắt lưng có thể xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 30 – 50. Sau đó, càng về già thì triệu chứng đau nhức sẽ càng tăng lên. Điều này thường liên quan tới quá trình lão hóa chung của cơ thể.
  • Mang thai: Đau lưng dưới là tình trạng thường gặp ở phụ nữ mang thai. Đặc biệt là trong những tháng cuối của thai kỳ. Nguyên nhân là do ảnh hưởng từ sự thay đổi khung xương chậu để phù hợp với kích thước của thai nhi.
  • Tăng cân: Thừa cân, béo phì hay tăng cân nhanh sẽ tạo thêm nhiều áp lực cho vùng thắt lưng nói riêng và cột sống nói chung. Từ đó làm phát sinh tình trạng đau nhức.
  • Mức độ tập thể dục: Thực tế cho thấy, tình trạng đau lưng dưới diễn ra phổ biến hơn ở những người không tập thể dục thường xuyên. Lười biếng rèn luyện thể chất sẽ khiến cho cơ lưng và cơ bụng trở nên yếu đi. Từ đó sẽ hạn chế hỗ trợ cột sống trong việc nâng đỡ cơ thể.
  • Vấn đề di truyền: Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng, một số nguyên nhân gây đau thắt lưng có tính chất di truyền. Điển hình nhất là tình trạng viêm cột sống dính khớp.
  • Yếu tố nghề nghiệp: Thường xuyên phải mang vác nặng hay thực hiện các động tác vặn xoắn thắt lưng khi làm việc cũng làm tăng nguy cơ đau nhức. Ngoài ra những người làm công việc văn phòng chỉ ngồi một chỗ kéo dài cũng có nguy cơ cao bị đau lưng dưới.
  • Yếu tố tâm lý: Tình trạng căng thẳng, lo lắng có thể gây ảnh hưởng đến mức độ tập trung vào cơn đau. Từ đó làm nghiêm trọng thêm những cơn đau kích hoạt ở vùng thắt lưng.

Làm thế nào để chẩn đoán đau thắt lưng

Để xác định rõ nguyên nhân gây đau thắt lưng thì bác sĩ cần kết hợp kết quả của các chẩn đoán sau:

1. Chẩn đoán lâm sàng

– Đau thắt lưng do các nguyên nhân cơ học:

  • Trường hợp do giãn dây chằng quá mức: Cơn đau thường xuất hiện đột ngột sau khi hoạt động sai tư thế hay bê vật nặng, sau nhiễm lạnh hay do rung xóc khi đi xe đường dài. Tình trạng đau nhức thường kèm theo co cứng các khối cơ ở cạnh cột sống. Bác sĩ có thể dùng tay ấn dọc các mỏm gai sau hoặc vào khe liên đốt tại 2 bên cột sống để xác định điểm đau.
  • Trường hợp do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Thường có các biểu hiện của tình trạng đau thần kinh tọa. Cơn đau thường lan từ vùng thắt lưng xuống mông rồi xuống sau đùi và mặt trước cẳng chân…Trường hợp có chèn ép thì người bệnh rất dễ bị rối loạn cơ tròn. Lúc này, phản xạ của gân xương chi dưới thường sẽ bị giảm hoặc mất.

– Đau thắt lưng do 1 bệnh toàn thân:

Trường hợp cơn đau xuất hiện ở vùng lưng dưới liên quan đến bệnh toàn thân thì người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng khác đi kèm. Điển hình như sốt, dấu hiệu nhiễm trùng có thể do nhiễm khuẩn. Hay sút cân nhanh, đau tăng không đáp ứng với thuốc kháng viêm và giảm đau thông thương do ung thư. Còn đau dữ dội kèm theo dấu hiệu sốc, da xanh xao có thể do phình tách động mạch chủ bụng…

chẩn đoán nguyên nhân gây đau thắt lưng
Trường hợp đau thắt lưng kèm theo sốt có thể là do ảnh hưởng của nhiễm khuẩn

– Đau lưng dưới liên quan đến nguyên nhân tâm lý:

Đau thắt lưng xuất hiện sau các đợt stress, căng thẳng thường chuyển thành tình trạng đau có tính chất mạn tính và dai dẳng.

