Bó Bột Là Gì? Các Loại Bó Bột, Cách Thực Hiện và Lưu Ý

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Bó bột thường được chỉ định cho những trường hợp chấn thương gây gãy xương kín và sau phẫu thuật gãy hở. Phương pháp này giúp cố định chi, giữ xương ở vị trí đúng để lành lại đúng cách. Đồng thời hạn chế đau nhức do các chuyển động không cần thiết.

Bó bột
Tìm hiểu quy trình bó bột, chỉ định, biện pháp chăm sóc và phòng ngừa biến chứng

Bó bột là gì?

Bó bột là phương pháp cố định xương trong khi lành, sử dụng vật liệu rắn quấn quanh khu vực tổn thương. Phương pháp này giúp giữ cho xương ở tư thế giải phẫu, giảm sưng đau. Đồng thời thúc đẩy quá trình liền xương và giúp xương lành lại đúng cách.

Thông thường bó bột được chỉ định cho những bệnh nhân bị gãy xương/ nứt xương nhẹ hoặc dùng sau phẫu thuật gãy xương hở. Trong nhiều trường hợp khác, phương pháp này được áp dụng để bất động tạm thời xương gãy trong khi chờ phẫu thuật.

Tác dụng của bó bột

Bó bột được thực hiện cho hầu hết bệnh nhân bị gãy xương. Bởi phương pháp này có thể mang đến các lợi ích sau:

  • Bất động xương gãy, giúp xương luôn ở vị trí đúng (tư thế giải phẫu)
  • Thúc đẩy quá trình liền xương, xương gãy trở về trục và có hình dáng thích hợp
  • Bảo vệ, thúc đẩy quá trình phục hồi phần mềm tổn thương
  • Giảm đau nhức
  • Hạn chế những hoạt động không cần thiết dẫn đến đau và di lệch thứ phát
  • Giảm sưng nề và co thắt cơ sau chấn thương
  • Bất động tạm thời cho những bệnh nhân chưa đủ điều kiện phẫu thuật
  • Hỗ trợ chi tổn thương, tránh áp lực tỳ đè hoặc căng vùng mô quá mức khi di chuyển
  • Hỗ trợ bệnh nhân phục hồi khả năng vận động.
Bó bột giúp xương gãy ở vị trí đúng
Bó bột giúp xương gãy ở vị trí đúng, giảm đau, thúc đẩy quá trình liền xương, tránh di lệch

Các loại bó bột

Tùy thuộc vào vị trí tổn thương mà bó bột được thực hiện với nhiều hình thức và nhiều vật liệu khác nhau. Bao gồm:

1. Phân loại theo loại bột

Các vật liệu được dùng khi bó bột:

  • Bột làm từ nhựa: Bột từ nhựa không thấm nước và rất nhẹ.
  • Bột làm từ sợi thủy tinh: Loại bột này nhẹ và không thấm nước. Bột có nhiều màu sắc, kiểu dáng và hoa văn. Bên trong có vật liệu tổng hợp và miếng lót bông làm lớp đệm xung quanh khu vực tổn thương, mềm mại và có khả năng hỗ trợ. Ngoài ra dưới lớp sợi thủy tinh còn có lớp lót chống thấm đặc biệt.
  • Bột làm từ thạch cao: Bột làm từ thạch cao được dùng cho hầu hết các trường hợp. Đây là một loại bột thông thường, có màu trắng, cố định tốt và không thấm nước.

Trong những loại bột nêu trên, bột thạch cao và bột từ sợi thủy tinh được dùng phổ biến nhất.

2. Phân loại theo hình thức bó bột

Dưới đây là những hình thức bó bột có thể được thực hiện:

  • Máng bột/ nẹp bột sâu: Nẹp bột được dùng cho những bệnh nhân bị sưng nề nhiều.Hình thức bó bột này ôm 2/3 chu vi chi thể, không gây chèn ép bột. Tuy nhiên khả năng vững chắc không đạt tối đa.
  • Bột tròn kín: Hình thức bó bột này này được dùng khi kết thúc giai đoạn sưng nề, bệnh nhân cần cố định vững chắc xương gãy.
  • Bột rạch dọc: Bột tròn, toàn bộ các lớp bột có rạch dọc. Hình thức này thường được dùng trong giai đoạn sưng nề, giúp hỗ trợ giảm sưng và đau ở bệnh nhân bị chấn thương. Ngoài ra bột rạch dọc cũng được dùng cho những bệnh nhân gãy xương mới, không thể theo dõi tại bệnh viện. Khi thực hiện có thể tránh được hiện tượng chèn ép bột. Tuy nhiên độ vững chắc của hình thức này không quá cao.
  • Bột mở cửa sổ: Bột mở cửa sổ được chỉ định cho những bệnh nhân gãy xương hở/ gãy xương có kèm theo vết thương phần mềm. Hình thức này giúp người bệnh tiện chăm sóc vết thương phần mềm.
  • Bột Whitmann: Đây là hình thức bó ngực, chậu và bàn chân. Bột Whitmann được chỉ định cho những trường hợp gãy cổ xương đùi trên.

Chỉ định bó bột

Trong điều trị gãy xương, bó bột được chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Gãy xương kín (gãy không di lệch hoặc ít di lệch). Đặc biệt phù hợp với trường hợp gãy tay, gãy chân, gãy xương cẳng chân
  • Gãy xương hở
  • Gãy xương đã được nắn chỉnh (giảm đóng hoặc phẫu thuật)
  • Gãy xương ở trẻ em, không bao gồm gãy lồi cầu xương cánh tay
  • Cần bất động tạm thời chờ mổ
  • Tổn thương khớp (ít gặp).

Đối với những trường hợp chấn thương gây sưng nề nghiêm trọng, bác sĩ có thể dùng bột rạch dọc hoặc sử dụng nẹp để giảm sưng trước khi tiến hành bó bột. Trong quá trình bó bột, nếu sưng giảm khiến vị trí bó bột không còn vừa vặn, người bệnh cần thay bột mới hoặc dùng nẹp.

Bó bột được chỉ định cho hầu hết bệnh nhân bị gãy xương
Bó bột được chỉ định cho hầu hết bệnh nhân bị gãy xương hoặc cần bất động tạm thời chờ mổ

Các nguyên tắc khi bó bột điều trị

Để đạt hiệu quả cao nhất và hạn chế các tai biến (biến chứng sau bó bột), những nguyên tắc dưới đây sẽ được áp dụng:

1. Nguyên tắc chung

Nguyên tắc xử lý khi bị chấn thương cần bó bột:

  • Nắn chỉnh sớm

Bệnh nhân bị gãy xương cần được nắn chỉnh càng sớm càng tốt, trước khi các cơ co kéo nhiều và sưng nề lớn. Không nắn chỉnh cho những trường hợp gãy xương trên 2 tuần. Vì lúc này ổ gãy đã hình thành can non, không mang đến hiệu quả khả quan khi nắn.

  • Thực hiện vô cảm tốt

Dùng Lindocain 2% tiêm vào ổ gãy để gây tê trong xương, làm tê đám rối thần kinh hoặc gây tê vùng. Điều này giúp giảm đau, giảm co cứng cơ cho bệnh nhân. Đồng thời giúp người bệnh không giãy giụa, tránh làm ảnh hưởng đến quá trình nắn chỉnh và bó bột. Gây mê có thể được áp dụng cho trẻ nhỏ.

  • Nắn chỉnh ở tư thế trùng cơ

Nắn chỉnh ở tư thế trùng cơ, những khớp gần ổ gãy ở tư thế trung bình.

    • Chi dưới: Gối gấp 10 độ, háng gấp 15 độ, bàn chân gấp gan chân 10 độ.
    • Chi trên: Dạng cánh tay 45 độ, khớp khuỷu gấp 90 độ, cánh tay đưa ra phía trước 10 độ, cẳng tay nửa sấp nửa ngửa, bàn tay gấp 10 – 15 độ, cổ tay duỗi 20 độ.

Nắn chỉnh đoạn ngoại vi dựa trên tình trạng di lệch của đoạn trung tâm. Chữa di lệch và kiểm tra kết quả bằng X-quang trước khi bó bột.

  • Cố định ổ gãy sau khi nắn chỉnh

Cố định dưới ổ gãy 1 khớp và trên ổ gãy 1 khớp (không bao gồm di lệch ít và gãy thấp).

  • Bất động tuyệt đối khi bó bột

Người bệnh cần đảm bảo bất động tuyệt đối trong khi bó bột để tránh xương di lệch. Ngoài ra bệnh nhân cần bó bột và cố định liên tục cho đến khi xương liền.

  • Thay bột khi cần thiết

Cần thay bột mỗi khi bột lỏng để tránh phát sinh tình trạng không vững chắc dẫn đến sự di lệch thứ phát.

  • Luôn để đầu chi hở

Luôn luôn để đầu chi hở khi bó bột để theo dõi tình trạng.

  • Bó bột có độn

Bó bột không độn hoặc dùng độn mỏng và rạch dọc ngay ở những trường hợp gãy xương mới. Đối với những trường hợp bó bột sau nắn chỉnh hoặc có bệnh lý về xương khớp, bệnh nhân cần tiến hành bó bột có độn, không rạch dọc.

  • Theo dõi sau bó bột

Cần theo dõi liên tục 24 – 72 tiếng sau bó bột. Tiếp tục chú ý đến các biểu hiện trong 3 tháng tiếp theo để đảm bảo bó bột tốt nhất.

2. Nguyên tắc bó bột

Một số nguyên tắc bó bột giúp điều trị đúng cách, phòng ngừa biến chứng:

  • Bó bột theo đúng các cán mốc (dựa trên quy định của từng loại bột)
  • Bó chi với một khối vững chắc
  • Bất động chi gãy dưới một khớp, trên một khớp
  • Đệm lót nhiều để tránh loét, không tỳ đè
  • Bó bột đủ độ dày. Trung bình từ 6 – 8 lớp bó tùy theo từng trường hợp
  • Bó bột không quá lỏng để tránh tình trạng chi gãy không được cố định. Bó bột không quá chặt để tránh gây chèn ép bột.
  • Thực hiện đều tay, không lõm bột và không lồi bột
  •  Đối với bột cấp cứu (dưới 7 ngày), tiến hành rạch dọc bột. Những loại bột không rạch dọc gồm Cravate, Corset, Minerve, bột cẳng – bàn chân ôm gối, ngực vai cánh tay nhưng cần phải độn lót dày.
  •  Những loại bột cần rạch dọc từ gốc chi gồm chậu – lưng – chân, chữ U, ngực – chậu – lưng – chân.
Bó bột thành một khối vững chắc
Bó bột thành một khối vững chắc, đủ độ dày, không quá lỏng hoặc quá chặt

Quy trình bó bột

Quy trình bó bột gồm những bước sau:

+ Trước khi thực hiện

  • Thăm khám kỹ lưỡng, xác định vị trí và mức độ di lệch qua hình ảnh X-quang.
  • Kiểm tra tình trạng tổng thể:
    • Bệnh nhân được kiểm tra huyết áp, đo mạch, kiểm tra tri giác, nhịp thở và dấu hiệu mất máu
    • Kiểm tra tổn thương phối hợp
    • Kiểm tra những rối loạn cơ tròn để phòng tổn thương tủy (dùng khi gãy cột sống)
    • Kiểm tra tổn thương ở những tạng khác tại vùng ngực, bụng, sọ não, tiết niệu…
    • Kiểm tra tổn thương ở những chi khác.
  • Nắn chỉnh hoặc phẫu thuật sắp xương gãy nếu vỡ thành mảnh hoặc di lệch nhiều.
  • Kiểm tra xương gãy (sau nắn chỉnh) bằng hình ảnh X-quang.
  • Điều trị tổn thương mô mềm khi cần thiết.

+ Trong khi thực hiện

  • Băng vùng tổn thương bằng tất lót bó bột (băng thun vớ stockinette) để bảo vệ
  • Dùng băng hoặc một vật liệu mềm khác để làm lót đệm. Điều này giúp tăng cường bảo vệ vùng tổn thương, bao gồm cả da và xương. Đồng thời tạo độ đàn hồi, hỗ trợ quá trình chữa lành và phục hồi tổn thương, không gây đau đớn.
  • Bó bột
    • Bó bột thạch cao (dùng dạng cuộn hoặc dạng dải, làm từ vải muslin), làm ẩm và quấn ngoài lớp đệm.
    • Hoặc dùng bột bó bằng vật liệu sợi thủy tinh, dùng ở dạng cuộn. Làm ẩm vật liệu trước khi mang cho người bệnh.
Quy trình bó bột
Quy trình bó bột cần thực hiện tỉ mỉ, sử dụng nhiều lớp lót đệm để tránh gây đau

+ Sau khi thực hiện

  • Giữ vùng tổn thương ở trạng thái tĩnh. Đợi từ 10 – 15 phút để bột khô.
  • Theo dõi trạng thái của da và cơ thể, tối thiểu 1 – 2 ngày (thời gian để bột cứng hoàn toàn). Do phản ứng hóa học xảy ra khi thạch cao khô nên nhiệt độ của da thường tăng lên.
  • Bất động vùng tổn thương và thận trọng trong các hoạt động để tránh gây nứt hoặc vỡ thạch cao trong giai đoạn đầu. Thận trọng đến khi bột khô và cứng hoàn toàn.

Nhận biết bột khô:

  • Bột thạch cao khô có màu trắng, lớp bó mịn màng.
  • Bột làm từ vật liệu sợi thủy tinh khi khô sẽ có lớp bó thô ráp hơn bột thạch cao.

Thời gian mang bột

Tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng mà thời gian mang bột ở mỗi người sẽ khác nhau. Thông thường người lớn sẽ có thời gian mang bột từ 4 – 12 tuần tùy theo vị trí gãy xương. Trẻ em dưới 10 tuổi có thời gian mang bột từ 2 – 10 tuần tùy theo vị trí gãy xương.

Lưu ý:

Cần một thời gian dài để xương liền lại trong khi triệu chứng đau chỉ xảy ra trong thời gian đầu. Vì thế hết đau không đồng nghĩa với xương liền, tuyệt đối không tháo bột khi xương chưa liền vững. Nếu chấn thương phần nêm đơn thuần, thời gian mang bột có thể 3 tuần. Đối với gãy xương, bệnh nhân mang bột trên 4 tuần.

Theo dõi và chăm sóc sau bó bột gãy xương

Các bước theo dõi và chăm sóc sau bó bột gãy xương giúp hỗ trợ chữa lành tổn thương, hạn chế biến chứng:

  • Giữ gìn vệ sinh: Lau sạch đầu chi và giữ cho bột sạch sẽ. Bất động vùng bị thương đến khi bột khô và cứng hoàn toàn.
  • Theo dõi sau bó bột: Trong 72 giờ đầu, theo dõi biểu hiện trên chi (mức độ sưng nề, màu sắc của da, cảm giác ở đầu chi). Nếu đầu chi bầm tím, mất cảm giác hoặc tê bì, cần liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được xử lý đúng cách.
  • Đi lại trên bột: Trường hợp gãy cẳng chân hoặc gãy bàn chân có thể được phép đi lại trên bột. Tuy nhiên không đi ngay sau khi bó bột để tránh làm hỏng bột. Cần chờ ít nhất 2 – 3 ngày đối với bột thạch và 1 giờ đối với bột thủy tinh.
  • Dùng các biện pháp giảm sưng để tránh chèn ép bột:
    • Kê cao chi bị thương: Kê chi bó bột cao hơn tim để máu về tim dễ dàng. Từ đó tránh hiện tượng sưng nề khiến bột bó chặt dẫn đến căng tức.
    • Chườm đá: Đặt túi đá lên bột tại vị trí tổn thương giúp giảm sưng đau hiệu quả.
    • Tập vận động: Tập gồng cơ, vận động lên cơ trong bột. Đồng thời tập vận động đầu chi (vùng không bó bột).
  • Giữ cho bột luôn khô ráo: Luôn giữ cho bột luôn khô ráo, tránh để bột ẩm thấp hoặc ẩm vì nước có thể thấm vào da gây ra tình trạng kích ứng da.
  • Không gãi ngứa bằng vật nhọn: Nếu bị ngứa dưới da, không dùng những vật có đầu nhọn và cứng luồn vào trong để gãi ngứa. Bởi điều này có thể gây viêm và làm tổn thương da.
  • Cắt bột: Tháo bột đúng lịch hẹn của bác sĩ. Bệnh nhân tuyệt đối không tự ý cắt bỏ bột. Bởi điều này có thể gây lệch xương nếu xương chưa liền hoặc gây tổn thương. Quá trình tháo bột phải do nhân viên y tế thực hiện với dụng cụ chuyên dụng.
  • Ăn uống đủ chất: Thiết lập chế độ dinh dưỡng cân bằng với các thực phẩm lành mạnh. Đặc biệt nên bổ sung canxi và vitamin D với hàm lượng khuyến cáo. Cả hai thành phần dinh dưỡng này đều tham gia vào quá trình xây dựng xương, thúc đẩy xương gãy liền lại. Canxi và vitamin C có nhiều trong sữa, trứng, thịt nạc, nấm, các loại rau xanh, các loại đậu, hạt, bông cải xanh, nước cam, sữa chua…
  • Tập luyện: Tình trạng teo cơ, cứng khớp thường xảy ra sau khi tháo bột. Để tăng cường khối lượng và sức cơ, người bệnh cần tập phục hồi chức năng. Ngoài ra tập luyện cũng rất quan trọng đối với quá trình phục hồi biên độ vận động của khớp và tính linh hoạt. Sau một thời gian luyện tập người bệnh có thể vận động bình thường.
Chườm đá giúp giảm sưng để tránh chèn ép bột
Chườm đá giúp giảm đau và tình trạng sưng nền tránh chèn ép bột

Lưu ý khi bó bột điều trị

Một số lưu ý sau khi bó bột điều trị gãy xương và một số tổn thương khác:

  • Trong 24 – 72 giờ đầu, hiện tượng sưng nề có thể gây chật chọi và làm căng tức phần chi tổn thương. Nếu không được nới bột kịp thời, tình trạng chèn ép bột sẽ xảy ra.
  • Áp dụng những biện pháp giảm sưng nề như nâng cao chi, chườm lạnh và tập vận động.
  • Lưu ý dấu hiệu của chèn ép bột:
    • Đầu chi sưng nhiều
    • Có cảm giác như kim châm hoặc đau rát bỏng.
    • Cảm giác bột bó chặt lấy chi
    • Đau tăng
    • Căng tức hoặc tê bì ở bàn ngón chân hoặc bàn ngón tay.
    • Mất vận động chủ động đầu chi
  • Tuyệt đối không tự ý cắt ngắn hoặc cắt bỏ bột. Nếu vành bột cứng, tỳ vào da gây đau, hãy dùng một miếng bông để làm miếng đệm.

Các biến chứng của bó bột

Bó bột có thể gây ra một số biến nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến quá trình lành lại của xương và sức khỏe tổng thể. Cụ thể:

1. Biến chứng thường gặp

Những biến chứng thường gặp sau bó bột gồm:

  • Chèn ép bột: Chèn ép bột xảy ra do tình trạng sưng nề. Để phòng ngừa cần nâng chi cao hơn tim và nới bột khi có chèn ép.
  • Viêm loét da: Biểu hiện gồm sốt, đau tại vị trí tỳ dè, dịch thấm qua bột. Cần liên hệ với bác sĩ nếu bị viêm loét da.
  • Lỏng bột: Bột di chuyển khi cử động. Những trường hợp này cần được thay bột để phòng ngừa tình trạng di lệch thứ phát.
Chèn ép bột
Chèn ép bột là biến chứng thường gặp với biểu hiện đau đớn, đầu chi sưng nhiều, co thắt

2. Biến chứng tức thì

Biến chứng tức thì thường do thuốc, tổn thương mạch máu/ da do xương gãy hoặc đau đớn nghiêm trọng.

  • Choáng: Thường do đau khi gãy xương hoặc trong quá trình nắn và bó bột.
  • Choáng phản vệ: Biến chứng này chủ yếu do thuốc mê và thuốc tê.
  • Các biến chứng khác:
    • Co thắt khí phế quản
    • Hiện tượng trào ngược khi gây mê
    • Hội chứng xâm nhập khi gây mê
    • Ngừng thở, ngừng tim và tử vong.

3. Biến chứng sớm

Các biến chứng xảy ra khi bó bột:

  • Tổn thương thần kinh và mạch máu
  • Đầu xương gãy chọc ra dẫn đến gãy hở thứ phát
  • Gãy thêm xương
  • Rối loạn dinh dưỡng, phù nề
  • Hội chứng chèn ép khoang cấp dẫn đến hoại tử chi
  • Gãy cột sống không vững, liệt tủy.

4. Biến chứng muộn

Biến chứng muộn chủ yếu xảy ra do quá trình chăm sóc không đúng cách. Bao gồm:

  • Rối loạn dinh dưỡng bán cấp
  • Rối loạn dinh dưỡng từ từ
  • Thiếu máu bán cấp và mãn tính
  • Can lệch. Xảy ra do bất động không đúng quy cách, nắn không tốt.
  • Khớp giả. Thường gặp ở người bất động không đủ thời gian, nắn không tốt, tuổi cao, không có chế độ ăn thích hợp
  • Viêm xương.Thường do tụ máu nhiễm trùng, gãy xương hở, loét do tỳ đè…

Biện pháp phòng biến chứng sau bó bột

Một số biện pháp dưới đây có thể giảm nguy cơ phát sinh biến chứng sau bó bột:

  • Thăm khám kỹ lưỡng trước khi bó bột (tình trạng toàn thân, vị trí gãy)
  • Bó bột đúng chỉ định
  • Thực hiện đúng nguyên tắc
  • Theo dõi biểu hiện ở chi gãy. Áp dụng các biện pháp giảm phù nề
  • Liên hệ ngay với bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Chẳng hạn như chèn ép bột, choáng…
  • Tái khám theo chỉ định của bác sĩ để sớm phát hiện và kịp thời xử lý các biến chứng.
  • Nới bột, dùng thuốc chống nề, phong bế gốc chi hoặc mổ cấp cứu xử lý tổn thương khi cần thiết.
Nới bột, dùng thuốc chống nề
Nới bột hoặc sử dụng thuốc chống nề được dùng trong xử lý biến chứng chèn ép bột

Bó bột được áp dụng cho hầu hết trường hợp gãy xương. Phương pháp này giúp cố định xương gãy ở vị trí đúng, hỗ trợ liền xương, hạn chế đau và ngăn tình trạng di lệch. Tuy nhiên người bệnh cần thăm khám kỹ trước khi bó bột. Đồng thời theo dõi và chăm sóc đúng cách để tránh phát sinh những vấn đề không mong muốn.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan
Nứt Xương Có Cần Bó Bột Không
Nứt xương có cần bó bột không phụ thuộc vào tình trạng của vết thương, mức độ nghiêm trọng của vết gãy và chẩn đoán lâm sàng của bác sĩ. Do đó, điều quan trọng là đến bệnh viện để ...
Xem chi tiết
Bị Đứt Dây Chằng Có Quan Hệ Được Không
Đứt dây chằng là chấn thương phổ biến, đặc biệt là dây chằng đầu gối ở vận động viên và người chơi thể thao. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương, người bệnh có thể bị đau ...
Xem chi tiết
Mổ Rách Sụn Chêm Ở Đâu Tốt
Xác định mổ rách sụn chêm ở đâu tốt là điều cần thiết và quan trọng để có kế hoạch thăm khám, điều trị hiệu quả, an toàn nhất. Người bệnh nên liên hệ trực tiếp với cơ sở y ...
Xem chi tiết
Đứt Dây Chằng Chéo Trước Có Đi Được Không
Đứt dây chằng chéo trước là chấn thương phổ biến ở những người chơi thể thao, đặc biệt là ở vận động viên. Điều này khiến nhiều người thắc mắc, đứt dây chằng chéo trước có đi được không và ...
Xem chi tiết
Gãy Xương Chày Có Đá Bóng Được Không
Gãy xương chày có đá bóng được không phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ, phương pháp điều trị và quá trình phục hồi của người bệnh. Do đó, nếu bị gãy xương, người bệnh nên đến bệnh viện ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua