Xoa Bóp Bấm Huyệt Điều Trị Viêm Quanh Khớp Vai Và Lưu Ý
Xoa bóp bấm huyệt điều trị viêm quanh khớp vai là một liệu pháp giảm đau hiệu quả. Tác động vào huyệt đạo thích hợp giúp đả thông kinh mạch, tăng lưu thông máu, giảm đau. Ngoài ra liệu pháp này còn có tác dụng thư giãn, phục hồi vận động và phạm vi của khớp vai bị thương.
Xoa bóp bấm huyệt điều trị viêm quanh khớp vai được không?
Viêm quanh khớp vai là thuật ngữ chỉ tình trạng viêm đau ở những tổ chức phần mềm quanh khớp vai. Bệnh lý này xảy ra khi cơ, gân, dây chằng, bao khớp hoặc túi thanh bị kích thích quá mức hoặc tổn thương.
Bệnh được phân thành nhiều thể lâm sàng, bao gồm: Đau vai đơn thuần, đau vai cấp, giả liệt khớp vai và cứng khớp vai. Mỗi thể bệnh sẽ có nguyên nhân, triệu chứng và mức độ nghiêm trọng khác nhau. Tuy nhiên hầu hết trường hợp viêm quanh khớp vai đều có các triệu chứng chung gồm đau khớp vai, sưng tấy, nóng đỏ, hạn chế hoặc mất khả năng cử động khớp vai.
Theo Y học cổ truyền, viêm quanh khớp vai thuộc chứng kiên tý. Bệnh xảy ra khi kinh lạc bế tắc do phong, hàn và thấp xâm nhập. Viêm quanh khớp vai gây đau nhức tăng dần theo thời gian, gân cơ suy yếu, giảm khả năng vận động.
Xoa bóp và bấm huyệt là liệu pháp giảm đau, thường được thêm vào phác đồ điều trị viêm quanh khớp vai. Liệu pháp này sử dụng lực từ bàn ngón tay hoặc dụng cụ hỗ trợ tác động vào những huyệt đạo thích hợp (được xác định trước đó).
Xoa bóp bấm huyệt điều trị viêm quanh khớp vai có thể mang đến những lợi ích sau:
- Giảm đau
- Kích thích tuần hoàn máu, tăng khả năng và tốc độ chữa lành các mô bị thương
- Cải thiện chức năng xương khớp
- Giải phóng khí huyết ứ trệ
- Thư giãn khớp vai và mô mềm
- Giảm co thắt cơ, hạn chế cứng khớp
- Cải thiện tính linh hoạt
- Phục hồi cảm giác và khả năng vận động
- Giảm áp lực lên dây thần kinh, tăng cường chức năng của hệ thần kinh
- Thư giãn tinh thần, chống mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ
- Cân bằng âm dương, khắc phục những rối loạn trong cơ thể
- Chống viêm, điều trị một số tình trạng viêm như viêm quanh khớp vai, viêm khớp vai…
Xoa bóp bấm huyệt điều trị viêm quanh khớp vai mang đến hiệu quả cao cho trường hợp nhẹ và vừa. Những trường hợp nặng cần được khám, điều trị bằng thuốc hoặc áp dụng các phương pháp chuyên sâu hơn.
Chỉ định, chống chỉ định và thận trọng
Chỉ định
Liệu pháp xoa bóp bấm huyệt được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm quanh khớp vai mức độ nhẹ và trung bình.
Chống chỉ định
- Viêm quanh khớp vai mức độ nặng, rách một phần gân hoặc rách hoàn toàn
- Những người có các vấn đề sau:
- Động kinh
- Bệnh gút, loãng xương
- Có chấn thương gần đây, chẳng hạn như trật khớp vai và gãy xương
- Lở loét da ở vùng cần tác động
- Các vấn đề về máu, chẳng hạn như ưa chảy máu
- Sốt cao
- Bệnh truyền nhiễm cấp tính
Thận trọng
- Phụ nữ mang thai
- Người có huyết áp không ổn định hoặc mắc bệnh tim
- Rối loạn chảy máu
- Đang sử dụng thuốc chống đông máu, thuốc chống kết tập tiểu cầu
Hướng dẫn xoa bóp bấm huyệt điều trị viêm quanh khớp vai
Trước khi xoa bóp bấm huyệt điều trị viêm quanh khớp vai, bệnh nhân được hướng dẫn nằm hoặc ngồi thẳng lưng trên ghế. Sau đó xác định huyệt đạo phù hợp và tác động đúng cách. Cuối cùng bệnh nhân được vận động nhẹ nhàng và thư giãn để hỗ trợ điều trị.
Người thực hiện phải là người am hiểu về huyệt đạo, có trình độ chuyên môn cao. Điều này giúp hạn chế nhầm lẫn và gây rủi ro trong quá trình điều trị.
Cụ thể các bước cơ bản trong xoa bóp bấm huyệt điều trị viêm quanh khớp vai:
Bước 1: Day ấn và bấm huyệt
Đối với viêm quanh khớp vai, những huyệt đạo dưới đây sẽ được tác động đúng cách:
+ Huyệt Kiên tỉnh
- Tác dụng: Giảm đau, điều trị cứng cổ, mỏi vai và đau lưng. Ngoài ra huyệt này còn có tác dụng giãn gân cốt, điều hòa sự lưu thông của khí, giảm đờm, kích thích sự xuống khí của phổi, tăng sự tập trung.
- Vị trí huyệt: Huyệt Kiên tỉnh nằm ở đầu vai, điểm giao nhau giữa đường giữa của xương bả vai cùng với đường giữa ngang nối C7 (đốt sống cổ thứ 7).
- Cách tác động: Dây huyệt bằng mô của ngón tay út hoặc gốc bàn tay. Bắt đầu từ đầu chót cơ delta di chuyển qua mỏm cùng vai đòn và xương bả vai đến vùng huyệt Kiên tỉnh. Thực hiện 3 lần.
+ Huyệt Kiên ngung
- Tác dụng: Bồi bổ nguyên khí, hỗ trợ khu phong, giải nhiệt, trục thấp, làm dịu cơn đau ở khớp vai và mô mềm xung quanh, giảm đau ở cánh tay. Ngoài ra tác động vào huyệt này còn giúp cải thiện chướng ngại của kinh mạch, điều trị trúng gió ở cánh tay gây teo cơ tay và tê liệt.
- Vị trí huyệt: Huyệt Kiên ngung nằm ngay chỗ lõm trước và dưới khi sờ theo bờ xương đòn và ra khỏi mỏm vai.
- Cách tác động: Dây huyệt bằng mô của ngón tay út hoặc gốc bàn tay. Day khoảng 3 đến 5 phút.
+ Huyệt Kiên trinh
- Tác dụng: Tăng sức đề kháng, đẩy ngoại tà ra, giảm đau quanh khớp vai. Đồng thời tăng khả năng vận động, phạm vi và tính linh hoạt cho khớp vai. Từ đó giúp khớp vai hoạt động bình thường.
- Vị trí huyệt: Huyệt này nằm ở mặt sau của cánh tay, từ nếp gấp của nách thẳng lên 0,8 cm.
- Cách tác động: Day huyệt khoảng 3 phút.
+ Huyệt Trung phủ
- Tác dụng: Cải thiện các triệu chứng ở đường hô hấp, giảm đau lưng, mỏi vai và đau tức ngực.
- Vị trí huyệt: Huyệt này nằm ở phía dưới ngoài của xương đòn, giữa xương sườn 1 và 2, từ xương đòn qua huyệt 1 thốn ngón tay, từ đường giữa của ngực đến huyệt 6 thốn.
- Cách tác động: Day bấm huyệt khoảng 3 phút.
+ Huyệt Nhu du
- Tác dụng: Huyệt này có tác dụng kích thích vùng thịt mềm ở bả vai, điều trị đau hoặc viêm ở cánh tay và khớp vai, huyết áp cao, liệt nửa người.
- Vị trí huyệt: Huyệt Nhu du ở phía sau lưng, điểm nối giữa chỗ lõm dưới sống vai với đường nếp nách sau kéo dài.
- Cách tác động: Day bấm huyệt khoảng 3 phút.
+ Huyệt Thủ tam lý
- Tác dụng: Huyệt Thủ tam lý có tác dụng thông lạc, khu phong, lợi trường, hòa Vị, tăng co bóp ở dạ dày. Huyệt này chủ trị chi trên liệt, đau vai và cánh tay, liệt nửa người và dạ dày viêm loét.
- Vị trí huyệt: Huyệt Thủ tam lý nằm ở vùng tay, dưới khuỷu tay 3 thốn.
- Cách tác động: Day bấm huyệt khoảng 3 phút.
+ Huyệt Hợp cốc
- Tác dụng: Hợp cốc có tác dụng thanh tiết phế khí, trấn thống, giải nhiệt, khu phong, thông giáng trường vị, chỉ thống. Huyệt này chủ trị chứng đau tay và đau vai.
- Vị trí huyệt: Huyệt Hợp cốc nằm ngay tại vị trí lõm giữa ngón tay trỏ và ngón tay cái.
- Cách tác động: Day bấm huyệt khoảng 3 phút.
+ A thị huyệt
- Tác dụng: Giải ứ, giảm đau nhanh chóng.
- Vị trí huyệt: A thị huyệt nằm ở vị trí đau nhất.
- Cách tác động: Ấn vào huyệt khoảng 1 phút.
Nếu đau lan lên khớp, bấm thêm huyệt sau:
+ Huyệt Cự cốt
- Tác dụng: Thông kinh lạc, đào thải chất độc, giáng khí, điều trị đau nhức cánh tay, đau vai và đau lưng.
- Vị trí huyệt: Huyệt Cự cốt nằm ở chỗ lõm giữa sống vai và đầu mỏm cùng vai.
- Cách tác động: Day và bấm vào huyệt Cự cốt 3 phút.
Nếu đau nhức lan rộng ra sau xương bả vai, bấm thêm huyệt sau:
+ Huyệt Thiên tông
- Tác dụng: Huyệt này có tác dụng tuyên thông khí trệ ở sườn ngực, trị đau cánh tay và bả vai, giải tà ở Thái Dương kinh.
- Vị trí huyệt: Huyệt Thiên tông được xác định ở hố dưới vai, trên cơ dưới vai, ở bờ gai xương bả vai ngay tại chính giữa phía dưới.
- Cách tác động: Day bấm huyệt khoảng 3 phút.
Nếu đau nhức lan rộng xuống cánh tay, bấm thêm huyệt sau:
+ Huyệt Tý nhu
- Tác dụng: Tác động vào huyệt Tý nhu giúp thông lạc, điều trị đau vai do tổn thương khớp hoặc viêm quanh vai, hỗ trợ liệt chi trên, đau cánh tay, cải thiện các bệnh lý về mắt.
- Vị trí huyệt: Huyệt này nằm ở cuối cơ tam giác cánh tay, trên vùng thịt mềm.
- Cách tác động: Day bấm huyệt khoảng 3 phút.
Trước khi kết thúc bước day ấn bấm huyệt điều trị viêm quanh khớp vai, người bệnh được thực hiện thêm một số bước thư giãn. Điều này giúp khớp vai và mô mềm được giữ ổn định, thư giãn cơ thể tối đa. Đồng thời tăng hiệu quả điều trị.
Bước 2: Lăn
Người thực hiện dùng mô ngón tay út và mu bàn tay lăn vào vùng có huyệt Kiên tỉnh, thực hiện 3 lần.
Bước 3: Vận động khớp vai
Vận động khớp vai giúp tăng tầm vận động và tính linh hoạt của khớp vai, thư giãn cơ thể. Đồng thời giảm cứng khớp và giảm đau, bệnh nhân sớm lấy lại khả năng vận động bình thường.
+ Động tác xoay vòng
Đặt một tay trên khớp vai và cố định tay này, tay còn lại nắm lấy tay bệnh nhân. Từ từ quay vòng cánh tay, tăng từ nhẹ đến mạnh, thực hiện từ 5 đến 10 vòng mỗi chiều.
+ Động tác nâng tay
Cố định khớp vai đau nhức bằng cách đặt tay lên vai, tay còn lại hỗ trợ bệnh nhân nâng tay đến khi tay cao quá đầu. Từ từ hạ tay xuống, lặp lại động tác 10 lần. Thực hiện tương tự với bên còn lại.
Bước 4: Rung
Thực hiện bước này như sau:
- Bệnh nhân ngồi trên ghế, thẳng lưng và hơi nghiêng người về phía đối diện với người thực hiện
- Người thực hiện nắm hai bàn tay bệnh nhân
- Bắt đầu động tác kéo căng rung, tăng dần cường độ từ nhẹ đến mạnh
- Tiếp tục rung kết hợp nâng và hạ cánh tay xuống, thực hiện 3 lần, lần cuối cùng hạ xuống giật mạnh một cái.
Bước 5: Phát
Người thực hiện giữ bàn tay hơi khum, các ngón tay khích lại với nhau và lòng bàn tay lõm. Sau đó phát lên vùng vai 1 lần.
Liệu trình điều trị
Đối với xoa bóp bấm huyệt điều trị viêm quanh khớp vai, một liệu trình điều trị kéo dài từ 10 – 15 lần, mỗi lần 30 phút, mỗi ngày 1 lần. Dựa trên trình trạng mà người bệnh có thể thực hiện 1 – 2 liệu trình hoặc lâu hơn.
Lưu ý khi xoa bóp bấm huyệt điều trị viêm quanh khớp vai
Xoa bóp bấm huyệt điều trị viêm quanh khớp vai là phương pháp chữa bệnh an toàn, mang đến hiệu quả giảm đau và nhiều lợi ích khác. Tuy nhiên phương pháp này chỉ phù hợp với trường hợp nhẹ và vừa. Những trường hợp nặng nên điều trị chuyên sâu và áp dụng xoa bóp bấm huyệt như một liệu pháp hỗ trợ.
Để đảm bảo an toàn và tăng hiệu quả, người bệnh cần lưu ý thêm:
- Thăm khám, phân loại viêm quanh khớp vai để xác định mức độ nghiêm trọng và hướng điều trị thích hợp.
- Chỉ nên xoa bóp bấm huyệt khi có yêu cầu từ thầy thuốc hoặc bác sĩ. Không tự ý tác động vào vùng bị thương để tránh tổn thương thêm.
- Xác định nguyên nhân để tác động vào những huyệt đạo thích hợp.
- Liệu pháp xoa bóp bấm huyệt điều trị viêm quanh khớp vai cần được thực hiện bởi những người có chuyên môn cao. Điều này giúp đảm bảo xoa bóp bấm huyệt đúng kỹ thuật, tác động đúng huyệt đạo và dùng lực vừa phải. Từ đó ngăn ngừa rủi ro và đảm bảo hiệu quả chữa trị.
- Khi xoa bóp, cần tác động từ xa đến gần, từ nông đến sâu, dùng lực từ nhẹ đến nặng.
- Tuyệt đối không đột ngột dùng lực mạnh hoặc tác động sâu. Vì điều này có thể gây tổn thương thêm, tăng mức độ đau đớn và khiến vết bầm lan rộng.
- Dùng tinh dầu thảo dược (bạc hà, tràm trà…) khi xoa bóp để tăng hiệu quả chữa viêm quanh khớp vai và giảm đau.
- Không xoa bóp bấm huyệt vào những vùng có vết thương hở, nhiễm trùng, lở loét da hoặc có những bệnh về da khác.
- Không xoa bóp bấm huyệt cho những người bị rách/ đứt gân hoặc có một số tình trạng khác thuộc nhóm chống chỉ định.
- Thận trọng khi xoa bóp bấm huyệt cho phụ nữ mang thai, người có các vấn đề về máu hoặc bệnh lý tim mạch.
- Tuân thủ liệu trình điều trị để đạt hiệu quả tối đa.
- Theo dõi toàn trạng, thông báo với bác sĩ nếu có bất thường để được xử lý đúng cách. Chẳng hạn như choáng, đau đầu, mệt mỏi đột ngột, khó chịu, bầm hoặc sưng tấy, đau kéo dài nhiều ngày.
- Nên kết hợp xoa bóp bấm huyệt với các biện pháp chăm sóc và điều trị khác. Chẳng hạn như vận động nhẹ nhàng, giữ ấm cơ thể, chườm ấm, châm cứu viêm quanh khớp vai… Những biện pháp này giúp tăng hiệu quả giảm đau, sớm lấy lại chức năng vận động và phạm vi cho khớp vai.
Xoa bóp bấm huyệt điều trị viêm quanh khớp vai là phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, có độ an toàn cao, giúp giảm đau và mang đến nhiều lợi ích khác. Tuy nhiên để đạt hiệu quả cao nhất, phương pháp này cần được thực hiện đúng kỹ thuật và đúng tình trạng bệnh. Vì thế xoa bóp bấm huyệt cần được thực hiện bởi những người có chuyên môn cao.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!