Căng Cơ

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Lê Hữu Tuấn | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Căng cơ là tình trạng cơ bắp bị kéo căng quá mức dẫn đến đau đớn. Tình trạng này xảy ra khi các cơ bị kéo giãn liên tục hoặc quá tầm trong quá trình vận động hàng ngày. Ngoài ra căng cơ cũng có thể xảy ra khi nâng vật đột ngột, chơi các môn thể thao cần nhiều sức lực. Nếu không được điều trị, rách hoặc đứt cơ có thể khởi phát.

Căng cơ
Tìm hiểu nguyên nhân gây căng cơ, dấu hiệu nhận biết, cách chẩn đoán, biện pháp chăm sóc và điều trị

Căng cơ là gì?

Căng cơ (còn được gọi là căng cứng cơ, căng cứng) là một thuật ngữ thể hiện cho tình trạng cơ bắp bị kéo căng quá mức, vượt khỏi giới hạn của . Tình trạng này khiến cơ liên quan có dấu hiệu căng cứng, không có khả năng thư giãn bình thường, bệnh nhân đau buốt và khó cử động.

Trong trường hợp nặng, không chăm sóc và điều trị sớm, cơ ảnh hưởng có thể bị rách kèm theo những tổn thương ở gân. Ngoài ra vết rách cơ có thể làm tổn thương những mạch máu nhỏ dẫn đến bầm tím, chảy máu cục bộ. Đồng thời đau nhói do các đầu của dây thần kinh trong khu vực bị kích thích.

Căng cơ thường xảy ra sau khi bệnh nhân nâng vật đột ngột, thực hiện những động tác tạo áp lực quá mức lên cơ. Điều này thường xảy ra trong khi chơi thể thao, làm việc hoặc trong quá trình hoạt động bình thường.

Tình trạng căng thẳng quá mức có thể xảy ra ở bất kỳ cơ nào trên cơ thể. Tuy nhiên cơ bắp chân thường bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Nguyên nhân gây căng cơ

Khi di chuyển một bộ phận cụ thể của cơ thể (tay, chân…), não sẽ gửi tính hiệu đến các cơ của bộ phận đó. Điều này giúp các cơ co lại hoặc thắt chặt. Tùy thuộc vào tín hiệu được não gửi, cơ bắp có thể co lại nhiều hoặc chỉ một chút. Sau khi co, các cơ sẽ tự động thư giãn cho đến lần sử dụng kế tiếp.

Co cơ xảy ra khi một hoặc một nhóm cơ có dấu hiệu co một phần hoặc co lại trong thời gian dài. Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân. Trong đó căng thẳng có thể khiến não bộ tiếp tục gửi tín hiệu thần kinh đến cơ khiến chúng co lại ngay cả khi không còn cần thiết. Điều này thường kéo dài trong vài tiếng hoặc vài ngày và khiến người bệnh đau đớn nghiêm trọng. Người bệnh thường đau dữ dội hơn khi cơ càng co lâu.

Nguyên nhân gây căng cơ gồm:

  • Căng thẳng

Căng thẳng thường là nguyên nhân kích hoạt tình trạng cứng cơ. Bởi căng thẳng, stress kéo dài làm ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh (điển hình như dây thần kinh, não bộ…) và cách chúng hoạt động. Điều này có thể gây ra tình trạng rối loạn và khiến não bộ truyền tín hiệu thần kinh đến cơ.

Mặt khác, hệ thống thần kinh phản ứng với căng thẳng bằng cách tăng áp lực lên mạch máu. Điều này làm giảm lưu lượng máu đến cơ dẫn đến căng cơ và đau nhói.

  • Dùng thuốc

Statin (thuốc điều trị cholesterol cao) và một số loại thuốc khác có thể gây ra tình trạng căng cứng cơ.

  • Bệnh lý

Căng cơ thường xảy ra do một số vấn đề và bệnh lý dưới đây:

    • Chén ép dây thần kinh
    • Nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn
    • Bệnh viêm khớp dạng thấp
    • Chấn thương căng thẳng lặp đi lặp lại
    • Bệnh thấp khớp, đau đa xơ
    • Bệnh Parkinson. Bệnh lý này một bệnh thần kinh làm ảnh hưởng đến vận động.
    • Hội chứng đau myofascial. Đây là một dạng rối loạn mãn tính làm tăng áp lực lên những điểm nhạy cảm trong cơ dẫn đến đau đớn.
    • Bệnh Lyme làm tổn thương thần kinh do một loại bọ chét gây ra.
    • Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống
    • Loạn trương lực cơ
    • Mất nước
    • Hội chứng mệt mỏi mãn tính
    • Hội chứng khoang gắng sức mãn tính
    • Bệnh xơ cứng teo cơ bên
    • Bong gân
  • Sử dụng cơ bắp quá mức

