Gãy Tay Bó Bột Khi Nào? Các Thông Tin Cần Biết

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Gãy tay bó bột là phương pháp cố định đơn giản và được áp dụng phổ biến. Phương pháp này giúp giữ các xương ở vị trí đúng, giảm di lệch và tổn thương phần mềm trong khi xương liền. Từ đó giúp xương lành đúng cách, người bệnh sớm phục hồi chức năng.

Gãy tay bó bột
Tìm hiểu gãy tay bó bột khi nào? Lợi ích, quy trình và những điều cần lưu ý khi thực hiện

Gãy tay bó bột là gì?

Bó bột là phương pháp cố định đơn giản, được áp dụng cho hầu hết các bệnh nhân bị gãy xương, trong đó có gãy tay. Sau khi xương gãy, các mảnh xương/ đoạn xương gãy cần được nắn chỉnh hoặc phẫu thuật định vị lại vị trí. Sau đó người bệnh sẽ được chỉ định bó bột với loại và kích thước phù hợp. Phương pháp này giúp chi tổn thương (xương và phần mềm) được bảo vệ.

Đặc biệt bó bột giúp giữ cho các mảnh xương gãy không di lệch, tránh tác động bên ngoài làm ảnh hưởng đến quá trình liền xương. Đồng thời giúp xương gãy liền đúng cách và mang đến nhiều lợi ích khác.

Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân được bó bột kết hợp với nẹp để xương gãy được phục hồi nhanh và hiệu quả. Đặc biệt là những bệnh nhân bị gãy xương kèm theo tổn thương khớp và gân.

Có nhiều kiểu bó bột và nhiều chất liệu khác nhau. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và vị trí gãy xương, bệnh nhân bị gãy tay bó bột có thể được bất động từ cánh tay trên đến bàn tay hoặc ngón tay, có thể dùng sợi thủy tinh hoặc thạch cao (phổ biến hơn).

Trước khi bó bột, một số vật liệu tổng hợp hoặc bông y tế sẽ được lót bên trong để tạo cảm giác dễ dịu và độ mềm mại cho người bệnh.

Lợi ích khi bó bột điều trị gãy tay

Bó bột điều trị gãy tay sẽ mang đến những lợi ích sau:

  • Bất động tay gãy
  • Bảo vệ xương và phần mềm
  • Giữ cho các mảnh xương gãy không di lệch, luôn ở tư thế giải phẫu để xương lành đúng cách. Điều này thúc đẩy quá trình liền xương hiệu quả
  • Tránh tác động bên ngoài làm ảnh hưởng đến quá trình liền xương, điển hình như va đập…
  • Tăng tốc độ chữa lành phần mềm
  • Hạn chế tình trạng co thắt cơ sau chấn thương
  • Giảm đau
Lợi ích khi bó bột điều trị gãy tay
Bó bột giúp bảo vệ xương và phần mềm, bất động tay gãy, giữ cho các mảnh xương gãy không bị di lệch

Gãy tay bó bột khi nào?

Hầu hết bệnh nhân bị gãy tay cần bó bột cố định xương sớm. Đối với những trường hợp nhẹ, xương không di lệch hoặc di lệch ít, bó bột có thể được thực hiện sau khi chẩn đoán xong hoặc sau chấn thương

Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, gãy tay bó bột sẽ được chỉ định sau phẫu thuật chỉnh hình. Riêng những bệnh nhân có dấu hiệu sưng to sau gãy xương, nẹp có thể được dùng từ 1 – 2 ngày để giảm sưng trước khi bó bột.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân cần lót đệm hoặc thay bột mới nếu triệu chứng sưng tấy sau gãy tay giảm đáng kể khiến bột không còn vừa vặn với tay.

Quy trình bó bột trị gãy tay

Quy trình bó bột trị gãy tay gồm những giai đoạn và các bước cơ bản sau:

1. Trước khi bó bột

Trước khi có chỉ định bó bột, bệnh nhân bị gãy tay sẽ được thăm khám kỹ lưỡng và định vị lại xương với những kỹ thuật cần thiết (nắn xương, phẫu thuật chỉnh hình). Điều này giúp đảm bảo các mảnh xương gãy ở vị trí đúng trước khi bó bột.

Ngoài ra bác sĩ có thể kiểm tra một số vấn đề khác để đảm bảo rằng gãy tay bó bột không làm phát sinh thêm tổn thương hoặc ảnh hưởng đến tốc độ điều trị. Điển hình như tổn thương phần mềm, dấu hiệu mất máu, nhịp thở, cảm giác, huyết áp, tri giác…

2. Trong khi bó bột

Các bước bó bột điều trị gãy tay:

  • Dùng tất lót bó bột (băng thun vớ stockinette) và một chất liệu mềm khác (điển hình như bông y tế) quấn quanh. Điều này giúp tạo độ mềm cho chi gãy và tăng độ đàn hồi
  • Dùng bột thạch cao có dạng bột hoặc vải quấn ngoài lớp đệm (được làm ẩm trước khi sử dụng). Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể được dùng vật liệu sợi thủy tinh thay thế cho thạch cao. Vật liệu này có dạng cuộn và luôn được làm ẩm trước khi sử dụng.

3. Sau khi bó bột

Bột thường khô lại trong khoảng thời gian từ 10 – 15 phút. Lúc này phản ứng hóa học xảy ra và khiến nhiệt độ của da tăng cao. Do đó người bệnh được theo dõi đến khi đảm bảo an toàn, gãy tay bó bột không gây bất kỳ bất thường nào.

Sau 24 – 48 tiếng, lớp bột có thể cứng lại hoàn toàn. Trong giai đoạn này, thạch cao có thể bị nứt hoặc bị vỡ. Nếu có bất thường, cần liên hệ với bác sĩ để được chỉnh sửa. Đối với thạch cao, khi khô có màu trắng, bề mặt mịn màng. Đối với vật liệu sợi thủy, khi khô thường có bề mặt khô ráp hơn.

4. Tháo bột

Khi xương lành, người bệnh sẽ được chỉ định tháo bột. Để cắt bột mà không làm ảnh hưởng đến phần mềm, bác sĩ sẽ dùng một loại cưa đặc biệt, có khả năng cắt xuyên qua lớp bột. Khi cưa đến lớp đệm bảo vệ, bác sẽ dùng kéo gỡ bỏ, không gây tổn thương da.

Quy trình bó bột trị gãy tay
Quy trình bó bột điều trị gãy tay

Quá trình liền xương sau gãy tay bó bột.

Sau gãy xương 24 giờ, các tế bào tủy xương có xu hướng chuyển sang tế bào đa hình thái và các tạo cốt bào. Ngoài ra tại vị trí gãy sẽ xuất hiện hai quá trình, bao gồm: Quá trình liền xương nguyên phát (liền xương trực tiếp) và thứ phát (liền xương gián tiếp)

1. Quá trình liền xương nguyên phát

Liền xương nguyên phát thể hiện cho tình trạng vỏ ngoài của xương (vỏ cứng) được cấu trúc lại. Đối với trường hợp này, quá trình cố định ổ gãy phải vững chắc. Ngoài ra người bệnh cần thận trọng để tránh gãy xương lại.

Sau khi kết thúc quá trình liền xương nguyên phát, một cầu can trực tiếp mới sẽ thay thế cho ổ gãy. Đồng thời sự hình thành can xương sẽ xảy ra ít.

Dấu hiệu nhận biết quá trình liền xương nguyên phát:

  • Các tế bào có nguồn gốc trung mô và những mạch máu nhỏ hình thành tại hai đầu xương gãy, đồng thời biệt hóa thành các cốt bào.
  • Xuất hiện hiện tượng tiêu xương sinh lý ở đầu các xương bị gãy
  • Cầu xương trực tiếp hình thành qua khoảng trống giữa hai đầu xương.

2. Quá trình liền xương thứ phát

Quá trình liền xương thứ phát liên quan đến vai trò của màng xương. Cụ thể trong quá trình này, màng xương sẽ trở thành nguồn cung cấp máu chính cho ổ gãy, thay thế nhiệm vụ cấp máu của tủy xương do bị gián đoạn.

Dưới sự hoạt hóa nhanh chóng, những tế bào của màng xương sẽ thúc đẩy quá trình hình thành các cấu trúc xương và cấu trúc xương nội tủy. Ngoài ra trong quá trình này, cấu trúc can xương cứng cũng hình thành do sự canxi hóa của màng xương diễn ra qua ổ gãy.

Sau một thời gian, kích thước của cấu trúc can xương cứng tăng dần. Lúc này xương mới được hình thành tại vị trí gãy, đồng thời phát triển tương tự như quá trình phát triển xương.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và cách chăm sóc, quá trình liền xương sau gãy tay bó bột có thể diễn ra nhanh hoặc chậm. Chính vì thế, người bệnh nên điều trị và chăm sóc xương gãy theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để sớm phục hồi chức năng và khả năng vận động.

Gãy tay bó bột trong bao lâu?

Gãy tay bó bột trong bao lâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Thời gian liền xương và chữa lành tổn thương phần mềm
  • Vị trí, dạng và kích thước vết gãy
  • Mức độ tổn thương mô mềm
  • Tình trạng xương và các bệnh lý đi kèm (điển hình như loãng xương)
  • Biện pháp chăm sóc và phục hồi chức năng (chế độ dinh dưỡng, tập động trị liệu…)

Thông thường bệnh nhân bị gãy xương tay có thể cắt bột sau 4 – 8 tuần đối với trường hợp nhẹ và 8 – 12 tuần đối với trường hợp nặng, gãy phức tạp và gãy xương cẳng tay. Tuy nhiên bệnh nhân phải mất từ 3 – 6 tháng mới phục hồi hoàn toàn.

Có thể cắt bột sau 4 - 8 tuần đối với trường hợp nhẹ và 8 - 12 tuần đối với gãy xương cẳng tay
Trường hợp nhẹ cắt bột sau 4 – 8 tuần và 8 – 12 tuần đối với gãy xương cẳng tay và trường hợp nặng

Gãy tay bó bột có nguy hiểm không?

Bó bột điều trị gãy xương là một phương pháp an toàn, đơn giản và được áp dụng phổ biến. Ngoài ra phương pháp này còn mang đến nhiều lợi ích, thúc đẩy quá trình lành xương đúng cách.

Tuy nhiên trong khi gãy tay bó bột, người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc điều trị của bác sĩ. Đối với những trường hợp tự ý tháo bột, không tập vận động hoặc bác sĩ có tay nghề kém, người bệnh có thể gặp một số biến chứng dưới đây:

  • Loét do tỳ đè: Những vùng da dưới lớp bột có thể bị loét do bột không vừa vặn hoặc bó bột quá chật khiến vị trí này chịu nhiều áp lực.
  • Hội chứng chèn ép khoang: Bó bột quá cứng hoặc quá chật thường khiến chi bị sưng, tăng áp lực lên mạch máu, dây thần kinh và . Từ đó dẫn đến hội chứng chèn ép khoang. Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết:
    • Sưng và đau nhiều
    • Có cảm giác châm chích và bỏng rát
    • Da xanh xao, nhợt nhạt
    • Da lạnh
    • Ngứa ran
    • Tê ở chi bị ảnh hưởng
  • Rối loạn dinh dưỡng: Đây là một biến chứng liên quan đến rối loạn lưu thông máu. Biến chứng này thường gặp ở những bệnh nhân kém vận động hoặc bất động lâu dài trong quá trình bó bột điều trị gãy xương.
  • Cứng khớp: Kém vận động khi gãy tay bó bột khiến bệnh nhân bị cứng khớp và giảm khả năng vận động trong tương lai.
  • Tổn thương phần mềm: Thường gặp ở những bệnh nhân tự ý tháo bột tại nhà.

Cách theo dõi khi gãy tay bó bột

Ngay khi bó bột, người bệnh nên thường xuyên kiểm tra và theo dõi tình trạng sức khỏe, những biểu hiện quanh khu vực tổn thương. Nếu có bất thường, hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được xử lý kịp thời và đúng cách.

Thông thường, người bệnh có thể nhận thấy một số biểu hiện khó chịu sau bó bột 72 giờ đầu. Cụ thể:

  • Có cảm giác chật chội, khó chịu
  • Căng tức ở phần chi bó bột
  • Da xanh xao

Những biểu hiện nên trên thường xảy ra do tình trạng sưng nề. Đối với trường hợp này, bác sĩ có thể tiến hành nới bột để hạn chế tình trạng chèn ép, giúp máu lưu thông.

Những biểu hiện nghiêm trọng cần được thăm khám ngay lập tức:

  • Ngứa ran, châm chích hoặc tê bì sau khi bó bột
  • Ớn lạnh, sốt
  • Có cảm giác sưng và đau nhiều hơn
  • Quan sát thấy da xanh xao, nhợt nhạt
  • Lớp bột bẩn hoặc bị ướt
  • Rỉ dịch kèm theo mùi hôi ở chỗ bó bột
  • Xuất hiện mụn nước, phát ban hoặc có vết loét dưới lớp bột
  • Không thể hoặc giảm khả năng vận động các ngón tay

Nếu không có bất thường, người bệnh nên tháo bột theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không tự ý tháo bột tại nhà để tránh làm ảnh hưởng đến quá trình liền xương. Ngoài ra khi tự ý tháo bột, da có thể bị tổn thương và tăng nguy cơ nhiễm trùng phần mềm.

Thông báo với bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và xử lý nếu có bất thường
Thông báo với bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và áp dụng cách xử lý nếu có bất thường

Lưu ý và chăm sóc khi gãy tay bó bột

Khi bị gãy tay bó bột, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc để tăng hiệu quả điều trị, hạn chế biến chứng và đẩy nhanh tiến độ phục hồi xương gãy. Dưới đây là những biện pháp thường được khuyến khích thực hiện:

  • Nâng cao tay bị gãy: Biện pháp này giúp hạn chế tình trạng phù nề.
  • Cử động các ngón tay và gồng cơ: Bệnh nhân bị gãy tay được khuyên sớm cử động các ngón và thường xuyên gồng cơ đúng cách để tăng lưu thông máu, giữ sức cơ. Đồng thời kích thích quá trình liền xương và ngăn ngừa một số biến chứng. Điển hình như cứng khớp, teo cơ, rối loạn dinh dưỡng, loãng xương do bất động lâu…
  • Tránh hoạt động xấu: Không thực hiện những hoạt động xấu để tránh tình trạng di lệch trong bột. Cụ thể như: Vận động tay gắn sức, nâng vật bằng tay bệnh…
  • Không tạo áp lực lên lớp bột: Cho đến khi lớp bột cứng hoàn toàn, người bệnh tuyệt đối không đặt vật nặng hoặc tạo áp lực lên lớp bột.
  • Tránh để lớp bột dính nước: Khi tắm rửa và vệ sinh thân thể, người bệnh cần tránh để lớp bột dính nước. Bởi điều này có thể gây ra tình trạng ẩm móc, có mùi hôi, bột hỏng. Chính vì thế cần giữ cho lớp bột luôn khô ráo và sạch sẽ, khi đi tắm có thể dùng túi nhựa để che chắn hoặc bọc lớp bột. Đối với những trường hợp làm ướt da hoặc lớp đệm bên trong, người bệnh cần đến bệnh để được hướng dẫn xử lý, hạn chế phát sinh những vấn đề ở da. Đối với vật liệu sợi thủy tinh, có thể làm khô vật liệu bằng máy sấy tóc (bật chế độ sấy mát).
  • Không tác động lên da tổn thương: Không dùng phấn trẻ em, sản phẩm dưỡng da hay bất kỳ loại kem nào để bôi lên lớp da bên dưới bột. Ngoài ra không đặt đồ vật dưới lớp bột.
  • Không tự tháo bột: Người bệnh tuyệt đối không tư tháo bột để tránh làm ảnh hưởng đến quá trình chữa lành xương gãy.
  • Không gãi ngứa: Không dùng vật nhọn chọc vào trong hoặc gãi ngứa ở vùng da dưới bột. Bởi điều này có thể gây trầy xước và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Tái khám định kỳ: Người bệnh cần tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa. Điều này giúp theo dõi quá trình liền xương và những vấn đề bất thường khi gãy tay bó bột. Từ đó có những phương pháp xử lý thích hợp.
  • Đến bệnh viện khi có bất thường: Nếu có dấu hiệu bất thường như đau buốt, sưng nề, đau ngày càng tăng, tím tái các đầu ngón tay… người bệnh nên đến bệnh viện để được kiểm tra.

Phương pháp hỗ trợ giúp xương nhanh liền

Trong thời gian bó bột điều trị gãy tay, người bệnh nên thay đổi chế độ ăn uống và lối sống. Điều này giúp kích thích tế bào xương phát triển, xương gãy nhanh liền.

1. Tập phục hồi chức năng

Người bệnh cần tập phục hồi chức năng trước và sau khi cắt bột theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Điều này giúp lấy lại sức cơ, tăng tuần hoàn máu. Đồng thời tăng tốc độ chữa lành xương gãy, phục hồi cảm giác và chức năng.

Trong thời gian đầu, người bệnh được khuyên cử động các ngón tay kết hợp các bài tập vận động nhẹ nhàng để hạn chế phát sinh các biến chứng. Đồng thời giảm đau, tăng tuần hoàn máu và kích thích quá trình liền xương.

Sau vài tuần, người bệnh được hướng dẫn các bài tập có cường độ cao hơn. Những bài tập này chủ yếu giúp khôi phục sức mạnh và cấu trúc của xương, kích thích cơ chế tái sinh giúp tăng cường phục hồi gãy xương. Đồng thời lấy lại sức mạnh và khối lượng cơ bắp.

2. Tăng cường dinh dưỡng

Bệnh nhân bị gãy tay bó bột nên ăn uống đủ chất và lành mạnh, uống nhiều nước lọc và nước ép trái cây. Điều này giúp đảm bảo cơ thể khỏe mạnh, chống viêm và giảm triệu chứng do gãy xương.

Ngoài ra nên ưu tiên những loại thực phẩm tốt cho người gãy xương như thực phẩm giàu canxi, magie, vitamin D, vitamin B12… Bởi những thành phần này có khả năng xây dựng hệ xương chắc khỏe, tăng cường cơ hỗ trợ, giảm đau và viêm.

Đặc biệt canxi còn có tác dụng kích thích quá trình sản sinh và phát triển tế bào xương mới, giúp xương nhanh liền, duy trì độ chắc khỏe và chức năng của hệ thống xương. Vì thế khi bổ sung, người bị gãy xương có thể nhanh chóng tháo bột và trở về với đời sống thường ngày.

Tăng cường dinh dưỡng
Tăng cường dinh dưỡng và ăn các loại thực phẩm giàu canxi để phát triển tế bào xương, giúp xương nhanh liền

Nhìn chung gãy tay bó bột là một phương pháp đơn giản và cần thiết, áp dụng cho hầu hết các trường hợp. Phương pháp này giúp liền xương đúng cách, ngăn tình trạng di lệch và bảo vệ chi tổn thương. Tuy nhiên người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Điều này giúp đảm bảo an toàn, tránh phát sinh các biểu hiện khó chịu và biến chứng.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan
Gãy Xương Đòn Vai Có Phải Phẫu Thuật
Gãy xương đòn là tổn thương cực kỳ phổ biến, chiếm 5% tổng số các trường hợp gãy xương và thường được điều trị bằng các phương pháp bảo tồn. Vậy gãy xương đòn vai có phải phẫu thuật không, ...
Xem chi tiết
Gãy Xương Cổ Tay Có Phải Mổ Không
Gãy xương cổ tay có phải mổ không phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương cũng như chỉ định điều trị của bác sĩ. Do đó, điều quan trọng là đến bệnh viện để được chẩn đoán ...
Xem chi tiết
Mổ Rách Sụn Chêm Ở Đâu Tốt
Xác định mổ rách sụn chêm ở đâu tốt là điều cần thiết và quan trọng để có kế hoạch thăm khám, điều trị hiệu quả, an toàn nhất. Người bệnh nên liên hệ trực tiếp với cơ sở y ...
Xem chi tiết
Thay Khớp Háng Ở Bệnh Viện Nào Tốt Nhất
Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108... có thể giúp trả lời thay khớp háng ở bệnh viện nào tốt nhất. Thay khớp háng mang đến hiệu quả ...
Xem chi tiết
Trật Khớp Cổ Chân Bao Lâu Thì Khỏi
Trật khớp cổ chân bao lâu thì khỏi là thắc mắc chung của nhiều người bệnh. Tình trạng trật khớp khiến người bệnh đau nhói, cổ chân sưng tấy, bầm tím và biến dạng, ảnh hưởng đến khả năng vận ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua