Gãy Trên Lồi Cầu Xương Cánh Tay: Triệu Chứng Và Cách Trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Gãy trên lồi cầu xương cánh tay là một kiểu gãy ngoài khớp, trong đó lồi cầu xương cánh tay có vết nứt hoặc gãy. Chấn thương này thường gặp ở trẻ từ 5 – 12 tuổi. Vết nứt gãy hình thành khi người bệnh ngã bằng khuỷu tay dang rộng hoặc tác động lực vào khuỷu tay.

Gãy trên lồi cầu xương cánh tay
Gãy trên lồi cầu xương cánh tay là tình trạng lồi cầu xương cánh tay bị gãy ngang hoặc có vết nứt

Gãy trên lồi cầu xương cánh tay là gì?

Gãy trên lồi cầu xương cánh tay là một chấn thương phổ biến, thường gặp ở trẻ từ 5 đến 12 tuổi. Chấn thương này là tình trạng vùng hành xương ở đầu dưới xương cánh tay (lồi cầu xương cánh tay) có vết nứt hoặc bị gãy.

Đường gãy ngoại khớp, nằm trên ròng rọc và lồi cầu, cách nếp khuỷu khoảng 3 – 4 cm hướng lên trên. Ở mặt trước, đường gãy đi ngang qua hố vẹt hoặc đi ngang qua hố khuỷu ở mặt sau.

Gãy trên lồi cầu xương cánh tay thường xảy ta khi đánh trực tiếp vào khuỷu tay hoặc ngã với khuỷu tay dang rộng. So với gãy tay ở những vị trí khác, gãy trên lồi cầu xương cánh tay có tỷ lệ biến chứng cao hơn và thường gây chứng vẹo khuỷu vào trong.

Triệu chứng của gãy trên lồi cầu xương cánh tay

Gãy trên lồi cầu xương cánh tay làm khởi phát những triệu chứng và dấu hiệu nghiêm trọng, cần được xử lý sớm và đúng cách để tránh rủi ro.

  • Đau khuỷu tay sau khi chấn thương. Cơn đau sắc nét, sâu bên trong và đau nhiều
  • Sưng nề
  • Đỏ ửng và chuyển sang bầm tím ở khu vực bị chấn thương
  • Mất cơ năng
  • Cử động bất thường và nghe tiếng kêu lạo xạo
  • Có cảm giác bật ra hoặc một cái búng tay ngay tại thời điểm bị thương
  • Không có khả năng duỗi thẳng cánh tay hoặc di chuyển
  • Tê tay nếu có tổn thương dây thần kinh
  • Thay đổi màu sắc và độ ấm của bàn tay hoặc/ và cánh tay
  • Đầu nhọn của đoạn gãy trên thường đâm thọc, mắc vào và làm tổn thương cơ cánh tay trước. Điều này gây biến dạng chi kèm theo vết bầm tím ở mặt trước khuỷu tay
  • Những trường hợp nhẹ, ít di lệch có dấu hiệu tràn dịch khớp khuỷu kèm theo đau khu trú ở vùng trên lồi cầu
  • Ở phía sau cổ tay có dấu nhát rìu, trũng da phía trước ở trường hợp nặng. Nguyên nhân là do đầu nhọn của đoạn gãy trên làm tổn thương và đội vào da. Những trường hợp này thường gặp khó khăn trong việc kéo nắn.
Đau khuỷu tay là triệu chứng gãy trên lồi cầu xương cánh tay
Gãy trên lồi cầu xương cánh tay gây đau khuỷu tay, sưng nề, biến dạng rõ rệt sau khi chấn thương

Nguyên nhân gây gãy trên lồi cầu xương cánh tay

Gãy trên lồi cầu xương cánh tay thường do những nguyên nhân dưới đây:

  • Té ngã với tay chống xuống đất và khuỷu tay mở rộng: Khi cánh tay được mở rộng hoàn toàn, gân và cơ được uốn và căng. Việc tiếp đất trên cánh tay đang dang rộng sẽ khiến những mảnh xương bị kéo ra xa nhau. Điều này dẫn đến gãy duỗi, thường gặp ở trẻ em.
  • Tác động lực vào khuỷu tay: Chấn thương trực tiếp vào mặt sau của khớp khuỷu trong khi giữ khuỷu tay ở tư thế gấp. Chẳng hạn như thúc cùi chỏ vào một vật gì đó hoặc có một cú đánh mạnh vào khuỷu tay. Điều này dẫn đến gãy gấp, đầu dưới của xương di lệch ra trước, thường gặp ở người lớn.

Đối tượng nguy cơ

Gãy trên lồi cầu xương cánh tay xảy ra ở mọi đối tượng. Tuy nhiên chấn thương này phổ biến hơn ở trẻ em từ 5 đến 12 tuổi (đặc biệt là trẻ từ 7 đến 8 tuổi). So với trẻ em gái, các bé trai dễ gặp chấn thương hơn.

Phân loại gãy trên lồi cầu xương cánh tay

Người ta phân loại gãy trên lồi cầu xương cánh tay dựa vào cơ chế chấn thương. Có hai loại gồm gãy duỗi và gãy gấp.

1. Gãy gấp

Gãy gấp xảy ra khi người bệnh ngã xuống trong tư thế gấp khuỷu và chống khuỷu tay. Khi gãy, mỏm khuỷu có xu hướng đẩy đầu dưới di lệch ra trước và bị kẹt (gấp lại) ở khuỷu.

So với gãy duỗi, gãy gấp thường hiếm gặp, chủ yếu xảy ra ở người lớn. Khoảng 2,3% trường hợp gãy trên lồi cầu. Ở khuỷu tay, mặt phẳng đi qua ba mốc xương di lệch ra phía trước xương cánh tay.

2. Gãy duỗi

Gãy duỗi xảy ra khi người bệnh ngã với bàn tay chống xuống nền cứng, khuỷu tay duỗi thẳng. Lúc này trọng lượng cơ thể đột ngột truyền từ trên xuống thông qua xương cánh tay, trong khi lực truyền từ dưới lên qua hai xương cẳng tay. Sự tác động qua lại khiến lồi cầu xương cánh tay bị gãy.

Gãy duỗi là loại gãy trên lồi cầu xương cánh tay
Ngã với bàn tay chống xuống nền cứng và khuỷu tay duỗi thẳng dẫn đến gãy duỗi

Có ba dạng thường gặp:

  • Trong quá trình truyền lực và tạo vết gãy, đầu trên xương quay dồn lực, đẩy đầu dưới di lệch ra sau. Chính vì thế mà phần lớn các trường hợp gãy trên lồi cầu xương cánh tay đều có biến dạng xương.
  • Đầu dưới của xương cánh tay di lệch ra sau, xoay trong hoặc vào trong. Đồng thời đầu nhọn của đoạn trên có xu hướng di lệch ra phía trước.
  • Đầu dưới của cánh tay di lệch ra sau, xoay ngoài và ngoài. Đồng thời đầu nhọn của đoạn trên có xu hướng di lệch ra trước.

Gãy duỗi phổ biến, chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ. Có đến 60% trường hợp gãy duỗi là trẻ em dưới 15 tuổi. Trong đó trẻ em nam, từ 5 đến 12 tuổi chiếm đa số.

Những trường hợp gãy trên lồi cầu xương cánh tay kiểu duỗi thường có tổn thương thần kinh và mạch máu, không thể kéo nắn, cần can thiệp ngoại khoa. Một số bệnh nhân còn bị gãy hở.

Phân độ gãy trên lồi cầu xương cánh tay

Dựa theo giải phẫu bệnh, gãy trên lồi cầu xương cánh tay được phân độ như sau:

1. Phân độ của Gartland

+ Gãy duỗi

Trong kiểu gãy duỗi, gãy trên lồi cầu xương cánh tay được chia làm ba độ, bao gồm:

  • Độ I: Gãy xương không di lệch.
  • Độ II: Gãy xương di lệch không hoàn toàn. Trong đó phần vỏ xương phía sau chưa rời và còn dính vào nhau.
  • Độ III: Gãy xương di lệch hoàn toàn. Trong đó hai đầu xương gãy tách nhau hoàn toàn, không cài vào nhau. Đầu dưới xương gãy có thể di lệch ra sau và ra ngoài hoặc ra sau và vào trong.

+ Gãy gấp

Gãy gấp cũng được chia thành ba độ, bao gồm:

  • Độ I: Xương gãy không di lệch hoặc di lệch rất ít. Trong đó góc giữa lồi cầu và góc giữa thân xương cánh tay không quá 10 – 15 độ.
  • Độ II: Gãy xương di lệch không hoàn toàn. Trong đó phần vỏ xương phía sau chưa rời và còn dính vào nhau.
  • Độ III: Gãy xương di lệch hoàn toàn.

2. Phân độ của Lagrange và Marion

Phân độ gãy trên lồi cầu xương cánh tay của Lagrange và Marion như sau:

  • Độ I: Gãy vỏ trước xương cánh tay.
  • Độ II: Xương cánh tay gãy hoàn toàn nhưng không di lệch.
  • Độ III: Xương cánh tay gãy hoàn toàn và di lệch. Tuy nhiên hai đầu xương gãy vẫn còn tiếp xúc với nhau.
  • Độ IV: Xương cánh tay gãy hoàn toàn. Trong đó hai đầu gãy không còn tiếp xúc, di lệch xa nhau.

Biến chứng của gãy trên lồi cầu xương cánh tay

Gãy trên lồi cầu xương cánh tay là một dạng gãy xương nghiêm trọng, cần được sớm thăm khám và chữa trị đúng cách. Việc trì hoãn điều trị có thể làm tăng nguy cơ khởi phát những biến chứng dưới đây:

+ Biến chứng sớm

  • Tổn thương thần kinh. Gãy gấp thường gây liệt thần kinh trụ trong khi gãy duỗi thường gây liệt thần kinh quay, thần kinh liên cốt trước và thần kinh giữa.
  • Tổn thương động mạch cánh tay (đụng dập, đứt không hoàn toàn hoặc đứt hoàn toàn)
  • Nhiễm trùng
  • Gãy xương hở
  • Chèn ép khoang ở cẳng tay do chèn ép động mạch cánh tay
Tổn thương thần kinh và động mạch cánh tay
Tổn thương thần kinh và động mạch cánh tay là những biến chứng thường gặp sau gãy xương

+ Biến chứng muộn

  • Vẹo khuỷu vào trong
  • Vẹo khuỷu ra ngoài
  • Viêm xương khớp
  • Hội chứng Volkmann
  • Viêm cơ hóa can

Chẩn đoán gãy trên lồi cầu xương cánh tay

Thông thường gãy trên lồi cầu xương cánh tay sẽ được phát hiện thông qua hình ảnh X-quang và kiểm tra lâm sàng.

1. Kiểm tra lâm sàng

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ tiến hành quan sát, sờ, nắn nhẹ hoặc cử động chi theo nhiều hướng. Điều này giúp kiểm tra triệu chứng và đánh giá tình trạng.

  • Kiểm tra cơ chế chấn thương dẫn đến gãy trên lồi cầu xương cánh tay
  • Kiểm tra triệu chứng bên ngoài (sưng, bầm tím, biến dạng cánh tay rõ rệt…)
  • Xác định vị trí và mức độ đau
  • Xác định dấu nhát rìu ở phía sau khuỷu tay. Đầu nhọn của đoạn gãy đội vào da làm trũng da phía trước
  • Những trường hợp nhẹ có thể sờ thấy tràn dịch khớp khuỷu tay, cơn đau khu trú vùng trên lồi cầu
  • Cử động bất thường và nghe tiếng kêu lạo xạo
  • Khám thương tổn mạch máu và thần kinh với những dấu hiệu như tê yếu, đau khi duỗi thụ động các ngón tay, mạch quay so với bên đối diện…
  • Sờ ba mốc giải phẫu gồm mỏm trên lồi cầu trong, mỏm khuỷu, mỏm trên lồi cầu ngoài ở vị trí bình thường. Đồng thời so sánh chiều dài của hai chi.
  • Kiểm tra phát hiện gãy xương phối hợp (đoạn từ khớp ức đòn đến khớp cổ tay)
  • Sự thay đổi màu sắc của bàn tay do hạn chế lưu lượng máu
  • Kiểm tra giới hạn chuyển động của bệnh nhân.

2. Chụp X-quang

Sau kiểm tra lâm sàng, người bệnh được chụp X-quang cánh tay để chẩn đoán xác định và đánh giá tình trạng. Thông qua hình ảnh, bác sĩ xác định vị trí và bản chất của vết gãy, xương ảnh hưởng, tình trạng di lệch hoặc trật khớp.

Chụp X-quang chẩn đoán gãy trên lồi cầu xương cánh tay
Chụp X-quang cánh tay giúp xác định vị trí và bản chất của vết gãy, đánh giá mức độ nghiêm trọng

Ở những trường hợp gãy trên lồi cầu xương cánh tay, hình ảnh X-quang cho thấy những bất thường sau:

  • Có vết gãy ở lồi cầu xương cánh tay, đường gãy ngang hoặc xéo
  • Di lệch ít, di lệch hoàn toàn hoặc không di lệch gập góc của đầu dưới
  • Mặt trước và mặt sau của hai đầu xương gãy có khiếm khuyết
  • Hai đầu xương gãy tách rời hoặc còn dính vào nhau
  • Đầu gãy dưới di lệch ra sau hoặc ra trước

Nếu có tổn thương mạch máu hoặc thần kinh, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể được chỉ định để cung cấp thêm thông tin về chẩn đoán.

Thông thường gãy trên lồi cầu xương cánh tay sẽ được chẩn đoán phân biệt với trật khớp khuỷu tay, gãy lồi cầu và liên lồi cầu nội khớp.

Điều trị gãy trên lồi cầu xương cánh tay

Gãy trên lồi cầu xương cánh tay là một chấn thương nghiêm trọng, cần được kiểm tra và sơ cứu trước khi điều trị chính thức. Những phương pháp điều trị cụ thể sẽ dựa vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương.

1. Sơ cứu

Gãy trên lồi cầu xương cánh tay cần được sơ cứu ngay lập tức để ngăn tổn thương thêm và làm dịu triệu chứng. Những bước sơ cứu gồm:

  • Quản lý cơn đau

Dùng Paracetamol hoặc Diclofenac theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm đau tạm thời. Những trường hợp nặng hơn cần gây tê ổ gãy.

  • Cầm máu

Dùng bông băng cầm máu nếu có vết thương. Đối với trường hợp gãy xương hở, cần che chắn vết thương đúng cách để không gây nhiễm trùng.

  • Bất động xương gãy

Sử dụng nẹp tre/ gỗ và băng y tế để cố định tay bị thương, ngăn các xương tiếp tục di lệch và gây tổn thương.

Hướng dẫn bất động xương gãy:

    • Nếu gãy xương kín, cần bất động ở tư thế khuỷu gấp 90 độ, bất động cánh cẳng bàn tay.
    • Nếu không có đủ dụng cụ bất động, dùng dây vải treo cẳng tay lên cổ, giữ khuỷu tay gấp góc 90 độ. Đồng thời dùng vải hoặc băng buộc ép cánh tay vào thân.

2. Điều trị bảo tồn

Đối với gãy trên lồi cầu xương cánh tay, điều trị bảo tồn được áp dụng cho những trường hợp sau:

  • Gãy xương độ I và độ II (theo phân độ của Lagrange và Marion). Trong đó bệnh nhân gãy xương không di lệch hoặc di lệch ít
  • Gãy độ III có thể nắn chỉnh được

Các phương pháp điều trị cụ thể:

Cố định bằng máng bột hoặc bó bột rạch dọc cánh cẳng bàn tay cho những bệnh nhân bị gãy xương độ I và độ II, gãy xương không di lệch hoặc di lệch ít. Khi bó bột, khuỷu tay gấp 90 độ, cẳng tay sấp.

