Trật Khớp Gối: Dấu Hiệu Nhận Biết Và Cách Xử Lý, Điều Trị
Trật khớp gối là một chấn thương không phổ biến nhưng cực kỳ nghiêm trọng, có thể làm hỏng một số dây chằng, mạch máu và dây thần kinh quan trọng. Điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính toàn vẹn của khớp nếu không được điều trị phù hợp.
Trật khớp gối là gì?
Đầu gối là một cấu trúc phức tạp của bộ xương người. Cấu tạo của đầu gối gồm ba xương chính là xương đùi (femur), xương bánh chè (patella) và xương chày (tibia). Ngoài ra, các sụn, dây chằng và các gân khác nhau trong đầu gối cũng rất quan trọng để khớp hoạt động bình thường.
Trật khớp gối xảy ra khi xương đùi và xương chày bị tách khỏi vị trí ban đầu gây gián đoạn, không thể gặp nhau. Điều này thường xảy ra sau các lực tác động cực lớn, chẳng hạn như chấn thương, té ngã, va chạm trong thể thao hoặc tai nạn giao thông.
Ngoài ra, trật khớp gối không phải là trật xương bánh chè. Trật xương bánh chè xảy ra khi xương bánh chè trượt khỏi vị trí ban đầu. Tình trạng này xảy ra do sự thay đổi hướng đột ngột hoặc một cú đánh tác động lên chân khi người bệnh đang đứng trên mặt đất.
Trật khớp gối là một chấn thương hiếm gặp nhưng nghiêm trọng. Nếu không được điều trị phù hợp, tình trạng này có thể làm hỏng một số dây chằng, mạch máu và các dây thần kinh quan trọng. Do đó, người bệnh nên tìm hiểu các thông tin về các dấu hiệu, cách chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Dấu hiệu nhận biết trật khớp gối
Trật khớp gối là một chấn thương nghiêm trọng, thường dẫn đến các dấu hiệu ngay lập tức và nghiêm trọng hơn theo thời gian. Dấu hiệu phổ biến nhất của chứng trật khớp gối là sưng và biến dạng khớp có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chi dưới bị tổn thương thường trông ngắn, lệch và bất cứ hoạt động nào cũng có thể gây đau khớp dữ dội.
Nếu bị trật khớp gối, người bệnh có thể nghe âm thanh ở khớp gối khi di chuyển. Cụ thể, các triệu chứng phổ biến khác có thể bao gồm:
- Đau gối đau nghiêm trọng đến mức không thể cử động hoặc duỗi thẳng
- Đầu gối cảm thấy không ổn định
- Đầu gối sưng và bầm tím nghiêm trọng
- Các bộ phận của đầu gối trông giống như lệch khỏi vị trí ban đầu
Đôi khi khớp gối có thể tự trượt trở lại vị trí cũ sau khi bị trật. Tuy nhiên điều này thường rất đau đớn, gây sưng to, khiến đầu gối không ổn định và tăng nguy cơ biến chứng, chẳng hạn như:
- Gây chèn ép các dây thần kinh ở đáy chậu chạy dọc theo rìa ngoài của bắp chân
- Vỡ hoặc tắc nghẽn động mạch và tĩnh mạch ở phía sau đầu gối
- Gây huyết khối tĩnh mạch sâu (deep venous thrombosis)
- Tắc nghẽn mạch máu là một tình trạng nghiêm trọng. Nếu không được điều trị trong vòng 8 giờ, người bệnh có 86% nguy cơ cần cắt cụt chi. Ngoài ra, nếu được điều trị kịp lúc trong 8 giờ, nguy cơ cần cắt cụt chi là 11%.
Nguyên nhân gây trật khớp gối
Trật khớp gối thường xảy ra sau các lực tác động mạnh lên khớp gối, chẳng hạn như va chạm ô tô, ngã nặng hoặc các chấn thương thể thao. Cụ thể, các nguyên nhân và yếu tố rủi ro phổ biến bao gồm:
- Tai nạn giao thông: Nếu đầu gối va chạm vào các bề mặt cứng, nguy cơ trật khớp rất cao.
- Chấn thương thể thao: Tình trạng này ít phổ biến hơn so với tai nạn giao thông, tuy nhiên va chạm với lực mạnh với người khác có thể gây trật khớp gối. Ngoài ra, va chạm với sàn hoặc mặt đầu khi đầu gối uốn cong hoặc duỗi ra quá mức cũng có thể gây trật khớp.
- Ngã do mất kiểm soát: Tình trạng này thường xảy ra ở vận động viên trượt tuyết, trượt băng hoặc những người chạy nhanh gây mất kiểm soát tốc độ và ngã với đầu gối cong. Ngoài ra, một số người có thể bị trật khớp gối sau khi bước hụt vào một lỗ trên mặt đất hoặc một bậc cầu thang.
Trật khớp gối có nguy hiểm không?
Trật khớp gối là một chấn thương không phổ biến nhưng rất nghiêm trọng và cần được điều trị ngay lập tức. Nếu không điều trị phù hợp hoặc nếu trật khớp gây mất nhiều máu, người bệnh có thể cần cắt cụt chi để tránh các rủi ro liên quan.
Trật khớp gối cũng có thể gây hình thành cục máu đông ở các tĩnh mạch sâu ở chân (huyết khối tĩnh mạch sâu). Điều này có thể gây đau nhói hoặc chuột rút ở một chân, sưng chân hoặc làm ấm vùng da xung quanh đầu gối. Tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng nếu các cục máu đông vỡ ra và đọng lại ở phổi, gây tắc động mạch phổi (thuyên tắc phổi).
Ngoài ra, một biến chứng phổ biến khác của tình trạng trật khớp gối là hội chứng khoang cấp tính chi thể (Compartment Syndrome). Tình trạng này xảy ra khi các cơ sưng lên, dẫn đến áp lực tích tụ ở mạch máu, dây thần kinh và cơ. Điều này có thể đau đớn dữ dội và gây cản trở dòng máu đến mô bị ảnh hưởng. Nếu không được điều trị phù hợp, người bệnh có thể cần cắt cụt chi để tránh các rủi ro liên quan.
Chẩn đoán trật khớp gối
Nếu có dấu hiệu hoặc nghi ngờ trật khớp gối, người bệnh cần đến bệnh viện ngay lập tức để được chăm sóc sức khỏe phù hợp. Bác sĩ có thể quan sát đầu gối của người bệnh ở nhiều góc độ khác nhau để xác nhận chấn thương và đề nghị kế hoạch chăm sóc phù hợp.
1. Dấu hiệu lâm sàng
Bác sĩ có thể kiểm tra đầu gối để xác định chấn thương, biến dạng, sưng to và các cử động thông thường của người bệnh. Bác sĩ cũng có thể ấn vào đầu gối để xác định các tổn thương ở dây thần kinh, gân và dây chằng ở đầu gối. Rách dây chằng là một chấn thương liên quan, phổ biến khi bị trật khớp gối.
Ngoài ra, trật khớp gối có thể gây tổn thương dây thần kinh và mạch máu. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến lưu lượng máu hoặc xúc giác ở đầu gối. Do đó bác sĩ có thể kiểm tra các thay đổi về màu sắc và nhiệt độ của da từ đầu gối đến bàn chân để xác định tổn thương.
Trong các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cần cắt cụt chi nếu các triệu chứng không được điều trị phù hợp.
2. Kiểm tra huyết áp mắt cá chân
Để xác định các thay đổi về lưu lượng máu, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm các chỉ số ở mắt cá chân.
Cụ thể, bác sĩ sẽ so sánh huyết áp đo ở mắt cá chân với huyết áp đo ở vị trí thông thường trên cánh tay. Nếu chỉ số mắt cá chân thấp, điều này có thể là do trật khớp đã gây ra vấn đề với lưu lượng máu đến chân.
3. Điện cơ chân
Bác sĩ có thể đề nghị đo điện cơ chân để kiểm tra dây thần kinh và cơ của người bệnh.
Trong kiểm tra này, bác sĩ có thể đưa một cây kim nhỏ vào cơ để ghi lại hoạt động điện. Các điện cực trên bề mặt da có thể đo tốc độ và tín hiệu từ các dây thần kinh.
4. Xét nghiệm hình ảnh
Bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm hình ảnh để chẩn đoán các tổn thương bên trong đầu gối của người bệnh.
- Chụp X – quang: Tia X có thể xác nhận xương có bị trật ra khỏi vị trí bình thường hay không. Xét nghiệm này cũng có thể xác định các vấn đề gãy hoặc nứt xương do tai nạn.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ xác định dây chằng hoặc các mô mềm bị tổn thương ở đầu gối. Chụp MRI cũng có thể giúp bác sĩ xác định các chấn thương thần kinh ở đầu gối.
- Chụp động mạch: Chụp động mạch sử dụng hình ảnh X – quang để xác định lưu lượng máu trong tĩnh mạch của người bệnh. Điều này có thể giúp bác sĩ kiểm tra tình trạng tổn thương các mạch máu do trật khớp gối.
Cách xử lý khi bị trật khớp gối
Nếu nghi ngờ bị trật khớp gối hãy: Gọi 115 hoặc đưa đến phòng cấp cứu ngay lập tức
Lưu ý:
- Giữ yên phần trên và dưới của chân, cố định chỗ trật khớp để không bị di chuyển.
- Đừng cố đẩy khớp gối lại vị trí ban đầu, điều đó có thể làm tổn thương nghiêm trọng hơn.
Điều trị trật khớp gối
Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ tổn thương và tình trạng sức khỏe cơ bản của người bệnh. Cụ thể, các biện pháp điều trị bao gồm:
1. Điều trị không phẫu thuật
Để điều trị tình trạng trật khớp gối, bác sĩ cần đảm bảo xương bánh chè ở đúng vị trí. Do đó, đầu tiên bác sĩ sẽ di chuyển vị trí xương bánh chè về vị trí ban đầu. Trong quá trình này, người bệnh sẽ được sử dụng thuốc an thần để không cảm thấy đau đớn.
Sau khi xương được đưa về vị trí ban đầu, người bệnh sẽ được đeo nẹp trong vài tuần để đầu gối lành lại. Ngoài ra, nẹp cũng giữ đầu gối ổn định và ngăn ngừa tình trạng lệch vị trí ở xương bánh chè.
2. Điều trị phẫu thuật
Trong hầu hết các trường hợp, trật khớp gối cần phẫu thuật để tránh các tổn thương liên quan. Phẫu thuật thường được đề nghị cho các trường hợp như:
Phẫu thuật có thể được chỉ định sau khi bị trật khớp 1 – 3 tuần. Điều này để khớp có thời gian giảm sưng và viêm. Trong lúc chờ đợi phẫu thuật, người bệnh có thể cần mang nẹp chân, giữ chân nâng cao và chườm đá lên vết thương để giảm đau và sưng.
Phẫu thuật điều trị trật khớp gối có thể là phẫu thuật mở (sử dụng dao mổ và vết mổ lớn) hoặc nội soi khớp (sử dụng ống soi, dụng cụ dạng ống và vết thương nhỏ). Tổn thương thần kinh có thể cần được điều trị bởi bác sĩ có chuyên môn thần kinh.
Trên thực tế, trật khớp gối cần được phẫu thuật nhiều lần để đảm bảo quá trình hồi phục tốt nhất. Ngoài ra, người bệnh có thể cần cấy ghép sụn hoặc chuyển mô sụn để phục hồi các sụn đã mất.
Phẫu thuật trật khớp gối thường đơn giản và an toàn. Tuy nhiên, đôi khi phẫu thuật có thể dẫn đến một số rủi ro, chẳng hạn như:
- Cứng khớp mãn tính
- Khớp gối không ổn định
- Đau dây thần kinh sau phẫu thuật
- Dị dạng khớp
- Nhiễm trùng
Sau khi phẫu thuật người bệnh có thể được đề nghị một chương trình vật lý trị liệu và phục hồi chức năng để khôi phục các hoạt động bình thường của khớp.
Phục hồi sau khi trật khớp gối
Các biện pháp thường được áp dụng giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi như:
- Sau khi điều trị trật khớp gối, người bệnh có thể được yêu cầu sử dụng nẹp đầu gối đến khi đầu gối lành hẳn. Một số loại nẹp đầu gối cho phép người bệnh uốn cong đầu gối để giảm bớt và ngăn ngừa tình trạng cứng khớp.
- Sau khi nẹp đầu gối, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh đến trung tâm vật lý trị liệu để phục hồi chức năng. Người bệnh có thể được yêu cầu thực hiện các bài tập tăng cường cơ bắp chân quanh đầu gối để hỗ trợ ổn định khớp và tăng cường chuyển động khớp.
- Thời gian phục hồi phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương và các biến chứng liên quan, chẳng hạn như tổn thương mạch máu hoặc dây thần kinh. Nếu được được điều trị kịp thời và đúng phương pháp, quá trình phục hồi có thể nhanh chóng.
- Tuy nhiên, quá trình hồi phục sau trật khớp gối có thể mất nhiều thời gian, người bệnh có thể cần một năm để phục hồi chức năng khớp gối. Thời gian phục hồi có thể được rút ngắn nếu người bệnh tuân theo lời dặn của bác sĩ chuyên môn.
- Đối với vận động viên bị trật khớp gối, sau khi phục hồi, người bệnh có thể quay lại luyện tập các môn thể thao trước đây, tuy nhiên hiệu suất không thể ở mức độ trước chấn thương.
Trật khớp gối là một chấn thương nghiêm trọng nhưng cực kỳ hiếm, chiếm dưới 0.5% các trường hợp trật khớp. Hầu hết các trường hợp, người bệnh cần được chăm sóc y tế khẩn cấp do các chấn thương nghiêm trọng. Không có ngoại lệ tự điều trị trật khớp gối. Việc trì hoãn điều trị có thể dẫn đến teo mô, rút ngắn gân và đứt dây chằng. Điều này có thể tăng nguy cơ cần cắt cụt chi hoặc hạn chế phạm vi chuyển động của đầu gối sau khi phục hồi.
Do đó, nếu có các chấn thương gây ảnh hưởng đến đầu gối hoặc có các dấu hiệu như đau dữ dội, sưng đỏ, chảy máu ở đầu gối, người bệnh nên đến bệnh viện ngay lập tức.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!