Mổ Cột Sống Đeo Đai Bao Lâu Tốt Nhất? Điều Cần Biết
Mổ cột sống đeo đai bao lâu còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương và mức độ phục hồi của bệnh nhân. Việc sử dụng đai lưng sau mổ có thể giúp người bệnh ổn định cột sống, duy trì đường cong sinh lý và đảm bảo những tổn thương lành lại đúng cách. Từ đó sớm phục hồi chức năng và khả năng vận động.
Đai lưng cột sống là gì?
Đai lưng cột sống còn được gọi là nịt lưng, đai lưng. Đây là một trong những thiết bị cần thiết cho quá trình phục hồi sau mổ cột sống. Cụ thể như phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm, phẫu thuật chỉnh gù cột sống… Ngoài ra thiết bị này cũng được sử dụng để hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý ở cột sống như thoái hóa cột sống thắt lưng, đau lưng, đau thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm…
Việc sử dụng đai lưng có thể giúp người bệnh điều chỉnh và duy trì đường cong tự nhiên của cột sống, đảm bảo các mô tổn thương được chữa lành nhanh và đúng cách. Ngoài ra thiết bị này còn có tác dụng hỗ trợ đẩy lùi các triệu chứng như đau nhức, gù lưng, vẹo cột sống… Đồng thời hỗ trợ giải phóng dây thần kinh bị chèn ép.
Hiện nay có ba loại đai lưng cột sống được sử dụng phổ biến, bao gồm:
- Đai kéo giãn cột sống lưng: Được dùng để làm tăng khoảng cách giữa những đốt sống bằng cách kéo giãn cột sống. Đai lưng này được dùng phổ biến trong điều trị thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống thắt lưng.
- Đai lưng cố định cột sống: Đai lưng này được sử dụng với mục đích cố định, duy trì đường cong của cột sống, hạn chế sự dịch chuyển bất thường của đốt sống lưng. Ngoài ra đai lưng cố định cột sống còn giúp bảo vệ cột sống khỏi chấn thương hoặc giảm đau khi vận động.
- Đai lưng định hình cột sống: Đai lưng định hình cột sống thường được dùng cho người có biến chứng do thoát vị đĩa đệm, cong vẹo cột sống. Đai lưng này có tác dụng điều chỉnh, giúp cột sống dần trở lại với đường cong sinh lý.
Dựa vào lợi ích và nguyên lý hoạt động của đai lưng, bệnh nhân sau mổ cột sống được hướng dẫn sử dụng loại đai phù hợp. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân được sử dụng đai lưng cố định cột sống.
Vì sao cần đeo đai sau mổ cột sống?
Hầu hết bệnh nhân được hướng dẫn mang đai lưng sau mổ cột sống. Bởi điều này có thể mang đến nhiều lợi ích sau:
- Ổn định cột sống, cho phép cột sống và các mô tổn thương được lành lại đúng cách.
- Hạn chế tình trạng sai lệch do cột sống mất vững và chưa phục hồi hoàn toàn sau phẫu thuật.
- Điều chỉnh và duy trì đường cong sinh lý. Giảm tối đa sự sai lệch giữa các khớp và đĩa đệm
- Giảm áp lực lên cột sống tổn thương, hạn chế đau nhức.
- Bảo vệ cấu trúc cột sống tránh những tác động bên ngoài làm ảnh hưởng đến quá trình lành lại hoặc gây đau đớn nghiêm trọng.
- Hỗ trợ ngăn ngừa và giải phóng các dây thần kinh bị chèn ép, tránh thoát vị đĩa đệm tái diễn.
- Hỗ trợ bệnh nhân trong các hoạt động, giúp bệnh nhân tự tin cơn khi đứng dậy, ngồi xuống và đi lại mà không làm ảnh hưởng đến cột sống tổn thương.
- Nhắc nhở bệnh nhân tránh thực hiện những hoạt động gắng sức hay các động tác quá mức không cần thiết.
Mổ cột sống đeo đai bao lâu?
Mổ cột sống đeo đai bao lâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:
- Mức độ nghiêm trọng của chấn thương và vết mổ
- Mức độ phục hồi của bệnh nhân
- Sự mất vững hay đường cong sinh lý của cột sống
- Vị trí phẫu thuật
Thông thường bệnh nhân mổ cột sống được khuyên đeo đai liên tục trong 3 tháng. Khi tắm rửa, vệ sinh vết mổ, nằm ngủ hoặc nghỉ ngơi, người bệnh có thể tháo đai hỗ trợ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Người bệnh không nên đeo đai quá 20 giờ/ ngày và không nên dùng đai lưng trên 3 tháng (trừ khi có chỉ định của bác sĩ). Bởi việc lạm dụng đai lưng có thể làm giảm trương lực cơ, làm nhão hệ thống cơ cạnh cột sống, tạo cảm giác cứng khớp và khó vận động. Ngoài ra việc lạm dụng còn khiến cột sống bị yếu và không linh hoạt sau khi tháo đai.
Hướng dẫn cách đeo đai sau mổ cột sống
Để đạt hiệu quả tối ưu, tránh gây bất thường trong quá trình phục hồi sau mổ cột sống, người bệnh cần đeo đai lưng đúng cách. Dưới đây là cách đeo đai lưng cố định cột sống:
- Bước 1: Xác đinh đúng mặt trước và mặt sau của đai cột sống. Tháo bỏ phần thun hỗ trợ ở mặt sau của đai.
- Bước 2: Kéo căng đai lưng, sau đó đưa vào vùng eo. Căng chỉnh lại để vị trí trung tâm của đai khớp với cột sống, người bệnh có cảm giác thoải mái.
- Bước 3: Kéo phần thun hỗ trợ ở phía sau ra phía trước. Sau đó cố định thun vào đai đeo. Hoàn tất đeo đai cột sống.
Lưu ý khi đeo đai sau mổ cột sống
Để tránh ảnh hưởng đến quá trình phục hồi, sử dụng đai lưng sai mục đích, người bệnh nên lưu ý những điều dưới đây:
- Chỉ đeo đai lưng sau mổ cột sống khi có chỉ định của bác sĩ.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ để rõ hơn về vấn đề mổ cột sống đeo đai bao lâu. Tuyệt đối không tự ý mang đai lưng hay lạm dụng thiết bị này. Bởi mang đai lưng lâu ngày khiến cột sống bị phụ thuộc, suy yếu, kém linh hoạt, co cứng và giảm chức năng. Đồng thời khiến khả năng nâng đỡ cow thể của cột sống giảm đáng kể.
- Không dùng đai lưng cho bà bầu.
- Hỏi ý kiến bác sĩ về loại đai lưng phù hợp. Không dùng đai lưng kém chất lượng khiến quá trình phục hồi sao mổ cột sống bị ảnh hưởng.
- Không tự ý ngừng mang đai lưng khi bác sĩ chưa cho phép để tránh ảnh hưởng đến quá trình chữa lành tổn thương.
- Tháo đai lưng khi nằm nghỉ, ngủ vào ban đêm hoặc khi vệ sinh cơ thể. Tránh mang đai lưng liên tục trong thời gian dài để phòng ngừa tình trạng bí bách, tăng nguy cơ nhiễm trùng tại vết mổ.
- Thông báo với bác sĩ chuyên khoa nếu có bất thường trong thời gian mang đai cột sống. Cụ thể như có vết bầm tím, nốt đỏ, ngứa ngáy, đau nhức…
- Khi tắm rửa và vệ sinh, nên ngồi trên một chiếc ghế có lưng tựa.
- Trong thời gian mang đai lưng sau phẫu thuật cột sống, người bệnh có thể đi lại nhẹ nhàng, lên xuống cầu thang hoặc thực hiện những chuyển động thích hợp khác. Tuy nhiên cần tránh xoắn vặn cột sống, gập cột sống hay ưỡn cột sống quá mức.
- Nên nghỉ ngơi đầy đủ, nằm trên giường có độ cứng trung bình để hỗ trợ cột sống. Không nên nằm trên nệm quá mềm, ghế sofa, võng… Vì chúng có thể khiến cột sống lún xuống khi nằm, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi cấu trúc cột sống sau mổ.
- Không vận động gắng sức hay mang vác vật nặng ngay cả khi đang mang đai lưng.
- Tránh căng thẳng, stress kéo dài. Bởi tâm lý bất ổn có thể làm tăng cảm giác đau đớn.
- Trong thời gian phục hồi sau mổ cột sống, người bệnh nên tăng cường bổ sung thành phần dinh dưỡng tốt cho hệ xương như canxi, magie, phốt pho, omega-3, vitamin D, vitamin C… Bởi những thành phần này có thể giúp chống viêm, giảm đau, thúc đẩy chữa lành tổn thương và cải thiện vấn đề ở hệ xương khớp. Những thành phần dinh dưỡng tốt cho xương khớp thường được tìm thấy trong các loại rau xanh, củ quả, trái cây tươi, các loại hạt, thịt, cá, trứng, sữa…
- Sau mổ cột sống và đeo đai lưng từ 2 -3 tháng, người bệnh thường được hướng dẫn vật lý trị liệu với những bài tập thích hợp (điển hình như các bài tập kéo giãn và tăng cường sức cơ). Điều này giúp giảm nhanh cảm giác co cứng, yếu ở cột sống, tăng cường các cơ ở lưng và bụng, ổn định cấu trúc của cột sống và phục hồi chức năng. Ngoài ra tập vật lý trị liệu còn giúp cột sống dẻo dai và linh hoạt hơn, kiểm soát đau, phòng ngừa tổn thương tái phát.
Tóm lại mổ cột sống đeo đai bao lâu còn phụ thuộc vào vị trí mổ, mức độ tổn thương, khả năng phục hồi của bệnh nhân cùng nhiều yếu tố khác. Việc sử dụng đai lưng có thể mang đến nhiều lợi ích cho quá trình phục hồi. Tuy nhiên đai lưng cần được sử dụng đúng loại và đúng cách, thời gian đeo đai lưng dựa vào chỉ định của bác sĩ. Người bệnh tuyệt đối không tự ý ngưng sử dụng hoặc lạm dụng để tránh phát sinh những vấn đề không mong muốn.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!