Viêm Cột Sống Dính Khớp
Viêm cột sống dính khớp là bệnh lý viêm khớp lâu dài, có thể ảnh hưởng đến cột sống và các khu vực khác của cơ thể. Tình trạng này thường phát triển lần đầu ở thanh thiếu niên và cũng phổ biến ở nam giới hơn phụ nữ.
Viêm cột sống dính khớp là gì?
Viêm cột sống dính khớp (Ankylosing Spondylitis) là bệnh lý gây viêm khớp, tiến triển chậm theo thời gian nhưng có xu hướng dính khớp (có thể khiến một số xương hợp nhất lại với nhau). Đặc trưng của bệnh là những tổn thương ở khớp cột sống, cùng chậu và các chi, kèm theo đó là hiện tượng viêm ở các điểm bám gân. Nếu tình trạng này gây ảnh hưởng đến xương sườn, người bệnh có thể cảm thấy khó thở.
Viêm cột sống dính khớp là bệnh lý mãn tính, chưa xác định rõ nguyên nhân và có thể gây biến dạng khớp, dẫn đến tàn phế. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng, tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh khác nhau và liên quan đến gen HLA – B27.
Theo thống kê ở Việt Nam, tại Bệnh viện Bạch Mai, viêm cột sống dính khớp chiếm khoảng 20% số bệnh nhân đang điều trị, trong đó 0.15% bệnh nhân dưới 16 tuổi. Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến nam giới nhiều phụ nữ. Cụ thể có khoảng 90 – 95% các trường hợp bệnh là nam, bệnh nhân tuổi dưới 30 chiếm 80% và khoảng 3 – 10% có yếu tố gia đình.
Viêm cột sống dính khớp tương đối hiếm gặp nhưng là tình trạng suốt đời và thường ảnh hưởng đến lưng dưới. Ngoài ra, bệnh có thể ảnh lây lan đến cổ hoặc làm hỏng các khớp ở các bộ phận khác của cơ thể.
Hiện tại không có biện pháp điều trị viêm cột sống dính khớp. Tuy nhiên các phương pháp điều trị có thể làm giảm các triệu chứng, làm chậm sự phát triển của bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Dấu hiệu nhận biết viêm cột sống dính khớp
Viêm cột sống dính khớp thường đặc trưng bằng các tổn thương ở các khớp xương cùng, vị trí cột sống kết nối với xương chậu. Các tổn thương thường hưởng đến nơi dây chằng và gân gắn vào xương. Trong các trường hợp nghiêm trọng, các đốt sống có thể hợp nhất lại với nhau.
Các triệu chứng viêm cột sống dính khớp rất đa dạng. Đặc trưng của bệnh bao gồm xuất hiện các đợt viêm từ nhẹ đến trung bình. Bên cạnh đó, người bệnh có thể trải qua giai đoạn hầu như không có bất cứ triệu chứng hoặc dấu hiệu cụ thể nào.
Biểu hiện phổ biến nhất thường là đau lưng vào buổi sáng và ban đêm. Cơn đau thường xuất hiện ở các khớp lớn hơn, chẳng hạn như khớp vai và khớp hông.
Các triệu chứng thường gặp khác có thể bao gồm:
- Cứng khớp vào buổi sáng
- Tư thế xấu hoặc vai khòm
- Chiều cao thấp hơn trước
- Ăn mất ngon
- Giảm cân
- Sốt nhẹ thường xuyên
- Thiếu máu hoặc nồng độ sắt ít
- Suy giảm chức năng phổi
- Viêm màng bồ đào, là một tình trạng viêm phần có màu của mắt, dẫn đến đau đớn và nhạy cảm với ánh sáng
Ngoài ra, viêm cột sống dính khớp có thể dẫn đến tình trạng viêm tại nhiều bộ phận khác của cơ thể. Do đó, đôi khi người bệnh có thể gặp các triệu chứng chẳng hạn như:
- Viêm ruột
- Viêm mắt nhẹ
- Viêm van tim
- Viên cân gan bàn chân
Mặc dù viêm cột sống dính khớp thường ảnh hưởng đến cột sống, tuy nhiên đôi khi tình trạng này cũng có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể. Các triệu chứng này cũng có xu hướng phát triển theo thời gian, thường là trong vài tháng hoặc vài năm. Ở một số người, tình trạng bệnh có thể được cải thiện theo thời gian, tuy nhiên ở một số người, các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
Nguyên nhân gây viêm cột sống dính khớp
Hiện tại nguyên nhân dẫn đến viêm cột sống dính khớp chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên bệnh có hai đặc điểm chính là gây viêm, xơ hóa, calci hóa các dây chằng, bao khớp (đặc biệt tại vị trí cột sống) và các điểm bám gân.
Theo các nghiên cứu, các nguyên nhân có thể dẫn đến viêm cột sống dính khớp bao gồm:
- Kháng nguyên hòa hợp mô HLA – B27: Khoảng 90% các trường hợp bệnh có kháng nguyên hòa hợp mô HLA – B27. Ngoài ra các yếu tố gen khác và nhiễm khuẩn có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Yếu tố gia định chiếm khoảng 10% nguy cơ nhiễm bệnh.
- Phản ứng viêm: Phản ứng của hệ thống miễn dịch có thể dẫn đến một chuỗi các phản ứng viêm. Điều này có thể xúc tác các enzym như cyclo – oxygenase (COX).
- Phản ứng miễn dịch: Sự kết hợp của gen gây bệnh và tác nhân gây nhiễm khuẩn có thể dẫn đến các phản ứng miễn dịch kéo dài.
- Tổn thương khớp: Các tổn thương xơ các mô sụn hoặc các mô xương có thể gây hạn chế sự vận động và dẫn đến phá hủy khớp.
Một số yếu tố rủi ro:
- Giới tính, nam giới có nguy cơ viêm cột sống dính khớp cao hơn phụ nữ.
- Độ tuổi, tình trạng này thường ảnh hưởng ở cuối độ tuổi vị thành niên hoặc những năm đầu của tuổi trưởng thành.
- Di truyền, hầu hết người bệnh đều có gen HLA – B27. Tuy nhiên, một số người mang gen này nhưng không phát triển các triệu chứng viêm cột sống dính khớp.
Viêm cột sống dính khớp có nguy hiểm không?
Trong các trường hợp nghiêm trọng, viêm cột sống dính khớp có thể dẫn đến hình thành các xương mới, như một cách cố gắng chữa lành của cơ thể. Xương mới này có thể thu hẹp khoảng cách giữa các đốt sống và cuối cùng là hợp nhất các đốt sống. Điều này khiến cột sống trở nên cứng và kém linh hoạt. Ngoài ra, sự hợp nhất này có thể làm cứng lồng xương sườn, hạn chế dung dịch phổi và chức năng của phổi.
Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể dẫn đến một số biến chứng khác, chẳng hạn như:
- Viêm màng bồ đào: Có khoảng 40% người bệnh phát triển các biến chứng liên quan đến mắt, được gọi là viêm màng bồ đào. Các triệu chứng có thể bao gồm gây viêm mắt, đau đớn, hạn chế tầm nhìn và khiến người bệnh trở nên nhạy cảm với ánh sáng.
- Gãy xương: Trong một số trường hợp, xương của người bệnh có thể trở nên mỏng trong giai đoạn đầu của bệnh. Các đốt sống bị suy yếu có thể bị vỡ vụn dẫn đến tư thế khom người, gập về phía trước. Tình trạng gãy các đốt sống có thể gây áp lực và làm tổn thương tủy sống hoặc các dây thần kinh đi qua cột sống.
- Vấn đề tim mạch: Viêm cột sống dính khớp có thể dẫn đến các vấn đề ở động mạch chủ, là động mạch lớn nhất trong cơ thể. Động mạch chủ bị viêm có thể gây biến dạng đạng mạch ở tim và làm gây suy giảm chức năng tim.
Ngoài ra, người bệnh cũng có nhiều nguy cơ mắc một số loại ung thư, chẳng hạn như ung thư xương, ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới và ung thư ruột kết ở phụ nữ hoặc ung thư máu ở cả hai giới.
Chẩn đoán viêm cột sống dính khớp
Viêm cột sống dính khớp có thể khó phát hiện do các triệu chứng thường không rõ ràng. Tình trạng này càng khó được chẩn đoán ở phụ nữ do bệnh thường không phổ biến. Tuy nhiên để xác định bệnh lý, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp chẳng hạn như:
1. Chẩn đoán lâm sàng
Triệu chứng sớm thường bao gồm đau tại cột sống thắt lưng hoặc vùng lưng – thắt lưng và kèm theo hiện tượng cứng cột sống.
Viêm khớp ở vùng chậu, chẳng hạn như đau ở một hoặc hai bên mông.
Viêm khớp thể điển hình, chẳng hạn như gây viêm ở các khớp gốc chi đối xương hai bên (khớp gối và khớp háng chiếm khoảng 20%. Trong giai đoạn đầu, đôi khi người bệnh chỉ bị viêm một khớp, lúc này cần chẩn đoán phân biệt với viêm khớp nhiễm khuẩn, đặc biệt là bệnh lao khớp.
Viêm các điểm bám của gân, chẳng hạn như viêm gân cân gan chân.
Viêm kết mạc mắt và các triệu chứng tiêu hóa, chiếm khoảng 5 – 10% các trường hợp.
2. Chẩn đoán cận lâm sàng
Các xét nghiệm thường bao gồm:
– Xét nghiệm công thức máu để xác định các dấu hiệu viêm, chẳng hạn như tăng CPR hoặc tốc độ lắng máu
– Xét nghiệm kháng nguyên hòa hợp mô HLA – B27, kháng nguyên này dương tính khoảng 80 – 90% người bệnh
– Chẩn đoán hình ảnh:
- Hình ảnh X – quang viêm khớp cùng chậu: Giai đoạn 1: Mất khoáng chất bờ khớp, khe khớp và xương chậu rộng. Giai đoạn 2: Bào mòn, xuất hiện hình ảnh như tem thư ở rìa mép. Giai đoạn 3: Xương ở bờ khớp đặc, một phần khớp vào chậu. Giai đoạn 4: Khớp và chậu dính hoàn toàn.
- Hình ảnh X – quang tổn thương cột sống: Ở giai đoạn muộn, X – quang có thể cho thấy hình ảnh xơ hóa các dây chằng bên hoặc dây chằng trước của cột sống hình thành cầu xương, điều này khiến cột sống có hình tre. Ngoài ra, có thể thấy hiện tượng xơ hóa các dây chằng liên gai (xuất hiện hình ảnh đường ray xe lửa), có thể gây tổn thương khớp liên mấu sau, tổn thương khớp xương đốt sống hoặc gãy cung sau.
– Chẩn đoán MRI trong giai đoạn đầu:
- Khớp háng: Thường gây tổn thương ở các hai bên khớp với các biểu hiện chẳng hạn như tràn dịch khớp, dày bao hoạt dịch, đôi khi có thể thấy các hình bào đối xứng qua khe khớp. Trong giai đoạn muộn, MRI có thể thấy tình trạng dính khớp.
- Viêm điểm bám gân: Bệnh có thể gây tổn thương bên ngoài khớp, chẳng hạn như viêm các đầu gân gắn vào vị trí bám xương. Về lâm sàng, bệnh nhân có thể cảm thấy đau đớn hoặc nhói khi chạm vào khu vực bị ảnh thương. Các triệu chứng theo lâm sàng bao gồm tràn dịch quanh gân hoặc gân tăng âm. Thông qua phim chụp X – quang, có thể nhận thấy hiện tượng gai xương tại các điểm gân bám vào xương.
3. Chẩn đoán xác định
Kết hợp các triệu chứng lâm sàng, hình ảnh khớp trên X – quang hoặc các xét nghiệm HLA – B27, các chẩn đoán viêm cột sống dính khớp dựa trên tiêu chuẩn New York sửa đổi năm 1984.
Tiêu chuẩn lâm sàng như sau:
- Đặt thắt lưng kéo dài hơn 3 tháng, được cải thiện khi luyện tập và không thuyên giảm khi nghỉ ngơi
- Hạn chế vận động cột sống thắt lưng, đặc biệt là ở tư thế cúi và nghiêng người
- Giảm độ giãn nở lồng ngực (thường là dưới 2.5 cm)
Tiêu chuẩn X – quang:
- Viêm khớp vùng chậu từ giai đoạn hai trở lên, thường có biểu hiện ở cả hai bên khớp
- Chẩn đoán xác định khi có tiêu chuẩn X – quang và ít nhất một yếu tố thuốc tiêu chuẩn lâm sàng
Tại Việt Nam, viêm cột sống dính khớp có thể được biểu hiện viêm ở các khớp gốc chi (khớp gối, khớp háng). Do đó, cần kiểm tra kỹ các triệu chứng tại cột sống, chụp X – quang khớp cùng chậu và xét nghiệm HLA – B27. Nếu không có phim X – quang có thể chụp cộng hưởng từ cột sống và khung chậu để hỗ trợ chẩn đoán.
4. Chẩn đoán phân biệt
Viêm cột sống dính khớp thể cột sống: Cần chẩn đoán phân biệt với bệnh Forestier. Bệnh dẫn đến tình trạng xơ hóa dây chằng quanh đốt sống và hình thành gai xương nhưng không có hiện tượng viêm. Ngoài ra, gai xương của bệnh Forestier thường thô, trong khi ở bệnh viêm cột sống dính khớp, gai xương thường thanh mảnh.
Viêm cột sống thể phối hợp: Trong giai đoạn sớm triệu chứng viêm chỉ biểu hiện tại một khớp duy nhất, thường là viêm khớp háng một bên. Trường hợp này cần chẩn đoán phân biệt với bệnh lao khớp háng.
Điều trị viêm cột sống dính khớp
Hiện tại không có biện pháp điều trị tình trạng viêm cột sống dính khớp. Tuy nhiên, các biện pháp điều trị có thể hỗ trợ chống viêm, giảm đau, phòng ngừa cứng khớp, đặc biệt là ở các tư thế xấu và khắc phục tình trạng dính khớp (nếu có).
Tại Việt Nam, viêm cột sống dính khớp được điều trị theo phác đồ điều trị theo khuyến cáo của ASAS / EULAR 2011, tóm tắt và lưu ý bởi Bộ Y tế. Cụ thể các biện pháp điều trị bao gồm:
1. Sử dụng thuốc
– Thuốc chống viêm không Steroid:
Các loại thuốc chống viêm không Steroid là phương pháp điều trị phổ biến khi điều trị các triệu chứng viêm cột sống dính khớp gây đau hoặc cứng khớp. Thuốc có thể được sử dụng trong một thời gian dài nếu tình trạng viêm mãn tính.
Có thể sử dụng một trong các loại thuốc điều trị như:
- Celecoxib 200 – 400 mg / ngày với liều duy trì 200 mg hàng ngày;
- Diclofenac 75 mg / ngày;
- Meloxicam 7,5 – 15 mg / ngày;
- Etoricoxib 60 – 90 mg / ngày.
Khi sử dụng thuốc thuốc chống viêm không Steroid cần chú ý các tác dụng phụ gây ảnh hưởng đến dạ dày, bệnh tim mạch hoặc thận.
– Thuốc giảm đau:
Nên sử dụng phối hợp thuốc giảm đau như paracetamol và các dạng kết hợp theo hướng dẫn của WHO.
– Thuốc giãn cơ:
Sử dụng eperisone (50 mg x 3 lần / ngày) và thiocolchicoside (4 mg x 3 lần / ngày).
– Glucocorticoids:
– Tiêm corticosteroids tại chỗ:
Tiêm corticosteroids tại chỗ được chỉ định cho các trường hợp viêm các điểm bán gân hoặc các khớp ngoại biên bị viêm kéo dài.
Nếu tiêm ở khớp háng, thuốc được tiêm dưới sự hướng dẫn của siêu âm.
Corticosteroid không khuyến cáo điều trị toàn thân.
– Thuốc thấp khớp làm biến đổi bệnh – DMARD:
Trong những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê các loại thuốc thấp khớp làm biến đổi bệnh – DMARD. Các loại thuốc này có tác dụng làm chậm quá trình phát triển bệnh và ngăn ngừa các triệu chứng bệnh trở nghiêm nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, các loại thuốc Thuốc DMARD như sulfasalazine, methotrexat không được chỉ định cho bệnh nhân thể viêm cột sống dính khớp thể đơn thuần.
Sulfasalazine được chỉ định cho bệnh nhân có biểu hiện viêm khớp ngoại biên. Liều lượng khởi đầu thường là 500 mg x 2 viên mỗi ngày, liều lượng tăng dần để đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Liều lượng duy trì 2000 mg chia thành 2 lần, uống hàng ngày sau bữa ăn.
– Điều trị bằng chế phẩm sinh học: Thuốc kháng TNFα:
- Điều trị thuốc kháng TNF: Theo khuyến cáo của Hội đánh giá viêm cột sống dính khớp quốc tế ASAS, thuốc kháng TNF được chỉ định cho các thể bệnh dai dẳng. Hướng dẫn điều trị theo quy trình chỉ định sử dụng thuốc sinh học.
- Đối với bệnh nhân viêm cột sống dính khớp thể cột sống: Sử dụng thuốc kháng TNF kết hợp với thuốc chống viêm không steroid. Ngoài ra, không sử dụng kết hợp DMARD kinh điển (chẳng hạn như Sulfasalazine, Methotrexate).
Có thể chuyển sang kháng TNF thứ hai nếu người bệnh không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với thuốc kháng TNF ban đầu. Loại loại TNF thứ hai bao gồm Etanercept tiêm dưới da, 50 mg mỗi tuần một lần hoặc 25mg x 2 lần / tuần. Hoặc sử dụng Infliximab 3 – 5 mg / kg, dạng truyền tĩnh mạch sau mỗi 4 – 8 tuần và Adalimumab 40 mg tiêm dưới da mỗi 2 tuần một lần.
2. Điều trị phẫu thuật
Hầu hết các trường hợp viêm cột sống dính khớp không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu người bệnh bị đau nghiêm trọng hoặc nếu tổn thương khớp nghiêm trọng.
Điều trị phẫu thuật bao gồm:
- Thay khớp háng: Được chỉ định trong các trường hợp người bệnh bị đau kéo dài, hạn chế khả năng vận động và bị phá hủy các cấu trúc được phát hiện trên X – quang. Thông thường phẫu thuật thay khớp hàng được chỉ định ở người lớn tuổi (từ 50 tuổi trở lên), tuy nhiên hiện tại độ tuổi ít được cân nhắc khi chỉ định thay khớp háng.
- Phẫu thuật chỉnh hình cột sống: Được chỉ định khi cột sống bị biến dạng.
- Ở bệnh nhân gãy đốt sống cấp tính: Cân nhắc chỉ định phẫu thuật.
3. Các biện pháp tự nhiên
Thuốc có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng ở một số người bệnh. Tuy nhiên, duy trì vận động là một trong những cách tốt nhất để quản lý và hỗ trợ điều trị các triệu chứng bệnh. Các biện pháp kiểm soát tình trạng viêm cột sống dính khớp bao gồm:
- Tập thể dục: Tập thể dục có thể giúp người bệnh đứng thẳng hơn và giữ cho cột sống luôn mềm mại, linh hoạt. Duy trì các hoạt động thậm chí có thể hỗ trợ giảm đau mà không cần sử dụng thuốc.
- Bài tập kéo giãn: Kéo giãn cơ thể có thể làm cho các khớp linh hoạt hơn và cải thiện sức mạnh hiệu quả. Điều này có thể hỗ trợ giảm đau và tăng phạm vi chuyển động của khớp tốt hơn.
- Cải thiện các tư thế: Cứng cột sống có thể dẫn đến các tư thế xấu, khiến lưng chùng xuống và khiến người bệnh bị gù lưng. Điều chỉnh các tư thế bao gồm sử dụng các thiết bị hỗ trợ, sử dụng ghế hoặc đệm khi ngồi.
- Chườm nóng hoặc lạnh: Chườm nóng có thể hỗ trợ giảm đau và giảm cứng khớp ở cột sống hoặc các khớp khác. Chườm lạnh có thể làm giảm viêm ở các khớp bị đau hoặc sưng.
- Châm cứu: Liệu pháp châm cứu có thể hỗ trợ giảm đau và cải thiện các triệu chứng viêm cột sống dính khớp hiệu quả. Cụ thể, châm cứu có thể kích hoạt các hormone hỗ trợ giảm đau tự nhiên.
- Xoa bóp: Xoa bóp, massage có thể hỗ trợ thư giãn, duy trì sự linh hoạt của khớp và cải thiện phạm vi chuyển động của người bệnh. Khi xoa bóp nên thông báo cho bác sĩ về tình trạng viêm cột sống dính khớp.
Chế độ ăn uống dành cho người viêm cột sống dính khớp
Không có chế độ ăn uống phù hợp với tất cả các trường hợp viêm cột sống dính khớp. Tuy nhiên, một chế độ ăn uống lành mạnh cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất thông qua nhiều loại thực phẩm có thể hỗ trợ tăng cường sức khỏe. Cụ thể, người bệnh có thể tham khảo các loại thực phẩm như:
- Thực phẩm giàu axit béo omega 3, chẳng hạn như cá béo, các loại hạt và một số loại dầu tự nhiên (dầu ô liu)
- Một số loại trái cây, rau quả và
- ngũ cốc nguyên hạt
- Thực phẩm có chứa vi sinh vật tốt cho sức khỏe, chẳng hạn như sữa chua
Bên cạnh đó, người bệnh cần hạn chế hoặc cắt giảm một số loại thực phẩm giàu chất béo, natri và đường. Các loại thực phẩm cần tráng bao gồm thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp hoặc chứa thành phần như chất bảo quản và chất béo chuyển hóa. Các hóa chất này có thể khiến tình trạng viêm trở nên nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên hạn chế lượng rượu tiêu thụ hoặc tránh uống hoàn toàn. Rượu có thể gây cản trở các biện pháp điều trị hoặc khiến các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Phòng ngừa viêm cột sống dính khớp
Không có biện pháp phòng ngừa viêm cột sống dính khớp, bởi vì không xác định được nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, nếu đã mắc bệnh, người bệnh có thể ngăn ngừa các biến chứng bằng một số lưu ý như:
- Tránh nơi ẩm thấp, viêm nhiễm đường tiết niệu, bộ phận sinh dục và viêm đường ruột.
- Nên nằm thẳng, trên giường cứng, tránh kê cao cổ bằng gối và tránh nằm võng
- Nên tập thể dục thường xuyên, bơi lội hoặc đi xe đạp.
- Duy trì trọng lượng cơ thể bình thường
- Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh
Bệnh nhân viêm cột sống dính khớp cần tái khám hàng tháng để theo dõi các chỉ số về lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm liên quan. Tùy theo mức độ đáp ứng điều trị, bác sĩ có thể thay đổi loại thuốc, liều lượng sử dụng và đưa ra lời khuyên phù hợp.
Điều trị cành sớm, khả năng hồi phục càng cao và có thể hạn chế được một số tổn thương lâu dài. Trao đổi với bác sĩ nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc khi có bất cứ triệu chứng hoặc dấu hiệu liên quan nào.
Thông tin thêm: Thoát vị đĩa đệm là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!