2. Chẩn đoán cận lâm sàng

– Trường hợp đau thắt lưng do nguyên nhân cơ học:

  • Các xét nghiệm phát hiện dấu hiệu viêm hay bilan phospho – calci đa phần ở trong giới hạn bình thường.
  • X-quang thường quy đa số là bình thường. Một số trường hợp có thể gặp hình ảnh khác. Điển hình như thoái hóa cột sống thắt lưng: hẹp các khe liên đốt, các gai xương ở thân đốt sống, đặc xương ở mâm đốt sống hay đôi khi có trượt thân đốt sống. Hình ảnh loãng xương: đốt sống có biểu hiện tăng thấu quang hay có lún xẹp. Ngoài ra còn có hình ảnh tổn thương thân đốt sống thuộc nhóm đau cột sống thắt lưng như ổ khuyết xương, vỡ thân đốt sống.
  • Chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng: Xét nghiệm cận lâm sàng này thường được chỉ định khi xuất hiện triệu chứng đau thần kinh tọa.

– Trường hợp đau lưng dưới là dấu hiệu của 1 bệnh toàn thân:

Ở trường hợp này, tùy thuộc vào nguyên nhân được định hướng mà bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Có thể là bilan lao, bilan ung thư hay bilan đa u tủy xương… nhằm xác định rõ nguyên nhân cụ thể.

3. Chẩn đoán xác định

Chẩn đoán xác định cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng. Điều cần thiết là phải chẩn đoán được nguyên nhân gây đau cột sống thắt lưng.

Dưới đây là một số tiêu chí giúp chẩn đoán xác định đau thắt lưng là do các nguyên nhân cơ học:

  • Đau tại vùng lưng dưới nhưng khi nghỉ ngơi cơn đau có xu hướng thuyên giảm.
  • Tình trạng toàn thân gần đây không có sự thay đổi. Người bệnh không bị sốt hay không gặp phải các rối loạn chức năng ở bất kỳ cơ quan nào. Không có các biểu hiện đau nhức tại các vùng cột sống khác.
  • Các xét nghiệm bilan phospho-calci và viêm đều cho kết quả âm tính.
  • X-quang cột sống thắt lưng bình thường hoặc có thể xuất hiện các triệu chứng của thoái hóa.

Trường hợp có càng nhiều các dấu hiệu nêu trên bất thường thì cần phải đi tìm nguyên nhân. Bác sĩ sẽ căn cứ vào từng gợi ý nguyên nhân để yêu cầu thực hiện các xét nghiệm tương ứng.

Các lựa chọn điều trị cho tình trạng đau thắt lưng

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau và mức độ đau mà bác sĩ sẽ cân nhắc phác đồ điều trị cho từng đối tượng người bệnh. Đối với các nguyên nhân cơ học thì nên kết hợp điều trị bằng thuốc với các biện pháp phục hồi chức năng, thay đổi lối sống để bảo vệ cột sống thắt lưng. Chú ý không lạm dụng điều trị ngoại khoa, nhất là với các cơn đau cấp tính hay bán cấp.

điều trị đau thắt lưng
Có thể dùng thuốc để hỗ trợ khắc phục các cơn đau thắt lưng ở dạng cấp tính

Lựa chọn điều trị cho các trường hợp bị đau thắt lưng có thể là:

1. Điều trị nội khoa

Với trường hợp bị đau thắt lưng cấp tính:

– Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs):

Chỉ nên lựa chọn 1 loại thuốc thuộc nhóm này. Cần căn cứ vào tình trạng đau và các nguy cơ liên quan đến đường tiêu hóa hay tim mạch của từng người bệnh. Cụ thể như sau:

  • Piroxicam 20mg hay meloxicam 15mg dùng tiêm bắp mỗi ngày 1 ống. Sau 2 – 3 ngày thì chuyển sang dùng dạng uống, 2 viên meloxicam 7,5mg hoặc 1 viên piroxicam 20mg.
  • Celecoxib 200mg: Dùng theo đường uống, 1 – 2 viên/ ngày tùy từng trường hợp.

– Paracetamol:

  • Dùng Paracetamol đơn lẻ với liều 0.5g x 4 – 6 viên trong vòng 24 giờ, chia đều làm 3 lần uống sau khi ăn. Chỉ được phép dùng tối đa 4000mg/ ngày.
  • Dùng Paracetamol kết hợp với các thuốc khác. Thường là tramadol hoặc codein. Liều lượng kết hợp còn tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ.