Phương pháp này giúp xương gãy ở vị trí giải phẫu, bảo vệ và ngăn di lệch thêm. Đồng thời giúp vết gãy lành lại đúng cách. Ngoài ra bó bột cố định còn có tác dụng giảm đau và sưng nề, tránh xương gãy làm tổn thương mô mềm, tạo điều kiện phục hồi hoàn toàn.

Bó bột điều trị gãy trên lồi cầu xương cánh tay
Bó bột cố định chi bị thương để vết gãy lành lại đúng cách, tránh đau đớn và di lệch thêm

Đối với gãy độ I, bất động bằng nẹp bột phía sau, kéo dài 3 tuần. Ở những trường hợp gãy độ II, bó bột cánh cẳng bàn tay có rạch dọc để bất động. Theo dõi và chụp X-quang định kỳ để đánh giá sự lành lại của xương.

  • Giảm đóng (nắn chỉnh)

Giảm đóng (nắn chỉnh) được chỉ định cho những bệnh nhân bị gãy trên lồi cầu xương cánh tay có di lệch nhiều (gãy độ III và độ IV). Phương pháp này giúp đưa mảnh gãy về đúng vị trí, giữ sự liên kết của hai đầu xương để xương gãy lành lại đúng cách.

Trong khi nắn chỉnh, người bệnh được dùng thuốc an thần hoặc thuốc giảm đau loại mạnh để hạn chế đau đớn. Trong nhiều trường hợp người bệnh được gây tê đám rối thần kinh cánh tay hoặc gây mê (thường áp dụng cho trẻ em) trước khi nắn chỉnh.

Kỹ thuật nắn chỉnh như sau:

Đối với gãy kiểu duỗi

    • Hướng dẫn bệnh nhân ngồi trên ghế đẩu, cố định vai bên tay gãy vào tường bằng vòng đai qua nách
    • Điều dưỡng nắm lấy cổ bàn tay bệnh nhân, đặt cẳng tay ngửa, sau đó kéo duỗi thẳng khuỷu tay để khắc phục di lệch chồng
    • Bác sĩ đứng phía bên tay gãy, tiến hành nắn chữa di lệch sang bên. Dùng hai tay nắm lấy đầu dưới xương cánh tay, dùng hai ngón tay cái đẩy đầu ngoại vi ra trước. Đồng thời điều dưỡng cho bệnh nhân gấp khuỷu tay và sấp cẳng tay lại. Bước này giúp chữa di lệch trước sau.

Sau khi nắn chỉnh xong, bệnh nhân được bó bột cánh cẳng bàn tay rạch dọc để cố định tay gãy. Gập góc 90 độ ở khuỷu tay, cẳng tay sấp. Bệnh nhân bó bột bất động trong 4 tuần, kiểm tra cách tuần để đánh giá khả năng di lệch tái phát.

Đối với những trường hợp sưng nề quá lớn, bệnh nhân được áp dụng biện pháp giảm sưng nề và nắn chỉnh sau 4 ngày.

Đối với gãy kiểu gấp

    • Kéo dọc trục của cánh tay trong khi khuỷu duỗi
    • Nắn chỉnh di lệch ra ngoài trước hoặc vào trong để ép đoạn gãy dưới ra sau hoặc ra trước
    • Những đầu gãy được giữ nguyên vị trí bằng cách gấp khuỷu đến 5 hoặc 10 độ
    • Sấp cẳng tay để sửa chữa di lệch vào trong. Hoặc ngửa cẳng tay để sửa chữa di lệch ra ngoài
    • So sánh độ dài của chi với bên lành và kiểm tra trục chi để đánh giá kết quả nắn chỉnh.

Sau nắn chỉnh, băng bột cánh cẳng bàn tay rạch dọc để cố định, tay hơi sấp, khuỷu duỗi. Sau khoảng 2 tuần, bệnh nhân được cố định ở tư thế gấp.

3. Phẫu thuật gãy trên lồi cầu xương cánh tay

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật khi:

  • Gãy độ III được nắn chỉnh nhưng thất bại
  • Có chỉ định nắn hở ngay (gãy độ IV) để hạn chế tổn thương phần mềm khi nắn
  • Gãy xương phức tạp, kèm theo tổn thương mạch máu và dây thần kinh nặng nề. Đặc biệt là những trường hợp nắn chỉnh nhiều lần nhưng không thành công
  • Xương hình thành can non do trì hoãn điều trị, không thể nắn chỉnh được
  • Di lệch thứ phát
  • Gãy kín kéo nắn không thành công hoặc gãy hở

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sửa chữa lại những đoạn xương gãy, đưa những mảnh gãy về đúng vị trí (theo hình thể giải phẫu). Sau đó cấy ghép thiết bị kim loại (như đinh, vít, tấm kim loại…) để giữ các mảnh xương với nhau khi chúng lành lại, tránh di lệch thứ phát.

Phẫu thuật
Phẫu thuật giúp đưa những mảnh gãy về đúng vị trí và cố định bằng các thiết bị kim loại

Nếu gãy trên lồi cầu xương cánh tay xảy ra ở trẻ em, mổ mở đinh Kirschner xuyên chéo có thể được sử dụng để giữ các xương. Đối với người lớn, găm đinh Kirschner kết hợp nẹp chữ Y hoặc chữ T hoặc vít xốp được sử dụng phổ biến.

Đối với kỹ thuật xuyên đinh qua da, cần phải có màn tăng sáng để thực hiện quá trình này, giúp cố định thành công. Sau phẫu thuật và bất động, bệnh nhân được vật lý trị liệu để lấy lại sức mạnh và phục hồi chức năng hoàn toàn.

Sau bó bột/ phẫu thuật, một số biến chứng có thể xảy ra, bao gồm:

+ Biến chứng sớm

  • Nhiễm trùng chân đinh
  • Biến chứng thần kinh mạch máu
  • Chèn ép bột trong vòng 24 giờ phẫu thuật

+ Biến chứng muộn

  • Liệt trụ muộn
  • Phì đại lồi cầu ngoài
  • Khuỷu vẹo trong hoặc khuỷu vẹo ngoài
  • Hoại tử ròng rọc
  • Cứng khớp
  • Xương chậm lành hoặc không lành xương

Để ngăn ngừa biến chứng sau điều trị, người bệnh cần chăm sóc tốt và phục hồi chức năng tích cực.

Chăm sóc và phục hồi chức năng

Để điều trị thành công và ngăn biến chứng, người bệnh cần chăm sóc vết thương đúng cách và phục hồi chức năng theo hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu.

1. Giảm đau

Sau khi xử lý gãy trên lồi cầu xương cánh tay, người bệnh có thể cảm thấy đau và sưng từ vài ngày đến vài tuần. Thông thường bệnh nhân được hướng dẫn kê cao tay, chườm đá hoặc/ và sử dụng thuốc không kê đơn để giảm sưng, viêm và kiểm soát cơn đau.

Nếu đau nặng, một loại thuốc giảm đau mạnh hơn có thể được chỉ định, chẳng hạn như opioid (thuốc giảm đau gây nghiện). Thuốc này được dùng vài ngày hoặc liều thấp đủ để kiểm soát cơn đau.

2. Chăm sóc vết thương

Người bệnh được chụp X-quang định kỳ kiểm tra tình trạng ổ gãy. Đồng thời kiểm tra nẹp bột xem có bị lỏng hoặc quá chật và chèn ép lên vị trí tổn thương hay không.

Nếu bị gãy xương hở hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, người bệnh được sử dụng kháng sinh như Cephazolin hoặc Cefoxitin ± Gentamycin theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra trong quá trình chăm sóc vết thương, bệnh nhân cần thay băng nếu thấy chân đinh và vết mổ khô, cách 2 đến 3 ngày 1 lần.

Nếu đinh để ngoài da, bệnh nhân được rút đinh sau 4 tuần. Nếu đinh để trong da và khả năng gập duỗi cổ tay đã ổn định, bệnh nhân được rút đinh sau 6 đến 12 tháng.

Sau 6 – 8 tuần, bệnh nhân được chụp X-quang xem tiến trình lành xương và tháo bột. Bên cạnh đó bệnh nhân được hướng dẫn theo dõi các biến chứng để kịp thời xử lý.

3. Vật lý trị liệu

Người bệnh được hướng dẫn vật lý trị liệu sớm và tích cực để phục hồi chức năng hoàn toàn. Trong thời gian đầu, bệnh nhân được hướng dẫn cử động vai, cổ tay và các ngón tay, kết hợp co cơ ở vùng bất động. Điều này giúp khí huyết lưu thông dễ dàng, kích thích sự lành lại của xương. Đồng thời giảm đau, chống teo cơ và lấy lại chức năng ở mức trước chấn thương.

Sau vài tuần, người bệnh được hướng dẫn những bài tập tăng cường và kéo giãn. Những bài tập này giúp tăng cường sức mạnh và cơ bắp cho tay bị thương, duy trì tầm vận động. Đồng thời tăng tính linh hoạt, ngăn cứng khớp và phục hồi chức năng hoàn toàn.

Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu sớm để kích thích sự lành lại của xương, lấy lại chức năng ở mức trước chấn thương

Thông thường, người bệnh mất từ 2 đến 3 tháng để xương lành và tự khôi phục tầm vận động gập duỗi. Mất ít nhất 1 năm để tay bị thương lành lại hoàn toàn.

Phòng ngừa gãy trên lồi cầu xương cánh tay

Để ngăn gãy trên lồi cầu xương cánh tay, người bệnh cần:

  • Thận trọng trong những hoạt động (đặc biệt là chạy nhảy và chơi thể thao) để tránh té ngã.
  • Tránh duỗi khuỷu tay quá mức để chống tay và nâng đỡ cơ thể khi ngã.
  • Không tác động lực mạnh và trực tiếp lên khuỷu tay.
  • Duy trì chế độ ăn uống giàu canxi, magie và vitamin D để giữ xương khớp chắc khỏe, chống loãng xương và giảm nguy cơ gãy xương.
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng sức bền, sức khỏe và sự dẻo dai cho xương khớp. Từ đó giúp hạn chế gãy trên lồi cầu xương cánh tay.

Gãy trên lồi cầu xương cánh tay là một chấn thương nghiêm trọng, thường gặp ở trẻ em. Chấn thương này gây đau nhức dữ dội, sưng tấy và bầm tím kèm theo biến dạng rõ rệt ở vùng tổn thương. Ngoài ra lồi cầu xương cánh tay bị gãy còn gây nhiều biến chứng. Do đó bệnh nhân cần được thăm khám và điều trị sớm để ngăn rủi ro.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan
Gãy Xương Chày Có Đá Bóng Được Không
Gãy xương chày có đá bóng được không phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ, phương pháp điều trị và quá trình phục hồi của người bệnh. Do đó, nếu bị gãy xương, người bệnh nên đến bệnh viện ...
Xem chi tiết
Bong Gân Nên Chườm Gì
Bong gân nên chườm gì (chườm nóng hay chườm lạnh) là thắc mắc chung của nhiều người bệnh. Cả hai liệu pháp này đều mang đến hiệu quả giảm đau nhanh chóng. Tuy nhiên do hoạt động với hai nguyên ...
Xem chi tiết
Thay Khớp Háng Ở Bệnh Viện Nào Tốt Nhất
Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108... có thể giúp trả lời thay khớp háng ở bệnh viện nào tốt nhất. Thay khớp háng mang đến hiệu quả ...
Xem chi tiết
Mổ Rách Sụn Chêm Ở Đâu Tốt
Xác định mổ rách sụn chêm ở đâu tốt là điều cần thiết và quan trọng để có kế hoạch thăm khám, điều trị hiệu quả, an toàn nhất. Người bệnh nên liên hệ trực tiếp với cơ sở y ...
Xem chi tiết
Bị Gãy Xương Bánh Chè Bao Lâu Thì Lành
Bị gãy xương bánh chè bao lâu thì lành, có đi lại được không còn tùy thuộc vào phân loại và mức độ tổn thương, quá trình phục hồi chức năng sau điều trị. Đây là một chấn thương nghiêm ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua