Bà bầu bị đau khớp háng: Nguyên nhân và điều cần biết
Rất nhiều bà bầu than phiền về tình trạng bị đau khớp háng khi mang thai. Triệu chứng này không chỉ gây khó chịu mà còn gián tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe thai kỳ. Cần có cách khắc phục phù hợp để giảm thiểu các vấn đề rủi ro.
Vì sao bà bầu bị đau khớp háng?
Khớp háng là một khớp hoạt dịch có hình chỏm cầu nằm ở giữa xương chậu và xương đùi, có hệ thống dây chằng xung quanh. Đây là một khớp sâu, vững chắc, có sự cử động dựa vào cấu trúc đặc biệt về giải phẫu.
Khớp háng giúp làm trụ để nâng đỡ cho phần thân trên của cơ thể cùng với khớp đùi và khớp gối. Nó đóng vai trò rất quan trọng với các hoạt động hằng ngày liên quan đến chi dưới như đi lại, chạy, nhảy…
Đau khớp háng là tình trạng diễn ra phổ biến ở mọi đối tượng. Theo số liệu thống kê cho thấy, phụ nữ mang thai rất dễ bị đau khớp háng trong mọi thời điểm của thai kỳ, nhất là khi thai nhi phát triển lớn.
Bà bầu có thể bị đau khớp háng do một số nguyên nhân sau đây:
1. Hormone relaxin tăng
Khi mang thai, hàm lượng hormone relaxin trong cơ thể người mẹ tăng lên rất nhanh. Sự gia tăng này khiến cho các mô kết nối xương giãn ra. Đặc biệt là có thể làm lỏng lẻo sự kết nối giữa khớp háng với hệ thống dây chằng xung quanh. Tình trạng này đôi khi là nguyên nhân gây đau khớp háng, đau hông và đau lưng.
2. Tăng cân
Tăng cân là tình trạng bình thường khi mang thai. Tuy nhiên nó gây ra không ít áp lực cho hệ thống xương khớp. Trong đó, khớp háng là khu vực phải chịu nhiều áp lực từ trọng lượng cơ thể.
Trong một số trường hợp, mẹ bầu có thể bị tăng cân quá nhiều do tác động từ nhiều nguyên nhân. Tình trạng này khiến cho tình trạng đau khớp háng và đau nhức xương khớp trở nên nghiêm trọng hơn.
3. Tư thế kém
Tư thế của mẹ bầu có thể bị thay đổi khi tăng cân cũng như do sự phân bổ lại trọng lượng tập trung quanh bụng. Ngoài ra, việc em bé nằm nghiêng sang bên này nhiều hơn so với bên kia cũng có thể gây đau nhức.
Sai lệch tư thế kéo dài ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe xương khớp. Và đây có thể là nguyên nhân gây đau nhức khớp háng khi mang thai.
4. Thiếu hụt dưỡng chất
Sự thiếu hụt một số dưỡng chất trong thai kỳ có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng đau khớp háng. Cụ thể như:
– Magie:
Nguồn dự trữ magie trong cơ thể mẹ bầu đôi khi sẽ bị cạn kiệt dần trong thai kỳ do cung cấp nhu cầu của cả mẹ và bé. Trong khi đó magie lại đóng vai trò rất quan trọng với hoạt động của các dây thần kinh. Thiếu hụt magie có thể khiến bà bầu bị đau khớp háng, chuột rút cơ bắp hay đau thần kinh tọa.
– Canxi:
Trường hợp mẹ bầu bị thiếu hụt canxi thì thai nhi vẫn sẽ lấy lượng lớn canxi từ cơ thể mẹ. Từ đó khiến cho hệ thống xương khớp của người mẹ suy yếu dần. Đồng thời gây ra tình trạng đau khớp háng và đau xương mu.
5. Chứng loãng xương thoáng qua
Chứng loãng xương thoáng qua đề cập đến tình trạng xương hông và khớp háng bị khử khoáng. Tình trạng này rất phổ biến ở tam cá nguyệt thứ nhất của thai kỳ. Thường liên quan tới nồng độ canxi và kali của cơ thể. Đây được cho là một trong những nguyên nhân khá phổ biến khiến bà bầu bị đau khớp háng.
6. Sự chuyển động của thai nhi
Tình trạng đau khớp háng khi mang thai có liên quan đến sự chuyển động của thai nhi. Tình trạng này xảy ra rất phổ biến ở những tuần cuối của thai kỳ.
Bất cứ khi nào thai nhi thay đổi vị trí, đạp hay xoay người đều gây ra không ít áp lực lên các dây thần kinh và dây chằng. Từ đó khiến mẹ bầu bị căng đau khớp háng. Vấn đề này sẽ trở nên khó chịu hơn khi thai nhi di chuyển xuống phần đáy tử cung.
Các dấu hiệu đau khớp háng khi mang thai
Đau khớp háng là tình trạng xảy ra phổ biến ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên biểu hiện triệu chứng ở mỗi mẹ bầu là khác nhau.
Dưới đây là các dấu hiệu thường gặp nhất:
- Tình trạng đau nhức xảy ra ở vùng khớp háng. Cơn đau có thể lan tỏa trên phạm vi rộng, lan dần tới vùng hông.
- Có cảm giác tê bì ở 1 bên mông và hông. Tình trạng này có thể ảnh hưởng cả vùng chân.
- Co cứng khớp háng khi thức dậy. Điều này gây cản trở việc đi lại, vận động.
- Mẹ bầu gặp khó khăn khi thực hiện các tư thế xoay người, cúi người.
- Việc di chuyển hay leo cầu thang có thể khiến cho cơn đau nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, mẹ bầu còn có khả năng gặp phải một số triệu chứng đi kèm khác. Bao gồm:
- Táo bón
- Ợ nóng
- Sốt nhẹ
- Đi tiểu thường xuyên
- Ít cảm nhận cử động thai nhi
Bà bầu bị đau khớp háng có đáng quan ngại?
Bà bầu rất dễ bị đau khớp háng khi mang thai do nhiều nguyên nhân gây ra. Tình trạng này mặc dù không quá nghiêm trọng nhưng gây ra không ít phiền toái cho các mẹ bầu.
Các chuyên gia cho biết, đau và bất ổn ở vùng khớp háng khi mang thai có thể ảnh hưởng đến một số bộ phận khác của cơ thể. Đặc biệt là vùng hông, lưng và chi dưới.
Tình trạng đau nhức có thể khiến mẹ bầu gặp khó khăn khi đi lại và vận động thường ngày. Thậm chí, nhiều mẹ bầu còn không thể di chuyển hay bị đau đớn dữ dội khi chuyển động chân. Đặc biệt là càng về thời điểm cuối thai kỳ. Điều này khiến cho chất lượng cuộc sống suy giảm.
Hơn nữa, cơn đau kéo dài hay nghiêm trọng còn ảnh hưởng đến giấc ngủ. Lâu dần khiến mẹ bầu mệt mỏi, suy nhược, khó chịu và luôn trong trạng thái dễ cáu gắt. Bên cạnh đó, để khắc phục cơn đau, nhiều mẹ bầu còn tìm đến thuốc giảm đau. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe thai kỳ.
Cách khắc phục tình trạng đau khớp háng khi mang thai
Có một số giải pháp tiềm năng giúp khắc phục tình trạng đau khớp háng khi mang thai. Chúng bao gồm khắc phục tại nhà, các động tác kéo giãn và điều trị y tế khi cần thiết. Cụ thể như sau:
1. Chườm ấm
Bà bầu bị đau khớp háng có thể áp dụng cách tác dụng nhiệt để khắc phục. Trong đó, chườm ấm là lựa chọn phù hợp hơn rất nhiều so với chườm lạnh.
