Đau Thần Kinh Tọa

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Doãn Hồng Phương | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Đau thần kinh tọa là thuật ngữ được sử dụng để điều trị các cơn đau dây kinh ở chân do kích thích hoặc chèn ép các dây thần kinh tọa. Cơn đau thường bắt đầu ở lưng dưới, lan sâu xuống mông và kéo dài đến chân.

Đau thần kinh tọa là gì?

Đau thần kinh tọa (sciatica pain) hay đau thần kinh hông, là tình trạng đau đớn dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Các biểu hiện đặc trưng thường bao gồm đau lan tỏa từ cột sống thắt lưng đến mặt ngoài của đùi, mặt trước của cẳng chân, bên ngoài mắt cá chân và các ngón chân.

Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài nhất và dày nhất (gần bằng ngón tay) trong cơ thể. Dây thần kinh tọa được tạo thành từ năm rễ thần kinh, hai từ vùng lưng dưới, được gọi là cột sống thắt lưng, và ba từ phần cuối cùng của cột sống, được gọi là xương cùng. Năm rễ thần kinh kết hợp với nhau tạo thành dây thần kinh tọa ở bên trái và bên phải cơ thể. Ở mỗi bên cơ thể, dây thần kinh tọa chạy qua hông, đến mông, xuống chân và kết thúc ở đầu gối. Sau đó các dây thần kinh sẽ phân nhánh tạo thành các dây thần kinh khác, tiếp tục đi xuống chân, bàn chân và các ngón chân.

  • Thông thường các tổn thương dẫn đến đau thần kinh tọa không bắt nguồn từ dây thần kinh tọa. Thuật ngữ đau thần kinh tọa được sử dụng để mô tả bất kỳ cơn đau nào bắt nguồn từ lưng dưới và lan xuống chân. Điểm chung của cơn đau này là do chấn thương dây thần kinh, kích thích, viêm hoặc chèn ép các dây thần kinh ở lưng dưới dây ra.
  • Theo thống kê, tại Việt Nam, đau thần kinh tọa thường phổ biến ở độ tuổi lao động (từ 30 – 50 tuổi). Trong quá khứ, tỷ lệ nam mắc bệnh cao hơn nữ, tuy nhiên các thống kê vào năm 2011 cho thấy, tỷ lệ nữ mắc bệnh cao hơn nam.
  • Nguyên nhân phổ biến nhất thường là do thoát vị đĩa đệm. Ở miền Bắc Việt Nam, tỷ lệ đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là 0.64% (thống kê năm 2011).
  • Cơn đau thần kinh tọa có thể từ nhẹ đến nặng và xuất hiện ở bất cứ vị trí nào dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Điều này có nghĩa là cơn đau thường bắt đầu từ lưng dưới, đến hông, mông và xuống chân. Ngoài ra, cơn đau cũng có thể gây yếu cơ ở chân và bàn chân, dẫn đến tê chân hoặc có cảm giác châm chích, ngứa ran, khó chịu ở chân, bàn chân và ngón chân.

Đau thần kinh tọa là gì

Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa có thể liên quan đến nhiều bệnh lý ở cột sống, gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh chạy dọc theo lưng. Tình trạng này cũng có thể liên quan đến một chấn thương, chẳng hạn như té ngã, khối u thần kinh cột sống hoặc khối u dây thần kinh tọa.

Cụ thể các nguyên nhân có thể gây đau thần kinh tọa bao gồm:

Thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm hoặc trượt đĩa đệm có thể gây áp lực lên rễ thần kinh. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất có thể gây đau thần kinh tọa, đặc biệt là thoát vị đĩa đệm L4 – L5 hoặc L5 – S1 gây chèn ép rễ L5 hoặc S1 tương ứng. Theo thống kê, có khoảng 1 – 5% người đau thần kinh tọa bị thoát vị đĩa đệm.

Thoát vị đĩa đệm cột sống là nguyên nhân phổ biến dẫn đến đau dây thần kinh tọa
Thoát vị đĩa đệm cột sống là nguyên nhân phổ biến dẫn đến đau dây thần kinh tọa

Đĩa đệm là tấm nối ở mỗi đốt sống của cột sống. Các áp lực từ cột sống có thể gây áp lực ở phần trung tâm của đĩa đệm, khiến đĩa đệm bị phình ra, thoát vị. Khi một đĩa đệm bị thoát vị ở một đốt sống ở lưng dưới, có thể gây chèn ép lên dây thần kinh tọa và gây đau.

