Các Tư Thế Ngủ Hợp Cho Người Thay Khớp Háng Nên Biết
Những tư thế ngủ phù hợp cho người thay khớp háng góp phần hỗ trợ giảm đau sau phẫu thuật, giữ khớp háng ở vị trí trung tính, tránh trật khớp. Ngoài ra những tư thế này còn giúp cơ thể thư giãn tối đa, cải thiện chất lượng giấc ngủ. Từ đó thúc đẩy quá trình phục hồi sau thay khớp.
Giấc ngủ ảnh hưởng đến người thay khớp háng
Giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể và quá trình hồi phục sau thay khớp háng. Sau phẫu thuật thay khớp háng, một số yếu tố có thể khiến người bệnh khó ngủ (tùy thuộc vào giai đoạn phục hồi). Cụ thể như:
- Cơn đau kéo dài từ vài tuần đến vài tháng hoặc đến khi nó được kiểm soát tốt. Đau và cảm giác khó chịu thường tăng đột biến khi ngủ. Điều này khiến người bệnh thường xuyên giật mình hoặc ngủ không ngon giấc.
- Thuốc giảm đau giúp kiểm soát cơn đau, mang đến cảm giác dễ chịu và hỗ trợ giấc ngủ cho người bệnh. Tuy nhiên một số loại thuốc giảm đau kê đơn có khả năng ảnh hưởng đến chu kỳ REM tự nhiên. Đồng thời làm gián đoạn giấc ngủ.
- Người bệnh thường có cảm giác lo lắng hoặc trầm cảm sau phẫu thuật thay khớp. Điều này làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Mất ngủ hoặc khó ngủ kéo dài có thể gây ra một số vấn đề sau:
- Suy giảm sức khỏe tổng thể và sức đề kháng
- Kích thích cơn đau tái diễn và kéo dài
- Ảnh hưởng đến tâm trạng
- Làm giảm tốc độ hồi phục sau thay khớp háng.
Khi giấc ngủ được đảm bảo, người bệnh có thể nhận thấy một số lợi ích dưới đây:
- Thúc đẩy quá trình chữa lành
Trong khi ngủ, cơ thể nghỉ ngơi hoàn toàn, não bộ kích thích giải phóng các hormone thúc đẩy sự phát triển của mô. Chính vì thế mà quá trình hồi phục diễn ra thuận lợi và nhanh chóng khi chất lượng giấc ngủ được đảm bảo.
- Giảm căng thẳng và lo lắng
Kết quả nghiên cứu cho thấy, một người có giấc ngủ ngon sẽ có huyết áp và tâm trạng ổn định. Ngoài ra, một giấc ngủ ngon còn giúp giữ tinh thần thoải mái và vui vẻ, chống lại sự kiệt quệ về tinh thần.
Trong khi đó lo lắng và căng thẳng quá mức làm ảnh hưởng đến quá trình hồi phục. Đồng thời kích thích cơn đau sau phẫu thuật thay khớp háng.
- Nạp năng lượng cần thiết cho quá trình phục hồi
Ngủ đủ giấc cung cấp năng lượng dồi dào cho cơ thể. Điều này giúp ngăn mệt mỏi, đảm bảo quá trình vật lý trị liệu diễn ra tốt nhất. Ngoài ra người bệnh nên chuẩn bị những bữa ăn lành mạnh và giàu dinh dưỡng để thực hiện những thử thách về thể chất trong ngày
- Tăng cường sức khỏe tổng thể
Một giấc ngủ tốt phải kéo dài từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm ở người lớn. Khi ngủ đủ giấc, người bệnh có năng lượng và tâm trạng tốt, chống mệt mỏi, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và duy trì sức khỏe tim mạch.
Bên cạnh đó, việc ngủ đủ giấc mỗi ngày còn giúp giảm lượng đường trong máu, giảm lo lắng, giảm nguy cơ béo phì. Đồng thời tăng cường sức đề kháng và sức khỏe tổng thể.
Vì sao cần ngủ đúng tư thế khi thay khớp háng?
Phẫu thuật thay khớp háng là một trong những ca phẫu thuật lớn. Trong thủ thuật, khớp háng hư hỏng sẽ được thay thế bằng một bộ phận giả (thường bằng kim loại).
Phương pháp này thường được chỉ định cho bệnh nhân có khớp háng hư hỏng nghiêm trọng do hao mòn tự nhiên hoặc bệnh tật. Chẳng hạn như thoái hóa khớp háng, gãy cổ xương đùi không thể bảo tồn, hoại tử vô mạch chỏm xương đùi…
Những tư thế ngủ phù hợp cho người thay khớp háng giúp đảm bảo chất lượng giấc ngủ, người bệnh nhanh chóng chìm vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn. Điều này giúp cung cấp năng lượng cho những buổi vật lý trị liệu và phục hồi, hạn chế đau đớn. Đồng thời giữ tâm trạng tốt và nâng cao sức khỏe tổng thể.
Ngoài ra việc ngủ đúng tư thế khi thay khớp háng còn mang đến nhiều lợi ích sau:
- Góp phần kiểm soát cơn đau, hạn chế cảm giác đau đớn và khó chịu trong khi ngủ
- Ngăn trẹo/ xoay ngón chân. Điều này giúp ngăn trật khớp háng và những biến chứng liên quan.
- Giữ khớp háng ở vị trí trung tính, tránh trật khớp
- Kiểm soát tình trạng phù nề
- Giúp cơ thể thư giãn tối đa
- Thúc đẩy quá trình phục hồi sau thay khớp, đảm bảo hiệu quả của quá trình điều trị
Tư thế ngủ phù hợp cho người thay khớp háng
Dưới đây là những tư thế ngủ phù hợp cho người thay khớp háng, giúp đảm bảo giấc ngủ và hỗ trợ quá trình phục hồi:
1. Nằm ngửa, đặt gối giữa hai chân
Nằm ngửa được đánh giá là tư thế ngủ tốt nhất cho người mới phẫu thuật thay khớp háng. Tuy nhiên cần đặt một chiếc gối giữa hai chân. Tư thế này giúp cơ thể và hông được giữ thẳng, khớp háng ở vị trí trung tính. Từ đó đảm bảo cơ thể được thư giãn tối đa, ngăn đau đớn. Đồng thời tạo điều kiện cho hông lành lại hoàn toàn.
Ngoài ra nằm ngửa với chiếc gối giữa hai chân còn giúp giảm nguy cơ trẹo chân trong khi ngủ. Bởi trẹo chân có thể khiến khớp giả của bạn bung ra khỏi ổ cắm (trật khớp háng nhân tạo). Điều này gây biến dạng khớp háng, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và khả năng đi lại bình thường.
Cách nằm ngửa đúng cho người thay khớp háng:
- Dùng gối kê đầu phù hợp
- Nằm thẳng, giữ lưng và hông thẳng hàng
- Đặt một chiếc gối giữa hai chân (mặt trong của đùi và đầu gối)
- Giữ cho những ngón chân hướng lên trên
- Đặt hai tay lên bụng có thể giúp ngủ ngon.
Khi ngủ với tư thế nằm ngửa, không vặn bàn chân ra ngoài, các ngón chân phải hướng lên trên. Bởi bàn chân hướng ra ngoài có thể làm tăng áp lực lên vùng hông.
Nếu muốn uốn cong chân khi nằm ngửa, tuyệt đối không uốn cong chân có khớp háng được thay. Bởi điều này làm tăng nguy cơ di lệch khớp và tăng áp lực lên hông. Hơn thế việc uốn cong chân đột ngột sẽ gây tác động tiêu cực đến chân và khớp háng bị ảnh hưởng.
2. Nằm nghiêng, đặt gối giữa hai đầu gối
Ngủ nghiêng là một tư thế ngủ tốt, giúp người bệnh dễ dàng chìm vào giấc ngủ. Trong hầu hết các trường hợp đau khớp háng và thay khớp háng, tư thế ngủ này cũng mang đến nhiều lợi ích cho người bệnh.
Để đạt được tư thế ngủ phù hợp cho người thay khớp háng, người bệnh cần ngủ nghiêng bên chân lành. Tuyệt đối không nằm nghiêng bên chân đau. Vì điều này có thể khiến vùng chậu chịu nhiều áp lực, kích thích cảm giác đau đớn và tăng nguy cơ khởi phát các biến chứng sau phẫu thuật.
Khi ngủ nghiêng bên chân không bị ảnh hưởng, hãy luôn đặt một chiếc gối giữa hai chân. Điều này giúp hông được giữ ở vị trí trung tính, cột sống thẳng, giảm áp lực cho bên chân bị ảnh hưởng.
Ngoài ra ngủ nghiêng và kê gối giữa hai chân còn giúp hạn chế đau đớn, tránh chân trên di chuyển về phía sau hoặc phía trước dẫn đến di lệch khớp hông.
Cách nằm nghiêng đúng cho người thay khớp háng:
- Dùng gối kê đầu phù hợp
- Nằm nghiêng sang bên có chân không bị ảnh hưởng
- Đặt một chiếc gối giữa hai đầu gối hoặc hai chiếc gối trải dài ở đầu gối xuống cổ chân
- Tay trên đặt trước mặt, giữ lưng thẳng và hông ở vị trí trung tính.
Tư thế ngủ không tốt cho người thay khớp háng
Bên cạnh những tư thế ngủ phù hợp cho người thay khớp háng, người bệnh lưu ý không thực hiện những tư thế xấu. Điều này giúp ngăn những ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phục hồi.
Dưới đây là những tư thế ngủ không tốt cho người thay khớp háng:
1. Nằm sấp
Sau phẫu thuật thay khớp háng, người bệnh cần tránh nằm sấp khi ngủ. Về cơ bản, tư thế nằm sấp gây khó chịu cho vùng đầu cổ, vai và hông do những bộ phận không được giữ vị trí tốt.
Chính vì thế người bệnh có xu hướng vặn vẹo ngón chân để đạt được tư thế thoải mái nhất. Tuy nhiên những ngón chân bị vẹo/ xoay có thể gây trật khớp háng. Đồng thời gây đau đớn và làm khởi phát những biến chứng nghiêm trọng khác.
Ít nhất 6 tuần sau mổ, người bệnh không nên nằm sấp. Khi được nằm sấp, hãy đặt một chiếc gối giữa hai chân để tăng sự ổn định cho khớp háng.
2. Nằm ngửa uốn cong đầu gối hoặc chéo chân
Nằm ngửa với chiếc gối giữa hai chân là một tư thế ngủ phù hợp cho người thay khớp háng. Tuy nhiên nằm ngửa uốn cong đầu gối hoặc chéo chân lại là một tư thế ngủ xấu.
- Nằm ngửa với đầu gối uốn cong
Sau phẫu thuật thay khớp háng, người bệnh không nên uốn cong đầu gối và đặt một chiếc gối dưới chân khi ngủ. Bởi tư thế này làm tăng áp lực lên hông dẫn đến trật/ lệch khớp háng. Đồng thời kéo dài thời gian chữa lành vết thương và gây biến chứng.
Ngoài ra người bệnh tuyệt đối không uốn cong chân đột ngột. Điều này có thể đau và làm khởi phát những vấn đề liên quan đến chân và khớp háng bị ảnh hưởng.
- Nằm ngửa chéo chân
Nằm ngửa chéo chân là một tư thế ngủ xấu đối với người thay khớp háng. Việc bắt chéo chân khi ngủ, vặn/ xoay bàn chân hoặc những ngón chân vào trong sẽ làm tăng áp lực và làm mất sự cân đối cho vùng hông. Lúc này người bệnh có thể cảm thấy đau đớn và tăng nguy cơ trật khớp háng.
3. Nằm nghiêng không kê gối
Sau thay khớp háng, người bệnh cần nằm nghiêng với một chiếc gối giữa hai đầu gối. Tuyệt đối không nằm nghiêng bên chân bệnh và nằm nghiêng không kê gối.
- Nằm nghiêng bên chân bệnh
Khi nằm nghiêng bên chân bệnh, khớp háng phải chịu một áp lực lớn từ trọng lượng cơ thể. Điều này khiến người bệnh đau đớn, ảnh hưởng đến tốc độ và khả năng lành lại hoàn toàn của khớp háng.
- Nằm nghiêng không kê gối
Đối với bệnh nhân vừa phẫu thuật thay khớp háng, việc nằm nghiêng không kê gối sẽ làm mất sự cân bằng và tính ổn định cho hông. Đồng thời tăng áp lực cho khớp háng và gây đau.
Lưu ý cho người thay khớp háng khi ngủ
Sau phẫu thuật thay khớp háng, bác sĩ kê đơn thuốc (chẳng hạn như thuốc kháng viêm, thuốc gây tê tại chỗ) và hướng dẫn các biện pháp tự nhiên nhằm kiểm soát cơn đau hiệu quả. Người bệnh cần tuân thủ kế hoạch kiểm soát cơn đau để ngăn đau làm ảnh hưởng đến giấc ngủ. Đồng thời hỗ trợ quá trình hồi phục.
Ngoài ra người thay khớp háng cần lưu ý thêm một số vấn đề dưới đây:
- Sử dụng gối kê đầu và gối đặt giữa hai chân. Lựa chọn những chiếc gối kê đầu có độ cứng phù hợp, không quá mềm hoặc quá cứng. Dùng gối có kích thước và độ cứng phù hợp để đặt giữa hai chân. Điều này giúp ngăn trẹo chân, tránh tăng áp lực và ảnh hưởng đến vị trí của hông.
- Lựa chọn giường hoặc đệm có độ chắc chắn. Điều này giúp bạn giữ tư thế tốt cho lưng và hông, ngăn ngừa những tư thế xấu trong khi ngủ (chẳng hạn như uốn cong lưng). Ngoài ra việc nằm trên giường/ đệm chắc chắn còn giúp giảm thiểu áp lực lên khớp háng, tránh gây đau và căng cơ.
- Không nằm nghiêng sang bên chân bị ảnh hưởng ít nhất 6 tuần sau phẫu thuật.
- Thay đổi tư thế ngủ nếu cảm thấy không thoải mái. Tuy nhiên tư thế được thực hiện phải là tư thế tốt cho hông.
- Tuyệt đối không bắt chéo mắt cá chân trong mọi tư thế, đặc biệt là khi nằm ngửa.
- Không uốn cong chân khi ngủ. Đặt biệt không uốn cong đầu gối về phía bụng quá 90 độ.
- Không thực hiện những chuyển động động ngột. Bởi điều này có thể gây đau, làm ảnh hưởng đến quá trình lành lại của khớp háng. Ngoài ra thay đổi tư thế đột ngột còn tăng áp lực lên chân ảnh hưởng và gây căng cơ.
- Việc thực hiện hoặc thay đổi tư thế ngủ cần chậm rãi. Nên có sự trợ giúp của người thân.
- Trong mọi tư thế ngủ, tuyệt đối không vặn đầu gối ra ngoài.
- Những người thay khớp háng nên ưu tiên tư thế nằm ngửa. Bởi nằm ngửa chính là tư thế ngủ phù hợp và an toàn nhất cho người thay khớp háng.
- Ngoài tư thế ngủ, người bệnh cần thực hiện thêm những biện pháp phòng ngừa bổ sung trong vài tuần đầu sau thay khớp háng. Điều này giúp ngăn đau và tránh bị trật khớp
Bao lâu có thể ngủ bình thường?
Đối với phẫu thuật thay khớp háng, người bệnh cần ít nhất 6 tuần để hồi phục. Chính vì thế, sau ít nhất 6 tuần, người bệnh có thể ngủ bình thường. Trong thời gian hồi phục, người bệnh cần tuân thủ những hướng dẫn về tư thế ngủ phù hợp cho người thay khớp háng. Điều này giúp đảm bảo khớp háng được giữ ở vị trí chính xác và phục hồi nhanh.
Trên đây là những hướng dẫn cơ bản về tư thế ngủ phù hợp cho người thay khớp háng. Nằm ngửa có gối giữa hai chân được đánh giá là tư thế ngủ tốt nhất. Tuy nhiên người bệnh cũng có thể nằm nghiêng và dùng gối giữ hông ở vị trí đúng. Việc thay đổi tư thế thường xuyên giúp máu lưu thông tốt hơn. Người bệnh không nằm sấp trừ khi có sự cho phép của bác sĩ.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!