Phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm và những lợi ích mang lại
Phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm được chỉ định khi các phương pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả. Phẫu thuật có thể loại bỏ áp lực lên các dây thần kinh, cải thiện các triệu chứng và phục hồi chức năng của người bệnh.
Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm là gì?
Phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm được thực hiện để giải tỏa áp lực lên một dây thần kinh đang bị chèn ép bởi tình trạng thoát vị đĩa đệm. Thông thường, mổ thoát vị đĩa đệm là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, phần đĩa đệm bị thoát vị bên dưới rễ thần kinh sẽ được loại bỏ. Điều này giúp rễ thần kinh có nhiều không gian hơn, giảm bớt áp lực động và giúp rễ thần kinh có thời gian lành lại.
Phẫu thuật thường được chỉ định ở người lớn, còn trẻ em không được khuyến khích áp dụng phương pháp điều trị này. Tuy nhiên, nếu thoát vị đĩa đệm gây chèn ép dây thần kinh cột sống gây liệt cấp tính ở trẻ, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật khẩn cấp để kiểm soát các triệu chứng.
Phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm bao gồm các loại phổ biến như:
- Phẫu thuật mở ống sống (Laminectomy)
- Phẫu thuật mở rộng lỗ liên hợp (Foraminotomy)
- Phẫu thuật loại bỏ đĩa đệm (Discectomy)
- Phẫu thuật hợp nhất cột sống hoặc phẫu thuật nối đốt sống (Spinal fusion)
Loại phẫu thuật cụ thể sẽ được quyết định bởi bác sĩ chuyên môn và tình trạng thoát vị đĩa đệm của người bệnh. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kiểm tra kích thước đĩa đệm, giải phẫu xung quanh cột sống, tiền sử bệnh lý và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh trước khi phẫu thuật.
Trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật có tiên lượng tốt và có thể cải thiện các triệu chứng, chẳng hạn như đau vai gáy hoặc đau thần kinh tọa. Mặc dù rễ thần kinh có thể mất vài tuần đến vài tháng để có thể hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên cơn đau thường được cải thiện rõ rệt sau khi phẫu thuật.
Phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm
Có nhiều kỹ thuật khác nhau được sử dụng để giảm đau cột sống và giải tỏa áp lực thần kinh do thoát vị đĩa đệm gây ra. Cụ thể các loại phẫu thuật bao gồm:
- Phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm và hợp nhất cột sống: Đây là phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ phổ biến nhất. Bác sĩ sẽ tiến hành rạch một đường nhỏ ở phía trước cổ và lấy đĩa đệm bị thoát vị ra bên ngoài. Sau đó thay thế bằng một miếng đệm kim loại nhỏ và được cố định bằng vít để kết nối các đốt sống cổ lại với nhau.
- Phẫu thuật mở cột sống: Phẫu thuật này được thực hiện để điều trị tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Bác sĩ sẽ tiến hành rạch một đường nhỏ ở lưng, rút cơ cột sống ra khỏi xương và cắt bỏ đĩa đệm bị thoát vị khỏi thần kinh cột sống.
- Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu: Trong phẫu thuật này, bác sĩ thực hiện một vết rạch nhỏ ở lưng. Một thiết bị đặc biệt có camera và kính hiển vi sẽ được đưa vào lưng để bác sĩ quan sát bên trong cột sống. Sau đó, bác sĩ sử dụng một công cụ chuyên dụng để loại bỏ đĩa đệm gây chèn ép dây thần kinh cột sống.
- Phẫu thuật bằng laser: Trong phẫu thuật này, bác sĩ thực hiện một vết rạch nhỏ ở lưng và dùng tia laser để loại bỏ đĩa đệm bị thoát vị gây chèn ép dây thần kinh.
Thông thường phẫu thuật ít xâm lấn và thực hiện các vết rạch nhỏ thường ít đau, ít nguy cơ nhiễm trùng và ít chảy máu hơn so với phẫu thuật mở truyền thống.
Khi nào cần phẫu thuật thoát vị đĩa đệm?
Thông thường, thoát vị đĩa đệm được điều trị bằng các biện pháp bảo tồn không phẫu thuật. Tuy nhiên nếu các biện pháp bảo tồn không mang lại hiệu quả trong 4 – 6 tuần, người bệnh có thể được đề nghị phẫu thuật. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là lý do phổ biến nhất có thể dẫn đến phẫu thuật cột sống ở những người bị đau lưng.
Phẫu thuật được thực hiện để giảm áp lực lên đĩa đệm bị thoát vị (hoặc các trường hợp phồng, vỡ hoặc trượt đĩa đệm nghiêm trọng). Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu có biểu hiện:
- Đau đớn dữ dội và người bệnh gặp khó khăn khi duy trì các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như đi bộ hoặc đứng
- Người bệnh trải qua các triệu chứng thần kinh nghiêm trọng, chẳng hạn như yếu, tê chân nghiêm trọng
- Mất kiểm soát chức năng ruột và bàng quang
- Thuốc, vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm hoặc các phương pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả
Mục đích của phẫu thuật thoát vị đĩa đệm
Mục đích của quy trình phẫu thuật thoát vị đĩa đệm là giảm áp lực lên dây thần kinh cột sống bị đĩa đệm chèn ép. Điều này có thể gây đau đớn, hạn chế cử động hoặc gây yếu tứ chi.
Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm có thể giảm áp lực và giúp người bệnh phục hồi chức năng vận động, tính linh hoạt và sức mạnh mà không dẫn đến đau đớn. Cụ thể, phẫu thuật nhằm mục tiêu cải thiện các triệu chứng thoát vị đĩa đệm như:
- Giảm đau lưng, cổ, chân hoặc cánh tay
- Tăng cường sức mạnh ở cánh tay, chân và bàn chân
- Cải thiện tư thế khi ngồi, đứng hoặc đi bộ
- Cải thiện chức năng bàng quang và ruột
Nếu nghi ngờ các dấu hiệu bệnh lý về cột sống, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và đánh giá tình trạng bệnh cụ thể. Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định vị trí cột sống bị tổn thương, dây thần kinh và đĩa đệm bị ảnh hưởng.
Chống chỉ định mổ thoát vị đĩa đệm
Hầu hết các trường hợp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm an toàn và hiệu quả tốt. Tuy nhiên có một số đối tượng không nên thực hiện phẫu thuật để tránh các rủi ro không mong muốn.
Các đối tượng chống chỉ định bao gồm:
- Những người có chẩn đoán không chắc chắn
- Người bệnh bị đau nhẹ
- Người bị suy giảm tinh thần
- Người có các tiền sử bệnh lý thận trọng khi phẫu thuật
Trao đổi bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể về quy trình, rủi ro và kết quả tiềm năng trước khi phẫu thuật.
Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không?
Tương tự như các loại phẫu thuật khác, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm có thể dẫn đến nhiều rủi ro không mong muốn. Cụ thể các rủi ro liên quan bao gồm:
- Chảy máu quá nhiều
- Không mang lại hiệu quả cải thiện cơn đau hoặc khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn
- Nhiễm trùng
- Tổn thương thần kinh hoặc các mạch máu
- Rò rỉ dịch não tủy
- Tử vong
Ngoài ra, các cuộc phẫu thuật nhỏ có thể không mang lại hiệu quả điều trị các triệu chứng. Hoặc cơn đau có thể thuyên giảm sau một thời gian và tái phát trong tương lai. Phẫu thuật có thể giảm đau trong hầu hết các trưởng hợp, tuy nhiên có khoảng 5% các trường hợp, người bệnh sẽ tái phát tình trạng thoát vị đĩa đệm trong tương lai.
Phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm thường an toàn và hồi phục tốt mà không gây biến chứng. Người bệnh cần nắm rõ các rủi ro liên quan đến có quyết định phẫu thuật đúng đắn và có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Chuẩn bị trước khi phẫu thuật thoát vị đĩa đệm
Trước khi phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, người bệnh cần cố gắng kiểm soát cơn đau một cách bảo tồn. Điều này bao gồm thực hiện vật lý trị liệu, nghỉ ngơi, sử dụng thuốc giảm đau và vận động phù hợp. Nếu các biện pháp bảo tồn không mang lại hiệu quả, người bệnh có thể cần nhắc phẫu thuật thoát vị đĩa đệm để cải thiện các triệu chứng và phục hồi khả năng vận động.
Trước khi phẫu thuật người bệnh cần lưu ý một số vấn đề, chẳng hạn như:
- Mặc quần áo phù hợp: Người nên mặc quần áo thoải mái để giảm bớt căng thẳng và áp lực.
- Chế độ ăn uống: Vào ngày phẫu thuật, người bệnh sẽ không được ăn hoặc uống bất cứ loại thực phẩm nào. Điều này để đảm bảo răng thuốc mê không gặp bất cứ vấn đề nào, chẳng hạn như gây trào ngược dạ dày khi đang được gây mê. Tuy nhiên, thông thường người bệnh có thể ăn hoặc uống vào buổi tối trước khi phẫu thuật và không ăn uống sau khi thức dậy.
- Thuốc: Trước khi phẫu thuật, người bệnh có thể sử dụng thuốc theo toa của bác sĩ tuy nhiên cần loại bỏ các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, thông báo với bác sĩ nếu người bệnh đang sử dụng vitamin hoặc các loại thảo dược bổ sung.
Ngoài ra, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ phẫu thuật để được hướng dẫn cách chuẩn bị phù hợp nhất.
Quy trình phẫu thuật thoát vị đĩa đệm
Phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm là một quy trình đơn giản và an toàn. Cụ thể, quá trình phẫu thuật được thực hiện như sau:
1. Trong quá trình phẫu thuật
Bác sĩ thường tiến hành phẫu thuật thoát vị đĩa đệm bằng cách gây mê toàn thân, do đó người bệnh thường bất tỉnh trong quá trình phẫu thuật. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cắt một lượng nhỏ xương cột sống và dây chằng để tiếp cận đĩa đệm bị thoát vị.
Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ chỉ loại bỏ các mảnh đĩa đệm gây chèn ép lên các dây thần kinh, giảm áp lực lên đĩa đệm và để lại phần đĩa đệm không bị tổn thương.
Nếu cần loại bỏ toàn bộ đĩa đệm, bác sĩ có thể thay thế vào khoảng trống bằng một mảnh xương, thường là xương chậu, hoặc vật liệu thay thế nhân tạo. Các đốt sống sẽ được hợp nhất với nhau bằng vật liệu cứng nhân tạo.
2. Sau khi phẫu thuật thoát vị đĩa đệm
Sau khi phẫu thuật, người bệnh sẽ được đưa đến phòng hồi sức và được chăm sóc sức khỏe hậu phẫu cũng như theo dõi các biến chứng liên quan. Người bệnh phục hồi tốt và có thể ra về trong ngày, mặc dù bác sĩ có thể yêu cầu nhập viện để theo dõi và ngăn ngừa các rủi ro có thể xảy ra.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của thoát vị đĩa đệm và khả năng phục hồi của người bệnh, người bệnh có thể trở lại làm việc sau 2 – 6 tuần. Tuy nhiên các hành động như nâng vật nặng, khuân vác hoặc vận hành máy móc hạng nặng cần đợi ít nhất 6 – 8 tuần để tránh các rủi ro liên quan.
Trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.
3. Hồi phục sau phẫu thuật
Quá trình hồi phục sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm bắt đầu ngay sau thủ thuật. Hầu hết mọi người được khuyến khích đi lại trong một khoảng thời gian ngắn sau khi phẫu thuật và di chuyển nhẹ nhàng trong khoảng năm hoặc sáu ngày sau khi phẫu thuật. Người bệnh cũng được khuyến khích ngồi với tư thế thích hợp và tránh cúi người hoặc nâng các vật nặng sau phẫu thuật.
Một số người bệnh có thể được đề nghị thực hiện vật lý trị liệu hoặc các bài tập nhẹ nhàng để cột sống chuyển động linh hoạt và tăng cường sức mạnh. Trao đổi với một nhà vật lý trị liệu để được hướng dẫn cụ thể.
Hầu hết các trường hợp, phẫu thuật thường hồi phục hoàn toàn sau 4 – 8 tuần. Quá trình phục hồi có thể phục hồi phụ thuộc mức độ nghiêm trọng của đĩa đệm bị thoát vị.
Khoảng 1 tuần sau khi phẫu thuật, bác sĩ có thể yêu cầu tái khám để kiểm tra vết mổ và các biến chứng liên quan. Bác sĩ có thể xác định mức độ của cơn đau và kê các loại thuốc giảm đau để kiểm soát các triệu chứng sau phẫu thuật.
Biến chứng sau mổ thoát vị đĩa đệm
Mổ thoát vị đĩa đệm có thể dẫn đến một số biến chứng, chẳng hạn như:
- Rối loạn bài tiết và tiết niệu: Phẫu thuật có thể gây tổn thương hoạt động của các dây thần kinh bài bài tiết và tiết niệu. Điều này có thể dẫn đến mất tự chủ bàng quang và đại tiện không tự chủ.
- Rối loạn cảm giác: Các dây thần kinh cảm giác ở phần dưới của cơ thể có thể bị tổn thương sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm. Điều này có thể dẫn đến đau ở một hoặc hai chân và gây tê chân. Ngoài ra, một số người bệnh có thể bị mất cảm giác ở đùi trong, mặt sau của chân và khu vực xung quanh trực tràng.
- Mất sức mạnh: Phẫu thuật đôi khi có thể gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh vận động, xung thần kinh ở cơ đùi, chân và bàn chân. Điều này có thể gây yếu cơ bắp hoặc dẫn đến rối loạn dáng đi ở người bệnh, chẳng hạn như người bệnh nâng chân cao bất thường khi bước đi.
Ngoài ra, có từ 1 – 7% các trường hợp phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm có thể dẫn đến vết rách ở màng cứng (rò rỉ dịch não tủy). Nếu tình trạng này xảy ra, người bệnh có thể được yêu cầu nằm yên trong 1 – 2 ngày sau phẫu thuật để vết rò rỉ được bịt kín.
Lưu ý sau khi mổ thoát vị đĩa đệm
Để hỗ trợ quá trình phục hồi sau khi phẫu thuật người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp chăm sóc, chẳng hạn như:
- Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để hỗ trợ cải thiện các cơn đau. Trao đổi với bác sĩ nếu bị táo bón hoặc rối loạn nhu động ruột.
- Không sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trong ít nhất sáu tháng.
- Không nâng vật nặng trên 2.2 kg.
- Không hút thuốc hoặc uống rượu.
- Không nhìn lên cao hoặc xuống bằng cách ngẩng hoặc cúi đầu.
- Không ngồi yên trong một thời gian dài.
- Nhờ sự giúp đỡ nếu cảm thấy mỏi cổ hoặc lưng.
- Mang nẹp cổ hoặc nẹp lưng theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Thực hiện vật lý trị liệu và các bài tập phục hồi chức năng theo hướng dẫn.
Ngoài ra, trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện một số hoạt động như:
- Quan hệ tình dục
- Lái xe
- Bơi lội
- Tập thể dục gắng sức, chẳng hạn như nâng tạ hoặc chạy việt dã
Phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm được chỉ định trong các trường hợp nghiêm trọng và các biện pháp bảo tồn không mang lại hiệu quả điều trị. Loại phẫu thuật phụ thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như vị trí đĩa đệm thoát vị, mức độ nghiêm trọng của cơn đau và khả năng tàn tật có thể xảy ra.
Hầu hết các trường hợp, người bệnh có thể quay trở lại làm việc bình thường trong khoảng 4 tuần sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên người bệnh cần thực hiện các biện pháp phục hồi chức năng để giảm thời gian phục hồi và tăng cường khả năng vận động.
Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể các biện pháp chăm sóc và ngăn ngừa các rủi ro sau phẫu thuật.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!