Hơi ấm sẽ giúp tăng cường lưu thông máu đến vùng bị đau. Từ đó giúp làm giảm tình trạng co thắt cơ và giảm mức độ cứng khớp.
Bà bầu có thể dùng một miếng gạc ấm, đệm nóng hay khăn ẩm ngâm trong nước ấm. Sau đó chườm trực tiếp lên vùng bị đau nhức khoảng 10 – 15 phút. Chú ý không chườm nóng trực tiếp lên vùng bụng.
Ngoài ra, bà bầu có thể áp dụng cách tắm nước ấm để cải thiện tình trạng đau khớp háng. Hãy đảm bảo rằng nước tắm không quá nóng hay quá lạnh. Có thể cân nhắc thêm vào nước tắm 1/2 cốc muối Epsom để giải phóng cơ bắp đang bị căng cứng.
2. Xoa bóp
Xoa bóp đúng cách cũng có thể giúp bà bầu giảm đau nhức và áp lực ở vùng khớp háng. Việc massage hông và chân khi nằm nghiêng có thể được thực hiện một cách an toàn ngay tại nhà.
Hướng dẫn thực hiện:
- Bà bầu nằm nghiêng, đầu gối và tay ôm vào gối bà bầu.
- Người thực hiện cần tìm vị trí của khớp háng và xương cùng.
- Massage nhẹ nhàng khu vực này theo chuyển động tròn.
- Sau đó thực hiện cho cả vùng đùi và chi dưới.
- Xoa bóp vùng hông với áp lực nhẹ nhàng theo chuyển động tròn.
- Lặp lại các động tác massage cho bên còn lại của cơ thể mẹ bầu.
*Lưu ý: Trong quá trình massage, người thực hiện cần tập trung vào việc mở thân của bà bầu. Đồng thời kéo căng các cơ về phía cột sống để giải tỏa hết các áp lực và sự chèn ép.
3. Xây dựng lối sống lành mạnh
Duy trì lối sống lành mạnh có thể giúp làm giảm mức độ cũng như tần suất xuất hiện của các cơn đau khớp háng khi mang thai. Bà bầu cần chú ý đến một số vấn đề sau:
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học trong suốt thai kỳ. Đảm bảo cung cấp đủ canxi, magie, kali và các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể từ các nhóm thực phẩm lành mạnh.
- Nên đi ngủ trước 10 giờ tối. Đảm bảo giấc ngủ ban đêm kéo dài đủ 7 – 8 tiếng.
- Khi khớp háng đang bị đau, mẹ bầu không nên vận động mạnh hay di chuyển, leo cầu thang quá nhiều.
- Tránh ngồi 1 chỗ hay duy trì tư thế tĩnh quá lâu. Các tư thế này có thể cản trở lưu thông máu và khiến cho cơn đau khớp háng tồi tệ hơn.
- Tư thế ngủ nghiêng có thể gây đau khớp háng nhưng lại giúp mẹ bầu dễ ngủ hơn. Nên mua bộ gối đặc biệt cho bà bầu hoặc kê 1 chiếc gối giữa 2 đầu gối khi ngủ để giảm áp lực đè nén vùng xương chậu và xương hông.
4. Bài tập
Việc thực hành một số bài tập phù hợp có thể giúp bà bầu cải thiện tình trạng đau khớp háng. Hơn nữa, tập luyện đúng cách còn mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe khác. Ví dụ như cải thiện vận động và thúc đẩy quá trình lưu thông máu.
Dưới đây là chuỗi bài tập gồm các tư thế yoga phù hợp với bà bầu bị đau khớp háng:
– Tư thế con bò:
- Quỳ xuống sàn tập, 2 tay chống thẳng ra phía trước
- Đầu gối dang rộng 1 khoảng bằng hông
- Từ từ hạ bụng về phía thảm, uốn cong cột sống
- Trở lại vị trí trung lập rồi lặp lại các động tác
– Tư thế đứa trẻ:
- Từ tư thế con bò, nhón ngón chân xuống dưới và mở rộng cánh tay ra phía trước
- Đưa hông về phía sau với phần đầu gối dang rộng hơn một chút
- Ngả đầu xuống đất rồi trả về tư thế ban đầu
- Lặp lại các động tác trên 5 – 7 lần
– Tư thế góc giới hạn:
- Đưa người về tư thế ngồi, 2 chân co lại thành hình con bướm, 2 lòng bàn chân chạm vào nhau.
- Nâng cả 2 bên đầu gối lên rồi từ từ hạ xuống.
- Lặp lại nhiều lần tùy thuộc vào khả năng của cơ thể.
Việc tập luyện mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên bà bầu cần chú ý thực hành đúng cách. Với những bà bầu chưa từng làm quen với bộ môn yoga trước đó thì việc nhờ đến sự chỉ dẫn của huấn luyện viên là cần thiết.
5. Dùng thuốc giảm đau OTC
Ngoài các giải pháp điều trị trên thì bà bầu có thể giảm đau khớp háng bằng cách sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê toa (OTC). Tuy nhiên cần hỏi bác sĩ về loại phù hợp và liều lượng nên dùng. Ví dụ như Acetaminophen (Tylenol) là một loại thuốc thuộc nhóm B, được cho là an toàn trong thai kỳ.
6. Can thiệp y tế
Trường hợp bà bầu bị đau khớp háng dai dẳng hay dữ dội khi mang thai thì nên sớm tìm gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ tiến hành khám thai phù và thai nhi nhằm kiểm tra các dấu hiệu chuyển dạ sinh non hay các biến chứng khác có thể xảy ra.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định bà bầu sử dụng thuốc để khắc phục cơn đau. Cần chú ý tuân thủ liều lượng và tần suất được yêu cầu. Tuyệt đối không lạm dụng thuốc bởi giải pháp này tiềm ẩn không ít rủi ro với sức khỏe thai kỳ.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bà bầu làm việc với một chuyên gia vật lý trị liệu. Thực hành các bài tập vận động trị liệu dưới sự giám sát của chuyên gia sẽ là cần thiết trong rất nhiều trường hợp.
Phòng ngừa đau khớp háng cho bà bầu
Các bà bầu luôn muốn ngăn ngừa cơn đau khớp háng trước khi nó xảy ra. Một số biện pháp được đề cập dưới đây sẽ rất hữu ích. Tuy nhiên cần nhớ rằng các biện pháp phòng ngừa có thể sẽ không hiệu quả với tất cả mọi người.
- Giữ hoạt động thể chất tích cực trong thai kỳ của bạn. Các bài tập tác động thấp như đi bộ, yoga hay bơi lội có thể giúp ngăn ngừa đau khớp háng.
- Kiểm soát sự tăng cân. Mẹ bầu chỉ cần tiêu thụ thêm khoảng 300 calo/ ngày để hỗ trợ cho một thai kỳ khỏe mạnh.
- Mang giày bệt, sử dụng các sản phẩm hỗ trợ khi tập thể dục hay các hoạt động hằng ngày. Hạn chế vận động mạnh và di chuyển quá nhiều nếu bạn bắt đầu cảm thấy đau.
- Thực hành các tư thế tốt, nhất là khi ngồi, đứng, nâng hay mang đồ nặng.
- Tránh các hoạt động có thể làm nghiêm trọng thêm các cơn đau vùng chậu. Ví dụ như bắt chéo chân, nâng vật nặng hay đứng trong thời gian dài.
- Mua đai hỗ trợ khi mang thai để giúp hỗ trợ cho khớp hông suốt cả ngày.
Bà bầu không nên quá lo lắng khi bị đau khớp háng. Đây là tình trạng xảy ra phổ biến và có nhiều cách để khắc phục hiệu quả. Tuy nhiên nếu cơn đau kéo dài hay trở nên nghiêm trọng nên chủ động thăm khám bác sĩ để nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!