Giãn Dây Chằng Đầu Gối Có Đi Lại Được Không? Bao lâu khỏi
Giãn dây chằng đầu gối có đi lại được không là vấn đề chung của nhiều bệnh nhân. Tổn thương dây chằng làm mất tính ổn định của đầu gối, gây đau và hạn chế phạm vi chuyển động. Điều này khiến bệnh nhân khó đi lại. Tuy nhiên việc điều trị tích cực có thể sớm khắc phục tình trạng.
Giãn dây chằng đầu gối có đi lại được không?
Giãn dây chằng đầu gối là một chấn thương đầu gối thường gặp. Chấn thương này xảy ra khi một hoặc nhiều dây chằng quanh đầu gối bị kéo căng quá mức. Phần lớn trường hợp có các vết xước trên dây chằng. Tuy nhiên những trường hợp nặng hơn có thể khiến dây chằng bị rách hoặc đứt (đứt dây chằng đầu gối).
Vậy người bị giãn dây chằng đầu gối có đi lại được không? Người bị giãn dây chằng đầu gối không thể đi lại bình thường trong thời gian đầu. Khớp gối là khớp lớn và quan trọng, đảm bảo những cử động linh hoạt của chân. Bên cạnh đó, các dây chằng xung quanh kết nối các xương và ổn định khớp gối.
Khi dây chằng bị thương, đau đầu gối xuất hiện, ổ khớp mất tính ổn định, có xu hướng sưng tấy và hình thành phản ứng viêm bên trong. Điều này khiến khớp xương co cứng, hạn chế phạm vi chuyển động. Những trường hợp nặng còn có khớp gối biến dạng do ổ khớp lỏng lẻo và mất vững.
Chính vì thế mà những trường hợp bị giãn dây chằng đầu gối thường khó cử động đầu gối hay thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan đến khớp. Chẳng hạn như đứng lên, ngồi xuống, đi lại… Bệnh nhân còn có xu hướng đi khập khiễng cho đến khi dây chằng lành lại hoàn toàn.
Tuy nhiên việc chăm sóc đúng cách, luyện tập và dùng thuốc có thể sớm kiểm soát triệu chứng, người bệnh trở lại các hoạt động bình thường.
Giãn dây chằng đầu gối bao lâu khỏi?
Giãn dây chằng đầu gối thường nhẹ. Nếu được chăm sóc tốt, đầu gối bị thương có thể hồi phục sau 3- 4 tuần, người bệnh trở lại các hoạt động bình thường. Đối với những trường hợp nặng hơn, thời gian hồi phục thường dao động trong khoảng 2 – 6 tháng nếu được chăm sóc và vận động trị liệu tích cực.
Những trường hợp trì hoãn hoặc không điều trị có thể gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Thoái hóa khớp gối
- Viêm màng bao hoạt dịch
- Đứt dây chằng đầu gối
- Rách sụn chêm khớp gối
- Giảm khả năng vận động
- Teo cơ chân do thiếu vận động lâu ngày.
Ngoài ra sau điều trị, người bệnh cần thận trọng, hạn chế những hoạt động gắng sức, vận động mạnh hoặc lạm dụng khớp. Bởi giãn dây chằng đầu gối dễ tái phát trong tương lai.
Điều trị giãn dây chằng đầu gối giúp nhanh khỏi
Để sớm phục hồi đầu gối bị thương và trở lại các hoạt động, người bị giãn dây chằng đầu gối cần áp dụng các biện pháp chăm sóc ngay khi chấn thương xảy ra. Nếu triệu chứng kéo dài hơn 3 ngày, nghiêm trọng, khó đi lại hoặc đau tăng dần, người bệnh cần dùng thuốc hoặc áp dụng các phương pháp điều trị chuyên sâu khác.
Dưới đây là những phương pháp điều trị giãn dây chằng đầu gối giúp nhanh khỏi:
1. Biện pháp chăm sóc, giảm đau tại nhà
Nếu bị sưng đau ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể áp dụng những cách chữa giãn dây chằng đầu gối tại nhà để khắc phục các triệu chứng.
- Phương pháp RICE
Phương pháp RICE (phương pháp sơ cứu chấn thương) nên được áp dụng ngay khi giãn dây chằng đầu gối xảy ra. Phương pháp này bao gồm Rest (nghỉ ngơi), Ice (chườm đá), Compression (băng ép) và Elevation (nâng cao) giúp giảm nhanh các triệu chứng.
-
- Nghỉ ngơi: Sau khi chấn thương xảy ra, người bệnh nên để đầu gối bị thương được nghỉ ngơi hoàn toàn (trong 48 giờ). Bệnh nhân cần tránh tăng áp lực lên đầu gối bằng cách hạn chế đi lại và dừng những hoạt động thể thao. Nên dùng nạng nếu cần đi lại. Thiết bị này có tác dụng hỗ trợ bảo vệ ổ khớp bằng cách loại bỏ trọng lượng lên đầu gối bị thương.
- Chườm lạnh: Chườm đá đặc biệt hữu ích đối với những bệnh nhân bị giãn dây chằng và bong gân. Biện pháp này nên được áp dụng ngay sau chấn thương, mỗi 2 – 4 tiếng 1 lần, liên tục trong 48 – 72 tiếng. Chườm đá giúp giảm lưu lượng máu đến vùng tổn thương. Từ đó giảm đau, sưng tấy và viêm. Khi thực hiện, bọc gọn một vài viên đá nhỏ trong khăn, đặt lên đầu gối trong 20 phút. Nên xoa nhẹ theo đường tròn trong 5 phút.
- Băng ép (nén): Dùng băng thun hoặc băng vải quấn quanh đầu gối bị thương. Biện pháp này giúp cố định khớp, tăng độ vững chắc cho đầu gối, giảm đau và sưng. Ngoài ra băng ép cũng giúp bảo vệ khớp gối, hạn chế chấn thương thêm và tạo điều kiện cho dây chằng lành lại. Lưu ý không băng đầu gối quá chặt để tránh làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu.
- Nâng cao đầu gối bị thương: Đặt 1 – 2 chiếc gối dưới đầu gối bị thương khi nằm hoặc ngồi, đảm bảo đầu gối được nâng cao hơn tim. Biện pháp này giúp giảm đau, viêm và sưng hiệu quả.
- Sử dụng thuốc không kê đơn
Nếu đau không giảm sau áp dụng phương pháp RICE, hãy thử dùng thuốc không kê đơn. Những loại thuốc thường được sử dụng:
-
- Acetaminophen: Nếu có cơn đau nhẹ hoặc vừa, dùng Acetaminophen có thể giúp khắc phục nhanh tình trạng. Thuốc này có tác dụng giảm đau và hạ sốt. Thuốc thường được dùng ở liều 500mg/ lần, cách 4 – 6 tiếng 1 lần. Acetaminophen có thể mang đến hiệu quả điều trị sau 2 liều dùng.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Ibuprofen, Naproxen Natri, Apirin là các NSAID không kê đơn. Thuốc có tác dụng giảm đau, trị viêm, chống kết tập tiểu cầu và hạ sốt không đặc hiệu. Thuốc phù hợp với bệnh nhân bị giãn dây chằng có cơn đau vừa. NSAID mang đến hiệu quả nhanh. Tuy nhiên thuốc cần được dùng theo hướng dẫn để hạn chế các tác dụng phụ ở hệ tiêu hóa.
- Thuốc bôi ngoài chứa Capsaicin hoặc Menthol: Đây là hai hoạt chất có khả năng kháng viêm và giảm đau hiệu quả. Vì thế những loại thuốc bôi ngoài chứa Capsaicin/ Menthol thường được dùng cho bệnh nhân bị giãn dây chằng để giảm nhẹ triệu chứng.
- Sử dụng nẹp đầu gối
Bác sĩ có thể hướng dẫn bạn mang nẹp để ổn định đầu gối sau chấn thương. Thiết bị này có các thanh cứng giúp giữ các xương và dây chằng trong đầu gối được ổn định. Đồng thời giữ đầu gối ở vị trí an toàn, ngăn chấn thương thêm.
Tham khảo thêm: TOP 7 Loại Nẹp Đầu Gối Phục Hồi Chức Năng Tốt Nhất
- Tập thể dục nhẹ nhàng
Bất động quá 48 – 72 giờ có thể dẫn đến cứng khớp gối. Vì thế người bệnh nên vận động nhẹ nhàng sau 2 ngày nghỉ ngơi để hạn chế tình trạng. Ngoài ra tập thể dục đúng cách giúp thư giãn, tăng lưu thông máu, tăng độ dẻo dai cho dây chằng và giải phóng độ cứng cho khớp xương.
Một số bài tập còn có tác dụng giảm đau, tăng cường sức mạnh cơ bắp giúp hỗ trợ đầu gối hiệu quả. Từ đó giúp cải thiện khả năng đi lại và vận động cho người bệnh.
Một số bài tập giúp phục hồi giãn dây chằng đầu gối:
Tập duỗi gối
-
- Ngồi hoặc nằm với chân đau duỗi thẳng
- Cuộn tròn khăn mềm, kê dưới đầu gối
- Căng cơ đầu gối, đẩy phần sau của đầu gối xuống sàn, duỗi thẳng khớp hết mức có thể, mũi chân hướng lên trần hoặc về phía mặt
- Giữ nguyên tư thế trong 5 giây, lặp lại động tác 10 lần.
Bài tập tăng cường cơ tứ đầu
-
- Nằm trên sàn, duỗi thẳng chân, dùng gối mềm lót dưới gót chân
- Căng cơ tại đầu gối tổn thương
- Từ từ nhấc chân lên, cách sàn khoảng 30 cm
- Giữ nguyên tư thế trong 5 giây, lặp lại động tác 10 lần.
Một số bộ môn, hoạt động nhẹ nhàng tốt cho giãn dây chằng đầu gối:
- Yoga
- Đi bộ
- Thái cực quyền
Tham khảo thêm: Cách Tập Luyện Phục Hồi Giãn Dây Chằng Đầu Gối Hiệu Quả
2. Vật lý trị liệu
Nếu giãn dây chằng đầu gối nghiêm trọng, bệnh nhân được hướng dẫn vật lý trị liệu theo hướng dẫn của chuyên gia. Những bài tập vật lý trị liệu được thực hiện để phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị giãn dây chằng đầu gối có khớp mất vững, khó đi lại. Những bài tập giúp tăng cường sức cơ, cải thiện độ dẻo dai cho dây chằng và độ vững chắc cho đầu gối.
Ngoài ra tập vật lý trị liệu còn giúp khắc phục cơn đau, phục hồi khả năng vận động và tính linh hoạt cho đầu gối, ngăn ngừa cứng khớp. Từ đó giúp người bệnh sớm đi lại bình thường và trở về với các hoạt động thể thao.
Ngoài vận động trị liệu, một số liệu pháp dưới đây cũng có thể áp dụng dựa trên tình trạng:
- Nhiệt trị liệu
- Sóng ngắn trị liệu
- Điện xung trị liệu
- Siêu âm trị liệu
3. Phẫu thuật
Phẫu thuật thường không được chỉ định cho bệnh nhân bị giãn dây chằng đầu gối. Tuy nhiên những trường hợp dưới đây có thể được chỉ định:
- Điều trị bảo tồn không hiệu quả (sau 3 tháng)
- Nhiều nguy cơ đứt dây chằng đầu gối
- Bất thường trong cấu trúc khớp gối như đầu gối lỏng lẻo và mất độ vững chắc
- Đau nhức nhiều và kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng đi lại của người bệnh.
Thông thường bệnh nhân được phẫu thuật tái tạo dây chằng để giảm đau, phục hồi chức năng và ổn định cấu trúc khớp. Sau phẫu thuật điều trị, bệnh nhân được dùng nẹp, chăm sóc vết mổ và vận động trị liệu sớm để sớm phục hồi chức năng. Đồng thời ngăn hình thành cục máu đông, cứng khớp gối sau phẫu thuật và nhiều vấn đề khác.
Bài viết giúp giải đáp thắc mắc “Giãn dây chằng đầu gối có đi lại được không? Bao lâu khỏi” và những phương pháp điều trị giúp mau lành. Nhìn chung giãn dây chằng nhẹ hay nặng đều khiến bệnh nhân khó hoặc không thể đi lại như bình thường. Điều này thường do đầu gối lỏng lẻo và mất vững, đau đớn, hạn chế phạm vi chuyển động. Tuy nhiên nếu kịp thời chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng tích cực, người bệnh có thể sớm đi lại và sinh hoạt như bình thường.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!