Cách Tập Vật Lý Trị Liệu Sau Gãy Tay Để Nhanh Phục Hồi

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan | Chuyên môn: Chấn thương, Đau dây thần kinh, Tràn dịch khớp | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Cách tập vật lý trị liệu sau gãy tay nên được áp dụng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để thúc đẩy quá trình lành xương và phục hồi xương gãy đúng cách. Đồng thời giảm đau và phục hồi chức năng hiệu quả. Theo khuyến cáo, bệnh nhân bị gãy tay nên bắt đầu vật lý trị liệu càng sớm càng tốt với những bài tập nhẹ nhàng và đơn giãn.

Tập vật lý trị liệu sau gãy tay
Thông tin cơ bản về lợi ích, lưu ý và hướng dẫn cách tập vật lý trị liệu sau gãy tay

Vật lý trị liệu là gì?

Vật lý trị liệu là một chuyên ngành y tế cung cấp cho người bệnh một nhóm các phương pháp điều trị (tập thể dục, kích thích vật lý, giáo dục sức khỏe…) để cải thiện các vấn đề sức khỏe tổng thể.

Đối với những bệnh nhân có vấn đề về xương khớp (bao gồm cả gãy tay) vật lý trị liệu được thực hiện để thúc đẩy quá trình liền xương, cải thiện các vấn đề về chức năng và cảm giác, giảm tình trạng tê bì và đau nhức.

Thông thường người bệnh được khuyên áp dụng tập vật lý trị liệu sau gãy tay với những phương pháp khác để tăng hiệu quả điều trị. Một số trường hợp có thể vật lý trị liệu đơn lẻ.

Vì sao cần tập vật lý trị liệu sau gãy tay?

Gãy tay là tình trạng một trong các xương của tay (xương cánh tay, xương trụ, xương quay, xương bàn tay…) bị gãy hoặc có vết nứt, thường do va đập trực tiếp, té ngã khi dang tay hoặc chấn thương thể thao. Khi bị gãy xương, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức đột ngột, đau dữ dội, không thể cử động hoặc thực hiện những động tác liên quan đến tay, yếu chi, sưng tấy, bầm tím…

Thông thường bệnh nhân sẽ được phẫu thuật chỉnh hình hoặc nắn xương để định vị lại xương gãy. Sau đó bó bột hoặc dùng nẹp để cố định cho đến khi xương lành, kết hợp vật lý trị liệu phục hồi chức năng.

Tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng thường được chỉ định trong và sau thời gian bó bột điều trị gãy tay. Bởi tình trạng nứt/ gãy các xương của tay và bất động bằng bột có thể làm giảm hoặc rối loạn cảm giác, tăng nguy cơ rối loạn dinh dưỡng.

Ngoài ra các chuyên gia khuyên rằng, tập vật lý trị liệu sau gãy tay nên được bắt đầu càng sớm càng tốt. Bởi đây là một phần quan trọng để phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị gãy tay. Phương pháp này giúp ngăn ngừa tình trạng yếu và cứng khớp. Đồng thời hạn chế nguy cơ giảm hoặc mất khả năng vận động trong tương lai.

Tập vật lý trị liệu sau gãy tay khi nào?

Người bệnh có thể bắt đầu áp dụng một số liệu pháp vật lý trị liệu sau khi bất động vài ngày. Trong thời gian này, người bệnh có thể ưu tiên thực hiện các bài tập tay, cử động ngón tay, gồng cơ… theo hướng dẫn của chuyên viên. Đối với những trường hợp bị gãy xương cẳng tay, người bệnh có thể bắt đầu với những bài tập ở vai.

Hầu hết bệnh nhân được chữa lành và cắt bột sau 6 – 12 tuần đầu tiên. Riêng những trường hợp phẫu thuật có thể lâu lành hơn. Sau một thời gian gãy tay bó bột, người bệnh có thể được hướng dẫn những bài tập vật lý trị liệu với cường độ cao hơn và những bài tập vận động đầy đủ.

Tập vật lý trị liệu sau gãy tay có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng tùy theo tốc độ phục hồi của bệnh nhân. Thông thường, những bệnh nhân phẫu chỉnh hình tay gãy sẽ có thời gian tập vật lý trị liệu lâu hơn so với điều trị bảo tồn.

Tập vật lý trị liệu sau gãy tay có thể được áp dụng sau khi bất động vài ngày
Tập vật lý trị liệu sau gãy tay có thể được áp dụng sau khi bất động vài ngày

Lợi ích khi tập vật lý trị liệu sau gãy tay

Đối với những bệnh nhân bị gãy tay, tập vật lý trị liệu có thể mang đến những lợi ích sau:

  • Cải thiện khả năng chuyển động
  • Phục hồi chức năng vận động và cảm giác
  • Giảm đau
  • Tăng lưu thông máu, đẩy nhanh tiến độ chữa lành xương gãy và tổ chức phần mềm
  • Phòng ngừa các biến chứng do bất động lâu ngày, điển hình như cứng khớp, rối loạn dinh dưỡng, teo cơ
  • Tăng tính linh hoạt cho chi
  • Duy trì khả năng vận động khớp

Cách tập vật lý trị liệu sau gãy tay

Có nhiều phương pháp vật lý trị liệu được ứng dụng sau gãy tay. Tùy thuộc vào tình trạng, những phương pháp này có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau để tăng tốc độ phục hồi.

1. Liệu pháp nhiệt trong vật lý trị liệu

Liệu pháp nhiệt trong vật lý trị liệu mang đến nhiều lợi ích khi tập cử động chủ động và có trợ giúp cho người bị gãy tay. Cụ thể:

  • Chườm lạnh

Chườm lạnh được áp dụng phổ biến trong điều trị gãy xương. Phương pháp này có tác dụng giảm sưng, viêm và đau, mang đến cảm giác dễ chịu cho người bệnh. Chườm lạnh nên được sử dụng 2 – 3 lần/ ngày hoặc khi có cảm giác đau, mỗi lần 15 phút.

Lưu ý: Dùng túi nhựa che chắn phần bột hoặc dùng khăn sạch đặt lên vị trí chấn thương trước khi chườm lạnh. Tránh để bột bị ướt.

  • Chườm nóng

Chườm nóng có tác dụng giãn mạch, tăng tuần hoàn máu, giãn cơ và thư giãn khớp xương. Từ đó kích thích phát triển tế bào mới và tăng tốc độ liền xương. Ngoài ra biện pháp này còn có tác dụng giảm đau, tăng khả năng phục hồi các chi.

Khi chườm nóng, hãy sử dụng túi chườm đặt lên tay đau. Nên thực hiện trước và trong khi tập vật lý trị liệu.

Lưu ý: Không chườm nóng cho bệnh nhân phẫu thuật chỉnh hình xương gãy. Vì những thiết bị kim loại đặt trong xương có thể nóng lên dẫn đến viêm rò và làm hỏng tổ chức.

2. Tập vận động các khớp tay

Trong khi bó bột cố định xương gãy, người bệnh có thể bị cứng khớp do bất động hoặc kém vận động lâu ngày. Chính vì thế người bệnh nên tập vật lý trị liệu sau gãy tay với những bài tập vận động khớp.

Các bài tập thường được áp dụng gồm co duỗi khớp lớn, cử động gập – duỗi các ngón tay, cử động nghiêng trụ – nghiêng quay, cử động gập mặt lưng và mặt lòng bàn tay… Những bài tập này có tác dụng kích thích sản sinh dịch nhờn bôi trơn khớp, tăng khả năng chuyển động và tính linh hoạt. Đồng thời hạn chế đau nhức xương khớp và thúc đẩy quá trình phục hồi chức năng sau gãy tay hiệu quả.

Tập vật lý trị liệu vận động các khớp tay có thể được thực hiện từ ngày thứ ba sau bó bột hoặc sau phẫu thuật (theo hướng dẫn của chuyên gia), tập 10 – 15 phút/ lần, mỗi ngày tập từ 5 – 6 lần.

Hướng dẫn thực hiện:

Tập cử động gập và duỗi các ngón tay

  • Nằm trên sàn với tư thế nằm ngửa, khuỷu tay gập, đặt cẳng tay tại vị trí trung tính
  • Đặt ngón tay cái (ngón tay lành) giữ lòng bàn tay yếu, bốn ngón tay lành đỡ bàn tay
  • Lần lượt thực hiện gập và duỗi từng ngón tay
  • Tập trong 5 phút.

Tập cử động nghiêng trụ và nghiêng quay

  • Đặt ngón tay cái lành vào lòng bàn tay bệnh
  • Bốn ngón tay lành đặt ở mu bàn tay bệnh
  • Cử động nghiêng trụ và nghiêng quay theo hướng dẫn của chuyên viên
  • Tập trong 5 phút.

Tập cử động gập mặt lưng và mặt lòng bàn tay

  • Đặt ngón tay cái lành vào lòng bàn tay bệnh
  • Bốn ngón tay lành đặt ở mu bàn tay bệnh
  • Cử động gập mặt lưng và mặt lòng bàn tay theo hướng dẫn của chuyên viên
  • Tập trong 5 phút.
Tập vận động các khớp tay
Tập vận động các khớp tay giúp kích thích sản sinh dịch nhờn bôi trơn khớp, cải thiện chuyển động và tính linh hoạt

3. Bài tập tăng phạm vi chuyển động

Bài tập tăng phạm vi chuyển động được thực hiện khi cánh tay vẫn còn bất động (trong giai đoạn đầu điều trị gãy tay). Thông thường, người bệnh sẽ được hướng dẫn những bài tập chuyển động nhẹ nhàng với cổ tay, bàn tay và những ngón tay. Thường xuyên thực hiện động tác không siết chặt và siết chặt ngón tay của bạn.

Sau một thời gian luyện tập và được sự cho phép của bác sĩ, người bệnh có thể bắt đầu với những bài tập uốn nắn bàn tay và cổ tay vài lần mỗi ngày. Ngoài ra người bệnh có thể được hướng dẫn thêm những bài tập cải thiện và duy trì phạm vi chuyển động ở vai và khuỷu tay. Điều này giúp rút ngắn thời gian phục hồi chức năng.

Trong quá trình luyện tập cho vai, người bệnh có thể thực hiện động tác gập người, gập và duỗi khớp vai, xoay trong và ngoài… Những động tác này nên được thực hiện vài lần mỗi ngày.

4. Bài tập kéo giãn

Thực hiện những động tác kéo căng là điều cần thiết để giảm đau và tập lại cánh tay bị gãy. Trong khi thực hiện, người bệnh sẽ được hướng dẫn những động tác làm căng cơ hai đầu, căng cơ tam đầu, căng cơ duỗi cổ tay, căng cơ gấp cổ tay, duỗi ngửa/ nằm ngửa cho cổ tay.

Những động tác kéo căng có tác dụng cải thiện tính linh hoạt và sức mạnh cho các cơ của cẳng tay và bắp tay. Những động tác này nên được thực hiện từ 1 – 2 lần/ ngày, mỗi lần từ 10 – 15 phút.

5. Tập vật lý trị liệu gia tăng lực cơ chi đau

Những bài tập vật lý trị liệu gia tăng lực cơ chi đau có tác dụng kích thích phát triển các khối cơ và tăng cường sức cơ, hạn chế nguy cơ teo cơ do bó bột bất động lâu ngày. Đối với những trường hợp đau nhiều sau gãy tay, người bệnh chỉ nên tập gồng cơ và tập căng cơ. Khi cơn đau đã thuyên giảm, người bệnh nên tập co cơ theo hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu.

  • Tập gồng cơ: Khớp không cử động, giữ độ dài của bó cơ không thay đổi.
  • Tập co cơ: Cơ co ngắn lại, khớp cử động.
Tập vật lý trị liệu gia tăng lực cơ chi đau
Tập vật lý trị liệu gia tăng lực cơ chi đau với bài tập gồng cơ và tập căng cơ khi đau nhiều, tập co cơ khi đau ít

6. Phục hồi chức năng sinh hoạt hàng ngày

Đối với những trường hợp tập vật lý trị liệu sau gãy tay, người bệnh nên thường xuyên thực hiện những động tác nắm và mở bàn tay, tập cầm đũa, cầm bút… để phục hồi chức năng sinh hoạt hàng ngày, tránh không để tay bị khoèo hoặc cong. Trong khi tập nắm – mở bàn tay, người bệnh có thể dùng bi hoặc dùng hòn đá hình quả trứng để nắm.

7. Hoạt động trị liệu cho tay

Để tăng cường những lợi ích khi tập vật lý trị liệu sau gãy tay, người bệnh nên thường xuyên áp dụng các hoạt động trị liệu cho tay. Cụ thể như lăn bóng, mặc và cởi quần áo, mở nắp chai lọ, vắt khăn, cầm thả vật, lật trang sách, vắt chặt miếng xốp, nâng – hạ cánh tay, phủi bụi, lật trang sách…

Những hoạt động trị liệu cho tay nên được áp dụng khi không còn cảm giác đau nhức hoặc chỉ đau nhẹ sau một thời gian điều trị gãy tay.

8. Liệu pháp thể thao cụ thể

Nếu người bệnh là vận động viên, tập vật lý trị liệu sau gãy tay có thể được chỉ định sớm để tăng tốc độ lành xương và trở lại sân chơi. Tùy thuộc vào chấn thương và môn thể thao cụ thể, những bài tập phục hồi có thể bao gồm:

  • Bài tập bắt bóng
  • Chuyển động ném
  • Những bài tập được thiết kế để khôi phục khả năng phối hợp giữa mắt và chi

Những bài tập này có thể được thực hiện vài lần mỗi ngày, tập từ 5 – 15 phút/ lần. Người bệnh không nên gắng sức để tránh tạo cảm giác đau, tổn thương thêm nghiêm trọng hoặc làm ảnh hưởng đến quá trình phục hồi xương.

9. Dùng xung điện hoặc sóng siêu âm

Trong khi tập vật lý trị liệu sau gãy tay, người bệnh có thể được yêu cầu sử dụng sóng siêu âm (cường độ thấp) hoặc xung điện (tần số thấp) để kích thích tế bào xương phát triển, giúp xương gãy nhanh liền.

Phương pháp này có tác dụng kích thích cơ thể tăng sinh các protein tham gia vào quá trình hình thành và phát triển tế bào xương mới. Từ đó rút ngắn thời gian chữa lành vị trí tổn thương. Ngoài ra dùng xung điện hoặc sóng siêu âm kích thích xương còn có tác dụng giảm đau hiệu quả.

10. Huấn luyện sức mạnh

Trải qua một thời gian bó bột điều trị gãy tay, người bệnh có thể nhận thấy tay bị mất sức sau khi tháo băng. Lúc này chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn một số bài tập đơn giản giúp luyện tập sức mạnh. Từ đó sớm phục hồi sức mạnh của cánh tay, cơ bắp và khớp vai.

Những bài tập huấn luyện sức mạnh thường bao gồm:

  • Bài tập uốn cong và duỗi thẳng cánh tay có lực cản
  • Bài tập xoay trong và xoay ngoài có lực cản (phục hồi sức mạnh cho khớp vai)

Lưu ý:

  • Những bài tập huấn luyện sức mạnh cần được thực hiện đúng với hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu. Điều này giúp tăng hiệu quả và tốc độ phục hồi.
Huấn luyện sức mạnh
Những bài tập huấn luyện sức mạnh sau tháo bột giúp sớm phục hồi sức mạnh của cánh tay, cơ bắp và khớp vai

Tập vật lý trị liệu sớm có gây đau đớn không?

Phần lớn bệnh nhân có cảm giác đau đớn khi tập phục hồi sớm sau gãy tay. Vì thế sau khi xương gãy, người bệnh thường được được kê một đơn thuốc giảm đau mạnh (thường là thuốc giảm đau nhóm opioid), sử dụng trong vài ngày.

Sau vài ngày giảm đau hiệu quả, bác sĩ có thể thay thế opioid bằng các thuốc giảm đau không kê đơn (điển hình như Acetaminophen, Ibuprofen). Ngoài ra nếu cảm thấy đau trong khi tập phục hồi chức năng, người bệnh có thể giữ cánh tay cao hơn mức của tim hoặc chườm đá trong khi nghỉ ngơi để làm dịu cơn đau.

Lưu ý khi tập vật lý trị liệu sau gãy tay

Khi tập vật lý trị liệu sau gãy tay, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề dưới đây để tăng tốc độ phục hồi và đảm bảo an toàn:

  • Tập vật lý trị liệu sau gãy tay theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Tuân thủ thời gian và thực hiện đúng các bước luyện tập.
  • Nên bắt đầu sớm với những bài tập nhẹ nhàng để giữ chức năng vận động, không gây đau đớn.
  • Chỉ được thực hiện những bài tập kéo giãn và có cường độ cao khi bác sĩ cho phép, bệnh nhân đã thích nghi với các bài tập trước đó và không cảm thấy đau đớn nhiều.
  • Hãy trao đổi với bác sĩ chuyên khoa nếu có dấu hiệu bất thường trong thời gian tập trị liệu. Cụ thể như phù nề và đau nhức nhiều hơn, có cảm giác tê bì hoặc châm chích khó chịu…
  • Không nên hút thuốc lá và dụng thức uống có cồn (rượu, bia…) để tránh làm ảnh hưởng đến quá trình liền xương và cản trở quá trình phục hồi chức năng. Bởi những sản phẩm này chứa các hoạt chất có khả năng ngăn cản vận chuyển oxy đến vị trí tổn thương, giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể.
  • Nên uống nhiều nước, trung bình 2 lít nước/ ngày.
  • Để xương gãy lành nhanh và sớm phục hồi chức năng, bệnh nhân nên tập vật lý trị liệu sau gãy tay kết hợp với chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, chứa các thực phẩm tốt cho người gãy xương. Điển hình như thực phẩm giàu canxi, vitamin D, vitamin C, magie… Bởi những loại thực phẩm này có khả năng thúc đẩy quá trình liền xương, giảm đau, chống viêm. Đặc biệt canxi có tác dụng tăng cường mật độ xương, giữ xương khớp chắc khỏe, kích thích sản sinh và phát triển tế bào xương mới.
Nên tập vật lý trị liệu sau gãy tay kết hợp với chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng
Tập vật lý trị liệu sau gãy tay kết hợp với chế độ ăn uống đủ chất để xương gãy lành nhanh và sớm phục hồi chức năng

Nhìn chung tập vật lý trị liệu sau gãy tay là một phương pháp quan trọng, giúp tăng tốc độ liền xương, kiểm soát cơn đau và nhanh phục hồi chức năng. Chính vì thế người bệnh nên luyện tập sớm và nghe theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Không nên bất động lâu ngày để hạn chế biến chứng và tình trạng co cứng, khó vận động trong tương lai.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan
Gãy Xương Đòn Vai Có Phải Phẫu Thuật
Gãy xương đòn là tổn thương cực kỳ phổ biến, chiếm 5% tổng số các trường hợp gãy xương và thường được điều trị bằng các phương pháp bảo tồn. Vậy gãy xương đòn vai có phải phẫu thuật không, ...
Xem chi tiết
Trật Khớp Ngón Tay Để Lâu Có Sao Không
Nếu thắc mắc trật khớp ngón tay để lâu có sao không người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị hiệu quả, an toàn nhất. Điều trị sớm là cách tốt nhất ...
Xem chi tiết
Nứt Xương Có Cần Bó Bột Không
Nứt xương có cần bó bột không phụ thuộc vào tình trạng của vết thương, mức độ nghiêm trọng của vết gãy và chẩn đoán lâm sàng của bác sĩ. Do đó, điều quan trọng là đến bệnh viện để ...
Xem chi tiết
Bó Bột Chân Có Đi Được Không
Bó bột chân có thể gây ảnh hưởng đến việc di chuyển cũng như đi lại của người bệnh. Tuy nhiên người bệnh cần duy trì sự tập luyện phù hợp để tránh teo cơ, cứng khớp cũng như loãng ...
Xem chi tiết
Trật Chân Nên Chườm Nóng Hay Lạnh
Biết chính xác thông tin trật chân nên chườm nóng hay lạnh có thể rút ngắn thời gian phục hồi, giúp giảm đau nhức mãn tính và cứng khớp. Việc chườm nóng hay chườm lạnh sẽ liên quan đến nhiều ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua