6 Bài Tập Gãy Xương Mắt Cá Chân Sau Khi Mổ Giúp Mau Khỏi
Những bài tập gãy xương mắt cá chân sau khi mổ có thể giúp lấy lại cảm giác và chức năng của mắt cá bị thương. Đồng thời xây dựng cơ bắp, ổn định khớp và cải thiện sức mạnh. Thông thường, người bệnh có thể trở lại hoạt động thể chất sau 3 tháng luyện tập.
6 bài tập gãy xương mắt cá chân sau khi mổ
Gãy xương mắt cá chân là tình trạng một hoặc nhiều xương tạo nên khớp mắt cá chân bị nứt hoặc gãy. Vết gãy đơn giản ở một xương có thể khiến người bệnh không thể đi lại. Vết gãy phức tạp hoặc gãy nhiều xương có thể khiến mắt cá chân bị lệch, không thể đứng trên chân tổn thương trong vài tháng.
Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân được phẫu thuật điều chỉnh xương gãy hoặc điều trị bảo tồn (bó bột). Sau điều trị (đặc biệt là sau mổ), người bệnh cần phục hồi chức năng sớm và tích cực. Điều này giúp ngăn ngừa biến chứng (như cứng khớp, hình thành cục máu đông…), lấy lại khả năng giữ thăng bằng và vận động.
Khi xương lành, khớp gãy ổn định và sưng đau giảm, một số bài tập gãy xương mắt cá chân sau khi mổ có thể được áp dụng. Dưới đây là những bài tập tốt nhất:
1. Bài tập căng khăn
Bài tập căng khăn có tác dụng làm căng các cơ ở mắt cá chân và cẳng chân. Từ đó giúp cải thiện sức mạnh sau mổ gãy xương mắt cá chân, tăng khả năng giữ thăng bằng. Ngoài ra bài tập này còn có tác dụng lấy lại sự linh hoạt của khớp mắt cá chân.
Cách thực hiện:
- Ngồi trên thảm tập với hai chân duỗi thẳng ra phía trước
- Dùng khăn bông quấn quanh đầu bàn chân, hai tay giữ chặt hai đầu khăn
- Nhẹ nhàng kéo khăn sao cho các ngón chân hướng về phía cơ thể
- Giữ nguyên động tác trong 30 giây
- Nhẹ nhàng thả lỏng chân và nghỉ ngơi trong 30 giây
- Lặp lại động tác từ 3 – 5 lần.
2. Bài tập cuộn khăn
Đây là bài tập gãy xương mắt cá chân sau khi mổ tốt, nên được thực hiện mỗi ngày. Bài tập này có tác dụng kích thích quá trình lành lại hoàn toàn của các xương, tăng cường sức mạnh, kéo căng các cơ ở mắt cá chân và bàn chân.
Ngoài ra bài tập cuộn khăn còn có tác dụng cải thiện linh hoạt và dẻo dai cho các khớp. Đồng thời giảm đau, sớm phục hồi chức năng vận động trên chân bị thương.
Cách thực hiện:
- Ngồi trên ghế có chiều cao thích hợp, vuông góc ở đầu gối và bàn chân phẳng trên sàn
- Đặt một chiếc khăn dưới chân bị thương
- Cuộn tròn các ngón chân và di chuyển linh hoạt để nắm chặt khăn, sau đó nhấc nó lên khỏi mặt đất
- Giữ khăn khoảng 3 – 5 giây trước khi thả nó ra
- Lặp lại động tác 5 lần.
3. Bài tập nâng bắp chân
Nếu muốn tìm bài tập gãy xương mắt cá chân sau khi mổ, người bệnh có thể thực hiện bài tập nâng bắp chân. Bài tập này có tác dụng làm mạnh cơ xương, xây dựng cơ bắp, tăng độ vững chắc cho mắt cá chân bị thương.
Ngoài ra bài tập nâng bắp chân còn có tác dụng khắc phục đau và cứng khớp, tăng tính linh hoạt và sức mạnh. Từ đó phục hồi mắt cá chân sau gãy xương, phòng ngừa chấn thương trong tương lai.
Tuy nhiên nâng bắp chân là một bài tập nặng. Bài tập này chỉ nên được thực hiện khi khớp mắt cá chân có độ vững chắc nhất định, không còn sưng mắt cá chân và đau không đáng kể. Tuyệt đối không thực hiện bài tập trong giai đoạn đầu sau mổ để tránh tổn thương thứ phát.
Cách thực hiện:
- Đứng trên một bậc thang hoặc một bệ hơi nâng lên
- Nửa trên của bàn chân đặt trên bậc thang. Nửa sau của bàn chân (gót chân) treo ra phía sau
- Giữ thăng bằng, đẩy mũi chân lên để gót chân nhô cao hơn bề mặt
- Hạ thấp để gót chân nằm dưới bề mặt
- Lặp lại động tác từ 5 – 10 lần.
4. Bài tập kéo ngón chân
Bài tập kéo ngón chân là một trong những bài tập phục hồi gãy xương mắt cá chân sau khi mổ hiệu quả. Bài tập này có tác dụng kéo căng các cơ ở mắt cá chân và chân, thư giãn cổ chân. Đồng thời cải thiện tính linh hoạt, độ dẻo dai và sức mạnh cho đôi chân.
Cách thực hiện:
- Ngồi trên ghế, hai bàn chân phẳng trên sàn
- Từ từ nâng một chân lên khỏi mặt đất và giữ thẳng
- Hướng các ngón chân về phía cơ thể
- Giữ nguyên động tác trong 20 giây
- Thả lỏng và hạ thấp chân
- Lặp lại động tác từ 3 – 5 lần.
5. Bài tập nâng gót đứng
Nếu chưa thể thực hiện bài tập nâng bắp chân (do sưng đau mắt cá chân), người bệnh có thể thử bài tập nâng gót đứng. Bài tập này ít tạo áp lực lên mắt cá chân tổn thương, giúp phục hồi nhẹ nhàng.
Bài tập nâng gót đứng tác động tích cực vào các cơ ở cẳng chân và mắt các chân, kéo căng các cơ để thư giãn và tăng khả năng hỗ trợ mắt cá chân bị thương. Ngoài ra bài tập còn giúp lấy lại phạm vi và chức năng của khớp mắt cá chân, giảm đau và khắc phục tình trạng cứng khớp sau mổ.
Cách thực hiện:
- Đứng trên sàn, hai chân rộng bằng vai
- Hơi uốn cong đầu gối và đặt hai tay lên đùi. Có thể đặt tay lên lưng ghế để giữ thăng bằng
- Nhấc một hoặc cả hai gót chân lên, các ngón chân được giữ trên mặt đất
- Từ từ hạ gót chân xuống để trở về tư thế bắt đầu
- Lặp lại bài tập này nhiều lần mỗi ngày, luyện tập cho cả hai chân.
6. Bài tập lăn bóng
Bài tập lăn bóng giúp thư giãn xương khớp và mô mềm ở bàn chân, tăng khả năng phối hợp các khớp xương. Đồng thời giữ cho mắt cá chân ở vị trí an toàn, tăng tuần hoàn máu. Đây là bài tập gãy xương mắt cá chân sau khi mổ đơn giản, không tạo áp lực lớn lên cổ chân. Vì thế bài tập này có thể được thực hiện trong vài tuần đầu sau mổ.
Cách thực hiện:
- Ngồi trên ghế với bàn chân phẳng trên sàn
- Đặt một quả bóng gôn dưới chân hoặc bất kỳ quả bóng nào có cùng kích thước
- Từ từ lăn bàn chân lên xuống, thực hiện trong 1 phút
- Lặp lại bài tập với chân còn lại.
Lưu ý khi luyện tập:
- Luyện tập theo hướng dẫn của bác sĩ/ chuyên gia vật lý trị liệu.
- Những bài tập nêu trên chỉ nên được thực hiện sau khi tháo bột và xương lành tốt.
Quá trình phục hồi gãy xương mắt cá chân sau khi mổ
Để lựa chọn bài tập phù hợp, người bệnh cần nắm rõ quá trình phục hồi gãy xương mắt cá chân sau khi mổ. Trong giai đoạn đầu sau mổ (khoảng 6 tuần đầu), người bệnh nên bất động cổ chân gãy, xử lý các triệu chứng (sưng, đau cổ chân). Ngoài ra bệnh nhân cử động nhẹ nhàng và tập đi với nạng để kích thích quá trình hồi phục và ngăn biến chứng.
Những bài tập có cường độ cao hơn nên được thực hiện sau tháo bột, khi sưng và đau được kiểm soát, xương đã liền tốt.
Giai đoạn 1: 0 – 6 tuần sau mổ
Mục đích:
- Kiểm soát đau và giảm sưng
- Bảo vệ ổ gãy xương và phần mềm sau sửa chữa
- Kích thích quá trình liền xương và chữa lành dây chằng
- Phục hồi tầm vận động theo hướng dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu.
Phục hồi cụ thể:
- Bất động khớp cổ chân bị thương bằng bột hoặc nẹp
- Nâng cao chân hơn tim khi ngồi hoặc nằm để giảm sưng và đau
- Tập co cơ tĩnh giúp hạn chế cứng khớp và kích thích quá trình liền xương
- Tập vận động khớp gối và khớp háng để giữ tính linh hoạt và chức năng vận động sau bị thương. Đồng thời hạn chế hình thành cục máu đông
- Tập tăng cường sức mạnh cơ trung tâm
- Khám lại sau mổ 4 tuần.
Lưu ý:
- Phục hồi tầm vận động trong giới hạn, tránh những hoạt động gây sưng hoặc đau quá mức.
- Không vận động cổ chân 6 tuần sau mổ đối với tổn thương khớp chày mác dưới. Chỉ nên vận động ngón chân và tập vận động khớp gối.
- Nếu tổn thương dây chằng chày mác, không đi tỳ trọng lượng dưới 12 tuần.
- Nếu bắt vít chày mác dưới, cần tháo vít trước khi đi bỏ nạng.
- Luôn giữ vết mổ sạch sẽ và khô ráo để giảm nguy cơ nhiễm trùng, ảnh hưởng đến quá trình lành lại của xương.
Giai đoạn 2: 6 – 12 tuần sau mổ
Mục đích:
- Tăng phạm vi và khả năng vận động
- Lấy lại sức mạnh, tầm vận động chủ động và thụ động
- Di chuyển linh hoạt và dễ dàng hơn
Phục hồi cụ thể:
- Xoay hoặc kéo giãn khớp cổ chân đa hướng giúp lấy lại tầm vận động
- Tập đi với nạng, tì 25% trọng lượng ở tuần thứ 7 và thứ 8
- Tập đi với nạng, tì 50% trọng lượng ở tuần thứ 9 và thứ 10
- Tập đi không dùng nạng ở tuần thứ 11 và tuần thứ 12
- Thực hiện động tác duỗi cổ chân để tập sức cơ cổ chân
- Tập cảm nhận của cổ chân
- Luyện tập không tỳ trọng lực lên cổ chân bằng những bài tập tăng cường sức mạnh toàn thân. Chủ yếu luyện tập ở thân mình và chi trên
- Tái khám vào tuần thứ 6 sau mổ.
Giai đoạn 3: Sau mổ 12 tuần
Mục đích:
- Lấy lại dáng đi bình thường
- Phục hồi tối đa cơ lực chi
- Phục hồi hoàn toàn phạm vi và chức năng vận động
- Kiểm soát cơn đau, bệnh nhân cảm thấy đau rất ít hoặc không đau ở chỗ gãy.
Phục hồi cụ thể:
- Tiếp tục tập đi không dùng nạng
- Tập đi dưới hồ bơi
- Thực hiện 6 bài tập gãy xương mắt cá chân sau khi mổ (bài tập nêu trên)
- Tập tăng vận động khớp cổ chân có đối kháng.
Trên đây là quá trình phục hồi cụ thể và 6 bài tập gãy xương mắt cá chân sau khi mổ. Việc luyện tập đúng cách có thể giúp xương gãy lành lại đúng cách và nhanh chóng. Đồng thời lấy lại chức năng và tầm vận động cho mắt cá chân bị thương. Chính vì thế người bệnh cần luyện tập tích cực theo hướng dẫn của chuyên viên/ bác sĩ để sớm phục hồi hoàn toàn.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!