Căng cơ xảy ra khi cơ bắp bị sử dụng quá mức và căng thẳng liên tục. Tình trạng này thường gặp ở những vận động viên chạy bộ, chạy nước rút, thể dục dụng cụ… Ngoài ra căng cơ cũng thường xảy ra khi nâng vật đột ngột hoặc thực hiện những động tác tạo áp lực quá mức lên cơ.

Sử dụng cơ bắp quá mức
Sử dụng cơ bắp quá mức khi chơi thể thao khiến cơ chịu nhiều áp lực dẫn đến căng cơ

Dấu hiệu và triệu chứng của căng cơ

Căng cơ được nhận biết thông qua một số dấu hiệu và triệu chứng dưới đây:

  • Đau nhức cơ bắp ở khu vực bị căng cơ. Đau nhức nghiêm trọng hơn khi co duỗi khớp hoặc sử dụng cơ bị ảnh hưởng
  • Đau giảm khi nghỉ ngơi
  • Bầm tím hoặc/ và sưng tấy
  • Thiếu linh hoạt, khó vận động
  • Yếu gân cơ

Căng cơ có nguy hiểm không?

Nếu không được chăm sóc và điều trị sớm, căng cơ có thể gây ra tình trạng rách cơ hoặc đứt gân. Điều này làm ảnh hưởng đến khả năng vận động trong tương lai, tăng nguy cơ dị tật. Ngược lại những trường hợp được điều trị sớm và đúng cách có thể khắc phục bệnh trong thời gian ngắn với những phương pháp nội khoa.

Chẩn đoán căng cơ

Trước tiên người bệnh sẽ được hỏi bệnh sử, triệu chứng và kiểm tra vận động để chẩn đoán tình trạng căng cơ. Sau đó bác sĩ chỉ định một số xét nghiệm để tìm kiếm các tổn thương cơ và vấn đề tiềm ẩn. Điều này giúp xác định nguyên nhân gây căng cơ, đánh giá mức độ nghiêm trọng và phát hiện những thương tổn đi kèm.

Một số xét nghiệm thường được áp dụng gồm:

  • Siêu âm: Hình ảnh thu được từ siêu âm có thể giúp bác sĩ tìm kiếm tình trạng viêm và những tổn thương trong các sợi cơ bắp.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được chỉ định để kiểm tra những rối loạn tự miễn gây cứng cơ và tổn thương cơ.
  • Chụp X-quang: Kỹ thuật này được chỉ định để kiểm tra căng cơ có liên quan đến những vấn đề về xương hay không. Đồng thời loại bỏ những yếu tố nguy cơ.
  • Chụp CT hoặc chụp MRI: Người bệnh thường được yêu cầu chụp CT hoặc MRI để phát hiện những bất thường của xương khiến dây thần kinh bị chèn ép. Ngoài ra kỹ thuật này cũng được thực hiện để phân biệt tình trạng căng cơ với những vấn đề về xương hoặc các mô mềm khác. Từ đó chẩn đoán chuẩn xác và có hướng điều trị thích hợp nhất.
  • Điện cơ: Người bệnh có thể được yêu cầu điện cơ để đánh giá hoạt động của dây thần kinh và cơ bắp.

Điều trị căng cơ

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây căng cơ, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp khắc phục tại nhà hoặc điều trị y tế theo hướng dẫn của bác sĩ.

1. Chăm sóc và điều trị tại nhà

Phần lớn bệnh nhân bị căng cơ do những nguyên nhân cơ học và không quá nghiêm trọng. Đối với trường hợp này, người bệnh có thể áp dụng những biện pháp chăm sóc tại nhà để cải thiện. Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc tốt nhất:

  • Chườm đá

Biện pháp chườm đá nên được thực hiện sau khi căng thẳng xảy ra. Biện pháp này giúp hạn chế tình trạng chảy máu cục bộ vào cơ, giảm sưng tấy và đau buốt do căng cơ. Chườm đá nên được thực hiện 3 – 4 lần/ ngày, tối đa 20 phút/ lần. Thực hiện từ 2 – 3 ngày hoặc đến khi sưng giảm bớt.

Chườm đá
Chườm đá nên được thực hiện sớm để hạn chế chảy máu cục bộ vào cơ, giảm sưng tấy và đau buốt
  • Chườm nóng

Khi vết sưng đã giảm bớt, người bệnh có thể áp dụng biện pháp chườm nóng để xoa dịu cơ tổn thương. Nhiệt độ cao có thể giúp giãn mạch, tăng lưu thông máu, giảm đau và hạn chế tình trạng căng thẳng ở các cơ.

Chườm nóng nên được thực hiện 4 lần/ ngày, mỗi ngày 30 phút. Lưu ý không nên chườm nóng sớm để tránh gây đau và sưng thêm. Ngoài ra không nên chườm nóng lên vùng da trần hoặc dùng nhiệt độ quá cao để tránh gây bỏng da.

  • Nghỉ ngơi

Khi bị căng cơ, người bệnh nên nghỉ ngơi để các cơ được thư giãn, tránh tăng thêm áp lực. Biện pháp này giúp ngăn não bộ truyền tính hiệu thần kinh về cơ. Đồng thời giúp giảm cảm giác căng cứng cơ và giảm đau cơ hiệu quả.

Các cơ bị ảnh hưởng nên được nghỉ ngơi hoàn toàn trong vòng 3 ngày. Không nên thực hiện những hoạt động kích thích cơn đau và gây căng thẳng cho các cơ.

  • Nâng cao vùng bị thương

Để giảm sưng và hạn chế chảy máu cục bộ vào cơ do rách mạch máu, người bệnh nên nâng cao vùng tổn thương trong khi ngồi hoặc nằm.

  • Nén

Người bệnh có thể sử dụng biện pháp nén để bảo vệ cơ bị căng, hạn chế cơ chấn thương thêm và cho phép tổn thương được chữa lành. Ngoài ra biện pháp này còn giúp hạn chế những hoạt động hay những tác động bên ngoài làm tăng cơn đau cơ.

  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn

Người bệnh có thể sử dụng Acetaminophen hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Ibuprofen hoặc Naproxen để giảm đau do căng cơ và cải thiện khả năng đi lại. Acetaminophen phù hợp với những cơn đau nhẹ, có tác dụng giảm đau và hạ sốt. NSAID phù hợp với những cơn đau trung bình, có tác dụng trị viêm và giảm đau.

So với thuốc chống viêm không steroid, Acetaminophen có độ an toàn cao hơn. Ngoài ra NSAID không phù hợp với những bệnh nhân có tiền sử xuất huyết tiêu hóa, đang dùng thuốc làm loãng máu (như Coumadin) hoặc mắc bệnh thận. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn dùng thuốc đúng cách.

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có tác dụng trị viêm và giảm nhanh những cơn đau ở mức trung bình

2. Điều trị y tế

Đa số bệnh nhân bị căng cơ được điều trị nội khoa, chỉ một số ít trường hợp phẫu thuật (do rách cơ hoặc mạch máu). Thông thường người bệnh sẽ được điều trị tình trạng sức khỏe tiềm ẩn hoặc chấn thương nghiêm trọng trước (nếu có). Sau đó khắc phục căng cơ và những triệu chứng đi kèm.

Dựa vào nguyên nhân cụ thể và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, người bệnh sẽ được đề nghị phương pháp điều trị tốt nhất, thường bao gồm:

  • Sử dụng thuốc

Thuốc giãn cơ và thuốc kháng viêm mạnh được chỉ định cho bệnh nhân bị căng cơ không có đáp ứng với thuốc giảm đau không kê đơn.

    • Thuốc giảm đau giãn cơ: Thuốc giảm đau giãn cơ có tác dụng xoa dịu tình trạng co cứng cơ và co thắt cơ, giảm khó chịu và giảm đau ở những vùng có cơ bị tổn thương hay co cứng. Từ đó giúp cải thiện khả năng vận động cho người bệnh.
    • Thuốc Corticoid: Corticoid là thuốc kháng viêm mạnh. Thuốc có tác dụng trị viêm, ức chế miễn dịch và chống dị ứng. Đồng thời giảm nhẹ các triệu chứng như sưng, đau… Corticoid phù hợp với những bệnh nhân không có đáp ứng với NSAID hoặc căng cơ do các rối loạn tự miễn.
    • Thuốc kháng sinh/ kháng virus: Thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus được dùng cho những bệnh nhân bị căng cơ có liên quan đến tình trạng nhiễm trùng.
  • Vật lý trị liệu

Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân được yêu cầu vật lý trị liệu để thư giãn và khôi phục lại chức năng của cơ, đặc biệt là những bệnh nhân điều trị rách cơ sau phẫu thuật. Phương pháp này có tác dụng giảm đau, tăng cường sức cơ và tăng khối lương cơ bắp. Đồng thời cải thiện sức mạnh và phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân.

Hầu hết bệnh nhân được tập vật lý trị liệu với những bài tập kéo giãn và tăng cường sức cơ với cường độ thích hợp. Một sộ trường hợp khác có thể được áp dụng như siêu âm trị liệu, sử dụng nhiệt, massage trị liệu…

Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu để giảm đau, thư giãn và khôi phục chức năng của cơ, cải thiện vận động cho bệnh nhân
  • Phẫu thuật

Phẫu thuật thường chỉ được áp dụng cho những trường hợp sau:

    • Rách cơ hoặc rách/ đứt gân
    • Rách mạch máu do căng cơ quá mức
    • Không đáp ứng với điều trị bảo tồn do một số tình trạng tiềm ẩn

Để thực hiện, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân. Bác sĩ nối hai đầu cơ hoặc/ và mạch máu lại với nhau thông qua một vết mổ có kích thước hợp lý. Sau phẫu thuật, người bệnh được bó bột từ 3 – 4 tuần hoặc đến khi lành hẳn. Cuối cùng vật lý trị liệu để phục hồi chức năng.

Biện pháp ngăn ngừa căng cơ

Để ngăn ngừa tình trạng căng cơ, người bệnh hãy thử áp dụng những biện pháp dưới đây:

  • Điều trị tốt những vấn đề, bệnh lý liên quan đến căng cơ.
  • Không nên thực hiện những động tác đòi hỏi người thực hiện kéo căng cơ quá mức để tránh chấn thương.
  • Duy trì thói quen tập thể dục với những bài tập thích hợp để tăng cường sức mạnh và sự dẻo dai cho cơ bắp.
  • Luôn luôn thực hiện những tư thế tốt trong sinh hoạt, nâng vật và chơi thể thao đúng kỹ thuật.
  • Không nên đột ngột thực hiện những động tác làm tăng áp lực lên cơ.
  • Sử dụng những đồ dùng hỗ trợ để chắc chắn rằng bạn cảm thấy thoải mái khi làm việc, không sử dụng cơ quá mức.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc hay vận động gắng sức. Đặc biệt là những người lao động chân tay, chơi những môn thể thao cần sử dụng cơ bắp liên tục như bơi lội, chạy bộ, bật nhảy cao hoặc nhảy xa, thể dục dụng cụ…
  • Nghỉ giải lao thường xuyên ở những người ngồi nhiều hoặc thực hiện những động tác gây căng cơ. Trong khi nghỉ lao, hãy đứng lên đi lại và thực hiện những bài tập kéo căng. Điều này giúp giữ cho các cơ được thả lỏng, hạn chế tình trạng cứng khớp.
  • Thiết lập một chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ và cân bằng để đảm bảo cơ, gân và xương khớp chắc khỏe, duy trì cấu trúc và hỗ trợ tốt trong các hoạt động. Ngoài ra cần đảm bảo chế độ ăn uống đủ protein cần thiết để tăng cường khối lượng và sức cơ. Đồng thời cung cấp năng lượng cho cơ thể.
  • Luôn luôn khởi động kỹ trước khi chơi thể thao hoặc nâng/ kéo/ đẩy vật nặng. Cụ thể như chạy nhẹ nhàng tại chỗ, tập giãn cơ… Điều này giúp thư giãn, tăng sự dẻo dai cho cơ, kích thích lưu thông máu. Từ đó tăng giới hạn chịu đựng của cơ, hạn chế chấn thương khi luyện tập.
Khởi động kỹ trước khi chơi thể thao
Khởi động kỹ trước khi chơi thể thao để thư giãn, tăng sự dẻo dai cho cơ, kích thích lưu thông máu và hạn chế chấn thương

Bệnh nhân bị căng cơ có tiên lượng khá tốt. Hầu hết người bệnh có thể khắc phục tình trạng sau vài ngày đến vài tuần điều trị nội khoa. Tuy nhiên một số trường hợp không điều trị đúng cách hoặc không sớm khắc phục có thể bị rách cơ, cần can thiệp ngoại khoa. Vì thế người bệnh cần điều chỉnh thói quen sinh hoạt và chăm sóc đúng cách để phục hồi cơ tổn thương ngay sau chấn thương hoặc những triệu chứng đầu tiên xuất hiện..

Tham khảo thêm: 

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua