Bong Gân Nên Chườm Gì? Nóng Hay Lạnh? Điều Cần Biết
Bong gân nên chườm gì (chườm nóng hay chườm lạnh) là thắc mắc chung của nhiều người bệnh. Cả hai liệu pháp này đều mang đến hiệu quả giảm đau nhanh chóng. Tuy nhiên do hoạt động với hai nguyên lý khác nhau nên cần áp dụng đúng mục đích và đúng cách.
Hiểu hơn về bong gân
Bong gân là thuật ngữ chỉ tổn thương ở dây chẳng, thể hiện cho tình trạng kéo căng quá mức hoặc rách/ đứt dây chằng do tác động lực. Bất kỳ hoạt động nào khiến khớp bị đẩy ra khỏi vị trí giải phẫu đều dẫn đến tổn thương dây chằng. Thường gặp ở người chơi thể thao.
Bong gân có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể. Tuy nhiên bong gân đầu gối và bong gân cổ chân là hai vị trí dễ bị ảnh hưởng nhất. Tùy thuộc vào lực tác động, dây chằng có thể chỉ bị kéo căng/ rách một phần hoặc rách hoàn toàn.
Ngay khi tổn thương dây chằng, người bệnh có thể đau từ vừa đến nặng kèm theo sưng và bầm tím xung quanh. Ngoài ra mất tính ổn định khớp, khó hoặc không thể đúng lên/ đi lại có thể xảy ra ở trường hợp nặng.
Người bệnh được khuyên chăm sóc và xử lý bong gây ngay khi chấn thương diễn ra. Trong đó nghỉ ngơi và sử dụng nhiệt có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng.
Bong gân nên chườm gì?
Chườm nóng và chườm lạnh đều là những liệu pháp có khả năng giảm đau nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên nguyên lý hoạt động của hai liệu pháp này không giống nhau nên cần sử dụng đúng chỉ định và mục đích.
- Chườm lạnh: Chườm lạnh sử dụng nhiệt độ thấp (đá lạnh) chườm lên khớp tổn thương làm co mạch. Chườm lạnh không liên tục giúp giảm co cứng khớp, hạn chế co giật cơ. Chườm lạnh lên tục giảm tuần hoàn máu tại chỗ, ngưng chảy máu, giảm phù nề (sưng), viêm và đau cấp.
- Chườm nóng: Chườm nóng sử dụng nhiệt độ cao áp lên khu vực tổn thương và đau. Liệu pháp này giúp giãn mạch, tăng tuần hoàn máu tại chỗ, giảm đau mạn tính, giảm co thắt và cứng khớp. Ngoài ra liệu pháp này còn có tác dụng điều hòa thần kinh thực vật, điều hòa chức năng thần kinh, thư giãn cơn co thắt.
Vậy bong gân nên chườm gì? Theo các chuyên gia, bệnh nhân bị bong gân nên chườm lạnh sau khi bị thương, mỗi vài giờ (khoảng 2 – 4/ giờ) 1 lần, tối đa 20 phút/ lần, liên tục 72 giờ đầu tiên. Tác động nhiệt lạnh giúp co mạch, giảm tuần hoàn và chảy máu trong khớp. Đồng thời giảm đau và viêm sưng hiệu quả.
Trong khi chườm lạnh và điều trị bong gân, người bệnh cần nghỉ ngơi, tránh tăng áp lực lên khớp tổn thương. Đồng thời nâng chi cao hơn tim và nén bằng băng thun hoặc nẹp để tăng hiệu quả giảm đau và sưng. Ngoài ra chườm lạnh lên vị trí bong gân còn giúp dây chằng co lại và trở về vị trí cũ.
Người bệnh không nên chườm nóng ít nhất 48 giờ đầu sau chấn thương. Bởi điều này có thể làm giãn mạch, tăng lưu thông máu. Từ đó gây phù nề, đỏ, chảy máu trong khớp và bầm tím nghiêm trọng hơn. Hơn thế chườm nóng khiến dây chằng tổn thương căng giãn làm tăng mức độ đau.
Ngoài ra người bị bong gân tuyệt đối không xoa bóp với các loại dầu, mật gấu, cồn, thuốc rượu để làm nóng. Đồng thời không nên tiêm thuốc vào khu vực bị bong gân. Bởi những biện pháp này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu nhiều hơn do giãn mạch và tăng phù nề.
Chính vì những điều trên, bệnh nhân nên áp dụng biện pháp chườm lạnh kết hợp nghỉ ngơi và chăm sóc phù hợp để tăng hiệu quả giảm đau. Từ đó sớm phục hồi vận động.
Hướng dẫn chườm lạnh chữa bong gân
Chườm lạnh cần được thực hiện đúng cách để tăng hiệu quả giảm đau và sưng cho những chấn thương mới. Ngoài ra liệu pháp này cần được thực hiện mỗi 2 – 4 giờ 1 lần, liên tục 48 – 72 giờ.
Cách chườm lạnh chữa bong gân hiệu quả:
Chuẩn bị:
- Khoảng 6 – 8 viên đá lạnh (loại nhỏ)
- Một chiếc khăn bông mềm, xô đá hoặc hoặc túi chườm.
