Gãy Xương Bánh Chè: Nguyên Nhân, Biểu Hiện, Cách Điều Trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Gãy xương bánh chè là tình trạng xương bánh chè có vết nứt hoặc bị gãy. Đây là một chấn thương nghiêm trọng, có thể gây khó khăn hoặc khiến người bệnh không thể duỗi thẳng đầu gối. Chấn thương này xảy ra khi có lực tác động mạnh và trực tiếp vào đầu gối, chẳng hạn như tiếp đất bằng đầu gối khi ngã.

Gãy xương bánh chè
Thông tin cơ bản về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị gãy xương bánh chè

Gãy xương bánh chè là gì?

Xương bánh chè nằm trong hệ thống gân duỗi, ở trung tâm đầu gối. Đây là xương vừng lớn nhất trong cơ thể, có hình tam giác ngược. Xương này giúp che chở đầu gối, kết nối xương chày và xương đùi. Trong đó rãnh của xương đùi kết nối với xương bánh chè. Ngoài ra xương bánh chè còn giúp điều chỉnh chiều dài, lực và hướng của xương đùi, gân xương bánh chè và cơ tứ đầu.

Gãy xương bánh chè là thuật ngữ y tế chỉ tình trạng nứt/ gãy của xương bánh chè. Chấn thương này chiếm khoảng 2 – 4% tổng số trường hợp gãy xương. Những triệu chứng của chấn thương bao gồm sưng, đau và bầm tím ở phía trước đầu gối.

Nếu bị gãy nặng, đầu gối có thể bị biến dạng, người bệnh khó hoặc không thể duỗi thẳng đầu gối, không đi được. Những trường hợp gãy xương đơn giản được điều trị bảo tồn (như nẹp hoặc bó bột) cho đến khi xương lành lại.

Những trường hợp gãy xương phức tạp, có mảnh xương di chuyển khỏi vị trí chấn thương cần phải phẫu thuật để ổn định xương bánh chè. Đồng thời cho phép phục hồi chức năng hoàn toàn.

Các loại gãy xương bánh chè

Xương bánh chè của bạn bị gãy theo nhiều cách. Tùy thuộc cách nó bị thương mà chấn thương có thể bao gồm gãy hai mảnh đơn giản và không di lệch hoặc xương gãy thành nhiều mảnh và có di lệch. Gãy có thể xảy ra ở phần dưới, trung tâm hoặc phần trên cùng của xương. Đôi khi xuất hiện ở nhiều vùng của xương bánh chè.

Phân loại gãy xương bánh chè như sau:

1. Phân loại dựa trên tính ổn định

Dựa trên tính ổn định, gãy xương bánh chè được phân loại như sau:

  • Gãy đơn giản, ổ gãy ổn định

Đây là loại gãy xương không di lệch. Trong đó những mảnh xương vẫn tiếp xúc với nhau hoặc có khoảng cách từ 1 – 2mm. Trong một số trường hợp, xương được giữ nguyên trong khi lành.

Những mảnh xương tiếp xúc với nhau hoặc có khoảng cách từ 1 - 2mm được gọi là ổ gãy ổn định
Những mảnh xương tiếp xúc với nhau hoặc có khoảng cách từ 1 – 2mm được gọi là ổ gãy ổn định
  • Gãy xương trật khớp

Gãy xương trật khớp là một loại gãy di lệch. Trong đó những mảnh gãy không thẳng hàng và tách rời nhau. Chấn thương có thể phá vỡ bề mặt nhẵn của khớp dẫn đến biến dạng, khó hoặc không thể đi lại. Những trường hợp gãy xương trật khớp cần được phẫu thuật.

  • Gãy xương giảm thiểu

Trong loại gãy xương này, xương bánh chè gãy thành 3 hoặc nhiều mảnh riêng biệt. Tùy thuộc vào chấn thương mà vết gãy không ổn định hoặc ổn định.

  • Gãy xương hở

Trong gãy xương hở, những mảnh gãy mất liên kết, nhô ra ngoài da hoặc có vết thương xuyên xuống xương. Điều này làm tổn thương các mô mềm, mất khả năng chịu lực và cử động ở chân bị thương.

Ngoài ra gãy xương hở nghiêm trọng và mất nhiều thời gian chữa lành hơn so với các dạng khác. Người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng xương và vết thương khi bị gãy hở. Để ngăn ngừa, chấn thương cần được điều trị ngay lập tức.

2. Phân loại dựa trên đặc tính của vết gãy

Tùy thuộc vào chấn thương, xương bánh chè có thể gãy theo nhiều kiểu, bao gồm:

  • Gãy cắt ngang. Trong đó có một đường đứt gãy ngang qua xương bánh chè. Đây là loại phổ biến nhất
  • Dạng xương và dạng thẳng đứng (hiếm gặp)
  • Gãy hình sao. Trong đó lực nén và tác động trực tiếp hình thành dạng đứt gãy.

Đặc điểm của những mảnh xương sau gãy:

  • Gãy di lệch: Trong đó những đầu xương gãy chồng chéo hoặc không thẳng hàng và cách xa nhau hơn 2mm.
  • Gãy không di lệch: Những mảnh xương gãy tiếp xúc với nhau và ổn định.
  • Gãy xương hở: Trong đó những mảnh xương bánh chè di lệch và nhô ra khỏi da.
  • Gãy xương kín: Trong đó những mảnh gãy không di lệch và không làm tổn thương mô mềm.
Hình ảnh xương bánh chè vỡ thành nhiều mảnh, có di lệch
Hình ảnh xương bánh chè vỡ thành nhiều mảnh, những mảnh gãy của xương có di lệch

3. Phân loại dựa trên hình thái ổ gãy

Có hai loại, gồm:

Gãy xương bánh chè không di lệch, di lệch giãn cách ổ gãy từ 1 – 2mm và di lệch trước sau của mặt sụn < 1mm

  • Gãy dọc
  • Gãy nhiều mảnh
  • Gãy ngang (chiếm 50% – 80% trường hợp), gãy 1/3 giữa (chiếm 80% trường hợp)

Gãy xương bánh chè di lệch nếu các mảnh xương giãn cách > 3mm và di lệch trước sau của mặt sụn > 1mm

  • Gãy chéo vát
  • Gãy dọc (chiếm 12% – 27% trường hợp)
  • Gãy phức tạp, gãy nát (chiếm 30% – 35% trường hợp)
  • Gãy ngang (chiếm 50% – 80% trường hợp)
  • Gãy mặt sụn
  • Gãy cực xa hoặc cực gần

Dấu hiệu nhận biết gãy xương bánh chè

Khi bị gãy xương bánh chè, người bệnh có những triệu chứng và dấu hiệu dưới đây:

  • Đau đầu gối
    • Cảm thấy đau chói ở mặt trước của đầu gối khi bị gãy đập gối xuống đất
    • Cơn đau dai dẳng và tăng dần mức độ theo thời gian
    • Đau nghiêm trọng hơn khi cố gắng gấp duỗi gối, đứng hoặc ngồi lâu
    • Kê cao và chườm đá có thể giúp cơn đau giảm bớt
  • Không thể tự uốn cong và duỗi gối hoặc không có khả năng duỗi thẳng đầu gối và đi bộ
  • Không thể giữ gối duỗi thẳng khi nâng chân thẳng
  • Mất khả năng chịu lực trên đầu gối bị thương
  • Khớp gối sưng nề
  • Bầm tím
  • Biến dạng và mất các lõm tự nhiên của dầu gối
  • Sờ thấy xương gãy ở đầu gối
  • Có thể có máu trong khớp

Nguyên nhân gây gãy xương bánh chè là gì?

Gãy xương bánh chè xảy ra khi:

  • Ngã trực tiếp vào đầu gối (ngã đập gối xuống đất)
  • Tác động lực lớn và trực tiếp vào đầu gối. Chẳng hạn như đánh mạnh vào đầu gối, đầu gối đập vào bảng điều khiển trong tai nạn xe hơi…
Ngã trực tiếp vào đầu gối
Ngã trực tiếp vào đầu gối là nguyên nhân phổ biến của gãy xương bánh chè

Ngoài ra xương bánh chè cũng có thể bị gãy gián tiếp do những nguyên nhân sau:

  • Cơ tứ đầu ở đầu gối co đột ngột kéo xương bánh chè ra và hình thành vết nứt gãy
  • Co gấp cẳng chân đột ngột trong khi cơ tứ đầu đang co gấp khiến xương bánh chè và lồi cầu xương đùi tỳ ép mạnh vào nhau. Từ đó gây ra vết gãy ngang cho xương bánh chè.

Biến chứng của gãy xương bánh chè

Gãy xương bánh chè được xếp vào nhóm chấn thương nghiêm trọng. Chấn thương này có thể khiến người bệnh khó khăn hoặc không thể đi lại hay duỗi thẳng đầu gối.

Ngoài ra, bệnh có thể gây nhiều biến chứng khác ngay cả khi đã điều trị thành công. Dưới đây là những biến chứng thường gặp nhất:

  • Viêm khớp gối sau chấn thương: Sụn khớp có thể bị hỏng ngay cả khi xương lành lại bình thường. Điều này dẫn đến viêm, đau và cứng khớp theo thời gian.
  • Yếu cơ: Sau khi bị gãy xương, cơ tứ đầu đùi có thể bị yếu vĩnh viễn.
  • Mất chuyển động ở đầu gối: Một số bệnh nhân bị mất chuyển động ở đầu gối bao gồm cả uốn cong và duỗi thẳng. Điều này có thể do yếu hoặc teo cơ tứ đầu đùi sau chấn thương, vôi hóa, xơ hóa các dây chằng bao khớp.
  • Đau mãn tính: Bệnh nhân thường bị đau lâu dài ở phía trước đầu gối sau chấn thương. Biến chứng này có thể liên quan đến yếu cơ, cứng khớp hoặc tình trạng viêm khớp sau chấn thương.
  • Viêm mủ khớp gối: Bệnh nhân có thể gặp biến chứng nhiễm khuẩn nếu gãy hở.
  • Teo cơ chân: Biến chứng này xảy ra do bất động lâu ngày.
  • Liền lệch xương bánh chè: Chênh mặt khớp ở sau xương bánh chè do nắn chỉnh không tốt khi phẫu thuật.
  • Khớp giả xương bánh chè: Biến chứng này thường gặp ở những người không giữ bột đúng thời gian hoặc đắp lá thuốc nam.
  • Một số biến chứng khác: Gãy lại ổ can xương bánh chè, trượt đinh đứt dây thép hoặc trồi đinh do kỹ thuật mổ chưa tốt.

Những trường hợp có biến chứng cần liên hệ ngay với bác sĩ để được đánh giá và xử lý.

Chẩn đoán gãy xương bánh chè

Gãy xương bánh chè có thể được phát hiện khi khám lâm sàng. Tuy nhiên xét nghiệm hình ảnh cần được bổ sung để xác định chẩn đoán và đánh giá chính xác tình trạng.

1. Khám lâm sàng

Trong khi thăm khám, bác sĩ kiểm tra triệu chứng, bệnh sử và cơ chế chấn thương. Sau đó quan sát, ấn hoặc chạm nhẹ để kiểm tra đầu gối, phát hiện bất thường, cụ thể:

  • Sờ thấy cạnh của vết gãy qua da, nhất là khi vết gãy bị di lệch
  • Khám thấy khe giãn cách giữa hai đoạn gãy. Nguyên nhân là do sự di lệch đáng kể của vết gãy hình thành một khoảng trống lớn giữa các xương
  • Quan sát phát hiện biến dạng, vết bầm tím và sưng đầu gối
  • Ấn nơi xương gãy nhận thấy có điểm đau chói cố định
  • Phát hiện dấu hiệu bập bềnh xương bánh chè
  • Cử động bất thường, thực hiện được động tác di động ngược chiều giữa hai đoạn gãy
  • Chọc hút khớp gối thấy có nhiều dịch máu tụ trong khớp, đôi khi lẫn váng mỡ và không đông.
Khám thấy khe giãn cách giữa hai đoạn gãy
Khám thấy khe giãn cách giữa hai đoạn gãy giúp phát hiện tổn thương xương bánh chè

2. Chụp X-quang

Sau khám lâm sàng, bệnh nhân được chụp X-quang để rõ hơn về chẩn đoán. Kỹ thuật này tạo ra hình ảnh rõ nét của cấu trúc dày đặc (trong đó có xương). Từ đó phát hiện bất thường ở xương.

Ngoài ra bệnh nhân được chụp X -quang ở nhiều góc độ khác nhau để đánh giá sự nguyên vẹn, sự liên kết của xương và tìm kiếm vết gãy. Điều này giúp phát hiện và phân loại gãy xương bánh chè (đặc điểm vết gãy, tình trạng di lệch…)

  • Phim chụp khớp gối tư thế nghiêng: Thấy rõ hình thái đường gãy, vị trí vết gãy, mức độ di lệch, những tổn thương kết hợp ở đầu dưới xương đùi và mâm chày.
  • Phim chụp khớp gối tư thế thẳng: Phát hiện những tổn thương kết hợp.
  • Phim chụp chếch dọc 45°: Nhìn thấy mảnh gãy dọc cánh ngoài và trong nhỏ, ít di lệch.
  • Phim chụp chếch ngang 45°: Những mảng gãy ở cực dưới và cực trên nhỏ, ít di lệch.

Hình ảnh X-quang cho phép tìm kiếm tổn thương xương ở những vị trí khác, phân biệt gãy xương với xương bánh chè hai bên. Đây là một tình trạng bẩm sinh, trong đó những xương phụ trong xương bánh chè tách ra và không phát triển cùng nhau.

Sơ cứu bệnh nhân gãy xương bánh chè

Tương tự như những dạng gãy xương khác, gãy xương bánh chè cần được sơ cứu sớm và đúng cách để ngăn di lệch và tổn thương thêm.

  • Giảm đau: Ít nhất phải dùng Paracetamol để giảm đau tạm thời cho bệnh nhân hoặc dùng thuốc giảm đau toàn thân. Cụ thể tiêm tĩnh mạch chậm 1 ống Aspegic 0,5 hoặc tiêm bắp thịt 1 ống Promedol 0,02. Những trường hợp đau nặng có thể uống 1 viên Efferangall Codein 0,5 đúng theo chỉ định của bác sĩ.
  • Chườm lạnh: Dùng túi nước đá đặt lên đầu gối bị đau. Đây là cách giảm sưng đau tạm thời sau chấn thương.
  • Cố định tạm thời: Dùng nẹp Crame hoặc nẹp ê ke gỗ cố định từ 1/3 giữa đùi đến bàn chân trong tư thế duỗi gối hoàn toàn.

Sau khi sơ cứu xong, di chuyển bệnh nhân đến bệnh viện để được điều trị y tế.

Phương pháp điều trị gãy xương bánh chè

Dựa trên đánh giá cụ thể, bệnh nhân bị gãy xương bánh chè được điều trị không phẫu thuật hoặc phẫu thuật.

1. Điều trị không phẫu thuật

Những trường hợp được điều trị không phẫu thuật (điều trị bảo tồn) gồm:

  • Gãy xương bánh chè không di lệch, những mảnh xương gãy ở vị trí tốt
  • Gãy xương có di lệch với giãn cách < 3mm, mặt sau xương bánh chè có chênh lệch khớp < 1mm

Điều trị bảo tồn cho gãy xương bánh chè gồm dùng nẹp hoặc bó bột để giữ cho đầu gối thẳng, ngăn sự di lệch của xương và những chuyển động ở chân. Từ đó giúp phòng ngừa chấn thương thêm, giữ những đầu xương gãy ở vị trí tốt, xương lành lại đúng cách.

Tiến hành bó bột

  • Chọc hút hết máu tụ trong ổ khớp, chọc kim 16 hoặc 18 cách bờ xương bánh chè 1,5 cm, chọc kim ở mặt trong hoặc ở mặt ngoài khớp gối. Đảm bảo chọc hút hết máu tụ bên trong ổ khớp
  • Bó bột đùi bàn chân trong tư thế duỗi gối hoàn toàn (sử dụng bột Tutto).
Bó bột trong tư thế duỗi gối hoàn toàn
Bó bột trong tư thế duỗi gối hoàn toàn để ngăn sự di lệch của xương gãy và những chuyển động ở chân

Hầu hết các trường hợp không được phép đặt trọng lượng lên chân bị thương trong vòng 6 đến 8 tuần. Một số trường hợp khác có thể được ghép đặt trọng lượng thấp ở chân khi nẹp hoặc bó bột.

Sau 6 đến 9 tuần có thể cắt bột. Người bệnh được hướng dẫn gấp duỗi gối sau khi cắt bột để lấy lại phạm vi và khả năng vận động. Gấp duỗi tăng dần kết hợp với vật lý trị liệu để phục hồi hoàn toàn.

Những trường hợp sưng đau do gãy xương bánh chè có thể được dùng thuốc. Uống 4 – 6 viên chimotrypcin 5 mg/ ngày để chống sưng nề; dùng Alaxan, Efferangal hoặc Codein để giảm đau.

2. Phẫu thuật gãy xương bánh chè

Những trường hợp cần phẫu thuật gãy xương bánh chè:

  • Xương gãy di lệch, giãn cách > 3mm, mặt sau xương bánh chè có chênh lệch khớp > 1mm
  • Không thể điều trị bảo tồn
  • Khớp giả xương bánh chè
  • Gãy hở xương bánh chè (mổ cấp cứu)

Trong khi phẫu thuật điều trị, các mảnh xương di lệch được đưa về vị trí đúng, giữ được sự liên kết với nhau. Sau đó dùng thiết bị kim loại (phổ biến gồm đinh, vít, thanh kim loại) giữ những mảnh xương gãy trong khi chúng lành lại. Điều này giúp xương lành đúng cách, phục hồi hình thể giải phẫu của xương bánh chè.

Ổ gãy cần được cố định vững chắc trong quá trình phẫu thuật để người bệnh có thể tập vận động sớm, tránh tình trạng di lệch tái phát.

Trong quá trình giảm mở (phẫu thuật), bác sĩ có thể lựa chọn:

  • Kết hợp xương bánh chè bị gãy bằng vít xốp
  • Sử dụng hai đinh Kirschner xuyên song song, kết hợp buộc vòng néo ép số 8 (thực hiện dựa trên nguyên lý trụ cột của Pauwell). Lựa chọn này thường được thực hiện cho bệnh nhân có xương bánh chè gãy ngang. Xuyên đinh kết hợp buộc vòng néo ép số 8 giúp cố định ổ gãy vững chắc, người bệnh có thể tập gấp duỗi và vật lý trị liệu sớm.
Giảm mở và cố định bên trong cho những bệnh nhân có xương gãy di lệch, giãn cách > 3mm
Giảm mở và cố định bên trong cho những bệnh nhân có xương gãy phức tạp, di lệch, giãn cách > 3mm

Mặc dù mang đến hiệu quả cao nhưng phẫu thuật tiềm ẩn một số rủi ro, bao gồm:

  • Nhiễm trùng
  • Cứng khớp gối
  • Đau đầu gối mãn tính
  • Xương chậm lành
  • Hình thành cục máu đông
  • Hội chứng khoang

Chăm sóc vết thương và vật lý trị liệu thường được thực hiện sớm để ngăn ngừa biến chứng sau mổ.

Phục hồi chức năng gãy xương bánh chè

Phục hồi chức năng là giai đoạn quan trọng trong quá trình điều trị và hồi phục sau gãy xương bánh chè. Điều này giúp lấy lại chức năng và phạm vi vận động, ngăn các biến chứng do chấn thương và điều trị.

1. Đặt trọng lượng

Thông thường người bệnh không được mang trọng lượng ít nhất 6 tuần sau chấn thương. Sau đó, người bệnh được tập đi lại với nạng có chống chân nhẹ. Khi cơ bắp tăng cường và chấn thương lành lại, người bệnh được tập đi với nạng có chống toàn bộ chân, tập đi không dùng nạng.

2. Giảm đau

Cơn đau thường kéo dài từ vài ngày đến vài tuần khi bị gãy xương bánh chè. Ngoài ra phẫu thuật cũng có thể gây đau đớn nhiều hơn. Để kiểm soát cơn đau, người bệnh có thể thực hiện những biện pháp dưới đây:

  • Kê cao chân khi nghỉ ngơi giúp giảm sưng và đau.
  • Chườm đá giúp giảm viêm, sưng và cảm giác đau đớn.
  • Dùng thuốc không kê đơn như Paracetamol hoặc các loại NSAID theo hướng dẫn của bác sĩ. Thông thường hoạt chất trong những loại thuốc không kê đơn đủ để kiểm soát cơn đau.
  • Dùng thuốc giảm đau theo toa (như opioid) khoảng 3 – 5 ngày. Thuốc này giúp khắc phục nhanh những cơn đau nghiêm trọng.

3. Vận động trị liệu

Vận động trị liệu cần thiết cho tất cả các trường hợp gãy xương bánh chè (bao gồm cả phẫu thuật và không phẫu thuật). Phương pháp này giúp người bệnh trở lại các hoạt động hàng ngày và ngăn biến chứng sau chấn thương.

Vận động trị liệu cung cấp những bài tập có khả năng tăng cường các cơ quanh đầu gối, duy trì tầm vận động và tính linh hoạt. Đồng thời giảm sưng đau, lấy lại sức mạnh và phục hồi chức năng hoàn toàn.

Vận động trị liệu phục
Vận động trị liệu để tăng cường các cơ quanh đầu gối, sớm trở lại các hoạt động hàng ngày

Đối với điều trị không phẫu thuật

  • Bất động trong 6 – 8 tuần
  • Khi tháo bột, tập co duỗi đầu gối, tập co cơ, tập đi với nạng có chống chân nhẹ… để giảm độ cứng và tăng sự ổn định cho đầu gối
  • Từ tuần 12 sau chấn thương, tập đi không dùng nạng, tiếp tục tập co duỗi đầu gối, tập căng cơ
  • Thực hiện những bài tập kéo giãn và tăng cường để xây dựng cơ bắp chân khỏe mạnh và lấy lại phạm vi chuyển động
  • Hoạt động trị liệu giúp trở lại những hoạt động bình thường.

Đối với điều trị phẫu thuật

  • Cử động ngón chân, tập co cơ sau phẫu thuật vài tiếng để kích thích sự lành lại của xương và ngăn biến chứng của phẫu thuật (cứng khớp, hình thành cục máu đông…)
  • Sau 4 tuần, tập co duỗi đầu gối chủ động, tập đi với nạng có chống chân nhẹ
  • Từ tuần 9 đến tuần 12 sau chấn thương, tập đi không dùng nạng, tăng cường co duỗi khớp, tập kéo giãn và xây dựng cơ bắp
  • Hoạt động trị liệu với những bài tập giúp trở lại đời sống và công việc hàng ngày.

4. Thay đổi lối sống

Sau điều trị và phục hồi, bệnh nhân được hướng dẫn thay đổi lối sống và luyện tập vừa phải. Ngoài ra nên tránh leo cầu thang, tránh những hoạt động cần ngồi xổm sâu hoặc gập đầu gối lặp đi lặp lại. Điều này giúp để bảo vệ đầu gối, ngăn ngừa chấn thương tái diễn và những vấn đề khác trong tương lai.

Gãy xương bánh chè bao lâu lành?

Thời gian phục hồi ở bệnh nhân bị gãy xương bánh chè còn phụ thuộc vào những yếu tố sau:

  • Mức độ nghiêm trọng của chấn thương
  • Tốc độ lành lại của xương gãy
  • Thời điểm và thời gian tập phục hồi chức năng

Hầu hết bệnh nhân có xương bánh chè lành lại sau 6 – 8 tuần. Người bệnh trở lại hoạt động bình thường trong vòng 3 đến 6 tháng. Mất 1 – 2 năm để phục hồi hoàn toàn. Đối với những trường hợp nặng, thời gian phục hồi có thể lâu hơn.

Phòng ngừa gãy xương bánh chè

Gãy xương bánh chè được phòng ngừa bằng cách:

  • Tránh những hoạt động cần ngồi xổm sâu hoặc gập đầu gối lặp đi lặp lại.
  • Loại bỏ nguy cơ ngã hoặc va đập mạnh để tránh gãy xương bánh chè.
  • Tránh ngã trực tiếp vào đầu gối.
  • Lái xe an toàn để ngăn tai nạn
  • Không thực hiện những hoạt động có tác động lực lớn và trực tiếp vào đầu gối. Cụ thể như đánh mạnh vào đầu gối
  • Tránh co gấp đầu gối đột ngột để không làm ảnh hưởng đến cơ tư đầu và tạo vết nứt gãy trên xương bánh chè.
  • Duy trì sức khỏe xương khớp và giảm nguy cơ chấn thương bằng cách:
    • Điều trị bệnh loãng xương để giảm nguy cơ gãy xương do xương mỏng và yếu.
    • Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu
    • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học. Bổ sung các dinh dưỡng cần thiết (canxi, magie, vitamin D, chất chống oxy hóa…) từ các loại thực phẩm lành mạnh như rau xanh, các loại đậu, hạt, tôm, cua, trứng, đậu nành, sữa và những chế phẩm của sữa.
    • Tập thể dục mỗi ngày để duy trì sự dẻo dai, xây dựng cơ bắp và nâng cao sức khỏe xương khớp.
tập thể dục thường xuyên
Duy trì sức khỏe xương khớp và giảm nguy cơ chấn thương để phòng ngừa gãy xương bánh chè

Gãy xương bánh chè là một chấn thương nghiêm trọng, có thể làm giảm/ mất khả năng gấp duỗi đầu gối và gây nhiều biến chứng khác. Chính vì thế chấn thương này cần được đánh giá và điều trị sớm để hạn chế rủi ro. Ngoài ra bệnh nhân cần luyện tập tích cực để phục hồi chức năng hoàn toàn.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan
Gãy Xương Đòn Có Làm Được Việc Nặng Không
Gãy xương đòn có làm được việc nặng không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, loại gãy xương, tình trạng sức khỏe tổng thể và chỉ định ...
Xem chi tiết
Trật Chân Nên Chườm Nóng Hay Lạnh
Biết chính xác thông tin trật chân nên chườm nóng hay lạnh có thể rút ngắn thời gian phục hồi, giúp giảm đau nhức mãn tính và cứng khớp. Việc chườm nóng hay chườm lạnh sẽ liên quan đến nhiều ...
Xem chi tiết
Nứt Xương Có Cần Bó Bột Không
Nứt xương có cần bó bột không phụ thuộc vào tình trạng của vết thương, mức độ nghiêm trọng của vết gãy và chẩn đoán lâm sàng của bác sĩ. Do đó, điều quan trọng là đến bệnh viện để ...
Xem chi tiết
Trật Khớp Cổ Chân Bao Lâu Thì Khỏi
Trật khớp cổ chân bao lâu thì khỏi là thắc mắc chung của nhiều người bệnh. Tình trạng trật khớp khiến người bệnh đau nhói, cổ chân sưng tấy, bầm tím và biến dạng, ảnh hưởng đến khả năng vận ...
Xem chi tiết
Bị Gãy Xương Có Nên Quan Hệ
Những người bị gãy xương có nên quan hệ không? Cần thực hiện những biện pháp nào giúp xương mau lành là thắc mắc chung của nhiều người bệnh. Theo các chuyên gia, người bị gãy xương cần có một ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua