Đau Xương Sườn
Có nhiều nguyên nhân gây đau xương sườn, thường do chấn thương dẫn đến gãy xương, sưng sụn sườn, các thương tích ở ngực. Một số trường hợp khác bị đau do các bệnh lý tiềm ẩn như loãng xương, viêm màng phổi. Phương pháp điều trị dựa trên mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây đau.
Đau xương sườn là gì?
Đau xương sườn là tình trạng đau xảy ra ở khung xương sườn hay thành ngực. Cơn đau có thể bắt đầu từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể như chấn thương gây gãy xương, sưng sụn sườn… hoặc là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn. Một số trường hợp không rõ nguyên nhân gây đau.
Tùy thuộc vào nguyên nhân mà người bệnh có thể bị đau nhói đột ngột hoặc đau âm ỉ và tiến triển từ từ. Có thể đau nhức và cảm thấy khó chịu ở một hoặc cả hai bên mạn sườn, đau dưới ngực hoặc trên rốn, đau lan ra sau hoặc trước.
Nguyên nhân gây đau xương sườn
Có nhiều nguyên nhân gây đau xương sườn, dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:
1. Chấn thương
Chấn thương là nguyên nhân gây đau xương sườn thường gặp nhất. Tình trạng này có thể xảy ra tai nạn xe, tai nạn thể thao hay té ngã dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng.
- Gãy xương sườn
Gãy xương sườn xảy ra khi có một cú đấm mạnh hay té ngã làm chấn thương thành ngực và tạo ra những vết nứt ở khung xương sườn. Tùy thuộc vào lực tác động bệnh nhân có thể bị gãy một hoặc nhiều xương sườn cùng một lúc. Tình trạng này khiến người bệnh đau đớn nghiêm trọng ngay khi chấn thương xảy ra.
Đau do gãy xương thường khu trú dọc theo xương sườn, có thể kèm theo khó thở hoặc biến dạng lồng ngực ở trường hợp nặng. Ngoài ra sau vài phút, vết bầm có thể xuất hiện và lan rộng, bệnh nhân không thể cử động hoặc di chuyển tay.
- Nội thương
Bất kỳ chấn thương đáng kể nào xảy ra ở thành ngực đều gây chấn thương nội tạng. Điều này tạo ra một cơn đau nhức dữ dội kèm theo biểu hiện khó thở. Nội thương cần được đánh giá và điều trị chấn thương khẩn cấp.
- Vết bầm phổi
Chấn thương ở ngực có thể gây bầm tím mô phổi hoặc xung huyết phổi. Điều này khiến bệnh nhân đau nhiều ở thành ngực, tương tự như gãy xương sườn.
2. Viêm sụn chêm
Viêm sụn chêm (hay còn gọi là viêm sụn sườn) là tình trạng viêm xảy ra ở nơi tiếp giáp giữa sụn sườn của xương ức và xương sườn. Điều này thường tạo ra cảm giác tức ngực hoặc đau xương sườn.
Đặc điểm của cơn đau do viêm khớp xương sườn:
- Đau ở gần xương ức, mức xương sườn thứ 4, 5 và 6
- Đau ngực, phía trước thành ngực
- Thường đau nhói như dao đâm
- Đau nhiều hơn khi hít thở sâu, cử động hoặc gắng sức, đè lên vùng viêm. Đau có thể giảm khi thở nhẹ hoặc thay đổi tư thế.
- Cơn đau thường khu trú ở một vùng nhỏ. Tuy nhiên một số trường hợp có thể bị đau lan tỏa.
Viêm sụn chêm thường xảy ra do chấn thương (một cú đánh mạnh vào ngực), nhiễm trùng khớp, viêm khớp, các khối u, ho nhiều, vận động hoặc làm việc gắng sức.
3. Đau cơ liên sườn
Cơ liên sườn là nhóm cơ dọc theo hai bên mạn sườn, gồm nhóm cơ ngoài và nhóm cơ trong. Cơ này hỗ trợ thực hiện các hoạt động và cân bằng cơ thể. Đau cơ liên sườn xảy ra khi có yếu tố tác động khiến cơ liên sườn bị tổn thương. Tình trạng này thường gây viêm, sưng và đau lan tỏa, yếu và ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt.
4. Loãng xương
Đau xương sườn có thể xảy ra do loãng xương. Đây là một dạng rối loạn chuyển hóa của xương, thường gặp ở người lớn tuổi. Bệnh lý này được đặc trưng bởi tình trạng suy giảm chất lượng xương khiến xương yếu ớt, đau nhức thường xuyên và tăng nguy cơ gãy xương.
5. Đau cơ xơ hóa
Đau cơ xơ hóa là một tình trạng mãn tính, có thể khiến người bệnh đau khắp cơ thể. Bệnh lý này khiến bệnh nhân có cảm giác đau nhói, bỏng rát hoặc đau nhức như dao đâm. Cơn đau xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể nhưng thường xuất hiện ở khung xương sườn.
Một số triệu chứng và dấu hiệu giúp nhận biết đau cơ xơ hóa:
- Đau và có cảm giác co cứng
- Đau lan rộng
- Có cảm giác mỏi ở cơ mặt và các mô sợi lân cận
- Ngủ không sâu giấc
- Đau đầu
- Cứng khớp vào buổi sáng
- Tê và ngứa ran ở bàn chân, bàn tay
- Đau bụng kinh
- Hội chứng chân không yên
- Giảm khả năng tập trung và trí nhớ
Nguyên nhân gây đau cơ xơ hóa chưa rõ. Tuy nhiên chấn thương, các rối loạn tự miễn (như viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus ban đỏ hệ thống) là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
6. Ung thư
Đau ngực khi hít thở sâu, cười hoặc ho hay đau lồng ngực/ đau xương sườn là một trong những triệu chứng thường gặp của bệnh ung thư phổi. Ngoài ra bệnh lý này còn khiến bệnh nhân khó thở, thở khò khè, ho ra máu hoặc đờm.
So với những loại ung thư khác, ung thư phổi có tiên lượng thấp, thường là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Tuy nhiên nếu phát hiện và can thiệp sớm, bệnh nhân sẽ có cơ hội sống cao hơn.
Ung thư phổi di căn hoặc ung thư bắt đầu ở một khu vực nào khác lan đến phổi sẽ gây đau ở khung xương sườn hoặc ngực và đe dọa đến tính mạng. Vì thế người bệnh cần thận trọng, sớm thăm khám và điều trị.
Ngoài ra ung thư phổi thường gây ung thư di căn xương. Điều này có nghĩa khối u nguyên phát và tế bào ung thư di chuyển đến tổ chức xương. Từ đó làm tổn hại nghiêm trọng cấu trúc xương kèm theo cảm giác đau đớn dữ dội. Ung thư di căn xương có thể xảy ra ở xương sườn.
7. Viêm màng phổi
Viêm màng phổi là một tình trạng viêm khiến niêm mạc của phổi và ngực bị tổn thương. Màng phổi là những mô mỏng lót phổi và thành ngực. Khi khỏe mạnh, chúng trượt qua nhau một cách linh hoạt và trơn tru. Ở trạng thái viêm, chúng cọ sát vào nhau và gây ra những cơn đau khó chịu.
Ngoài ra một số tình trạng viêm khác của phổi như viêm phế quản cũng có thể ảnh hưởng xấu và làm phát sinh cơn đau xung quanh khung xương sườn.
8. Thuyên tắc phổi
Đau xương sườn hoặc đau lồng ngực có thể xảy ra do thuyên tắc phổi. Đây là tình trạng tắc nghẽn của một động mạch đi sâu vào phổi, thường xảy ra do cục máu đông đi lên từ một trong các chân.
Một số triệu chứng giúp nhận biết thuyên tắc phổi:
- Đau lồng ngực
- Hụt hơi
- Thở nhanh
- Thường xuyên lo lắng
- Ho khan hoặc ho ra máu
- Xuất hiện cảm giác lâng lâng
- Đổ mồ hôi
- Nhịp tim không đều
Thuyên tắc phổi làm giảm lượng oxy trong máu, làm tổn thương nghiêm trọng đến phổi và nhiều cơ quan khác. Chính vì thế bạn cần thăm khám kỹ lưỡng nếu có bất kỳ biểu hiện nào liên quan đến bệnh lý này.
Triệu chứng đau xương sườn
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau xương sườn mà cơn đau có thể âm ỉ và tiến triển từ từ hoặc đau nhói đột ngột. Cơn đau có thể ở một hoặc cả hai bên mạn sườn, đau dưới ngực hoặc trên rốn, đau lan từ trước ra sau.
Cơn đau có thể nghiêm trọng hơn khi hít thở sâu, ho, cười, hắt hơi hoặc thực hiện những động tác làm ảnh hưởng đến khung xương sườn. Cơn đau thường giảm nhẹ khi nghỉ ngơi.
Ngoài cảm giác đau đớn và khó chịu, người bệnh còn gặp một số triệu chứng sau:
- Biến dạng ngực
- Khó ngủ
- Phiền muộn
- Đau khớp
- Khó thở sâu
- Bầm tím
Đau xương sườn khi nào cần gặp bác sĩ?
Liên hệ ngay với bác sĩ nếu đau xương sườn khiến bạn không thể cử động được, đau ngực kèm theo khó chịu ở lồng ngực hoặc cảm thấy áp lực, khó thở, cảm thấy đau buốt khi di chuyển về một vị trí nhất định hoặc khi hít vào.
Ngoài ra người bệnh cần gọi trung tâm y tế ngay lập tức nếu gần đây bị ngã, khó khăn và cảm thấy đau khi thở, xuất hiện vết bầm tím lớn ở lồng ngực. Do nguyên nhân gây đau xương sườn đều là những vấn đề nghiêm trọng. Một số tình trạng có thể đe dọa đến tính mạng. Vì thế người bệnh cần thận trọng, theo dõi tình trạng và điều trị y tế càng sớm càng tốt.
Làm thế nào để chẩn đoán đau xương sườn?
Trong khi thăm khám, người bệnh được yêu cầu mô tả chi tiết vị trí, mức độ đau và những chuyển động khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn. Sau khi đánh giá, bác sĩ có thể xác định loại xét nghiệm nào phù hợp để giúp chẩn đoán chính xác.
Dưới đây là những xét nghiệm có thể được chỉ định:
- Chụp X-quang: Nếu cơn đau bắt đầu sau một chấn thương, chụp X-quang ngực có thể được chỉ định. Kỹ thuật này cho phép bác sĩ tìm kiếm bằng chứng liên quan đến những bất thường về xương hoặc gãy xương. Nguyên nhân đau xương sườn thường được phát hiện sau khi đánh giá chi tiết xương sườn.
- Chụp MRI: Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hiển thị trên hình ảnh X-quang hoặc trong quá trình khám sức khỏe (điển hình như sự phát triển bất thường của xương hay tế bào), bác sĩ sẽ yêu cầu chụp hình ảnh mô mềm bằng MRI. kỹ thuật này mang đến cái nhìn chi tiết hơn về lồng ngực, phát hiện những bất thường liên quan đến xương sườn, các cơ quan, mô và cơ bắp xung quanh.
- Chụp cắt lớp xương: Chụp cắt lớp xương có thể được chỉ định nếu bạn bị đau mãn tính hoặc có nghi ngờ ung thư xương gây ra cơn đau. Đầu tiên, một lượng nhỏ thuốc nhuộm phóng xạ (hay còn gọi là chất đánh dấu) sẽ được tiêm vào cơ thể của bạn. Sau đó quét cơ thể của bạn bằng một máy ảnh đặc biệt để tìm ra chất đánh dấu. Quá trình này có thể làm rõ nét hơn những bất thường về xương.
Sau khi xác định nguyên nhân và đánh giá tình trạng đau xương sườn, người bệnh sẽ được hướng dẫn giảm đau và điều trị với các phương pháp thích hợp nhất.
Điều trị đau xương sườn
Phương pháp điều trị đau xương sườn được khuyến nghị dựa trên nguyên nhân gây ra cơn đau. Dưới đây là những phương pháp thường được áp dụng:
1. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Nghỉ ngơi nhiều khi bị đau xương sườn hoặc đau lồng ngực. Điều này có thể giúp xoa dịu cơn đau. Trong khi nghỉ ngơi, nên thả lỏng cơ thể, hít thở nhẹ và đều, kết hợp kiểm soát tâm trạng để tăng hiệu quả. Người bệnh có thể tắm nước ấm để thư giãn và kiểm soát cơn đau.
Nếu đau xương sườn kèm theo vết bầm tím hoặc cơ bị kéo do chấn thương nhẹ, người bệnh có thể chườm lạnh để giảm đau và sưng. Khi thực hiện, dùng một miếng khăn bông bọc đá lạnh hoặc dùng túi chườm đặt lên vùng bị đau tối đa 20 phút. Mỗi ngày thực hiện vài lần để triệu chứng nhanh chóng thuyên giảm.
Bệnh nhân bị đau khung xương sườn cần tránh mang vác vật nặng, hít thở mạnh hoặc thực hiện những động tác làm ảnh hưởng nhiều đến lồng ngực. Vì điều này có thể làm tăng nguy cơ tổn thương và khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.
2. Băng ép
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu sử dụng băng ép (một dải băng lớn và có độ đàn hồi) để quấn quanh ngực của bạn. Bọc nén giúp giữ chặt khu vực bị đau, tránh đau nhiều hơn hoặc bị thương thêm.
Tuy nhiên băng ép chỉ được sử dụng cho một số trường hợp. Bởi bọc nén khung xương sườn có thể gây ra tình trạng khó thở. Từ đó làm tăng nguy cơ bị viêm phổi. Tốt nhất nên trao đổi với bác sĩ để hiểu hơn về phương pháp này.
3. Sử dụng thuốc
Tùy thuộc vào mức độ đau, một số loại thuốc giảm đau không kê đơn hoặc kê đơn có thể được dùng. Cụ thể:
- Acetaminophen (Tylenol): Acetaminophen có tác dụng giảm đau, phù hợp với bệnh nhân bị đau xương sườn ở mức độ nhẹ và vừa.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID phù hợp với những cơn đau vừa. Thuốc này có tác dụng chống viêm, giảm sưng và đau.
- Thuốc giãn cơ: Nếu đau xương sườn do cơ bị kéo, một loại thuốc giãn cơ có thể được chỉ định. Thuốc có khả năng giảm co thắt cơ và giảm đau.
- Thuốc Tramadol: Thuốc Tramadol có thể được dùng kết hợp với Paracetamol để giảm những cơn đau nặng, đau dai dẳng do nguyên nhân nghiêm trọng và không đáp ứng với các thuốc khác. Tramadol thuộc nhóm thuốc giảm đau gây nghiện opioid. Thuốc giúp giảm đau nhanh và hiệu quả.
4. Phẫu thuật
Nếu đau xương sườn xảy ra do ung thư xương, bác sĩ sẽ thảo luận và chỉ định một số phương pháp phù hợp dựa trên nguồn gốc của ung thư và loại ung thư (bao gồm cả ung thư lây lan từ một khu vực khác của cơ thể hoặc bắt đầu từ xương sườn). Tùy thuộc vào tình trạng, bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết các khối u bất thường hoặc phẫu thuật để loại bỏ khối u.
Trong một số trường hợp nặng, phẫu thuật cắt bỏ khối u có thể quá nguy hiểm hoặc không thực hiện được. Đối với trường hợp này, người bệnh có thể được hóa trị hoặc xạ trị để thu nhỏ chúng. Khi khối u có kích thước đủ nhỏ, phẫu thuật sẽ được thực hiện để loại bỏ khối u.
Đối với gãy xương sườn, hiếm khi phẫu thuật được chỉ định. Vì phần lớn các trường hợp bị gãy xương kín, đầu xương gãy không chệch khỏi vị trí của nó. Tuy nhiên nếu đầu xương gãy chệch ra ngoài hoặc vào trong làm đứt da hoặc tổn thương cơ quan nội tạng (hoặc có nguy cơ), phẫu thuật có thể được cân nhắc và thực hiện.
Biện pháp phòng ngừa đau xương sườn
Không thể ngăn ngừa hoàn toàn các nguyên nhân gây đau xương sườn. Tuy nhiên bạn có thể áp dụng một vài biện pháp dưới đây để giảm nguy cơ. Cụ thể:
- Uống nhiều nước và sử dụng thiết bị tập thể dục đúng cách để kéo căng cơ, ngăn ngừa đau lồng ngực do bong gân hoặc căng cơ.
- Duy trì thói quen tập thể dục đều độ với các bộ môn hay bài tập có cường độ thích hợp. Điều này giúp tăng cường sức mạnh, cải thiện sức khỏe cho hệ xương và các cơ xung quanh. Từ đó giảm nguy cơ căng cơ và chấn thương dẫn đến đau xương sườn.
- Nghỉ ngơi nhiều, đồng thời tuân thủ kế hoạch điều trị của bác sĩ nếu một căn bệnh làm phát sinh cơn đau lồng ngực. Bên cạnh đó, nên áp dụng các biện pháp tự chăm sóc như tắm nước ấm, chườm đá lên vết thương… để thư giãn. Từ đó giúp ngăn ngừa cơn đau hiệu quả.
- Thận trọng khi sinh hoạt và vận động để giảm nguy cơ té ngã, va đập mạnh, ngăn ngừa đau xương sườn do chấn thương.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng với các loại thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây tươi, thịt, cá, trứng, các loại hạt, quả hạch, các loại đậu… Điều này giúp bổ sung các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể và hệ xương, điển hình như canxi, vitamin D, vitamin C, magie… Từ đó duy trì hệ xương khớp chắc khỏe, làm chậm quá trình lão hóa, ngăn ngừa đau xương sườn do chấn thương và các bệnh lý về xương khớp.
Đau xương sườn là tình trạng thường gặp, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, có thể do chấn thương hoặc các bệnh lý tiềm ẩn. Chính vì thế nếu bị đau nhiều kèm theo khó thở, bầm tím lan rộng, biến dạng lồng ngực hoặc các biểu hiện nghiêm trọng khác, người bệnh nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và chẩn đoán sớm. Đồng thời tuân thủ kế hoạch điều trị của bác sĩ để sớm khắc phục tình trạng, tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!