Hẹp ống sống

Hẹp ống sống hay hẹp ống sống thắt lưng là tình trạng thu hẹp bất thường ở ống sống lưng dưới. Sự thu hẹp này có thể gây áp lực lên tủy sống và các rễ thần kinh tọa, dẫn đến đau.

Thoái hóa đốt sống

Thoái hóa đốt sống là tình trạng trượt một mô đốt sống, khiến đốt sống bị lệch ra ngoài do với đốt sống bên trên. Điều này dẫn đến thu hẹp lỗ mở tại vị trí dẫn thần kinh thoát ra ngoài.

Thoái hóa đốt sống có thể gây chèn ép lên dây thần kinh tọa và gây đau.

Hội chứng cơ hình lê

Hội chứng cơ hình lê là một rối loạn thần kinh cơ hiếm gặp, dẫn đến co thắt cơ hình lê (cơ Piriformis) một cách không chủ ý và dẫn đến đau thần kinh tọa.

Hội chứng cơ hình lê là một rối loạn thần kinh cơ hiếm gặp có thể dẫn đến đau thần kinh tọa
Hội chứng cơ hình lê là một rối loạn thần kinh cơ hiếm gặp có thể dẫn đến đau thần kinh tọa

Cơ hình lê là cơ kết nối phần dưới của cột sống với xương đùi. Khi cơ này thắt lại, có thể gây chèn ép lên các dây thần kinh tọa, dẫn đến đau thần kinh tọa. Hội chứng cơ hình lê có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh ngồi lâu, bị ngã hoặc gặp tai nạn ảnh hưởng đến hông, xương chậu.

Các nguyên nhân khác

Một số bệnh cơ xương khớp, chẳng hạn như gai cột sống có thể gây chèn ép các dây thần kinh tọa và gây đau. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân liên quan có thể gây đau thần kinh tọa bao gồm:

  • Chấn thương cột sống thắt lưng hoặc chấn thương dây thần kinh tọa
  • Khối u ở ống sống thắt lưng gây chèn ép dây thần kinh tọa
  • Hội chứng chùm đuôi ngựa (Cauda equina Syndrome), đây là một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến bó dây thần kinh ở cuối tủy sống. Hội chứng này có thể gây đau ở chân, tê ở xung quanh hậu môn và mất khả năng kiểm soát ruột, bàng quang.
  • Các nguyên nhân hiếm gặp khác, chẳng hạn như viêm đĩa đệm đốt sống, tổn thương thân đốt sống (do nhiễm khuẩn, khối u, bệnh lao cột sống), chấn thương, mang thai,….

Triệu chứng đau thần kinh tọa

Các triệu chứng phổ biến

  • Các cơn đau đi dọc theo dây thần kinh tọa, bắt đầu từ hông, cột sống thắt lưng đến bên ngoài đùi, phía trước bắp chân, bên trong mắt cá chân, các ngón chân
  • Đau buốt, đau nhói hoặc đau như điện giật
  • Đau như bị bỏng, bị đâm hoặc châm chích nhẹ
  • Cơn đau có thể liên tục, kéo dài hoặc đến và đi nhanh
  • Cơn đau nghiêm trọng hơn khi đứng hoặc ngồi trong một thời gian dài hoặc đứng lên, vặn người, ho…

Một số triệu chứng khác

  • Đau vừa đến nghiêm trọng ở lưng dưới, mông và đến chân
  • Tê hoặc yếu ở lưng dưới, mông, chân hoặc bàn chân
  • Đau nghiêm trọng hơn khi cử động.
  • Có cảm giác châm chích ở chân, ngón chân hoặc bàn chân
  • Mất kiểm soát ruột và bàng quang (do Hội chứng chùm đuôi ngựa)

Đau thần kinh tọa có nguy hiểm không?

Thông thường đau thần kinh tọa không nghiêm trọng và hầu hết người bệnh (khoảng 80 – 90%) người bệnh có thể cải thiện các triệu chứng mà không cần phẫu thuật. Có khoảng 50% người bệnh khỏi bệnh trong 6 tuần. Tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời, căn bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Tổn thương thần kinh vĩnh viễn, gây mất chức năng ở chân hoặc lưng dưới
  • Ảnh hưởng đến hệ cơ, gây ra yếu và teo cơ
  • Ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hàng ngày
  • Đại tiểu tiện không tự chủ

Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện ngay lập tức nếu nhận thấy các dấu hiệu nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Đau dữ dội ở lưng, chân, bụng hoặc ở một bên cơ thể
  • Sưng ở bất cứ vị trí nào ở lưng dưới, đùi hoặc chân
  • Có cảm giác run ở đùi hoặc chân
  • Yếu nghiêm trọng hoặc mất cảm giác ở bẹn, chân hoặc bộ phận sinh dục
  • Sốt, ớn lạnh hoặc đổ mồ hôi vào ban đêm
  • Có cảm giác ngứa ngáy ở vùng chân khiến người bệnh không thể tránh cảm giác muốn gãi ngứa
  • Chán ăn hoặc giảm cân
  • Có sự thay đổi lớn về da hoặc tóc, chẳng hạn như rụng tóc với số lượng lớn

Cách chẩn đoán đau thần kinh tọa

Chẩn đoán đau thần kinh tọa thông qua các triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng. Bác sĩ có thể kiểm tra lịch sử y tế và kiểm tra các triệu chứng liên quan.

Trong quá trình khám sức khỏe, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh đi bộ để xác định cách cột sống hoạt động để đảm bảo hoạt động  và trọng lượng của cơ thể. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh nâng chân để kiểm tra để xác định các dây thần kinh bị ảnh hưởng có liên quan đến dĩa đệm hay không. Người bệnh cũng có thể được yêu cầu thực hiện các động tác kéo giãn và chuyển động nhẹ để xác định các cơn đau, kiểm tra độ linh hoạt và sức mạnh của cơ.

Bác sĩ có thể kiểm tra các dấu hiệu và triệu chứng bệnh để xác định tình trạng bệnh
Bác sĩ có thể kiểm tra các dấu hiệu và triệu chứng bệnh để xác định tình trạng bệnh

Ngoài ra, tùy theo chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm kiểm tra, chẳng hạn như:

  • Chụp X – quang cột sống: Xét nghiệm này được thực hiện để tìm dấu hiệu gãy xương sống, các vấn đề về đĩa đệm, nhiễm trùng, khối u hoặc gai xương.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT): Xét nghiệm này được thực thiện để kiểm tra hình ảnh chi tiết của xương và các mô mềm ở lưng. Chụp MRI có thể hiển thị áp lực lên dây thần kinh, thoát vị đĩa đệm và bất kỳ tình trạng khớp nào có thể chèn ép lên dây thần kinh. Trong khi đó, chụp MRI thường được chỉ định để xác định chẩn đoán đau thần kinh tọa.
  • Nghiên cứu vận tốc dẫn truyền thần kinh / điện cơ: Xét nghiệm này được sử dụng để kiểm tra mức độ truyền xung điện qua dây thần kinh tọa và phản ứng của cơ.
  • Chụp tủy đồ: Xét nghiệm này được sử dụng để xác định cơn đau thần kinh tọa có liên quan đến đốt sống hoặc đĩa đệm hay không.

Cần chẩn đoán phân biệt với các tình trạng tương tự:

  • Đau dây thần kinh đùi, đau thần kinh bì đùi hoặc đau thần kinh bịt
  • Đau khớp háng do hoạt tử, chấn thương, thoái hóa khớp hoặc viêm khớp
  • Đau vùng chậu do viêm khớp cùng chậu, áp xe cơ thắt lưng hoặc viêm vùng chậu

Các phương pháp điều trị đau thần kinh tọa

Mục tiêu của việc điều trị đau thần kinh tọa là giảm đau và tăng khả năng vận động. Tùy thuộc vào nguyên nhân, một số cơn đau thần kinh tọa có thể khỏi theo thời gian mà không cần điều trị y tế hoặc khỏi sau khi chăm sóc đơn giản tại nhà.

Điều trị theo nguyên tắc hướng dẫn của Bộ Y tế như sau:

  • Biện pháp điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân (thường là do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng).
  • Giảm đau và phục hồi tính linh hoạt, vận động nhanh chóng.
  • Điều trị nội khoa cho các trường hợp đau nhẹ đến vừa.
  • Cân nhắc chỉ định can thiệp ngoại khoa khi có các biến chứng liên quan đến vận động hoặc cảm giác của người bệnh.
  • Đau liên quan đến các nguyên nhân ác tính, cần điều trị giải phóng chèn ép cột sống kết hợp điều trị chuyên khoa liên quan.

Tùy thuộc vào nguyên nhân, các biện pháp điều trị đau thần kinh tọa như sau:

Điều trị nội khoa

Người bệnh sử dụng thuốc trị đau thần kinh tọa kết hợp chế độ nghỉ ngơi phù hợp, nằm giường cứng. Tránh các tác động mạnh, đột ngột, mang vác nặng, đứng hoặc ngồi quá lâu. Chi tiết:

Sử dụng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn
Sử dụng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn

Điều trị y tế với thuốc:

– Thuốc giảm đau: Chỉ định thuốc giảm đau tùy thuộc vào mức độ cơn đau, có thể phối hợp các loại thuốc như:

  • Paracetamol: Sử dụng Paracetamol 1 – 3 gram mỗi ngày, chia thành 2 – 4 lần. Trong trường hợp đau đớn nghiêm trọng, có thể chỉ định paracetamol kết hợp thuốc giảm đau opioid dạng nhẹ như Codein hoặc Tramadol 2 – 4 viên mỗi ngày.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Chỉ định NSAID không chọn lọc hoặc chất ức chế COX – 2 có chọn lọc, chẳng hạn như ibuprofen (400 mg x 3 – 4 lần mỗi ngày), piroxicam (sử dụng 20 mg mỗi ngày), naproxen (sử dụng 500 mg x 2 lần mỗi ngày), meloxicam (15 mg mỗi ngày) hoặc celecoxib (200 mg/ngày). Khi sử dụng NSAID cần lưu ý các tác dụng phụ lên đường tiêu hóa, tim mạch và thận. Để hạn chế các rủi ro, đặc biệt là với thuốc NSAID không chọn lọc, có thể cần cân nhắc sử dụng phối hợp các loại thuốc bảo vệ dạ dày, chẳng hạn như thuốc ức chế bơm proton.
  • Trong trường hợp cơn đau nghiêm trọng: Có thể cân nhắc sử dụng các chế phẩm của thuốc giảm đau gây nghiện, chẳng hạn như morphin.

– Thuốc giãn cơ:

  • Sử dụng Tolperisone, liều lượng 100 – 150 mg x 3 lần mỗi ngày, sử dụng thuốc theo đường uống
  • Hoặc sử dụng Eperisone, liều lượng 50 mg x 2 – 3 lần mỗi ngày

+ Các loại thuốc khác: Chỉ định các loại thuốc khác, chẳng hạn như thuốc giảm đau thần kinh khi bệnh nhân đau đớn thường xuyên, dữ dội, đau mạn tính.

  • Pregabalin, liều lượng 150 – 300 mg / ngày với liều lượng bắt đầu là 75 mg / ngày trong tuần sử dụng thuốc đầu tiên.
  • Gabapentin: 600 – 1200 mg mỗi ngày, liều lượng bắt đầu là 300 mg mỗi ngày trong tuần đầu tiên.
  • Các loại thuốc bổ sung khác: Chẳng hạn như Mecolabamin hoặc vitamin nhóm B.

– Tiêm corticosteroid ngoài màng cứng:

Tiêm corticosteroid ngoài màng cứng được chỉ định để giảm đau thần kinh tọa do rễ thần kinh gây ra. Thuốc được tiêm dưới sự hướng dẫn của huỳnh quang tăng độ sáng hoặc chụp CT.

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu bao gồm sự kết hợp tăng cường, kéo căng và phục hồi chức năng để hỗ trợ người bệnh ngăn ngừa các chấn thương trong tương lai. Các bài tập vật lý trị liệu cho người đau thần kinh tọa thường nhằm các mục tiêu, như:

  • Tăng cường cột sống và các cơ ở lưng dưới, bụng, mông và hông
  • Tăng sức mạnh cốt lõi
  • Căng các cơ và gân không linh hoạt, chẳng hạn như gân kheo
  • Tăng cường trao đổi chất lỏng và chất dinh dưỡng trong cơ thể bằng các bài tập aerobic nhẹ nhàng như đi bộ, đi bơi hoặc các bài tập dưới nước
Thực hiện vật lý trị liệu như bơi bội thường xuyên để tăng cường sức mạnh cơ
Thực hiện vật lý trị liệu như bơi bội thường xuyên để tăng cường sức mạnh cơ

Các bài tập vật lý trị liệu phổ biến, chẳng hạn như:

  • Massage trị liệu
  • Tập thể dục, bao gồm các bài tập kéo giãn cột sống, xà đơn, bơi lội hoặc các bài tập tăng cường sức mạnh cơ lưng
  • Sử dụng thiết bị hỗ trợ, chẳng hạn như đai lưng để tránh gây áp lực lên đĩa đệm cột sống

Thủ thuật xâm lấn tối thiểu

Trong trường hợp điều trị nội khoa đau thần kinh tọa không mang lại hiệu quả, có thể chỉ định các phương pháp xâm lấn tối thiểu.

Các phương pháp phổ biến bao gồm sử dụng sóng cao tần (để tạo hình nhân đĩa đệm). Mục dịch của thủ thuật này là loại bỏ tổ chức ở vùng trung tâm đĩa đệm, hỗ trợ giảm áp lực chèn ép lên đĩa đệm và dây thần kinh.

Chỉ định thủ thuật xâm lấn tối thiểu đối với bệnh nhân thoát vị đĩa đệm dưới dây chằng.

Điều trị ngoại khoa

Bệnh nhân đau dây thần kinh tọa được chỉ định điều trị ngoại khoa khi điều trị nội khoa thất bại hoặc trong các trường hợp đau dây thần kinh tọa chèn ép nghiêm trọng (chẳng hạn như trong Hội chứng chùm đuôi ngựa hoặc hẹp ống sống), liệt chi dưới hoặc teo cơ.

Tùy theo tình trạng thoát vị, khối u hoặc trượt ống sống gây chèn ép thần kinh, các chỉ định điều trị ngoại khoa được áp dụng sau 3 tháng điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả. Trong trường hợp người bệnh có dấu hiệu biến chứng hoặc có dấu hiệu hạn chế vận động cần chỉ định điều trị ngoại khoa sớm hơn để tránh các rủi ro.

Chỉ định điều trị ngoại khoa khi điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả trong 3 tháng
Chỉ định điều trị ngoại khoa khi điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả trong 3 tháng

Các điều trị ngoại khoa đau thần kinh tọa phổ biến bao gồm:

  • Phẫu thuật lấy nhân đĩa đệm: Trong phẫu thuật này, bác sĩ cắt một phần nhỏ nhân đĩa đệm bị thoát vị gây chèn ép dây thần kinh. Phẫu thuật được chỉ định sau khi điều trị nội khoa 3 tháng không mang lại kết quả. Trong trường hợp nghi ngờ biến chứng hoặc có dấu hiệu nghiêm trọng, cần chỉ định phẫu thuật sớm hơn.
  • Phẫu thuật cắt cung sau đốt sống: Phẫu thuật này được chỉ định để cải thiện tình trạng đau thần kinh tọa do hẹp ống sống. Tuy nhiên, phẫu thuật này có thể khiến cột sống không ổn định và dễ tái phát sau điều trị.
  • Cố định bằng nẹp vít cột sống hoặc làm cứng đốt sống trong các trường hợp trượt đốt sống gây chèn ép dây thần kinh nghiêm trọng.

Thông thường phẫu thuật điều trị đau thần kinh tọa có thể kéo dài trong 1 – 2 giờ. Thời gian hồi phục phụ thuộc vào loại phẫu thuật, thường cần khoảng 6 tuần đến 3 tháng. Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể và cách chăm sóc sức khỏe phù hợp.

Trước khi phẫu thuật cần trao đổi rõ với người bệnh về các rủi ro có thể xảy ra, chẳng hạn như:

  • Chảy máu
  • Nhiễm trùng
  • Hình thành cục máu đông
  • Tổn thương thần kinh
  • Rò rỉ dịch tủy sống
  • Mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột

Theo dõi sau khi điều trị

Sau khi điều trị đau thần kinh tọa, người bệnh cần được theo dõi một số vấn đề như:

  • Rối loạn vận động ở các chi dưới, điều này có thể dẫn đến hạn chế vận động một phần hoặc liệt hoàn toàn ở chi dưới
  • Rối loạn cơ vòng (cơ tròn)
  • Rối loạn cảm giác ở các chi dưới

Người bệnh cần có biện pháp bảo vệ cột sống kết hợp thay đổi lối sống và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh gây áp lực lên cột sống. Nếu nguyên nhân gây đau thần kinh tọa là các nguyên nhân ác tính, chẳng hạn như khối u, cần kết hợp điều trị ung thư, chẳng hạn như hóa trị hoặc xạ trị.

Người bệnh phẫu thuật cần mang đai lưng khi đi lại hoặc ngồi ít nhất trong một tháng để hỗ trợ cột sống. Tái khám định kỳ hoặc theo lịch hẹn để tầm soát các nguy cơ liên quan và có biện pháp xử lý kịp thời.

Lời khuyên cho bệnh nhân đau thần kinh tọa từ bác sĩ

Một số nguyên nhân gây đau thần kinh tọa không thể phòng ngừa được, chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm, té ngã hoặc mang thai. Mặc dù không thể phòng ngừa tất cả các trường hợp, tuy nhiên người bệnh có thể hỗ trợ bảo vệ lưng và giảm nguy cơ với một số biện pháp như:

  • Duy trì tư thế tốt: Thực hiện các kỹ thuật tốt khi ngồi, đứng, nâng đồ vật và ngủ đúng tư thế có thể hỗ trợ giảm áp lực lên lưng dưới và ngăn ngừa cơn đau thần kinh tọa. Nếu cảm thấy đau, hay thay đổi tư thế ngay lập tức để cải thiện.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Béo phì và thừa cân là một trong những nguyên nhân phổ biến gây viêm và đau khắp cơ thể. Do đó, người bệnh thừa cân nên giảm cân và giữ cân nặng ở mức hợp lý để tránh gây áp lực lên cột sống.
  • Không hút thuốc: Hàm lượng nicotine trong thuốc lá có thể làm giảm lượng máu cung cấp cho xương, dẫn đến suy yếu cột sống và các đĩa đệm. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về lưng, cột sống và gây đau thần kinh tọa.
  • Tập thể dục thường xuyên: Thường xuyên vận động và tập thể dục bao gồm kéo giãn cột sống có thể giữ cho các khớp linh hoạt và tăng cường sức mạnh của khớp, đặc biệt là các cơ ở lưng dưới và bụng. Ngoài ra, người bệnh không nên ngồi trong một thời gian dài để tránh gây áp lực lên cột sống.
  • Chọn các bài tập ít gây tổn thương đến lưng: Người bệnh cần cân nhắc thực hiện các hoạt động ít tác động, chẳng hạn như bơi lội, đi bộ, yoga hoặc thái cực quyền khi rèn luyện cơ thể.
  • Tránh té ngã hoặc các chấn thương liên quan: Đi giày vừa vặn và tránh các chấn thương hoặc té ngã bằng cách tăng ánh sáng trong nhà, lắp tay vịn cầu thang hoặc giữa nhà luôn gọn gàng.

Đau thần kinh tọa là tình trạng phổ biến, thường không nghiêm trọng và có thể cải thiện bằng các biện pháp điều trị nội khoa và tự chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên đôi khi tình trạng này có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện nếu nhận thấy sưng, đau, viêm hoặc kích thích ở hông và lưng dưới.

Câu hỏi liên quan
Đau Thần Kinh Tọa Có Nên Đạp Xe
Đạp xe là một môn thể thao được nhiều người ưa chuộng do có tính lành mạnh và mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể và xương khớp. Điển hình như tăng cường sức bền và độ ...
Xem chi tiết
Đau Thần Kinh Tọa Có Nên Đi Bộ
Đau thần kinh tọa có nên đi bộ, chạy bộ hay tập thể dục không là thắc mắc của nhiều người bệnh. Bởi đây đều là những bộ môn lành mạnh, tốt cho sức khỏe tổng thể. Chúng giúp tăng ...
Xem chi tiết
Đau Thần Kinh Tọa Nên Chườm Nóng Hay Lạnh
Đau thần kinh tọa nên chườm nóng hay lạnh là thắc mắc phổ biến của người bệnh khi xây dựng kế hoạch điều trị tại nhà an toàn và hiệu quả. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin ...
Xem chi tiết
Đau Thần Kinh Toạ Có Quan Hệ Được Không
Đau thần kinh tọa có thể gây khó khăn cho các hoạt động tình dục cũng như khiến một số người bệnh lo lắng quan hệ sẽ khiến các triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn. Dưới đây là một số ...
Xem chi tiết
Đau Thần Kinh Tọa Có Chữa Khỏi Được Không
Bệnh đau thần kinh tọa có chữa khỏi được không và điều trị như thế nào là thắc mắc chung của nhiều bệnh nhân. Bởi đây là một bệnh lý nghiêm trọng, cần nhiều thời gian để kiểm soát và ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua