Thuốc Chống Viêm Không Steroid (NSAID) – Điều Cần Biết
Theo dõi IHR trênThuốc chống viêm không Steroid (NSAID) là nhóm thuốc trị viêm, giảm đau và hạ sốt, được dùng phổ biến trong điều trị nhiều tình trạng khác nhau. Thuốc có tác dụng ức chế enzyme cyclo-oxygenase (COX), ngăn prostaglandin hình thành trong cơ thể dẫn đến viêm. Tuy nhiên thuốc này cần được sử dụng thận trọng để tránh gặp tác dụng phụ.
Thuốc chống viêm không Steroid (NSAID) là thuốc gì?
Thuốc chống viêm không Steroid (Non-steroidal antiinflamatory drug, tên viết tắt: NSAID) là một nhóm thuốc trị viêm, giảm đau và hạ sốt. Thuốc có gần 20 hoạt chất khác nhau, điển hình như Ibuprofen, Celecoxib (Celebrex®), Meloxicam (Mobic®), Diclofenac…. Tuy nhiên chúng đều mang tác dụng và hoạt động theo cách giống nhau.
Cụ thể NSAID ngăn cản quá trình sản xuất Prostaglandin của một nhóm enzym có tên enzym cyclo-oxygenase (enzym COX). Trong khi đó Prostaglandin là một nhóm các hợp chất có khả năng gây phản ứng viêm trong cơ thể, hình thành cục máu đông và ảnh hưởng đến lưu lượng máu.
Thuốc chống viêm không Steroid (NSAID) được sử dụng rộng rãi trong điều trị viêm, giảm các chứng đau (hiệu quả cao hơn Paracetamol) và hạ sốt (không đặc hiệu). Tuy nhiên nhóm thuốc này cần được sử dụng thận trọng để tránh phát sinh tác dụng phụ không mong muốn.
Tác dụng của thuốc chống viêm không Steroid
Thuốc chống viêm không Steroid có tác dụng:
- Chống viêm
- Giảm đau
- Hạ sốt
- Chống đông máu và chống kết tập tiểu cầu
Cơ chế tác dụng của NSAID
Cơ chế tác dụng của NSAID còn tùy thuộc vào các hoạt chất.
1. Tác dụng chống viêm
Thuốc chống viêm không Steroid ức chế quá trình sinh tổng hợp Prostaglandin của enzym cyclo-oxygenase (enzym COX). Từ đó ngăn cản các phản ứng viêm diễn ra trong cơ thể.
Ngoài ra thuốc còn có tác dụng ức chế chất trung gian hóa học của phản ứng viêm – các Kinin, giải phóng các ion superoxyd và enzym tiêu thể, giúp màng lysosome của đại thực bào vững chắc hơn. Từ đó ngăn ngừa và làm giảm quá trình viêm trong cơ thể.
2. Tác dụng giảm đau
Tác dụng giảm đau được hình thành do NSAID có khả năng làm giảm tính cảm thụ khi tiếp xúc với các chất gây đau (điển hình như Histamin, Serotonin…) của các đầu dây thần kinh cảm giác. Đồng thời ức chế quá trình sản sinh và tổng hợp PGF2 alpha trong cơ thể.
Tuy nhiên tác dụng giảm đau của nhóm thuốc chống viêm không Steroid chỉ ở mức trung bình, phù hợp với những bệnh nhân có các chứng đau nhẹ và vừa.
3. Tác dụng hạ sốt
Tác dụng hạ sốt của thuốc chống viêm không Steroid không đặc hiệu. Thuốc giúp hạ thân nhiệt bằng cách điều chỉnh trung tâm nhiệt ở vùng dưới đồi và tăng quá trình thải nhiệt.
4. Tác dụng chống kết tập tiểu cầu
Đối với tác dụng chống đông máu và chống kết tập tiểu cầu, các NSAID làm giảm tổng hợp thromboxan A2 (chất có khả năng làm đông vón tiểu cầu), ức chế hoạt động của enzym thromboxan synthetase.
Ngoài ra bằng cách ngăn chặn enzyme cyclo-oxygenase (COX), thuốc can thiệp vào chức năng của tiểu cầu (tế bào quan trọng trong quá trình đông máu). Vì thế NSAID có đặc tính chống đông máu.
Tuy nhiên khi sử dụng ở liều cao, NSAID làm tăng tốc độ, khả năng đông máu và kết tập tiểu cầu.
Các thuốc chống viêm không Steroid thường gặp
Những loại thuốc chống viêm không Steroid đều mang đến hiệu quả cao trong việc giảm đau, hạ sốt và chống viêm. Thuốc có khả năng ức chế cyclo-oxygenase nên có tác dụng ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin và thromboxan.
Trên thực tế, tồn tại hai dạng cyclo-oxygenase. Trong đó COX-1 tổng hợp thrombox- an có vai trò quan trọng đối với tiểu cầu kết dính và prostaglandin (bảo vệ niêm mạc dạ dày); COX-2 tham gia quá trình sản sinh prostaglandin khi có phản ứng viêm.
Dưới đây là những thuốc chống viêm không Steroid thường gặp, phân loại theo khả năng ức chế COX-1 và COX-2, kê đơn – không kê đơn.
Ức chế cả hai loại COX-1 và COX-2
- Diclofenac
- Ketoprofen
- Naproxen
- Piroxicam
- Ibuprofen
- Indometacin
Thuốc NSAID ức chế chọn lọc COX-2
- Celecoxib
- Meloxicam
- Rofecoxib
- Ketorolac
- Parecoxib
NSAID không kê đơn (OTC)
- Ibuprofen
- Naproxen natri
- Aspirin
NSAID theo toa
- Naproxen / esomeprazole (Vimovo)
- Diclofenac (Cataflam)
- Nabumetone (Relafen)
- Naproxen (Naprosyn)
- Indomethacin (Indocin)
- Etodolac (Lodine)
- Oxaprozin (Daypro)
Chỉ định NSAID trong trường hợp nào?
Thuốc chống viêm không Steroid thường được sử dụng để giảm bớt mức độ đau nhức (nhẹ đến vừa và ngắn hạn) và tình trạng viêm, có thể có sốt hoặc không.
Một số tình trạng được chỉ định NSAID:
- Viêm khớp
- Đau lưng
- Đau đầu
- Đau bụng kinh
- Cảm cúm hoặc cảm lạnh
- Đau cơ
- Đau do bong gân, chấn thương khớp hoặc xương
- Đau răng
- Đau thần kinh tọa
- Đau vai gáy
- Thoái hóa khớp
- Những bệnh lý phần mềm do thấp (viêm lồi cầu xương cánh tay, viêm khớp vai…)
Chống chỉ định
Không dùng thuốc chống viêm không Steroid cho những trường hợp sau:
- Phụ nữ mang thai (đặc biệt mang thai 3 tháng đầu và cuối)
- Đang nuôi con bú
- Bệnh tim
- Hen suyễn. Thuốc có khả năng làm trầm trọng hơn các triệu chứng
- Suy thận
- Suy gan nặng
- Loét dạ dày
- Chảy máu không kiểm soát
- Bệnh nhân dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Cách sử dụng và liều dùng NSAID
Thuốc chống viêm không Steroid được kê đơn với liều lượng khác nhau, phần lớn bệnh nhân được dùng thuốc ở dạng viên, uống trực tiếp với nước lọc sau khi ăn. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và đặc tính của hoạt chất, thuốc có thể được dùng từ 1 – 4 lần/ ngày, dùng trong 3 – 10 ngày.
Đối với những trường hợp bị viêm khớp dạng thấp, người bệnh có thể được yêu cầu sử dụng NSAID theo toa và dùng với liều cao hơn. Liều thấp hơn có thể được chỉ định cho những bệnh nhân bị chấn thương cơ và viêm xương khớp cấp tính. Vì những tình trạng này thường không gây đỏ hoặc nóng ở các khớp, ít sưng hơn.
Không thể đảm bảo hoạt động của NSAID đơn lẻ. Do đó người bệnh có thể được yêu cầu dùng thử một số loại NSAID để xác định loại phù hợp.
Liều dùng và thời gian sử dụng cụ thể cho một số trường hợp:
Đối với người lớn
+ Celecoxib
Dùng trong điều trị viêm cột sống dính khớp, viêm xương khớp
- Liều dùng khuyến cáo: Uống 100mg/ lần x 2 lần/ ngày.
- Liều tối đa: 200mg/ ngày.
Dùng trong điều trị đau cấp tính
- Liều dùng khuyến cáo: Uống 400mg/ lần/ ngày (liều duy nhất). Uống 100 – 200mg/ ngày trong những ngày tiếp theo (nếu cần)
- Liều tối đa: 400mg/ ngày. Dùng tối đa 1 tuần.
Dùng trong điều trị viêm khớp dạng thấp
- Liều dùng khuyến cáo: Uống 50 – 100mg/ lần x 2 lần/ ngày.
- Liều tối đa: 400mg/ ngày.
+ Ibuprofen
Dùng trong giảm đau và hạ sốt
- Liều khuyến cáo:
- Uống: 200 – 400mg/ lần mỗi 4 giờ nếu cần (không kê đơn)
- Truyền tĩnh mạch: 400 – 800mg/ lần mỗi 6 giờ nếu cần
- Liều tối đa:
- Uống: 1200 mg/ngày
- Truyền tĩnh mạch: 2400 mg/ngày cho hạ sốt và 3200 mg/ngày cho giảm đau
Dùng trong điều trị viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp
- Liều dùng khuyến cáo: Uống 1200mg/ ngày, chia thành nhiều lần.
- Liều tối đa: 2400 mg/ngày
+ Naproxen
Dùng trong điều trị viêm cột sống dính khớp, viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp
- Liều dùng khuyến cáo: Uống hoặc đặt trực tràng 500 – 1000mg/ ngày, chia thành nhiều lần.
- Liều tối đa: 1000 mg/ngày
Dùng trong giảm đau bụng kinh
- Liều khởi đầu: Uống 500mg/ lần.
- Liều tiếp theo: Nếu cần, uống viên giải phóng ngay 250mg mỗi 6 – 8 giờ hoặc uống 500mg/ lần x 3 lần/ ngày.
- Liều tối đa: 1000mg/ ngày. Dùng tối đa 1 tuần.
Dùng trong điều trị Gout cấp
- Liều khởi đầu: Uống 750mg/ lần.
- Liều tiếp theo: Uống 250mg mỗi 8 giờ.
- Liều tối đa: 1000mg/ ngày. Dùng tối đa 1 tuần.
+ Naproxen natri
Dùng trong điều trị viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp
- Liều dùng khuyến cáo: Uống viên giải phóng có kiểm soát, 750 – 1000mg/ lần/ ngày.
- Liều tối đa: 1500 mg/ngày, dùng trong thời gian ngắn.
Dùng trong điều trị sốt và giảm đau mức độ trung bình
- Liều dùng khuyến cáo: Uống 220mg/ lần mỗi 8 – 12 giờ (không kê đơn)
- Liều tối đa: 440 mg/ngày. Dùng tối đa 3 ngày để hạ sốt và 5 ngày để giảm đau.
Dùng trong giảm đau từ nhẹ đến trung bình do viêm
- Liều khởi đầu: Uống 550mg/ lần.
- Liều tiếp theo: Nếu cần, uống viên giải phóng ngay 275mg mỗi 6 – 8 giờ hoặc uống 500mg/ lần x 3 lần/ ngày.
- Liều tối đa: 1375mg/ ngày. Dùng tối đa 1 tuần.
Dùng trong giảm đau bụng kinh
- Liều khởi đầu: Uống 550mg/ lần.
- Liều tiếp theo: Nếu cần, uống viên giải phóng ngay 275mg mỗi 6 – 8 giờ hoặc uống 500mg/ lần x 3 lần/ ngày.
- Liều tối đa: 1375mg/ ngày. Dùng tối đa 1 tuần.
Đối với trẻ em
+ Ibuprofen, chế phẩm OTC
Dùng trong điều trị sốt và giảm đau
- Liều dùng khuyến cáo: Uống 5 – 10mg/ kg trọng lượng/ lần mỗi 6 – 8 giờ (không kê đơn)
- Liều tối đa: 40mg/ kg trọng lượng/ ngày. Dùng tối đa 3 ngày để hạ sốt và 5 ngày để giảm đau.
+ Naproxen
Dùng trong điều trị viêm khớp dạng thấp thiếu niên
- Liều dùng khuyến cáo: Uống 10mg/ kg trọng lượng/ ngày, chia thành 2 lần dùng.
+ Naproxen natri
Dùng trong điều trị đau đầu (trẻ trên 2 tuổi)
- Liều dùng khuyến cáo: Uống 5 – 7mg/ kg trọng lượng/ lần mỗi 8 – 12 giờ.
Cách bảo quản
Thuốc chống viêm không Steroid cần được bảo quản ở nơi thoáng mát, khô ráo, nhiệt độ từ 15 – 30 độ C (nhiệt độ trong phòng). Không làm ướt và không để ánh sáng chiếu trực tiếp.
Lưu ý khi dùng thuốc chống viêm không Steroid
Khi sử dụng thuốc chống viêm không Steroid người bệnh cần lưu ý một số vấn đề dưới đây để đảm bảo tính an toàn trong thời gian chữa bệnh.
1. Khuyến cáo khi dùng
Một số khuyên cáo khi dùng thuốc chống viêm không Steroid:
- Sử dụng thuốc chống viêm không Steroid theo hướng dẫn của bác sĩ. Thuốc cần được dùng đúng liều, đúng thời gian sử dụng và đúng cách để giảm nguy cơ phát sinh tác dụng phụ.
- Khi dùng NSAID trong điều trị cảm lạnh và cảm cúm, thuốc giúp giảm một số triệu chứng như đau mỏi và sốt. Thuốc không có khả năng cải thiện tiến trình của bệnh và không thể tiêu diệt virus.
- Tránh hoặc hạn chế uống rượu trong thời gian chữa bệnh với NSAID. Bởi việc sử dụng chung có thể gây kích ứng ruột, đồng thời tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày.
- Không được sử dụng đồng thời hai hoặc nhiều loại NSAID với nhau.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc chống viêm không Steroid với một loại thuốc khác. Điều này có thể hạn chế tình trạng tương tác thuốc và tác dụng phụ.
- Cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường trong thời gian sử dụng NSAID. Cụ thể như đau nặng ngực, khó thở, thở dốc, yếu mệt, lơ mơ nói lắp, phát ban, đau dạ dày, nôn ra máu, yếu liệt một phần hoặc một bên cơ thể…
- Không tự ý tăng liều dùng thuốc chống viêm không Steroid.
- Chỉ nên sử dụng thuốc chống viêm không Steroid trong thời gian ngắn hoặc dùng theo hướng dẫn của bác sĩ. Khám lại nếu các triệu chứng không thuyên giảm hoặc vẫn tiếp diễn.
- Không sử dụng NSAID không kê đơn liên tục trong hơn 10 ngày đối với cơn đau, 3 ngày đối với sốt
- Nếu được chỉ định dùng NSAID kéo dài, người bệnh cần theo dõi sức khỏe và những tác dụng phụ có hại.
- Hỏi ý kiến bác sĩ khi dùng thuốc chống viêm không Steroid cho người trên 65 tuổi, mang thai trong quý đầu hoặc quý thứ hai, nghiện rượu, trẻ em và thanh thiếu niên bị nhiễm virus, bệnh nhân sắp phẫu thuật điều trị (bao gồm cả phẫu thuật nha khoa).
- Không dùng Aspirin hoặc những dược phẩm có chứa Aspirin cho trẻ em và thanh thiếu niên bị nhiễm virus (có triệu chứng sốt hoặc không). Bởi thuốc này có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye.
2. Tác dụng phụ
Việc sử dụng thuốc chống viêm không Steroid có thể gây tác dụng phụ. Những tác dụng phụ thường nhẹ. Các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra nhưng ít phổ biến hơn. Theo kết quả thống kê, những người sử dụng NSAID trong thời gian dài hoặc/ và sử dụng với liều cao sẽ có nguy cơ gặp nhiều tác dụng phụ hơn.
Tác dụng phụ thường gặp
- Buồn nôn
- Tiêu chảy
- Nôn mửa
- Táo bón
- Tiêu chảy
- Phát ban
- Giảm cảm giác thèm ăn
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Buồn ngủ
- Đau bụng
- Ợ chua
Tác dụng phụ ít gặp
- Phù nề do tích nước
- Viêm loét hoặc xuất huyết dạ dày
- Tăng huyết áp
- Tăng nguy cơ xuất hiện cơn đau tim ở người có bệnh động mạch vành hoặc có nguy cơ mắc bệnh tim mạch
- Suy thận ở những người có bệnh thận nền
- Làm nặng hơn bệnh hen suyễn
- Phản ứng dị ứng (khó thở, khó nuốt, sưng mắt, sưng môi hoặc lưỡi, đau hoặc tức ngực)
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Khó thở hoặc thở khò khè
- Mệt mỏi cấp tính, các triệu chứng tương tự như cúm
Cần liên hệ với bác sĩ nếu tác dụng phụ kéo dài hoặc nghiêm trọng.
3. Tương tác thuốc
Thuốc chống viêm không Steroid có khả năng tương tác với nhiều loại thuốc khi sử dụng chung. Sự tương tác này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị hoặc gây hại lên các cơ quan.
- Thuốc lợi tiểu: NSAID làm giảm tác dụng của thuốc lợi tiểu do giảm lưu lượng máu đến thận.
- Lithium và Methotrexate: NSAID làm giảm khả năng và tốc độ thải trừ Lithium và Methotrexate. Từ đó làm tăng nguy cơ gây độc và phát sinh tác dụng phụ.
- Thuốc chống đông máu: Sự tương tác làm tăng tác dụng chống đông máu của Warfarin và một số loại thuốc chống đông máu khác. Điều này làm tăng chảy máu hoặc phát sinh những biến chứng chảy máu.
- Thuốc điều trị tăng huyết áp: Thuốc chống viêm không Steroid đối kháng với tác dụng của những loại thuốc dùng trong điều trị tăng huyết áp. Bởi loại thuốc này có khả năng làm tăng huyết áp ở những bệnh nhân có huyết áp cao.
- Cyclosporin: NSAID làm tăng nguy cơ gây độc lên thận của Cyclosporin.
- Rượu: Tăng nguy cơ loét dạ dày khi uống rượu trong thời gian điều trị với NSAID.
4. Quá liều và cách xử lý
Tuyệt đối không dùng thuốc chống viêm không Steroid quá liều để tránh gây ngộ độc và phát sinh các phản ứng nghiêm trọng.
Triệu chứng quá liều
- Buồn nôn và nôn
- Yếu ớt
- Mất thăng bằng
- Chóng mặt, hoa mắt
- Kích động
- Mê sản
- Tăng huyết áp
- Sốc
- Co giật
- Ngất xỉu
Cách xử lý
- Di chuyển ngay đến bệnh viện.
- Điều trị triệu chứng
- Sử dụng than hoạt/ thuốc giải độc hoặc rửa dạ dày
- Theo dõi tình trạng và hồi sức.
Nhìn chung thuốc chống viêm không Steroid (NSAID) mang đến hiệu quả cao trong việc giảm đau, chống viêm và hạ sốt. Tuy nhiên loại thuốc này có khả năng tương tác với các thuốc khác và gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì thế người bệnh cần dùng NSAID theo chỉ định, dùng đúng liều và theo dõi tình trạng sức khỏe trong thời gian sử dụng thuốc.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!