Cách 1:
- Bọc gọn đá lạnh trong khăn bông mềm hoặc đựng đá lạnh trong túi chườm
- Nằm thư giãn trên giường, nâng cao chi tổn thương
- Áp túi đá lên khớp bị bong gân trong 20 phút
- Thực hiện mỗi 2 – 4 giờ 1 lần.
Cách 2:
- Dùng đá lạnh áp lên vị trí bong gân. Sau đó massage với đá lạnh theo chiều kim đồng hồ trong 10 phút
- Thực hiện mỗi 4 – 6 giờ 1 lần.
Cách 3:
- Đổ đá lạnh vào xô
- Đặt khớp tổn thương vào xô đá trong 5 phút
- Thực hiện mỗi 2 – 4 giờ 1 lần.
Lưu ý khi chườm lạnh chữa bong gân
Chườm lạnh chữa bong gân giúp giảm sưng và đau hiệu quả. Đồng thời hỗ trợ phục hồi tình trạng và cải thiện khả năng chuyển động của khớp tổn thương. Tuy nhiên một số vấn đề dưới đây cần được lưu ý để tăng tính an toàn và hiệu quả, bao gồm:
- Chườm lạnh phù hợp với tất cả các trường hợp bị bong gân. Có thể sử dụng để xử lý bong gân nặng trong khi đến bệnh viện.
- Liệu pháp chườm lạnh cần được thực hiện đúng cách.
- Không tác động nhiệt lạnh quá lâu (đặc biệt là cách tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh). Bởi điều này có thể làm tăng nguy cơ tổn thương da, gây kích ứng và ửng đỏ.
- Chườm lạnh mang đến hiệu quả cao nhất khi được thực hiện ngay sau chấn thương, liên tục trong 72 giờ đầu, mỗi 2 – 4 giờ 1 lần.
- Chườm lạnh không thể thay thế các phương pháp y khoa. Vì thế những trường hợp nặng, bong gân cấp độ 2 hoặc 3 (rách hoặc đứt dây chằng), người bệnh cần liên hệ với bác sĩ trong 24 giờ sau bị thương để được hướng dẫn chữa trị.
- Ngồi hoặc nằm thư giãn khi chườm lạnh.
- Người bị bong gân nên nghỉ ngơi hợp lý. Tránh thực hiện những hoạt động có thể tăng mức độ đau hoặc khiến tổn thương do bong gân tiếp diễn. Cụ thể như chạy bộ, đi lại nhiều, chơi thể thao…
- Nên chườm lạnh kết hợp với các biện pháp chăm sóc khác theo hướng dẫn của bác sĩ. Bao gồm nẹp cố định, nâng chi cao hơn tim, thiết lập chế độ ăn uống cho người bong gân (ăn nhiều thực phẩm giàu protein, vitamin và khoáng chất). Những biện pháp này giúp giảm sưng, viêm và đau hiệu quả, thúc đẩy chữa lành dây chằng tổn thương. Ngoài ra nẹp còn giúp hạn chế các hoạt động không cần thiết hay tác động bên ngoài khiến tổn thương thêm nghiêm trọng.
- Sau khi đau và sưng giảm (48 – 72 giờ sau chấn thương), có thể luân phiên chườm lạnh và chườm nóng. Ngoài ra nên vận động nhẹ nhàng hoặc vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Điều này giúp phục hồi vận động, cải thiện sự dẻo dai cho dây chằng tổn thương.
Bong gân khi nào cần đến bệnh viện?
Phần lớn bệnh nhân bị bong gân có thể khắc phục triệu chứng bằng cách chườm lạnh và một số biện pháp chăm sóc khác. Tuy nhiên những trường hợp dưới đây cần đến bệnh viện để được khám và hướng dẫn điều trị kịp thời:
- Sưng và đau không giảm sau 48 giờ chăm sóc và chườm lạnh.
- Nghe thấy tiếng kêu bốp bốp tại thời điểm bị thương.
- Không thể cử động, đi lại hay tăng trọng lượng lên khớp, khớp lỏng lẻo hoặc mất tính ổn định, đau đớn nghiêm trọng. Đây có thể là tình trạng rách dây chằng toàn phần. Hãy chườm lạnh trong khi di chuyển đến bệnh viện.
- Vùng bong gân có dấu hiệu sưng đỏ và nóng rát kèm theo sốt. Những triệu chứng này thường xảy ra do vết thương nhiễm trùng.
- Nghi ngờ bong gân kèm theo gãy xương do các triệu chứng đột ngột và nặng nề, không thể đứng và đi lại.
Thông qua bài viết, hi vọng người bệnh có thể giải đáp “Bong gân nên chườm gì? Chườm nóng hay chườm lạnh?”. Đồng thời lưu lại một số điều cần lưu ý để chữa trị đúng cách. Chườm lạnh giúp giảm đau, sưng và bầm tím do bong gân. Đồng thời cải thiện vận động. Vì thế người bệnh nên tác động nhiệt lạnh đúng cách để khắc phục tình trạng.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!