Đau Nhói Giữa Ức
Đau nhói giữa ức là cảm giác nhức nhói khó chịu hoặc đau nhói ở vùng giữa ngực (vị trí của xương ức). Cơn đau thường xảy ra do các bệnh lý ở cơ, xương và sụn kết nối xương ức với xương sườn. Tuy nhiên tình trạng này cũng có thể khởi phát do những vấn đề ở hệ tiêu hóa, phổi và tim.
Đau nhói giữa ức (ngực) là bị gì?
Do xương ức nằm giữa ngực nên những cơn đau thường liên quan đến xương ức, sụn và các cơ liên quan. Tuy nhiên đau nhói giữa ức (ngực) cũng có thể khởi phát từ những vấn đề ở tim, phổi và đường tiêu hóa. Bởi tổn thương ở những cơ quan xung quanh có thể làm ảnh hưởng đến vùng giữa ức và khởi phát cơn đau ngực.
1. Chấn thương
Chấn thương là nguyên nhân phổ biến gây đau nhói giữa ức. Điều này thường do tổn thương vùng ngực khi bị tai nạn, va đập hoặc có một cú đánh mạnh. Các dạng chấn thương liên quan:
- Tổn thương khớp xương ức
Khớp xương ức nối xương đòn với đỉnh xương ức. Khi bị viêm hoặc tổn thương do chấn thương, khớp này có thể gây khó chịu và đau ở vùng trên ngực và xương ức. Tổn thương khớp xương ức thường có cơn đau nhẹ hoặc nặng kèm theo sưng tấy vùng ngực trên và xương đòn, thường xuyên cứng khớp.
- Căng cơ
Căng cơ hoặc rách cơ vùng ngực có thể gây đau nhói giữa ức, đau xung quanh cơ bị kéo và cơ bị ảnh hưởng, bầm tím, khó chịu khi dùng cơ. Chấn thương này thường khởi phát do vặn xoắn hoặc thay đổi tư thế đột ngột.
- Vỡ mỏm mũi kiếm
Mỏm mũi kiếm nằm dưới xương ức, là phần mở rộng của sụn sườn. Bộ phận này có thể bị tổn thương hoặc vỡ do ép ngực không đúng kỹ thuật khi sơ cứu. Nếu tiếp tục hô hấp nhân tạo, mỏm mũi kiếm bị vỡ có thể di chuyển, xuyên vào các cơ quan bên dưới dẫn đến đau nhói ở vùng giữa ngực. Vỡ mỏm mũi kiếm cần được xử lý ngay để tránh gây nguy hiểm.
- Gãy xương ức
Gãy xương ức gây đau đớn đột ngột và dữ dội ở vùng giữa ngực, đau kèm theo vết bầm hoặc sưng tấy. Chấn thương này có thể khiến bệnh nhân hít thở sâu bị đau ngực, đau khi ho, khó thở, tiếng kêu bất thường hoặc nhấp khi di chuyển cánh tay. Gãy xương ức thường do va đập trong khi chơi thể thao hoặc tai nạn.
2. Viêm sụn sườn
Viêm sụn sườn là thuật ngữ y tế thể hiện cho tình trạng viêm sụn gắn các xương sườn với xương ức. Điều này thường khởi phát ở người tập thể dục quá mức dẫn đến chấn thương xương ức hoặc xương sườn, co thắt lồng ngực và kích thích sụn.
Khi bị viêm sụn sườn, người bệnh thường có cảm giác đau một bên của xương ức hoặc đau nhói giữa ức (ngực), khó chịu ở xương sườn, đau nghiêm trọng hơn khi ho hoặc thở sâu.
3. Thoát vị khe hoành
Thoát vị khe hoành (hiatal hernia) có thể là nguyên nhân gây đau nhói giữa ức. Bệnh lý này xảy ra khi dạ dày bị đẩy và di chuyển khỏi vị trí bình thường, qua lồng ngực và cơ hoành.
Ngoài cảm giác đau nhức, bệnh nhân bị thoái vị khe hoành còn gặp một số triệu chứng sau:
- Khó nuốt
- Nôn ra máu
- Thường xuyên cảm thấy no
- Ợ hơi
- Ợ nóng
Bệnh nhân bị thoát vị khe hoành cần được điều trị y tế sớm để tránh phát sinh những vấn đề không mong muốn.
4. Các tình trạng hô hấp
Đau nhói giữa ức (ngực) có thể liên quan đến những bệnh lý ở phổi và khí quản.
- Viêm phế quản
Viêm phế quản là tình trạng viêm các ống phế quản cung cấp không khí vào phổi từ khí quản. Khi những ống này bị viêm, chất nhầy tăng tiết và tích tụ dẫn đến khó thở, sốt nhẹ và ho.
Ngoài ra khó chịu hoặc đau nhói giữa ức có thể xảy ra do viêm phế quản. Điều này thường nghiêm trọng hơn khi hít vào và thở ra. Một số triệu chứng khác gồm ho dai dẳng, khạc nhổ ra chất nhầy, thở khò khè, các triệu chứng cảm cúm (sổ mũi, nôn mửa, mệt mỏi, tiêu chảy, kiệt sức).
- Viêm màng phổi
Màng phổi là hai lớp màng mỏng bao quanh mỗi lá phổi. Giữa hai lớp màng này là khoang màng phổi chứa một ít chất lỏng. Chúng giúp cho bề mặt phổi trơn láng khi cọ xát, phổi giãn nở tốt hơn khi thở.
Nhiễm trùng vi khuẩn hoặc virus có thể kích thích và gây viêm màng phổi. Điều này khiến người bệnh đau nhói giữa ức, đau nhiều hơn hoặc cảm thấy nhói buốt khi ho, hắt hơi hoặc hít vào. Ngoài ra viêm màng phổi còn gây khó thở, ho bất thường và sốt.
- Viêm phổi
Bệnh viêm phổi xảy ra khi một hoặc cả hai lá phổi của bạn bị nhiễm vi khuẩn, nấm hoặc virus. Nhiễm trùng tiến triển gây viêm các túi khí của phổi (phế nang). Điều này khiến phế nang chứa đầy dịch mủ dẫn đến khó thở và đau nhói. Tùy thuộc vị trí của phổi tổn thương, người bệnh có thể bị đau ngực bên phải hoặc đau ngực trái lan rộng, đau nhói giữa ức (ngực).
Một số dấu hiệu nhận biết khác, gồm:
-
- Sốt
- Tức ngực
- Khó thở
- Ớn lạnh
- Ho khan kéo dài
- Giảm cảm giác thèm ăn
- Đổ mồ hôi
- Đau đầu
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Đau ngực nặng hơn
5. Trào ngược axit dạ dày
Trào ngược axit dạ dày là tình trạng axit tiêu hóa thức ăn trong dạ dày trào ngược từ dạ dày đến thực quản và hầu họng. Điều này khiến lớp niêm mạc của khí quản bị hao mòn và gây đau xung quanh xương ức (vùng giữa ngực).
Ngoài ra trào ngực axit dạ dày có thể gây co thắt hoặc viêm khí quản. Điều này khiến bệnh nhân đau nhói giữa ức. Đau và khó chịu thường đi kèm với cảm giác nóng rát, buồn nôn, ợ chua, ợ hơi, có vị đắng trong miệng.
6. Cơn hoảng sợ
Cơn hoảng sợ xảy ra khi đột nhiên cảm thấy nguy hiểm, sợ hãi, có điều gì đó đang đe dọa mà không có lý do thực sự. Tình trạng này thường là triệu chứng của một bệnh tâm thần (trầm cảm, rối loạn lo âu tổng quát) hoặc là kết quả của sự căng thẳng quá mức.
Các dấu hiệu nhận biết cơn hoảng sợ:
- Đột ngột cảm thấy bất an
- Tức ngực hoặc đau nhói ở giữa ngực
- Khó nuốt
- Choáng váng
- Chóng mặt
- Đổ mồ hôi
- Tức ngực khó thở
- Co thắt dạ dày
- Có cảm giác lạnh và nóng luân phiên.
7. Đau tim
Đôi khi đau nhói giữa ức liên quan đến một cơn đau tim, thường xảy ra ở người trên 40 tuổi hoặc có sức khỏe tổng thể suy yếu, mắc bệnh tim. Đau tim (nhồi máu cơ tim) gây đau ngực ở giữa hoặc bên trái, đau đột ngột và dữ dội kèm theo các triệu chứng sau:
- Khó thở
- Đổ mồ hôi
- Buồn nôn
- Đau lan rộng đến hàm, vai, cổ và cánh tay
- Choáng váng
- Chóng mặt
- Mệt mỏi
- Khó chịu hoặc đau ở phần trên cơ thể
Đau tim đe dọa đến tính mạng. Vì thế người bệnh cần được cấp cứu ngay lập tức nếu có những triệu chứng nêu trên.
Đau nhói giữa ức có nguy hiểm không?
Những cơn đau nhói giữa ức thường không nghiêm trọng. Cơn đau và nguyên nhân có thể được khắc phục bằng thuốc và các biện pháp chăm sóc đơn giản.
Tuy nhiên đau nhói giữa ức cũng có thể liên quan đến các tình trạng y tế nghiêm trọng, cần được điều trị ngay lập tức (đau tim, viêm màng phổi, viêm phổi…). Việc chậm trễ hoặc không điều trị có thể khiến nhiễm trùng lan rộng, suy yếu các cơ quan hoặc tăng nguy cơ tử vong.
Chính vì thế bệnh nhân bị đau nhói giữa ức cần đến bệnh viện ngay lập tức khi:
- Đau nhói đột ngột, dữ dội hoặc kéo dài
- Đau nhói giữa ngực là dấu hiệu đau tim
- Đau kèm theo sốt cao, ho, buồn nôn, ho ra máu hoặc các triệu chứng nghiêm trọng khác
- Đau dai dẳng sau chấn thương.
Chẩn đoán đau nhói giữa ức như thế nào?
Bệnh nhân bị đau nhói giữa ức cần tiến hành thăm khám và điều trị trong thời gian sớm nhất. Thông thường, bệnh nhân được yêu cầu mô tả cường độ, đặc điểm và tần suất đau, các triệu chứng đi kèm, bệnh sử và chấn thương.
Ngoài ra bác sĩ có thể ấn nhẹ hoặc di chuyển cánh tay để kiểm tra vùng ngực và đánh giá cơn đau. Một số xét nghiệm cũng được đề nghị để chẩn đoán xác định nguyên nhân và đánh giá mức độ nghiêm trọng. Những xét nghiệm thường bao gồm:
- Chụp X-quang vùng ngực
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
- Chụp cắt lớp vi tính (CT)
- Xét nghiệm máu
- Siêu âm tim
- Điện tâm đồ
- Kiểm tra chức năng phổi
Điều trị đau nhói giữa ức
Đau nhói giữa ức thường tự cải thiện mà không cần điều trị. Tuy nhiên nếu triệu chứng không giảm, đau dai dẳng, dữ dội hoặc gây lo lắng, người bệnh cần khám và điều trị y tế theo chỉ định
Tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng cụ thể, phương pháp điều trị đau nhói giữa ức thường bao gồm:
1. Điều trị tại nhà
Những trường hợp đau nhẹ có thể khắc phục bằng những biện pháp chăm sóc tại nhà.
- Nghỉ ngơi: Khi bị đau nhói ở vùng giữa ngực, người bệnh nên nghỉ ngơi bằng cách nằm ngửa, kê gối dưới đầu, uốn cong đầu gối với một chiếc gối bên dưới, hít thở đều và thư giãn. Biện pháp này giúp giảm nhẹ tình trạng co thắt và đau nhói; thư giãn cơ thể, khớp xương và cơ xung quanh. Đồng thời hỗ trợ quá trình chữa lành tổn thương.
- Chườm lạnh: Đặt lên vùng bị đau một miếng khăn lạnh, túi chườm lạnh hoặc túi đá lạnh được bọc trong khăn mềm, giữ trong 10 phút, mỗi ngày 3 – 5 lần. Biện pháp này giúp giảm sưng và đau hiệu quả, phù hợp với bệnh nhân bị đau nhói giữa ức do chấn thương hoặc viêm. Không đặt trực tiếp đá lạnh lên da để tránh gây tổn thương.
- Không hút thuốc lá: Không hút thuốc lá và hít khói thuốc. Bởi điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ canxi, xương gãy lâu liền. Đồng thời gây yếu xương và loãng xương, tăng mức độ viêm và đau nhức, tăng nguy cơ chấn thương trong tương lai.
- Kiêng dùng một số loại thực phẩm: Nên hạn chế tiêu thụ một số loại thực phẩm và thức uống chứa nhiều đường, dầu mỡ hoặc chất béo kém lành mạnh, nước ngọt có ga, rượu, caffeine, thực phẩm chế biến sẵn. Bởi những loại thực phẩm này có thể tăng mức độ đau, kích thích phản ứng viêm và tăng tốc độ thoái hóa xương khớp.
- Duy trì chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh: Một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh có thể hỗ trợ giảm đau và thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương. Đối với đau nhói giữa ức, người bệnh nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C, omega-3, chất chống oxy hóa, canxi, magie và protein, chẳng hạn như rau xanh, củ quả, trái cây, các loại hạt, đậu, sữa, sữa chua, cá, thịt. Những thành phần dinh dưỡng này có thể ngăn viêm tiến triển, thúc đẩy chữa lành xương và cơ bị thương. Đồng thời giảm đau, tăng đề kháng và khả năng thải trừ tác nhân gây bệnh.
- Vận động nhẹ nhàng: Khi đau giảm, người bệnh có thể vận động nhẹ nhàng để phục hồi tính linh hoạt, tăng cường sức khỏe tổng thể và kiểm soát cơn đau. Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân có thể tập yoga, bơi lội, đạp xe hoặc thực hiện những bài tập có cường độ thích hợp.
- Kiểm soát căng thẳng: Để ngăn ngừa và giảm đau nhói giữa ức do cơn hoảng loạn, người bệnh nên kiểm soát căng thẳng, tránh lo âu và căng thẳng kéo dài. Tốt nhất nên giữ tâm lý thoải mái, tập suy nghĩ tích cực, ngồi thiền hoặc thực hiện sở thích (yoga, nghe nhạc, du lịch…) khi căng thẳng quá mức.
2. Điều trị y tế
Người bệnh được điều trị y tế khi đau nhói giữa ức đột ngột và nghiêm trọng, đau kéo dài hoặc liên quan đến bệnh lý. Hầu hết bệnh nhân được hướng dẫn dùng thuốc để khắc phục.
- Thuốc giảm đau, kháng viêm: Người bệnh được dùng Acetaminophen hoặc nhóm thuốc chống viêm không steroid (như Naproxen, Ibuprofen) để giảm triệu chứng cho trường hợp đau nhẹ và vừa. Acetaminophen có hai tác dụng chính gồm hạ sốt và giảm đau. NSAID có tác dụng trị viêm và đau nhức. Những trường hợp nặng có thể được dùng các thuốc giảm đau mạnh hơn.
- Corticoid: Thuốc Corticoid có thể được dùng cho trường hợp viêm sụn sườn hoặc viêm khớp nặng. Thuốc này có tác dụng trị viêm, giảm đau, chống dị ứng và ức chế miễn dịch.
- Thuốc kháng sinh, kháng nấm và kháng virus: Một loại thuốc kháng sinh, kháng nấm hoặc kháng virus sẽ được chỉ định cho bệnh nhân bị nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm hoặc virus. Việc sử dụng thuốc có thể tiêu diệt tác nhân gây nhiễm trùng, hỗ trợ giảm nhẹ cơn đau.
- Thuốc chống trầm cảm: Nếu đau nhói giữa ức do cơn hoảng loạn hoặc đau gây khó ngủ, người bệnh có thể được dùng thuốc chống trầm cảm để cải thiện. Thuốc này có tác dụng cải thiện tâm trạng, tăng chất lượng giấc ngủ và giảm đau.
- Nitroglycerin: Những trường hợp đau giữa ngực liên quan đến bệnh tim thường được dùng Nitroglycerin. Thuốc này giúp giảm đau bằng cách giảm mức tiêu thụ oxy cơ tim và tăng tuần hoàn máu.
Những trường hợp gãy xương có thể được nén để cố định và tạo điều kiện phục hồi tổn thương. Đôi khi phẫu thuật được chỉ định để khắc phục đau nhói giữa ngực. Phương pháp này phù hợp với những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị bảo tồn.
Biện pháp phòng ngừa đau nhói giữa ức
Để hạn chế đau nhói giữa ức do chấn thương và bệnh lý, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Ngăn ngừa chấn thương bằng cách thận trọng khi hoạt động thể chất và sinh hoạt.
- Bổ sung canxi và vitamin D giúp tăng mật độ xương, xương khớp chắc khỏe. Ngoài ra nên tăng cường bổ sung vitamin C, vitamin A, các khoáng chất và chất chống oxy hóa từ thực phẩm lành mạnh. Những thành phần này có thể giúp duy trì sức khỏe tổng thể, tăng khả năng chống viêm, ngăn đau và giảm nguy cơ chấn thương.
- Ngừng hút thuốc lá và ngừng dùng chất kích thích.
- Hạn chế uống rượu bia.
- Nghỉ ngơi hợp lý. Không gắng sức trong các hoạt động.
- Duy trì cân nặng ở mức an toàn.
- Giữ tâm trạng thoải mái, suy nghĩ tích cực. Ngồi thiền và yoga nếu căng thẳng quá mức.
- Duy trì thói quen tập thể dục (khoảng 30 – 60 phút/ ngày). Lựa chọn các bài tập/ bộ môn ưa thích và có cường độ thích hợp. Chẳng hạn như yoga, đạp xe, bơi lội, đi bộ, chạy bộ…
Có nhiều nguyên nhân gây đau nhói giữa ức. Cơn đau thường nhẹ, có thể được kiểm soát bằng các biện pháp chăm sóc. Tuy nhiên đau giữa ức cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý hoặc chấn thương nghiêm trọng, cần được điều trị sớm. Do đó người bệnh nên đến bệnh viện và thăm khám nếu đau nhói đột ngột, đau dữ dội hoặc đi kèm với những biểu hiện khác.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!