Bó Bột Bàn Chân Gãy Xương: Cách Chăm Sóc và Lưu Ý
Bó bột bàn chân gãy xương được thực hiện để cố định xương gãy, hỗ trợ xương liền lại đúng cách. Ngoài ra phương pháp này còn có tác dụng giảm đau và sưng nề, phòng ngừa di lệch thứ phát. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương, bệnh nhân có thể mang bột từ vài tuần đến vài tháng.
Bó bột bàn chân gãy xương là gì?
Bó bột bàn chân là phương pháp được dùng để cố định xương gãy, phù hợp với hầu hết bệnh nhân bị gãy xương ở bàn chân và cổ chân. Lực nén của bột giúp mảnh/ đoạn xương gãy được giữ ở vị trí phẫu thuật. Từ đó giúp xương liền lại đúng cách, hỗ trợ phục hồi khả năng vận động trong tương lai.
Ngoài ra bó bột còn giúp giảm đau, phòng ngừa tình trạng di lệch thứ phát. Đối với trường hợp có xương gãy di lệch nhiều, bệnh nhân được nắn chỉnh bằng cách giảm đóng hoặc phẫu thuật chỉnh hình trước khi bó bột. Sau nắn chỉnh và thăm khám, người bệnh được bó bột bàn chân với kích thước phù hợp.
Thông thường bột bàn chân được giới hạn bởi khớp bàn và ngón chân. Gãy các xương ngón chân hoặc gãy chòm các xương bàn chân thường được bó bột cẳng – bàn chân ngắn với phần đế dài hơn để toàn bộ ngón chân được nâng đỡ. Đối với bột cẳng – bàn chân ngắn, chỉ thực hiện bó bột từ giữa cẳng chân trở xuống.
Tại sao cần bó bột bàn chân gãy xương?
Khi bị gãy xương bàn chân, việc bó bột sẽ mang đến những lợi ích sau:
- Bất động bàn chân gãy, giữ đầu xương gãy hoặc mảnh xương luôn ở vị trí đúng
- Tránh di lệch thứ phát do những bất cẩn trong sinh hoạt, bảo vệ xương bàn chân và mô mềm
- Giúp xương gãy lành lại nhanh và đúng cách, xương liền tốt, tăng khả năng phục hồi vận động sau gãy xương
- Giảm đau và sưng nề
- Tránh di lệch hoặc đau đớn do các tác động bên ngoài làm ảnh hưởng đến xương gãy.
Chỉ định bó bột bàn chân gãy xương
Bó bột bàn chân gãy xương được chỉ định cho những trường hợp sau:
- Gãy các xương ở vùng cổ chân
- Gãy một hoặc nhiều mắt cá chân
- Gãy xương sên
- Gãy xương gót hoặc những xương khác thuộc khối tụ cốt ở cổ chân
- Gãy xương ngón chân
- Gãy xương bàn chân
Các dạng gãy xương được chỉ định:
- Gãy xương kín
- Gãy hở độ 1
- Gãy hở độ 2 trở lên đã được phẫu thuật
- Gãy xương di lệch nhưng không thể phẫu thuật do bệnh nhân từ chối mổ hoặc tình trạng toàn thân không đủ điều kiện.
Chống chỉ định
Không chỉ định bó bột bàn chân do những trường hợp sau:
- Gãy hở độ 2 trở lên
- Gãy xương bàn chân kèm theo tổn thương thần kinh, tổn thương mạch máu hoặc xuất hiện hội chứng chèn ép khoang.
Khi nào bó bột bàn chân gãy xương?
Bó bột được thực hiện sau khi kiểm tra xương và không có di lệch hoặc sau khi nắn chỉnh xương (giảm đóng hoặc phẫu thuật). Đối với những trường hợp sưng nề sau chấn thương, nẹp chân có thể được dùng từ 24 – 48 giờ trước khi bó bột để giảm sưng.
Trong nhiều trường hợp khác, bó bột được chỉ định để cố định tạm thời xương gãy trong thời gian chờ phẫu thuật. Ngoài ra bột sẽ được thay mới nếu ống bột không còn vừa vặn do sưng giảm.
Quy trình bó bột chữa gãy xương bàn chân
Các giai đoạn và các bước thực hiện trong quy trình bó bột chữa gãy xương bàn chân gồm:
1. Chuẩn bị (trước khi bó bột)
Trước khi bó bột bàn chân gãy xương, bệnh nhân được khám lâm sàng kết hợp hình ảnh X-quang xác định xương gãy và đánh giá mức độ di lệch. Trong trường hợp xương gãy di lệch nhiều, bệnh nhân được nắn xương trên bàn nắn hoặc phẫu thuật sắp xương/ chỉnh hình xương gãy.
Ngoài ra người bệnh được kiểm tra sức khỏe tổng thể để có những biện pháp phòng ngừa rủi ro. Bao gồm: Dấu hiệu mất máu, nhịp thở, huyết áp, tri giác, cảm giác…
Trước khi nắn xương và bó bột, bệnh nhân được dùng thuốc gây tê hoặc gây mê để giảm đau và chống sốc. Ngoài ra cần chuẩn bị thêm nhiều dụng cụ khác để thực hiện bó bột bàn chân gãy xương, cụ thể:
- Bơm tiêm
- Thuốc chống sốc
- Cồn 70 độ
- Đèn nội khí quản
- Mặt nạ bóp bóng
- Bột thạch cao, cần 6 – 8 cuộn cỡ 15 cm ở người lớn. Một số trường hợp có thể bó bột sợi thủy tinh
- Dây rạch dọc được dùng khi tổn thương trong 7 ngày đầu, bó bột cấp cứu
- Cưa rung hoặc dao để rạch dọc bột đối với bệnh nhân bó bột cấp tính
- Nước ngâm bột
- Một độn gỗ kê dưới khoeo chân trong khi bó bột
- Một cuộn băng thun hoặc băng vải để giữ ngoài bột sau khi hoàn thành quá trình rạch dọc bột hoặc bó bột.
Đối với bệnh nhân, người bệnh được vệ sinh sạch sẽ vùng xương gãy. Những trường hợp gây mê cần nhịn ăn uống từ 5 – 6 giờ hoặc lâu hơn để tránh hiện tượng trào ngược dạ dày hoặc nôn.
2. Bó bột bàn chân gãy xương
Các bước bó bột bàn chân gãy xương gồm:
- Bước 1: Quấn bông độn hoặc giấy vệ sinh, đặt dây rạch dọc trước cẳng bàn chân, ở chính giữa. Độn lót nhiều hơn ở vùng cổ chân do vị trí này có nhiều mấu xương
- Bước 2: Rải nẹp bột, đồng thời đặt nẹp bột. Tiến hành cuộn bột to theo hình Zích-zắc với độ dài theo các mốc đã đo, dày từ 6 đến 8 lớp. Đặt nẹp bột ở sau cẳng bàn chân.
- Bước 3: Tiến hành quấn bột. Bắt đầu quấn bột ở vùng cổ chân, quấn từ trên xuống dưới theo kiểu xoáy trôn ốc, sau đó quấn từ dưới lên trên theo nẹp bột. Lưu ý:
- Vừa bó vừa xoa và vuốt để bột đẹp hơn và liên kết tốt hơn.
- Quấn bột vừa tay, không lỏng và không miết chặt tay.
- Quấn đến khi thấy bột đủ dày là được
- Để dây rạch dọc chùng để bột không bị căng. Có thể dùng kéo xẻ tà để giúp bó bột không bị căng nữa.
- Bước 4: Thực hiện rạch dọc bột cho trường hợp bó bột cấp cứu. Đồng thời để lộ ngón chân và lau chùi sạch sẽ. Đối với những bệnh nhân bó bột bàn chân gãy xương trên khung Boehler, bó bột bình thường. Tuy nhiên cần rút bỏ băng quấn cố định khi bó bột đến cổ chân và bàn chân. Không để quên băng quấn cố định để tránh gây chèn ép.
3. Sau khi bó bột
Theo dõi chân gãy khi bột khô lại. Bởi điều này có thể khiến nhiệt độ của da tăng cao, thường xảy ra trong 15 phút đầu tiên sau bó bột. Bột bó có thể cứng lại trong 48 tiếng. Nếu có biểu hiện bất thường (chẳng hạn như chèn ép bột gây đau, tê bì, thay đổi màu da…) hoặc bột nứt/ vỡ, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ để được xử lý.
Đối với những trường hợp nhẹ, bệnh nhân được điều trị ngoại trú. Những người có tổn thương phối hợp hoặc sưng nề nhiều cần theo dõi điều trị nội trú.
Chăm sóc sau bó bột bàn chân gãy xương
Sau bó bột, người bệnh cần chăm sóc đúng cách để giảm triệu chứng sưng đau. Đồng thời ngăn ngừa nhiễm trùng và các biến chứng sau bó bột.
- Nâng cao chi
Để giảm tình trạng sưng nề, hãy nâng chi cao hơn tim với một vài chiếc gối. Biện pháp này giúp máu trở về tim dễ dàng, vùng tổn thương giảm sưng hiệu nhanh chóng.
- Chườm lạnh
Chườm lạnh cũng là cách giảm sưng và đau hiệu quả. Biện pháp này giúp co mạch, giảm lượng máu lưu thông và ứ tại vùng tổn thương. Từ đó giúp giảm sưng và xoa dịu cơn đau. Hãy đặt một túi đá lên bột bó trong 20 phút, mỗi ngày vài lần.
- Giữ gìn vệ sinh
Luôn giữ cho chân và bột sạch sẽ để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Giữ bột khô ráo
Không để bột thấm nước.Vì điều này không chỉ khiến bột phân hủy mà còn gây kích ứng da. Cần hạn chế đi mưa, dùng màng bọc thực phẩm hoặc túi nhựa để giữ cho màng bột luôn khô ráo khi tắm.
- Sử dụng nạng
Trong khi bó bột, người bệnh có thể di chuyển bằng nạng. Thiết bị này giúp giảm áp lực lên chân tổn thương trong khi xương lành, tránh gây đau hoặc làm ảnh hưởng đến quá trình liền xương.
- Di chuyển đúng cách khi bó bột
Không bất động một chỗ để tránh làm ảnh hưởng đến hệ xương khớp. Khi xương gãy bắt đầu cứng cáp và không còn cảm giác đau đớn, người bệnh nên tập đi và tập chống chân với nạng.
Đi lại nhẹ nhàng giúp tăng tầng hoàn máu, hạn chế cứng khớp và teo cơ. Đồng thời tăng khả năng phục hồi vận động trong tương lai. Tuy nhiên không nên cố gắng đi lại nhiều, cần có người giám sát.
- Chăm sóc chân, tránh gãi ngứa
Không cố gắng dùng vật nhọn đưa vào trong để gãy ngứa để tránh viêm da. Để khử mùi và diệt khuẩn, giúp chân dễ chịu hơn, hãy cho vào giữa lớp bột và da một ít baking soda.
- Chú ý đến chế độ dinh dưỡng
Trong thời gian bó bột bàn chân gãy xương, người bệnh cần tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi và vitamin D. Chẳng hạn như các loại rau lá xanh, sữa, sữa chua, các loại hạt, đậu, quả hạch, bông cải xanh, thịt nạc…
Cả canxi và vitamin D đều có khả năng thúc đẩy quá trình liền xương. Ngoài ra canxi còn có tác dụng tăng chất lượng xương, giúp xương chắc khỏe, bệnh nhân sớm phục hồi vận động.
- Chăm sóc sau tháo bột
Sau tháo bột, người bệnh cần tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng vận động, tăng cường sức cơ. Ngoài ra phương pháp này còn giúp khắc phục tình trạng teo cơ sau một thời gian bất động.
Nếu da có dấu hiệu khô ráp và khó chịu, hãy vệ sinh sạch sẽ và ngâm chân với nước ấm. Sau đó lau khô và thoa một lớp kem dưỡng. Biện pháp này giúp cải thiện tình trạng khô da nhanh chóng.
Lưu ý sau bó bột trị bàn chân gãy
Sau khi bó bột bàn chân gãy xương, người bệnh cần kiểm tra các đầu ngón. Thông báo với bác sĩ nếu có những biểu hiện sau:
- Sưng đau quá mức
- Tê bì hoặc mất cảm giác
- Da tím tái hoặc chuyển sang màu sắc khác
Những biểu hiện này xảy ra do chèn ép bột (bó bột quá chật hoặc sưng nề nghiêm trọng) khiến quá trình lưu thông máu bị cản trở. Những trường hợp chèn ép bột cần nới bột ngay lập tức. Không để bột bó chật quá 6 giờ để tránh gây hoại tử dẫn đến đoạn chi.
Một số điều cần lưu ý khác:
- Tuyệt đối không tự ý cắt hoặc tháo bột.
- Theo dõi quá trình liền xương.
- Kê chân cao hơn tim để đưa máu về tim dễ dàng, giảm sưng nề.
- Tập vận động sớm (chẳng hạn như gồng cơ trong bột) để tăng khả năng phục hồi, máu trở về tim dễ dàng giúp giảm sưng nề. Đồng thời hạn chế tình trạng teo cơ.
Gãy bàn chân mang bột trong bao lâu?
Tùy thuộc vào vị trí xương gãy và độ tuổi mà thời gian mang bột có thể ngắn hoặc dài. Đối với gãy xương bàn chân, thời gian mang bột thường dao động trong khoảng 4 – 6 tuần ở người lớn và 2 – 3 tuần ở trẻ nhỏ (dưới 10 tuổi).
Đối với gãy xương gót chân và gãy xương sên, thời gian mang bột từ 6 – 8 tuần đối với người lớn người lớn và 4 – 6 tuần đối với trẻ nhỏ.
Bó bột bàn chân gãy xương có nguy hiểm không?
Bó bột bàn chân gãy xương là phương pháp điều trị gãy xương an toàn và đơn giản, giúp giảm đau và hỗ trợ xương liền nhanh chóng. Tuy nhiên bó bột không đúng kỹ thuật hoặc chăm sóc không đúng cách có thể gây ra một số biến chứng sau:
- Hội chứng chèn ép khoang
- Chèn ép bột
- Bỏ sót băng buột vòng quanh cổ chân trong khi nắn bó bột.
Nếu có dấu hiệu bất thường (sưng và đau nghiêm trọng, các ngón chân tím tái hoặc nhợt màu, mất máu, dị cảm, tê liệt…) người bệnh cần liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được khám và xử lý.
Bó bột bàn chân gãy xương được áp dụng cho hầu hết bệnh nhân bị gãy xương bàn chân và cổ chân. Phương pháp này giúp giữ xương gãy ở đúng vị trí, liền nhanh và giảm đau nhức. Đồng thời hỗ trợ phục hồi vận động trong tương lai. Tuy nhiên người bệnh cần chăm sóc đúng cách và lưu ý một vài vấn đề sau bó bột để hạn chế phát sinh biến chứng.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!