Thay Khớp Háng Toàn Phần và Bán Phần – Điều Cần Biết

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Lê Hữu Tuấn | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Dựa vào mức độ tổn thương, người bệnh có thể được thay khớp háng toàn phần và bán phần. Phương pháp này sử dụng khớp háng nhân tạo để thay thế toàn bộ hoặc một phần khớp háng hư hỏng. Từ đó giúp khắc phục các triệu chứng, ngăn biến chứng liệt chi và phục hồi chức năng vận động.

Thay khớp háng toàn phần và bán phần
Thay khớp háng toàn phần và bán phần là phương pháp phẫu trong đó khớp háng hư hỏng được thay thế bằng bộ phận giả

Thay khớp háng toàn phần và bán phần là gì?

Thay khớp háng toàn phần và bán phần được gọi chung là thay khớp háng nhân tạo hay thay khớp háng. Đây là phương pháp phẫu trong đó khớp háng hư hỏng của người bệnh được thay thế bằng một bộ phận giả (khớp háng nhân tạo). Điều này giúp ngăn bệnh tiến triển và loại trừ các triệu chứng như đau và cứng khớp. Đồng thời ngăn ngừa biến chứng và phục hồi khả năng vận động.

Dựa trên mức độ tổn thương, phẫu thuật thay khớp háng có thể được thực hiện dưới dạng thay thế một phần hoặc thay thế toàn bộ.

1. Thay khớp háng toàn phần

Trong khi thay khớp háng toàn phần (chỉnh hình khớp háng toàn phần), sụnxương bị hư hỏng sẽ được loại bỏ, sau đó sử dụng một bộ phận phục hình để thay thế.

  • Chỏm xương đùi hư hỏng được loại bỏ. Đặt thân xương đùi bằng kim loại có kích thước phù hợp vào chính giữa (phần rỗng) của xương đùi để thay thế. Thân xương đùi có thể được ép khít hoặc được gắn xi măng.
  • Phần trên của thân xương đùi nhân tạo được gắn với một quả bóng bằng sứ hoặc bằng kim loại. Nó giúp thay thế phần chỏm xương đùi bị hư hỏng và đã được loại bỏ.
  • Ở ổ cối, bề mặt sụn hư hỏng được lấy ra và thay thế bằng ổ cối bằng kim loại hoặc bằng vật liệu khác. Đôi khi xi măng hoặc vít sẽ được sử dụng để giúp ổ cối được giữ chặt.
  • Giữa ổ cối và phần chỏm xương đùi nhân tạo được đặt một miếng đệm bằng nhựa. Điều này cho phép chúng trượt qua nhau một cách trơn tru hơn.
Thay khớp háng toàn phần
Thay khớp háng toàn phần thay thế cả chỏm xương đùi và ổ cối

2. Thay khớp háng bán phần

Thay khớp háng bán phần là phương pháp phẫu thuật trong đó chỏm xương đùi hư hỏng được loại bỏ và thay thế bằng một quả bóng bằng kim loại, sứ hoặc một số vật liệu khác. Thông thường phương pháp này sẽ được áp dụng cho bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi di lệch nhiều trên bệnh nhân có sức khỏe yếu hoặc cao tuổi.

Thay khớp háng toàn phần thay thế cả chỏm xương đùi và ổ cối. Trong khi đó thay khớp háng bán phần chỉ thay thế chỏm xương đùi. Hiện nay thay khớp háng toàn phần và bán phần là một trong những phương pháp phẫu thuật chỉnh hình phổ biến nhất. Bởi phương pháp này có thể mang đến nhiều lợi ích cho người bệnh trong quá trình điều trị.

Thay khớp háng bán phần
Thay khớp háng bán phần chỉ thay thế chỏm xương đùi

Lợi ích ủa phẫu thuật thay khớp háng

Thay khớp háng toàn phần và bán phần có thể mang đến những lợi ích sau:

  • Loại bỏ một phần hoặc toàn bộ khớp háng bị hư hỏng, giảm nguy cơ phát sinh biến chứng
  • Giảm đau, ngăn đau khớp háng tái phát
  • Cải thiện chức năng khớp háng
  • Phục hồi khả năng vận động cho bệnh nhân, cải thiện sự linh hoạt trong các hoạt động

Chỉ định thay khớp háng toàn phần và bán phần

Thay khớp háng toàn phần và bán phần thường chỉ được xem xét khi những phương pháp điều trị khác (điển hình như sử dụng thuốc giảm đau, vật lý trị liệu…) đã thất bại. Tình trạng này thường xảy ra ở những bệnh nhân có các điều kiện y tế sau:

Ngoài ra phẫu thuật thay khớp háng toàn phần và bán phần cũng được chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Không thể kiểm soát cơn đau ở khớp háng.
  • Đau khớp háng làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, người bệnh khó hoặc không thể thực hiện các hoạt động sinh hoạt thường ngày, khó đi lại hoặc đứng lên từ tư thế ngồi.
  • Cơn đau khiến nhiều bộ phận khác của cơ thể bị ảnh hưởng.
  • Đau nhức cả ngày lẫn đêm ngay cả khi nghỉ ngơi.
  • Căng cứng ở hông khiến bệnh nhân không thể nhấc chân hoặc di chuyển

Phẫu thuật thay khớp háng có thể được chỉ định cho hầu hết các trường hợp có điều kiện y tế nêu trên. Tuy nhiên khi áp dụng cho người trẻ tuổi, có chỉ số cơ thể thấp, ít triệu chứng và có chức năng háng tốt, phương pháp này có thể mang đến hiệu quả cao nhất.

Chỉ định thay khớp háng toàn phần và bán phần
Chỉ định thay khớp háng toàn phần và bán phần cho người bị suy khớp, hoại tử vô mạch chỏm xương đùi…

Chống chỉ định

Trong một số trường hợp, phẫu thuật thay khớp háng toàn phần và bán phần không được chỉ định để tránh phát sinh biến chứng nghiêm trọng. Cụ thể:

  • Nhiễm trùng chưa được kiểm soát: Tăng mức độ nhiễm trùng khi phẫu thuật thay khớp háng cho người bị viêm khớp nhiễm trùng hoặc có các tình trạng nhiễm trùng khác.
  • Loãng xương nặng: Tăng nguy cơ gãy xương hoặc thất bại trong phẫu thuật thay khớp háng.
  • Người nghiện thuốc lá: Phẫu thuật thay khớp cho người nghiện thuốc lá làm tăng nguy cơ phát sinh các biến chứng nghiêm trọng. Nguyên nhân là do hàm lượng Nicotine trong thuốc lá làm hư hỏng các xương và ngăn quá trình phục hồi.
  • Một số đối tượng khác:
    • Người bị sa sút trí tuệ
    • Dễ té ngã
    • Nghiện rượu

Chuẩn bị cho phẫu thuật thay khớp háng

Trước khi phẫu thuật thay khớp háng toàn phần và bán phần, người bệnh sẽ được kiểm tra và đánh giá y tế. Điều này giúp đề xuất phương pháp điều trị tốt nhất và dự phòng rủi ro.

  • Đánh giá y tế

Nếu quyết định phẫu thuật thay khớp háng, người bệnh sẽ được kiểm tra sức khỏe tổng thể trước khi tiến hành phẫu thuật. Điều này giúp đảm bảo người bệnh có đủ sức khỏe để phẫu thuật và phục hồi hay không. Thông thường đánh giá y tế được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa.

  • Xét nghiệm

Một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chụp X-quang, điện tâm đồ… có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật. Những kỹ thuật này cho phép bác sĩ kiểm tra các bất thường (như nhiễm trùng…) và lập kế hoạch phẫu thuật phù hợp.

  • Thuốc

Bệnh nhân liệt kê và trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng. Một số loại thuốc có thể được dừng sử dụng trước khi bắt đầu phẫu thuật để tránh rủi ro.

Dừng sử dụng một số thuốc trước khi bắt đầu phẫu thuật để tránh rủi ro
Dừng sử dụng một số thuốc trước khi bắt đầu phẫu thuật để tránh rủi ro
  • Giảm cân

Người thừa cân béo phì được yêu cầu giảm cân trước khi phẫu thuật thay khớp háng toàn phần và bán phần. Điều này giúp giảm áp lực cho khớp háng nhân tạo. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể giảm nguy cơ phẫu thuật.

  • Kiểm tra nhiễm trùng

Người bệnh có thể được kiểm tra tiết niệu và nha khoa trước khi tiến hành phẫu thuật thay khớp háng. Nếu có nhiễm trùng, bệnh nhân cần điều trị nhiễm trùng và ngăn biến chứng trước khi phẫu thuật.

Quy trình thay khớp háng toàn phần và bán phần

Quá trình phẫu thuật thay khớp háng toàn phần và bán phần thường kéo dài từ 1 – 2 giờ. Thông thường, người bệnh được nhập viện và ra về trong ngày. Trong quy trình thay khớp háng, một phần hoặc toàn bộ khớp háng hư hỏng (sụn khớp, xương) sẽ bị loại bỏ. Sau đó bác sĩ định vị bộ phận nhân tạo bằng sứ, kim loại hoặc nhựa để khôi phục chức năng và sự liên kết của hông.

Quy trình phẫu thuật thay khớp háng gồm những bước sau:

  • Kiểm tra dấu hiệu sinh tồn: Đo đường huyết, nhịp tim, nồng độ oxy, nhiệt độ cơ thể… Chắc chắn rằng các chỉ số đều bình thường trước khi phẫu thuật.
  • Gây mê: Dựa vào tình trạng cụ thể, người bệnh có thể được gây mê toàn thân hoặc gây tê vùng thần kinh (gây tê từ thắt lưng trở xuống, bệnh nhân tỉnh táo) hoặc gây tê tủy sống, tiêm ngoài màng cứng.
  • Tạo vết rạch: Để tiếp cận với xương khớp háng, bác sĩ phẫu thuật tạo một đường rạch sâu ở phía sau của hông hoặc bên cạnh hông. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể tạo một vết rạch ở phía trước của hông.
  • Lấy xương và sụn hư hỏng: Một phần hoặc toàn bộ khớp háng hư hỏng được loại bỏ. Đầu tiên xương đùi được lấy ra khỏi ổ khớp. Sau đó xương đùi được cưa để tách phần hư hỏng ra khỏi khớp háng.
  • Đặt ổ khớp nhân tạo: Bác sĩ sử dụng một số dụng cụ hỗ trợ để mài xương trước khi đặt ổ khớp nhân tạo. Sau khi hoàn thành, khớp háng nhân tạo sẽ được định vị ở vị trí đúng nhất. Sau đó bôi một lớp xi măng để bộ phận nhân tạo liên kết với xương. Ngoài ra giữa ổ cối và chỏm xương đùi nhân tạo được đặt một miếng lót. Miếng lót này cho phép khớp chuyển động trơn tru hơn.
  • Đưa xương đùi vào ổ khớp: Sau khi cố định khớp háng, thân xương đùi nhân tạo (thân xương làm bằng kim loại, đầu trên gắn với quả bóng thay thế cho chỏm xương đùi) sẽ được đưa vào ổ khớp nhân tạo.
  • Kiểm tra sự tương thích: Sau khi chỏm và thân xương đùi nhân tạo được gắn vào ổ khớp, bác sĩ tiến hành kiểm tra sự tương thích trước khi hoàn thành phẫu thuật. Các kiểm tra thường bao gồm kiểm tra cấu trúc, sự tương thích về kích thước, khả năng cử động, tính linh hoạt và nguy cơ trật khớp.
  • Hoàn thành phẫu thuật: Bác sĩ đặt mô mềm về vị trí cũ. Cuối cùng khâu vết rạch da và băng bó để hoàn thành phẫu thuật.

Sau khi phẫu thuật, người bệnh được chuyển đến phòng hồi sức để được theo dõi và phục hồi thể trạng. Bệnh nhân tỉnh lại sau gây mê được xuất viện về nhà hoặc được đưa vào phòng bệnh để theo dõi thêm.

Quy trình thay khớp háng toàn phần và bán phần
Quy trình thay khớp háng toàn phần và bán phần kéo dài khoảng 1 – 2 giờ

Phục hồi sau thay khớp háng toàn phần và bán phần

Quá trình phục hồi và chăm sóc tại nhà có tác động không nhỏ đối với sự thành công của cuộc phẫu thuật thay khớp háng. Ngoài ra chăm sóc đúng cách còn giúp hạn chế phát sinh rủi ro sau phẫu thuật. Chính vì thế, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật thay khớp háng toàn phần và bán phần.

1. Kiểm soát cơn đau

Để kiểm soát cơn đau, bệnh nhân được yêu cầu dùng thuốc giảm đau trong thời gian ngắn. Tùy thuộc vào mức độ đau đớn, Acetaminophen, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), opioid hoặc thuốc gây tê cục bộ sẽ được chỉ định. Trong nhiều trường hợp, những loại thuốc này được dùng kết hợp với nhau để giảm nguy cơ lạm dụng và gây nghiện với thuốc opioid, đồng thời tăng hiệu quả giảm đau.

2. Chăm sóc vết thương

Không để vết thương bị ướt cho đến khi bác sĩ cho phép. Người bệnh thường xuyên bôi thuốc và thay băng để tránh vết thương bị nhiễm trùng, tránh kích ứng từ quần áo. Khoảng 2 tuần sau khi phẫu thuật, các chỉ khâu sẽ được gỡ bỏ.

3. Chế độ ăn uống phù hợp

Trong vòng vài tuần sau phẫu thuật, người bệnh có thể cảm thấy chán ăn. Tuy nhiên người bệnh cần chú ý ăn uống đều độ, duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh để thúc đẩy quá trình phục hồi. Đồng thời hỗ trợ giảm đau và chống viêm.

Dưới đây là một số thành phần dinh dưỡng nên được bổ sung vào chế độ ăn uống mỗi ngày:

  • Chất sắt: Ăn nhiều thực phẩm chứa chất sắt giúp tăng sản sinh hồng cầu, chống thiếu máu, thúc đẩy quá trình chữa lành mô. Đồng thời phục hồi sức mạnh cơ bắp. Một số loại thực phẩm giàu chất sắt gồm trái cây khô, trứng, đậu nành, bông cải xanh, rau lá xanh đậm, đậu xanh, các loại hạt…
  • Canxi và vitamin D: Bổ sung canxi và vitamin D từ các loại thực phẩm lành mạnh giúp tăng tốc độ chữa lành mô xương tổn thương, kích thích sự phát triển của những tế bào xương mới. Đồng thời tăng mật độ xương và cải thiện sức khỏe của hệ xương khớp. Canxi và vitamin D có nhiều trong sữa, phô mai, cá, các loại đậu, hạt, hạnh nhân…
  • Vitamin C: Loại vitamin này giúp tăng sức đề kháng, phục hồi thể trạng sau phẫu thuật. Ngoài ra vitamin C còn giúp hỗ trợ giảm đau và chống viêm hiệu quả. Vitamin C thường có nhiều trong các loại trái cây thuộc họ cam quýt, bông cải xanh, ớt chuông, cà chua, kiwi, các loại quả mọng như dâu tây, việt quất, phúc bồn tử…
  • Axit béo omega-3: Ăn nhiều thực phẩm chứa axit béo omega-3 giúp tăng khả năng chống viêm, giảm đau và phục hồi sức khỏe sau phẫu thuật. Các loại thực phẩm giàu omega-3 gồm hạnh nhân, trứng cá muối, dầu gan cá tuyết, cá hồi…
Thiết lập chế độ ăn uống phù hợp
Thiết lập chế độ ăn uống phù hợp để thúc đẩy quá trình phục hồi, hỗ trợ giảm đau và chống viêm

4. Duy trì hoạt động

Trong vòng 3 – 6 tuần sau phẫu thuật, người bệnh có thể thực hiện các chuyển động nhẹ nhàng để tập làm quen và ngăn ngừa tình trạng cứng khớp. Đây là một phần quan trọng của quá trình phục hồi và chăm sóc tại nhà.

Sau khi kiểm soát cơn đau và phục hồi thể trạng, người bệnh được hướng dẫn vật lý trị liệu để sớm phục hồi chức năng vận động. Thông thường bệnh nhân được tập chống chân, đi dùng nạng và không dùng nạng, tập đứng, ngồi, leo cầu thang.

Ngoài ra dựa vào tốc độ phục hồi, bác sĩ có thể đề nghị một vài bài tập kéo giãn và tăng cường sức cơ. Những bài tập này có tác dụng tăng cường sức mạnh và phục hồi phạm vi chuyển động của hông. Ngoài ra tập vật lý trị liệu còn giúp tăng cường sự dẻo dai và tính linh hoạt.

5. Tránh một số hoạt động

Để giảm nguy cơ phát sinh biến chứng và giúp quá trình phục hồi diễn ra tốt nhất, người bệnh cần tránh một số hoạt động gây căng thẳng cho khớp. Cụ thể:

  • Ngồi bắt chéo chân vì có thể gây trật khớp háng.
  • Vận động mạnh
  • Tập chống chân và đi không dùng nạng khi tổn thương chưa lành
  • Chạy, nhảy
  • Mang vác vật nặng
  • Hút thuốc lá

6. Thăm khám định kỳ

Người bệnh được yêu cầu thăm khám định kỳ và chụp X-quang để theo dõi quá trình phục hồi khớp háng, sớm phát hiện biến chứng. Trong trường hợp có bất thường, người bệnh sẽ được hướng dẫn một số biện pháp thích hợp để kiểm soát.

Biến chứng sau thay khớp háng toàn phần và bán phần

Tỉ lệ phát sinh biến chứng sau phẫu thuật thay khớp háng toàn phần và bán phần rất thất. Tuy nhiên khi các biến chứng xuất hiện, chúng có thể hạn chế hoặc kéo dài sự hồi phục hồi hoàn, giảm tuổi thọ của khớp háng nhân tạo.

Dưới đây là một số biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật thay khớp háng:

1. Nhiễm trùng

Sâu trong thịt xung quanh bộ phận giả hoặc bề ngoài vết thương có thể bị nhiễm trùng. Các triệu chứng thường khởi phát sau phẫu thuật vài ngày hoặc vài tuần. Đối với trường hợp nhẹ, nhiễm trùng có thể được khắc phục bằng thuốc kháng sinh. Đối với nhiễm trùng nặng, nhiễm trùng sâu hoặc lớn, bệnh nhân có thể cần phẫu thuật để loại bỏ bộ phận giả.

Nhiễm trùng sau mổ có thể do vết thương không được chăm sóc đúng cách hoặc do nhiễm trùng lây lan từ bộ phận khác của cơ thể.

2. Xuất hiện cục máu đông

Xuất hiện cục máu đông là một trong những biến chứng phổ biến nhất của phẫu thuật thay khớp háng toàn phần và bán phần. Cục máu đông có thể xuất hiện ở xương chậu hoặc trong tĩnh mạch chân, có kích thước lớn hoặc nhỏ tùy theo tình trạng.

Nếu cục máu đông vỡ và di chuyển đến phổi, tính mạng của bạn có thể bị đe dọa. Để phòng ngừa bệnh nhân có thể được sử dụng ống hỗ trợ, thuốc làm loãng máu, tấm che chân bơm hơi hoặc vận động sớm.

Xuất hiện cục máu đông
Xuất hiện cục máu đông sau phẫu thuật thay khớp háng là một trong các biến chứng thường gặp

3. Chiều dài chân không đồng đều

Sau thay khớp háng toàn phần và bán phần, một chân của bạn có thể ngắn hoặc dài hơn chân còn lại. Nguyên nhân là do chân tổn thương có thể bị rút ngắn hoặc kéo dài một chút để cơ sinh học của hông và khớp được tối đa hóa sự ổn định.

4. Trật khớp

Trật khớp (sai khớp) xảy ra khi chỏm xương đùi lệch khỏi ổ cối. Tình trạng này thường xảy ra trong khi các mô đang lành (vài tháng đầu sau phẫu thuật). Nếu chỏm xương không lệch hoàn toàn ra khỏi ổ cối, sự lành lại có thể đưa nó trở về vị trí cũ. Đối với trường hợp nghiêm trọng hoặc khớp tiếp tục trật, bệnh nhân có thể cần phải phẫu thuật.

5. Nới lỏng và mòn răng cấy ghép

Khớp háng nhân tạo có thể bị mòn và lỏng lẻo sau một thời gian. Điều này thường là kết quả của sự mỏng xương sinh học (quá trình tiêu xương) và hoạt động hàng ngày. Phẫu thuật chỉnh sửa có thể cần thiết nếu việc nới lỏng gây đau đớn.

6. Tổn thương các mô mềm

Phẫu thuật có thể làm tổn thương các mô mềm quanh khớp háng, cụ thể như dây chằng, gân. Đôi khi mạch máu và dây thần kinh cũng có thể bị ảnh hưởng. Điều này có thể khiến bệnh nhân đau đớn thương xuyên, khớp háng mất ổn định, mất cảm giác hoặc yếu chân.

7. Biến chứng do gây mê

Một số biến chứng do gây mê có thể xảy ra sau phẫu thuật nhưng hiếm gặp. Bao gồm:

  • Viêm phổi
  • Rối loạn nhịp tim
  • Đau tim
  • Đột quỵ
  • Hình thành cục máu đông

6. Các biến chứng khác

Ngoài những biến chứng nêu trên, một số tình trạng khác cũng có thể xảy ra sau phẫu thuật thay khớp háng toàn phần và bán phần. Cụ thể:

  • Cứng khớp háng
  • Gãy xương
  • Đau sau phẫu thuật
  • Nhạy cảm với kim loại
  • Phẫu thuật thất bại (hiếm gặp)
Cứng khớp háng
Cứng khớp háng có thể xảy ra sau phẫu thuật thay khớp háng toàn phần và bán phần

Phòng ngừa biến chứng sau phẫu thuật

Để tránh các biến chứng xảy ra sau phẫu thuật thay khớp, người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn chăm sóc và phục hồi của bác sĩ chuyên khoa. Cụ thể:

  • Đánh giá sức khỏe kỹ lưỡng trước khi phẫu thuật.
  • Điều trị nhiễm trùng bằng thuốc kháng sinh.
  • Thay băng mỗi ngày, giữ cho vết thương sạch sẽ.
  • Tránh ngã, không vận động mạnh, không ngồi bắt chéo chân hoặc tập đi khi khớp háng của bạn chưa ổn định.
  • Sau phẫu thuật cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Theo dõi các biểu hiện của cơ thể. Thông báo ngay với bác sĩ chuyên khoa nếu có bất thường.
  • Phục hồi chức năng theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu.
  • Thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi ngủ, cúi hoặc ngồi ít nhất 6 tuần đầu tiên sau mổ thay khớp háng.
  • Thực hiện phẫu thuật với bác sĩ có chuyên môn cao và dày kinh nghiệm. Đồng thời lựa chọn những cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và hướng dẫn chữa trị. Một số bệnh viện lớn và uy tín của nước ta gồm Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức…

Tiên lượng

Bệnh nhân thay khớp háng toàn phần và bán phần có tiên lượng khá tốt. Vết thương thường lành sau phẫu thuật từ 6 – 8 tuần. Người bệnh có thể thích nghi và phục hồi chức năng hoàn toàn sau 6 tháng đến 1 năm luyện tập và chăm sóc vết thương.

Trong thời gian đầu, người bệnh có thể cảm thấy tê và đau ở vùng da quanh vết mổ. Ngoài ra người bệnh có thể cảm thấy hơi cứng khớp và khó vận động. Tuy nhiên các biểu hiệu sau mổ thay khớp háng thường không nghiêm trọng. Chúng có thể giảm dần và mất đi theo thời gian.

Tuổi thọ của khớp háng nhân tạo

Tuổi thọ của khớp háng nhân tạo phụ thuộc vào vật liệu và cách chăm sóc khớp háng. Tuổi thọ trung bình của khớp háng nhân tạo là 10 năm. Tuy nhiên nếu được chăm sóc tốt và không phát sinh vấn đề làm ảnh hưởng đến ổ khớp, 80% bộ phận nhân tạo có tuổi thọ kéo dài đến 20 năm (đã được chứng minh).

Tuổi thọ của khớp háng nhân tạo
Tuổi thọ của khớp háng nhân tạo có thể kéo dài đến 20 năm nếu được chăm sóc tốt

Chi phí thay khớp háng toàn phần và bán phần

Chi phí cho một ca phẫu thuật thay khớp háng toàn phần và bán phần dao động trong khoảng 80 – 90 triệu đồng. Trong đó khớp háng nhân tạo có giá khoảng 30 – 40 triệu đồng. Tuy nhiên chi phí phẫu thuật có thể tăng hoặc giảm khi có một vài điều kiện dưới đây:

  • Bệnh nhân có bảo hiểm y tế hoặc thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ. Bệnh nhân thường chỉ chi trả từ 10 – 20 triệu đồng (điều trị cùng tuyến)
  • Cơ sở vật chất và bác sĩ thực hiện

Lưu ý chi phí phẫu thuật thay khớp háng toàn phần và bán phần chưa bao gồm chi phí thuốc, chi phí kiểm tra sức khỏe, chi phí nằm viện…

Thay khớp háng toàn phần và bán phần chỉ được xem xét cho những bệnh nhân có khớp háng hư hỏng nặng, các phương pháp khác không thể kiểm soát cơn đau. Phẫu thuật thường mang đến hiệu quả điều trị cao. Tuy nhiên một số biến chứng có thể xuất hiện. Để ngăn ngừa, người bệnh cần chăm sóc và phục hồi sau phẫu thuật theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan
Viêm Cột Sống Dính Khớp Có Chữa Khỏi
Viêm cột sống dính khớp là bệnh lý mãn tính và cần điều trị kéo dài. Vậy bệnh viêm cột sống dính khớp có chữa khỏi được không? Người bệnh có thể tìm hiểu thông tin trong bài viết và có ...
Xem chi tiết
Chữa Viêm Khớp Cùng Chậu Ở Đâu
Nếu đang tìm hiểu thông tin chữa viêm khớp cùng chậu ở đâu tốt, hiệu quả và chi phí phù hợp, người bệnh có thể tham khảo một số gợi ý bên dưới và có sự lựa chọn phù hợp. ...
Xem chi tiết
Đau Khớp Gối Có Nên Đạp Xe Không
Đau khớp gối có nên đạp xe không phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau, mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Tham khảo bài viết bên dưới để có kế hoạch tập luyện an ...
Xem chi tiết
Viêm Cột Sống Dính Khớp Có Di Truyền
Theo các nghiên cứu, một số gen cụ thể có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp, bao gồm viêm cột sống dính khớp. Vậy viêm cột sống dính khớp có di truyền không và phòng ngừa như thế ...
Xem chi tiết
Viêm Khớp Thái Dương Hàm Có Tự Khỏi
Viêm khớp thái dương hàm có tự khỏi không phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, biện pháp điều trị và một số vấn đề liên quan khác. Do đó người bệnh nên tìm hiểu thông ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua