Gãy Cổ Xương Đùi: Các Phương Pháp Điều Trị, Di Chứng
Gãy cổ xương đùi là một dạng gãy xương phổ biến, chiếm hầu hết các trường hợp gãy xương đùi gần. Chấn thương này khiến đầu gối và bàn chân hướng ra ngoài, hai chân không đều. Đồng thời gây ra cơn đau háng nghiêm trọng, đau nặng hơn khi có trọng lượng dồn lên chân bị thương. Để điều trị, người bệnh cần được phẫu thuật, vật lý trị liệu và dùng thuốc.
Gãy cổ xương đùi là gì?
Gãy cổ xương đùi là một dạng gãy xương hông, chiếm phần lớn các trường hợp gãy xương nói chung, gãy xương hông và gãy cổ xương đùi gần nói riêng. Bệnh thể hiện cho tình trạng gãy/ nứt đoạn giữa liên mấu chuyển xương đùi và chỏm xương đùi.
Tình trạng nứt/ gãy làm mất sự kết nối giữa đầu tròn với đoạn còn lại của xương đùi. Điều này khiến bệnh nhân đau háng trầm trọng. Đau nghiêm trọng hơn khi dồn trọng lượng lên chân bị thương.
Gãy cổ xương đùi phổ biến nhất ở những người cao tuổi, thường do loãng xương, tai nạn, té ngã. Đối với những người trẻ, gãy xương có thể xảy ra do căng thẳng, chơi các môn thể thao mạo hiểm và dễ té ngã.
Ngay khi xương gãy, người bệnh cần đến bệnh viện và điều trị ngay lập tức. Điều này giúp giảm thiểu các biến chứng và nhiều vấn đề nghiêm trọng khác có thể xảy ra trong tương lai.
Dấu hiệu nhận biết gãy cổ xương đùi
Khi bị gãy cổ xương đùi, người bệnh sẽ nhận thấy một số triệu chứng và dấu hiệu được liệt kê dưới đây:
- Đột ngột đau dữ dội ở háng hoặc ở hông
- Đau nghiêm trọng hơn khi cố gắng xoay hông hoặc dồn trọng lượng lên hông tổn thương
- Không thể đứng dậy sau khi chấn thương xảy ra
- Không thể dồn trọng lượng lên chân bị thương và không thể đi lại
- Sưng tấy và bầm tím xung quanh vị trí gãy
- Bên hông bị thương có chân ngắn hơn
- Đầu gối và bàn chân bên bị thương hướng ra ngoài
Đối với những trường hợp có xương yếu do ung thư, loãng xương hoặc một số bệnh lý khác, bệnh nhân có thể đau háng thường xuyên hoặc liên tục đến thời điểm gãy xương.
Nguyên nhân gây gãy cổ xương đùi
Ở những người bị gãy cổ xương đùi, chấn thương là nguyên nhân phổ biến nhất. Tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe, nguyên nhân được chia thành nhiều nhóm và có yếu tố tác động. Cụ thể:
- Đối với người trẻ: Chấn thương gây gãy cổ xương đùi có thể xảy ra trong lúc tham gia giao thông, chơi các môn thể thao tiếp xúc hoặc mạo hiểm, lao động, té ngã khi sinh hoạt hàng ngày, ngã từ một độ cao lớn.
- Đối với người trên 50 tuổi: Các bệnh lý như loãng xương, ung thư xương… khiến xương khớp suy yếu và làm tăng nguy cơ gãy cổ xương đùi khi có yếu tố tác động hoặc té ngã.
- Đối với người cao tuổi: Té ngã là nguyên nhân gây gãy cổ xương đùi phổ biến nhất. Ở những trường hợp có xương rất yếu, đứng trên chân và vặn người cũng có thể gây ra tình trạng gãy xương.
- Đối với trẻ em: Hiếm khi gãy cổ xương đùi xảy ra ở trẻ em. Trong hầu hết các trường hợp, gãy xương tiến triển do mật độ khoáng xương thấp, chấn thương nặng, mắc bệnh loạn dưỡng cơ, bại não hoặc một số tình trạng khác khiến xương khớp suy yếu.
Các yếu tố rủi ro
Nguy cơ gãy cổ xương đùi sẽ tăng cao khi có các yếu tố được liệt kê dưới đây:
- Tuổi tác: Người có tuổi càng cao càng có nguy cơ té ngã dẫn đến gãy cổ xương đùi. Nguyên nhân là do khối lượng cơ và mật độ xương giảm dần theo tuổi tác. Ngoài ra khả năng giữ thăng bằng và thị lực ở những người lớn tuổi cũng suy giảm đáng kể.
- Giới tính: Nữ giới có nguy cơ gãy cổ xương đùi cao hơn nam giới. Nguyên nhân là do sự suy giảm nồng độ estrogen khi mãn kinh khiến sự mất xương diễn ra nhanh hơn.
- Bệnh loãng xương và ung thư: Bệnh loãng xương và ung thư xương khiến xương yếu và tăng nguy cơ gãy xương.
- Một số bệnh mãn tính: Rối loạn nội tiết, rối loạn đường ruột làm giảm khả năng hấp thụ canxi và vitamin D khiến xương suy yếu và dễ gãy.
- Sử dụng thuốc: Thuốc cortisone và một số loại thuốc khác có thể khiến xương yếu khi sử dụng dài ngày. Ngoài ra những loại thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương (thuốc an thần, thuốc chống loạn thần, thuốc ngủ) cũng làm tăng nguy cơ té ngã dẫn đến gãy xương.
- Sử dụng thuốc lá và rượu: Những người có thói quen hút thuốc lá và uống rượu thường có nguy cơ mất xương và gãy xương cao hơn. Bởi những sản phẩm này có khả năng đào thải canxi trong xương, cản trở quá trình xây dựng và duy trì xương khớp khỏe mạnh.
- Lười vận động: Những người lười vận động và không tập thể dục sẽ có cơ và xương suy yếu, dễ té ngã và gãy xương.
- Chế độ dinh dưỡng thiếu chất: Duy trì chế độ ăn uống thiếu canxi và vitamin D sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình xây dựng và duy trì xương khớp. Đồng thời khiến khối lượng xương suy giảm và tăng nguy cơ gãy xương trong tương lai. Ngoài ra tình trạng thiếu cân do ăn uống nghèo nàn cũng có thể làm tăng nguy cơ mất xương và gãy xương.
Các cấp độ của gãy cổ xương đùi
Gãy cổ xương đùi được phân thành 4 cấp độ theo Garden:
- Độ 1: Cổ xương đùi gãy ở dạng cài nhau, đường gãy 1 vỏ xương, các thớ xương còn thẳng.
- Độ 2: Cổ xương đùi gãy gài không di lệch, đường gãy 2 vỏ xương, các thớ xương còn thẳng.
- Độ 3: Cổ xương đùi gãy di lệch khép, các thớ xương nằm ngang.
- Độ 4: Cổ xương đùi gãy di lệch nhiều, đầu xương có sự tự do trong ổ cối.
Biến chứng của gãy cổ xương đùi
Có đến 50% bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi không thể phục hồi khả năng sống độc lập. Ngoài ra tình trạng này còn rút ngắn tuổi thọ và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu bệnh nhân bất động lâu ngày. Cụ thể:
- Xuất hiện các cục máu đông ở phổi hoặc ở chân
- Viêm phổi
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Mất khối lượng cơ
- Tăng nguy cơ tử vong
Chẩn đoán gãy cổ xương đùi
Quá trình thăm khám và các kỹ thuật chẩn đoán gãy cổ xương đùi:
1. Kiểm tra lâm sàng
Trong quá trình thăm khám, người bệnh sẽ được kiểm tra bệnh sử, tình trạng sức khỏe và cơ chế chấn thương. Sau đó bác sĩ tiến hành khám lâm sàng với những biểu hiện bên ngoài. Cụ thể:
- Quan sát thấy đầu gối và bàn chân ngoài, chân tổn thương ngắn hơn chân lành. Một số triệu chứng khác như sưng tấy, bầm tím
- Sờ thấy đau nhói ở vùng bẹn và vùng tam giác Scarpa. Ngoài ra mấu chuyển lớn bị lệch hoặc di chuyển lên cao bất thường.
- Dùng tay ấn nhẹ hoặc gõ thấy dồn trục đau.
2. Chẩn đoán hình ảnh
Một số kỹ thuật dưới đây có thể chẩn đoán chính xác gãy cổ xương đùi và mức độ nghiêm trọng.
- Chụp X-quang: Bệnh nhân được chụp X-quang háng phẳng nghiêng để thu về hình ảnh chi tiết liên quan đến đoạn xương gãy. Điều này giúp phát hiện bất thường và đánh giá gãy cổ xương đùi dựa trên phân độ Garden.
- CT scan: Đối với những trường hợp gãy cổ xương đùi phức tạp hoặc nghi ngờ chấn thương gãy, người bệnh sẽ được chỉ định CT scan. Kỹ thuật này cho phép bác sĩ đánh giá mức độ gãy xương và kiểm tra các mô mềm bị ảnh hưởng.
Phương pháp điều trị gãy cổ xương đùi
Khi phát hiện gãy cổ xương đùi, người bệnh sẽ được kê thuốc giảm đau kết hợp bất động khu vực tổn thương bằng nẹp chống xoay. Sau đó tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị với những phương pháp dưới đây:
1. Điều trị bảo tồn
Nếu gãy xương ở độ 1 và độ 2 (gãy gài), bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi không cần phẫu thuật điều trị. Thay vào đó, người bệnh sẽ được chỉ định một số phương pháp bảo tồn. Bao gồm:
- Bó bột Whitman
Bệnh nhân được điều chỉnh xương và bó bột Whitman để cố định chỗ gãy. Phương pháp này có tác dụng giữ cho các xương về lại vị trí bình thường và hỗ trợ liền xương gãy. Thông thường bệnh nhân sẽ được chỉ định bó bột điều trị gãy cổ xương đùi trong vòng 24 tiếng đến 48 tiếng để đạt hiệu quả tối đa.
- Kéo xương
Người bệnh được kéo liên tục trên bàn Braun để sắp xếp xương đúng cách. Đồng thời ổn định xương gãy và hạn chế nguy cơ ngắn chi (hai chi không đồng đều).
Các phương pháp điều trị bảo tồn thường chỉ được áp dụng cho trẻ em, hiếm khi áp dụng cho người lớn tuổi. Bởi phương pháp này có thể gây ra biến chứng nằm lâu.
2. Phẫu thuật
Để chỉ định loại phẫu thuật thích hợp, bác sĩ sẽ dựa trên nhiều yếu tố. Cụ thể: Mức độ nghiêm trọng, khả năng sắp xếp các xương đúng cách (nguy cơ di lệch xương), vị trí của vết gãy, tình trạng sức khỏe.
Ngoài ra chỉ định phẫu thuật điều trị gãy cổ xương đùi còn phụ thuộc nhiều vào độ tuổi. Cụ thể:
- Trẻ em và người lớn dưới 60 tuổi: Dùng vít kết hợp xương gãy (phẫu thuật kết hợp xương)
- Bệnh nhân từ 60 – 65 tuổi: Dùng vít kết hợp xương gãy hoặc thay khớp dựa vào mật độ xương.
- Bệnh nhân từ 65 – 70 tuổi: Phần lớn bệnh nhân được phẫu thuật thay khớp và vật lý trị liệu vận động sớm. Nếu khả năng sinh hoạt còn cao, bác sĩ có thể cân nhắc áp dụng phương pháp phẫu thuật thay khớp toàn phần.
- Trên 70 tuổi: Phẫu thuật thay khớp bán phần.
Bác sĩ có thể yêu cầu thay toàn bộ hoặc thay một phần khớp háng nếu các mạch cung cấp máu cho phần bóng của khớp háng bị đứt hoặc bị tổn thương khi gãy xương. Loại chấn thương này thường gặp ở những người lớn tuổi bị gãy cổ xương đùi, xương không thể hoặc ít có khả năng lành lại.
Dưới đây là những loại phẫu thuật có thể được thực hiện:
- Kết hợp xương gãy
Khi phẫu thuật điều trị gãy cổ xương đùi bằng phương pháp kết hợp xương gãy, bác sĩ sẽ tiến hành mổ mở và sắp xếp xương tổn thương. Sau đó đặt vít kim loại vào đoạn trên và dưới vết gãy để giữ cho hai đầu xương gãy khít lại với nhau. Cố định xuyên suốt trong khi vết gãy lành sẽ giúp xương lành lại theo hướng tích cực.
Trong một số trường hợp, một hoặc nhiều vít định hình xương sẽ được gắn vào một tấm kim loại. Thiết bị này được gắn từ vết gãy xuống thân xương đùi hoặc xương đùi dưới.
- Thay một phần khớp háng
Trong trường hợp đầu xương gãy bị hư hại hoặc bị di lệch, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ phần cổ và đầu của xương đùi. Sau đó sử dụng một thiết bị kim loại lắp vào để thay thế. Phương pháp này thường được chỉ định cho người trưởng thành bị gãy cổ xương đùi kèm theo các tình trạng sức khỏe khác, những người không còn sống độc lập hoặc suy giảm nhận thức.
- Thay toàn phần khớp háng
Phẫu thuật thay toàn phần khớp háng thường được chỉ định cho những bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi có tiền sử tổn thương ổ cối, người vận động nhiều. Trong khi phẫu thuật, khớp háng hư hỏng sẽ được loại bỏ và thay thế bằng khớp nhân tạo.
Thay toàn bộ khớp háng thường mang đến hiệu quả cao và lâu dài hơn so với những phương pháp điều trị khác. Ngoài ra phương pháp này còn giúp người bệnh phục hồi khả năng vận động nhanh hơn.
Phục hồi chức năng
Sau phẫu thuật điều trị gãy cổ xương đùi, người bệnh cần vận động nhẹ nhàng và vật lý trị liệu để phục hồi chức năng. Thông thường vào ngày đầu tiên sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được hỗ trợ ra khỏi giường và di chuyển.
Vào những ngày tiếp theo, vật lý trị liệu sẽ được thực hiện. Vật lý trị liệu ban đầu thường bao gồm những bài tập vận động, tăng chuyển động và tăng cường sức mạnh. Những bài tập này có tác dụng phục hồi sức cơ và chức năng khớp háng, cải thiện khả năng mở rộng khớp, giúp vận động linh hoạt.
Trong chăm sóc mở rộng, chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn một số bài tập có cường độ cao hơn, giúp đứng vững, đi lại bình thường và độc lập hơn trong cuộc sống hàng ngày. Tùy thuộc vào tình trạng và tốc độ phục hồi, người bệnh sẽ được hỗ trợ bằng khung tập đi, nạng hoặc bằng xe lăn.
Các bài tập vật lý trị liệu thường được áp dụng:
+ Vật lý trị liệu sau mổ kết hợp xương
- Tuần 1:
- Người bệnh ngồi, hai chân thả lỏng xuống giường. Gối gấp 90 độ, háng gấp 90 độ.
- Tập đi bằng hai nạng.
- Từ tuần 2 – 8: Bệnh nhân tập đi bằng hai nạng, chạm chân đau. Đồng thời tập tầm vận động tối đa.
- Từ tuần 8 – 12: Tập đi không dùng nạng (tùy theo tốc độ lành xương và mức độ đau nhức).
+ Vật lý trị liệu sau mổ thay khớp
- Tuần 1:
- Người bệnh ngồi, hai chân thả lỏng xuống giường. Gối gấp 90 độ, háng gấp 90 độ.
- Tập đi bằng khung hoặc đi bằng hai nạng.
- Từ tuần 2 – 8:
- Thực hiện động tác kéo giãn bao khớp trước, tăng tầm vận động tối đa nhưng không gây đau đớn nhiều.
- Tập đi bằng khung hoặc đi bằng hai nạng.
- Tập mạnh cơ vùng háng.
- Không áp dụng những bài tập có khả năng gây trật khớp.
- Từ tuần 8 – 12: Tập đi không dùng nạng hoặc khung (tùy theo tốc độ lành xương và mức độ đau nhức).
Phòng ngừa gãy cổ xương đùi
Để giảm nguy cơ gãy cổ xương đùi, bạn cần có lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống dinh dưỡng.
- Xây dựng chế độ ăn uống giàu vitamin D và canxi: Bạn cần đảm bảo bổ sung đủ 600IU vitamin D và 1000mg canxi trong độ tuổi từ 19 – 50 tuổi; 1200mg canxi từ 50 tuổi trở lên. Điều này giúp xây dựng hệ xương chắc khỏe, tăng mật độ khoáng xương và giảm nguy cơ loãng xương trong tương lai. Từ đó phòng ngừa gãy cổ xương đùi hiệu quả.
- Tập thể dục: Cần duy trì thói quen tập thể dục mỗi ngày 30 – 60 phút để cải thiện sự cân bằng, tăng cường xương và tăng sức mạnh tổng thể. Nên ưu tiên những bài tập rèn luyện khả năng chịu trọng lượng, điển hình như đi bộ. Bởi những bài tập này giúp duy trì mật độ xương ở mức cao nhất, tăng khả năng giữ thăng bằng, ít bị ngã hơn. Từ đó giảm tối đa nguy cơ mắc chứng gãy cổ xương đùi.
- Không uống rượu và hút thuốc lá: Không hút thuốc lá và không sử dụng rượu quá mức. Bởi những sản phẩm này có khả năng tăng đào thải canxi khỏi xương, giảm mật độ xương và khiến xương khớp suy yếu. Ngoài uống nhiều rượu còn khiến cơ thể mất thăng bằng và dễ ngã.
- Kiểm tra mắt định kỳ: Những người lớn tuổi nên khám mắt định kỳ 1 năm/ lần để hạn chế nguy cơ té ngã do vấn đề ở mắt. Những người có bệnh ở mắt hoặc mắc chứng tiểu đường nên khám bệnh thường xuyên hơn.
- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa: Những gia đình có người lớn tuổi cần thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, tránh đặt đồ đạc bừa bãi ở đường đi để hạn chế tình trạng vướng chân dẫn đến té ngã. Ngoài ra không nên sử dụng thảm trơn trượt, lối đi và phòng ốc nên được chiếu sáng đầy đủ.
- Thận trọng trong sinh hoạt: Bạn cần chậm rãi và thận trọng trong các hoạt động sinh hoạt, đi đứng, chơi thể thao để hạn chế nguy cơ chấn thương gãy cổ xương đùi.
- Thận trọng khi dùng thuốc: Một số loại thuốc có thể gây tác dụng phụ như chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu, yếu, tăng nguy cơ loãng xương… Vì thế bạn cần trao đổi với bác sĩ về khả năng gây tác dụng phụ của loại thuốc đang dùng.
- Dùng thiết bị hỗ trợ: Nếu cảm thấy yếu, mất thăng bằng và không ổn định khi đi bộ, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng những thiết bị hỗ trợ như khung tập đi, nạng… để hạn chế té ngã dẫn đến gãy xương.
Gãy cổ xương đùi thường xảy ra ở người lớn tuổi và những người có hệ xương khớp suy yếu do một số tình trạng sức khỏe, chấn thương. Loại gãy xương này khiến người bệnh đau nhức trầm trọng, không thể đứng và đi lại, làm tăng nguy cơ phát sinh biến chứng.
Do đó khi các triệu chứng xuất hiện, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện và sơ cứu ngay lập tức. Đồng thời tiến hành phẫu thuật khi có chỉ định để phục hồi chức năng và giảm biến chứng.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!