Đau Vùng Xương Chậu Ở Nam Giới
Đau vùng xương chậu ở nam giới là những cơn đau tập trung ở bụng dưới hoặc mông. Cơn đau này có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm bệnh cơ xương khớp, sỏi thận hoặc các bệnh về đường tiết niệu. Các nguyên nhân khác có thể bao gồm nhiễm trùng bàng quang hoặc vấn đề tiêu hóa. Phát hiện sớm và xác định được nguyên nhân gây đau là cách tốt nhất để điều trị cũng như tránh các rủi ro liên quan.
Nguyên nhân gây đau vùng xương chậu ở nam giới
Khung xương chậu nằm ở giữa đùi và bụng, bao gồm phần dưới của bụng, háng và bộ phận sinh dục. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến tình trạng đau vùng xương chậu ở nam giới, chẳng hạn như:
1. Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là thuật ngữ chỉ tình trạng đĩa đệm ở giữa các đốt sống bị vỡ, dẫn đến đau đớn. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào của cột sống, có thể dẫn đến kích thích các dây thần kinh xung quanh và gây yếu cơ.
Trong trường hợp, nam giới bị đau đột ngột ở vùng xương chậu, háng hoặc hông, có thể là dấu hiệu thoát vị đĩa đệm. Các triệu chứng khác có thể bao gồm ngứa hoặc tê xương quanh hông, đùi, yếu cơ bắp gây ảnh hưởng đến khả năng di chuyển. Trong các trường hợp nghiêm trọng, đôi khi ho hoặc cười to, cũng có thể dẫn đến đau đớn ở khung chậu.
2. Viêm tuyến tiền liệt
Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng nhiễm trùng cấp tính hoặc mãn tính. Viêm tuyến tiền liệt cấp tính có thể do nhiễm trùng, trong khi tình trạng mãn tính thường không phải do nhiễm trùng gây ra.
Đau vùng xương chậu là dấu hiệu nhận biết viêm tuyến tiền liệt phổ biến nhất. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp một số dấu hiệu khác như:
- Đau bộ phận sinh dục (dương vật và tinh hoàn)
- Đau bụng hoặc lưng dưới
- Đau trực tràng hoặc giữa bìu
- Tiểu ra máu
- Nước tiểu có màu đục
- Đi tiểu thường xuyên
- Đau đớn khi xuất tinh
3. Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn gây tổn thương bất cứ bộ phận nào trong đường tiết niệu, chẳng hạn như thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo.
Các dấu hiệu nhận biết bao gồm:
- Đau vùng xương chậu ở nam giới
- Có áp lực ở vùng chậu
- Đi tiểu thường xuyên
- Nước tiểu có máu
- Đau khi đi tiểu
Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu có thể dẫn đến tổn thương bàng quang và viêm bàng quang.
4. Nhiễm trùng qua đường tình dục
Các bệnh lý nhiễm trùng qua đường tình dục có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng hoặc không có bất cứ dấu hiệu nhận biết nào. Ở nam giới, đau xương chậu có thể là dấu hiệu của bệnh bệnh chlamydia hoặc bệnh lậu. Các bệnh lý nhiễm trùng này do vi khuẩn gây ra và thường xuất hiện cùng nhau.
Bên cạnh đau vùng chậu, các dấu hiệu và triệu chứng khác bao gồm:
- Dương vật tiết dịch
- Đau khi đi tiểu
- Đau tinh hoàn.
5. Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là tình trạng rối loạn tiêu hóa gây ảnh hưởng đến chức năng ruột già. Hiện tại không xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng này, tuy nhiên có thể liên quan đến các vấn đề về cơ ruột, vi khuẩn đường tiêu hóa hoặc hệ thần kinh.
Các dấu hiệu nhận biết bao gồm:
- Đau vùng xương chậu ở nam giới và cả nữ giới
- Tiêu chảy, táo bón hoặc cả hai
- Đau quặn bụng
- Đầy hơi
- Có chất nhầy trắng trong phân
6. Viêm ruột thừa
Ruột thừa là một túi có kích thước nhỏ, hình đầu ngón tay kết nối với phần đầu tiên của ruột già ở phía dưới bên phải của bụng. Viêm ruột thừa có thể dẫn đến đau vùng chậu nghiêm trọng, thường bắt đầu ở xung quanh rốn, sau đó di chuyển đến bụng bên phải. Cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi ho hoặc hắt hơi.
Viêm ruột thừa là tình trạng khẩn cấp, cần đến bệnh viện để được điều trị ngay lập tức. Người bệnh nên gọi cho cấp cứu nếu:
- Chán ăn
- Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài
- Buồn nôn và nôn
- Sưng căng bụng
- Sốt nhẹ
7. Sỏi đường tiết niệu
Sỏi đường tiết niệu là tình trạng các khoáng chất phát triển bên trong đường tiết niệu, chẳng hạn như thận hoặc bàng quang. Sỏi thận và sỏi bàng quang có thể không gây ra dấu hiệu nhận biết, nhưng có thể dẫn đến đau vùng chậu nếu viên sỏi di chuyển xung quanh.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Đau lưng dưới ở gân mông, ngay bên dưới thắt lưng
- Đi tiểu thường xuyên
- Đau khi đi tiểu
- Nước tiểu có máu, đục hoặc sẫm màu
8. Hội chứng đau vùng chậu mãn tính
Hội chứng đau vùng chậu mãn tính (CPPS) là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến đau vùng chậu ở nam giới. Nguyên nhân có thể là do viêm tuyến tiền liệt mãn tính gây ra.
Các cơn đau vùng chậu thường tự khỏi sau một thời gian tuy nhiên có thể tái phát ngay sau đó. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Đau lưng dưới
- Đau bộ phận sinh dục
- Đi tiểu thường xuyên
- Cơn đau vùng chậu thường trở nên nghiêm trọng hơn khi ngồi lâu
- Đau đớn khi đi tiểu
- Đau đớn khi quan hệ tình dục
- Rối loạn cương dương
9. Xơ chít hẹp niệu đạo
Ở nam giới, niệu đạo là một ống mỏng nối bàng quang với dương vật. Nước tiểu sẽ đi qua ống niệu đạo để ra khỏi cơ thể. Niệu đạo có thể bị viêm, nhiễm trùng hoặc chấn thương, dẫn đến sẹo và sơ chít niệu đạo. Tình trạng này khiến ống niệu đạo trở nên hẹp hơn và làm giảm lưu lượng nước tiểu.
Đau vùng chậu là dấu hiệu phổ biến khi bị xơ chít niệu đạo. Tuy nhiên người bệnh cũng có thể gặp một số dấu hiệu khác, chẳng hạn như:
- Đi tiểu đau đớn
- Nước tiểu có máu hoặc sẫm màu
- Dòng nước tiểu chậm
- Dương vật sưng tấy
- Có máu trong tinh dịch
10. Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính
Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (Benign prostatic hyperplasia – BPH) xảy ra khi tuyến tiền liệt bị mở rộng, nhưng không có dấu hiệu ung thư. Tuyến tiền liệt phì đại có thể gây áp lực lên niệu đạo và bàng quang, dẫn đến giảm lưu lượng nước tiểu, đau lưng dưới hoặc xương chậu.
Các dấu hiệu khác có thể bao gồm:
- Đau khi đi tiểu
- Đi tiểu thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm
- Dòng nước tiểu yếu
- Nước tiểu có mùi hôi
- Tiểu không tự chủ
- Đau đớn sau khi xuất tinh
Bên cạnh đó, đôi khi đau vùng xương chậu ở nam giới có thể liên quan đến một số nguyên nhân khác, chẳng hạn như:
- Căng cơ
- Có vấn đề về đường tiêu hóa
- Ung thư xương ở vùng chậu
Đau vùng xương chậu ở nam giới khi nào cần đến bệnh viện?
Nếu người bệnh có các bệnh mãn tính, chẳng hạn như táo bón hoặc hội chứng ruột kích thích, cơn đau vùng chậu có thể xuất hiện khi bệnh tái phát. Trong trường hợp này, người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau để cải thiện các triệu chứng và điều trị các bệnh lý mãn tính.
Trong trường hợp cơn đau vùng chậu vừa xuất hiện, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán các nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp nhất.
Ngoài ra, người bệnh nên đến bệnh viện kiểm tra nếu xuất hiện các triệu chứng như:
- Sốt
- Đi tiểu thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm (tiểu đêm)
- Đau hoặc có cảm giác nóng rát khi đi tiểu
- Phình ở khu vực xương chậu, bẹn, tinh hoàn hoặc bụng dưới
- Phát ban hoặc tiết dịch từ dương vật
- Khó đi tiểu hoặc đi tiểu nhỏ giọt
- Đau bụng
- Khó đi đại tiện
- Có máu trong phân (có thể xuất hiện dưới dạng màu đỏ tươi, sẫm màu hoặc phân có dạng hắc ín).
Gọi cấp cứu ngay khi đau vùng chậu kết hợp các triệu chứng như:
- Sưng tinh hoàn
- Đỏ hoặc sẫm màu ở bìu
- Đau bụng, buồn nôn và nôn
- Sốt.
Đau vùng xương chậu ở nam giới phải làm sao?
Việc điều trị tình trạng đau vùng xương chậu phụ thuộc vào nguyên nhân dẫn đến cơn đau. Ngoài ra, người bệnh cũng cần có kế hoạch điều trị các vấn đề y tế liên quan.
1. Điều trị tại nhà
Nếu cơn đau không quá nghiêm trọng, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp kiểm soát tình trạng đau vùng chậu tại nhà, chẳng hạn như:
- Sử dụng miếng đệm nóng để giảm đau và giúp thư giãn vùng chậu. Nhiệt độ có thể làm giảm tín hiệu đau và giúp giảm đau tạm thời.
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn.
Trong trường hợp cơn đau nghiêm trọng hoặc không đáp ứng các biện pháp tự chăm sóc, người bệnh nên đến bệnh viện và trao đổi với bác sĩ chuyên môn.
2. Điều trị y tế
Mặc dù các biện pháp kiểm soát đau vùng chậu tại nhà có thể mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên điều quan trọng vẫn là điều trị các nguyên nhân cơ bản. Tùy thuộc vào các bệnh lý liên quan, bác sĩ có thể đề nghị:
- Thuốc kháng sinh được chỉ định cho trường hợp nhiễm trùng đường tiêu, viêm tuyến tiền liệt và bệnh lây qua đường tình dục.
- Thuốc giảm đau theo toa sẽ được chỉ định khi thuốc giảm đau không kê toa không mang lại hiệu quả.
Đôi khi, phẫu thuật thường được chỉ định cho các trường hợp nghiêm trọng, chẳng hạn như:
- Sỏi thận
- Thoát vị bẹn
- Viêm ruột thừa
- Xơ chít hẹp niệu đạo
- Tắc ruột
Ngoài ra, đôi khi bác sĩ có thể đề nghị vật lý trị liệu, chườm nóng hoặc thực hiện các bài tập để cải thiện cơn đau.
4. Tập thể dục
Nam giới có thể thực hiện một số bài tập vùng chậu để cải thiện cơn đau, tăng cường sức khỏe vùng chậu cũng như giúp khu vực này trở nên linh hoạt hơn. Ngoài ra, thường xuyên tập thể dục có thể tăng cường chức năng cột sống, cải thiện tình trạng căng cơ và hỗ trợ phục hồi các chức năng.
Các bài tập phổ biến bao gồm:
- Bài tập cơ mông: Người tập nằm sấp, hai chân duỗi thẳng, sau đó gồng cơ mông trong khoảng 15 giây, thả lỏng cơ thể từ từ. Lặp lại bài tập 15 nhịp và hai lần.
- Căng cơ khép háng: Người tập nằm ngửa, bàn chân đặt trên sàn nhà, đầu gối gập, hướng lên trên. Sau đó từ từ mở rộng hai gối trong khoảng 15 – 30 giây, thực hiện ba nhịp mỗi lần. Bài tập này có thể giúp cơ đùi căng ra và cải thiện cơn đau ở vùng chậu.
5. Thay đổi phong cách sinh hoạt
Ngoài việc thực hiện các biện pháp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh nên chú ý đến phong cách sinh hoạt và chế độ ăn uống để hỗ trợ điều trị các triệu chứng.
Các lưu ý trong chế độ ăn uống và phong cách sinh hoạt bao gồm:
- Thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, chẳng hạn như canxi, magie hoặc chất béo omega 3
- Uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày để hỗ trợ cơ thể loại bỏ các chất thải
- Hạn chế hoặc tránh tiêu thụ các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá
- Thực hiện các biện pháp thư giãn, tránh căng thẳng hoặc lo lắng quá mức
- Hạn chế tình trạng làm việc quá sức, đặc biệt là các công việc nặng, gây áp lực lên cột sống
- Điều trị các vấn đề y tế tiềm ẩn theo hướng dẫn của bác sĩ.
Đau vùng xương chậu ở nam giới có thể liên quan đến bệnh xương khớp, vấn đề sinh sản, đường tiết niệu hoặc đường ruột. Tùy thuộc vào nguyên nhân, tình trạng này có thể gây đau nhẹ hoặc dữ dội.
Nếu cơn đau xuất hiện đột ngột, nghiêm trọng và vượt quá khả năng kiểm soát, người bệnh nên liên hệ với bác sĩ hoặc cơ sở y tế gần nhất. Các triệu chứng này có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng và nguy hiểm hơn.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!