Đau Khớp Gối Ở Trẻ Em
Đau khớp gối ở trẻ em có thể liên quan đến các hoạt động thể chất quá mức hoặc do cơ thể phát triển quá nhanh. Tuy nhiên đôi khi tình trạng này có thể liên quan đến các nguyên nhân nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như các bệnh viêm khớp hoặc bệnh bạch cầu.
Nguyên nhân gây đau khớp gối ở trẻ em
Cơn đau đầu gối ở trẻ em thường xuất hiện lúc nửa đêm và thường được cải thiện vào buổi sáng. Nguyên nhân phổ biến nhất có thể dẫn đến cơn đau này là đau khi tăng trưởng. Cơn đau thường xảy ra ở phía sau đầu khớp, đùi hoặc bắp chân. Tuy nhiên đôi khi cơn đau khớp gối ở trẻ em có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác.
1. Đau do tăng trưởng
Theo thống kê, có khoảng 30% trẻ em bị đau đầu gối, trong đó một nửa các cơn đau này là đau do tăng trưởng. Cơn đau thường ảnh hưởng đến trẻ ở độ tuổi từ tuổi mẫu giáo đến dưới 10 tuổi và thường tự biến mất ở độ tuổi thiếu niên. Các cơn đau này thương vô hại và không dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng.
Đặc điểm của cơn đau tăng trưởng ở trẻ em bao gồm:
- Thường xảy ra vào buổi tối và được cải thiện vào sáng hôm sau
- Cơn đau nghiêm trọng đến mức có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ
- Thường ảnh hưởng đến cả hai bên đầu gối
- Kéo dài liên tục trong vài đêm
- Có thể kèm theo tình trạng đau bụng hoặc đau đầu
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau do tăng trưởng chưa được xác định. Tuy nhiên các bác sĩ tin rằng, tình trạng này có thể liên quan đến hội chứng chân không yên hoặc do các hoạt động thể chất quá mức, chẳng hạn như leo trèo, chạy và nhảy trong ngày.
Hiện tại không có cách điều trị cho tình trạng này, tuy nhiên cơn đau thường có thể tự cải thiện trong vài năm. Ngoài ra, cha mẹ có thể xoa bóp đầu gối hoặc chườm nóng để cải thiện các cơn đau.
2. Viêm gân bánh chè
Trẻ em thường xuyên chơi các môn thể thao yêu cầu nhảy nhiều hoặc ngồi xổm có thể lạm dụng quá mức gân bánh chè, dẫn đến viêm gân. Ngồi xổm thường xuyên có thể gây áp lực nghiêm trọng lên gân bánh chè và làm tổn thương các sợi gân, điều này dẫn đến viêm và đau.
Triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng này là đau ngay trên gân xương bánh chè. Trẻ cũng có thể cảm thấy cơn đau khi ngồi xổm, nhảy hoặc thực hiện các hoạt động tác động đến cơ tứ đầu.
Viêm gân bánh chè có thể được cải thiện bằng cách hạn chế các hoạt động đến khi cơn đau được cải thiện. Điều quan trọng là cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê các loại thuốc chống viêm để cải thiện tình trạng đau khớp gối ở trẻ em. Một số trẻ thậm chí cần mang dây đai để hỗ trợ đầu gối.
Các biện pháp vật lý trị liệu, chẳng hạn như chườm nóng hoặc chườm lạnh cũng có thể giảm đau và chống viêm. Nếu cơn đau dữ dội, bác sĩ có thể đề nghị tiêm cortisone cho trẻ. Một số trẻ có thể cần phải phẫu thuật, đặc biệt là khi các triệu chứng gây ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng bình thường.
3. Viêm củ lồi trước xương chày
Viêm củ lồi trước xương chày (Bệnh Osgood-Schlatter) là xảy ra khi cơ, xương và gân của trẻ phát triển một cách nhanh chóng nhưng không cùng lúc. Điều này có thể gây áp lực lên một số nhóm cơ và thậm chí là có thể ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng của trẻ.
Triệu chứng chính của tình trạng viêm củ lồi trước xương chày là bước đi khập khiễng sau khi tập thể dục, đau dưới đầu gối, sưng tấy trên xương ống chân và căng cứng cơ tứ đầu. Cơn đau có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng và có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng. Các triệu chứng viêm củ lồi trước xương chày có thể được cải thiện khi nghỉ ngơi và nghiêm trọng hơn khi tập thể dục.
Hầu hết các trường hợp đau khớp gối ở trẻ em do viêm củ lồi trước xương chày thường được cải thiện khi xương của trẻ ngừng phát triển. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể tham khảo một số biện pháp hỗ trợ, chẳng hạn như:
- Nghỉ ngơi có thể cải thiện cơn đau và phục hồi chức năng đầu gối. Ngoài ra, cần hạn chế các hoạt động có thể gây tổn thương, tuy nhiên trẻ cần tiếp tục các hoạt động thể chất để đảm bảo quá trình phát triển toàn diện.
- Sử dụng giày có đế chống sốc để hỗ trợ đầu gối. Ngoài ra, chườm nóng 15 phút lên khớp gối trước khi hoạt động thể chất có thể cải thiện các cơn đau.
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Vật lý trị liệu có thể hỗ trợ phục hồi phạm vi chuyển động và tăng cường cơ bắp ở đầu gối.
Nếu các cơn đau nghiêm trọng hoặc không đáp ứng các biện pháp chăm sóc tại nhà, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
4. Viêm khớp dạng thấp vị thành niên
Viêm khớp dạng thấp vị thành niên có thể dẫn đến đau khớp gối ở trẻ em. Đây là một bệnh lý tự miễn dịch, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh của cơ thể. Điều này kích thích hệ thống miễn dịch giải phóng các chất hóa học gây tổn thương các mô, dẫn đến đau đớn và viêm khớp.
Tình trạng này thường ảnh hưởng đến trẻ em từ 6 tháng đến 16 tuổi. Đau khớp gối ở trẻ em là dấu hiệu phổ biến nhất, tuy nhiên trẻ có thể nhận thấy nóng khớp hoặc tấy đỏ ở đầu gối.
Hiện tại không có biện pháp điều trị tình trạng viêm khớp dạng thấp thiếu niên. Tuy nhiên, cha mẹ có thể kết hợp vật lý trị liệu, sử dụng thuốc và tập thể dục thường xuyên để cải thiện các triệu chứng. Chẩn đoán và điều trị sớm là điều quan trọng để tránh các rủi ro liên quan.
5. Lupus ban đỏ hệ thống
Bệnh lupus ban đỏ hệ thống là một rối loạn tự miễn dịch có thể ảnh hưởng đến gần như mọi cơ quan trong cơ thể, bao gồm khớp gối. Tình trạng này thường khổng phổ biến ở trẻ nhỏ, nhưng phổ biến ở thanh thiếu niên, đặc biệt là ở phụ nữ.
Lupus ban đỏ hệ thống có thể dẫn đến nhiều triệu chứng và dấu hiệu khác nhau, chẳng hạn như:
- Mệt mỏi kéo dài ngay cả khi được nghỉ ngơi đầy đủ
- Sưng, đau và cứng khớp
- Phát ban trên da, đặc biệt là ở khu vực xung quanh mũi và miệng
- Sốt
- Rụng tóc
Lupus ban đỏ hệ thống là tình trạng lâu dài và có thể nghiêm trọng theo thời gian. Tuy nhiên, chẩn đoán sớm và điều trị đúng phương pháp có thể cải thiện các triệu chứng liên quan.
6. Bệnh bạch cầu
Bệnh bạch cầu là bệnh ung thư máu bắt đầu bên trong tủy xương, đây là loại ung thư phổ biến nhất ở trẻ em. Bệnh bạch cầu có thể gây đau xương khớp, đau khớp gối ở trẻ em và một số triệu chứng khác.
Các triệu chứng và dấu hiệu bệnh cầu cầu khác nhau, phụ thuộc vào loại bệnh bạch cầu. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng chính bao gồm:
- Thiếu máu
- Dễ chảy máu hoặc bầm tím
- Nhiễm trùng hoặc sốt tái phát dai dẳng
- Đau bụng
- Sưng hạch bạch huyết
- Khó thở
Các biện pháp điều trị bệnh bạch cầu phụ thuộc vào loại bệnh và hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.
Điều trị đau khớp gối ở trẻ em
Không có phương pháp điều trị cụ thể cho các cơn đau khớp gối ở trẻ em. Tuy nhiên, cha mẹ có thể tham khảo một số biện pháp khắc phục tại nhà để cải thiện các cơn đau ở trẻ.
1. Biện pháp giảm đau
Các cơn đau khớp gối ở trẻ em thường không nghiêm trọng và có thể được cải thiện biện pháp tại nhà, chẳng hạn như:
- Tắm nước ấm: Tắm nước ấm, đặc biệt là trước khi đi ngủ có thể giúp giảm đau đầu gối và hỗ trợ tăng cường chất lượng giấc ngủ.
- Massage, xoa bóp: Nhẹ nhàng xoa bóp hoặc chà xát ở đầu gối có thể giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
- Chườm ấm: Chườm ấm lên đầu gối có thể tăng cường lưu thông máu và cải thiện cơn đau ở đầu gối. Tuy nhiên cần chú ý về nhiệt độ để tránh gây bỏng da.
- Sử dụng thuốc giảm đau: Các loại thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen, có thể giúp giảm đau nhức ở khớp gối. Tuy nhiên, không sử dụng thuốc quá thường xuyên và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để tránh các rủi ro liên quan.
Ngoài ra, không cho trẻ em sử dụng aspirin nếu không được sự chỉ định của bác sĩ.
2. Tập thể dục tăng cường chức năng khớp
Một số bài tập có thể cải thiện tình trạng đau đầu gối ở trẻ em. Thực hiện các bài tập kéo giãn và tăng cường sức mạnh có thể giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
- Các bài tập kéo căng đầu gối: Điều quan trọng là kéo căng cơ trước và sau khi hoạt động thể thao để giảm nguy cơ chấn thương.
- Căng gân đầu gối: Hướng dẫn trẻ đứng kê một chân lên ghế thấp, chân kia giữa thẳng. Từ từ di chuyển cơ thể về phía trước, đưa ngực đến gần đầu gối, trong khi vẫn giữa thẳng lưng.
- Căng cơ tứ đầu: Hướng dẫn trẻ đứng bằng một chân và đặt tay lên tường để làm điểm tựa. Kéo chân còn lại ra phía sau và chạm nhẹ vào mông. Đảm bảo đầu gối luôn thẳng và giữa thẳng lưng.
- Tăng cường sức mạnh đầu gối: Hướng dẫn trẻ nằm xuống sàn nhà, mặt hướng lên mái nhà. Nâng chân lên trên, hơi xoay bàn chân ra ngoài và siết chặt cơ tứ đầu. Đảm bảo chân được nâng cao khoảng 15 – 30 cm so với mặt đất.
- Squat tăng cường sức mạnh đầu gối: Hướng dẫn trẻ đứng dựa lưng vào tường, thẳng lưng và hai bàn chân rộng bằng vai. Hạ người xuống thật chậm trong khi vẫn giữ lưng dựa vào tường. Tiếp tục hạ thấp cho đến khi đầu gối gập 60 độ. Giữ vị trí này trong vài giây và trở lại vị trí bắt đầu.
Đau khớp gối ở trẻ em khi nào cần thăm khám?
Đau khớp gối do tăng trưởng là nguyên nhân phổ biến nhất ở trẻ em và thường biến mất khi trẻ trưởng thành. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài, dữ dội hoặc không đáp ứng các biện pháp tại nhà, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.
Ngoài ra, trẻ cũng cần được đến bệnh viện để kiểm tra nếu xuất hiện các triệu chứng như:
- Cơn đau kéo dài trong suốt cả ngày
- Cơn đau nghiêm trọng hơn buổi sáng
- Khớp gối bị nhức hoặc sưng
- Đi khập khiễng hoặc khó đi lại
- Giảm cân
- Ăn mất ngon
- Trẻ bị sốt
- Trẻ bị phát ban bất thường
- Thường xuyên mệt mỏi, yếu ớt hoặc ít hoạt động hơn bình thường
Đau khớp gối ở trẻ em thường gây lo lắng cho cha mẹ và người chăm sóc. Tuy nhiên, khoảng 1/3 trẻ em trong độ tuổi đi học phát triển các cơn đau này và thường có thể tự khỏi khi trẻ trưởng thành. Nếu cơn đau đi kèm các triệu chứng khác, chẳng hạn như sưng khớp hoặc sốt, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.
Thông tin thêm:
- Đau khớp gối ở người trẻ tuổi – Đừng coi thường!
- Kinh nghiệm vượt qua viêm đau khớp gối của Tiến sĩ Alok – Nguyên Chủ tịch cấp cao Canon Châu Á
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!