Đứt Dây Chằng Cổ Chân: Dấu Hiệu, Cách Xử Lý, Điều Trị
Đứt dây chằng cổ chân là tình trạng rất phổ biến trong các hoạt động thể thao, thường dẫn đến đau đớn, sưng nề, ấn có điểm đau, đau nghiêm trọng nhất ở vùng mắt cá chân trước. Điều trị phụ thuộc vào chẩn đoán lâm sàng, bao gồm bất động, nghỉ ngơi, chườm lạnh, băng thun, nâng cao chân hoặc vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ. Đôi khi đứt dây chằng có thể cần phẫu thuật để phục hồi hoạt động bình thường.
Đứt dây chằng cổ chân là gì?
Cổ chân phục vụ cho chuyển động lên xuống giữa cẳng chân và bàn chân. Đây là một khớp bản lề với các xương của chân và xương móng của bàn chân. Các xương của chân, chủ yếu là xương mác và xương chày, kết nối với xương sên thông qua các dây chằng cổ chân. Mỗi dây chằng bao gồm một nhóm sợi collagen, rất bền bỉ và hiếm khi bị tổn thương.
Mặc dù dây chằng cổ chân rất khỏe mạnh nhưng đôi khi dây chằng cổ chân vẫn có thể bị rách hoặc đứt. Các chấn thương liên quan đến dây chằng cổ chân, chẳng hạn như gãy xương mắt cá chân, có thể dẫn đến đứt dây chằng.
Đứt dây chằng cổ chân là một trong những chấn thương thể thao phổ biến nhất, có thể xảy ra khi bạn vặn hoặc lật mắt cá chân. Tình trạng này thường gây đau đớn, sưng tấy ở bàn chân bị thương, thậm chí là khiến người bệnh không thể đi lại bình thường.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, người bệnh có thể điều trị bảo tồn hoặc cần phẫu thuật điều trị. Điều quan trọng là được chẩn đoán chính xác và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Mức độ tổn thương đứt dây chằng
Tổn thương đứt dây chằng có thể nhẹ hoặc nặng và được chia thành nhiều loại khác nhau dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Cụ thể các mức độ tổn thương bao gồm:
- Độ I: Dây chằng chỉ bị rách một phần nhỏ, tổn thương thường xảy ra ở các bao xơ.
- Độ II: Đây là tình trạng rách một phần dây chằng, có thể dẫn đến lỏng lẻo cơ cổ chân và ảnh hưởng đến khả năng di chuyển.
- Độ III: Chấn thương độ 3 thường sẽ khiến dây chằng bị đứt hoàn toàn, khiến cổ chân không ổn định và gây mất khả năng sử dụng bàn chân hoặc hạn chế đi lại.
Nguyên nhân gây đứt dây chằng cổ chân
Trong 85% các trường hợp, đứt dây chằng khớp cổ chân xảy ra do lật mắt cá chân. Đi bộ trên các bề mặt không bằng phẳng, đi giày cao gót, đi guốc hoặc dép quá rộng cũng có thể dẫn đến chấn thương mắt cá chân. Chấn thương cũng có thể xảy ra khi tiếp đất không đúng cách sau một cú nhảy, bị va chạm đột ngột chẳng hạn như tai nạn xe.
Các loại lật cổ chân dẫn đến đứt dây chằng bao gồm:
- Lật trong cổ chân (chấn thương quay bàn chân vào trong): Tình trạng này làm đứt dây chằng bên ngoài, thường xảy ra ở dây chằng sên – mác trước. Chấn thương này thường dẫn đến đứt dây chằng độ 2 và 3, có thể khiến khớp mất vững mạn tính và có xu hướng nghiêm trọng hơn. Lật trong bàn chân cũng có thể gây vỡ vòm xương sên và dẫn đến tổn thương các dây chằng cổ chân.
- Lật ngoài cổ chân (xoay bàn chân ra bên ngoài): Tình trạng này tác động lực mạnh vào bên trong khớp, thường gây gãy mắt cá chân và đứt dây chằng delta. Lật ngoài cổ chân cũng tạo ra lực tác động lên các khớp ngoài có thể làm gãy đầu xa xương mác hoặc đứt dây chằng cổ chân cao (rách dây chằng khớp chày mác dưới syndesmosis).
Các tác động bên ngoài, chẳng hạn như một pha phạm lỗi trong bóng đá, cũng có thể gây đứt dây chằng. Nói chung, các môn thể thao bóng như quần vợt, bóng rổ và bóng chuyền có nguy cơ chấn thương đứt dây chằng khá cao. Ngoài ra, những chấn thương này cũng có thể dẫn đến gãy xương hoặc tổn thương khớp. Các gân cũng có thể bị ảnh hưởng.
Triệu chứng đứt dây chằng cổ chân
Đứt hoặc rách một phần dây chằng cổ chân có thể dẫn đến bong gân nghiêm trọng, gây đau đớn, có tiếng bốp trong khớp, sưng, bầm tím, cứng và không ổn định khớp. Đứt dây chằng nghiêm trọng có thể dẫn đến các triệu chứng tương tự như gãy mắt cá chân.
Cụ thể các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết đứt dây chằng bao gồm:
- Đau đớn: Đau là dấu hiệu tức thì phổ biến nhất của việc đứt một phần hoặc toàn bộ dây chằng cổ chân. Cơn đau cơ thể vừa hoặc nặng và thường nghiêm trọng nhất ở khu vực có dây chằng bị đứt. Đôi khi người bệnh có thể nghe thấy tiếng lộp bộp tại thời điểm chấn thương đứt dây chằng hoặc khi cố gắng di chuyển cổ chân sau chấn thương.
- Sưng và bầm tím: Đứt một phần hoặc toàn bộ dây chằng có thể gây sưng mắt cá chân do khu vực này bị chảy máu và nhiễm trùng. Vết bầm tím cũng có thể xảy ra do rò rỉ máu vào các mô bên dưới da. Mức độ sưng và bầm tím thường phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng đứt dây chằng. Ngoài ra sưng và bầm tím có thể trở nên tồi tệ hơn trong vài ngày đầu sau chấn thương.
- Cứng và không ổn định: Sưng, bầm tím và đau thường dẫn đến cứng cổ chân sau khi bị rách một phần hoặc đứt toàn bộ dây chằng. Khi bị rách hoàn toàn, người bệnh có thể cảm thấy mắt cá chân không ổn định hoặc không thể đứng hoàn toàn trên chân.
Đứt dây chằng là chấn thương nghiêm trọng cần được thăm khám và điều trị phù hợp. Do đó, nếu nhận thấy đau đớn, sưng, bầm tím hoặc không thể đặt trọng lượng cơ thể lên cổ chân, hãy đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.
Chẩn đoán đứt dây chằng cổ chân
Bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng bong gân, giãn, đứt dây chằng cổ chân thông qua các dấu hiệu bên ngoài, chẳng hạn như sưng khớp, bầm tím hoặc đau đớn dữ dội ở khớp. Bác sĩ có thể kiểm tra cổ chân và đề nghị người bệnh thực hiện một số động tác nhất định, chẳng hạn như xoay cổ chân để xác định các tổn thương.
Sau quá trình khám lâm sàng, bác sĩ có thể đề nghị chụp X – quang để xác định tình trạng gãy xương. Ngoài ra, đôi khi người bệnh có thể được chỉ định chụp CT (chụp cắt lớp vi tính) hoặc chụp MRI (chụp cộng hưởng từ) để xác định các tổn thương mô mềm hoặc các chấn thương khác gây đau cổ chân.
Trong trường hợp người bệnh bị co cơ hoặc đau, bác sĩ có thể đề nghị cố định cổ chân trong vài ngày sau đó kiểm tra lại.
Điều trị đứt dây chằng cổ chân như thế nào?
Tùy thuộc vào chẩn đoán và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp chăm sóc tại nhà, vật lý trị liệu, tập thể dục hoặc phẫu thuật.
1. Tự chăm sóc tại nhà
Ngay sau khi chấn thương, người bệnh sẽ không thể đặt trọng lượng cơ thể lên cổ chân. Lúc này người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi để cổ chân phục hồi cũng như tránh các chấn thương trở nên nghiêm trọng hơn. Cụ thể các biện pháp tự chăm sóc bao gồm:
- Cố gắng nghỉ ngơi tích cực trong vài ngày và không sử dụng cổ chân bị chấn thương. Người bệnh có thể đeo nẹp cổ chân hoặc sử dụng nạng để hỗ trợ khi cần di chuyển.
- Chườm lạnh cũng có thể giúp giảm đau và sưng tấy. Chỉ cần chườm đá trong khoảng 20 phút sau mỗi giờ hoặc lâu hơn để giúp giảm đau. Sau 72 giờ kể từ lúc chấn thương, người bệnh có thể chườm nóng để tăng cường lưu thông máu và cải thiện cơn đau.
- Sử dụng băng thun cũng có thể giúp giảm sưng và đau. Phương pháp băng ép có thể hỗ trợ cho các mô bị thương và đóng một vai trò nhất định trong việc giảm sưng tấy quá mức ở cổ chân. Người bệnh có thể tìm các loại băng cổ chân ở hiệu thuốc hoặc các cửa hàng thiết bị y tế.
- Nâng cao cổ chân bị thương cao hơn tim có thể giúp giảm sưng tấy, viêm và đau.
2. Vật lý trị liệu
Bác sĩ có thể đề nghị vật lý trị liệu để bảo vệ dây chằng và giúp giảm sưng đau. Trị liệu cũng sẽ giúp cải thiện chuyển động thông qua các bài tập tăng cường sức mạnh, kéo căng và bài tập aerobic. Nhà vật lý trị liệu có thể đề nghị các loại liệu pháp khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của dây chằng bị rách ở cổ chân.
- Đối với mức độ I và II: Vật lý trị liệu dựa trên các triệu chứng, nhằm mục đích bảo vệ khớp và dây chằng.
- Đối với mức độ III: Những chấn thương này thường cần được phẫu thuật điều trị để phục hồi tổn thương. Sau phẫu thuật, điều quan trọng là thực hiện vật lý trị liệu để thắt chặt dây chằng, phục hồi chuyển động thông thường và chức năng của cổ chân theo chỉ định của bác sĩ.
Có nhiều phương pháp khác nhau được sử dụng trong quá trình vật lý trị liệu đứt dây chằng. Dưới đây là các biện pháp vật lý trị liệu phổ biến:
- Kỹ thuật trị liệu thủ công (MTT): Bao gồm chăm sóc thực hành, xoa bóp ma sát sâu, xoa bóp mô mềm và vận động khớp.
- Bài tập trị liệu (TE): Bao gồm các bài tập tăng cường và kéo căng khác nhau để giúp lấy lại toàn bộ phạm vi chuyển động để ổn định và bảo vệ mắt cá chân.
- Cải thiện thần kinh cơ (NMR): Liệu pháp này liên quan đến việc sử dụng các kỹ thuật nhất định để khôi phục sự ổn định chi tưới, cổ chân bằng các bài tập tăng cường sức mạnh.
Vật lý trị liệu thường bao gồm sử dụng kích thích điện, siêu âm, chườm đá lạnh, laser và các biện pháp khác để giảm viêm và đau. Ngoài ra, bác sĩ cũng hướng dẫn người bệnh thực hiện các bài tập kéo căng, tăng cường và ổn định tại nhà để thực hiện các công việc hàng ngày một cách dễ dàng.
3. Phẫu thuật
Trong trường hợp dây chằng cổ chân bị đứt hoàn toàn, người bệnh cần được phẫu thuật càng sớm càng tốt. Trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ tạo hình lại dây chằng, điều chỉnh khớp cổ chân và phục hồi chức năng sau chấn thương.
Phẫu thuật thường được chỉ định cho các trường hợp sau:
- Đứt dây chằng hoàn toàn
- Không đáp ứng các phương pháp điều trị nội khoa
Thông thường, đứt dây chằng cổ chân có thể mất từ 4 tuần đến 8 tuần để phục hồi, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, các chấn thương khác, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và khả năng tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp phẫu thuật cổ chân, thời gian phục hồi thậm chí có thể kéo dài hơn, vì cơ thể cần thời gian để thích nghi với những thay đổi.
Phòng ngừa đứt dây chằng cổ chân
Để giảm nguy cơ, chấn thương và đứt dây chằng mắt cá chân, người bệnh cần lưu ý một số lời khuyên bao gồm:
- Không tập thể dục hoặc chơi thể thao khi cơ thể mệt mỏi.
- Duy trì một chế độ ăn uống cân bằng để giữ cho các cơ bắp khỏe mạnh.
- Giảm cân và duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh để tránh nguy cơ tổn thương.
- Tránh các tai nạn té ngã, va chạm thể thao hoặc lật cổ chân.
- Hạn chế hoặc tránh đi những đôi giày không vừa vặn và chọn những đôi giày phù hợp cho các hoạt động thể thao nhất định.
- Không đi giày mòn gót hoặc có độ bám kém.
- Thường xuyên tập thể dục và vận động thể chất để giữ cơ thể luôn khỏe mạnh.
- Khởi động làm nóng cơ thể trước khi chơi thể thao.
- Luôn luôn chạy trên bề mặt bằng phẳng.
Đứt dây chằng cổ chân có thể gây đau đớn dữ dội, sưng tấy, bầm tím và hạn chế khả năng vận động của người bệnh. Điều trị bao gồm tự chăm sóc tại nhà, thực hiện vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật. Điều quan trọng là có kế hoạch điều trị và phục hồi chức năng phù hợp theo chỉ định của bác sĩ để tránh các tổn thương liên quan.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!