Đau xương mu sau sinh là bị gì? Phải làm sao?

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Trần Thị Hương Lan | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Đau xương mu sau sinh khiến nữ giới có cảm giác đau nhức âm ỉ, đôi khi đau nhói như điện giật kèm theo tê bì, khó đứng thẳng và giảm khả năng vận động ở hai chi dưới. Tình trạng này thường không nghiêm trọng, cơn đau có thể thuyên giảm bằng cách chườm ấm, nghỉ ngơi và dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà.

Đau xương mu sau sinh
Tìm hiểu triệu chứng, nguyên nhân đau xương mu sau sinh, cách phòng ngừa và khắc phục

Đau xương mu sau sinh là bị gì?

Xương mu thực chất là một phần của xương chậu. Theo giải phẫu học, xương mu hai bên cơ thể kết nối và tạo thành khớp chậu phía trước. Trong thời kỳ mang thai, khớp này giãn nở để thích nghi với những biến đổi trong khung chậu và sự tăng kích thước của tử cung.

Tuy nhiên càng về cuối thai kỳ, thai nhi tăng lực tác động, chèn ép vào khớp chậu phía trước và các dây chằng hỗ trợ. Điều này khiến dây chằng bị kéo căng quá mức dẫn đến tình trạng đau nhức xương mu sau sinh.

Dấu hiệu đau xương mu sau sinh

Đau xương mu sau sinh khiến nữ giới có cảm giác đau nhức âm ỉ, đau kéo dài nhiều ngày gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Đôi khi có cảm giác đau nhói như điện giật kèm theo tê bì. Điều này khiến nữ giới khó đứng thẳng và giảm vận động ở hai chi dưới.

Cơn đau thường tập trung ở phía trên lỗ mu và khu vực phía trước xương mu. Ngoài ra cơn đau có thể lan rộng sang một vài vị trí khác, bao gồm:

  • Lưng dưới
  • Hai bên bẹn
  • Khung chậu
  • Đùi

Cơn đau thường có xu hướng thuyên giảm khi nằm nghỉ và thả lỏng phần dưới của cơ thể. Đau thường tăng lên khi thực hiện một số hoạt động sau:

  • Đứng lâu
  • Đi nhiều
  • Vận động mạnh
  • Lên – xuống cầu thang
  • Ngồi lâu
  • Cong vùng xương chậu
  • Thay đổi tư thế khi nằm nghỉ
  • Lặp đi lặp lại một động tác liên quan đến khung xương chậu
  • Dồn trọng lượng lên một chân

Một số triệu chứng khác:

  • Sưng xương mu
  • Tăng nhạy cảm
  • Xương không khớp với nhau và phát ra tiếng kêu khi di chuyển
  • Sốt, tiểu rắt, tiểu nhiều, đau khi tiểu… (tùy theo nguyên nhân)
Đau xương mu sau sinh khiến nữ giới có cảm giác đau nhức âm ỉ,
Đau xương mu sau sinh khiến nữ giới có cảm giác đau nhức âm ỉ, đôi khi đau nhói như điện giật kèm theo tê bì

Nguyên nhân gây đau xương mu sau sinh

Sự chèn ép của thai nhi khiến dây chằng bị kéo căng là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng đau nhức xương mu sau sinh. Ngoài ra tình trạng này còn xảy ra do một số nguyên nhân dưới đây:

1. Thiếu hụt canxi trong thai kỳ

Trong thời gian nuôi dưỡng thai nhi và sau khi sinh, cơ thể sẽ bị thiếu hụt vitamin và các khoáng chất. Trong đó chủ yếu là canxi, vitamin B12 và vitamin D. Điều này khiến hệ xương khớp suy yếu, dễ loãng xương, tổn thương và đau nhức xương khớp.

Ngoài ra thiếu hụt chất dinh dưỡng còn khiến các dây thần kinh ngoại vi bị suy giảm chức năng, yếu ớt dẫn đến đau nhức kèm theo tê bì và rối loạn cảm giác.

2. Đi lại nhiều hoặc vận động mạnh sau sinh

Phụ nữ sau sinh được khuyên nên nghỉ ngơi, tránh đi lại nhiều và không vận động mạnh. Bởi nghỉ ngơi đầy đủ có thể tạo điều kiện cho những tổn thương trong quá trình sinh nở và sức khỏe tổng thể được phục hồi, giảm nguy cơ đau nhức xương khớp sau sinh.

Việc đi lại nhiều và vận động mạnh sau sinh sẽ khiến cơ thể suy kiệt, xương khớp nhạy cảm, dễ tổn thương và đau nhức. Đồng thời làm ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sức khỏe và gây đau xương mu.

3. Tăng cân

Tăng cân trong thai kỳ là một trong những nguyên nhân gây đau xương mu sau sinh. Trọng lượng dư thừa làm tăng áp lực lên khung xương chậu, cơ bao quanh và khiến các khớp xương liên quan bị tổn thương (bao gồm cả xương mu). Từ đó tăng mức độ nhạy cảm, nữ giới thường xuyên đau nhức, cứng cơ và khó vận động.

Tăng cân
Tăng cân làm tăng áp lực lên khung xương chậu, gây đau nhức, cứng cơ và khó vận động

4. Hormone relaxin

Hormone relaxin được sản sinh với lượng lớn trong thời kỳ mang thai. Hormone này có tác dụng nới lỏng khung xương chậu, mạch máu, các cơ và dây chằng xung quanh tử cung. Từ đó tạo không gian cho thai nhi phát triển và giúp sinh nở dễ dàng.

Tuy nhiên sự nới lỏng làm mất tính cân bằng của các khớp, khiến khớp xương dễ di động và lệch ra khỏi vị trí ban đầu (bai gồm cả khớp chậu phía trước). Điều này tạo ra cảm giác đau đớn, khó chịu, thai phụ khó vận động.

Đau nhức do quá trình nới lỏng khớp xương kéo dài đến thời điểm sau sinh. Cơn đau thường chỉ được kiểm soát hoàn toàn khi hormone relaxin giảm, nội tiết tố được cân bằng (khoảng 3 – 4 tháng sau sinh).

5. Viêm nhiễm vùng chậu

Viêm nhiễm vùng chậu là nguyên nhân phổ biến gây đau xương mu sau sinh. Những tổn thương trong quá trình sinh nở tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, nấm và virus thông qua đường âm đạo. Từ đó gây viêm và nhiễm trùng vùng kín.

Trong trường hợp không sớm phát hiện và kiểm soát, viêm nhiễm có thể lan rộng và gây tổn thương xương chậu. Đồng thời tạo ra các cơn đau xương mu vùng kín. Đối với những trường hợp nặng hơn, nữ giới có thể đối mặt với những nguy cơ dưới đây:

  • Đau xương mu mãn tính
  • Áp xe buồng trứng
  • Mang thai ngoài tử cung
  • Vô sinh, hiếm muộn

6. Viêm nhiễm đường tiết niệu

Viêm nhiễm đường tiết niệu có thể gây ra tình trạng đau xương mu sau sinh. Bệnh lý này xảy ra khi các yếu tố gây bệnh (vi khuẩn, nấm, virus, trùng roi..) xâm nhập vào đường tiết niệu thông qua bộ phận sinh dục và gây viêm.

Kết quả nghiên cứu cho thấy viêm nhiễm đường tiết niệu xảy ra phổ biến hơn ở phụ nữ sau sinh. Nguyên nhân là do những tổn thương sau sinh khiến cơ thể suy yếu, giảm sức đề kháng cùng với quá trình ra sản dịch và dùng băng vệ sinh.

Ngoài cảm giác đau nhức xương mu, nữ giới bị viêm nhiễm đường tiết niệu còn gặp một số biểu hiện khó chịu sau:

  • Thường có cảm giác buồn đi tiểu
  • Đi tiểu nhiều hơn vào ban đêm
  • Tiểu buốt
  • Tiểu rắt
  • Nóng rát khi đi tiểu
  • Nước tiểu đục và có mùi khai nồng
  • Căng tức và khó chịu khu vực xương mu
  • Sốt cao, ớn lạnh
Viêm nhiễm đường tiết niệu
Viêm nhiễm đường tiết niệu là một trong những nguyên nhân gây đau xương mu sau sinh thường gặp

7. Viêm bàng quang

Tương tự như các tình trạng nêu trên, viêm bàng quang dễ xảy ra ở phụ nữ sau sinh. Bệnh khiến nữ giới thường xuyên có cảm giác đau nhói, căng tức và khó chịu ở vùng bụng dưới kèm theo nhiều biểu hiện nghiêm trọng sau:

  • Nước tiểu đục và có mùi hôi
  • Tiểu ra máu
  • Thường xuyên buồn tiểu, tiểu gấp
  • Tiểu ít
  • Có cảm giác nóng rát hoặc đau khi đi tiểu
  • Đau ở giữa lưng hoặc đau lưng ở hai bên
  • Sốt nhẹ

Trong trường hợp không được kiểm soát, viêm bàng quang khiến viêm nhiễm lây lan sang vùng xương chậu. Đồng thời gây ra tình trạng đau nhức âm ỉ ở vùng xương mu.

Đau xương mu sau sinh có nguy hiểm không?

Mặc dù tăng độ nhạy cảm và ảnh hưởng đến khả năng vận động nhưng đau xương mu sau sinh thường không nguy hiểm. Người bệnh có thể giảm đau bằng các biện pháp chăm sóc không dùng thuốc.

Tuy nhiên trong một số trường hợp nặng và đau do bệnh lý, cơn đau có thể lan rộng từ xương mu sang nhiều vị trí, làm giảm chất lượng giấc ngủ, ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống sinh hoạt. Ngoài ra tình trạng này kéo dài có thể gây ra một số vấn đề sau:

  • Ảnh hưởng đến quá trình chăm con và chất lượng sữa
  • Khó đi lại
  • Yếu cơ, teo cơ
  • Viêm nhiễm lan rộng
  • Ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng
  • Tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn

Vì thế khi bị đau xương mu kéo dài, đau nặng hoặc kèm theo những biểu hiện bất thường khác, nữ giới nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để trao đổi thông tin, thăm khám và hướng dẫn điều trị.

Cách khắc phục đau xương mu sau sinh

Thông thường đau xương mu sau sinh được kiểm soát bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Đối với những trường hợp nghiêm trọng hoặc đau nhức do viêm nhiễm, nữ giới có thể dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Các biện pháp khắc phục đau xương mu sau sinh thường được áp dụng:

1. Chườm nóng hoặc chườm lạnh

Để giảm đau xương mu sau sinh, nữ giới có thể áp dụng biện pháp chườm nóng hoặc chườm lạnh.

  • Chườm nóng

Sử dụng chai thủy tinh chứa nước ấm hoặc túi chườm nóng chườm lên vùng xương chậu có thể giúp xoa dịu tình trạng căng cơ, thư giãn khớp xương, giảm căng thẳng và giảm đau hiệu quả.

Ngoài ra liệu pháp chườm ấm còn có tác dụng thư giãn mạch, tăng lưu thông máu về khớp xương. Từ đó giúp tăng khả năng phục hồi tổn thương, cải thiện tình trạng tê bì, cứng khớp, tăng khả năng vận động, giúp nữ giới sau sinh di chuyển và vận động dễ dàng.

Để sớm cải thiện cơn đau, nữ giới có thể chườm ấm mỗi ngày 3 lần, nên chườm 15 phút mỗi lần.

  • Chườm lạnh

Bên cạnh liệu pháp chườm nóng, nữ giới có thể chườm lạnh 2 lần/ngày, mỗi lần 10 phút để cải thiện tình trạng. Liệu pháp này có tác dụng giảm sưng và viêm tại khớp chậu phía trước. Đồng thời cải thiện cảm giác đau nhức, khó chịu ở vùng xương mu.

Để chườm lạnh, bạn cần sử dụng túi vải chứa một vài viên đá lạnh áp lên vùng xương mu. Không nên chườm lâu hoặc dùng trực tiếp đá lạnh để tránh gây tổn thương da.

Chườm nóng hoặc chườm lạnh
Nữ giới bị đau xương mu sau sinh có thể chườm nóng hoặc chườm lạnh để cải thiện tình trạng

2. Xoa bóp

Để giảm đau xương mu sau sinh, nữ giới có thể dùng một ít tinh dầu thảo dược (tinh dầu bạc hà, tinh dầu gừng…) xoa đều lên vùng xương mu. Sau đó nhẹ nhàng xoa bóp theo chuyển động tròn, xoa từ trên xuống và sang hai bên. Liệu pháp này có tác dụng làm ấm khu vực tổn thương, xoa dịu cơn đau, giảm cứng khớp, căng cơ và tăng phạm vi chuyển động cho người bệnh.

Ngoài ra liệu pháp xoa bóp còn có tác dụng thư giãn cơ và các khớp xương, tăng lưu thông máu. Từ đó rút ngắn thời gian điều trị, giảm cảm giác tê bì, khó chịu và hạn chế cơn đau tái phát.

Vì thế nữ giới sau sinh có thể sử dụng tinh dầu kết hợp các động tác xoa bóp để giảm đau và cải thiện khả năng vận động. Nên thực hiện từ 1 -2 lần/ ngày, mỗi lần 15 phút. Lưu ý không đột ngột xoa bóp mạnh để tránh làm tăng tần suất và mức độ đau.

3. Nghỉ ngơi

Nghỉ ngơi điều độ và hợp lý là một trong những cách giảm đau xương mu hiệu quả. Bởi nghỉ ngơi giúp giảm áp lực lên khu vực tổn thương, tạo điều kiện phục hồi. Bên cạnh đó biện pháp này còn có tác dụng thư giãn dây chằng và các khớp xương, giảm tê bì và hạn chế đau nhức tái phát.

4. Tập thể dục và vận động nhẹ nhàng

Nữ giới không nên ngồi lâu hoặc nằm lâu một chỗ. Vì điều này có thể gây cứng khớp và khởi phát cơn đau. Tốt nhất nên nghỉ ngơi hợp lý kết hợp tập thể dục và vận động nhẹ nhàng để giảm đau và duy trì chức năng xương khớp.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, vận động và tập thể dục giúp tăng cường sức cơ, cải thiện khả năng hỗ trợ cột sống và khung xương chậu. Đồng thời xoa dịu cơn đau, hạn chế cứng khớp, tăng độ linh hoạt, duy trì hệ xương chắc và khỏe. Từ đó cải thiện tốt khả năng vận động.

Ngoài ra vận động và tập thể dục mỗi ngày còn có tác dụng tăng cường sức khỏe tổng thể, cải thiện hệ miễn dịch và sức đề kháng. Đồng thời bảo vệ cơ thể, nâng cao khả năng chống bệnh và giảm nguy cơ viêm nhiễm.

Lưu ý: 

  • Không vận động mạnh và luyện tập gắng sức. Nên vận động nhẹ nhàng và thực hiện những bài tập có cường độ thích hợp
  • Đi lại quanh nhà kết hợp tập thể dục 20 – 30 phút/ ngày
  • Cần nghỉ ngơi khi có cảm giác đau nhói trong thời gian luyện tập

Các bộ môn phù hợp:

  • Đi bộ
  • Tập yoga
  • Ngồi thiền
  • Đạp xe
Tập thể dục và vận động nhẹ
Tập thể dục và vận động nhẹ nhàng giúp tăng cường sức cơ, giảm đau và duy trì chức năng xương khớp

5. Thiết lập chế độ dinh dưỡng khoa học

Sau khi sinh, nữ giới cần tăng cường bổ sung canxi, magie, kali và chất sắt thông qua chế độ ăn uống lành mạnh. Điều này giúp giảm nguy cơ đau xương mu sau sinh, tạo điều kiện phục hồi cơ thể và chữa lành các tổn thương xương khớp.

Ngoài ra nữ giới cần tăng cường bổ sung vitamin C và khoáng chất có trong các loại rau xanh và trái cây tươi. Đây đều là những thành phần dinh dưỡng có khả năng nâng cao sức khỏe tổng thể, cải thiện sức đề kháng, chống nhiễm trùng, giảm nguy cơ thoái hóa xương khớp và giảm đau.

Bên cạnh việc bổ sung các thực phẩm lành mạnh, nữ giới cũng cần kiêng dùng một số thức ăn có khả năng gây thừa cân béo phì (tăng áp lực lên khớp xương và gây đau nhức vùng xương mu), kích thích phản ứng viêm và gây đau nhức. Cụ thể:

  • Thực phẩm chế biến sẵn
  • Thực phẩm nhiều dầu mỡ và chất béo không lành mạnh
  • Thức ăn chứa gia vị cay nóng
  • Đồ ăn nhiều muối
  • Thức ăn chứa chất bảo quản

6. Sử dụng thuốc

Đau xương mu sau sinh thường được kiểm soát bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên nếu đau nhiều do bệnh lý, đau dai dẳng làm ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe, nữ giới nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị y tế.

Thông thường nữ giới sẽ được yêu cầu sử dụng thuốc chống viêm và giảm đau để cải thiện tình trạng. Cụ thể:

  • Paracetamol: Paracetamol có tác dụng hạ sốt và giảm đau. Thuốc này được sử dụng cho trường hợp đau nhẹ đến trung bình, viêm gây sốt.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS): Thuốc chống viêm không steroid được dùng cho trường hợp viêm dẫn đến đau nhức xương mu, đau ở mức trung bình và không có đáp ứng với Paracetamol. Thuốc này có tác dụng giảm viêm, đau và hạ sốt không đặc hiệu.
  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh được chỉ định cho trường hợp bị đau xương mu sau sinh do các tình trạng nhiễm trùng (nhiễm trùng đường tiết niệu, bàng quang, vùng chậu). Thuốc này có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, không có khả năng giảm. Vì thế thuốc kháng sinh thường được dùng với các thuốc giảm đau để kiểm soát tốt tình trạng.
  • Thuốc chống nấm/ kháng virus: Đối với những trường hợp viêm nhiễm do nấm hoặc virus dẫn đến đau vùng xương mu, người bệnh sẽ được hướng dẫn điều trị với thuốc chống nấm/ kháng virus. Thuốc này có tác dụng diệt tác nhân gây bệnh dự phòng tái phát.
Sử dụng thuốc
Chỉ định thuốc cho những trường hợp đau xương mu sau sinh do bệnh lý, đau kéo dài làm ảnh hưởng tâm lý

7. Vật lý trị liệu

Trong thời gian sử dụng thuốc, nữ giới có thể được hướng dẫn vật lý trị liệu để thúc đẩy điều trị đau nhức vùng xương mu. Biện pháp này có tác dụng duy trì chức năng vận động, giảm đau và dự phòng tái phát cho những trường hợp bị đau do nguyên nhân cơ học.

Ngoài ra vật lý trị liệu còn có tác dụng kích thích lưu thông máu, giảm căng cơ, xoa dịu tình trạng căng giãn dây chằng và hạn chế cứng khớp. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể được hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu, dùng nhiệt hoặc điện trị liệu.

Phòng ngừa đau xương mu sau sinh

Đau xương mu sau sinh chủ yếu xảy ra do sự chèn ép của thai nhi khiến dây chằng bị kéo căng quá mức. Vì thế không có biện pháp ngăn chặn hoàn toàn. Tùy nhiên tần suất và mức độ đau nhức có thể giảm khi áp dụng một số biện pháp dưới đây:

  • Đảm bảo bổ sung đủ canxi trong thai kỳ và sau khi sinh để duy trì sức khỏe xương khớp, hạn chế tổn thương và đau nhức.
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C và khoáng chất để nâng cao sức khỏe tổng thể và tăng khả năng chống viêm.
  • Nên sử dụng đai hỗ trợ bụng bầu trong thời gian mang thai để giảm áp lực lên xương mu, hạn chế đau nhức sau sinh.
  • Tuyệt đối không đi lại nhiều và vận động mạnh sau khi sinh. Nên nghỉ ngơi điều độ và hợp lý.
  • Tập thể dục và vận động nhẹ nhàng giúp duy trì sức khỏe và chức năng của hệ xương khớp.
  • Sớm phát hiện và điều trị các tình trạng viêm nhiễm.
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân, tắm rửa mỗi ngày, thường xuyên thay băng vệ sinh trong quá trình ra sản dịch để phòng ngừa viêm nhiễm cơ quan và gây tổn thương vùng xương mu.
  • Duy trì trọng lượng khỏe mạnh trong thai kỳ và sau sinh. Tránh thừa cân béo phì làm tăng áp lực lên vùng xương mu và gây đau nhức.
  • Trong trường hợp thừa cân, nên luyện tập kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh (theo hướng dẫn chuyên gia) để giảm cân an toàn.
Duy trì sức khỏe xương khớp, hạn chế tổn thương và đau nhức bằng cách bổ sung đủ canxi trong thai kỳ và sau khi sinh

Có nhiều nguyên nhân gây đau xương mu sau sinh. Tuy nhiên phần lớn là do sự thay đổi tự nhiên của cơ thể. Vì thế tình trạng này thường không nguy hiểm, có thể được kiểm soát bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà.

Tuy nhiên trong một số trường hợp, đau xương mu xảy ra do các tình trạng viêm nhiễm hoặc đau dai dẳng làm ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống sinh hoạt. Vì thế khi bị đau nhức kéo dài kèm theo những biểu hiện bất thường, phụ nữ sau sinh nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và chữa trị, phòng ngừa rủi ro.

Bài viết liên quan:

Câu hỏi liên quan
Đau Khớp Háng Có Nên Đi Bộ Không
Người bị đau khớp háng có nên đi bộ không, cần lưu ý những gì để đảm bảo an toàn là thắc mắc chung của nhiều người bệnh. Đây là một bộ môn mang nhiều lợi ích cho hệ xương ...
Xem chi tiết
Đau Xương Cụt Khám Ở Đâu
Để giải đáp đau xương cụt khám ở đâu tại TP HCM và Hà Nội, người bệnh có thể tham khảo một số địa chỉ y tế uy tín, có bác sĩ giỏi trong bài viết. Điều này giúp thăm ...
Xem chi tiết
Đau Gót Chân Khám Ở Bệnh Viện Nào
Để giải đáp đau gót chân khám ở bệnh viện nào, người bệnh có thể tham khảo thông tin về Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, Bệnh viện E... Đây ...
Xem chi tiết
Thay Khớp Gối Bao Lâu Thì Đi Được
Thay khớp gối bao lâu thì đi được là vấn đề được nhiều bệnh nhân thắc mắc. Thông thường người thay khớp gối phải trải qua quá trình phục hồi chức năng với các bài tập thích hợp. Quá trình ...
Xem chi tiết
Đau Xương Mu Có Phải Sắp Sinh
Đau xương mu là tình trạng phổ biến trong thai kỳ, tuy nhiên cơn đau thường nhẹ. Do đó, nhiều thai phụ thắc mắc đau xương mu nhiều có phải sắp sinh không? Tham khảo một số thông tin cơ ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua