Bị Gãy Xương Bánh Chè Bao Lâu Thì Lành? Có Đi Lại Được Không?
Bị gãy xương bánh chè bao lâu thì lành, có đi lại được không còn tùy thuộc vào phân loại và mức độ tổn thương, quá trình phục hồi chức năng sau điều trị. Đây là một chấn thương nghiêm trọng, việc trì hoãn hoặc điều trị không đúng cách thường dẫn đến cứng khớp, gây khó khăn hoặc không thể đi lại bình thường.
Bị gãy xương bánh chè bao lâu thì lành?
Gãy xương bánh chè là tình trạng nứt hoặc gãy của xương bánh chè (xương vừng lớn nhất của cơ thể, ở trung tâm đầu gối và trong hệ thống gân duỗi). Điều này thường xảy ra khi tác động lực trực tiếp hoặc ngã đập đầu gối xuống đất.
Tùy thuộc vào mức độ chấn thương, xương bánh chè có thể gãy đơn giản hoặc phức tạp, gãy hai mảnh (vết gãy ngang hoặc dọc) hoặc gãy nhiều mảnh, không di lệch hoặc di lệch (các mảnh xương rời khỏi vị trí ban đầu, giãn cách hơn 3mm). Vết gãy có thể hình thành ở phần trên cùng, trung tâm hoặc ở phần dưới của xương. Trong nhiều trường hợp vết gãy đâm xuyên qua da hoặc vết thương sâu xuống xương (được gọi là gãy xương hở).
Gãy xương bánh chè gây đau đầu gối (đau chói) ngay sau chấn thương, bầm tím, sưng nề, khó khăn hoặc không thể gập duỗi gối. Dựa trên hình thái ổ gãy mà người bệnh có thể được điều trị bảo tồn (bó bột) hoặc phẫu thuật.
Vậy người bị gãy xương bánh chè bao lâu thì lành? Hầu hết những trường hợp gãy xương bánh chè có xương lành lại sau 6 – 8 tuần. Trong vòng 3 đến 6 tháng, người bệnh có thể sinh hoạt cũng như trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên mất từ 1 đế 2 năm để đầu gối phục hồi hoàn toàn. Đối với những trường hợp nặng, thời gian phục hồi có thể lâu hơn.
Ở mỗi bệnh nhân, thời gian phục hồi có thể khác nhau. Bởi điều này còn phụ thuộc vào những yếu tố sau:
- Mức độ nghiêm trọng của chấn thương (gãy xương có di lệch hay không, gãy hở hay gãy xương kín, gãy đơn giãn với hai mảnh tách rời hoặc gãy phức tạp với nhiều mảnh gãy)
- Tốc độ lành lại của xương gãy
- Quá trình tập phục hồi chức năng. Việc luyện tập sớm và kiên trì có thể rút ngắn thời gian lành xương và tăng khả năng phục hồi hoàn toàn.
Gãy xương bánh chè có đi lại được không?
Gãy xương bánh chè có đi lại được không chủ yếu phụ thuộc vào các phương pháp điều trị và quá trình phục hồi. Chấn thương này thường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng gấp duỗi đầu gối và đi lại của bệnh nhân. Nguyên nhân là do xương bánh chè nằm ở trung tâm đầu gối, nối xương đùi và xương chày. Nó giúp điều chỉnh lực, hướng của các cơ gân và xương.
Tuy nhiên điều trị theo chỉ định kết hợp vận động trị liệu sớm và tích cực có thể giúp xương lành lại đúng cách, người bệnh đi lại bình thường và trở lại với các hoạt động.
Những trường hợp trì hoãn điều trị hoặc bất động lâu ngày có thể gây yếu hoặc teo cơ tứ đầu đùi sau chấn thương, xơ hóa/ vôi hóa các dây chằng bao khớp. Những tình trạng này đều có khả năng gây cứng khớp gối và mất chuyển động của chi.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể gặp biến chứng ngay cả khi đã điều trị thành công. Điều này có thể làm giảm hoặc mất dần khả năng vận động ở đầu gối.
Một số biến chứng ảnh hưởng đến khả năng vận động sau gãy xương bánh chè:
- Viêm khớp gối: Sụn khớp có thể bị hỏng ngay cả khi xương lành lại bình thường. Điều này dẫn đến viêm khớp gối sau chấn thương, đau và cứng khớp theo thời gian. Từ đó ảnh hưởng đến khả năng gấp duỗi và đi lại bình thường.
- Yếu cơ: Cơ tứ đầu đùi có thể bị yếu vĩnh viễn sau khi xương bánh chè bị gãy. Điều này gây yếu chi, có cảm giác không vững chắc khi đi lại.
- Đau mãn tính: Sau chấn thương, người bệnh thường bị đau lâu dài ở phía trước đầu gối. Điều này thường liên quan đến tình trạng suy yếu của các cơ, cứng khớp gối và viêm khớp. Đau mãn tính khiến người bệnh có xu hướng đi lại khập khiễng.
- Teo cơ chân: Bất động lâu ngày do chấn thương hoặc bó bột gây teo cơ chân và tăng nguy cơ liệt ở bệnh nhân. Để ngăn ngừa các biện pháp điều trị và phục hồi cần được thực hiện sớm.
- Khớp giả xương bánh chè: Biến chứng này làm ảnh hưởng đến chuyển động linh hoạt của đầu gối và khả năng đi lại bình thường của bệnh nhân. Khớp giả xương bánh chè xảy ra ở những người không giữ bột đúng thời gian.
Điều trị và phục hồi gãy xương bánh chè hiệu quả
Để tăng tốc độ lành xương và sớm đi lại bình thường, người bệnh cần điều trị gãy xương bánh chè theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời tập phục hồi chức năng sớm với những bài tập thích hợp.
1. Điều trị gãy xương bánh chè
Dựa vào tình trạng cụ thể, gãy xương bánh chè có thể được điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật.
- Điều trị bảo tồn (bó bột/ nẹp)
Điều trị bảo tồn được chỉ định cho bệnh nhân có xương gãy ở vị trí tốt, không di lệch hoặc di lệch ít (giãn cách < 3mm), mặt sau xương chênh lệch khớp < 1mm.
Sau thăm khám, người bệnh được nẹp hoặc bó bột đùi bàn chân với đầu gối duỗi hoàn toàn. Phương pháp này giúp người bệnh bất động, tránh những hoạt động không cần thiết gây tổn thương thêm và giữ động gối duỗi thẳng.
Ngoài ra bó bột còn có tác dụng giữ các mảnh gãy của xương bánh chè ở vị trí đúng. Điều này giúp xương liền lại nhanh và đúng cách, ngăn di lệch hoặc tổn thương thêm. Từ đó hỗ trợ người bệnh lấy lại chức năng vận động sau bó bột.
- Điều trị phẫu thuật
Trong phẫu thuật gãy xương bánh chè, người bệnh được giảm mở và cố định trong. Khi thực hiện, các mảnh gãy được đưa về đúng vị trí (qua vết rạch ở đầu gối). Sau đó các xương được giữ lại bằng thiết bị kim loại. Phương pháp này giúp các mảnh gãy liền lại, phục hồi cấu trúc và chức năng ban đầu của xương bánh chè.
Tùy thuộc vào tình trạng, bác sĩ có thể giữ xương bằng vít xốp. Hoặc xuyên song song hai đinh Kirschner kết hợp buộc vòng nẹp số 8. Ổ gãy phải được cố định vững chắc để quá trình luyện tập diễn ra sớm và suôn sẻ.
2. Chăm sóc và phục hồi chức năng
Để sớm lấy lại chức năng vận động và đi lại bình thường, vết thương cần được chăm sóc tốt kết hợp vật lý trị liệu sớm và tích cực.
- Chăm sóc đầu gối
Nếu bó bột, cần giữ cho băng bột luôn khô ráo và sạch sẽ. Tránh để băng ẩm ướt để không gây nhiễm trùng bên trong. Sau 6 – 9 tuần, cắt băng bột theo lịch hẹn của bác sĩ.
Đối với trường hợp phẫu thuật, vết mổ cần được giữ sạch sẽ, thay băng mỗi 2 hoặc 3 ngày 1 lần. Theo dõi và thông báo với bác sĩ nếu có bất thường. Chẳng hạn như chảy dịch tiết hoặc mủ ở vết thương, sưng và tấy đỏ, đau dai dẳng…
Người bệnh được yêu cầu không đặt trọng lượng lên đầu gối trong vòng 6 đến 8 tuần. Những tuần tiếp theo có thể tập đi với nạng có chống chân (chống chân một phần hoặc hoàn toàn). Đồng thời thực hiện thêm những bài tập tăng cường sức mạnh khác.
- Biện pháp giảm đau
Sau chấn thương, cơn đau kéo dài từ vài ngày để vài tuần kèm theo sưng. Đau và sưng nhiều hơn khi phẫu thuật. Tình trạng này có thể được giảm nhẹ bằng biện pháp chườm đá kết hợp kê cao chân và dùng thuốc giảm đau không kê đơn (chẳng hạn như Acetaminophen).
Những trường hợp đau nặng (đặc biệt là đau sau phẫu thuật) được dùng thuốc kê đơn, chẳng hạn như thuốc giảm đau nhóm opioid. Việc sử dụng opioid thường mang đến hiệu quả nhanh chóng. Tuy nhiên thuốc này cần được dùng ở liều thích hợp để tránh tác dụng phụ.
- Vật lý trị liệu
Bệnh nhân được tập vật lý trị liệu để lấy lại sức mạnh và phục hồi chức năng hoàn toàn. So với điều trị bảo tồn, các cử động sẽ diễn ra sớm hơn ở người phẫu thuật gãy xương bánh chè.
Đối với bệnh nhân bó bột
Người bệnh cần bất động khớp gối trong nẹp/ bột khoảng 6 – 8 tuần, không đặt trọng lượng lên chân bị thương. Trong quá trình này, người bệnh có thể thực hiện các cử động ở cổ chân, các ngón chân và hông để tăng lưu thông máu và duy trì tầm vận động cho các khớp xương.
Ngoài ra người bệnh được hướng dẫn co cơ tĩnh trong nẹp/ bột (đặc biệt cơ tứ đầu). Điều này giúp kích thích quá trình liền lại của xương và phục hồi cơ. Sau khi bột khô, bệnh nhân tập đi với nạng không chống chân.
Sau cắt bột/ tháo nẹp, người bệnh được tập đi với nạng có chống chân, tập co cơ và gấp duỗi. Tăng cường độ luyện tập với các bài tập nặng hơn trong những tuần tiếp theo. Cụ thể tập kéo giãn, tập gấp gối và duỗi khớp tăng dần, đạp xe đạp, xuống tấn, tập bơi, tập trên dụng cụ chuyên biệt…
Những bài tập nêu trên có tác dụng tăng cường cơ quanh khớp gối, lấy lại sức mạnh và chức năng vận động cho đôi chân. Đồng thời tăng tính linh hoạt và giúp người bệnh đi lại bình thường.
Đối với bệnh nhân phẫu thuật
Vài tiếng sau phẫu thuật, bệnh nhân được tập co cơ tĩnh trong nẹp, tập chủ động ở cổ chân, bàn chân và khớp háng. Trong 2 tuần tiếp theo, duỗi gối tối đa, tập co cơ tĩnh, gấp gối 90 độ và chườm lạnh đầu gối, kết hợp băng chun ép cố định.
Bệnh nhân tiếp tục tập đi với nạng không chống chân để tăng khả năng kiểm soát cơ đùi. Sau phẫu thuật 2 – 6 tuần, vận động đầu gối với những bài tập thích hợp. Cụ thể co duỗi đầu gối có trợ giúp hoặc chủ động, tập đi với nạng có chống chân nhẹ.
Sau tháo nẹp, bệnh nhân được xoa bóp nhẹ nhàng để tăng tuần hoàn máu, thư giãn và chống kết dính xung quanh sẹo mổ. Từ tuần thứ 9 đến tuần thứ 12, tiếp tục tập gấp duỗi đầu gối, tăng trọng lượng lên chân bị thương, tập kéo giãn để tăng tính linh hoạt và xây dựng các cơ.
Tham khảo thêm: TOP 10 Bác Sĩ Phục Hồi Chức Năng Giỏi Nhất Nước Ta
- Luyện tập vừa phải sau điều trị
Sau điều trị và phục hồi chức năng tại bệnh viện, người bệnh tiếp tục luyện tập vừa phải. Tránh những chuyển động quá mức như gập gối đột ngột, ngồi xổm sâu lặp lại nhiều lần. Điều này giúp ngăn chấn thương tái diễn.
- Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp
Nên thiết lập chế độ ăn uống phù hợp trong quá trình điều trị và phục hồi chức năng gãy xương bánh chè. Điều này giúp thúc đẩy sự lành lại của các xương. Cụ thể tăng cường bổ sung canxi và vitamin D từ thực phẩm lành mạnh (sữa, trứng, tôm, rau xanh, phô mai, đậu, hạt…) giúp tăng sản sinh mô xương mới, kích thích xương gãy liền nhanh.
Ngoài ra canxi và vitamin D còn có tác dụng tăng mật độ khoáng xương, giúp xương khớp chức khỏe. Từ đó tăng khả năng phục hồi chức năng hoàn toàn, người bệnh đi lại và vận động linh hoạt.
Thêm các loại thực phẩm giàu omega-3, vitamin C và protein vào chế độ ăn uống (như trái cây, rau củ quả, dầu cá, hạnh nhân, thịt, cá hồi, trứng cá…). Nhóm dưỡng chất này giúp tăng khả năng kháng viêm và giảm đau. Đồng thời xây dựng cơ bắp và dây chằng chắc khỏe, hỗ trợ vận động và làm vững khớp gối.
Những thông tin trong bài giúp giải đáp “Bị gãy xương bánh chè bao lâu thì lành, có đi lại được không”, các phương pháp điều trị và phục hồi hiệu quả. Nhìn chung, người bị gãy xương bánh chè có thể trở lại các hoạt động bình thường sau 3 – 6 tháng, mất hơn 1 năm để hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên cần đảm bảo chăm sóc đúng cách và tập phục hồi sớm để không làm ảnh hưởng đến quá trình hồi phục.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!