– Thuốc giãn cơ:

  • Dùng đường tiêm: Tolperisone 100-200mg trong vòng 24h, chia làm 2 lần tiêm.
  • Dùng đường uống: Tolperisone 150mg x 2 – 3 viên trong vòng 24h. Hoặc bác sĩ có thể chỉ định eperisone 50mg x 2 – 3 viên trong vòng 24h.

– Với các cơn đau có nguồn gốc thần kinh:

Ngoài các thuốc được chỉ định nêu trên thì bác sĩ còn yêu cầu kết hợp với một số loại thuốc giảm đau khác. Có thể là:

  • Gabapentin 300mg: Dùng liều 600 – 900mg/ ngày và chia đều làm 2 – 3 lần uống:
  • Pregabalin 75mg: Dùng với liều 150 – 300mg/ ngày và chia đều làm 2 lần uống.

Điều trị nội khoa với trường hợp bị đau thắt lưng cấp không dừng lại ở việc dùng thuốc. Người bệnh được khuyên là nên nằm nghỉ tại chỗ trên giường phẳng. Khi ngồi dậy hay đi lại vận động thì nên đeo đai hỗ trợ. Ngoài ra có thể áp dụng các liệu pháp chiếu đèn hồng ngoại hay điều trị châm cứu, điện xung kết hợp dùng thuốc. Khi cơn đau có xu hướng giảm thì nên tăng dần mức độ hoạt động.

Với trường hợp bị đau thắt lưng mạn tính:

Khi cơn đau kéo dài trong thời gian dài thì bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống trầm cảm ba vòng, chống lo âu. Loại được dùng phổ biến nhất là Amitriptylin – viên 25 mg. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà liều dùng sẽ có sự thay đổi.

Ngoài ra, người bệnh được khuyên là nên áp dụng các giải pháp kéo giãn cột sống, bơi hay tập thể dục nhẹ nhàng. Việc điều chỉnh lối sống và thói quen làm việc cũng là rất cần thiết để tránh cơn đau tái phát.

2. Điều trị ngoại khoa

Trong một số trường hợp, cơn đau thắt lưng vẫn không thuyên giảm mặc dù điều trị nội khoa tích cực. Nếu cơn đau là do thoát vị đĩa đệm hoặc kèm trượt đốt sống thì lúc này việc can thiệp ngoại khoa là rất cần thiết.

chữa hội chứng đau thắt lưng
Nếu điều trị nội khoa không mang lại kết quả thì bác sĩ có thể cân nhắc can thiệp ngoại khoa

Việc can thiệp ngoại khoa không chỉ giúp làm giảm đau mà còn hỗ trợ phục hồi chức năng vận động cho người bệnh. Tuy nhiên, các thủ thuật ngoại khoa vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề rủi ro nên cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Biện pháp ngăn ngừa chứng đau thắt lưng

Để ngăn ngừa tình trạng đau thắt lưng, bạn cần chú ý giải quyết tốt một số yếu tố nguy cơ. Dưới đây là một số khuyến nghị cần thực hiện:

  • Thường xuyên dành thời gian cho các hoạt động thể chất. Điều này giúp tăng cường sức mạnh gân cơ và xương cốt. Đồng thời còn hỗ trợ kiểm soát tốt trọng lượng của cơ thể.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo cung cấp đủ canxi và vitamin D cho cơ thể.
  • Nếu bạn đang có thói quen thường xuyên hút thuốc lá thì nên từ bỏ càng sớm càng tốt.
  • Chú ý điều chỉnh và duy trì các tư thế đúng. Khi đứng cần giữ cho lưng thẳng và cần bằng trọng lượng đều trên 2 chân, đầu hướng về phía trước. Khi ngồi cố gắng giữ cho đầu gối và hông vuông góc, đồng thời giữ cho bàn chân phẳng trên sàn nhà. Nếu thường xuyên phải ngồi 1 chỗ để làm việc thì cần chọn chỗ có tựa lưng vững chắc.
  • Khi nâng các đồ vật nặng thì lực nâng cần tập trung chủ yếu ở chân thay vì dồn lực lên vùng lưng.
  • Nữ giới nên hạn chế đi giày cao gót. Thay vào đó nên lựa chọn các loại giày đế bệt hoặc giày thể thao.

Đau thắt lưng là trường hợp thường gặp nhất của tình trạng đau lưng nói chung. Nếu bị đau thắt lưng kéo dài thì tốt nhất bạn nên chủ động tìm đến bác sĩ. Bởi muốn khắc phục triệt để triệu chứng thì việc xác định rõ nguyên nhân là rất cần thiết.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua